Trang mới   https://gpquinhon.org

Tóm lược công cuộc loan báo Tin Mừng tại Phú Yên

Đăng lúc: Thứ hai - 04/03/2013 16:00
LƯỢC TÓM CÔNG CUỘC LOAN BÁO TIN MỪNG TẠI PHÚ YÊN
           
I. CƯ DÂN VIỆT TRÊN ĐẤT PHÚ YÊN
 
NHÀ THỜ TUY HÒA HẠT PHÚ YÊNNgày 1/4/2011 Phú Yên làm lễ kỷ niệm 400 năm hình thành. Năm 1611, tên gọi Phú Yên chính thức xuất hiện với đơn vị hành chính cấp phủ, thuộc dinh Quảng Nam và trở thành vùng đất biên cương phía Nam của Đại Việt. Cư dân Việt đầu tiên ở Phú Yên là những lưu dân từ Thuận Quảng theo Lương Văn Chánh đến lập nghiệp. Ngày mồng 6 tháng 2 năm Đinh Sửu (1597), với tư cách là Tổng trấn Thuận Quảng, Nguyễn Hoàng đã ra lệnh cho Lương Văn Chánh, chiêu dân vào khai khẩn đất hoang tại  Cù Mông (Đầm Cù Mông, huyện Sông Cầu ngày nay), Bà Đài (Châu thổ sông Cái huyện Tuy An ngày nay), Bà Diễn (Châu thổ sông Đà Rằng thành phố Tuy Hòa, huyện Phú Hòa, một phần huyện Tây Hòa ngày nay) và Bà Nông (Châu thổ sông Bàn Thạch, huyện Đông Hòa ngày nay). Ngoài ra còn có hai đợt lưu dân đến Phú Yên lập nghiệp có tổ chức với số lượng đáng kể: Năm 1648 đời chúa Thượng Nguyễn Phước Lan và từ năm 1655 đến năm 1660 đời chúa Hiền Nguyễn Phước Tần. Lưu dân hai đợt này vốn là những binh lính của chúa Trịnh bị chúa Nguyễn bắt và những dân nghèo không có sản nghiệp.
 
II. THỜI KỲ CÁC THỪA SAI DÒNG TÊN 1615-1659, TIN MỪNG ĐẾN PHÚ YÊN
 
Trong khi Phú Yên, miền biên cương Nam Đại Việt đang ổn định tổ chức khẩn hoang, lập làng, thì đoàn truyền giáo của các Thừa sai dòng Tên gồm có cha Francesco Buzomi (Ý), cha Diego Carvalho (BĐN) và thầy Antonio Diaz (BĐN), từ Ma Cao đã cập bến Cửa Hàn (Đà Nẵng) vào ngày 18/01/1615, sau đó được chúa Nguyễn cho lập cư sở tại Hội An. Từ Hội An,  Tháng 7 năm  cha Buzomi cùng với cha de Pina, cha Christoforo Borri, thầy Antonio Diaz và cậu Agostinô đến Qui Nhơn, thành lập cư sở tại Nước Mặn. [1]  Năm 1623 cha Francisco de Pina thành lập một cư sở tại Thanh Chiêm, Quảng Nam.
 
Từ  ba cư sở : Hội An, Nước Mặn và Thanh Chiêm, các thừa sai Dòng Tên không chỉ mở rộng vùng truyền giáo ở Qui Nhơn, Phú Yên, Quảng Ngãi, Quảng Nam mà cho cả phía Bắc Đàng Trong. Như thế số tín hữu đầu tiên ở Phú Yên là những tín hữu đã lãnh nhận bí tích rửa tội ngay tại chỗ từ các thừa sai tại Nước Mặn,[2] một số tín hữu khác là những tín hữu ở phía Bắc Phú Yên đến lập nghiệp. Riêng năm 1629, đoàn truyền giáo của cha Buzomi đã rửa tội tại Phú Yên được 320 người.[3] Năm 1636, bà Ngọc Liên, vợ của Quan Trấn biên Phú Yên, đã lãnh nhận bí tích rửa tội với tên thánh Maria Mađalêna. Bà đã lập một nhà thương săn sóc, cứu chữa bệnh nhân và mời gọi nhiều tín hữu tham gia công tác bác ái truyền giáo nầy. Bà Maria Mađalêna Ngọc Liên, ông Hiêrônimô, ông Êmanuel, một danh y ở vùng dinh Trấn Biên là những tông đồ giáo dân tiêu biểu trong giai đoạn đầu của công cuộc loan báo Tin Mừng ở Phú Yên.
 
Ngoài việc lập nhà thương, bà Maria Mađalêna Ngọc Liên đã lập nhà nguyện tại Dinh trấn biên.[4] Đây là nhà nguyện đầu tiên trên đất Phú Yên. Tại nhà nguyện nầy, mùa Phục Sinh năm 1641, cha Đắc Lộ đã rửa tội cho 90 người, trong đó có Anrê Phú Yên, Người chứng thứ nhất của Hội thánh Việt Nam, tử đạo tại Thanh Chiêm ngày 26/7/1644, được tôn phong Chân phước ngày 05/3/2000. Cuộc tử đạo của Chân phước Anrê Phú Yên và những nỗ lực tông đồ của giáo dân đã nói lên đức tin trưởng thành của Hội Thánh Việt Nam thưở ban đầu.
 
III. THỜI KỲ TÔNG TÒA (1659-1960)
 
Sau 44 năm ở Đàng Trong và 32 năm ở Đàng Ngoài, các thừa sai dòng Tên đã đặt nền móng cho công cuộc loan báo Tin Mừng tại Việt Nam. Ngày 09/09/1659, Tòa Thánh đã thiết lập hai giáo phận Tông Tòa Đàng Ngoài và Đàng Trong. Tháng 10 năm 1671, lần đầu tiên, Đức cha Lambert de la Motte đi kinh lý địa phận Đàng Trong. Trong chuyến kinh lý nầy, Đức cha Lambert đã bổ nhiệm cha Giuse Trang, quê Quảng Ngãi, Linh mục tiên khởi của Việt Nam, phụ trách Trung tâm Truyền giáo Nước Mặn, từ Bình Định đến Phú Yên. Cha Giuse Trang lâm bệnh và qua đời tại Phú Yên năm 1676, lúc 36 tuổi. Năm 1674, số giáo dân ở Phú Yên khoảng 2.000 người.[5]
 
Lúc bấy giờ con số Linh mục rất ít, trong khoảng thời gian 122 năm (1672-1804), chỉ khoảng 14 Linh mục thừa sai làm việc tại Phú Yên, do đó việc điều hành trực tiếp tại các các giáo điểm truyền giáo được giao cho các thầy giảng. Trong bức thư của các Thầy giảng Chợ Mới đề ngày 09 tháng Hai năm 1693 gởi cho cha Ausiès, thừa sai phụ trách Phú Yên và Qui Nhơn (Bình Định) từ năm 1683 đến ngày 01/8/1709, cho thấy Phú Yên lúc bấy giờ có 13 thầy giảng.[6]  
 
Theo thống kê ngày 01/12/1747 của cha Paul Bourgine  về số gia đình và khoảng cách từ các cộng đoàn tín hữu đến nhà thờ, Phú Yên có 06 nhà thờ : Cho-Moi (Chợ Mới, thôn Hà Yến, An Thạch, Tuy An) 134 gia đình; Quan Cau (Quán Cau, An Hiệp, Tuy An) 88; Lo Cao (vùng Màn Màn-Mỹ Á, Tuy Hòa) 23 ; Phu Dien (Phú Điền, An Phú, Tuy Hòa) 21; Phuc Thuyen (Vùng Bình Kiến-Triều Thủy, Tuy Hòa) 55; Thach Thanh (Thạch Thành, Hòa Phú, Tây Hòa) 93. Trong đó Chợ Mới là nhà thờ chính và cũng là trú sở thường xuyên của các thừa sai.[7] Theo đó, có 67 giáo điểm, giáo điểm xa nhất của Chợ Mới ở phía Tây là giáo điểm Suối Ré (nay thuộc giáo xứ Đồng Tre) và Lỗ Rong (nay thuộc giáo xứ Sơn Nguyên), phía Nam là Nam Bình (nay thuộc giáo xứ Đông Mỹ), phía Bắc là giáo điểm Vũng Lắm (nay thuộc giáo xứ Sông Cầu). Lúc bấy giờ, ngoài các thừa sai của Hội thừa sai hải ngoại Paris, còn có các thừa sai thuộc Thánh bộ Truyền bá Đức Tin đặt cư sở tại Phường Lụa (Ngân Sơn), phụ trách vùng Nam Phú Yên một thời gian rất ngắn.[8]  Như thế tại Phú Yên, vào thời điểm cuối năm 1747, Tin Mừng đã được đón nhận từ khắp vùng hạ bạn châu thổ sông Cái (Bà Đài), sông Đà Rằng (Bà Diễn), đến châu thổ sông Bàn Thạch (Bà Nông). Vùng bán sơn địa mới chỉ có một số ít giáo điểm như Suối Ré, Lỗ Rong, Thạch Thành, Phú Thứ. Thời Đức cha Cuênot Thể, những giáo điểm nầy được chọn như vùng giáp ranh, làm cơ sở tiếp cận, đem Tin Mừng cho anh em dân tộc Tây Nguyên.
 
Nhìn con số Linh mục xuất thân từ Phú Yên như cha Thới, cha Hòa, cha Lộc thụ phong trước 1844, cha Hoàng do Đức cha Cuênot Thể truyền chức, cha Đạt, cha Hậu do Đức cha Charbonnier Trí truyền chức, cha Cẩm do Đức cha Galibert Lợi truyền chức, cho thấy đức tin  của dân Chúa Phú Yên đã bén rễ sâu, đã cho những quả tốt.[9] Ngoài con số Linh mục kể trên, trong báo cáo năm 1850 của Đức cha Stêphanô Thể, vùng truyền giáo Phú Yên đã được mở rộng, đặc biệt về phía Bắc cho tới chân đèo Cù Mông, phía Tây lên tới Đồng Tre. Tổng số giáo dân lúc bấy giờ có 6.001 người, được chia làm hai vùng Bắc và Nam, Hoa Vông là trụ sở phía Nam, Chợ Mới là trụ sở phía Bắc.
 
Lời Chúa Giêsu: “Hạt lúa được gieo vào lòng đất nếu không chết đi thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12,24). Hạt giống Tin Mừng được gieo và được đón nhận tại Phú Yên không ra ngoài qui luật đó. Tiền bán thế kỷ 19 với những sắc chỉ cấm đạo triệt để của các triều Vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, rồi dây dưa tiếp diễn một thời gian dài cho đến phong trào Văn Thân. Tín hữu khắp nước thông phần thập giá với Chúa Giêsu đủ trăm ngàn cách. Tại Phú Yên, tiêu biểu nhất cho cuộc thông phần thập giá với Chúa Giêsu là con số các tôi tớ Chúa đã khẳng khái chịu chêt vì Chúa :
 
-          Quê Phú Cốc có :
 
1. Thầy giảng Giuse Nguyễn Văn Trinh chịu án trảm tại Gò Chàm ngày 23 tháng 12 năm Tự Đức thứ 12.
2. Ông Nguyễn Văn Hứa
3. Ông Mai Văn Năm
4. Ông Lê Văn Tân
5. Ông Lê Văn Giáo.
Cả bốn vị chịu án trảm tại Gò Chàm ngày 27 tháng 10 năm Tự Đức thứ 13.
 
 - Quê Lò Giấy có:
 
1. Chú Giuse Nguyễn Văn Nghiêm, theo giúp Đức cha Stêphanô Thể, chú bị bắt với Đức cha tại nhà bà Lưu, chịu án trảm tại Gò Chàm ngày 21 tháng Hai năm Tự Đức thứ 15.
2. Thầy Phêrô Nguyễn Văn Quờn đã lãnh bốn chức nhỏ, chịu án giảo quyết tại Gò Chàm ngày hai tháng Ba năm Tự Đức thứ 15. [10]
 
Cao điểm đoàn tín hữu Phú Yên hy sinh mạng sống vì Chúa nhiều nhất là những ngày tháng của phong trào Văn Thân “Bình Tây Sát Tả” trong năm 1885. Tổng kết toàn tỉnh khoảng 5.890 tín hữu bị sát hại trong 40 họ đạo, trong đó có hai Linh mục thừa sai, hai Linh mục Việt Nam và một số các Dì phước tại hai Phước Viện Mằng Lăng và Hoa Vông.[11] Các nhóm tín hữu đồng hy sinh, chịu chết vì Chúa mà những kỳ tích các nơi còn vang tiếng: Lò Giấy, Soi Giữa, Thầy Đông, Quán Cau (giáo xứ Mằng Lăng), Suối Ré, Bến Buôn, Đồng Tre (giáo xứ Đồng Tre), Cây Da (giáo xứ Trà Kê), Thạch Khê (giáo xứ Gò Duối), Cồn Xương, Hoa Vông (giáo xứ Tuy Hòa), Hang Xã Trí, Hầm mộ Chợ Xéo, Hầm mộ Phước Lương (giáo xứ Đông Mỹ), Gò Mả Thánh (Giáo xứ Hóc Gáo). Trong số đó, đáng chú ý là điểm Cây Da, khoảng 900 tín ở đây còn sống sót sau những lần bị Văn Thân tấn công và sát hại. Số 900 tín hữu nầy được giải cứu, được đưa về Qui Nhơn. Hai năm sau, số tín hữu nầy cùng với một số ít tín hữu tản lạc sống sót đâu đó trên rừng, trở về xây dựng và tái thiết Giáo hội địa phương.
 
Một thời để xé rách, một thời để vá khâu, một thời để làm thinh, một thời để lên tiếng” (Gv 3,7). Đó là ‘điệu múa xoay vòng’ của lịch sử. Điều quan trọng là trong mọi thời điểm, mọi hoàn cảnh, chủ chăn cũng như đàn chiên luôn bám chặt Chúa Giêsu, vị Mục Tử  Tốt Lành để làm chứng cho Tin Mừng của Ngài. Sau thời bị xé rách, đến thời phải vá khâu, việc củng cố nhân sự và tái thiết các cơ sở được ưu tiên hàng đầu. Đầu năm 1887, Đức cha Van Calmelbecke Hân bổ nhiệm cha Guitton đến Phú Yên  cùng 02 cha phụ tá: Cha Gioakim Đạt và cha Phêrô Huề. Cha Huề phụ trách phía Tây (Cây Da), cha Đạt phụ trách phía Nam ( Hoa Vông). Sau ngày 10/04/1888 cha Lacassagne được bổ nhiệm đến Phú Yên với chức năng quản nhiệm toàn vùng truyền giáo Phú Yên, ngài được tự do chọn Hoa Vông hoặc Mằng Lăng làm trụ sở. Ngài đã chọn Mằng Lăng làm trung tâm sinh hoạt của Phú Yên, thay thế cho Chợ Mới. Như thế mùa gặt tử đạo đã qua và những giọt máu tử đạo đã trở nên những hạt giống mới trổ sinh nhiều hoa trái. Các thế hệ tín hữu nối tiếp theo nhau sống Tin Mừng và mở mang Nước Chúa.
 
Sau biến cố văn Thân 25 năm, năm 1910 Phú Yên có 04 giáo xứ với 4.535 giáo dân trong 49 giáo họ, Mằng Lăng là trụ sở giáo hạt:
 
1. Mằng Lăng 19 giáo họ với 1.793 giáo dân.
2. Đồng Tre 10 giáo họ với 1.214 giáo dân.
3. Hoa Vông 13 giáo họ với 1.110 giáo dân
4. Tịnh Sơn 7 giáo họ với 418 giáo dân
 
Năm mươi năm sau, năm 1960 Phú Yên có 07 giáo xứ với 12.102 giáo dân trong 85 giáo họ, Tuy Hòa là trụ sở giáo hạt :
 
1. Sông Cầu 08 giáo họ với 864 giáo dân
2. Mằng Lăng 15 giáo họ với 2.850 giáo dân
3. Đồng Tre 39 giáo họ với 3.459 giáo dân
4. Tịnh Sơn 08 giáo họ với  717 giáo dân
5. Tuy Hòa 08 giáo họ với 1.968 giáo dân
6. Hoa Châu 07 giáo họ với 1.315 giáo dân
7. Đông Mỹ 01 giáo họ với 959 giáo dân.

 
 
IV. THỜI KỲ CHÍNH TÒA (1960 ĐẾN NAY).
 
Để kết thúc cho một giai đoạn truyền giáo với kết quả tốt đẹp, ngày 24 tháng 11 năm 1960 Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII ký Sắc chỉ Venerabilium Nostrorum thành lập hàng Giáo phẩm Công Giáo Việt Nam. Từ đây các Giám mục Đại Diện Tông Tòa ở Việt Nam trở thành Giám mục Chính Tòa, Đức cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi làm Giám mục Chính tòa tiên khởi củagiáo phận Qui Nhơn. Hưởng ứng lời kêu gọi của Đức Giám Mục giáo phận, các đoàn thể Công Giáo Tiến Hành : Hiệp Hội Thánh Mẫu, Legio Mariae, Bác Ái Vinh Sơn, Hùng Tâm Dũng Chí và Thanh Sinh Công  được thành lập tại Phú Yên. Đặc biệt tại giáo xứ Tuy Hòa, các đoàn thể nầy chẳng những đem lại cho giáo xứ mà cho cả giáo hạt Phú Yên một bầu khí sống đạo sinh động.
 
Trong thời gian chiến tranh từ năm 1965 đến 1975, một số lớn giáo dân thuộc các giáo xứ trong vùng chiến tranh như Mằng Lăng, Đồng Tre, Tịnh Sơn đã di cư nơi khác. Số giáo dân cuối năm 1974 được 13.590 người, 09 Linh mục phụ trách mục vụ trong 07 giáo xứ. Hiện nay (cuối năm 2012), giáo hạt Phú Yên có 18.023 giáo dân, 08 cộng đoàn dòng tu, 17 Linh mục phụ trách mục vụ trong 12 giáo xứ.
 
V. TRONG VUI MỪNG VÀ HY VỌNG
 
Lược qua dòng lịch sử truyền giáo tại Phú Yên gần 400 năm, dòng lịch sử ấy kể lại cho chúng ta câu chuyện Thiên Chúa yêu thương dân Người. Tình thương ấy có khi tỏ lộ cách mãnh liệt, có khi thinh lặng để tính toán làm điều tốt nhất cho con cái, có khi diễn biến như một bi kịch rất khó hiểu đối với lý trí con người. Quả vậy, “Tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi” (Is 55,8). Điều này cũng đã được chứng minh nơi Tin Mừng Mt 20,1-16, khi chiều tàn, người bắt đầu làm từ sáng sớm cho đến người làm từ ba giờ chiều, mỗi người đều được lãnh một đồng tiền công từ tay ông chủ. Chúng ta là những tín hữu được mời gọi đi làm vườn nho Giáo Hội của Chúa, mỗi người được Chúa mời gọi vào vườn nho Giáo Hội với những giờ khác nhau, những công việc khác nhau, nhưng điều quan trọng là chúng ta làm trong cùng một vườn nho, cho một ông chủ, làm với hết sức hết lực và lòng mến của mình. Như thế, cùng với cha ông, chúng ta viết tiếp trang sử đức tin trên quê hương Phú Yên nầy.
 
 

[1] Nước Mặn ngày xưa bao gồm các thôn An Hòa, thôn Lương Quang, xã Phước Quang và thôn Kim Xuyên thuộc xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Nền nhà thờ Nước Mặn ngày xưa tọa lạc tại khu vườn nhà ông Võ Cự Anh ngày nay, thuộc thôn An Hòa, xã Phước Quang. Năm 2011, Tòa Giám Mục Qui Nhơn đã xây dựng đài kỷ niệm tại đây.
[2] Theo Chappoulie, cha Bouzomi giảng đạo tại Phú Yên. xem Phạm Đình Khiêm, Người Chứng Thứ Nhất, Tinh Việt Văn Đoàn, Sài Gòn 1959, trang 50, chú thích số 1.
[3] Lm. Bùi Đức Sinh, Giáo Hội Công Giáo Ở Việt Nam, Canada 2002, Q I. trang 111.
[4] Ngày nay gọi là Thành Cũ, thuộc thôn Bình Thạnh, xã An Ninh Tây, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên.
[5] Adrien Launay, Histoire de la Mission de Cochinchine 1658-1823, T.I, p.151.
[6] Adrien Launay, Histoire de la Mission de Cochinchine 1658-1823, T.I,  Paris 2000, p. 401.
[7] Adrien Launay, Histoire de la Mission de Cochinchine 1658-1823, T.II, Paris 2000, p. 191.
[8] Phường Lụa, tục danh thôn Ngân Sơn thị trấn Chí Thạnh ngày nay, một vùng sản xuất lãnh lụa ngũ sắc nỗi tiếng một thời, ca  dao còn để lại: Đất Cù Du là nơi chiếu tốt, Lãnh nào tốt bằng lãnh Ngân Sơn
[9] Mémorial Mission de Qui Nhon No.62/1910, trang 12-14
[10] Mémorial Mission de Qui Nhon  No.53, 24 Mai 1909, trang 86-88
[11] Mgr Van Camelbeke, R.A.E 1885.

Tác giả bài viết: Lm. Gioan Võ Đình Đệ
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 25
  • Khách viếng thăm: 18
  • Máy chủ tìm kiếm: 7
  • Hôm nay: 4339
  • Tháng hiện tại: 137692
  • Tổng lượt truy cập: 12281952