Lược sử Giáo xứ Đông Mỹ

Thứ ba - 14/08/2018 10:16

GIÁO XỨ ĐÔNG MỸ


I. VỊ TRÍ ĐỊA LÝ
Giáo xứ Đông Mỹ nằm ở cực Nam của Giáo phận Qui Nhơn, cũng là cực Nam của tỉnh Phú Yên: Phía Nam giáp Giáo phận Nha Trang ở 3/4 Đèo Cả, phía Bắc giáp giáo xứ Tuy Hoà và giáo họ biệt lập Phú Lâm, phía Đông giáp Biển Đông, phía Tây giáp giáo xứ Hoa Châu.

Địa bàn hành chánh của giáo xứ bao gồm thị trấn Hòa Hiệp Trung, thị trấn Hòa Vinh, các xã Hòa Hiệp Bắc, Hòa Hiệp Nam, Hòa Xuân Tây, Hòa Xuân Đông, Hòa Xuân Nam, Hòa Tân Đông, Hòa Tâm của huyện Đông Hòa.
Nhà thờ Đông Mỹ tọa lạc phía Đông trục quốc lộ I thuộc thị trấn Hòa Vinh, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên.

II. ĐÔI DÒNG LỊCH SỬ
1. Nguồn gốc
Trên đường mở cõi về phương Nam, Phú Yên được ghi danh vào Đại Việt năm 1611. Trước đó, chúa Nguyễn Hoàng ban hành công lệnh ngày mồng 06 tháng 02 năm 1597 giao ông Lương Văn Chánh, Tri huyện Tuy Viễn, đưa dân đến khẩn hoang lập làng tại các vùng: Cù Mông (đầm Cù Mông, thị xã Sông Cầu), Bà Đài (châu thổ Sông Cái huyện Tuy An), Bà Diễn (châu thổ sông Đà Rằng, Tp. Tuy Hòa), Bà Niễu (châu thổ sông Bàn Thạch - Đà Nông, huyện Đông Hòa). Nam Bình, vùng đất thuộc châu thổ sông Bàn Thạch, lúc bấy giờ là vùng đất dễ sinh sống:

“Muốn về đất biển ăn cua,
So đi tính lại cũng thua Nam Bình.
Nam Bình nhiều mía nhiều đàng,
Nhiều khoai môn ấp đầy sàng dễ bưng”.
(Ca dao Phú Yên)

Từ đó đã có nhiều người Việt đến tụ cư vùng đất dễ ăn dễ sống nầy và hạt giống Tin Mừng cũng được nẩy mầm ở đây rất sớm.
Căn cứ vào danh sách nhà thờ nhà nguyện vào năm 1747 do cha Guillaume Rivoal ghi thì vùng đất thuộc giáo xứ Đông Mỹ ngày nay có các giáo điểm như: Nam Bing (Nam Bình) 60 giáo dân, Bao Nham (Bàn Nham) 40 giáo dân.[1] Đây là hai giáo điểm bên bờ Nam sông Bàn Thạch,[2] cả hai nơi thuộc xã Hoà Xuân Tây ngày nay. Theo thống kê đề ngày 01 tháng 12 năm 1747 của cha Jean Bourgine, thừa sai Paris, phụ trách vùng Bình Định và Phú Yên từ năm 1742-1750: Phú Yên có 6 nhà thờ, Nam Bình và Bàn Nham thuộc nhà thờ Thạch Thành, mỗi nơi có 6 gia đình giáo dân.[3]

Một trăm năm sau, hai giáo điểm Nam Bình và Bàn Nham, cực Nam của Phú Yên, không thấy trong thống kê năm 1850 của Đức cha Cuénot Thể. Quả vậy, những chồi mầm Tin Mừng ban đầu ấy chưa đủ mạnh, đành lịm đi trước cuồng phong đổi thay của lịch sử. Dẫu sao, những hạt giống ấy như nằm im trong lòng đất chờ ngày tiếp tục nẩy mầm trổ sinh hoa trái.

Vào khoảng năm 1933, cha Simon Trần văn Phiến, lúc bấy giờ là cha sở Hoa Vông đến truyền giáo tại Đông Mỹ. Lúc đầu có một gia đình thân hào nhân sĩ Phêrô Nguyễn Tài Tụ tin theo Chúa. Tại đây đã có một số ít giáo dân ở Mằng Lăng đến sinh sống, như gia đình ông Nguyễn Nhiên và bà Nguyễn Thị Chạch. Có thầy giảng Sáu Tạo phụ giúp cha Phiến trong việc truyền giáo. Cha Phiến đã mua khu đất và làm một nhà nguyện với mái tranh vách đất. Khu đất nầy là phần sân trước nhà thờ hiện nay.

Bấy giờ, Đông Mỹ là một họ đạo của địa sở Hoa Vông. Năm 1936, đập Đồng Cam hoàn thành, nước về, ruộng làm mỗi năm được hai vụ. Cha Phiến nhờ tiền Hội Phaolô Châu mua gần 200 mẫu ta ruộng cho nhà chung. Các dì Phước viện Mằng Lăng lần lượt đến Đông Mỹ giúp mục vụ và quản lý ruộng đất: Dì Khen, dì Lệnh, dì Lành, dì Dĩ, dì Xinh, dì Phấn, dì Sử, dì Sự.

Thu hoạch được nhiều lúa, cha xây một ngôi nhà lớn tường gạch, mái ngói trên nền đất bao gồm nhà nguyện cũ. Ngôi nhà này chia làm ba gian: gian trước làm nhà nguyện, gian giữa làm kho chứa lúa, và sau cùng là nhà ở. Giáo dân và lương dân nhờ làm ruộng của nhà chung, đời sống được ổn định, sung túc. Năm 1940 chỉ có 13 giáo dân tại Đông Mỹ.[4] Công việc truyền giáo ngày càng phát triển, giáo dân ngày một thêm đông, khoảng trên 50 gia đình.

Kế tục cha Phiến, có các cha sở Tuy Hoà đến chăm sóc mục vụ: Cha Antôn Nguyễn Minh Đoan (1942 - 1943), cha Matthêô Trịnh Hòa Đại (1943 – 1946). Trong thời gian từ năm 1946 đến 1951, vì chiến tranh, các cha sở Tuy Hoà không thường xuyên đến Đông Mỹ, giáo dân tản mát. Sau đó các cha sở Tuy Hòa tiếp tục đến phục vụ: Cha Phêrô Nguyễn Vĩnh Lưu (1951 – 1955), cha Giuse Tô Đình Sơn (1955-1959). Giáo dân phát triển dần, năm 1956 số giáo dân khoảng 500 người. Vì số giáo dân gia tăng, cha Giuse làm nhà thờ trên nền nhà nguyện cũ và kho chứa lúa, diện tích 138m², bằng vật liệu rắn chắc. Cha cho khởi công ngày 15 tháng 04 năm 1956 và khánh thành ngày 15 tháng 08 năm 1956.

Ngày 03 tháng 09 năm 1957, Đức cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi mở Đại hội đồng Giáo phận, đặt truyền giáo là mục tiêu hàng đầu. Trong tinh thần đó, ngài kêu gọi một số các linh mục và các đại chủng sinh từ miền Bắc di cư vào Nam đến giúp Giáo phận.[5]

Ngày 02 tháng 03 năm 1959, cha Luca Mai Học Lý từ Qui Nhơn vào nhận giáo điểm truyền giáo Đông Mỹ, cùng có cha Bênađô Nguyễn Quang Nhung và thầy Anrê Phạm An Bình.[6] Một thời gian sau có thêm các cha gốc Phát Diệm đang ở Sài Gòn tiếp tục đến: Cha Phaolô Trần Duy Hoà, cha Phêrô Phan Anh Thụ, cha Antôn Vũ Như Huỳnh, cha Phanxicô Xaviê Trần Ngọc Phan, và một số các thầy giảng như: Nguyễn Đạo, Lê Như Tiền, thầy Cảnh, Anrê Phạm An Bình, Giuse Nguyễn Vĩnh Phúc, Giuse Phước, Phêrô Dương Văn Qui, Alphongsô Hoàng Qui.

Vào ngày 23 tháng 10 năm 1959, Đức cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi, Giám mục Giáo phận Qui Nhơn, ký văn bản số 1110/CDC chính thức lập Khu truyền giáo Đông Mỹ, được tính từ sông Đà Rằng vào tới Đèo Cả, bao gồm 8 xã: Hòa Bình, Hòa Thành, Hòa Tân, Hòa Đồng, Hòa Hiệp, Hòa Vinh, Hòa Xuân và Hòa Thịnh. Thời gian này việc truyền giáo ở tỉnh Phú Yên phát triển mạnh, đặc biệt ở quận Hiếu Xương.[7]

2. Thành lập giáo xứ
Từ năm 1960 – 1964, cha Bênađô Nguyễn Quang Nhung làm cha sở đầu tiên của giáo xứ Đông Mỹ. Cha cùng với các cha và các thầy tại trụ sở Truyền giáo Đông Mỹ nỗ lực xây dựng giáo xứ và tích cực lo việc truyền giáo. Giáo xứ ngày một hưng thịnh, việc truyền giáo ngày càng lan rộng đến các xã lân cận, số giáo dân và dự tòng ngày một tăng. Năm 1959, số giáo dân cũ là 951 người và 2.506 tân tòng. Đến năm 1964, số giáo dân cũ lên đến 2.800 người và 450 tân tòng.[8] Giai đoạn này đã lập được rất nhiều giáo điểm truyền giáo như: Trường Thịnh, Phước Lâm, Phú Hiệp, Thọ Lâm, Thạnh Lâm, Uất Lâm, Đồng Hải, Đa Ngư, Phú Lạc, Hòa Tân, Hòa Đồng, Hòa Thành, Hòa Thịnh, Thạch Bắc, Thạch Nam, Nam Bình, Phú Lương, Phú Đa, Vĩnh Xuân, Xuân Thạnh, Cảnh Phước, Hồi Cư, Phú Diễn, Phú Phong, Mỹ Cảnh, Phú Lâm, Phước Bình, Phú Thứ... Và đã xây dựng được 5 nhà nguyện: Phước Lâm, Thạch Bắc, Thạch Nam, Phú Thứ và Phú Lâm.

Thời điểm này có những giáo dân rất nhiệt tình trong việc truyền giáo như ông Nguyễn Đạo gốc ở Bình Định vào trú ngụ tại Ngọc Lâm, Hòa Mỹ; ông Lê Như Tiền ở Hóc Gáo đến phụ giúp; ông Tổng Sâm cũng gọi là Thất Sâm, tân tòng, ông hăng say thuyết phục được nhiều người, non một tháng ông đem về cho Chúa 96 người; vợ chồng ông Antôn Trần Chánh, tân tòng, ở Ổ Vạc, thôn 1, Hòa Vinh,[9] ông làm trưởng nhóm truyền giáo, đi truyền giáo cho bà con ở nhiều xã. Đa số các họ tân tòng ở Đông Mỹ do ông gầy dựng. Ngày Chúa nhật các tân tòng từ những nơi xa về dự lễ, ông thường lo cho họ chỗ nghỉ ngơi và ăn uống.[10]

Song song với việc xây dựng giáo xứ và lo truyền giáo, cha Nhung và các cha tại trụ sở truyền giáo Đông Mỹ còn lo mở trường học để nâng cao dân trí cho con em cả lương lẫn giáo. Năm 1960, được sự chấp thuận của cha Tô Đình Sơn, Hạt trưởng Phú Yên, cha Nhung bán ruộng, xây trường tư thục Đông Mỹ, gồm ba phòng, phía bên phải nhà thờ. Đến năm 1963, xây thêm một ngôi trường khang trang tám phòng, trên khu đất 1 ha, do cha Nicôla Đinh Quang Điện làm hiệu trưởng, đến năm 1962, cha Phanxicô Xaviê Trần Hoà làm hiệu trưởng. Nhân dân quận Hiếu Xương rất vui mừng khi có ngôi trường này, vì đa số học sinh nghèo, không có điều kiện đi học tại thị xã Tuy Hòa.

Từ năm 1964 – 1965, cha Gioan Baotixita Nguyễn Quang Minh, cha sở Hoa Châu kiêm nhiệm mục vụ. Năm 1965, cha Phanxicô Xaviê Trần Hoà dược bổ nhiệm làm cha sở. Do mất an ninh, các cha tại Trụ sở truyền giáo đi nơi khác, chỉ có các thầy Đại chủng sinh đến thực tập mục vụ. Cha Hoà vừa làm cha sở, vừa kiêm hiệu trưởng trường tư thục Đông Mỹ. Năm 1969, cha xây thêm cơ sở II của trường tại Phú Lâm, gồm tám phòng. Đến năm 1970, cha xây thêm một ngôi nhà hai tầng, tầng trên làm nhà thờ, tầng dưới làm ba phòng học. Niên khoá 1974 – 1975 có hơn 1.200 học sinh theo học.[11] Ảnh hưởng của đạo Chúa cũng còn mạnh trên bà con lương dân, có nhiều người xin gia nhập đạo, đến năm 1968 số giáo dân lên tới  3.134 người. Năm 1975, cha Hoà được bổ nhiệm làm cha sở Hoa Châu, nhưng vì tại Hoa Châu nhà thờ và nhà xứ bị đổ nát không có chỗ ở, nên Đức Giám mục Giáo phận cho phép cha Hòa được ở tại Phú Lâm và giáo họ Phú Lâm thuộc về giáo xứ Hoa Châu.

Từ năm 1975, cha Phêrô Nguyễn Cấp về làm cha sở Đông Mỹ. Sau năm 1975, sinh hoạt tôn giáo và đời sống đạo của bà con giáo dân gặp nhiều khó khăn. Các cơ sở của Giáo Hội hầu hết bị đóng cửa hoặc bị trưng dụng. Sau khi xin lại được các dãy trường học trong khuôn viên nhà thờ Đông Mỹ, cha Cấp cho sửa chữa để làm các phòng giáo lý. Năm 1992, cha xây dựng lại tháp chuông và tường rào bao quanh khuôn viên nhà thờ. Năm 1994, cha tu sửa lại các nhà nguyện Phước Lâm, Thạch Bắc và Thạch Nam.

Năm 1998, cha Phêrô Tuần Nguyễn Cao Hiên về thay cha Cấp. Nhờ ơn Chúa, qua đời sống thánh thiện, yêu mến Thánh Thể, nhiệt tâm lo phần rỗi các linh hồn và lòng bác ái của cha, đời sống đạo của bà con giáo dân hăng say và sốt sắng rõ rệt. Các hội đoàn được thành lập, mang lại nhiều ích lợi trong công tác mục vụ. Có nhiều người đã từ lâu không giữ đạo, đã được ơn trở lại, nhiều người đến tìm hiểu đạo Chúa và xin tòng giáo. Các nhà nguyện: Phước Lâm, Thạch Nam và Thạch Bắc bắt đầu có Thánh lễ thường xuyên hằng tuần. Tháng 07 năm 2001, vì tuổi cao, thường đau yếu, nên ngài đi chữa bệnh. Cha phó Phêrô Trương Minh Thái phụ trách việc mục vụ giáo xứ thay cha Hiên. Tháng 10 năm 2002, giáo họ Phú Lâm được giao lại cho giáo xứ Đông Mỹ.

Vào ngày 01 tháng 07 năm 2003, Đức Giám mục bổ nhiệm cha Phêrô Trương Minh Thái làm cha sở Đông Mỹ. Tiếp nối phong cách mục vụ của cha Phêrô Tuần Nguyễn Cao Hiên, cha Thái có nhiều sáng kiến mục vụ mưu cầu lợi ích cho các linh hồn. Cha năng tiếp cận, thăm viếng, làm việc bác ái, tạo mối quan hệ đạo đời tốt đẹp.

Để thuận tiện về hành chánh và lợi ích mục vụ thiết thực hơn cho giáo dân, ngày 24 háng 05 năm 2008, Đức cha Phêrô Nguyễn Soạn tách địa bàn mục vụ của giáo xứ Đông Mỹ gồm 6 xã thuộc huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên: Hòa Bình 1, Hòa Bình 2, Hòa Đồng, Hòa Thịnh, Hòa Mỹ Đông và Hòa Mỹ Tây để sáp nhập vào địa bàn mục vụ của giáo xứ Hoa Châu.

Nhà thờ Đông Mỹ được cha Giuse Tô Đình Sơn xây dựng khi Đông Mỹ có khoảng 500 giáo dân. Năm 2009, Đông Mỹ hơn 2000 giáo dân. Do đó, nhà thờ không thể bao bọc, che chở đoàn con đã trưởng thành ngày càng đông đúc. Cha Phêrô Trương Minh Thái vận động chuyển đổi mục đích sử dụng phần diện tích ruộng lúa của giáo xứ liền kề khuôn viên nhà thờ thành đất xây dựng. Sau khi chuyển đổi mục đích, nâng mặt bằng, ngày 28 tháng 05 năm 2009, nhà thờ mới được khởi công trên vị trí mới với tổng diện tích 730m². Cha vận động công sức bà con giáo dân, tổ chức đắp lò nung gạch, vận động các ân nhân, sau hơn hai năm thi công, nhà thờ và đài Đức Mẹ được hoàn thành. Ngày 09 tháng 02 năm 2012, Đức cha Phêrô Nguyễn Soạn, Giám mục Giáo phận Qui Nhơn, chủ sự Thánh lễ tạ ơn và cung hiến nhà thờ.

Ngày 28 tháng 05 năm 2013, cha Phanxicô Xaviê Trần Đăng Đức được bổ nhiệm làm cha sở Đông Mỹ. Ngày 01 tháng 05 năm 2014, Đức cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi ký Quyết định tách giáo họ Phú lâm của giáo xứ Đông Mỹ, sáp nhập vào giáo xứ Tuy Hòa.
Cuối năm 2017 giáo xứ Đông Mỹ có 442 gia đình, 1.336 tín hữu, được phân bố trong 8 giáo họ. Đông Mỹ I: 199, Đông Mỹ II: 285, Trường Thịnh: 165, Phước Lâm: 84, Phú Hiệp: 198, Thọ Lâm: 182, Thạch Tuân: 167, Vũng Rô: 56.

3. Các cha sở và cha phó
- Các cha sở
1. Cha Bênađô Nguyễn Quang Nhung (1960-1964).
3. Cha Phanxicô Xaviê Trần Hoà (1965-1975).
4. Cha Phêrô Nguyễn Cấp (1975-1998).
5. Cha Phêrô Tuần Nguyễn Cao Hiên (1998-2003).
6. Cha Phêrô Trương Minh Thái (2003-2013).
7. Cha Phanxicô Xaviê Trần Đăng Đức (2013-…)

- Các cha phó
1. Cha Nicôla Đinh Quang Điện (1960-1962).
2. Cha Phanxicô Xaviê Trần Hoà (1962-1965).
3. Cha Phêrô Nguyễn văn Nhuận (1970-1972).
4. Cha Augustinô Nguyễn Văn Phú (2002-2003).
5. Cha Phanxicô Phạm Đình Triều (2003-2005).
6. Cha Đaminh Đỗ Nhị Anh (2017-...)

4. Linh mục, tu sĩ, chủng sinh xuất thân từ giáo xứ
  1. Cha Phaolô Nguyễn Huệ, Tu hội Chúa Giêsu Linh mục.
2. Cha Gioan Baotixita Nguyễn Quyết Chiến, Giáo phận Perth, Úc.
   3. Nữ tu Anna Văn Thị Thanh Xuân, Dòng MTG Nha Trang.
4. Thầy Matthêô Nguyễn Hiểu Thạch, đại chủng sinh.

 

 


[1] Xem ADRIEN LAUNAY, Histoire de la Mission de Cochinchine, II, sđd., tr. 189.

[2] Sông phát nguyên ở vùng núi Hòn Dù thuộc dãy Trường Sơn, phía Tây huyện Tây Hòa. Ở thượng nguồn, mỗi khúc sông có những tên gọi: Sông Đá Đen, sông Bánh Lái, sông Bàu Sắc, khúc từ Hội Cư, Hòa Tân Tây chảy qua Hòa Xuân được gọi là sông Bàn Thạch. Ở hạ nguồn phần giáp cửa biển gọi là sông Đà Nông. Cửa Đà Nông thuộc xã Hòa Hiệp Nam, huyện Đông Hòa.

[3] Xem ADRIEN LAUNAY, sđd., tr. 191-193.

[4] Xem Mémorial Mission de Quinhon, Septembre-Octobre 1940, tr. 9.

[5] Xem Bản thông tin địa phận Qui Nhơn, số 1, tháng 9 và 10 năm 1957, tr. 04.

[6] Xem Bản thông tin địa phận Qui Nhơn, số 9, tháng 1 và 2 năm 1959, tr. 33.

[7] Quận Hiếu Xương được thành lập theo Nghị định 723-NV của chính quyền đương cục ký ngày 12.7.1962,  gồm 7 xã: Đức Thành (Sơn Thành), Hòa Đồng, Hòa Mỹ, Hòa Thịnh, Hòa Phong, Hòa Tân, Hòa Bình. Nghị định 304/TTP-ĐVHC, ngày 21.12.1963, tách 4 xã Hòa Thành, Hòa Hiệp, Hòa Vinh, Hòa Xuân thuộc quận Tuy Hòa sáp nhập vào quận Hiếu Xương. Như thế, lúc bấy giờ quận Hiếu Xương gồm 11 xã nêu trên.

[8] Theo Sổ Tất niên.

[9] Đông Mỹ ngày nay.

[10] Xem Bản thông tin địa phận Qui Nhơn, số 11, tháng 5 và 6 năm 1959, tr. 15.

[11] Có trung học đệ nhất cấp và đệ nhị cấp.

Tác giả: BBT lịch sử giáo phận

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây