Trang mới   https://gpquinhon.org

Tìm hiểu lịch sử Giáo phận Qui Nhơn {1}

Đăng lúc: Thứ hai - 01/10/2012 04:52 - Người đăng bài viết: GPQN
TÀI LIỆU HỌC HỎI

VỀ LỊCH SỬ GIÁO PHẬN QUI NHƠN

THỜI KỲ CÁC THỪA SAI DÒNG TÊN

 
ĐOÀN THỪA SAI DÒNG TÊN ĐẦU TIÊN  ĐẾN ĐÀNG TRONG

 
1. Bối cảnh xã hội và công cuộc truyền giáo ở Việt Nam vào cuối thế kỷ 16 – đầu thế kỷ 17.
 
Kể từ năm 1600, nước Việt Nam bị chúa Trịnh và Chúa Nguyễn phân chia, lấy sông Gianh làm giới tuyến. Từ Sông Gianh ra Bắc được gọi là Đàng Ngoài thuộc quyền chúa Trịnh. Từ sông Gianh trở vô Nam được gọi là Đàng Trong thuộc quyền chúa Nguyễn. Vua Lê đóng đô tại Thăng Long vẫn được Đàng Trong và Đàng Ngoài thần phục, nhìn nhận là vua của đất nước. Lúc bấy giờ Phú Yên là biên giới phía Nam của Đàng Trong.
 
Từ đầu thế kỷ XVI, tàu buôn người Bồ đã bắt đầu đi lại buôn bán với người Việt và cũng đã có thừa sai Tây phương theo tàu buôn của họ vào Việt Nam. Tuy nhiên các thừa sai nầy chủ yếu làm tuyên úy cho các thương nhân Bồ hơn là chủ ý truyền giáo cho dân Việt.
 
 Từ năm 1615, công cuộc truyền giáo tại Việt Nam được các thừa sai Dòng Tên từ Áo Môn đến tổ chức đầy đủ và liên tục. Áo Môn hiện nay thuộc Trung Quốc. Lúc bấy giờ là một khu cảng thương mại của người Bồ. Ngày 23.01.1576, Tòa Thánh thành lập giáo phận Áo Môn bao gồm Trung Hoa, Nhật Bản, Triều Tiên và Việt Nam. Tại đây có trung tâm truyền giáo của các thừa sai Dòng Tên.
 
2. Các thừa sai Dòng Tên đầu tiên đến Đàng Trong
 
Ngày 18.1.1615, đoàn thừa sai Dòng Tên đầu tiên tới Cửa Hàn ( Đà Nẵng), được chúa Nguyễn cho lập cư sở tại Hội An gồm có cha Francesco Buzomi (Ý), cha Diego Carvalho (Bồ Đào Nha) và thầy Antonio Diaz (Bồ Đào Nha). Đây là mốc điểm lịch sử quan trọng trong công cuộc rao giảng Tin Mừng cho Việt Nam. Biết được công cuộc truyền giáo ở Đàng Trong đem lại nhiều kết quả và hứa hẹn, Bề trên Dòng Tên tại Áo Môn phái thêm các thừa sai đến làm việc truyền giáo.
 
Vào tháng 7 năm 1618, với sự giúp đỡ nhiệt tình của ông Trần Đức Hòa, Khám lý Tuần phủ Qui Nhơn, Cha Francesco Buzomi, Cha Cristoforo Borri ( Ý ), Cha Francisco de Pina ( Bồ ), Tu huynh Antonio Dias, đã đến và thành lập trụ sở truyền giáo tại Nước Mặn. Ngày nay thuộc thôn An Hòa, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Hiện nay, công trình kỷ niệm việc các thừa sai Dòng Tên đầu tiên đến lập cơ sở truyền giáo tại Nước Mặn đã được Tòa Giám Mục Qui Nhơn xây dựng và hoàn thành vào ngày 05 tháng 8 năm 2011.
 
Năm 1623, Cha de Pina được phái đến hoạt động truyền giáo và lập cư sở ở Thành Chiêm, Quảng Nam. Như thế, từ thời điểm năm 1623, các thừa sai Dòng Tên đã có 03 cư sở: Hội An, Nước Mặn và Thành Chiêm. Từ ba cư sở nầy, các thừa sai Dòng Tên đã đặt được nền móng cho công cuộc truyền giáo tại Đàng Trong.
 
Theo báo cáo thường niên gởi về nhà Dòng năm 1625, các thừa sai tại Nước Mặn ban bí tích rửa tội cho 602 người, tại Hội An 325 người; tại Thanh Chiêm 306 người. Tính từ năm 1615 đến ngày 06/02/1665, ngày chúa Hiền ra lệnh trục xuất tất cả các thừa sai, tổng số thừa sai Dòng Tên đã đến làm việc tại Đàng Trong là 38 người, thuộc 10 quốc tịch khác nhau.
 
CÁC THỪA SAI DÒNG TÊN TIÊU BIỂU  TRONG CÔNG CUỘC TRUYỀN GIÁO  TẠI ĐÀNG TRONG
 
Trong số những thừa sai Dòng Tên đã đến làm việc tại Đàng Trong, có cha Buzomi và cha Đắc Lộ là hai thừa sai mà tên tuổi sẽ không bao giờ phai mờ trong lịch sử khai nguyên công giáo Việt Nam.
 
Cha Buzomi hoạt động truyền giáo tại Đàng Trong ngót nghét 25 năm. Cha luôn bám sát giáo đoàn trừ những khi lệnh trục xuất quá gắt gao không thể ẩn trốn nơi đâu, cha phải tránh qua Chiêm Thành, Cao Miên hay về Áo môn. Nói về cha Buzomi, trong suốt thời gian hy sinh cho giáo đoàn Đàng Trong, cha Đắc Lộ đã viết: “Thật là một người đạo đức thánh thiện, hy sinh trong hoạt động, can đảm trong gian lao, cương quyết trong định đoạt. Cha đã hoàn toàn hiến dâng hy sinh tất cả cho giáo đoàn xứ đó và cha đã thành công. Bước vào Đàng Trong với một số vài người giáo dân, lúc về trời cha đã để lại một con số ít nhất là 12 ngàn. Bao nhiêu giáo dân là bấy nhiêu triều thiên của cha”. [1]
 
Tháng 12/1624, cha Đắc Lộ đến Đàng Trong. Cha ở Thành Chiêm học tiếng Việt và những kinh nghiệm truyền giáo của cha de Pina. Công việc sửa soạn đã tạm đủ. Tháng 7/1626 cha Đắc Lộ được bề trên ủy nhiệm cho sứ mệnh mở đầu công cuộc truyền giáo ở Đàng Ngoài cùng với cha Pedro Marquez. Hai cha đến Cửa Bạng, Thanh Hóa vào ngày lễ thánh Giuse 19/3/1627. Sau hai năm làm việc truyền giáo, gặt hái nhiều kết quả, cuối tháng Ba năm 1629, hai cha bị trục xuất về Áo Môn.
 
Trong suốt 10 năm ở Áo Môn nhưng lòng cha Đắc Lộ vẫn ở Việt Nam. Năm 1639, chúa Thượng Nguyễn Phước Lan trục xuất tất cả thừa sai khỏi Đàng Trong. Cha Đắc Lộ được bề trên phái đến Đàng Trong. Trong hoàn cảnh rất khó khăn từ năm 1640 đến năm 1645, cha Đắc Lộ phải sống chui, đi đi về về giữa Áo Môn và Đàng Trong tới 04 lần. Trong thời sống chui đó, cha Đắc Lộ đã lén đi thăm, an ủi giáo dân từ Cửa Hàn, Hội An, Hà Lam (Quảng Nam); Chợ Mới, Bàu Gốc, Vom (Quảng Ngãi); Bến Đá, Gia Hựu (Bình Định); đến Dinh Trấn Biên ( Phú Yên).
 
Lễ Phục Sinh năm 1641, cha Đắc Lộ đến Phú Yên và ở đây hơn hai tháng, thăm viếng tín hữu trong vùng, ban bí tích rửa tội cho 1.355 người. Trước khi rời Phú Yên, cha rửa tội cho 90 người tại nhà nguyện Dinh Trấn Biên [2], trong số đó có Anrê Phú Yên. Năm sau cha Đắc Lộ trở lại Phú Yên và nhận Anrê Phú Yên vào đoàn thầy giảng do cha thành lập tại Hội An. Ngày 26 tháng 7 năm 1644, thầy Anrê Phú Yên chịu tử đạo. Hôm đó, ngày mồng 3 tháng 7/ 1645, cha từ giã đất Việt thân yêu của cha. Cha ra đi mang theo lễ vật quý giá: thủ cấp thầy giảng Anrê Phú Yên, vị tử đạo tiên khởi của Giáo hội Việt Nam.
 
Ngày 09/09/1659, Tòa Thánh đã thành lập hai giáo phận đầu tiên tại Việt nam. Thành quả nầy phần lớn là nhờ công khó cha Đắc Lộ đã vận động. Cha đã viết nhiều tác phẩm bằng chữ quốc ngữ có giá trị về mặt tôn giáo cũng như mặt văn hóa và xã hội.
 
CHÂN PHƯỚC ANRÊ PHÚ YÊN:  ĐƯỢC BIẾT VÀ YÊU MẾN CHÚA GIÊSU
 
Theo lời cha Đắc Lộ xác nhận: “Đúng 03 năm trước khi chết, mẹ thầy dẫn thầy đến cho tôi, và tôi được hạnh phúc rửa tội cho thầy” (Người Chứng Thứ Nhất, trang 202).
 
Nhờ người mẹ đạo đức, Bà Gioanna, Anrê Phú Yên đã được biết và yêu mến Chúa Giêsu. Nói được rằng Anrê Phú Yên đã lớn lên trong bầu sữa đức tin của người mẹ. Linh mục Philipphê Bỉnh viết: “Bà rất chăm sóc việc giáo dục cho Anrê về đường đức hạnh và đường học vấn”. (Truyện Đàng Trão, trang 46).
 
Được nhận tên Thánh Anrê khi chịu phép rửa tội, tên gọi dân sự của thầy cho đến nay vẫn chưa tìm thấy bút tích nào để lại. Tên thánh rửa tội Anrê cùng với quê quán là tên gọi của Anrê Phú Yên. Chúng ta cũng không biết rõ về gia thế, căn cứ vào năm thầy tử đạo 1644, Cha Đắc Lộ xác nhận lúc ấy thầy 19 tuổi, chúng ta biết được thầy đã chào đời năm 1625, là người con út trong gia đình. Có thể thầy đã mồ côi cha trước khi chịu phép rửa tội, mẹ thầy là bà Gioanna, một người mẹ công giáo đúng nghĩa, chẳng những nuôi con khôn lớn mà còn dạy cho con biết đức tin, lối vào sự sống đời đời. Vùng đất thuộc Giáo Xứ Mằng Lăng ngày nay có dòng sông Cái và ruộng đất màu mỡ là nơi gia đình Anrê sinh sống.
 
Gần gũi với sông nước hữu tình, với thiên nhiên hiền hòa, với người mẹ đạo đức là những yếu tố tự nhiên ảnh hưởng tâm hồn của Anrê, chuẩn bị cho Anrê đón nhận ơn thánh của Bí tích Thánh Tẩy và lớn lên trong ơn thánh như Cha Đắc Lộ nói: “Thầy bản tính hiền lành, trong sạch, ngay thật, rất có khả năng chịu mọi tác dụng của ơn thánh hóa. Mới chịu phép rửa tội chưa bao lâu, thầy đã miệt mài trên đường nhân đức, và đã tiến bộ mau chóng, đến nỗi chỉ trong thời gian ngắn đã đạt được trình độ mà người khác phải nhiều năm mới đạt tới”.
 
Đầu tháng 03 năm 1644, cả hai nhóm thầy giảng tập trung về Đà Nẵng, lúc bấy giờ Cha Đắc Lộ cũng vừa mới từ Áo Môn trở về Đà Nẵng. Cha con gặp nhau hàn huyên tâm sự và tạ ơn Thiên Chúa. Cuộc đời tận hiến và làm việc truyền giáo đã chiếm lĩnh toàn bộ con tim, khối óc và sức lực của các thầy giảng, cách riêng Anrê Phú Yên.
 
Được biết Chúa Giêsu, yêu mến Chúa Giêsu và làm chứng cho Chúa Giêsu là hành trình đức tin thánh Tông Đồ Anrê đã đi. Sau 17 thế kỷ, cũng từ miền sông nước, một Anrê khác theo gương vị Bổn mạng của mình, đã từ bỏ Sõng lưới, từ bỏ ruộng vườn, từ bỏ gia đình...để dành trọn vẹn tình yêu cho Chúa Giêsu. “Hãy giữ nghĩa cùng Chúa Giêsu cho đến hết hơi, cho đến trọn đời” là châm ngôn sống của Anrê. Cha Đắc Lộ kể lại những giây phút cuối cùng cuộc đời dương thế của thầy Anrê chiều hôm 26/07/1644: “Người thanh niên thánh thiện nầy vẫn không ngớt đọc Thánh Danh Chúa Giêsu; ngay khi đầu của thầy đã rời khỏi cuống họng, và nằm ngả trên vai bên phải, tôi nghe thấy rỏ ràng tên cực trọng Giêsu phát ra từ vết thương nơi cổ, cùng một giọng giống hệt như từ cửa miệng phát ra lúc trước; tôi nghe thấy thế rất rõ ràng và tất cả những người gần tôi lúc ấy đều nói như vậy, vừa vui mừng, lại vừa kinh ngạc. Thánh Danh Giêsu không thể phát ra từ miệng thầy nữa, thì lại phát ra từ trái tim thầy, ngay đang lúc thôi đập, để tỏ rằng trái tim nầy dầu có chết, cũng còn giữ mãi Thánh Danh kia, và khi không thể dùng miệng lưỡi mà ca ngợi Danh Thánh Giêsu được, thì thầy dùng chính vết thương mình mà ca ngợi Danh Chúa...” (NCTN-sđd, trang 156-157).

CHÂN PHƯỚC ANRÊ PHÚ YÊN:  TÍN THÁC HOÀN TOÀN VÀO TÌNH YÊU QUAN PHÒNG CỦA CHA TRÊN TRỜI .
 
Năm 1642 Cha Đắc Lộ có dịp đến Phú Yên lần thứ hai, Anrê Phú Yên ngỏ lời với cha Đắc Lộ, xin theo Cha giúp việc truyền giáo. Lúc đầu cha Đắc Lộ từ chối vì Anrê còn trẻ, hơn nữa trong thời buổi cấm đạo việc di chuyển của đoàn truyền giáo có đông người là điều nên tránh. Tuy nhiên sự kiên trì nài nỉ của Anrê và của người mẹ đạo đức, đến không để van xin cho con út quý yêu của mình được ‘ngồi bên tả hay bên hữu’ mà đến để van xin được đồng hành yêu mến và làm chứng cho Chúa Giêsu. Thiện chí đó đã khiến Cha Đắc Lộ gạt sang một bên cái lôgíc rất hợp tình hợp lý, rất khôn ngoan, rất người kia, để nhường chổ cho cái lôgíc tình yêu quan phòng huyền nhiệm của Thiên Chúa chiếm hữu và hướng dẫn. Hoan hô Cha Đắc Lộ! Bài giáo lý bao đồng Cha truyền lại cho Anrê Phú Yên không phải là những lời nói suông mà là một thái độ sống ấn tượng. Anrê đã nhập tâm bài giáo lý bao đồng ấy: Tín thác hoàn toàn vào tình yêu quan phòng của Cha trên trời. Lòng tín thác ấy đã được tỏ lộ mạnh mẽ trong cuộc đời, nhất là lúc đối diện với đau khổ và cái chết.
 
Trong sân nhà lao, Anrê Phú Yên đã khẳng định lòng tín thác đó khi nói với đám đông lương giáo vây quanh mình: “Các anh em thấy rõ tôi đây đã bị bắt và sắp phải chết, chẳng phải vì ăn cướp, giết người hay làm thiệt hại ai, mà chỉ vì tôi đã nhìn nhận Chúa tể trời đất và Con Một Người xuống thế chuộc tội cho ta. Mọi sự ta có đều do Người. Thế mà người ta lại muốn tôi phạm đến Người. Tôi chẳng sợ bất cứ hình phạt nào người ta có thể bắt tôi chịu, tôi chỉ sợ lửa hoả ngục đời đời. Hỡi anh em, anh em hãy coi chừng, đừng từ chối ơn Đức Chúa Trời đã ban cho anh em ” (NCTN-sđd. tr.148). Và khi đã bị lý hình hành quyết như Cha Đắc Lộ kể:“ Tôi mê hồn nhìn thấy người thanh niên chân phước kia, lúc ấy quỳ gối, và đã bị đâm ba lần ở sau lưng, chẳng những không ngã quỵ, mà lại không hề lay chuyển; Thầy được vững mạnh như vậy trong ơn thánh sủng nâng đỡ Thầy; Thầy vẫn luôn luôn không chuyển động, và tôi thấy diện mạo của Thầy không mất chút nào về vẻ bình thản cũng như về màu sắc”. (NCTN-sđd, tr. 156)
 
“Những gì thế gian cho là điên dại, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ khôn ngoan, và những gì thế gian cho là yếu kém, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ hùng mạnh, những gì thế gian cho là hèn mạt không đáng kể, là không có, thì Thiên Chúa đã chọn để hủy diệt những gì hiện có” (1C 1,27-28).
 
Quả vậy, Thiên Chúa Tình Yêu và Toàn Năng đã làm những điều đó nơi cuộc đời thầy Anrê Phú Yên. Cha Đắc Lộ viết:“Thầy sống giữa chúng tôi như một vị thánh nhỏ”. Quả vậy, Anrê nhỏ con, nhỏ người, ốm yếu, làm những việc nhỏ: Dọn bàn thờ, làm hang đá, chăm sóc bệnh nhân..., nhỏ nhất trong nhóm thầy giảng Đàng Trong, nhỏ tuổi đời, nhỏ tuổi đạo, nhỏ tuổi tu: Sinh năm 1625, rửa tội năm 1641, nhập đoàn thầy giảng năm 1642, khấn trọn năm 1643, tử đạo năm 1644. “Ơn Ta đủ cho con” (2C 12,9). Thiên Chúa đã chọn và ban ơn đủ cho người con nhỏ đầy lòng tín thác vào Ngài.
 
Qua Anrê Phú Yên, một lần nữa ‘con đường thơ ấu’ của Tin Mừng được chứng nghiệm. Càng khiêm nhường, ơn Chúa càng cao dày; càng trở nên bé thơ càng đón nhận được nhiều âu yếm của Thiên Chúa, “Như người mẹ âu yếm con mình, cũng thế, Ta sẽ an ủi con, Ta sẽ bồng con trên ngực của Ta, và Ta sẽ ru con trên gối của Ta’’ (Is 66, 12-13).
 
CHÂN PHƯỚC ANRÊ PHÚ YÊN:  QUÊN MÌNH ĐỂ PHỤC VỤ
 
Nơi trường thầy giảng ở Hội An, Anrê theo đuổi việc tu đức và học vấn nhưng không bỏ qua những việc cần làm để giúp đỡ người khác, như Cha Đắc lộ nhận xét người học trò nhỏ của mình: “Người thầy không khỏe mạnh gì lắm, thế mà việc khó mấy trong nhà, thầy cũng làm luôn, nhiều khi lại làm quá sức mình; thầy quên mình để giúp kẻ khác”. Sự thông minh và những khả năng của thầy chẳng làm hại chút nào đến đường tu đức của thầy: “Tất cả những lợi điểm đó chẳng làm cho thầy có chút vẻ gì là kiêu ngạo hay tự mãn: Thầy coi mình như kém hết mọi người, và không có gì làm cho thầy bằng lòng hơn là được dịp phục vụ người khác”.
 
Ngày 25 tháng 7 năm 1644, ông Nghè Bộ cho lính đến trụ sở Dòng Tên tại Hội An tìm bắt thầy Inhaxiô theo lệnh bà Tống Thị. Hôm ấy Cha Đắc Lộ và thầy Inhaxiô cùng với 04 thầy khác đang đi làm việc tông đồ, thầy Anrê Phú Yên ở nhà săn sóc 04 thầy trong nhóm đang bị bệnh. Toán lính không tìm thấy thầy Inhaxiô, Thầy Anrê bạo dạn nói với toán lính: “Nếu các ông muốn bắt thầy Inhaxiô thì vô ích vì Inhaxiô không có ở đây. Còn muốn bắt tôi thì rất dễ dàng, tôi là tín hữu, hơn nữa là thầy giảng. Tôi có cả hai tội mà các ông khép cho thầy Inhaxiô để bắt thầy ấy. Nếu thầy ấy có tội thì tôi làm sao vô tội được”.
 
Toán lính không bỏ lỡ cơ hội, họ bắt và trói thầy Anrê như chiên hiền lành không chống cự. Sau đó toán lính lôi một thầy đang đau nằm trên giường, định bắt giải đi. Thầy Anrê dịu ngọt thuyết phục, họ để cho thầy ấy được tự do, còn chính người van xin biện hộ cho anh em thì lên đường khổ nạn.
 
Với đức nhân, với lòng dũng cảm, với trí khôn ngoan cùng với ơn thánh, thầy Anrê quyết định để cho lính bắt thầy mau chóng như thế; có thể vì thầy đã nghĩ rằng: Thầy là người em út trong nhóm thầy giảng, thầy có mất đi cũng không ảnh hưởng gì đến sinh hoạt, đến sự sống còn của nhóm. Trong khi nếu thầy Inhxiô, người anh cả khôn ngoan, bản lĩnh...mất đi thì sẽ ảnh hưởng lớn đến nhóm. Cha Đắc Lộ là sư phụ, là linh hồn của nhóm, nhưng sự hiện diện của cha có tính cách bấp bênh vì lệnh trục xuất của ông Nghè Bộ có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Do đó sự hiện diện của thầy Inhaxiô luôn luôn cần thiết cho anh em, cho công cuộc truyền giáo. Để cho lính bắt thầy như một ‘chiến lợi phẩm’, điều đó có thể làm dịu đi việc truy tìm thầy Inhaxiô, đồng thời là tiếng chuông báo động nguy hiểm cho thầy Inhaxiô để có thể trốn thoát.
 
Nghe hung tín, Cha Đắc Lộ vội vàng cho các thầy giảng tìm nơi ẩn núp. Còn thầy Anrê đã chọn hy sinh, quên mình làm hướng đi và thầy đã trung thành đến hơi thở cuối cùng với lựa chọn của mình.
 
Ông Nghè Bộ ra lệnh thi hành bản án nội trong ngày hôm ấy, 26-7-1644. Khoảng 05 giờ chiều, bốn mươi người lính áp giải thầy Anrê ra pháp trường Gò Xử, cách Dinh Trấn chừng nữa dặm (800-1000m). Tại Gò Xử, lính đứng bao quanh thầy Anrê Phú Yên. Cha Đắc Lộ được phép viên chỉ huy cho vào săn sóc thầy Anrê trong giờ phút sau hết theo lời Cha thỉnh cầu. Cha Đắc Lộ trải chiếu cho thầy quỳ, nhưng thầy xin được quỳ trên đất để máu thấm xuống đất như Chúa Giêsu xưa. Lính tháo gông rồi lấy dây thừng trói quanh người thầy, thầy biết đã đến giờ phải nói lời từ biệt. Thầy quay lại nhìn cha Đắc Lộ và các giáo hữu rồi nói: “Hãy giữ nghĩa cùng Chúa Giêsu cho đến hết hơi, cho đến trọn đời”.          
 
NHỮNG TÔNG ĐỒ GIÁO DÂN TIÊU BIỂU
 
Khi Tin Mừng đến Việt Nam, đủ mọi từng lớp trong xã hội đã đón nhận và nhiệt tình loan báo Tin Mừng. Trong số đó có những tông đồ giáo dân tiêu biểu như:
 
- Các Thầy giảng.
 
- Bà Minh Đức Vương Thái Phi.
 
- Bà Maria Mađalêna, Ngọc Liên Công Chúa, vợ quan trấn thủ dinh Phú Yên, được rửa tội năm 1636.
 
- Hai vợ chồng vị sứ thần của chúa Nguyễn được phái sang Cao Miên, cả hai cùng theo Chúa với trên 20 gia nhân vào năm 1621 tại Nước Mặn (Bình Định). Ông tên thánh là Inhaxu, bà là Ursula.
 
1. Các Thầy giảng
 
Cha Đắc Lộ nhận xét về các thầy giảng: “Tôi không thể nói đến ơn Đức Chúa Trời xui khiến 10 thanh niên đến hợp tác với tôi trong việc truyền bá Đức Tin. Mười thanh niên này ở các tỉnh khác nhau. Tất cả đều dâng mình cho Chúa và tận tâm với Hội Thánh. Trong số ấy có 3 người được phúc tử đạo là Thầy Anrê Phú Yên, Thầy Inhaxiô, trước đã làm quan, thông Hán học, có nhân đức cao cả, và Thầy Vinh Sơn[3]” (Voyages et Missions, 1854, trang 187-188).
 
2. Bà Minh Đức Vương Thái Phi
 
Bà Minh Đức Vương Thái Phi (1568-1649) là vợ cuối cùng của chúa Nguyễn Hoàng, là mẹ của Hoàng tử Khê. Bà tin Chúa và theo Chúa vào năm 1625 do cha de Pina làm phép rửa tội với tên thánh Maria Mađalêna.
 
Những tín hữu được khai sinh trong nhà bà Minh Đức:
 
Sau khi nhập đạo, bà Minh Đức hằng lo lắng cho con cháu bà cũng được ơn nhận biết Chúa. Lo cho con cháu trở lại chưa đủ, bà Minh Đức còn làm việc tông đồ trên một phạm vi rộng rãi hơn nữa, giữa đồng bào khắp nước. Bà đã nhiệt thành cộng tác vào việc tông đồ dưới mọi hình thức: xây dựng nhà thờ, giúp đỡ các thừa sai, che chở giáo dân, làm gương sáng, khuyên nhiều người tin Chúa, trong số nầy đáng kể có Thầy giảng Inhaxiô, nguyên là quan chức trong dinh của Hoàng Khê.
 
Sau khi cha Đắc Lộ bị bắt buộc rời khỏi xứ, Thầy Inhaxiô cùng các thầy giảng khác và nhất là bà Minh Đức, đã trở nên cột trụ cho tất cả bổn đạo nương cậy trong lúc thiếu bóng linh mục. Bà hưởng thọ ngoài 80 tuổi, thủ tiết 36 năm, và đã can đảm giữ Đức tin, tận tụy với việc tông đồ trong khoảng 24 năm liền.
 
3. Bà Ngọc Liên Công Chúa
 
Cha Đắc Lộ ghi nhận về bà Ngọc Liên: “Một bà nhân đức tên là Maria Madalena, vợ quan trấn thủ, đã làm nhiều việc thiện trong tỉnh Phú Yên, bà còn là một người sáng lập một bệnh viện để chăm sóc tất cả giáo dân và người tân tòng bị chứng bất trị. Trong đám bệnh nhân có mấy người cùi sẵn sàng chịu phép rửa tội, để được trong sạch trong linh hồn. Mỗi ngày người ta giảng dạy những điều cần thiết để chuẩn bị phép bí tích ban ơn thánh, có mấy người bổn đạo cũ đến giúp và dự vào việc huấn giáo” [4]. Ngôi nhà thương của bà Maria Mađalêna ở Phú Yên mở đầu cho các công cuộc từ thiện của Giáo hội Việt Nam. Ngoài ra bà còn cung cấp lương thực cho 12 thầy giảng và một số người nghèo khổ, neo đơn. Năm 1674 bà còn sống và vẫn dạy giáo lý. Không biết bà đã qua đời khi nào.

NHÌN LẠI KINH NGHIỆM TRUYỀN GIÁO CỦA CÁC THỪA SAI DÒNG TÊN
 
Trong tinh thần uống nước nhớ nguồn, biết ơn tiền nhân, soi gương người xưa, nhìn lại hoạt động truyền giáo của các thừa sai dòng Tên trong 50 năm ở Đàng Trong (1615-1665) và 37 năm ở Đàng Ngoài (1626-1663), xét trên yếu tố con người, chúng ta có thể nói rằng công quả, hay thành công của các thừa sai Dòng Tên có được là do các ngài làm việc có phương pháp: tận dụng và thích nghi.
 
1. Tận dụng những thuận lợi
 
- Năng tiếp xúc với các quan chức cũng như tiếp cận người dân Việt sẳn có đời sống thanh bạch, chất phác và tâm hồn từ bi thương người, tôn trọng lễ nghĩa cương thường, nhằm kiến tạo cảm tình, hiểu biết nhau.
 
- Không có óc bài ngoại, nên các thừa sai được giáo dân tôn trọng, quý mến, được coi như những người cha trong nhà. Với tình nghĩa thầy trò, các thừa sai có thể tìm dễ dàng những người cộng tác trung thành và quyến luyến trong hoạt động tông đồ giáo dân, đặc biệt tổ chức thầy giảng là một tổ chức đã được đề cao trong lịch sử truyền giáo Việt nam.
 
- Dùng người Việt để loan Tin Mừng cho người Việt. Các thừa sai đã kể cho chúng ta biết bao kết quả thu lượm được do việc tin tưởng, đào tạo giáo dân đạo đức, khơi động tinh thần truyền giáo những giáo dân như bà Maria Minh Đức, Bà Ngọc Liên công chúa, và nhiều những ‘tông đồ giáo dân bình dân’ xuất sắc trong lãnh vực và nghề nghiệp của mình như bà Gioanna, vừa tảo tần buôn bán vừa đem Tin Mừng đến cho hơn vài chục người. Cụ nghè Giuse, người được kính nể trong trấn Quảng Nam. Cụ được cha de Pina dạy giáo lý. Cụ tìm đến Nước Mặn gặp cha Buzomi để đối chiếu giáo thuyết của hai cha. Cụ quyết định theo Chúa và đã thuyết phục được nhiều người trong nho giới theo Chúa. Trong số đó có cụ Phêrô, cụ Manuêlê và nhất là cụ Phaolô, cố vấn hình luật của quan trấn Quảng Nam. Như hương thơm tỏa lan, từ uy tín, ảnh hưởng các cụ kể trên, nhiều người đã theo Chúa.
 
2. Thích nghi hoàn cảnh và môi trường xã hội
 
Có nhiều thuận lợi nhưng không thiếu thánh giá. Nhiều phen các thừa sai bị trục xuất vì những lý do khác nhau. Các ngài phải trốn lánh và kiên trì vào ra, lui tới vùng truyền giáo như những điệp khúc.
 
Các thừa sai rất hy sinh. Hy sinh ‘bánh mì’ người Âu châu để ‘ăn cơm’ với người Việt. Nhà tranh vách đất như người dân Việt. Một thừa sai có thể phụ trách cả một giáo đoàn rộng lớn, không mấy lúc được nghỉ ngơi, nhiều đêm thức trắng liên tiếp dạy giáo lý, giải tội, yên ủi giáo dân. Tất cả một đời hy sinh vô bờ bến.
Bên lòng hy sinh đó, các thừa sai không hề nghĩ đến việc trục lợi cho mình, cho Dòng mình hay cho quốc gia mình. Trong các bản tường trình hay các sách để lại, chúng ta không hề thấy đả động đến vấn đề quốc gia của các ngài. Tất cả cho dân Việt, không pha trộn vấn đề chính trị trong vấn đề tôn giáo.
 
Chúng ta cũng nhận thấy các thừa sai rất chịu khó đồng hóa với người Việt để tìm hiểu văn hóa, phong tục, tính tình, hòa mình với nếp sống Việt, thích ứng đạo lý với trình độ tinh thần và tình trạng xã hội của người Việt. Chữ quốc ngữ là một công trình thích ứng lớn lao xây dựng nền văn hóa Việt Nam nói chung và cách riêng một nền văn hóa Kitô giáo.
Câu hỏi thảo luận:
 
CÁC THỪA SAI DÒNG TÊN  VỚI NỀN VĂN HÓA VIỆT NAM
 
1. Chữ quốc ngữ 
 
Việc khai sinh chữ quốc ngữ là sự chung tay góp sức của nhiều thừa sai Dòng Tên trong thời kỳ khai sinh Giáo hội Việt Nam. Giai đoạn đầu phải kể đến sự đóng góp của các thừa sai ở Nước Mặn như cha de Pina, cha Borri, cha Buzomi. Công lao của các thừa sai khác như: cha Gaspar d’Amaral, cha Antonio Barbosa và nhất là cha Đắc Lộ là ở các giai đoạn sau. Ngoài ra cũng phải kể đến sự cọng tác của những kitô hữu Việt Nam. Cha de Pina đã được giúp đỡ bởi một học giả trẻ người Việt có tên thánh là Pero, một "nhà văn giỏi chữ Hán bậc nhất" (Roland, tr. 3). Cha Đắc Lộ bày tỏ lòng biết ơn bằng những lời cảm động: "Giúp tôi là một cậu bé bản địa tuyệt vời, người đã dạy tôi trong ba tuần tất cả các thanh điệu của tiếng Việt và cách phát âm tất cả các từ". (Alexandre de Rhodes, Voyages et Missions, 1854, tr. 89)
 
Theo cha Joaõ ROIZ, năm 1620 đã có hai thừa sai nói thạo tiếng Việt đó là cha Pina và cha Borri (Đỗ Quang Chính, Lịch sử chữ quốc ngữ, Sài Gòn 1972, trang 79).
 
Cha Francesco de Pina sang Việt Nam khoảng cuối năm 1617, lúc người ta đang săn đuổi các thừa sai. Năm 1618, cha về ở tại Nước Mặn, cha mới có điều kiện nghiên cứu và học tiếng Việt. Cha ở Nước Mặn hai năm, sau đó cha đi đi về về giữa Nước mặn và Hội An. Cha Chiristoforo Borri sang Việt Nam và chỉ ở tại Nước Mặn từ năm 1618 đến năm 1621 rồi trở về lại Ma Cao. Do đó, có thể nói Nước Mặn là nơi phôi thai chữ Quốc ngữ.
 
2. Những đóng góp quý hóa về xã hội và văn hóa.
 
Các thừa sai Dòng Tên không chỉ góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam trong việc sáng kiến ra chữ quốc ngữ. Với các sách đã xuất bản, các ngài đã để lại cho chúng ta một kho tài liệu quý hóa về lịch sử, địa lý, phong tục, tôn giáo của người Việt Nam thời đó. Các ngài là những người đầu tiên đem nền văn minh Tây phương vào nước Việt và làm trung gian liên lạc hai nền văn hóa Âu Á, nhờ các ngài mà thế giới biết nước Việt chúng ta và trọng người dân Việt.
 
Trong thời gian 50 năm truyền giáo, các thừa sai đã cho xuất bản gần 80 cuốn sách các loại. Trong số các tác phẩm đó, những sách đáng chú ý nhất về lịch sử, địa lý, phong tục, tôn giáo của người Việt là cuốn “Tường trình về khu truyền giáo Đàng Trong” của cha Borri xuất bản lần đầu tiên năm 1631, và cuốn “Lịch sử xứ Bắc Kỳ” của cha Đắc Lộ. Ngoài ra cũng phải nhắc đến hai tác phẩm của cha Đắc Lộ: “Văn phạm Việt ngữ” và “Từ điển Việt-Bồ-La”.
 
3. Tiên khởi khai sinh một nền văn chương Công giáo
 
Những cuốn sách bằng tiếng Việt mà các cha viết cho giáo dân và cho các thầy giảng là những cuốn sách đầu tiên trong tủ sách văn chương công giáo Việt Nam. Đáng chú ý là cuốn sách bổn “Phép Giảng Tám Ngày” của cha Đắc Lộ viết bằng chữ quốc ngữ, in ở Roma. Các cuốn sách khác bằng chữ nôm của cha Majorica, gồm nhiều thể loại: truyện thánh, sách gẫm, kịch tuồng… Theo cha Marini thì cha Majorica đã viết hoặc dịch tất cả 48 cuốn thuộc nhiều thể loại để hướng dẫn đời sống giáo dân trong những khi vắng mặt các thừa sai. Rất tiếc cuốn sách về đạo lý công giáo đầu tiên bằng tiếng Việt ở Nước Mặn, Qui Nhơn, do cha Buzomi và cha de Pina cho ra đời được cha Đắc Lộ nhắc đến nhưng đã bị thất lạc.
 
Tác giả bài viết: GPQN
Đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 55
  • Khách viếng thăm: 42
  • Máy chủ tìm kiếm: 13
  • Hôm nay: 9896
  • Tháng hiện tại: 128249
  • Tổng lượt truy cập: 12417961