Trang mới   https://gpquinhon.org

Thông truyền Lời Chúa

Đăng lúc: Thứ hai - 15/10/2012 21:05
Những thách đố đặt ra cho nhà giảng thuyết là làm sao xây dựng được một gia đình giáo xứ mẫu mực và đa dạng.
 

 
THÔNG TRUYỀN LỜI CHÚA
 
 
 
 

Đức Ông David Rubino[1]
Tạp chíHomiletic & Pastoral Review
Vol. CXI, số 12, December 2011, tr. 63-68
 
chuyển ngữ
Đaminh Phạm Đức Sỹ, CMC
 
Những bài giảng hay tạo nên một bức tranh vẽ bằng ngôn từ có liên can đến lời Chúa, bởi vì người nghe cũng như xem đều cảm nhận bằng con tim. Tuy nhiên, việc tìm giờ để cầu nguyện và suy niệm – đi liền là thách đố trong việc tìm kiếm tài liệu trong sách vở hay trong tài nguyên khổng lồ của mạng internet – đã tạo nên một thách thức đa diện để có thể giảng và vẽ nên bức tranh giảng thuyết giúp các tín hữu được nên phong phú, có học thuật và được tiếp thêm sức mạnh.

Đối với các tay kỳ cựu của tòa giảng, nhưng cũng với cả những người mới chịu chức, việc giảng thuyết thời nay đòi phải thích nghi những kỹ năng đã có, và phải xem lại các điều đang làm. Các công thức giảng tuy đã được thời gian tôi luyện nhưng bây giờ không còn thỏa đáng nữa. Ngày nay, một bài giảng mà soạn và giảng một cách thành công thì tuyệt vời chừng nào – khi mà các dãy ghế ngồi đông đen các thanh niên chen vai người mệt mỏi, người già cả ngồi chung với người bận rộn, người dân giáo xứ lẫn các ông câu bà biện – và như vậy rất khác với thời xưa, khi dân chúng còn chia sẻ và nhận thức giống nhau về các giá trị và niềm tin thuộc xã hội. Đối diện với cộng đoàn đa dạng này – vốn thích được nhiều khích lệ, trình độ văn hóa khác nhau, và mức độ lắng nghe có giới hạn – nhà giảng thuyết phải làm thế nào để nói với cộng đoàn, để thông truyền cho họ một cách có hiệu quả, hầu đánh động trí khôn và tâm hồn họ?

Lắng nghe lời Chúa trong tinh thần cầu nguyện

Các nhà văn, nhạc công, và họa sĩ hiếm khi ngồi xuống phác thảo bản nháp một cách mông lung. Ý tưởng đầy cảm hứng sáng tạo lóe lên trong đầu, dù phát xuất từ hồn thơ lai láng hay kinh nghiệm tích lũy, chính là khởi điểm cho ý tưởng từ đó tạo nên một nốt nhạc mới hay nét cọ vẽ trên khung vải. Đối với các nhà giảng thuyết, tiến trình làm việc cũng không khác. Dựa trên việc lắng nghe tiếng Chúa trong tinh thần cầu nguyện, vai trò của người giảng thuyết là thông truyền lời Chúa cho cộng đoàn. Bất luận văn phong hay kỹ thuật, các bài giảng chỉ là nấm mồ rỗng nếu chúng không chuyển tải lời Chúa thành một lời cổ võ sự thánh thiện, được minh chứng bởi cuộc lữ hành trong cầu nguyện của riêng nhà giảng thuyết. Tệ hơn, các bài giảng chỉ là những bài độc thoại phục vụ cho vinh quang của nhà giảng thuyết chứ không phải là Chúa, Đấng bởi đó mà những lời ca tụng được vang lên. Chia sẻ lời Chúa là mảng chính của bài giảng. Việc giảng giải một cách điệu nghệ chỉ giúp cho việc thông truyền lời Chúa được dễ dàng nhưng không bao giờ thế chỗ lời Chúa, là lời được nói lên từ con tim của nhà giảng thuyết.

Các sách giáo khoa và các ghi chép bài học trong lớp, các tạp chí và từ mạng internet đã lập nên một nguồn tài nguyên rộng rãi giúp cho nhà giảng thuyết tự tin và trở thành học giả Thánh Kinh đột xuất, một cuốn truyện tranh hay nhưng không rậm lời, hoặc một nhà kể truyện độc đáo. Tuy nhiên, những nguồn tài nguyên này nếu không được dùng cách thích hợp, có thể trở thành cung đàn lạc điệu trong bài giảng hiện đại, gần như thể một đoạn văn “đạo văn”, kiểu rút từ một đoạn tiểu thuyết của Hemingway đem nhét và một bài luận văn chập chững của một sinh viên năm đầu đại học. Tuy nhiên, song hành một chút với Aristôte về đêm dưới ánh sao và suy tư về văn chương Aristôte uyên thâm đương đại sẽ rọi sáng như ban ngày vào những thông tin cô đọng để xây dựng nên một bài giảng hiện đại.

Aristôte nhấn mạnh đến tầm quan trọng về thứ tự, để giảng và để tạo nên một tình huống bay bổng văn chương, tác động qua lại giữa diễn giả, bài giảng và thính giả; cộng chúng lại sẽ sản sinh ra một tác phẩm nghệ thuật tạo bằng ngôn từ. Dẫu sao, Aristôte cũng không phải đánh vật với sự xa xỉ rắc rối của mạng internet. Về vấn để giảng giải, sau bao lần chạm trán với nó, Aristôte, hay bất cứ nhà giảng lễ nào, sẽ phải xử lý thế nào đây với đủ loại thông tin gom được kiểu “đánh lưới giã cào” bằng chức năng “search: tìm kiếm” của mạng internet?

Những người theo trường phái truyền thống hẳn sẽ bắt đầu bằng cách thức phân tích thính giả, để rồi sử dụng đến “nghệ thuật thuyết phục,” gồm có: sáng kiến, sắp xếp, văn phong, và trí nhớ, nếu là bài nói của một diễn giả thông minh và cầu tiến. Bài bản này rất hữu lý và ăn chắc nếu đa số người nghe có cùng một nền tảng văn hóa. Nhưng một cộng đoàn có học thức, năng động xã hội và sử dụng tốt truyền thông điện tử đang ngày một gia tăng tính đa dạng phong phú của nó; họ chọn lọc những cảm thức tôn giáo nào hấp dẫn họ. Nói chung họ đặt niềm tin vào sự thánh thiện của cá nhân, cũng như đôi khi lại mất tin tưởng trầm trọng vào đấng bậc có chức trách thuộc hàng giáo sĩ; họ đại diện cho nhu cầu khao khát học biết chủ thuyết hoạt động xã hội về sự đa dạng trong các hoạt động; và những người này giờ đây còn tăng thêm ngày một nhiều các sinh viên trẻ cỡ tuổi đại học, đang khát khao một cuộc lại với truyền thống dưới sự điều hành của hàng phẩm trật hơn là của giáo dân. Trong khi vật lộn với hết các Chúa Nhật này đến Chúa Nhật khác của các chu kỳ A, B và C, nhà giảng lễ làm thế nào để phân tích cách thành công và hiểu được cách giảng giải và thuyết phục cho một nhóm đa dạng như thế?

Khi chuyển hướng đến việc nhấn mạnh sự đồng cảm của diễn giả với thính giả của mình, như là một cách làm ngược với việc phân tích thính giả giàu khả năng thảo luận, các nhà tu từ hiện đại đi ra khỏi giải pháp truyền thống của Aristôte. Một nhà tiền phong của trường phái này, lý thuyết gia văn chương, Kenneth Burke (+1993), chuyển hướng đến việc tìm ra căn bản chung giữa diễn giả và thính giả. Diễn giả và thính giả càng lồng nhau và giao nhau thì việc nhận diện ra nhau càng tốt đẹp và việc thành công trong việc thông truyền càng lớn. Từ phương diện này, mối ràng buộc liên cá nhân giữa diễn giả và thính giả càng mạnh thì sự thành công trong việc nối kết, và như vậy có nghĩa là sự thông truyền với thính giả sẽ càng thành công hơn.

Burke, thích dùng ngôn ngữ tôn giáo hơn là khoa học để diễn giải phương pháp tu từ mới này, thường trích dẫn Kinh Thánh hơn là thuật ngữ kỹ thuật để xây dựng quan điểm của mình, đã tin rằng, trong một mức độ nào đó khi văn phong của diễn giả phù hợp với người nghe, lúc đó sẽ trở thành sự nhất quán, hòa hợp và thuyết phục. Tiến trình này được xem là tối ưu, rút ra từ lời xin của Ruth với bà Naomi: “Xin mẹ đừng ép con bỏ mẹ mà trở về, không theo mẹ nữa, vì mẹ đi đâu, con đi đó, mẹ ở đâu, con ở đó, dân của mẹ là dân của con, Thiên Chúa của mẹ là Thiên Chúa của con” (R 1, 16). Thật thú vị, việc rao giảng tông đồ thời Giáo Hội sơ khai cho thấy có sự tương tự rất ấn tượng khi Giáo Hội tiên khởi dùng hai hình thức rao giảng: “các bài giảng đạo” cho những ai ở ngoài đoàn thể, chẳng hạn như dạng thức Bài Giảng Trên Núi với những tiêu chuẩn nhất định cần phải giữ; và “các bài giảng thừa tác vụ” dành cho những ai bên trong đoàn chiên, chẳng hạn như mô thức bài nói sau Bữa Tiệc Ly, trong Ga 14-16, khi Chúa Kitô chuẩn bị tinh thần cho các tông đồ trong giai đoạn cuối thời. Tuy nhiên, nó là “rao giảng truyền giáo” với một bài diễn từ đơn giản, gồm có một đoạn ngắn Kinh Thánh và tiếp theo là một bài suy niệm sâu lắng, vốn có rất nhiều vào thời Giáo Hội sơ khai, khi các tông đồ ngày một được nhiều giáo dân phụ giúp. Rao giảng truyền giáo khá thịnh hành mà Sozomen, một luật sư, khi đề cập về lịch sử sơ khai của Giáo Hội truyền giáo, và khi tập trung vào các hoạt động truyền giáo cho đến năm 439, đã viết rằng dường như “thời sơ khai không có ai giảng ở Roma” vì những suy tư từ con tim này đủ là một sự cuốn hút những tín hữu mới.

Giáo Hội thời hiện đại, dù đã bị ngưng trệ trong một môi trường truyền thông kiểu mì ăn liền, có thể coi giải pháp truyền giáo, với sự đơn sơ và lời mời gọi vô vị lợi, là thành công tốt hơn trong việc tiếp cận cộng đoàn các tín hữu hơn là rao giảng bằng hình thức thừa tác vụ với một “tập hợp các chuẩn mực.” Khi xây dựng một bài giảng đương đại, các nhà giảng thuyết với các tư tưởng của Aristôt và Burke làm khung tham chiếu, và với lời cầu nguyện trong tâm trí, cần phải cố gắng làm sao: hiểu được nhu cầu của dân chúng bằng cách phải giữ cho nó đơn giản và sao cho ngắn gọn.

1. Hãy hiểu nhu cầu của dân chúng cũng như những khát khao của họ khát khao là làm sao nhà giảng thuyết chạm đến tâm ý của họ. Gần như lúc nào bài giảng cũng gây thêm bực bội chán nản. Từ rất nhiều tòa giảng, những trận hồng thủy bằng ngôn từ chỉ dựng nên những bức tường rào từ ngữ ngăn cách nhà giảng thuyết và người nghe họ. Việc trích dẫn một cách uyên bác về Kinh Thánh và giải thích dài giòng về Kinh Thánh có thể gây nhiều ấn tượng cho các đồng nghiệp, nhưng không hàn gắn được các vết thương lòng của dân chúng. Che đậy bất cứ cảm xúc nào của sự hòa hợp cá nhân với dân chúng bằng “ngôn ngữ học thuật” chứ không phải “ngôn ngữ con tim,” nhà giảng thuyết gây nên một vết rạn nứt giữa nhà giảng thuyết và dân chúng thay vì hợp nhất với họ.

Chúa Giêsu luôn mạc khải chính mình bằng đối thoại. Với nhóm các tông đồ, với người phụ nữ xa lạ ở bờ giếng, với các nhà phê bình tôn giáo thuộc tầng lớp thượng lưu, và với một Philatô bối rối, Ngài mạc khải các giáo huấn của Ngài bằng đối thoại. Trong buổi phụng vụ đầu tiên và là duy nhất của mình, Chúa Giêsu nói, “Thày ước ao chia sẻ bữa tiệc Vượt Qua này với anh em.” Chúa không dùng hình thức diễn văn trang trọng với các môn đệ; Ngài quan hệ với họ như là một cá nhân. Ngài liều tỏ mình ra, những nỗi sợ hãi và con người của Ngài cho họ biết. Thánh Augustinô, với động lực tương tự, đã ghi chép, “Với anh chị em, tôi là một Kitô hữu, còn cho anh chị em, tôi là một giám mục.” Bản chất của cá nhân ngài với tính cách là Kitô hữu có một chỗ ưu tiên hơn vai trò của ngài trong Giáo Hội, vì thế mà ngài có thể hiểu họ tốt hơn và họ cũng hiểu ngài rõ hơn.

Trong Giáo Hội ngày nay, mất nhiều thời gian để tìm hiểu nhu cầu của dân chúng là điều rất quan trọng đối với nhà giảng thuyết, hầu nói lên được từ tấm lòng và mối ràng buộc của ông đối với thính giả mình khi dùng bài giảng để ngỏ lời mời gọi họ tìm hiểu các chỉ dẫn, giáo huấn và bài học trong tương lai. Giảng theo kiểu đọc diễn văn cho nhóm đa dạng như trên trong các nhà thờ chúng ta quả là ta đang cài một quả bom nổ chậm chất chứa thất bại khôn lường. Quấy rầy hay dè bỉu dân chúng chỉ tổ thù nghịch xa lạ với họ. Đối thoại từ tâm hồn của nhà giảng thuyết bằng những ngôn từ để làm thoát lên hình ảnh những lợi khí thuyết phục, giàu tưởng tượng, thâm thúy và không nặng phần lý luận sẽ cho nhiều cơ hội tốt hơn để dẫn đưa dân chúng về với đoàn chiên, từ đó tùy cơ giáo huấn họ.

2. Giữ bài giảng đơn sơ. Bài giảng đạo có hiệu quả lớn vì nó đơn giản nối kết dân chúng với Giáo Hội sơ khai. Những từ và câu đơn sơ luôn là “ngôn ngữ rao giảng” của người giáo dân. Giáo Hội đã được do Kitô hữu thời sơ khai thành lập do bởi nhiệt tâm của những nhà giảng thuyết sơ khởi này. Dân chúng thấy được tâm hồn của người đang giảng cho họ qua từ ngữ ông đang dùng. Từ ngữ thiếu vắng cảm xúc sẽ thất bại, không bắc cầu vượt qua khoảng cách giữa nhà giảng thuyết và cộng đoàn, để lại một thung lũng giữa tòa giảng và dân chúng. Ngôn từ không những phải sống động mà còn phải thấy nó sống động trong người giảng thuyết và trong bài giảng nữa.

Cũng vậy, bài giảng không được xa lạ với bối cảnh của một môi trường thế giới thực. Hãy nhìn vào những sự kiện đơn giản đời thường. Cộng đoàn gồm những bà mẹ với trẻ sơ sinh, đang ngồi cạnh những cô cậu thiếu niên không rời khỏi cái điện thoại di động, các công nhân lành nghề chào chúc bác sĩ của họ với cái chúc bình an, và các bà tuổi nội ngoại đang cố lắng tai nghe ngồi chung với cô con dâu trình độ đại học trong khi cô đang cho các con của cô cái bánh kem để mong chúng đừng làm ồn. Với một bức khảm đa sắc của dân Chúa này, với những trình độ và nhu cầu khác nhau về học thức này thì phải dùng trình độ văn hóa kiểu nào để nói với họ? Người ta tiếp thu tư tưởng bằng nhiều cách khác nhau. Nhóm thanh thiếu niên tiếp cận thông tin, học thuộc những giáo huấn tinh thần khác xa với ông bà của chúng, mà có khi cũng khác với cả cha mẹ chúng nữa. Sính từ ngữ giảng thuyết hào nhoáng, hoặc các tham chiếu đối xứng về Kinh Thánh không đi vào dân chúng, đang được tập hợp lẫn lộn vào đám trẻ thích ăn bánh, đáng yêu, mắt to tròn nhưng la hét đinh tai này.

Rõ ràng có sự thay đổi từ nền tảng đã và đang xảy ra cách mạnh mẽ trong đời sống tôn giáo và dân sự ở mọi mức độ. Giới lớn tuổi rất hoảng hốt. Giới U70 đang cố gắng làm sống lại chính họ như là những người nghỉ hưu trẻ trung và có mục đích sống, tái xác định sự nghỉ hưu của họ. Các thế hệ X và Y, tức lứa tuổi 20 và 30 thì lại ít hiểu biết về sự liên kết xã hội và ý hướng dân sự. Họ là người có tinh thần nhưng không đủ đạo đức như cần thiết. Chúng ta là một dân đa dạng trong một thời đại trần tục. Mặc dù niềm tin cộng đồng dẫn họ đến nhà thờ, cũng như sự hiểu biết và chấp nhận niềm tin đó nơi họ kẻ ít người nhiều khác nhau, bài giảng hữu hiệu lại không phải là một bài diễn văn về Tin Mừng. Nhà giảng thuyết không được khư khư phân tích Kinh Thánh, hoặc dùng bài giảng làm buổi dạy giáo lý… với những lời lẽ kỳ dị, cổ lỗ, và chuyên môn rối ren?” (Trautman, US Catholic, 75:7, tr. 24). Giáo dân trong giáo xứ quá khác nhau về vốn kiến thức, trình độ học vấn, tuổi tác, ngôn ngữ, và mức độ tập trung nghe để lãnh hội bài học có ý nghĩa cũng quá khác nhau.

Sự đơn sơ trong bài giảng sẽ không mắc phải sai lầm nào. Nếu không có trục trặc gì, cộng đoàn của chúng ta sẽ có phúc vì có những phần tử có giáo dục và hợp tác. Nhiều người tốt nghiệp từ các trường học Công Giáo. Tuy nhiên, vai trò của nhà giảng thuyết là nói với mọi người – những người có bằng cấp cao nhất; những ông thợ đang cầm cờ-lê; những người chỉ còn nuôi duy một niềm hy vọng mong manh.

3. Giữ cho bài giảng tập trung và ngắn gọn bao nhiêu có thể. Giảng hay là một vấn đề khó nuốt; tuy nhiên, việc giảng hay kích thích một cảm thức duy nhất. Thời buổi này, nơi việc truyền thông thành công sẽ kích thích không chỉ một cảm thức, thì việc giảng lại càng là một công việc cực kỳ khó. Vì việc tập trung lắng nghe ngắn hơn nên điều đó làm cho công việc soạn bài giảng trở thành khó khăn, mà việc ít lắng nghe lại thuộc về thành phần mới, ít tuổi nhất trong các giới. Với tư cách là nhà xã hội học, David Moon ghi nhận rằng, “Hơn bao giờ hết, việc khảo cứu đang cho thấy nảy sinh một khuynh hướng giảm chú ý và những khoảng thời gian tập trung… và thế hệ trẻ hơn là giới tệ nhất.” Những dữ kiện khó chịu cho thấy, vì người ta chỉ giữ được chừng 50 phần trăm những gì đã nghe được, nên bài giảng năm phút coi như đọng lại thành hai phút rưỡi.

Từ ngữ cần phải hòa quyện sự khôn ngoan, hùng biện và con tim của nhà giảng thuyết, theo một tỉ lệ cân bằng. Những dụ ngôn của Chúa Giêsu, khi được kể lại cho một cử tọa có thói quen “lắng nghe,” có một độ dài trung bình là 38 giây. Chuyện dài nhất là hai phút hai mươi giây. Chúa Giêsu khi tìm cách đồng cảm với cử tọa của mình, đã hòa quyện lời của Ngài với con tim, vì Ngài biết rằng những gì đang ở vào tâm điểm của thuyết phục.

Thiếu sự “đồng cảm” này với cộng đoàn thì dù bài giảng có cô đọng dựa trên nhu cầu của dân chúng, dù có đơn giản và ngắn, dân chúng vẫn sẽ đi đến chỗ an giấc điệp. Có trong tay các tư liệu được vận dụng bằng khối óc và con tim của nhà giảng thuyết, việc giảng ràng buộc nhà giảng thuyết với dân chúng và với Chúa mà cả nhà giảng thuyết lẫn dân chúng họp nhau trong thờ phượng.

Nhà quảng cáo sẽ kiểm tra thị trường như một người tiếp thị trước khi tung quảng cáo lên phương tiện truyền thông, để đo lường ảnh hưởng của quảng cáo trên thị trường thực. Làm sao nhà giảng thuyết biết những gì cộng đoàn thực sự đã nghe? Nó có phải là một thông điệp như ta nghĩ nó là không? Hoặc ngôn ngữ, cách giảng, hoặc văn phong của nhà giảng thuyết có làm cho cộng đoàn hiểu lệch ý so với thông điệp mà nhà giảng thuyết muốn nói? Làm thế nào nhà giảng thuyết thực sự biết rằng dân chúng nghe đúng những điều muốn giảng? Nhà giảng thuyết không biết được. Một dân chúng lịch sự có thể khen đấy; nhưng họ có thực nghe thông điệp đó không? Như đối với quảng cáo, có một cách thử có thể trả lời nó.

Giáo sư Richard J. Light, một giáo sư phân khoa Đại Học Sư Phạm thuộc Đại Học Harvard, và là người nổi bật trong phong trào đánh giá vấn đề, đã triển khai “giấy một phút” để cải thiện bài giảng dạy của mình. Ông cho một bài tập đơn giản một phút cho các sinh viên trả lời mà không cần cho biết tên với hai câu hỏi: “Điểm đầu tiên nào bạn đã học được trong lớp học hôm nay?” và “Câu hỏi chính chưa được nói ra trong bài giảng này là gì?”

Hãy hình dung ra điều mà nhà giảng thuyết có thể biết dễ dàng về những gì ông đã giảng, sứ điệp đã được thông truyền như thế nào, và sự thành công nào về kỹ thuật đã được dùng đến. Những “điểm đáng học” có thể được hiểu là sự cô đọng tốt hơn các bài giảng, cũng như cách trình bày tốt hơn. Điểm nào đã được làm cách tốt hơn? Dân chúng có bị lẫn lộn không? Chỉ cần xem vài tờ giấy trả lời là có thể biết được chất lượng của bài giảng. Đi từ phía câu trả lời tích cực đến phía những câu trả lời tiêu cực nhất, cùng “giấy một phút” đưa ra một bảng liệt kê những chủ đề. Dân chúng muốn nghe những điều gì? Họ nghĩ gì trong đầu? Tâm hồn họ gặp những phiền sầu gì?

Một bài tập đánh giá như thế, tuy không thực hiện đều đặn hằng tuần, sẽ làm cho nhà giảng thuyết lo âu hoặc e sợ về sự thông truyền ở một mức độ nào đó khi sự rủi ro cao hơn. Nhưng nó cũng sinh ra năng lượng để viết và giảng một cách hiệu quả hơn từ sự rủi ro cao hơn. Nó là một hoạt động mà hầu hết các nhà giảng thuyết hoặc chưa từng quen, hoặc không thoải mái với nó, một khi lớp học giảng thuyết trong chủng viện đã kết thúc. Sau cùng, ai có lợi về việc phê bình bài viết? Không có ai cả. Một sự phê bình cứng cỏi quá mức có thể gây tổn thương. Tuy nhiên, như với hầu hết các vấn đề của cuộc sống, trên 83 phần trăm người trong cộng đoàn sẽ phần nào cho ra một sự khẳng định trung thực, và sự phản hồi đó rất hữu ích trong việc xây dựng cộng đoàn.

Cuối cùng, cái thực sự là quan trọng với tôi có thể là đã lượm lặt được từ buổi rửa tội sáng Chúa Nhật. Vẻ trịnh trọng và tươi cười của cha quản nhiệm Vương Cung Thánh Đường Blessed Sacrament ở Greensburg, Tiểu Bang Pennsylvania, với nụ cười nồng ấm đã đón chào một gia đình độc đáo đang bước vào nhà thờ rực ánh sáng mặt trời; trong khi ông cha phó da trắng vạm vỡ như một tay cầu thủ bóng bầu dục, hao hao vóc dáng của cựu cầu thủ bóng bầu dục nổi tiếng Franco Harris, nhìn ai cũng với một sự thân thiện như vậy đang chỉ chỗ ngồi cho mọi người. Tôi chỉ là người đồng tế đứng không không có việc gì làm, nhưng cũng nhận ra bước chân hấp dẫn của một cô bé qua đôi giày da sơn màu trắng. Cô bé ngập ngừng tiến vào cung thánh trang hoàng đầy hoa mùa xuân rung động, đi với cả gia đình; ánh sáng mặt trời buổi sáng xuyên qua các ô cửa sổ kính màu trang trí, nhảy múa trên chiếc áo đầm lụa trắng trinh nguyên của cô bé. Người mẹ, biết rõ con gái mình hơn bất cứ ai – từ khi nó vừa lọt lòng mẹ – lau vội hàng nước mắt. Bà ngoại cô bé run rẩy nhưng tự hào vì không chống gậy và như thể đang trôi trên nền cẩm thạch, trong khi ông bố cố giữ cánh tay xoài dài của cô em quí yêu hai tuổi với mái tóc hoe ôm chặt đôi má ửng hồng, còn bé đang đòi ai đó cho ăn.

 Đây là một buổi cử hành “Rước Lễ Lần Đầu” mang tính gia đình. Đây là sự đa dạng của Giáo Hội, đáng ước ao xảy ra mỗi và từng Chúa Nhật, với một sự nối kết tâm đầu ý hợp. Việc giảng cho một Giáo Hội đa dạng như vậy đòi phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đồng cảm với cuộc sống của họ, nhận định sự sống động của nó, đưa ra những cơ hội thẩm định và, trên hết, chia sẻ những gì là hay nhất trong con tim nhà giảng thuyết, cho đi những gì là độc đáo nhất của con tim ông, để cả hai có thể được chữa lành bởi tình yêu Chúa, và nhảy múa trong tiếng hò reo vui mừng.


 

 

[1] Đức Ông David A. Rubino được phong chức vào năm 1973 để phục vụ Giáo Phận Erie. Ngài có hai bằng Tiến Sĩ của Đại Học Pittsburg, một về Tu Từ và Truyền Thông và một là về Giáo Dục Cao Học. Trước đây từng là viện trưởng Đại Học Gannon, nay Đức Ông đang giữ chức vụ trưởng khoa của Học Viện Nội Thương và cũng là phó viện trưởng Trường Cao Đẳng Mercyhurst ở Erie, Tiểu Bang Pennsylvania.
Tác giả bài viết: Lm. Đaminh Phạm Đức Sỹ CMC
Nguồn tin: Gpquinhon.org

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 22
  • Khách viếng thăm: 21
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 3771
  • Tháng hiện tại: 148748
  • Tổng lượt truy cập: 12438460