Trang mới   https://gpquinhon.org

Hãy đến mà xem (Ga 1, 35-42)

Đăng lúc: Thứ sáu - 02/06/2017 18:23

HÃY ĐẾN MÀ XEM
Ga 1, 35-42


Tìm hiểu bản văn 

Bài Tin Mừng diễn ra trong khung cảnh của ngày thứ 3 khi Chúa Giêsu khởi đầu sứ vụ công khai của Người. Hai ngày trước đó, chính Gioan cũng đã giới thiệu cho một nhóm người về Đức Giêsu « ông Gio-an thấy Đức Giê-su tiến về phía mình, liền nói: "Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian. » (Ga 1,29). Hôm nay, Gioan đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông. một cách đặc biệt hơn, Gioan giới thiệu Chúa cho hai môn đệ của ông khi Đức Giêsu đi ngang qua : « Thấy Đức Giê-su đi ngang qua, ông lên tiếng nói: "Đây là Chiên Thiên Chúa." » (Ga 1,36).

Một câu hỏi được đặt ra cho chúng ta : Sự xuất hiện của Chúa Giêsu hôm nay có phải là một sự tình cờ, ngẫu nhiên ? Có phải Ngài chỉ tình cờ đi ngang qua chỗ của Gioan và các môn đệ của ông ? Thiết nghĩ rằng, việc Chúa Giêsu đi ngang qua không phải là một sự tình cờ mà là một cuộc tìm kiếm cũng như chính Ngài đã lên đường để đi tìm và gọi một Matthêu thu thuế : « Bỏ nơi ấy, Đức Giê-su đi ngang qua trạm thu thuế, thì thấy một người tên là Mát-thêu đang ngồi tại trạm. Người bảo ông: "Anh hãy theo tôi! " Ông đứng dậy đi theo Người » (Mt 9,9), hay đi tìm một Giakêu tội lỗi « Sau khi vào Giê-ri-khô, Đức Giê-su đi ngang qua thành phố ấy. Ở đó có một người tên là Da-kêu… Khi Đức Giê-su tới chỗ ấy, thì Người nhìn lên và nói với ông: "Này ông Da-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông! " (Lc 19,1-6). Ngài đi tìm và Ngài cất tiếng gọi. Và tiếng gọi ấy luôn chờ đợi một lời đáp trả, Matthêu bỏ nghề thu thuế để đi theo Người, Da-kêu đón Chúa về nhà mình và bắt đầu cuộc đời mới. 

Trong bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu cũng đi ngang qua chỗ của Gioan và hai môn đệ của ông hay nói đúng hơn là Chúa Giêsu đã đi ngang qua cuộc đời các ông. Từ giây phút ấy cuộc đời các ông đã rẽ sang một bước ngoặc mới. Gioan phải giã từ hai môn đệ của mình để họ trở thành môn đệ của Đức Giêsu, ông đã mời gọi hai môn đệ của ông rời xa ông để gắn bó với Đức Giêsu. Hai môn đệ của Gioan sẽ giã từ thầy mình để đi theo một vị Thầy mới là Đức Giêsu « Chiên Thiên Chúa ». Đây là một chọn lựa đòi hỏi phải từ bỏ không chỉ là những của cải vật chất mà là còn là từ bỏ một nếp sống cũ để chọn một nếp sống mới khi đi theo một vị thầy mới là Giêsu, Đấng sẽ ban cho họ sự sống.

Hai môn đệ này là ai ? Một người tên là An-rê, anh của ông Simon (c.41), còn người kia là vô danh. Có thể người môn đệ vô danh này là mỗi chúng ta, các đọc giả Tin Mừng. Chính Chúa Giêsu cũng đã đi ngang qua cuộc đời chúng ta và gọi chúng ta để chúng ta trở nên người môn đệ của Ngài. 

Khi nghe lời giới thiệu của Gioan về Chúa Giêsu, hai ông đã tin lời của ông Gioan và hai ông đã đi theo Đức Giê-su. Có điều gì thu hút các ông cách mạnh mẽ trong lời giới thiệu của Gioan ? Phải chăng, hình ảnh « Chiên Thiên Chúa." gợi lại dòng lịch sử cứu độ của Itraen vì hình ảnh « Con Chiên » nhắc đến Chiên Vượt Qua trong biến cố Xuất hành. Thật vậy, nhờ máu chiên bôi trên cửa mà dân Itraen được cứu và được giải thoát khỏi ách nô lệ Ai cập. Từ đó, sau biến cố Xuất hành, khi vào đất hứa, hằng năm dân It-ra-en lại cử hành nghi lễ ăn chiên Vượt qua để ghi nhớ đến muôn đời sự che chở lạ lùng của Thiên Chúa nhờ đó mà con cái Itraen thoát được mọi tai ương đổ xuống trên đất Ai-cập, nhất là thoát khỏi ách nô lệ Ai-cập.

Hơn nữa lời giới thiệu của Gioan « Đây là Chiên Thiên Chúa » (c.36) không chỉ nhắc đến biến cố vĩ đại mà dân It-ra-en được Thiên Chúa cứu thoát mà còn là một lời tuyên xưng rằng : Đức Giêsu là Chiên Thiên Chúa, Ngài là Đấng mang lại sự sống cho nhân loại. Lời giới thiệu này đã được Giáo Hội lặp lại trong mỗi Thánh Lễ « Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian, phúc cho ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa. ». Qua đó, Giáo Hội giới thiệu Chúa Giêsu cho chúng ta. Như thế, qua mỗi Thánh Lễ, chính Chúa Giêsu đi ngang qua cuộc đời chúng ta. Và chính Ngài cũng đã đi ngang qua cuộc đời chúng ta mỗi một ngày, mỗi một giây phút, nhưng chúng ta có nhận ra vết chân Ngài đi qua?

Qua lời giới thiệu của Gioan, hai môn đệ đã lẽo đẽo đi theo Chúa Giêsu. Phải chăng họ đã bị thuyết phục bởi lời giới thiệu của Gioan hay bởi chính Chúa Giêsu ? Đúng hơn là cả hai. Vì hành trình đi theo Chúa của hai môn đệ chỉ được thực sự khởi đầu khi Chúa Giêsu « quay lại », « thấy » hai ông và lên tiếng hỏi « Các anh tìm gì thế ? » (c.38) Câu hỏi mở ra cho một cuộc đối thoại, một tương quan gặp gỡ. Cuộc đối thoại này kể cũng lạ vì lời đáp của các môn đệ không trả lời cho câu hỏi của Chúa Giêsu. Khi Chúa Giêsu thấy các ông lẽo đẽo đi theo mình, Ngài hỏi: « Các anh tìm gì thế ? » (c.38). Và họ đáp lại bằng một câu hỏi khác : « Thưa Thầy, Thầy ở đâu ? » (c.38). Câu hỏi của Chúa Giêsu dường như là để trắc nghiệm cho động cơ đi theo Chúa của các ông. Và câu hỏi thay lời đáp của các môn đệ chỉ diễn tả một ước mong được biết nơi Thầy ở, để ở lại với Người. Chúa Giêsu không trả lời nhưng chỉ mời gọi họ : « Hãy đến mà xem » (c.39). Lời gọi không mang tính lý thuyết làm cho các môn đệ biết về Đức Giêsu là ai nhưng là một thôi thúc, một mời gọi trải nghiệm để sống với Ngài.

Thật vậy, thánh Gioan không miêu tả cho chúng ta chỗ ở của Chúa Giêsu như thế nào mà chỉ nói « Họ đã đến nơi Người ở và ở lại với Người » (c.39). Chúng ta không biết nơi Người ở, và có lẽ không gian này không quan trọng. Điều quan trọng là họ đã ở lại với Chúa Giêsu. Giây phút họ được gọi để đến và ở lại với Chúa Giêsu chắc phải là giây phút đáng nhớ và linh thiêng lắm nên các môn đệ đã nhớ cả thời gian của cuộc gặp gỡ « Lúc đó, vào khoảng giờ thứ mười » (c.39). Họ không chỉ ở với Chúa Giêsu trong túp lều của Người mà là ở lại trong sự hiện diện của Người, ở lại trong Người. Một sự ở lại trong nhau.

Chúng ta được gọi là để ở với Chúa. Chúa gọi tôi vì Chúa khao khát yêu tôi và ở lại trong tôi. Tiếng gọi ấy vẫn luôn mãi vang lên trong tôi. Những khi tôi không nghe được Lời gọi của Chúa là dấu hiệu tôi chưa đi tìm Chúa, và cũng là dấu hiệu tôi đã để cho biết bao lời khác vang lên trong tâm hồn tôi. Tôi đã say mê tiếng gọi của những quyến rũ trần gian hơn tiếng gọi của chính Chúa.  Khi các tiếng gọi của trần gian im lắng, lúc đó tiếng Chúa sẽ vang lên. Ngài muốn lấp đầy con tim của tôi bằng tình yêu của Ngài, Ngài muốn quyến rũ tôi bằng Lời ngọt ngào của tình yêu Ngài « Hãy đến mà xem ». Tôi có dám để cho Ngài quyến rũ tôi như ngôn sứ Giêrêmia : «  Lạy ĐỨC CHÚA, Ngài đã quyến rũ con, và con đã để cho Ngài quyến rũ. Ngài mạnh hơn con, và Ngài đã thắng » (Gr 20,7). Và chính ngôn sứ Giêremia đã phải thốt lên : « Lời Ngài cứ như ngọn lửa bừng cháy trong tim, âm ỉ trong xương cốt. Con nén chịu đến phải hao mòn, nhưng làm sao nén được! » (Gr 20,9).

Ơn gọi của hai môn đệ không chỉ khởi đi từ việc các ông tìm kiếm Thiên Chúa nhưng khởi đi từ việc chính Thiên Chúa tìm kiếm các ông. Do đó trong ơn gọi, có một sự gặp gỡ giữa hai cuộc đi tìm :

  • Cuộc đi tìm của Chúa Giêsu
  • Cuộc đi tìm của các môn đệ 
Ơn gọi của mỗi chúng ta cũng chính là một cuộc gặp gỡ giữa hai cuộc tìm kiếm : Đó là một hành trình của Thiên Chúa đi tìm tôi và tôi đi tìm Chúa. Nếu tôi không tìm kiếm Thiên Chúa, tôi sẽ không thể gặp được ngài.
 
Trong hành trình ơn gọi, một khi được ở lại với Chúa Giêsu, được cảm nghiệm tình yêu của Ngài, tình yêu ấy sẽ thôi thúc chúng ta loan báo Lời Ngài, để kêu gọi người khác đến gặp Ngài như môn đệ Anrê đã dẫn em mình đến gặp Đức Giê-su : « Ông gặp em mình là ông Simon và nói : « Chúng tôi đã gặp Đấng Messia » (c.41). Thật vậy khi gặp được Đức Giêsu, chúng ta không thể không reo lên niềm hạnh phúc gặp Ngài như môn đệ An-rê : « Chúng tôi đã gặp Đấng Messia ». Có cái gì đó tương tự như niềm vui gặp gỡ của Maria Madalena và các tông đồ với Đấng Phục Sinh, chính họ cũng đã reo lên « Chúng tôi đã thấy Chúa ». Chính niềm vui gặp Chúa sẽ cho chúng ta đôi chân mạnh mẽ để đến với tha nhân để chia sẻ cho họ niềm vui gặp Chúa. 
 
Câu hỏi gợi ý suy niệm 

  1. Tôi tìm kiếm điều gì trong đời sống thánh hiến ? Tôi có khao khát đi tìm Chúa trong đời sống thánh hiến và Thiên Chúa có là trọng tâm cho cuộc đời tôi không ?
  2. Tôi có khao khát gặp gỡ Thiên Chúa và ở lại với Chúa trong đời sống cầu nguyện mỗi ngày không ?
  3. Hai môn đệ đã nhận ra Đấng họ kiếm tìm và đã đi theo Ngài, tôi có nhận ra bước chân của Chúa đi ngang qua cuộc đời tôi và cái nhìn đầy yêu thương của Chúa đối với tôi qua những sự kiện đã diễn ra trong cuộc đời tôi?
  4. Tôi phải làm gì để giới thiệu người khác cho Chúa Giêsu ? 
Gợi ý cầu nguyện 
 
Lạy Chúa Giêsu, vì Chúa khao khát tình yêu của con mà Ngài đã đi ngang qua cuộc đời của con, Ngài nhận ra sự nghèo nàn cùng khốn của con. Ngài gọi con với niềm hy vọng trao ban cho con sự sống của Ngài, nhưng lạy Chúa bao nhiêu tiếng gọi của cuộc đời làm cho con không nghe được tiếng Chúa.

Xin Chúa hãy nhìn con và cho con bắt gặp được ánh mắt đầy yêu thương của Chúa. Xin Chúa hãy gọi con và cho con nghe được tiếng gọi đầy yêu thương của Chúa.

Xin khơi lên trong trái tim con một chút tình yêu để cho con cảm được nhịp đập yêu thương của trái tim Ngài.

Xin đưa con đi vào trong niềm hạnh phúc bất tận của sự hiện diện yêu thương của Ngài, để từ đây chính con sẽ ra đi và làm chứng cho tình yêu huyền nhiệm ấy.

Xin cho con trở thành người môn đệ tín trung để ở với Ngài trong cuộc đời chiêm niệm và dẫn người khác đến gặp Ngài.

Tác giả bài viết: Nt. Marie Diệu Hiền
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 13
  • Khách viếng thăm: 11
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 1875
  • Tháng hiện tại: 128397
  • Tổng lượt truy cập: 12272657