Lấp đầy giây phút hiện tại với tình yêu
Lm. Giuse Trương Đình Hiền
2020-02-18T01:05:25-05:00
2020-02-18T01:05:25-05:00
https://gpquinhon.org/thuong-huan/lap-day-giay-phut-hien-tai-voi-tinh-yeu-1364.html
https://farm2.staticflickr.com/1945/44823288211_6d8846fb9f_o.jpg
Giáo phận Qui Nhơn
https://gpquinhon.org/uploads/banertrongsuot.png
Thứ năm - 27/09/2018 18:18
LẤP ĐẦY GIÂY PHÚT HIỆN TẠI
VỚI TÌNH YÊU
Một gợi ý nên thánh
theo Đức cố Hồng Y F.X. Nguyễn Văn Thuận
trong Tông huấn Gaudete et ExsultateLm. Giuse Trương Đình Hiền
Dẫn chuyện vào đề
Khi nhắc tới Mẹ thánh Têrêsa Calcutta, người ta thường gán cho mẹ biệt danh: “vị thánh của thời đại”; và khi bàn tới các hành động bác ái và nghĩa cử thánh thiện của ngài, người ta cũng thường nhắc đến hai sự kiện đáng nhớ:
- Sự kiện thứ nhất: “Vào thời điểm 1952, Mẹ Têrêsa nhìn thấy một phụ nữ đang hấp hối trên đường phố, cả thân mình bị chuột và kiến gặm nhấm tơi tả mà chẳng được ai đoái hoài tới. Mẹ đưa Chị này vào nhà thương, nhưng đã muộn không phương cứu chữa, qua sự kiện này Mẹ nhận thấy còn có nhiều người đang sắp chết trên hè phố trong cảnh cô đơn, Mẹ động lòng thương đã mở ngay một ngôi nhà: “Tấm lòng Thanh Khiết” (Nirmal Hriday) dành cho những người sắp chết. Chỉ tính nguyên 20 năm đầu nơi đây đã tiếp nhận hơn 20 ngàn người và phân nửa đã qua đời giữa tình yêu thương của tu hội Dòng Bác Ái Truyền Giáo của Mẹ săn sóc, bởi vậy nơi này còn được gọi là: “Ngôi nhà cho kẻ hấp hối” dành cho những con người được thu lượm từ khu cống rãnh hôi hám, đang hấp hối đưa về, sau khi tắm rửa, mặc áo quần và cho ăn uống, một người xúc động đã thưa với Mẹ: “Tôi đã sống như một con thú vật, nhưng nay tôi được chết chẳng khác một thiên thần”.
- Sự kiện thứ hai : “Cảm phục công việc các Nữ tu Dòng Bác Ái Truyền Giáo làm, Ông Lý Gia Đồng hiệu trưởng Đại học Đài Loan đã đến phụ giúp Mẹ làm những công việc từ nấu ăn, rửa chén, cho bệnh nhân uống thuốc, đến vận chuyển thi hài người chết, chính Ông đã kể lại câu chuyện sau: Khi Quốc gia Nam Tư xẩy ra nội chiến, Mẹ Têrêsa đi tìm gặp một vị tướng chỉ huy cuộc chiến và nói: “phụ nữ cùng trẻ em trong khu chiến sự không chạy thoát ra được”. Vị tướng kia trả lời: “Nữ tu à, tôi muốn ngừng chiến nhưng đối phương không muốn, tôi cũng chẳng còn cách nào”. Mẹ Têrêsa nói: “Vậy thì tôi đành phải đi”. Thế là mẹ đi vào khu chiến sự, hai bên vừa nghe nữ tu Têrêsa đi vào khu chiến sự liền ngay lập tức ngừng bắn, sau khi Mẹ đưa phụ nữ và trẻ em ra xong, hai bên lại bắn nhau tiếp. Tin này loan truyền đến Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Ông Kofi Annan hết lời ca ngợi, và cho biết việc thế này đến tôi cũng không làm được, vì trước đây tổ chức Quốc tế này đã từng mấy lần can thiệp nhưng vẫn không cách nào khiến cuộc nội chiến ở đây ngừng bắn, từ đó ta thấy sức mạnh nhân cách của Nữ tu Têrêsa có sức thuyết phục thế nào.”
Nên thánh muôn nơi và muôn thuở là như thế: tìm gặp Chúa Giêsu để yêu thương và phục vụ trên những nẻo đường cuộc sống hay sẵn sàng dấn thân vì tình yêu cho dẫu phải “lội ngược dòng” hay trả giá bằng mạng sống!
Phù hợp với tính “thời sự” trong dòng chảy đức tin của Dân Chúa, chúng ta cùng chia sẻ với nhau “con đường nên Thánh” theo ánh sáng của tông huấn Gaudete et Exsultate (Tông huấn về việc nên thánh) của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, đặc biệt, theo con đường “Lấp đầy tình yêu” [3] của Đức Cố Hồng Y F.X. Nguyễn Văn Thuận mà tông huấn khai triển trong Chương I.
I. SỰ XUẤT HIỆN CỦA TÔNG HUẤN GAUDETE ET EXSULTATE TRONG BỐI CẢNH MỤC VỤ TỔNG QUÁT CỦA GIÁO HỘI.
1. Giáo Hội và những “sự kiện mục vụ chấn động”:
- Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II và sự sụp đổ của các chế độ Cộng sản:
Khi thế giới bước qua Thiên niên kỷ thứ III, ai cũng đoán già đoán non sẽ có nhiều biến cố hy hữu xảy ra đi theo những sự kiện mục vụ mang tầm mức “vĩ mô” của Giáo Hội Công Giáo, như đã từng xảy ra vào những năm cuối của thế kỷ 20, khi chủ nghĩa Cộng Sản sụp đổ ở Đông Âu, Liên Xô mà ảnh hưởng quyết định chính là nền “mục vụ liên đới và nhân bản” của triều đại Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II.
- Sự từ nhiệm của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô thứ XVI:
Ảnh hưởng rõ nét đối với thế giới thì chưa thể định hình, nhưng trong lòng Giáo Hội thì rõ ràng đã xảy ra: Việc từ nhiệm của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI vào lúc 20 giờ thứ năm, ngày 28 tháng 2 năm 2013, một sự kiện hy hữu chỉ xảy ra trong lịch sử Giáo Hội sau 600 năm và được Giáo Hội hay ít ra có người gọi “hành vi đó là “quà tặng lớn nhất” ngài dành cho Giáo Hội.
- Vị Giáo Hoàng đến từ Châu Mỹ La Tinh:
Tiếp theo “sự kiện Giáo Hoàng thoái vị”, một sự kiện khác cũng đáng gọi là “hy hữu”, khi một Giám Mục thuộc Dòng Tên, từ vùng Châu Mỹ La Tinh (Argentina), Đức Hồng Y Jorge Mario Bergoglio được Mật Nghị Hồng Y bầu chọn làm Vị Giáo Hoàng 266, kế nhiệm Đức Bênêđictô XVI trên Ngai Toà Thánh Phêrô.
Từ một đất nước Kitô giáo thuộc “thế giới thứ ba”, lại là một tu sĩ Dòng Tên, cùng với tước hiệu Giáo Hoàng Phanxicô, tên một vị “đại thánh ăn mày” của thế kỷ 12, ai cũng “nơm nớp” đợi chờ “cơn gió lạ” sẽ “ập vào căn nhà Hội Thánh”, vốn từ lâu vẫn được tiếng “trang nghiêm cổ kính”, và nếu dùng ngôn từ hơi tiêu cực một chút, thì đó là một “biệt thự luôn đóng cửa cài then”, hay “một pháo đài được phòng thủ kiên cố”!
2. Những Văn Kiện Huấn Quyền “tốn nhiều giấy mực”:
Và quả thật, thế giới, đặc biệt dân Kitô giáo, không phải chờ đợi lâu.
- Ngày 24 tháng 11 năm 2013: Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng (Evangelii Gaudium), văn kiện hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục về việc tái truyền giảng Tin Mừng diễn ra tại Vaticăng trong các ngày từ mùng 7 tới 28 tháng 10 năm 2012, đã được Đức Phanxicô công bố như “một phác thảo” cho con đường mục vụ của triều đại ngài. Quả thật, bằng những ngôn ngữ “mang tính mục vụ” và giàu âm sắc của hành động cụ thể, thực tế, thay vì những phạm trù, ngữ nghĩa trừu tượng của thần học, “Niềm Vui Tin Mừng” quả thật, là một “làn gió mới” thổi vào cơ thể Hội Thánh, một Hội Thánh “chấp nhận bị bầm dập thương tích” để “đi ra” thay vì “lành lặn, ổn định” ở yên trong tháp ngà vị kỷ!
- Nếu “Evangelii Gaudium” là một “làn gió mới” khơi dậy cuộc lên đường “Tân Phúc Âm hoá” cho toàn thể Dân Chúa, thì tiếp theo, một “luồng áp thấp nhiệt đới” đã gây không ít tranh cải, phản biện cùng với nhiều trăn trở mục vụ khắp thế giới Công Giáo (mà đỉnh điểm là vụ 4 Hồng Y gởi thư chất vấn Đức Giáo Hoàng), khi Đức Phanxicô cho ra đời liền sau Thông điệp về môi trường “Laudato Sí”, tông huấn thứ hai : “Amoris Laetitia” (Niềm vui của tình yêu), mà nội dung và định hướng mục vụ bao quanh một “nan đề” của thời đại : hôn nhân và đời sống gia đình.
- Tuy nhiên, hình như để “tái quân bình” cho “nhịp lướt sóng” đầy bấp bênh, chao đảo của Con Thuyền Giáo Hội trước những “sự cố tiêu cực”, nếu không nói là “gương mù tày liếp” của những vụ án “ấu dâm”, “lạm dụng tình dục” của hàng giáo sĩ ở nhiều nơi, những thái độ thiếu nhất quán trong đề xuất định hướng mục vụ của một số Hội Đồng Giám Mục cùng với những “mũi dùi tấn công” càng ngày càng tinh vi xảo quyệt của các thế lực “Phản Ki-tô”…, đúng dịp kỷ niệm 5 năm ngày khai mạc sứ vụ Thánh Phêrô (18/3/2013-18/3/2018), tông huấn thứ ba của Đức Phanxicô “Gaudete et Exsultate” (Hãy vui mừng và hoan hỷ) được ban hành, mà nội dung cốt lõi đó chính là “bàn về ơn gọi nên thánh trong thế giới hôm nay”.
Và đây chính là chuyện chúng ta cùng chia sẻ với nhau trong dịp thường huấn nầy : “bàn về ơn gọi nên thánh trong thế giới hôm nay”; hay cụ thể hơn, cô đọng hơn, chúng ta chỉ dừng lại ở một nội dung nầy: NÊN THÁNH: “LẤP ĐẦY GIÂY PHÚT HIỆN TẠI VỚI TÌNH YÊU”, một trọng tâm ý nghĩa được Đức Giáo Hoàng Phanxicô khai triển nơi Chương I của Tông huấn Gaudete et Exsultate qua chính những gợi ý của một chứng nhân đến từ Việt Nam: Đức cố Hồng y F.X. Nguyễn Văn Thuận: (Xin trích) :
“Lắm lúc, ta chỉ cần tìm cách hoàn hảo hơn để làm điều đang làm. “Nhiều lúc Chúa ban ơn soi sáng chỉ nhằm giúp ta làm những việc thông thường của đời mình với một sự hoàn thiện phi thường”. Khi Hồng y Phanxicô Xavier Nguyễn văn Thuận bị tù, ngài đã nhất định không để lãng phí thời giờ ngồi chờ ngày được trả tự do. Thay vào đó, ngài đã chọn “sống giây phút hiện tại, đong đầy tình thương vào đó”. Ngài quyết định: “Tôi sẽ nắm lấy những cơ hội đến với tôi mỗi ngày, để hoàn thành mọi hành vi bình thường một cách phi thường” (GE, số 17).
II. GIỚI THIỆU KHÁI QUÁT TÔNG HUẤN GAUDETE ET EXSULTATE
Trước khi đi vào “chủ đề” trên, thiết tưởng cũng nên có cái nhìn khái quát về nội dung (Bố cục) của cả tông huấn, sau đó sẽ dừng lại ở những “điểm nhấn” được triển khai trong chương I, để từ đó mở sang “câu chuyện nên thánh” có liên quan đến chứng từ của Đức Cố Hồng Y F.X. Nguyễn Văn Thuận, mà chúng ta tạm đặt cho tiêu đề: NÊN THÁNH: “LẤP ĐẦY GIÂY PHÚT HIỆN TẠI VỚI TÌNH YÊU”.
1. Bố cục tổng quát của Tông huấn:
“Văn kiện gồm 177 số, được phân phối trong năm chương:
1/ Tiếng gọi nên thánh (số 3-34).
2/ Hai kẻ thù tinh vi của sự thánh thiện (số 35-62).
3/ Dưới ánh sáng của Thầy (số 63-109).
4/ Vài đặc trưng của sự thánh thiện trong thế giới hiện nay (số 110-157).
5/ Chiến đấu, tỉnh thức, phân định (số 158-177).
Chương Một nhắc lại ơn gọi nên thánh dành cho tất cả mọi Kitô hữu (việc nên thánh không phải là đặc ân dành riêng cho một số ít người). Chương Hai tố giác hai kẻ thù tinh vi của sự thánh thiện mang danh là "ngộ giáo" và "pelagiô". Chương Ba trình bày con đường nên thánh qua việc thực hành các mối phúc thật. Chương Bốn kể ra năm đặc trưng của sự thánh thiện, và có thể coi như một áp dụng của chương Ba vào những hoàn cảnh thời nay. Trên thực tế, hai chương Ba và Bốn dài nhất, chiếm một nửa văn kiện, và là phần quan trọng nhất. Chương Năm đề cập đến ba thái độ cần có trong việc nên thánh.”
2. Cấu trúc nội dung Chương I:
a/. Vui mừng: Trọng tâm của sứ điệp:
Chương I có thể nói được là cái “nền” hay “khung sườn” để trên đó và theo đó Đức Giáo Hoàng Phanxicô giới thiệu “câu chuyện về nên thánh” trong cái nhìn “hiện sinh” và mới mẻ của ngài, mà chính tên gọi của tông huấn đã nói lên tất cả: “Vui Mừng và hân hoan”.
Tinh ý một chút, chúng ta sẽ thấy điểm nhấn “vui mừng” chính là trọng tâm trong giáo huấn và đường hướng mục vụ của Đức Thánh Cha Phanxicô được ngài xây dựng qua 3 văn kiện liên tiếp nhau: Niềm vui của Tin Mừng (Evangelii Gaudium), Niềm vui của tình yêu (Amoris Laetitia), Vui mừng và hân hoan (Gaudete et Exsultate).
Nếu cần phải nối kết tất cả lại để làm nên một chủ đề tổng hợp thì chúng ta có thể chọn mệnh đề nầy: “Công cuộc Tân Phúc Âm hoá hôm nay chính là cuộc “Ra Đi” chia sẻ “Niềm Vui Tin Mừng”, mà khởi điểm của lộ trình chính là “Niềm vui của tình yêu” được kín múc từ nơi đời sống hôn nhân gia đình để làm nên những vị thánh của thời đại mang dáng đứng “vui mừng và hân hoan”.
b/. Nên thánh: Tiếng gọi được lặp lại cách thực tế:
Ý nghĩa cũng như mục tiêu của tông huấn đã được Đức Thánh Cha nêu rõ trong phần đầu: “Những điều sau đây không phải là một tiểu luận về sự thánh thiện, với những định nghĩa và những phân biệt hữu ích để hiểu chủ đề quan trọng này, hoặc với những phân tích về các phương tiện thánh hoá. Mục tiêu khiêm tốn của tôi là lặp lại tiếng gọi nên thánh cách thực tế cho thời đại chúng ta, với tất cả những rủi ro, thách đố và thuận lợi. Vì Chúa đã chọn mỗi người trong chúng ta để được “nên thánh và trọn lành trước mặt Ngài trong tình yêu” (Ep 1, 4).
Và chính từ Chương I của tông huấn, Đức Thánh Cha đã “lặp lại tiếng gọi nên thánh cách thực tế cho thời đại chúng ta” qua những điểm nhấn được viết thành 7 chủ đề như sau: (Có thể đọc thêm nội dung các điểm nhấn nầy trong bài phân tích của linh mục Giuse Phan Tấn Thành: Giới thiệu tông huấn Gaudete et Exsultate) :
b.1). Các thánh đang khuyến khích ta và đồng hành với ta (Các số 3-5) :
Gợi ý đầu tiên cho ơn gọi nên thánh đó chính là các thánh nhân, những vị hiển thánh trên trời vốn chỉ là những con người dưới đất mỏng dòn yếu đuối như chúng ta, nhưng đã nỗ lực “sống đẹp lòng Thiên Chúa”, đã được tôn phong hiển thánh và đang đồng hành, gọi mời chúng ta cùng tiến bước trong nỗ lực “làm chứng” giữa đời thường.
“Cuộc sống của họ có thể không phải lúc nào cũng hoàn hảo, nhưng ngay cả giữa những khi lỗi lầm và thất bại, họ vẫn tiến về phía trước và sống đẹp lòng Chúa…. Mỗi chúng ta đều có thể nói mình “được các bạn hữu của Thiên Chúa bao quanh, dẫn dắt và định hướng... Tôi không phải một mình vác lấy điều mà thật ra, tôi chẳng bao giờ có thể vác nổi một mình. Đoàn ngũ các thánh của Thiên Chúa đang ở đó để bảo vệ, đỡ nâng và đưa tôi đi”.
b.2). Những vị thánh “sát bên nhà” chúng ta (6-9) :
Ơn gọi nên thánh là ơn gọi chung của toàn dân Chúa, và việc nên thánh cũng chỉ được thực hiện trong đời sống Dân Chúa và với dân Chúa. Vì thế, sự thánh thiện không chỉ hiện hữu nơi các Vị hiển thánh hay chân phước, mà còn được biểu hiện nơi nhiều con người vô danh giữa đời thường hoặc cả những anh chị em ở bên ngoài Hội Thánh:
“Không phải chỉ riêng những vị đã được phong chân phước và hiển thánh. Chúa Thánh Thần tuôn tràn sự thánh thiện khắp dân Chúa là dân tộc thánh thiện và trung tín, (…). Chúng ta chẳng bao giờ trọn vẹn là chính mình mà lại không thuộc về một dân tộc. (…).Tôi thích chiêm ngưỡng sự thánh thiện trong cuộc sống kiên nhẫn của dân Chúa: nơi những bậc cha mẹ đang nuôi dạy con cái với tình yêu thương bao la, nơi những người nam nữ đang chăm chỉ làm việc để nuôi sống gia đình, nơi người bệnh tật, nơi các tu sĩ già cả mà lúc nào cũng cười tươi. Nơi những cảnh đời hàng ngày đang kiên trì tiến tới như thế, tôi nhìn thấy sự thánh thiện của Hội thánh chiến đấu.(…). Sự thánh thiện là vẻ mặt đẹp nhất của Hội thánh. Thế nhưng ngay cả bên ngoài Hội thánh Công giáo và cả nơi những môi trường rất khác biệt, Chúa Thánh Thần vẫn làm nổi bật lên “những dấu chỉ của sự hiện diện của Ngài, để giúp cho chính các môn đệ của Đức Kitô”.
b.3). Chúa mời gọi (10-13) :
Tiếng gọi nên thánh là chung cho mọi người, nhưng đó cũng là tiếng gọi mang tính cá vị mà Chúa dành riêng cho mỗi người theo những con đường và đặc tính riêng được Chúa trao ban. Vì thế, nên thánh không phải là chuyện “sao chép” máy móc “mẫu thánh thiện” nào đó mà là sự vận dụng chính nhân vị, bản ngã cùng với những điều kiện độc đáo riêng mình. Lịch sử Hội Thánh đã chứng minh điều đó qua những chứng từ thánh thiện oai hùng nơi những thân phận liễu yếu đào tơ vốn bị xem thường vào một giai đoạn hay trong một nền văn hoá nhất định nào đó.
“Ở đây mọi chuyện đều quan trọng. Tuy nhiên, với Tông Huấn này, tôi muốn đặc biệt nhấn mạnh đến lời mời gọi nên thánh mà Chúa đang nói thẳng với mỗi chúng ta, cũng là lời mời gọi Ngài đang đích thân nói với bạn: “Hãy nên thánh, vì Ta là thánh” (Lv 11,44; xem 1Pr 1,16).(…). Có một số chứng từ có thể hữu ích và gợi hứng cho chúng ta, nhưng không phải là để chúng ta sao chép, vì sao chép lắm khi còn có thể dẫn chúng ta đi sai con đường riêng mà Chúa có ý dành cho chúng ta. Điều quan trọng là mỗi tín hữu nhận rõ được con đường riêng của mình, rút ra được những điều tốt nhất của chính mình, những hồng ân cá nhân nhất mà Thiên Chúa đã đặt trong lòng họ (xem 1Cr 12,7), thay vì cố gắng bắt chước vô vọng một điều gì đó không dành cho họ.(…). Ngay cả trong những thời mà người ta có khuynh hướng gạt phụ nữ sang một bên, không nhìn đến, Chúa Thánh Thần vẫn làm nổi bật lên những vị thánh tỏa chiếu hào quang, tạo nên những năng động tinh thần mới mẻ và những cải cách quan trọng trong Hội thánh. Ta có thể nhắc đến Thánh Hildegard thành Bingen, Thánh Bigitta, Thánh Catarina thành Siena, Thánh Têrêsa thành Avila và Thánh Têrêxa thành Lisieux. Tôi còn muốn nói đến tất cả các phụ nữ vô danh hoặc bị quên lãng, mỗi người một cách, đã nâng đỡ và biến đổi các gia đình và cộng đồng bằng năng lực mà đời sống làm chứng của họ đem lại…”
b.4). Cho cả bạn nữa (14-18):
Có lẽ đây là “điểm nhấn quan trọng nhất” của tông huấn mang chủ đề “Nên Thánh”. Mọi người đều được gọi mời nên thánh và nên thánh bằng chính hiện thực cuộc sống đang diễn ra chứ không phải là một công việc nào đó, một không gian nào đó hay của một giới ưu tuyển nào đó…xa lạ và tách biệt khỏi cái “hic et nunc” (ở đây bây giờ). Nói cách khác, nên thánh, theo những “định nghĩa được chiết xuất từ tông huấn”, thì đó là :
- sống đời mình với tình yêu và bằng cách làm chứng trong mọi việc mình làm, ở bất cứ nơi nào mình sống.
- để ân sủng bạn đã nhận lúc lãnh bí tích Rửa Tội sinh hoa kết quả.
- để mọi thứ được mở ra cho Thiên Chúa; dù ở tình huống nào vẫn hướng về Chúa.
- tận dụng mọi phương thế Chúa ban cho Hội Thánh để lớn lên theo hướng thánh thiện.
- lớn lên bằng những cử chỉ nho nhỏ.
- tìm cách hoàn hảo hơn để làm điều đang làm.
- làm những việc thông thường của đời mình với một sự hoàn thiện phi thường.
- “LẤP ĐẦY GIÂY PHÚT HIỆN TẠI VỚI TÌNH YÊU”.
- yêu thương với tình yêu vô điều kiện của Chúa… yêu như Đức Kitô yêu thương…
“Chúng ta thường bị cám dỗ để nghĩ rằng sự thánh thiện chỉ dành cho những ai có thể rút lui khỏi công việc bình thường để dành nhiều thời gian cầu nguyện. Không phải thế. Tất cả chúng ta đều được mời gọi nên thánh bằng cách sống đời mình với tình yêu và bằng cách làm chứng trong mọi việc mình làm, ở bất cứ nơi nào mình sống.(…). Hãy để ân sủng bạn đã nhận lúc lãnh bí tích Rửa Tội sinh hoa kết quả trên đường nên thánh. Hãy để mọi thứ được mở ra cho Thiên Chúa; dù ở tình huống nào vẫn hướng về Chúa. (…).Trong Hội thánh, … bạn sẽ tìm thấy mọi điều bạn cần để lớn lên theo hướng thánh thiện… nơi Kinh thánh, các bí tích, các đền thánh, nơi các cộng đoàn sống động, chứng từ của các thánh và nơi vẻ đẹp muôn màu, bắt nguồn từ tình yêu của Thiên Chúa.(…). Sự thánh thiện Chúa đang mời gọi bạn như thế sẽ lớn lên bằng những cử chỉ nho nhỏ. (…). Khi Hồng y Phanxicô Xavier Nguyễn văn Thuận bị tù, ngài đã nhất định không để lãng phí thời giờ ngồi chờ ngày được trả tự do. Thay vào đó, ngài đã chọn “sống giây phút hiện tại, đong đầy tình thương vào đó”. (…). Các giám mục Tân Tây Lan thật chí lý khi dạy rằng chúng ta có khả năng yêu thương với tình yêu vô điều kiện của Chúa, bởi vì chính Chúa Phục sinh đã chia sẻ sự sống mãnh liệt của Ngài với những mảnh đời yếu ớt của chúng ta…”
b.5). Sứ vụ của bạn trong Đức Kitô (19-24):
Nên thánh luôn gắn liền với sứ vụ phản ảnh các chiều kích của Tin Mừng vào một thời điểm của lịch sử. Nói cách khác, đó chính là sự “tái thể hiện nơi đời mình những khía cạnh khác nhau nơi cuộc đời trần thế của Chúa Giêsu”. Thước đo của sự thánh thiện chính là “tầm vóc của Đức Kitô mà ta đạt được nơi bản thân, là mức độ mà, dưới tác động của quyền năng Chúa Thánh Thần, ta đã khuôn đúc đời mình theo mẫu mực cuộc đời của Chúa”.
Chính vì thế, dù là nơi các vị thánh hay tại chính bản thân mình, điều đáng quan tâm và hướng tới không phải là khuyết điểm, lỗi lầm, thất bại…nhưng là “để Chúa Thánh Thần rèn đúc nơi bạn cái mầu nhiệm ngôi vị có thể phản chiếu cho thế giới ngày nay nhận biết Chúa Giêsu Kitô.”
“Là Kitô hữu, hễ nghĩ đến sứ vụ của mình trên trần gian, ta phải thấy nó như một nẻo đường để nên thánh, vì “ý muốn của Thiên Chúa là anh em nên thánh” (1 Tx 4,3). Chúa Cha muốn sắp đặt để mỗi vị thánh là một sứ vụ, phản ánh và tiêu biểu một khía cạnh nào đó của Tin mừng, vào một thời điểm cụ thể trong lịch sử.(…). Tự cốt lõi, thánh thiện chính là sống những mầu nhiệm của cuộc đời Đức Kitô, trong sự kết hợp với Ngài.(…). Kết quả là, “tầm vóc sự thánh thiện nơi ta được đo theo tầm vóc của Đức Kitô mà ta đạt được nơi bản thân, là mức độ mà, dưới tác động của quyền năng Chúa Thánh Thần, ta đã khuôn đúc đời mình theo mẫu mực cuộc đời của Chúa” . Mỗi vị thánh là một sứ điệp được Chúa Thánh Thần múc lấy từ sự sung mãn của Chúa Giêsu Kitô để ban cho dân Ngài.(…). Hãy để Chúa Thánh Thần rèn đúc nơi bạn cái mầu nhiệm ngôi vị có thể phản chiếu cho thế giới ngày nay nhận biết Chúa Giêsu Kitô.(…). Dù bạn có lỗi lầm hay sơ xuất, Chúa sẽ vẫn đưa nó đến hoàn tất, miễn là bạn đừng từ bỏ con đường yêu thương nhưng luôn cho lòng rộng mở trước ân sủng siêu nhiên của Ngài, ân sủng luyện lọc và soi sáng.”
b.6). Hoạt động giúp ta nên thánh (25-31):
Nên thánh cũng chính là không ngừng nỗ lực hoạt động xây dựng Vương quốc của Đức Kitô luôn bao gồm hai chiều kích chiêm niệm và hoạt động, không bao giờ loại trừ nhau nhưng “có thể chấp nhận được và hòa nhập vào cuộc sống của ta trong thế giới này, để trở nên một phần của nẻo đường giúp ta nên thánh”.
Mà không chỉ hai chiều kích, mọi con đường, mọi hoạt động, mọi lãnh vực… (sứ vụ: Evangelii Gaudium; môi sinh: Laudato sí; hôn nhân-gia đình: Amoris laetitia) đều có thể được vận dụng để dẫn tới sự thánh thiện, miễn sao “mọi sự mình làm đều thấm nhuần tinh thần Tin mừng và khiến mình ngày càng nên giống Chúa Giêsu Kitô hơn”.
Trong một thế giới mà sự ồn ào, hổn tạp, bon chen… đang chế ngự và áp lực nặng nề lên cuộc sống khắp nơi, để nên thánh lại rất cần sự can đảm “chặn ngay cuộc đua cuồng vội này để tìm lại không gian thân thiết cần có để đối thoại chân thành với Thiên Chúa”. Dĩ nhiên “phải trầy vi tróc vảy mới tìm được khoảng không gian ấy nhưng bao giờ nó cũng đầy hoa trái”.
Vì thế, nên thánh không phải chuyện của “một sớm một chiều” mà là một nỗ lực từng phút giây. Bởi vì, sự thánh thiện đích thực chính là “mỗi giây phút đều có thể là một biểu hiện của tình yêu tự hiến trong mắt Chúa”.
“Bạn không thể hiểu được Đức Kitô nếu tách Ngài khỏi vương quốc Ngài mang đến. Cũng vậy, sứ vụ của bản thân bạn không thể tách khỏi việc xây dựng vương quốc ấy: “Tiên vàn hãy tìm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài” (Mt 6,33).(…). Bạn không thể lớn lên trong sự thánh thiện mà không đích thân hiến cả thân xác lẫn linh hồn, hiến hết tất cả những gì tốt đẹp nhất của bạn.(…). Ta được mời gọi sống chiêm niệm ngay giữa hoạt động và được mời gọi lớn lên trong sự thánh thiện bằng cách thi hành sứ vụ riêng của mình cách hào hiệp và đầy trách nhiệm.(…). Thách đố của sự thánh thiện là ở chỗ phải cho thấy được mình đã dấn thân đến độ mọi sự mình làm đều thấm nhuần tinh thần Tin mừng và khiến mình ngày càng nên giống Chúa Giêsu Kitô hơn.(…). Cũng vì lý do đó, trong tông huấn Niềm Vui Tin Mừng tôi đã kết luận bằng cách nói về một đường nên thánh của sứ vụ, trong tông huấn Chúc Tụng Chúa (Laudato Si') về một đường nên thánh qua môi sinh, và trong tông huấn Niềm Vui Yêu Thương về một đường nên thánh của đời sống gia đình.(…). Ta cần một tinh thần thánh thiện có khả năng lấp đầy cả sự cô tịch lẫn việc phục vụ của ta, lấp đầy cả đời tư lẫn những nỗ lực loan Tin mừng của ta, để mỗi giây phút đều có thể là một biểu hiện của tình yêu tự hiến trong mắt Chúa. Có thế, mỗi giây phút đời ta mới có thể là một bước trên nẻo đường dẫn đến sự trưởng thành về thánh thiện.”
b.7). Sống động hơn, nhân bản hơn (32-34) :
Điều căn bản nhất của hành trình nên thánh đó chính là “ném mình vào sự lệ thuộc hoàn toàn nơi Thiên Chúa”. Chính động thái nầy sẽ “giải thoát ta khỏi mọi hình thức nô lệ và đưa ta đến chỗ nhận ra phẩm giá cao quý của mình”, cho dù đôi lúc, cuộc đời bị vùi dập dưới vũng bùn bi đát. Chứng từ thánh thiện của Thánh nữ Giôsêphina Bakhita đã nói lên chân lý nầy: “Bị bắt cóc và bị bán làm nô lệ khi mới lên bảy, chị đã phải chịu đựng rất nhiều trong tay của những chủ nhân độc ác. Thế nhưng rồi chị đã hiểu được chân lý sâu xa rằng không phải con người nhưng Thiên Chúa mới là Chủ Nhân thật của mọi hữu thể người, của mọi mạng sống con người. Kinh nghiệm ấy đã thành một nguồn khôn ngoan thật lớn lao cho cô gái Phi châu khiêm nhường bé bỏng”.
Vì thế, không có gì để “phải sợ sự thánh thiện” vì không thể vươn tới, hay tiêu cực nghĩ rằng : nên thánh cũng bằng không. Càng thánh thiện càng đem lại nhiều “hoa trái lớn cho thế giới”, nhất là cho công cuộc Tân Phúc Âm hoá” của Hội Thánh hôm nay.
Đừng sợ sự thánh thiện. Nó sẽ không lấy mất chút năng lượng, sức sống hay niềm vui nào của bạn. Trái lại, bạn sẽ trở thành điều Chúa Cha đã nghĩ đến khi tạo thành bạn, và sẽ trung thành với chính con người sâu thẳm nhất của mình. Sự lệ thuộc vào Thiên Chúa giải thoát ta khỏi mọi hình thức nô lệ và đưa ta đến chỗ nhận ra phẩm giá cao quý của mình. Ta thấy rõ điều ấy nơi Thánh Giôsêphina Bakhita. (…). Càng lớn lên trong sự thánh thiện, mỗi Kitô hữu càng mang lại hoa trái lớn hơn cho thế giới của chúng ta. Các giám mục Tây Phi đã ghi nhận: “Trong tinh thần Tân Phúc âm hóa chúng tôi đang được mời gọi để cho chính mình được phúc âm hóa đồng thời phúc âm hóa thế giới qua những trách nhiệm Chúa đã giao cho tất cả các anh chị em…(…). Đừng sợ nhìn lên cao hơn, để cho phép mình được Thiên Chúa yêu thương và giải phóng. Đừng sợ để cho mình được Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Sự thánh thiện sẽ không khiến bạn trở thành kém chất người đi, vì nó là một cuộc gặp gỡ giữa sự yếu đuối của bạn và quyền năng của ân sủng Thiên Chúa. Cuối cùng, như Léon Bloy đã nói, “trên đời chỉ có một bi kịch lớn nhất, ấy là không trở thành một vị thánh”.
III. NÊN THÁNH: LẤP ĐẦY GIÂY PHÚT HIỆN TẠI VỚI TÌNH YÊU
(Một gợi ý nên thánh theo Đức cố Hồng Y F.X. Nguyễn Văn Thuận trong Tông huấn Gaudete et Exsultate)
1. Bổng dưng nổi tiếng:
Trong một văn kiện huấn quyền quan trọng như tông huấn Gaudete et Exsultate, danh xưng của một người Việt Nam, Đức cố Hồng y F.X. Nguyễn Văn Thuận, được nhắc đến cùng với một chứng từ sống động về sự nên thánh được nêu lên cho mọi người trên thế giới noi theo, thì ai là người Kitô hữu Việt Nam mà lại không hãnh diện, tự hào ?
Nhưng điều quan trọng hơn là niềm tự hào đúng nghĩa được đặt ở đâu?
- Có phải vì ngài là Hồng Y với phẩm chức cao trọng của Giáo triều: Chủ tịch Hội Đồng Toà Thánh về Công Lý và Hoà bình ?
- Có phải vì ngài là vị chủ chăn của Giáo Hội tại Việt Nam có lý lịch nhân thân thuộc hàng “cộm cán”: xuất thân từ gia đình danh gia vọng tộc, có các cậu: người thì làm Tổng Giám Mục (Ngô Đình Thục) người thì làm Tổng Thống Miền Nam Đệ nhất Cộng hoà (Ngô Đình Diệm…)? [17]
- Có phải vì ngài có học vị cao (Tiến sĩ giáo luật đại học Urbaniana với “Maxima cum laude”), huân chương đầy mình?
- Có phải vì Ngài được vinh dự giảng tĩnh tâm cho Đức Cố Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II và Giáo triều Rôma từ ngày 12-18/3/2000, tức Năm Đại Toàn Xá của Giáo Hội hoàn vũ ?...
Tất cả những điều đó có thể là những yếu tố “làm gia tăng uy tín” nhưng chắc chắn chúng không phải là lý do để tên của Đức cố HY. F.X. Nguyễn Văn Thuận được Đức Giáo Hoàng Phanxicô trân trọng nhắc đến trong tông huấn Gaudete et Exsultate; một lý do khác xem ra hoàn toàn trái ngược mà ai cũng có thể nhận ra: TÙ NHÂN.
Chúng ta cùng đọc lại bản văn sẽ thấy rõ điều nầy:
“Khi Hồng y Phanxicô Xavier Nguyễn văn Thuận bị tù, ngài đã nhất định không để lãng phí thời giờ ngồi chờ ngày được trả tự do. Thay vào đó, ngài đã chọn “sống giây phút hiện tại, đong đầy tình thương vào đó”. Ngài quyết định: “Tôi sẽ nắm lấy những cơ hội đến với tôi mỗi ngày, để hoàn thành mọi hành vi bình thường một cách phi thường”.” (GE, số 17)
Nói cách khác, điều đáng chúng ta tự hào nhất về Đức cố Hồng Y, vì ngài là “Chứng Nhân của niềm hy vọng”, là “chứng từ rõ nét về sự nên thánh ngay trong hoàn cảnh bi đát”, là “sự thuyết phục tuyệt vời của việc làm chứng và loan báo Tin Mừng xuyên qua chính đời thường và từ những chấm phết nhỏ mọn cuộc sống”…
2. Dấu ấn của “linh đạo hy vọng”:
Nhưng, đúng như lời của Đức cố Hồng y “Thiên Chúa viết thẳng trên những đường cong”, mà một trong những khúc cong quan trọng đã để lại dấu ấn tuyệt vời về “chứng từ nên thánh”, về kinh nghiệm tu đức phong phú và sâu sắc, chính là những “trải nghiệm ngục tù” của “Vị Tôi Chúa”. Tuy nhiên, cũng có “một đường cong khác”, để nhờ đó, kinh nghiện nên thánh tuyệt vời nầy đến được với Dân Chúa muôn nơi, lại chính là cơ hội chia sẻ của ngài trong cuộc giảng tĩnh tâm cho Đức Thánh Cha và Giáo triều Rôma năm 2000.
Quả thật, xét trên phương diện truyền thông, nếu không có cuộc giảng tĩnh tâm nầy, e rằng, chứng từ của ngài cũng nằm im đâu đó trên các kệ sách để rồi sẽ bị lãng quên dần sau 18 năm, chứ chưa chắc được Đức đương kim Giáo Hoàng long trọng nhắc đến trong một văn kiện huấn quyền quan trọng.
Và nội dung được nhắc đến trong Gaudete et Exsultate chúng ta có thể đọc thấy cách rõ ràng, mạch lạc trong bài suy niệm thứ sáu với tựa đề: DÙ KHI ĂN, DÙ KHI UỐNG – Giây phút hiện tại.
Để nắm bắt được trọn vẹn ý nghĩa mà Đức cố Hồng Y muốn chuyển tải, có lẽ tốt nhất là cùng đọc lại ít ra những điểm chính của bài chia sẻ đặc biệt nầy.
3. Những “điểm nhấn” trong “Bài giảng thứ 6”:
a/. Xác định vấn đề từ nhận xét của nhà thần học gia Chính Thống giáo : Hiện tại là chính
- Con người thời nay sống bằng quá khứ hoặc tương lai mà quên mất hiện tại :
“Endokimov, thần học gia Chính thống nổi tiếng có viết: "Do một sự tha hóa lạ lùng con người của thế giới này sống trong quá khứ, trong các kỷ niệm của nó hay trong sự đợi chờ tương lai. Còn giây phút hiện tại, thì con người lại tìm cách tránh né và sử dụng óc sáng tạo để "giết thời giờ" một cách hữu hiệu hơn…”.
Đây cũng chính là tư tưởng của nhà bác học Blaise Pascal được cô đọng trong những lời của ông như sau: “l’homme vit dans le passé par souvenirs et dans l’avenir par ses projets. Le présent qui est seul réel est insaisissable”. (Tạm dịch: người ta thường sống bằng hoài niệm quá khứ hoặc dự phóng tương lai; trong khi đó, hiện tại thì không thèm đá đến). Mẹ Thánh Têrêsa Calcutta cũng phát biểu: “Hier n’est plus, demain n’est pas encore. Nous n’avons que ce jour. Mettons-nous à l’œuvre” (Hôm qua không còn, ngày mai chưa đến. Chúng ta chỉ có hôm nay. Nào, bắt tay hành động !) (Có thể tham khảo thêm tác phẩm Sức mạnh của hiện tại (Power of now) của Eckhart Tolle, Diện Mục Nguyễn Văn Hạnh, Nguyễn Ngọc Thuỷ, Đỗ Tâm Tuy, Nguyễn Văn Phước biên dịch, First News, NXB Tổng hợp Tp. HCM)
- Muốn sống đúng nghĩa (nên thánh) phải sống hiện tại:
“Sống hiện tại là luật của thời nay. Trong tiết nhịp cuồng loạn của thời đại chúng ta, cần phải dừng lại trong phút giây hiện tại như là cơ may duy nhất để "sống" thực sự và ngay từ bây giờ hầu dẫn đưa cuộc sống trần thế này của chúng ta vào trong cuộc sống vĩnh cửu.”
b/. Phác thảo lộ trình nên thánh: Con đường nên thánh
- Khởi đi từ kinh nghiệm “đi tù”:
“Sau khi bị bắt hồi tháng 8 năm 1975, tôi bị đưa từ Sài Gòn tới Nha Trang, trong một cuộc hành trình dài 450 cây số trong đêm khuya giữa hai người công an. Kinh nghiệm sống tù ngục bắt đầu… Trong đêm tối dày đặc giữa đại dương của âu lo, dần dần tôi tỉnh thức: "Tôi phải đương đầu với thực tại. Tôi đang bị tù…”
- Và đã tìm ra “đáp án” : sống giây phút hiện tại cho tràn đầy tình yêu
“Trong những đêm dài trong tù ngục tôi ý thức được rằng sống giây phút hiện tại là con đường đơn sơ và chắc chắn nhất dẫn tới sự thánh thiện. Niềm xác tín đó gây cảm hứng cho lời cầu nguyện sau đây: "Lạy Chúa Giêsu, con sẽ không chờ đợi nữa. Con sống giây phút hiện tại cho tràn đầy tình yêu.”
c/. Xác tín vào “đáp án” trên nền tảng Lời Chúa : Một dấn thân, một hồng ân
- Tiếng nói của Tin Mừng :
“Trong Phúc Âm Chúa Giêsu khuyến khích chúng ta luôn làm sống lại giây phút hiện tại. Ngài dạy chúng ta xin Thiên Chúa Cha cơm bánh cho "ngày hôm nay" và nhắc nhở cho chúng ta biết rằng ngày nào đủ lao nhọc cho ngày đó (x. Mt 6,34).
Ngài kêu mời chúng ta dấn thân trong từng giây phút. Và đồng thời Ngài cũng ban cho chúng ta những ơn cần thiết. Trên Thập Giá, khi người ăn trộm nói với Chúa: "Lạy Ðức Giêsu, xin nhớ đến tôi khi nào Ngài vào Nước của Ngài". Chúa trả lời: "Hôm nay anh sẽ ở cùng ta trên Thiên đàng" (x. Lc 23,42-43). Trong tiếng "hôm nay" đó gói ghém tất cả sự tha thứ và tình yêu của Chúa Giêsu.”.
- Luận chứng của Thánh Phaolô :
“Thánh Phaolô nhấn mạnh sự đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô trong mọi lúc, tới mức độ tạo ra một thứ từ vựng mới có sức diễn tả tính chất này như: "cùng chịu đóng đinh vào Thập Giá" (Gl 2,19) "cùng được mai táng" (Rm 6,4; Cl 2,12), "chúng ta đã cùng chết" "cùng sống" (2Tm 2,11; x. 2Cr 7,3), "cùng sống lại" (Cl 3,1). Thánh Tông Ðồ đề cập tới sự kết hiệp của Ðức Giêsu với chúng ta như một thực tại không tàn phai, một sức sống liên lỉ thúc đẩy chúng ta dấn thân hoàn toàn và chờ đợi sự đáp trả của chúng ta: Ðức Kitô đã chết và đã sống lại để trở thành Thiên Chúa của kẻ sống và kẻ chết. Vì thế "dù sống, dù chết, chúng ta vẫn thuộc về Chúa" (x. Rm 14,8-9). "Vậy dù khi ăn, dù khi uống, hay làm bất cứ việc gì, anh chị em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa" (1Cr 10,31).”
d/. Củng cố “đáp án” qua lịch sử sống của Hội Thánh: Phút hiện tại "trong lòng Thiên Chúa"
- Chứng từ của các bậc Thánh nhân hiển thánh :
“Tất cả các Thánh và các vị chứng nhân lớn đều đồng ý với nhau về tầm quan trọng của giây phút hiện tại…. Ðối với thánh Inhaxiô thành Loyola, đó là "để vinh danh Chúa hơn", đối với thánh nữ Elidabét Chúa Ba Ngôi thì "để chúc tụng vinh danh Chúa", đối với thánh Gioan Bosco thì "xin hãy cho con các linh hồn", đối với Mẹ Têrêxa Calcutta thì đó là "lòng thương xót"(…). Thánh Phaolô Thánh Giá viết: "May mắn thay linh hồn nào an nghỉ trong lòng Thiên Chúa mà không nghĩ tới tương lai, nhưng chỉ sống từng giây phút hiện tại trong Thiên Chúa, không lo lắng gì khác ngoài việc thực hiện tốt ý muốn của Người trong mọi biến cố"(…). Thánh nữ Têrêsa thành Lisieux khẳng định: "Cuộc đời tôi là một ánh chớp, một giờ trôi qua là một lúc khoảnh khắc đang trốn thoát tôi. Chúa biết đó, lạy Chúa, để yêu Chúa trên trái đất này con không có gì khác ngoài hôm nay”.
- Chứng từ của những giáo dân giữa đời thường :
“Ðối với ông Raul Follereau đó là "Ðức Giêsu nơi người phong cùi". Còn đối với ông Jean Vanier thì đó là "Ðức Giêsu nơi người khuyết tật tâm thần" (...). Một gương mặt thiêng liêng lớn của thời đại chúng ta (Chiara Lubich) có nói: "Ai biết con đường nên thánh, thì trở lại và say mê trở lại với sự khắc kỷ mà nó yêu cầu: đó là được sống trong Thiên Chúa trong khoảnh khắc hiện tại của cuộc đời. Như thế, họ hoàn toàn xa lạ với tất cả những gì không phải là Thiên Chúa vì dìm mình trong Thiên Chúa ở bất cứ nơi nào Thiên Chúa hiện diện. Khi đó cuộc sống của chúng ta không còn là chỉ "có mặt" nữa cho bằng là "sự sống" tràn đầy, bởi vì Thiên Chúa, Ðấng là "hằng hữu" đã đi vào trong cuộc sống".
e/. Sống hiện tại với thái độ “biện phân” : Phân biệt tiếng của Thiên Chúa
- Sống hiện tại nhưng không “ôm đồm” mà phải nỗ lực “biện phân” cách trung thành :
“Giữa bao tiếng nói thân tình khác nhau, phân biệt tiếng nói của Thiên Chúa (x. GS 16), để thực hiện ý muốn của Ngài trong giây phút hiện tại là một tập luyện liên tục mà các Thánh ngoan ngoãn vâng phục. Qua việc tập luyện liên lỉ ấy, việc phân biệt này ngày càng dễ dàng hơn, bởi vì tiếng nói của Thiên Chúa vang dội trong chúng ta và trở nên mạnh mẽ hơn.”
- Yên tâm, vì đã được “niêm ấn bởi thánh ý Chúa” :
“Origene thì để lại cho chúng ta lời khuyên đẹp này: "Cần tìm đền thánh không phải tại một nơi, nhưng trong các cử chỉ, trong cuộc sống và trong các thói quen. Nếu những cử chỉ này hợp ý Thiên Chúa, nếu chúng phù hợp với các giới răn của Thiên Chúa, thì cho dù bạn có ở nhà hay ở ngoài quảng trường cũng không quan trọng: tôi nói gì "Ở ngoài quảng trường" hả? Cả khi bạn đang ở trong rạp hát đi nữa cũng không quan trọng: nếu bạn đang phục vụ Lời của Thiên Chúa, là bạn đang ở trong đền thờ rồi, đừng có nghi ngờ gì cả". (Xem thêm về ý nghĩa “Biện phân” hay “Phân định” trong Chương 5 của tông huấn Gaudete et Exsultate)
f/. Được rồi, cho dù bé nhỏ : Làm thế nào để cho mỗi khoảnh khắc đầy yêu thương
- Tưởng đâu rằng bế tắc. Không đâu, cứ làm :
“Trong những tháng kế tiếp, khi tôi bị quản thúc tại làng Cây Vông, Nha Trang, ngày cũng như đêm, ở dưới sự canh chừng thường xuyên của công an. Một tư tưởng đã ám ảnh tôi: "giáo dân mà tôi rất mến thương đã như một đàn chiên không có chủ chăn! Làm sao tôi có thể tiếp xúc với giáo dân của tôi, chính ngay lúc này đây, khi họ rất cần đến một mục tử?". (…). Tôi tự nhủ: "Tôi sẽ không chờ đợi". Tôi sẽ sống giây phút hiện tại, làm cho nó tràn đầy tình yêu. Nhưng như thế nào đây?" Một đêm kia tôi chợt hiểu ra rằng: "Phanxicô, rất đơn giản. Hãy làm như thánh Phaolô khi Ngài bị giam trong tù: "Hãy viết thư cho các giáo đoàn".
- Không phải nhiều, không phải lớn, nhưng là mang địa chỉ “TÌNH YÊU”:
“Năm 1989 sau khi tôi ra khỏi tù, tôi đã nhận được một bức thư của Mẹ Têrêxa Calcutta với các lời này: "Không phải con số các hoạt động của chúng ta quan trọng, mà là cường độ tình yêu thương mà chúng ta đặt để vào mỗi hành động của chúng ta".
g/. Đầu xuôi đuôi lọt (Sống sao chết vậy): Giây phút ấy sẽ là cuối cùng
- Phúc cho ai vẫn làm việc cho tới khi chủ về (Mt 24,46):
“Sống từng khoảnh khắc một với cao độ yêu thương là bí quyết cũng giúp chúng ta biết sống tốt khoảnh khắc cuối cùng của đời mình. Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI viết "Tư tưởng về cái chết" như sau: "Không nhìn lại đàng sau nữa, nhưng con vui vẻ làm bổn phận trong lúc này đây như là ý Chúa, một cách đơn sơ, khiêm tốn, và mạnh mẽ, làm nhanh, làm tất cả, làm tốt. Làm một cách tươi vui: điều mà Chúa muốn nơi con trong lúc này đây, cả khi nó vượt quá sức lực của con và cả khi nó đòi hỏi mạng sống của con đi nữa.”
- Hiện tại quý làm sao ! Đừng để điều gì qua đi trong lãng phí:
“Mỗi lời nói, mỗi cử chỉ, mỗi cú điện thoại, mỗi quyết định, phải là điều xinh đẹp nhất của cuộc đời chúng ta. Chúng ta hãy dành cho tất cả mọi người tình yêu thương, nụ cười của chúng ta mà không mất đi một giây nào.
Mỗi khoảnh khắc của cuộc sống chúng ta hãy là:
khoảnh khắc đầu tiên
khoảnh khắc cuối cùng
khoảnh khắc duy nhất.”
(Đọc thêm : Eckhart Tolle : Sức mạnh của hiện tại : “Ngay khi bạn vừa trân quý phút giây hiện tại, tất cả mọi ưu phiền và vật lộn với đời sống đều tiêu tan và đời sống bỗng trở nên chan chứa niềm vui tươi và sự thanh thản. Khi bạn hành động từ ý thức của phút giây hiện tại, bất cứ điều gì bạn làm, dù chỉ là một hành vi nhỏ nhặt, cũng mang đầy phẩm chất vị tha và thương yêu.”
Trên đây mới chỉ là một số “điểm nhấn” được tìm thấy trong “bài giảng thứ 6” dành cho Giáo triều Rôma của ĐHY F.X mà nội dung cốt yếu đó là thực hiện việc nên thánh qua con đường “SỐNG GIÂY PHÚT HIỆN TẠI”.
Tuy nhiên, như câu ngạn ngữ mà chúng ta vẫn thường gặp : “Quý hồ tinh bất quý hồ đa”, đời sống của một Kitô hữu, một linh mục, nếu vận dụng chỉ một con đường nầy thôi cho tới nơi tới chốn, thì “nên thánh là cái chắc”.
Chính vì thế, điều quan trọng sau khi “khám phá”, tìm hiểu, đó chính là đưa vào hành động, là áp dụng cụ thể.
Sau đây, xin đề nghị một đôi “giải pháp” để khai triển và áp dụng con đường nên thánh nầy.
IV. HIỆN TẠI CỦA ĐỜI TÔI
1. Không phải chuyện đùa : hãy bắt đầu ngay !
Theo gợi ý “lấp đầy giây phút hiện tại với tình yêu” của Đức cố Hồng Y F.X. Nguyễn Văn Thuận, được Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhấn mạnh và khai triển trong tông huấn Gaudete et Exsultate, chúng ta có thể yên tâm để xác tín rằng: nên thánh đâu phải là chuyện xa vời, không thể với tới hay quá đòi hỏi đến độ “không thể làm được lúc nầy”…
Nhưng nói như thế không phải để bênh vực cho tính “chủ quan”, lười biếng : “Chuyện dễ ợt; để đó, tính sau…!”; hay lẫn tránh, chạy độ: “Làm người phàm chưa nổi lấy gì mà thánh với thiện; bãi trất…!”
Thật ra, nếu tìm vào trong Tin Mừng với lời dạy của Chúa Giêsu, thì quả thật, chuyện nầy có mới mẻ gì đâu. Sống giây phút hiện tại chẳng phải là “thái độ tỉnh thức” mà Chúa hằng kêu gọi! Chuyện nầy chúng ta vẫn thường nghe Lời Chúa réo gọi qua những Mùa Vọng Phụng vụ xuyên qua bao năm tháng cuộc đời :
"Anh em phải coi chừng, phải tỉnh thức, vì anh em không biết khi nào thời ấy đến. Cũng như người kia trẩy phương xa, để nhà lại, trao quyền cho các đầy tớ của mình, chỉ định cho mỗi người một việc, và ra lệnh cho người giữ cửa phải canh thức. Vậy anh em phải canh thức, vì anh em không biết khi nào chủ nhà đến: Lúc chập tối hay nửa đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng. Anh em phải canh thức, kẻo lỡ ra ông chủ đến bất thần, bắt gặp anh em đang ngủ. Điều Thầy nói với anh em đây, Thầy cũng nói với hết thảy mọi người là: phải canh thức !" (Mc 13,33-37).
Trong đời sống linh mục, sống giây phút hiện tại chính là “hiện thực hoá chiều kích MẦU NHIỆM” trong cuộc sống thường ngày mà tông huấn Pastores dabo vobis gọi là : “Mầu nhiệm” mà linh mục là “người phân phát” (x. 1 Cr 4,1) cuối cùng chính là Đức Giêsu Kitô, Đấng trong Thần Khí, là nguồn mạch thánh thiện và lời mời gọi thánh hoá. “Mầu nhiệm” phải nằm giữa lòng đời sống thường nhật của linh mục. (Đọc thêm : Huấn Thị “Xuất phát lại từ Đức Kitô”, của Thánh Bộ đời sống thánh hiến và hiệp hội tông đồ)
Đọc lại văn kiện “MONITA” của công đồng Yuthia 1664, chúng ta sẽ được nghe lại những chỉ dẫn cụ thể của các Đấng Bản Quyền cách đây gần 400 năm dành cho các thừa sai; những chỉ dẫn mà hàng linh mục chúng ta hôm nay không thể không lấy đó làm kim chỉ nam cho đời sống cầu nguyện và nên thánh mỗi ngày. Xin trích :
«Vẫn biết rằng, tất cả cuộc sống của nhà thừa sai phải là một sự cầu nguyện liên lỉ, và phải gắn bó từng giây phút với Thiên Chúa, nhưng mỗi ngày cần dành ra một thời gian nhất định để thờ lạy Thiên Chúa: Ít ra là hai tiếng, đúng theo luật được áp dụng cho phần đông các tu sĩ thừa sai, và theo thói quen còn giữ đến nay nhờ những vị nhiệt tình làm tròn bổn phận tông đồ. Thế nên đừng bao giờ bỏ với bất cứ lý do nào sự thực hành bổ ích này, trừ khi có sự bó buộc chính đáng hay vì bác ái. Ngay cả ở thời đại chúng ta, không thiếu gì những sứ giả Tin Mừng, hết lòng hiến dâng, như các thánh Tông đồ, cho việc cầu nguyện và rao giảng. Ban ngày nếu bận rộn và mệt nhọc không có thời gian để cầu nguyện thì ban đêm họ kiếm cách bù đắp lại, và như thế, họ cảm thấy hạnh phúc hơn khi ban ngày đã hoàn toàn dùng thời giờ để làm vinh danh Thiên Chúa. Còn ban đêm họ không ngừng tạ ơn Vị Hôn Phu trên trời. Nếu phải so sánh với người đời vốn thích ăn chơi thâu đêm suốt sáng, thì những Linh mục gương mẫu trên có thua kém gì. Cách làm này đã rất quen thuộc với Đức Giêsu Kitô, với các thánh Tông đồ, với các nhà truyền giáo và đặc biệt với Thánh Cả Fr. Xavier, như chúng ta đọc biết trong tiểu sử của ngài, ngài đã rất thường cầu nguyện thâu đêm."
2. Dù sao, vẫn là “lội ngược dòng”.
Nói thì nói vậy, nhưng để “lấp đầy tình yêu mỗi giây phút” của cuộc sống lại không là chuyện dễ; điều đó cũng đồng nghĩa : sống trọn hảo con đường Tám Mối Phúc Thật mỗi ngày, mỗi phút giây, luôn là một sự “lội ngược dòng”, như tông huấn Gaudete et Exsultate đã khẳng định nơi Chương 3:
“Mặc dù những lời của Chúa Giêsu có thể nghe như thi vị, nhưng rõ ràng là chúng ngược hẳn với cách mọi việc vẫn thường diễn ra trong thế giới của chúng ta. Cho dù chúng ta thấy mình được sứ điệp của Chúa Giêsu cuốn hút, thế gian vẫn đẩy chúng ta tới một cách sống khác. Các mối Phúc không hề là cái gì tầm thường hay dễ thoả mãn, mà hoàn toàn ngược lại. Ta chỉ có thể sống được các mối Phúc ấy nếu Chúa Thánh Thần đổ đầy sức mạnh của Ngài trên ta và giải thoát ta khỏi sự yếu đuối, ích kỷ, tự mãn và kiêu hãnh của mình.” (GE 65).
Cái thói quen “mơ mộng viển vông”, thích chạy tìm những cái đâu đâu, “bỏ mồi bắt bóng”, lại rất hiện thực trong đời sống, như nhận xét của trong một bài viết mang chủ đề : Sống giây phút hiện tại của linh mục Ronald Rolheiser :
“Tận hưởng giây phút hiện tại, ngày mai có việc của ngày mai! Ai cũng muốn tận hưởng giây phút hiện tại. Nhưng như tiểu thuyết gia người Ái Nhĩ Lan John McGahern nói: “Không có điều gì khó hơn là tận hưởng giây phút hiện tại!” Tại sao? Bởi vì chúng ta rất ngây thơ về chuyện này. Chẳng hạn, như chàng thanh niên trẻ từng viết thư cho thi sĩ Rainer Marie Rilke than phiền anh muốn trở thành nhà thơ, nhưng cuộc sống thường ngày không tạo cho anh nhiều cảm hứng. Anh phàn nàn cuộc sống của anh không phải là chất liệu cho thi ca, cuộc sống trong một ngôi làng nhỏ quá nhiều vất vả và áp lực. Làm sao anh có thể làm thơ trong hoàn cảnh như vậy? Chàng trai kết thúc bức thư nói rằng anh thèm có một cuộc sống như Rilke: thi sĩ được mến mộ, sống ở thành phố lớn, gặp được nhiều người thú vị. Rilke dứt khoát không đồng ý với anh, ông hồi âm: “Cuộc sống hằng ngày có vẻ nhàm chán đối với bạn, hay bạn không đủ chất thơ để phát huy hết tất cả nét phong phú của cuộc sống này. Vì đối với một thi sĩ, không đâu là không thú vị, không cảnh huống nào là không thú vị.” Giây phút hiện tại vẫn còn đó để mình tận hưởng.
Và linh mục tác giả bài viết trên đề nghị chúng ta hãy đón nhận giây phút hiện tại như đón nhận các ân huệ do “các vị thiên thần của từng buổi thời gian” mang đến cho chúng ta:
“Mỗi mùa, tùy theo niên lịch văn hóa hay tôn giáo đều mang đến một tinh thần, một tâm trạng, một cảm xúc nào đó mà thỉnh thoảng chúng ta níu giữ lại, nhưng đôi khi chúng ta lại để hụt mất. Cũng vậy với các giây phút trong ngày – sáng, trưa, xế chiều, chiều, tối, khuya. Mỗi khoảnh khắc có một ánh sáng duy nhất, một tác động duy nhất lên cảm xúc chúng ta, và nói theo kiểu ẩn dụ, mỗi khoảnh khắc có mỗi thiên thần riêng đem đến cho chúng ta các ơn huệ đặc biệt. Chẳng hạn, ánh sáng bình minh khác với ánh sáng hoàng hôn. Vì thế, thiên thần bình minh tác động lên chúng ta khác với thiên thần hoàng hôn. Tận hưởng giây phút hiện tại là gặp các thiên thần và để họ ban phúc lành cho chúng ta.”
Và để “biện phân” đâu là những “dòng thác” mà mỗi ngày chúng ta phải “lội ngược dòng”, xin đề nghị cùng “xét mình” với mấy “dòng thác” thường trôi chảy giữa đời thường cuộc sống sau đây:
3. Những “dòng thác” khó cưỡng:
a/. Mắc kẹt trong những nỗi bất an, xao xuyến :
Sống trong một môi trường xã hội đầy dẫy phương tiện, nhu cầu, cám dỗ…cùng với bao công việc mục vụ đỏi hỏi phải lo toan, dấn thân…có thể anh em linh mục chúng ta rất dễ để mình “bị mắc kẹt trong những nỗi bất an, xao xuyến”; và vì thế, ít có được những phút giây hiện tại thanh thản, bình an, nói chi đến chuyện “nên thánh trong giây phút hiện tại”.
Trong Kim Chỉ Nam về tác vụ và đời sống linh mục đã cảnh báo tình trạng nầy với diễn ngữ: Ánh sáng và bóng tối của hoạt động thừa tác. Xin trích:
“Bên cạnh ánh sáng chiếu soi đời sống linh mục, không thiếu những bóng tối có khuynh hướng làm phai mờ vẻ đẹp của đời linh mục và khiến cho việc thi hành tác vụ kém hiệu quả” (Số 48). Tài liệu trên cũng trích dẫn văn kiện Presbyterorum Ordinis để như một minh chứng : “Trong thế giới ngày nay, người ta phải đối diện với bao bổn phận, bị thúc bách bởi quá nhiều vấn đề khác nhau – mà thường đòi hỏi một giải pháp mau lẹ - khiến người ta hơn một lần có nguy cơ đi đến chỗ tan rã. Các linh mục, khi đảm trách nhiều nghĩa vụ thuộc chức năng, thường cảm thấy phân vân, có thể lo âu tự hỏi làm sao thống nhất đời sống nội tâm với những đòi buộc của hoạt động bên ngoài” (Số 14).
Chính Thánh Giáo Phụ Augustinô cũng đã từng thú nhận với Chúa: “Lòng con xao xuyến mãi cho đến khi được yên nghỉ trong Chúa”.
Riêng nhà tâm lý học Eckhart Tolle trong tác phẩm “Sức mạnh của hiện tại” đã nhận xét rằng: nỗi bất an xao xuyến đã chi phối đời sống con người tự mãi ngàn xưa, từ đông sang tây :
“Dòng chảy của nỗi bất an thường trực trong con người đã có từ lâu, dĩ nhiên cả trước khi nền văn minh công nghiệp phương Tây xuất hiện. Tuy nhiên, dòng chảy này bộc lộ một cách sâu sắc chưa từng có trong nền văn minh phương Tây. Và khi nền văn minh này gần như bao trùm cả thế giới như ngày nay thì sự bất an bất an đó cũng đang thấm vào đại đa số người phương Đông. Nỗi bất an thường trực này đã có từ trước khi Đức Phật, Chúa Jesus ra đời.. Đức Phật cũng đã dạy rằng, cội nguồn của khổ đau nằm ở lòng ham muốn và thèm khát không nguôi của ta. Chúa Jesus cũng đã có lần hỏi các đệ tử của ngài: “Sao các con cứ mãi băn khoăn vậy? Nỗi lo lắng ấy liệu có giúp cho các con sống thêm được một ngày không?”
Giải pháp Tin Mừng: Hình tượng của cô Maria Betania ngồi bên chân Chúa: “Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi” (Lc 10,38-42).
Giải pháp của ĐHY F.X. Nguyễn Văn Thuận: Chọn Thiên Chúa chứ không phải những việc của Thiên Chúa:
“Thực vậy, không có Mục Tử nào nghĩ rằng mình không chọn Chúa. Tất cả chúng ta đều xả thân tận tụy với các công việc của Chúa. Nhưng tôi cảm thấy mình luôn cần phải xét lại mình cách thành thật trước mặt Chúa. Trong cuộc sống mục vụ của tôi, bao nhiêu phần dành cho Chúa và bao nhiêu phần dành cho các công việc của Ngài (mà nhiều khi đó chỉ là công việc của tôi)? Khi từ khước một nhiệm vụ hoặc mong ước một nhiệm vụ khác, tôi có thực sự là vô vị lợi hay không?”
b/. Đâu cũng thấy “CÁI TÔI” :
Có một “hiện tượng tâm lý” (không khéo sẽ trở thành một “chọn lựa hiện sinh”) khá phổ biến thường hiện hữu nơi mọi người chúng ta (người đời lẫn người tu) đó là : thay vì cuộc sống với mỗi phút giây được “lấp đầy với tình yêu”, thì lại bị bao phủ bởi “cái tôi khó ưa”.
- Từ nhà nguyện tới nhà vệ sinh, từ sáng sớm đến chiều tối: chỉ có tôi là quan trọng, là đúng…
- Vì thế, luôn “khó chịu” với “cái rác” trong mắt anh chị em mà hoàn toàn “tỉnh bơ” trước “cái xà” to đùng trong con ngươi của chính mình. (Mt 7,3-5)
- “Dòng thác cái tôi” nầy, nếu không hoán cải, không “lội ngược”, thì sẽ dẫn tới một cuộc sống chai lỳ trong tội “thiếu sót về tình yêu” (Mt 25,41-45), thói quen ứng xử ngược Tin Mừng như một “đường mòn khó uốn, lũng sâu khó lấp, đồi cao khó san bằng” (Is 40,3-4).
Giải pháp Tin Mừng: Hình tượng Gioan Tẩy Giả: “Người phải lớn lên còn tôi phải nhỏ xuống” (Ga 3,30):
Giải pháp của ĐHY F.X. Nguyễn Văn Thuận: “Tôi đã bỏ mọi sự để theo Chúa Giêsu, vì tôi yêu thích những khuyết điểm của Ngài”
c/. “Chiến đấu nửa vời”:
Không phải lúc nào chúng ta đều chiến thắng, như Đức Kitô “chiến thắng sa tan cách ngoạn mục nơi hoang địa” (Mt 4,1-10), trong cuộc chiến với “cái tôi”, với thế gian, ma quỷ.
Đã trải qua bao nhiêu cuộc tĩnh tâm rồi, thường huấn rồi…; bao nhiêu lời giảng dạy, Lời Chúa được nghe, Thánh lễ đã dâng, bí tích Giải tội đã lãnh…Đó không là những cuộc chiến đấu sao!
Nhưng xem ra kết quả trận chiến không thấy “chuyển biến gì” mà có vẽ như đang ngã sang hướng tiêu cực; bởi vì thật ra, chúng ta chỉ chiến đấu “nửa vời”, chưa thật sự quyết liệt. Cũng có khi có chiến đấu nhưng lại chọn cách xuất trận theo kiểu Goliat (tinh thần thế tục), thay vì “vũ khí của chàng trai Đa-vít” (1 Sm 17,32-51).
Vì thế, kết quả thường “đầu voi đuôi chuột” hoặc biến thái chệch hướng :
- Phần “con” thắng phần “người”, tự nhiên thắng siêu nhiên… (chứng nào tật ấy, vẫn là cái tôi..)
- Giả hình thắng sự thật, nô lệ thắng tự do… (Hình thức, đãi bôi, khi thì bắt nạt, lúc thì sợ hải…)
- Chia rẽ thắng hiệp nhất, đố kỵ thắng bao dung… (Chia rẽ, phe nhóm, kết án, nói xấu…)
Giải pháp Tông Đồ: Hình tượng Phêrô và Phaolô :
- Phêrô, Vị Thủ lãnh khiêm nhu, nhân hậu : “Sau hết, tất cả anh chị em hãy đồng tâm nhất trí, thông cảm với nhau, hãy yêu thương nhau như anh em, hãy ăn ở nhân hậu và khiêm tốn. Đừng lấy ác báo ác, đừng lấy lời nguyền rủa đáp lại lời nguyền rủa, nhưng trái lại, hãy chúc phúc, vì anh em được Thiên Chúa kêu gọi chính là để thừa hưởng lời chúc phúc.” (1 Pr 3,8-9)
- Phaolô: Vị Tông đồ luôn nâng đỡ anh em: “Bổn phận của chúng ta, những người có đức tin vững mạnh, là phải nâng đỡ những người yếu đuối, không có đức tin vững mạnh, chứ không phải chiều theo sở thích của mình. Mỗi người chúng ta hãy chiều theo sở thích kẻ khác, vì lợi ích của họ, và để xây dựng. Thật vậy, Đức Kitô đã không chiều theo sở thích của mình, trái lại, như có lời chép : Lời kẻ thoá mạ Ngài, nầy chính con hứng chịu” (Rm 15,1-3)
Giải pháp của ĐHY F.X. Nguyễn Văn Thuận: Trở thành Lời Chúa:
“Trong những năm đó tôi đã tiến bước được vì "Lời Chúa là ngọn đèn cho bước chân tôi", "là ánh sáng trên đường đời tôi" (x. Tv 119,105). (…).Tôi không có giấy mực, nhưng công an cung cấp giấy để tôi viết các câu trả lời trong các cuộc hỏi cung. Thế là từ từ tôi bắt đầu bớt một vài tờ giấy và làm thành một cuốn sổ tay nhỏ, trên đó viết khoảng 300 câu Kinh Thánh mà tôi nhớ thuộc lòng. Lời Chúa, được dựng lại như thế đã là cẩm nang thường ngày của tôi, là kho tàng quý báu tăng cường sức mạnh cho tôi. (…).Trong thời gian ở trong tù tôi đã viết: "Con hãy tuân giữ một quy luật thôi: Phúc Âm. Hiến Pháp này cao vượt trên tất cả mọi hiến pháp khác. Ðó là luật mà Chúa Giêsu đã để lại cho các Tông Ðồ (x. Mt 4,23). Nó không khó khăn, phiền phức hay gò bó như các luật khác. Trái lại, nó sinh động, nhân hậu và phấn chấn đối với tâm hồn con. Một vị thánh sống xa Phúc Âm là một vị thánh giả" (Ðường Hy Vọng số 986).
d/. Những lý do để biện minh và những cơn “cám dỗ ngọt ngào”:
Với tuổi đời chồng chất, với bao mệt mỏi của áp lực công việc, với bệnh hoạn thể lý và những khó khăn, rạn nứt với những tương quan…rất nhiều anh em muốn “yên phận”, chấp nhận “tình trạng đã rồi”, yên tâm rằng “tình trạng của mình như thế là quá tốt; và vì thế, con đường “nên thánh” mãi nằm trong trạng thái “dở dở ương ương”, sống như một sự đầu hàng “số mệnh”. Các lý do để biện minh thường là:
- Cuộc sống đâu như ý mình (phức tạp quá mà…).
- Như vậy là tốt lắm rồi, đòi hỏi gì nữa !
- Yêu cầu chính đáng mà, có ai muốn đâu !
Nên thánh, như ĐTC Phanxicô trong tông huấn Gaudete et Exsultate, phải “dũng cảm”:
“Hãy nhớ rằng những gì bị đóng kín thì sẽ ẩm mốc và sẽ khiến ta bị bệnh. (…) Thiên Chúa luôn luôn là sự mới lạ. Ngài không ngừng thúc đẩy ta lại ra đi và đổi chỗ để thoát khỏi những gì là quen thuộc, đến những vùng ngoại vi và những biên giới. (…). Vì vậy, nếu ta dám đi đến những vùng ngoại vi, ta sẽ tìm thấy Ngài ở đó; đúng vậy, Ngài đã có mặt ở đó sẵn rồi. Chúa Giêsu đã đi trước chúng ta trong trái tim của anh chị em chúng ta, trong xác thịt bị thương tích của họ, trong cuộc sống bị áp bức của họ, trong linh hồn bị biến thành đen tối của họ. Ngài đã ở đó sẵn rồi.”
Dũng cảm nhưng không “duy ý chí”, kiêu căng và hoang tưởng như “hình tượng ngụ ngôn” trong truyện ngắn “Đức Cha Sergei” của Leon Tolstoi (1898); đây cũng chính là điều được Đức Thánh Cha Phanxico cảnh báo cách đặc biệt trong Chương 2 của tông huấn Gaudete et Exultate : HAI KẺ THÙ TINH TẾ CỦA SỰ THÁNH THIỆN : Xin trích :
“Tuy nhiên, vẫn có một số Kitô hữu cứ nhất quyết đi theo một con đường khác, đòi tự công chính hoá bằng sức riêng, vẫn cứ tôn thờ ý chí nhân loại và khả năng riêng của họ. Kết quả là một sự tự mãn quy về mình và tự coi mình là ưu tú, mất hẳn tình yêu chân thật.”
Giải pháp Phaolô: “Không có gì tách được chúng ta khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta.”… (Rm 8,35-39).
Giải pháp của ĐHY F.X. Nguyễn Văn Thuận: Trở nên mọi sự cho mọi người :
“Khi rời Sài Gòn, suy nghĩ về việc Chúa Giêsu chịu đóng đinh bên ngoài tường thành Giêrusalem đã cho tôi hiểu rằng từ nay tôi phải dấn thân trong một hình thức mới của việc rao truyền Tin Mừng, không phải như là Giám Mục của một giáo phận, nhưng ở "ngoài thành", nghĩa là như một nhà truyền giáo được sai đi thật xa, bằng cả cuộc sống, với hết tất cả khả năng yêu thương và dâng hiến của tôi. Giờ đây hoàn cảnh giúp tôi thêm một chiều kích khác nữa: đó là đi tới với mọi người.
Trong đêm đen của lòng tin, trong phục vụ, trong khiêm hạ, ánh sáng của niềm Hy Vọng đã thay đổi quan niệm của tôi. Từ nay con tầu này, nhà tù này, đã là ngôi nhà thờ chính tòa đẹp nhất của tôi, và các tù nhân này, không loại trừ ai, đã là dân của Thiên Chúa được tín thác cho việc chăm sóc mục vụ của tôi. Sự kiện tôi bị tù đày là do sự quan phòng của Thiên Chúa, do ý muốn của Ngài. Tôi đã nói tất cả những điều này cho anh em tù nhân Công giáo khác biết và đã nảy sinh ra giữa chúng tôi một sự hiệp thông sâu xa, một dấn thân mới: chúng tôi được mời gọi cùng nhau trở thành các chứng nhân Hy Vọng cho tất cả mọi người.”
4. Chúng ta không nên thánh một mình:
Nên thánh, nếu nhìn trong viễn tượng “Nhiệm Cục Cứu Độ”, thì đó không phải là chuyện “tư riêng” của mỗi người, mà là công việc của cả “Dân Chúa”, như Thánh Công Đồng Chung Vatican đã dạy:
“Thiên Chúa muốn thánh hoá và cứu độ con người không như những cá nhân riêng rẽ không chút liên đới với nhau, nhưng Ngài muốn làm cho họ thành một dân tộc để họ nhận biết Ngài trong chân lý và phụng sự Ngài trong thánh thiện…(…). Vì thế tất cả mọi tín hữu đều được kêu mời và có bổn phận nên thánh và theo đuổi sự trọn lành của bậc sống mình.”
Và nếu quan niệm sự thánh thiện Kitô giáo, con đường “nên toàn thiện như Cha trên Trời” mà Chúa Giêsu đề nghị là chấp nhận hy sinh vì yêu, một tình yêu quảng đại và vị tha, hay như ngôn ngữ của Đức Cố Hồng Y F.X. Nguyễn Văn Thuận : “Lấp đầy hiện tại bằng yêu thương”, thì quả thật, ở giữa đời thường hôm nay, trên mọi nẻo đường của thế giới, hay ngay trong chính giáo phận chúng ta, giáo xứ chúng ta, các gia đình chung quanh chúng ta… biết đâu, đang có biết bao nhiêu vị thánh âm thầm đang hiện hữu.
a/. Những viên ngọc quý “sát bên nhà chúng ta” :
Có một quan niệm khá lỗi thời nhưng mặc nhiên vẫn còn đâu đó trong dân Chúa: Thế gian không thể “thánh” được; may ra chỉ có trong cuộc sống tu trì !
Có đấy! Như ĐTC Phanxicô xác nhận trong tông huấn Gaudete et Exsultate, đó là “những vị thánh sát bên nhà chúng ta”: “Rất thường thì đó là một sự thánh thiện được tìm thấy nơi những người sát ngay bên nhà chúng ta, những người đang sống giữa chúng ta, đang phản ảnh sự hiện diện của Thiên Chúa. Chúng ta có thể gọi họ là “tầng lớp trung lưu của sự thánh thiện”
“Họ là những chàng trai, cô gái đang hăng say hy sinh những tháng ngày tươi đẹp của cuộc đời sinh viên, cuộc sống yên vui, hạnh phúc trong tiện nghi của chốn phồn hoa đô hội thị thành, để dấn thân ra đi phục vụ chăm sóc những người phung cùi, những bệnh nhân sida, những trẻ em mồ côi, bụi đời tại những vùng sa mạc khô cằn tận Châu Phi hoang dã, hay Châu Mỹ La tinh đói nghèo. Họ là những bác sĩ, kỷ sư, nữ tu, linh mục…sẵn sàng chấp nhận mọi vất vả thương đau, cả đến mạng sống mình, lên đường xông pha vào những trại tạm cư, những vùng dầu sôi lửa bỏng của chiến cuộc, những làng mạc, vùng miền đang ngập tràn bạo lực, chiến tranh, đói nghèo…để giúp đỡ, chăm sóc và dẫn lối đưa đường cho biết bao nhiêu phận người khổ đau, thất vọng tìm lại được bình yên và sự sống.
Có khi, họ là những người vợ, người mẹ quanh năm vất vả khổ lụy trăm bề, chịu thương chịu khó để nuôi chồng bệnh hoạn nuôi con ăn học mà trên môi luôn nở nụ cười của niềm vui và hạnh phúc. Và ở đâu đó, trong vùng sâu, vùng xa của những buôn làng dân tộc, đang thấp thoáng bóng dáng của những thầy cô giáo ngày đêm âm thầm lặng lẽ đem hết cái tâm và bầu nhiệt huyết để mang từng con chữ cho các em thơ…”
b/. Gia tài “Tử đạo” trong hành trình đức tin của các thế hệ cha ông :
Nói đến “các Vị Thánh sát bên nhà chúng ta”, không thể không nhắc tới hàng ngũ đông đảo các vị tử đạo của giáo phận trải dài suốt 400 năm, mà cụ thể đó chính là “con số tử đạo” của thời bách hại Văn Thân như tường thuật trong sách lịch sử giáo phận :
“Trong cuộc sát hại của Văn Thân năm 1885, Giáo phận Đông Đàng Trong đã bị tổn thất nặng nề nhất từ trước đến nay. Về nhân sự: 8 thừa sai Pháp, 7 linh mục Việt, 60 thầy giảng, 270 nữ tu, trên 24.000 giáo dân đã bị sát hại hoặc bị chết vì đói khát, bệnh tật, khi lẩn trốn nơi rừng thiêng nước độc, cũng có người lập nghiệp nơi khác không trở về. Về cơ sở vật chất: Tòa Giám mục Làng Sông, 225 nhà thờ và nhà nguyện, 10 phước viện, 2 chủng viện (Làng Sông và Nước Nhỉ), 17 cô nhi viện, 2 phòng phát thuốc, 1 nhà in, 4 nông trại, bị phá hủy. Số giáo dân trước cuộc sát hại của Văn Thân năm 1885 là 41.828 người, chỉ còn lại khoảng 17.000 vào cuối năm 1885. Số tín hữu tại các tỉnh trong Giáo phận trước và sau cuộc sát hại của Văn Thân được ghi nhận như sau:
Tại Quảng Nam: từ 5.428 còn lại 5.000; tại Quảng Ngãi: từ 6.600 còn lại 1.000; tại Bình Định: từ 16.940 còn lại 8.000; tại Phú Yên: từ 6.890 còn lại 1.109, tại Khánh Hòa: từ 2.848 còn lại 800; tại Bình Thuận: từ 1.892 còn lại 400.”. (Đọc thêm tài liệu : Lm. Đào Quang Toản, Tìm hiểu lịch sử Dòng Mến Thánh Giá)
Lời kết : Sống chức linh mục như một “con đường nên thánh”:
Chức linh mục (Sacerdos), dĩ nhiên, gắn liền với “sứ mệnh phục vụ” (Ministerium); nhưng còn hơn thế nữa: gắn liền với việc tác thánh, nên thánh (Sacrificium). Vì thế, như lời mời gọi của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II trong những lời kết của tông huấn Pastores dabo vobis, đời sống linh mục luôn gắn liền với con đường nên thánh:
“Tất cả các linh mục đều được mời gọi truy nhận tính khẩn cấp đặc biệt nơi việc đào tạo của họ trong thời buổi hiện tại : “công cuộc phúc âm hoá mới” cần có những nhà rao giảng mới, những linh mục dấn thân sống chức linh mục như một con đường nên thánh.”
Và nếu câu chuyện “nên thánh” chúng ta cùng chia sẻ với nhau hôm nay được gợi ý từ những cảm nhận và kinh nghiệm “nên thánh” của Vị Tôi Tớ Chúa, Đức cố Hồng Y F.X. Nguyễn Văn Thuận, thì, tôi cũng xin mượn chính những lời của Ngài để kết thúc bài chia sẻ hôm nay :
Tôi muốn kết thúc bài suy niệm này với một lời và một kinh nguyện Hy Vọng.
Tôi đã đến Melbourne, ở Úc, để giảng một cuộc tĩnh tâm.
Tôi rất được an ủi khi đọc thấy trên tường lời Hy Vọng này: "Không có vị Thánh nào mà không có quá khứ, không có tội nhân nào mà không có tương lai..."
Trước mặt Chúa, Ðấng tập họp chúng ta đây trong danh Ngài, quá khứ của chúng ta hoàn toàn tùy thuộc lòng thương xót của Ngài, và tương lai của chúng ta ở trong niềm trung thành bất biến của Ngài.
Lời kinh Hy Vọng là điều Thánh Ambrôsiô gợi lên cho chúng ta. Thánh nhân là vị mục tử đã cầu nguyện với Chúa Kitô Mục Tử Nhân Lành với những lời này:
"Vậy lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến, hãy tìm kiếm tôi tớ Chúa, tìm kiếm chiên lạc của Chúa.
Hỡi Mục Tử, xin tìm kiếm, như Giuse đã tìm những con chiên.
Chiên của Chúa còn lạc đường, bao lâu Chúa còn trì hoãn, con dừng chân lại trên núi non. Xin Chúa hãy để lại 99 con chiên và lên đường tìm một con đang lạc lối.
Xin hãy đến và đừng mang theo chó. Hãy đến và đừng đem theo những người làm thuê thô lỗ. Hãy đến và đừng dẫn theo người chăn thuê không biết đi qua cửa chính. Hãy đến, xin đừng mang theo người trợ giúp hay người trung gian, vì từ lâu con vẫn đang chờ đợi một mình Chúa.
Con biết rằng Chúa sắp đến, nếu thực là con đã không quên giới lệnh của Chúa. Hãy đến, mà đừng mang gậy gộc, trái lại với tình yêu thương và thái độ từ nhân khoan thứ" (Dal Commento al Salmo 118, 22, 28: PL 15, 1599).
Lạy Chúa là vị Mục Tử Nhân Lành, xin hãy đến để hoán cải và đổi mới chúng con!
Giáo Hội không bao giờ chỉ được canh tân một lần cho tất cả, nhưng cần được đổi mới hằng ngày.
VŨ ĐÌNH ĐƯỜNG, Mẹ Thánh Têrêsa Calcutta, Vị Thánh của thời đại, nguồn: http://longchuathuongxot.vn/v2/me-teresa-calcutta-vi-thanh-cua-thoi-dai/ ĐHY F.X. NGUYỄN VĂN THUẬN, Năm chiếc bánh và hai con cá, Pauline Books and Media, 2003, tr. 9, 13. (Xem thêm: ĐGH PHANXICÔ, Tông huấn Gaudete et Exsultate, số 17, ghi chú số 16). LINH TIẾN KHẢI, Vai trò của Đức Gioan Phaolô II và sự sụp đổ của chế độ cộng sản Đông Âu, bài Phỏng vấn ông Tadeusz Mazowiecki, thủ tướng đầu tiên của chế độ dân chủ Ba Lan, về Đức Gioan Phaolô II, “Đức Gioan Phaolô II là vị Giáo Hoàng đã có ảnh hưởng rất lớn trên cuộc sống Giáo Hội Công Giáo và trên cả tình hình thế giới. Dưới triều đại 27 năm của người Tòa Thánh Vaticăng đã nới rộng các liên lạc ngoại giao với 90 quốc gia năm châu, nâng con số 84 nước khi Đức Gioan Phaolô II lên ngôi hồi năm 1978 lên 174 nước, khi người qua đời cách đây 6 năm. Một cách đặc biệt Đức Gioan Phaolô II đã có công lớn đối với sự sụp đổ của chế độ cộng sản Liên Xô và Đông Âu, trong đó có Ba Lan là quê hương của người”. Nguồn: https://haedc.org/2016/06/12/vai-tro-cua-duc-gioan-phaolo-ii-va-su-sup-do-cua-che-do-cong-san-dong-au/ HỒNG THUỶ, Việc từ chức của Đức Bênêđictô XVI là hành động anh hùng, vì tình yêu Giáo hội, “Chúa Nhật 11/02 là ngày kỷ niệm 5 năm Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI công bố ý định từ chức. Theo Đức ông Alfred Xuereb, người Malta, nguyên là thư ký riêng của Đức nguyên Giáo hoàng trong 5 năm rưỡi, từ năm 2007, hiện tại là Tổng Thư ký của Bộ Kinh tế, quyết định từ chức của Đức nguyên Giáo hoàng là cử chỉ phi thường về tình yêu của ngài dành cho Giáo hội mà theo thời gian, người giáo dân hiểu hơn về quyết định này….(…) Món quà lớn nhất Đức Bênêđictô đang trao tặng cho Giáo hội trong những năm phục vụ và cầu nguyện cho Giáo hội, theo Đức ông Xuereb, khi chọn sống ẩn dật để chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ cuối cùng với Thiên Chúa, Đức nguyên Giáo hoàng sống quyết định này với chiều sâu thiêng liêng, dâng lời cầu nguyện và dâng cả sự mỏng dòn của sức khoẻ vì Giáo hội, cho Đức Giáo hoàng và cho Giáo hội.” Nguồn:http://www.truyen-tin.net THUỴ MY, Hiện tượng Phanxicô, vị Giáo hoàng làm xoay chuyển thế giới, “…Mới cách đây chưa đầy một năm chưa ai biết đến, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã trở thành một nhân vật được đông đảo người trên thế giới mến chuộng, thậm chí đã tạo nên một làn sóng ái mộ, dù là người Công giáo hay ngoại đạo. Nhật báo Le Figaro nhận xét, ngay cả Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô đệ nhị trước đây cũng không tạo được vầng hào quang toàn cầu nhanh chóng như thế. Le Figaro đã bắt đầu bằng từ tiếng Tây Ban Nha «fenomenal» (phi thường). Đây không phải là lời bình về một bàn thắng của đội bóng đá Achentina, mà là tiếng nói từ trái tim của nhiều người trên hành tinh dành cho Đức Giáo hoàng Phanxicô, nhân vật đã thu hút đông đảo người trên thế giới chỉ trong vòng chín tháng. Chín tháng, hãy còn quá ngắn ngủi để trở thành Giáo hoàng. Nhất là tại Vatican, nơi các vị Giáo hoàng tập sự thường phải mất nhiều năm trời trong bộ máy Tòa Thánh. Giáo hội tìm kiếm một làn gió mới trong thiên niên kỷ mới, và Mật nghị Hồng y hôm 13/3 đã chọn ra một vị Hồng y Mỹ latinh vô danh, nay đã trở thành thần tượng được nhiều người ngưỡng mộ”. Nguồn: http://vi.rfi.fr/quoc-te/20131226-hien-tuong-phanxico-vi-giao-hoang-lam-xoay-chuyen-the-gioi VŨ VĂN AN, VCN 08.05.2016, Đức Phanxicô: Đường hay Pháo Đài, “Đối với một số người Công Giáo Âu Châu, Đức Bênêđíctô XVI trở thành lời kêu gọi phòng thủ, rút vào pháo đài, ngay cả trước khi ngài lên ngôi giáo hoàng. Như việc ngài sử dụng thuật ngữ của sử gia Anh Arnold Toynbee để nói về tư thế Kitô Giáo trong thế giới hiện nay: “thiểu số sáng tạo” (creative minority). Trong một bài diễn văn năm 2004, lúc còn là Hồng Y Ratzinger, ngài hô hào “Các tín hữu Kitô Giáo nên tự coi mình như một thiểu số sáng tạo, và giúp Âu Châu giành lại điều tốt nhất trong di sản của nó và nhờ đó, tự đặt mình vào việc phục vụ toàn thể nhân loại”. Dù Đức Hồng Y Ratzinger không có ý gì tiêu cực trong lời kêu gọi trên, nhưng các người Công Giáo trên vẫn coi nó như phát lệnh phòng thủ nền văn hóa phụ (subculture) đang bị đe dọa, cố thủ những ổ đức tin khép kín giữa một môi trường duy tục thù nghịch. Người ta lưu luyến nhắc tới tinh thần contemptus mundi, hay “khinh miệt thế gian”, của các phong trào đơn tu thuở đầu Kitô Giáo. Theo Riccardi, Đức Phanxicô đã phá vỡ não trạng pháo đài nói trên. Trong bài diễn văn gần 3,000 chữ của ngài nói trên, các chữ như “thế tục” (secular) và “duy tục” (secularism) không bao giờ xuất hiện. Nói cách khác, các bóng ma của cuộc chiến đấu đòi có “câu nói về Thiên Chúa” hoàn toàn vắng bóng một cách đáng ghi nhận”. Nguồn: http://conggiao.info/duc-phanxico-duong-hay-phao-dai-d-35465
VŨ VĂN AN, Một số nhận định về tông huấn Evangelii Gaudium của Đức Phanxicô, “Daniel P. Horan, OFM, một biên tập viên của tạp chí America, thì lưu ý tới đoạn kết thúc của Tông Huấn trong đó, Đức Phanxicô trích dẫn Sách Khải Huyền rằng “Chính Chúa Kitô Sống Lại đã dạy ta, với một sức mạnh làm ta tràn trề tin tưởng và hy vọng không nao núng: “Này đây Ta đổi mới mọi sự’” (Kh 21:5). Sứ điệp của Đức Phanxicô không chỉ nhằm kêu gọi người khác sống lối sống mới, mà còn kêu gọi chính ngài cởi mở hơn đối với thay đổi, hồi hướng. “Vì tôi được mời gọi đem ra thực hành điều tôi yêu cầu người khác, nên tôi cũng phải nghĩ tới việc hồi hướng chính ngôi vị giáo hoàng. Nhiệm vụ làm giám mục Rôma của tôi là phải cởi mở đối với các gợi ý giúp làm cho việc thi hành thừa tác vụ của tôi trung thành hơn với ý nghĩa mà Chúa Giêsu Kitô từng muốn đưa lại cho nó và với các nhu cầu hiện nay của việc phúc âm hóa”. Cử tọa của tông huấn vì thế quả không phải chỉ là “anh chị em” mà là “chúng ta”. Việc làm mới này không chỉ áp dụng cho việc phúc âm hóa: tân phúc âm hóa, mà áp dụng vào chính chúng ta, như những cá nhân và như là Giáo Hội: chính ta là người cần được làm mới lại, cần bắt đầu lại, “trong mọi hành động đảm trách”. Sự mới mẻ này là sự mới mẻ trong tâm hồn, trong quan điểm, trong cung cách liên hệ với những người ta gặp. Là Giáo Hội, ta “đang có những cơ cấu gây trở ngại cho việc phúc âm hóa”. Cả thừa tác mục vụ cũng cần được làm mới lại. “Vấn đề lớn nhất là khi sứ điệp ta giảng dạy xem ra chỉ đồng nhất với những khía cạnh phụ thuộc, dù là quan trọng, nhưng tự chúng không chuyên chở được tâm điểm sứ điệp Chúa Kitô”. Tâm điểm ấy chính là niềm vui vì cuộc đời, sự chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô, được trình bày không phải như những tín lý rời rạc mang ra áp đặt, mà dựa vào các thực tại và hoàn cảnh của toàn bộ Nhiệm Thể Kitô, trong đó, có những chi thể đau đớn, nghèo nàn và bị cho ra rìa”.
http://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/Giaohoi/TongHuan/Evangelii-Gaudium/03MotSoNhanDinh.htm ĐGH PHANXICÔ, EG, 49: “Vì vậy chúng ta hãy đi ra, đi ra để cống hiến cho mọi người sự sống của Chúa Giêsu Kitô. Ở đây tôi lặp lại cho toàn thể Hội Thánh điều tôi từng nói cho các linh mục và giáo dân ở Buenos Aires: Tôi thà có một Hội Thánh bị bầm dập, mang thương tích và nhơ nhuốc vì đi ra ngoài đường, hơn là một Hội Thánh ốm yếu vì bị giam hãm và bám víu vào sự an toàn của mình. Tôi không muốn một Hội Thánh chỉ lo đặt mình vào trung tâm để rốt cuộc bị mắc kẹt trong một mạng lưới các nỗi ám ảnh và các thủ tục.” Bài viết 4 hồng y yêu cầu Đức Giáo hoàng giải thích về “Amoris Laetitia”, “Bốn vị hồng y xin Đức Giáo hoàng làm rõ một số nghi ngờ liên quan đến Tông huấn hậu Thượng Hội Đồng “Amoris Laetitia” về hôn nhân và gia đình. Đó là các Đức Hồng y Walter Brandmüller, cựu Chủ tịch Ủy ban Giáo hoàng về Khoa học lịch sử; Raymond L. Burke, lãnh đạo Hội Hiệp sĩ Malta, Charles Caffara (nguyên Tổng Giám mục Bologna) và Joachim Meisner (nguyên Tổng Giám mục Cologne). Được gửi cho Đức Hồng y Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin vào ngày 19/9, lá thư của bốn vị hồng y đã được công bố hôm qua, thứ Hai 14/11, trên trang Espresso của Sandro Magister và tờ báo điện tử La Nuova Bussola….”. Nguồn: http://nhathothaiha.net/bon-hong-y-yeu-cau-duc-giao-hoang-giai-thich-ve-amoris-laetitia/ VŨ VĂN AN, Một năm sau Niềm vui yêu thương, “Tông huấn hậu thượng hội đồng giám mục thế giới về tình yêu gia đình, Niềm Vui Yêu Thương, đã được công bố ngày 8 tháng Tư năm 2016, hơn một năm nay. Diễn trình hoàn thành tông huấn được kể là dài nhất trong mấy thập niên qua. Dù đụng đến một đề tài phức tạp và đề tài này từng gây sóng gió trong suốt diễn trình hai thượng hội đồng liên tiếp, người ta vẫn hy vọng với tông huấn của Đức Phanxicô, bầu khí thanh thản sẽ được lập lại. Nhưng thực tế đã không xẩy ra như thế. Chỉ mấy tháng sau ngày công bố, các nghi ngại đối với tông huấn đã được nói lên thật rõ và thật to bởi rất nhiều nhà thần học và giáo phẩm, mà nổi nhất là bởi bốn vị Hồng Y, tuy không nắm giữ chức vụ gì quan trọng hiện thời, nhưng có một quá khứ không đến nỗi mờ nhạt cho lắm. Người ta gọi các ngài là 4 Hồng Y nghi ngại. Cho đến nay, nỗi nghi ngại của các ngài vẫn còn đó và dường như nó vẫn được một số giới trong Giáo Hội nghiền ngẫm suy tưởng. Và do đó, một làn mây không chắc chắn đang phủ lên bầu trời tín lý của Giáo Hội”.
Nguồn: http://www.vietcatholicnews.net/News/Html/234922.htm Trong những ngày nầy, Giáo Hội Công Giáo tại Hoa Kỳ đang lao đao về vụ “các hành vi tình dục đồi bại của Đức Hồng Y Theodore McCarrick với một số người lớn và các hành vi phạm tội hình sự của ông trong việc lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên”. Xem thêm bài: Toàn văn Tuyên bố của Đức Hồng Y Seán Patrick O'Malley về trường hợp của Đức Hồng Y McCarrick đăng trên:
http://www.vietcatholic.org/News/Html/245942.htm HÀN CƯ SĨ, Thái độ với sự chống phá Giáo hội, “Trong lịch sử Giáo hội Kitô Giáo, trải qua hơn 2.000 năm, thời nào, lúc nào cũng đều có những người, những nhóm, những thế lực đen tối thù ghét và âm mưu phá hoại cách ngấm ngầm hoặc công khai Giáo hội của Đức Kitô. Thậm chí có những thế lực của đảng phái chính trị với đầy quyền lực thế gian, như những vua chúa tàn sát và tàn phá Giáo hội tưởng chừng như bị xóa sổ khỏi lịch sử nhân loại. Nhưng thực tế cho thấy, bóng tối lại bị tan rã và mai một (vật cực tắc phản), chỉ còn Giáo hội luôn tươi nở, hào hùng và phát triển mãi, như lời Đức Kitô nói: “ Satan sức hùng mưu ma vẫy vùng không làm chuyển rung…” (Mt 16,18). Giáo hội quá biết như thế, nhận thấy điều này là tất nhiên của quy luật giữa Thiện và Ác, nên cũng không hề ngạc nhiên, bối rối và lo lắng thái quá: “Vì thế gian ghét thầy nên cũng ghét anh em…” (Ga 15,18-19). Vì vậy Giáo hội chỉ im lặng để chăm lo cho đời sống đạo, chứ không phải Giáo hội thiếu những tài năng uyên bác trên mọi lãnh vực, có thể quán thông những sự siêu việt cả khoa học đời lẫn đạo. Im lặng luôn là đạo của trời đất, là khôn ngoan, là vĩnh cửu, vì: “thiên hà ngôn tai – Khổng tử” (Trời có nói gì đâu). Ngày nay còn có những thế lực chống phá Giáo hội còn khủng khiếp hơn xưa nhiều, vì họ ở trong bóng tối mà lèo lái thế giới chứ không lộ liễu”. Nguồn: http://conggiao.info/thai-do-voi-su-chong-pha-giao-hoi-d-37238
Xem: https://tonggiaophanhanoi.org/tu-lieu/13841-tong-huan-gaudete-et-exsultate.html LM GIUSE PHAN TẤN THÀNH, OP., Giới thiệu tông huấn Gaudete et Exsultate, http://www.giaolyductin.net/gioi-thieu-tong-huan-gaudete-et-exsultate.html Ibid. “Công đồng Vaticanô II, trong chương Năm của Hiến chế tín lý về Hội thánh, đã đề cập đến « ơn gọi phổ quát nên thánh »[2]. Tông huấn tìm cách diễn tả ý tưởng ấy với những thuật ngữ tương đương: sự thánh thiện của "giới trung lưu" (theo nghĩa là: phổ thông, bình dân)[3], để đánh tan ý tưởng sai lầm cho rằng việc nên thánh chỉ dành riêng cho một thiểu số (giai cấp quý tộc); hoặc: sự thánh thiện của "người hàng xóm" (GR 7), để nhắn nhủ ta hãy nhận ra chân dung các thánh ở nơi những con người chúng ta gặp hằng ngày (chứ không chỉ nơi các thánh đội hào quang trên trời)[4]. Các thánh là những con người bất toàn, vẫn còn mang nhiều khuyết điểm, nhưng họ tiếp tục tiến bước, tìm cách làm đẹp lòng Chúa (GE 3). Thực vậy, sự thánh thiện đạt đến cách tiệm tiến, chứ không phải cách chớp nhoáng, và trong tổng thể đời sống chứ không chỉ giới hạn vào danh mục của vài nhân đức (GE 23-24). Một lưu ý không kém phần quan trọng là chúng ta nên thánh giữa lòng Dân thánh, tức là Giáo Hội: chúng ta không nên thánh cô đơn một mình (GE 6), tuy dù biết rằng có nhiều hình thức nên thánh, không ai giống ai, xét vì Chúa đã dành cho mỗi người một sứ mạng đặc thù (GE 11). Một hệ luận (như sẽ còn trở lại trong chương Hai) là chúng ta đừng vội xét đoán các cấp bậc cao thấp, tự coi mình hơn người khác, dựa theo một bậc thang do chính mình dựng lên[5]. Dù sao, chiều kích "cộng đồng" của việc nên thánh thúc đẩy chúng ta hãy ra khỏi bản ngã của mình, để gặp gỡ người khác, khuyến khích nâng đỡ nhau, nắm tay nhau trong cuộc lữ hành nên thánh (GE 87). Dĩ nhiên, chúng ta cũng được thôi thúc nhờ đoàn ngũ các chứng nhân, đoàn ngũ những kẻ vây quanh ta xét về không gian cũng như xét về thời gian (tức là những bậc cha ông trong đức tin, hiểu về cả hai phái nam và nữ)”
Nói như vậy không có nghĩa là phủ nhận tác động của Thánh Linh bên ngoài biên cương của Hội thánh (GE 9). Thật vậy, Thiên Chúa hiện diện khắp nơi: chúng ta cần cố gắng khám phá sự hiện diện của Ngài, thay vì hạn chế tác động của Ngài (x.GE 41)[6]. Theo tác giả LỮ GIANG trong bài viết: Tiểu sử Đức cố Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận: “Đức Hồng Y Phanxicô Xavier Nguyễn Văn Thuận sinh ngày 17 tháng 4 năm 1928, tại Phú Cam, thuộc Tổng Giáo phận Huế, tỉnh Thừa Thiên, Việt Nam. Gia đình ngài có 8 anh chị em, 3 trai và 5 gái. Ngài là con cả. Thân phụ của ngài là Cụ Nguyễn Văn Ấm, qua đời ngày 1 tháng 7 năm 1993, tại Sydney, Úc Đại Lợi (Australia). Thân mẫu ngài là Cụ Bà Elisabeth Ngô Đình Thị Hiệp, con gái của Cụ Ngô Đình Khả. Cụ bà là em của Đức Tổng Giám Mục Ngô Đình Thục và Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Bà Cụ Cố qua đời vào ngày 28 tháng 1 năm 2005, tại Sydney, Úc Đại Lợi, thọ 102 tuổi”. http://giesu.net/home/dhy-nguyen-van-thuan/ Ibid., Ngài cũng đã nhận được những huy chương đề cao cuộc sống chứng tá về các hoạt động kiến tạo hòa bình của ngài: Ngày 9-6-1999, Chính Phủ Pháp đã trao tặng ngài huy chương “Commandeur de L’Ordre National du Mérite”. Ngày 12-1-2000, Hội “Cùng Nhau Xây Dựng Hòa Bình” đã trao tặng ngài huy chương hòa bình tại Tòa Thị Chính Roma. Tại Torino, ngày 20-10-2001, ngài lãnh giải hòa bình của tổ chức SERMIG (Hiệp Hội Truyền Giáo Của Giới Trẻ). Ngày 9-12-2001, Trung Tâm Nghiên Cứu G. Donati cũng đã trao tặng ngài giải thưởng hòa bình năm 2001…. TGM F.X. NGUYỄN VĂN THUẬN, Đường Hy Vọng, số 997 TGM F.X. NGUYỄN VĂN THUẬN, Chứng Nhân Hy Vọng, Tuần tĩnh tâm của Đức Thánh Cha & Giáo triều Rôma, tr. 16. Chủ đề nầy đã được Đức cố Hồng y F.X. trình bày trong tác phẩm của ngài: Năm chiếc bánh và hai con cá, Chiếc bánh thứ nhất: Sống phút hiện tại, Ấn hành lần thứ ba tại Reichstett, France, Cộng Đoàn Đức Mẹ La-Vang, 1999, tr. 6-10. (Có thể đọc bản PDF :
http://www.dccthaingoai.com/data/sites/1/docs/uploadfiles/document/5chiecbanhva2conca.pdf ; hoặc bản word :
http://www.memaria.org/default.aspx?LangID=0&tabId=446&ArticleID=54171) P. ENDOKIMOV, Các tuổi của đời sống thiêng liêng, Bologna 1968, tr.257-258 TGM F.X. NGUYỄN VĂN THUẬN, Chứng nhân hy vọng, Bài suy niệm thứ 6: Dù khi ăn dù khi uống, tr. 63. Sđd., ECKHART TOLLE, Sức mạnh của hiện tại, First News, NXB Tổng hợp Tp. HCM, Tái bản 2018. Chương 3, tr. 83-85 : Hãy kiên trì chú tâm vào giây phút hiện tại : “Tại sao tôi nói rằng Phút Giây Này là một cái gì quí báu nhất? Thứ nhất, vì đó là thứ duy nhất mà chúng ta thực sự sở hữu. Cuộc đời chỉ có độc nhất một thứ: đó là phút giây hiện tại, ngoài cái ấy ra không còn thứ gì khác nữa. Phút giây hiện tại bất tận này chính là không gian trong đó, cuộc đời bạn được phô diễn, nó là yếu tố duy nhất không thay đổi. Toàn thể đời sống đang diễn ra ngay trong phút giây này; không có lúc nào mà đời sống của chúng ta lại không diễn ra trong phút giây hiện tại. Thứ nhì, phút giây hiện tại là cái duy nhất có thể đem bạn ra khỏi cái giới hạn rất tù túng của trí năng. Đó cũng là lối mòn duy nhất giúp bạn thể nhập vào cõi Vô Tướng, Miên Viễn, Vô Cùng…. Như vậy Quá Khứ và Tương Lai rõ ràng tự nó không có thực. Giống như mặt trăng, tự nó không thể phát ra ánh sáng, mà nó chỉ có thể phản chiếu ánh sáng của mặt trời. Quá khứ và Tương Lai chỉ là những tia phản chiếu nhợt nhạt của ánh sáng chân thật, mạnh mẽ và hiện thực của phút giây hiện tại bất tận này. Sự hiện hữu của Quá Khứ và Tương Lai chỉ là một sự “vay mượn”, không hơn không kém, từ phút giây hiện tại.”. (Có thể đọc : Bản PDF tại nguồn :
https://thuvienhoasen.org/images/file/jwEzuTL00ggQAF06/suc-manh-cua-hien-tai-2-.pdf) TGM F.X. NGUYỄN VĂN THUẬN, Chứng nhân hy vọng, Bài suy niệm thứ 6: Dù khi ăn dù khi uống, tr. 64. Chương 5: Chiến đấu, tỉnh thức, phân định, (số 158-177): “Ngày nay khả năng phân định càng đặc biệt trở nên cần thiết. Cuộc sống hiện nay cống hiến cho ta vô số khả năng để hành động và giải trí, và ai cũng xem như tất cả đều được phép và tốt. Mọi người, đặc biệt là giới trẻ, đều chìm trong một nền văn hóa cảm ứng, liên tục “chấm, quẹt”. Ta có thể đồng thời lướt hai hoặc ba màn ảnh và tương tác trên hai ba cảnh ảo cùng một lúc. Nếu thiếu sự sáng suốt phân định, ta có thể dễ biến thành những con rối chiều theo mọi xu hướng chóng qua.” (GE số 167) TGM F.X. NGUYỄN VĂN THUẬN, Chứng nhân hy vọng, Bài suy niệm thứ 6: Dù khi ăn dù khi uống , tr. 68. ECKHART TOLLE, Sức mạnh của hiện tại, First News, NXB Tổng hợp Tp. HCM, Tái bản 2018. Chương 3 : Hãy kiên trì chú tâm vào giây phút hiện tại : tr. 109 ĐGH GIOAN-PHAOLÔ II, Pastores dabo vobis, số 24. Huấn Thị Xuất phát lại từ Đức Kitô, số 23 : “Thánh thiện là hoa quả của cuộc gặp gỡ với Người trong nhiều cách thế hiện diện qua đó chúng ta có thể khám phá khuôn mặt của Người như là Con Thiên Chúa, một khuôn mặt đau khổ và đồng thời khuôn mặt của Đấng phục sinh. Như Người đã làm cho mình hiện diện trong cuộc sống hằng ngày, Người vẫn còn hiện diện trong cuộc sống hằng ngày của ngày hôm nay, nơi Người tiếp tục tỏ bày khuôn mặt của Người. Muốn nhận ra Người thì cần đến một cái nhìn đức tin, cái nhìn có được nhờ đọc Lời Chúa, nhờ cầu nguyện và trên hết nhờ thực thi bác ái bởi vì Mầu nhiệm chỉ có thể hiểu biết trọn vẹn nhờ tình yêu.” FRANÇOIS PALLU - LAMBERT DE LA MOTTE, Nhắn nhủ các Thừa Sai (Monita ad missionarios), Công Đồng Yuthia 1664 (Bản dịch của Kontum), (Tập sách tổng hợp của TGM.Qui Nhơn 2017, Kim Chỉ Nam Truyền Giáo Thế Kỷ 17, tr. 54) RONALD ROLHEISER, J.B. Thái Hoà dịch. Nguồn: https://giaophanvinhlong.net/song-giay-phut-hien-tai.html ECKHART TOLLE, Sức mạnh của hiện tại, First News, NXB Tổng hợp Tp. HCM, Tái bản 2018. Chương 4 : Chiến lược để tránh né phút giây hiện tại của trí năng., tr. 121. TGM F.X. NGUYỄN VĂN THUẬN, Chứng nhân hy vọng, Bài suy niệm thứ 5. Nhưng chỉ có một sự cần thiết duy nhất. Chọn Thiên Chúa chứ không phải những việc của Thiên Chúa, tr. 60. Đọc thêm trang 57-58: “Một đêm kia, từ trong thâm tâm có một tiếng nói với tôi: "Tại sao con day dứt như thế? Con phải phân biệt giữa Thiên Chúa và các công việc của Chúa. Tất cả những gì ngươi đã làm và muốn tiếp tục làm, như các cuộc viếng thăm mục vụ, đào tạo chủng sinh, tu sĩ nam nữ, giáo dân, giới trẻ, xây trường học, các cư xá sinh viên, cứ điểm truyền giáo... đều là việc rất tốt và đúng là công việc của Chúa nhưng không phải là chính Thiên Chúa! Nếu Chúa muốn con rời bỏ tất cả những việc đó. Hãy bỏ ngay, và hãy tín thác nơi Ngài! Thiên Chúa sẽ giao việc của con cho người khác có khả năng hơn con. Con phải chọn Chúa, chứ không phải những công việc của Chúa!” Ibid. Bài suy niệm thứ hai. Simon, con bảo thầy là ai? Chúa Giêsu Cứu Thế, niềm hy vọng độc nhất, tr. 27. Đọc thêm : tr. 26 : “Trong cuộc hành trình, tôi bắt đầu ý thức rằng mình đang mất tất cả. Tôi ra đi, với chiếc áo chùng thâm, trong túi có một cỗ tràng hạt. Tôi chỉ còn biết phó thác cho Chúa Quan Phòng. Nhưng giữa bao nhiêu lo âu ấy, tôi vẫn thấy có một niềm vui lớn: "Hôm nay là lễ Ðức Mẹ Hồn Xác Lên Trời..." Từ lúc đó, người ta cấm gọi tôi là "Ðức Cha, Cha...". Tôi là ông Nguyễn Văn Thuận. Tôi không được phép mang dấu hiệu gì về chức vị của tôi. Không hề báo trước chút nào, Chúa yêu cầu tôi hãy trở về với điều cốt yếu. Trên đường dài 450 cây số, không có một ai. Tôi thực sự bị bỏ rơi. Và trong sự xúc động trước hoàn cảnh mới, diện đối diện với Chúa, tôi nghe thấy câu Chúa Giêsu hỏi Simon: Simon, con bảo Thầy là ai?” (cf Mt 16,15). Ibid., Bài suy niệm thứ bảy. Lời ta là tinh thần và là sự sống? Trở thành Lời Chúa., tr. 71-75. ĐGH PHANXICO, Tông huấn GE, số 133,135 LEP TON-STOI, Truyện chọn lọc, người dịch : Nguyễn Hải Hà, Thuý Toàn, nxb Văn Hoá – Thông Tin, Hà Nội, 2000. Tóm lược câu chuyện : “Cha Xerghi nguyên là một sĩ quan trẻ trong quân đội Nga hoàng, anh có tiền đồ rất tươi sáng lại được hoàng thượng sủng ái, anh chuẩn bị kết hôn với một thiếu nữ qúy tộc xinh đẹp. Nhưng rồi anh thất vọng não nề khi nhìn thấy mặt trái của giai cấp mình: cô vị hôn thê ngỡ là trong trắng mà anh tôn thờ kia đã thú nhận cô là tình nhân của ngay vị hoàng đế mà anh cũng rất sùng bái. Xerghi vỡ mộng, phẫn chí và quyết định đi tu. Anh trở thành một tu sĩ nổi tiếng trong sạch, đức độ. Rồi một ngày kia cha Xerghi bị một nữ khách tới tận tu phòng quyến rũ. Cha Xerghi cố gắng chống chỏi với dục vọng của mình, cuối cùng ông phải dùng lưỡi rìu chặt phăng một ngón tay để tập trung ý chí!! Chứng kiến cảnh tượng ghê rợn đó, nữ khách hoảng sợ rút lui. Hối hận vì đã xúc phạm một vị thánh, bà này sau đó cũng quyết định đi tu. Cha Xerghi tiếp tục tu hành và ngày càng nổi tiếng nhờ những lời đồn thổi lan truyền trong dân chúng về phép lạ chữa bệnh của ông. Rồi một nông dân đưa cô con gái bị bệnh ngẩn ngơ đến nhờ ông chữa trị. Lần này một mình đối diện với cô gái trẻ ngây ngô trong phòng riêng, ông không thắng được dục vọng và đã sa ngã. Thất vọng ê chề về chính mình, ông bỏ trốn khỏi tu viện, xóa dấu vết và trở thành một người hành hương nghèo đói đi lang thang khất thực suốt khoảng đời còn lại…”. Nguồn: http://khotailieu.com/luan-van-do-an-bao-cao/van-hoa-nghe-thuat/duc-cha-xerghi.html ĐGH PHANXICO, Tông huấn GE, số 57 TGM F.X. NGUYỄN VĂN THUẬN. Chứng nhân hy vọng, Bài suy niệm thứ chín. Mở rộng ra ngoài thành – trở nên mọi sự cho mọi người. Tất cả đều là Dân Chúa giao cho tôi, tr. 93-94. Công Đồng Vaticanô II, Bản dịch của HĐGMVN, UB Giáo Lý Đức Tin, NXB Tôn Giáo 2012, Hiến Chế Giáo Hội, số 9,42. ĐGH PHANXICÔ, Tông huấn GE, số 7 LM. GIUSE TRƯƠNG ĐÌNH HIỀN, Bài giảng Lễ Chư Thánh (1.11): Nên thánh, con đường phải đi và phải đến. BAN BIÊN TẬP LỊCH SỬ, Giáo Phận Qui Nhơn qua dòng thời gian, Nxb. Antôn & Đuốc sáng, 2017, tr. 244-245 Về số thiệt hại của Giáo phận Đông Đàng Trong trong cuộc tàn sát của Văn Thân, xem AMEP, Rapport annuel de Cochinchine Orientale 1885. Theo Rapport de 1886, số tín hữu sống sót của hai tỉnh Khánh Hòa và Bình Thuận là 2.000 chớ không phải 1.200. LM. ĐÀO QUANG TOẢN, Tìm hiểu lịch sử Dòng Mến Thánh Giá, Chương 8: Các nữ tu tử đạo. Tr. 248-249 : - Trong những “trang nhật ký hơn 300 năm của Hội Dòng Mến Thánh Giá” có biết bao nhiêu “vị thánh nữ tu âm thầm” đã sống và làm chứng khi thì bằng xả thân phục vụ, khi thì bằng máu chảy đầu rơi…Chúng ta thử nghe cha Eugene Durand tường thuật về các chị của chúng ta trong năm kinh hoàng 1885 : “Trong những năm trước cuộc tàn sát kinh hoàng, trung bình một năm có 2.000 người lớn trở lại đạo và khoảng 10.000 trẻ em được rửa tội “in articulo mortis” (trong nguy tử). Con số nầy đã cho ta thẩm định được lòng hăng say nơi các nữ tu Mến Thánh Giá và những chi đã đi ban phép rửa tội. Trong số 450 nữ tu thì 270 bị tàn sát, trong số 12 nhà dòng thì 10 bị triệt hạ, trong số 19 cô nhi viện thì 17 bị phá huỷ hoàn toàn…(…). Hồi còn là một thừa sai trẻ, năm 1888, tôi đã đến viếng đống tro tàn đổ nát của nhà dòng xinh xắn và cô nhi viện tuyệt đẹp tại Hoa Vông, hai cây cau còn nghiêng mình bên bờ giếng. Người ta bảo tôi: “Chính trên hai cây cau ấy mà chị bề trên cùng chị phụ tá đã bị treo cổ; và trong lòng giếng sâu này, các chị nữ tu khác đã bị xô đẩy xuống.” ĐGH GIOAN-PHAOLÔ II, Pastores dabo vobis, số 82. TGM F.X. NGUYỄN VĂN THUẬN, Chứng nhân hy vọng, Bài suy niệm thứ ba. Hãy tường trình về việc quản lý nông trại. Một tổng kết vào đầu thế kỷ 21, tr. 44-45.
Tác giả: Lm. Giuse Trương Đình Hiền