Triết học thiên nhiên và Thông điệp Laudato Si'

Thứ tư - 07/10/2020 18:56
 
1


TRIẾT HỌC THIÊN NHIÊN
VÀ THÔNG ĐIỆP LAUDATO SI’

Lm. Anrê Đoàn Văn Điểm

Dẫn nhập

Khi con người nhận thức một cách đúng đắn mối tương quan giữa mình và thiên nhiên, con người sẽ cố gắng tìm mọi cách để có một sự hoà hợp giữa con người với thiên nhiên. Chính nhờ sự hoà hợp đáng mong đợi nầy, con người sẽ bảo vệ và phát triển chính mình và thiên nhiên. Hơn ai, Giáo Hội ý thức sứ mạng thiên sai của mình đối với thiên nhiên, cho nên Giáo hội đã nhiều lần gióng lên tiếng nói cảnh tỉnh và mời gọi con người cần có cách hành xử hợp ý Chúa đối với thiên nhiên. Qua quá trình tích lũy lâu dài với nhiều thao thức, vị Chủ Chăn Giáo Hội hoàn cầu đã đúc kết những quan điểm của Giáo Hội trong Thông Điệp Laudato Si’. Trong đó Đức Thánh Cha mời gọi một cuộc đối thoại với mọi người không phân biệt ai. Người muốn có một sự đối thoại chân thành và đầy thiện chí với khoa học. Trong các khoa học, triết học thiên nhiên được xem như có một tương quan khá gần gũi với nội dung của Thông Điệp, chính vì thế, thật cần thiết để nhìn qua triết học thiên nhiên trong quá trình lãnh hội Thông Điệp đáng quý này. Chính trong tinh thần này, cần có một cái nhìn khái quát về triết học thiên nhiên, xem thử mối tương quan giữa con người và thiên nhiên được tìm thấy trong triết học thiên nhiên như thế nào. Từ đó con người cần có cách hành xử với thiên nhiên như thế nào và liệu cách hành xử nầy có giá trị luân lý như thế nào. Với ước vọng nhỏ nhoi nầy, đề tài sẽ được trình bày như sau:

1. Đức Thánh Cha đề nghị đối thoại

Với đức tin vững chắc của Giáo Hội vào Lời Chúa, những mạc khải của Thánh Kinh đã cung cấp cho con người những điều cần thiết và đủ về mối tương quan giữa con người và thiên nhiên, cũng như những hành động tương xứng với ơn gọi của mình đối với thiên nhiên, nhưng Đức Thánh Cha không muốn chiếm địa vị độc tôn tư tưởng của mình, mà ngài muốn có sự bàn luận rộng rãi, đi đến một đồng thuận chung, để rồi cùng bắt tay nhau hành động cách đồng bộ và đều khắp. Trong ý hướng tốt lành nầy, Đức Thánh Cha đã viết: “Tôi khẩn khoản kêu gọi một cuộc đối thoại mới về cách thức chúng ta xây dựng một tương lai mới cho hành tinh của chúng ta. Chúng ta cần một cuộc trao đổi kết hợp chúng ta lại với nhau, vì sự thách đố của hoàn cảnh môi trường mà chúng ta đang sống, chú tâm và tiếp cận các căn cơ thuộc con người của môi trường này. Phong trào sinh thái trên toàn thế giới đã có một quá trình lâu dài với nhiều thành công, đưa đến các liên hệ xã hội gây nhiều ý thức”(LS 14).

Đức Thánh Cha nhìn nhận: “Suy tư của vô số nhà khoa học, triết gia, thần học gia và các tổ chức xã hội đã phong phú hóa tư tưởng của Giáo Hội về những vấn đề ấy” (LS 7), "để có thể nhận thấy, không những các triệu chứng, nhưng cả những nguyên do sâu xa” (LS 15), trong một cuộc đối thoại với triết học và các khoa học nhân văn.[1]

Trong tinh thần ấy, cần xem thử triết học thiên nhiên có đóng góp gì trong việc đối thoại nầy.

Trước hết, cần tìm hiểu đôi chút về triết học thiên nhiên với những nét khái quát.

2. Khái quát triết học thiên nhiên
2.1. Triết học thiên nhiên là gì? [2]

Triết học thiên nhiên là lĩnh vực triết học có chủ đề là thiên nhiên, kiến thức về thiên nhiên và mối quan hệ của con người với thiên nhiên. Triết học thiên nhiên chủ đề hoá các đặc điểm và các điều kiện có thể của quan điểm thiên nhiên ngày nay, theo lịch sử thế giới sống động cũng như khoa học, cũng như khám phá sự phụ thuộc lẫn nhau giữa chúng. Theo phân chia truyền thống của triết học, thiên nhiên có thể được chia thành ba phần trong phân tích bản chất, như là nội dung hoặc đối tượng của các phán đoán lý thuyết, thực tiễn và thẩm mỹ .

Trong chừng mực nào đó, triết học thiên nhiên đề cập đến thiên nhiên là đối tượng của khoa học kinh nghiệm, nó trùng lặp với lý thuyết khoa học của khoa học tự nhiên. Nhưng nó không - như một số định nghĩa về triết học thiên nhiên cách gán ép - hợp nhất với khoa học tự nhiên. Bởi vì triết học thiên nhiên không chỉ bao gồm phân tích về phương pháp và tác động xã hội của tri thức khoa học, mà còn phản ánh về giới hạn của kiến thức khoa học tự nhiên, cũng như các quan niệm thiên nhiên và kinh nghiệm thiên nhiên phi khoa học tự nhiên. Đồng thời, các tiền đề hữu thể học ẩn tàng có thể xuất hiện mà không chỉ vốn có trong khoa học tiền hiện đại, mà cả khoa học tự nhiên thực nghiệm hiện đại.

2.2. Nhiệm vụ trung tâm của triết học thiên nhiên ngày nay [3]

Kiến thức khoa học ngày nay cho phép thay đổi kỹ thuật trong thiên nhiên, kết quả là mất đi tính chất có sẵn và ngày càng trở thành đối tượng của hành động. Một trong những nhiệm vụ cốt lõi của triết học thiên nhiên trong thế kỷ 21 là suy nghĩ về tiềm năng thiết kế phát sinh và không gian tự do cũng như các giới hạn và các mối đe dọa tiềm tàng của các can thiệp công nghệ trong lãnh vực thiên nhiên. Bên cạnh các xác định thuật ngữ cho khái niệm thiên nhiên và giải thích bản thể học của nó, các xác định nhân học, văn hóa và đạo đức cũng phải được xem xét. Phạm vi thiết kế kỹ thuật mới được thực hiện, đã thay đổi sự hiểu biết của chúng ta về mối quan hệ giữa thiên nhiên và công nghệ, hình ảnh sống động của chúng ta và tính tất yếu của con người như thế nào?

Triết học thiên nhiên bàn luận về sự mơ hồ và thay đổi của khái niệm thiên nhiên về mặt nhận thức lý thuyết và khoa học cũng như văn hóa, nhân học và đạo đức. Nó không chỉ suy nghĩ về thiên nhiên như một thuật ngữ tham khảo cho các ngành khoa học tự nhiên, mà còn về thiên nhiên như một đối tượng sống động trong thế giới và một khái niệm định hướng.
 2.3. Triết học thiên nhiên như là khoa học [4]

Các triết gia Hy Lạp đầu tiên đôi khi được gọi là các nhà triết học thiên nhiên, vì họ chủ yếu quan tâm đến thế giới thiên nhiên và các quá trình của nó. Người ta đã tự hỏi mọi thứ từ đâu sinh ra. Hiện nay, nhiều người hình dung rằng tại một thời điểm nào đó, cái gì đó hẳn đã sinh ra từ hư vô. Đối với những người Hy Lạp Cổ Đại, tư tưởng đó không phổ biến đến vậy. Vì lý do này hay lý do khác, họ cho rằng “cái gì đó” đã luôn luôn tồn tại.

Các triết gia thấy được bằng chính mắt mình, thiên nhiên ở trong một trạng thái liên tục biến đổi. Nhưng những biến đổi đó xảy ra bằng cách nào?

Chẳng hạn, làm thế nào mà cái gì đó biến đổi từ một chất thành một sinh vật sống?

Và quan trọng nhất, họ muốn tìm hiểu các quá trình thực tế bằng cách nghiên cứu chính thiên nhiên. Điều này khác xa với việc giải thích sấm chớp hoặc mùa đông, mùa xuân bằng cách kể những câu chuyện về các vị thần.

Vậy là triết học đã dần dần tự giải phóng mình khỏi tôn giáo. Ta có thể nói rằng, các nhà triết học thiên nhiên đã đi những bước đầu tiên theo hướng lý luận khoa học, và từ đó đã trở thành những người tiên phong cho cái mà sau này đã trở thành khoa học.

2.4. Tương quan giữa triết học thiên nhiên và các khoa học khác

Triết học thiên nhiên tìm cách khám phá nguyên nhân vật lý của tất cả các tác động thiên nhiên và ít quan tâm đến toán học. Ngược lại, các khoa học toán học chính xác - chẳng hạn như thiên văn học, quang học và cơ học - chỉ giới hạn trong các phép tính khác nhau mà không liên quan đến các nguyên nhân vật lý. Triết học thiên nhiên và các khoa học chính xác hoạt động độc lập với nhau. Mặc dù điều này bắt đầu từ từ thay đổi vào cuối thời Trung Cổ, sự kết hợp chặt chẽ hơn nhiều giữa triết học thiên nhiên và toán học đã xảy ra vào thế kỷ XVII và do đó làm cho cách mạng khoa học có thể xảy ra. Tên tác phẩm vĩ đại của Isaac Newton: “Các nguyên lý toán học của triết học thiên nhiên”, phản ánh hoàn hảo mối quan hệ mới. Triết học thiên nhiên đã trở thành “bà mẹ vĩ đại của các khoa học”, vào thế kỷ 19 đã nuôi dưỡng các ngành khoa học hóa học, vật lý và sinh học trưởng thành, do đó cho phép chúng rời khỏi “người mẹ vĩ đại” và nổi lên như một loạt các khoa học độc lập mà chúng ta biết hôm nay.[5]

 Sau khi tìm hiểu đôi chút về triết học thiên nhiên, chúng ta thấy, triết học thiên nhiên liên quan đến nhiều mặt. Nhưng mặt nào có liên quan đặc biệt với Thông Điệp mà chúng ta đang quan tâm? Phải chăng đó là mối tương quan giữa con người và thiên nhiên trong lịch sử phát triển của triết học thiên nhiên?

3. Mối tương quan giữa con người và thiên nhiên

3.1. Thời Cổ Đại

3.1.1. Triết học thiên nhiên Hy Lạp

Từ thời Cổ Đại con người xem con người và thế giới là một: Con người và thiên nhiên liên kết với nhau trong một toàn thể duy nhất. Thiên nhiên như toàn bộ thế giới và con người.

Điều này được rút ra bởi các nghiên cứu về tư duy thần thoại của các nền văn hóa thích nghi thiên nhiên, đó là điều bắt buộc về sự hài hòa giữa các đối tượng và sự sắp xếp của chúng trong toàn thể vĩ đại.[6] Ở Hy Lạp cổ đại, ý tưởng về toàn bộ thế giới (vũ trụ) lần đầu tiên được xác lập về mặt triết học. Nguồn gốc nằm ở các triết gia thiên nhiên Ionic, nhưng chỉ đạt đến sự hoàn hảo với Plato[7] và Aristotle. Aristotle đã viết trong tác phẩm “siêu hình học”: "Toàn bộ nhiều hơn tổng số của nó".[8] Các nhà triết học tiên khởi có chung niềm tin rằng phải có một chất cơ bản nào đó là gốc cho mọi biến đổi. Khó có thể nói, họ đi đến tư tưởng đó như thế nào. Chúng ta chỉ biết rằng khái niệm đó đã phát triển dần dần đến mức có thể phát biểu: Phải có một chất cơ bản là nguyên nhân sâu xa của mọi biến đổi trong thiên nhiên. Phải có “cái gì đó” mà mọi thứ đều sinh ra từ đó và quay trở về đó.[9]

Ở đây nêu ra một số triết gia:[10]

- Thales (*[11] 625 trước công nguyên, ở Milet) được coi là triết gia thiên nhiên đầu tiên. Theo ông: Gốc rễ của tất cả: nước (cả 3 trạng thái).
- Anaximander coi tất cả mọi thứ từ " Apeiron " (Vô hạn) phát sinh.
- Anaximenes cho rằng: Nguồn gốc của mọi sự là khí, không thể nhận biết bằng giác quan. Cô đặc của khí → nước, đất / trương rộng → lửa. Lần đầu tiên đặt tên cho bốn yếu (nguyên) tố (còn mức độ khác nhau).
- Pythagoras (* ~[12] 570 trước Công nguyên ở Samos / miền Nam nước Ý) xem tất cả đều có một trật tự, điều này được thể hiện bằng toán học. Do đó, cũng có thể toán học hóa thiên nhiên.
- Heraclitus (544 trước Công nguyên * / +[13] 483 trước Công nguyên) cho rằng: Nguồn gốc theo Heraclitus: λόγος - Một cái gì đó theo quy luật, dẫn tới yếu tố quy phạm. Vật chất hóa trong lửa (tất cả mọi thứ xuất phát từ lửa và cũng trở lại đó).
- Empedocles (*492 / + 432) cho rằng: Mọi vật không phát sinh từ một yếu tố, nhưng bởi 4 yếu tố: khí, lửa, nước, đất.
- Anaxagoras (Athens / * 500 trước Công nguyên) cho rằng: Những yếu tố vật chất nguyên thủy được khởi động bởi một Tinh Thần (nous).
Rời thế giới triết học phương Tây, chúng ta đi đến triết lý thiên nhiên của Phương Đông

3.1.2. Triết học thiên nhiên Phương Đông

Triết Phương Đông xưa, quan niệm nguyên lý vũ trụ là nguyên lý vạn vật đồng nhất thể, nguyên lý con người là một tiểu vũ trụ trong đại vũ trụ, nguyên lý thiên địa nhân hợp nhất.[14]

3.1.2.1. Triết học Ấn Độ

Ở Ấn độ, các bậc hiền triết từ buổi rạng đông của lịch sử, tôn giáo đã thực sự tìm tòi một cách ý thức về những thực thể tiềm tàng trong vũ trụ thiên nhiên. Đây là sự tìm tòi về những điều quan hệ đến con người và muốn thực hiện sự hoà điệu đời sống giữa con người với thiên nhiên. Bao bọc chung quanh ta bởi thiên nhiên che chở và nuôi nấng ta, cho nên chúng ta cần gìn giữ mối liên hệ mật thiết không gián đoạn với mọi phương diện của vũ trụ tự nhiên, trân quý hết thảy vạn hữu.[15]

3.1.2.2. Triết lý ngũ hành

Trái ngược với triết học thiên nhiên Hy Lạp - phương Tây, nghiên cứu thiên nhiên do người Tàu thực hiện ít được định hình bởi những cân nhắc nguyên nhân khách quan hợp lý, nhưng bằng cách tìm kiếm các mối quan hệ phổ quát phù hợp với học thuyết của Lão Tử và Khổng Tử cùng với ý tưởng thế giới toàn thể.
Đã có ít nhất khoảng 1000 trước Công nguyên một học thuyết năm pha hoặc năm yếu tố được phát triển (Wu Xing), đặt tên cho các khái niệm cơ bản của vũ trụ học Tàu với nước, lửa, gỗ, kim loại và đất.[16]

Trong kho tàng tư tưởng của Tàu nói riêng và vùng Viễn Đông nói chung có một triết lý rất sâu sắc, trong đó có nói lên mối tương quan giữa con người và thiên nhiên: triết lý tam tài.

3.1.2.3. Triết lý Tam Tài [17]

Triết lý Tam Tài trong khối Viễn Ðông rất bàng bạc. Tàu, Nhật Bản trình bày Tam Tài với tính cách thực tại hơn là triết lý. Tàu có bộ “Tam Tài đồ hội” gần 4000 trang, nhưng đó chỉ là liệt kê tổng quát theo các hiện tượng: thiên văn, địa văn và nhân văn mà thôi. Nhật Bản có 1 tập nhỏ duy nhất, nhan đề “Tam Tài tạp biện” nói một cách chung chung, áp dụng vào nhân sinh mà thôi. Việt Nam ta từ hồi còn là Việt tộc, các tiên hiền đã nói về Tam Tài như những thế lực cấu tạo, bảo tồn và phát huy vạn vật.

Các tiên hiền Bách Việt, như Ðại Phu Chủng. Phạm Lãi, Chư Kê Dĩnh, Trịnh Nghiêm, Ðiền Giáp, Dương Phù, Tạ Di Ngô đã trình bày Tam Tài Thiên- Ðịa -Nhân là ba căn cơ cho Thiên Ðạo, Ðịa Đạo và Nhân Ðạo. Nhờ đó Việt tộc từ ngàn xưa đã xây dựng Chủ Ðạo Nhân Bản tâm linh, là truyền thống văn hoá của chúng ta ngày nay. Con người là sức mạnh của Trời: Thiên địa chi đức. Con người là chủ nhân ông trong vũ trụ, được Trời che đất chở: Thiên phú địa tái. Con người khám phá những Thiên văn, khai quật những Địa văn, để tô điểm cho Nhân văn thêm tươi đẹp phong phú.[18]

Ðiểm nổi bật trong triết lý Tam Tài: Con người đứng giữa Trời - Ðất để nối kết đôi bờ Thiên - Ðịa. Con người được Trời che Ðất chở, phải đắp đổi hai bên cho cân xứng. Con người làm vua vũ trụ, như kiểu sách Sáng Thế Ký 1, 28. Con người vì thế phải làm trọn ba đạo: đạo Trời, đạo Ðất và đạo Người. Chỉ tròn nhân đạo, khi con người đi theo đúng thiên lý và đạo thiên nhiên của Ðất. Nhờ vậy, con người sẽ tạo được đời sống quân bình và toàn diện. Cha Trời, Mẹ Ðất chính là triết lý chấp Ðịa- tòng Thiên của cha ông ta từ ngàn xưa. Chấp Ðịa là đón nhận địa vật làm của riêng, khai thác trái đất để tô điểm đời sống con người cho phong phú theo ý Trời. Tòng Thiên đây chính là theo ý Trời. Theo được ý Trời, thì Trời cũng theo ý Ta. Ðây là ý nghĩa câu tục ngữ “Hoàng Thiên bất phụ hảo tâm nhân” (Trời không phụ người có lòng tốt).

3.2. Thời Trung Cổ

Trong thời kỳ nầy có quan điểm: Thế giới và con người là một toàn thể, nhưng cũng có quan điểm ngược lại: Con người tách biệt khỏi thiên nhiên.

3.2.1. Con người liên kết với thiên nhiên

Theo Thánh nữ tiến sĩ Hội Thánh Hildegard von Bingen (~1098-1179), con người là tiểu vũ trụ trong đại vũ trụ. Những nguyên tố có trong con người thì cũng có trong vũ trụ.[19]

Quan điểm đúng đắn trên đã bị thay thế với quan điểm ngược lại: Con người tách biệt khỏi thiên nhiên, thiên nhiên phải phục vụ lợi ích con người.

3.2.2. Con người tách biệt với thiên nhiên[20]

Roger Bacon (* 1220/ 1292) cho rằng: Triết học thiên nhiên thực dụng cần phải cải thiện phúc lợi chung của con người, nhờ đó, con người mới đạt đến hoàn thiện nhanh hơn và dễ dàng hơn.

Cho đến nay: Con người thuộc về thiên nhiên. Nhưng kể từ thế kỷ 13, theo R. Bacon, con người có thể can thiệp vào thiên nhiên. Con người không còn quan tâm đến nguyên nhân, nhưng chỉ còn quan tâm đến sự hiểu biết và ảnh hưởng của quá trình thiên nhiên. Quá trình thiên nhiên được xem xét nhờ lý trí, nên có thể giải thích được. Đây là điều kiện tiên quyết để con người có thể can thiệp vào thiên nhiên. Tư tưởng trên, chính là những quan điểm trong thời Phục Hưng với chủ nghĩa nhân văn.

3.3. Thời Phục Hưng [21]

3.3.1. Quan điểm

Trong triết lý của thời Phục Hưng và chủ nghĩa nhân văn, cũng có các ý tưởng cổ xưa về "sự thống nhất hữu cơ của thiên nhiên" hồi sinh và kết hợp với các ý tưởng Kitô giáo và ma thuật thiên nhiên.[22]

Tuy thế, tư tưởng chủ yếu trong thời kỳ nầy: sự thay đổi mô hình của sự hiểu biết về thiên nhiên trong thời kỳ Phục Hưng, với những xác định sau:

+ Con người không còn là một phần của thiên nhiên.
+ Thiên nhiên không còn được xem như một cơ thể sống, nhưng như một cỗ máy mà con người có thể tác động để tạo ra lợi ích cho mình.
+ Không quan tâm nguyên nhân đầu tiên, mục tiêu là nắm bắt quá trình thiên nhiên, để người ta có thể sử dụng nó cho con người. Thiên nhiên là phương tiện để đi đến đích: Con người có thể sống tốt hơn.
+ Triệt tiêu tất cả các hạn chế đối với khoa học tự nhiên, dẫn đến, nghiên cứu thiên nhiên cách không giới hạn, bởi vì nghiên cứu thiên nhiên không phải là tội lỗi. Điều này khác với quan điểm của Thánh Augustine: Sự tò mò của con người (Curiositas) đối với Thiên Chúa và thụ tạo của Người là không thích hợp.            
+ Con người phụ thuộc vào thiên nhiên, nhưng lý trí không phải là một phần của thụ tạo. Cho nên lý trí không bị ràng buộc bởi quy luật thiên nhiên.
+ Con người dựa trên lý trí phải thống trị thiên nhiên, vì lý trí được ban cho con người bởi Thiên Chúa, cho nên có tính hợp pháp trong vấn đề nầy.
+ Biết về thiên nhiên không đủ, con người phải chứng minh kỹ năng trong việc đối phó với thiên nhiên. Vì vậy, thiên nhiên phải được thuần hoá.  
Theo chiều hướng trên, chúng ta đơn cử hai triết gia tiêu biểu:

 
  • Francis Bacon
Theo tác phẩm "New Atlantis” “Đảo thần thoại mới” của Francis Bacon: xây dựng xã hội lý tưởng: Xã hội nầy ở trên đảo cô lập, riêng biệt (Bensalem). Ở đây khoa học tiến bộ, tất cả để phục vụ lợi ích của con người. Khoa học đặt phúc lợi của con người làm căn bản, tôn giáo phải bảo đảm điều đó. Ở đây, phúc lợi xã hội là mục tiêu tối thượng.
Với những quan điểm mang tính đột phá như trên, người ta cũng có những nhận định về F. Bacon như sau: “Bacon đã chứng tỏ cho thấy, ông quả là đứa con của thời Phục Hưng. Nhưng đồng thời ông cũng đã thực hiện được một bước nhảy vọt vào trong một thời đại mới: Ông hồ hởi tán dương sự tư duy trong khoa học và nghệ thuật như là một sự giải phóng con người. Chính tư duy làm cho con người thống trị thiên nhiên. Chính sự hồ hởi tán dương tư duy, cộng thêm sự đề cao phạm vi duy nghiệm đã làm cho ông trở thành «vị tiền hô» của chủ nghĩa Khai Sáng, của phong trào cải cách vào thế kỷ XVIII ở Âu Châu và của chủ nghĩa duy vật Anh Quốc. Vì thế, người ta không còn lấy làm ngạc nhiên khi các đại triết gia thuộc phái duy nghiệm và thuộc phong trào cải cách ở các nước Anh và Pháp, như David Hume và John Locke, Diderot và Voltaire hay Isaac Newton, v.v… đã coi Bacon như tổ phụ của mình. Ngay cả thuyết duy lý trong các suy diễn tư tưởng của mình cũng đã chịu ảnh hưởng sâu xa tinh thần của Bacon, tiêu biểu nhất là qua các triết gia như René Descartes và Gottfried Wilhelm Leibniz”.[23]
  • René Descartes (* 1596 / + 1650)
Ông giảm thiểu những vật thiên nhiên vào ngoại trương của nó.
 Descartes định hướng khoa học thiên nhiên: Khoa học phải hoàn tất thành tích phục vụ.
Descartes vẽ nên bức tranh trừu tượng có hai thực thể ban sơ: tâm trí và vật thể (bao gồm cả cơ thể con người). Tâm trí là năng lực tư duy, còn vật thể có một vị trí trong không gian ba chiều. Nhà triết học Descartes, người vì tạo ra bức tranh này, được coi là ông tổ của khoa học tự nhiên hiện đại.[24]
Có điều cần lưu ý về nhân sinh quan Descartes. Cách nhìn này có ảnh hưởng rất lớn, bởi nó được trình bày dựa trên lý thuyết và phương pháp khoa học. Việc tách con người ra khỏi ngoại giới, sau đó coi ngoại giới là một cỗ máy khổng lồ, đã giúp giới khoa học manh nha hiểu thiên nhiên rõ hơn, và từ đó tạo ra những công cụ giúp con người làm chủ cả thế giới.[25]
Nhưng từ góc nhìn hiện tại, cách nhìn này có khía cạnh rất đáng buồn. Nó dành cho con người một vị trí vinh dự, vì coi con người là tổng hợp duy nhất của cả tâm trí lẫn vật thể, còn thiên nhiên, cả động thực vật và môi trường, là đồ vô tri vô giác, thành thử ta có quyền tự do khai thác.[26]
Những ý tưởng được trình bày trên đây, thống trị đến thế kỷ 20, và cũng có thể nói: Con người bị ám ảnh bởi những hậu quả của cách nhìn này đến tận bây giờ.[27]

3.3.2. Hậu quả[28]

Quan niệm về mối tương quan giữa con người và thiên nhiên sai, dẫn đến hành động sai đối với thiên nhiên và kết quả: sinh thái khủng hoảng.

Cứ tư duy như trên, nghịch lý trong bức tranh về thiên nhiên thật rõ ràng: Phát triển kinh tế và trách nhiệm môi trường trở thành hai giá trị không hòa hợp với nhau được. Nói cách khác (cách mà giới khoa học tự nhiên thường ngại ngùng không nói): Con người mắc sai lầm, nếu cứ coi thiên nhiên như phương tiện, và coi bản thân cùng mục tiêu trước mắt của mình là tất cả những gì có ý nghĩa.

Sự lầm lạc đó, dẫn chúng ta đến một điều đáng tiếc: sự hủy diệt thiên nhiên. Có hai vấn đề chính ở đây: Môi trường thiên nhiên trên hành tinh này đã nuôi dưỡng cuộc sống của loài người hàng ngàn năm, dù chúng ta có công nhận điều đó hay không; vậy thì con người có thực sự muốn cho thiên nhiên mà con người, nhờ nó để sống, không còn tồn tại nữa?

3.3.3. Nhận định của Đức Thánh Cha về hậu quả của thuyết duy nhân loại học tân thời.

Đức Thánh Cha cũng đã nhận ra khủng hoảng và hậu quả của thuyết duy nhân loại học tân thời. Đức Thánh Cha đã viết: “Những suy nghĩ sẽ sai lầm, khi cho các hữu sinh khác như các đổi tượng, phải tùng phục quyền hành tùy tiện của con người. Khi con người nhìn thiên nhiên như là đối tượng lợi dụng, sẽ đưa đến những hệ lụy quan trọng cho xã hội”(LS 82).     
 
Trong số 115 của Thông Điệp, Đức Thánh Cha đã dùng lý luận của Romano Guardini, để nói lên lý do của sự việc: Thuyết nhân bản tân tiến cuối cùng đi đến nghịch lý vì đã đặt lý luận kỹ thuật lên trên thực tế, chỉ vì “con người không còn cảm nhận thiên nhiên như một định lệ có giá trị, cũng không đem lại cho mình một nơi trú ẩn sống động. Con người không còn nhìn thiên nhiên dưới một định kiến thích hợp như không gian và chất liệu cho một công trình mà người ta có thể quăng đi, không cần biết kết quả như thế nào”.[29]

Đức Thánh Cha cũng thấy những quan điểm sai lầm của thời Phục Hưng với chủ nghĩa nhân văn cách nào đó vẫn còn tồn tại trong thời đại ngày nay: Nơi căn cội người ta nhận thấy trong thời đại tân tiến ngày nay một chủ trương quy hướng vào con người thái quá (LS 116): Con người không còn nhìn nhận vị thế đúng đắn của mình so với thế giới và tự tham chiếu, chỉ qui hướng mọi sự về mình và quyền lực của mình. Từ đó nảy sinh chủ trương "sử dụng rồi vứt bỏ” biện minh cho mọi thứ gạt bỏ, dù là môi trường hay con người, đối xử với tha nhân và thiên nhiên như những đồ vật và dẫn tới vô số những hình thức thống trị.

Với những chủ trương trên sẽ dẫn đến những hậu đáng tiếc cho bản thân con người và thiên nhiên.

“Nếu con người cho mình hoàn toàn độc lập với thực tại và mình là chủ tuyệt đối, thì nền tảng hiện sinh của mình sẽ tự nó bị đổ vỡ, “thay vì trách nhiệm như là người cùng hoạt động với Thiên Chúa để thực hiện công trình sáng tạo, con người lại tự đặt mình vào vị trí của Thiên Chúa và cuối cùng gợi lên sự chống đối của thiên nhiên”[30] (LS 117).

Một hậu quả tai hại khác, cũng được đề cập, đó là rơi vào chủ nghĩa tương đối trong cách nhìn nhận các giá trị và cách sống.

Đức Thánh Cha đã viết: “Một chủ thuyết qui nhân bản sai lệch sẽ làm cớ cho một cách sống cũng lệch lạc. Trong Tông Huấn Evangelii Gaudium – Niềm vui Tin Mừng – Tôi đã nói đến thuyết tương đối thực hành đánh dấu cho thời đại của chúng ta và “còn nguy hiểm hơn lý thuyết tương đối”.[31] Khi tự đặt mình vào vị trí trung tâm, con người sẽ đi đến việc khẳng định quyền ưu tiên cho lợi ích và tất cả những gì còn lại đều tương đối. Vì thế, không có gì đáng ngạc nhiên, sự hiện diện khắp mọi nơi của việc thực dụng kỹ thuật và việc tôn vinh quyền vô hạn của con người sẽ đưa đến việc triển khai thuyết tương đối giữa con người, với thuyết này tất cả đều tương đối, nếu như không trực tiếp phục vụ cho lợi ích cá nhân. Trong đó có một lô-gíc giúp chúng ta hiểu rằng có nhiều thái độ khác nhau gây sự hủy hoại môi trường và gây tai họa cho xã hội” (LS 122).

Hơn thế, một hậu quả vô cùng tai hại: Chúng ta để lại cho thế hệ mai sau một đống tro tàn, và trong trường hợp xấu nhất: Sự kết thúc của sự sống trên trái đất nầy. Trong cái nhìn thực tế đó, Đức Thánh Cha đã viết: “Chúng ta có thể để lại cho những thế hệ tiếp sau quá nhiều đống đổ nát, hoang mạc và dơ bẩn. Mức độ tiêu thụ, sử dụng phung phí và thay đổi thế giới xung quanh vượt quá khả năng của hành tinh, đến độ cách sống hiện tại mà chúng ta đang thực hiện, sẽ chấm dứt trong tại hoạ, như đã xuất hiện theo chu kỳ trong nhiều vùng khác nhau”(LS 161).

3.4. Từ thế kỷ 20 đến nay

3.4.1. Khái quát[32]

Từ giữa Thế kỷ 20: Thế giới chúng ta được đặt trong bối cảnh:  

 Ưu tiên cho cái chung, cái sống động, do đó thay vì hình ảnh thế giới vật lý là thế giới "physis".[33] Hình ảnh thế giới vật lý được thiết kế bởi sự tiếp cận quy về con người và có sự đối nghịch giữa con người (chủ thể) và thiên nhiên (đối tượng). Còn hình ảnh thế giới "physis": Sự tiếp cận quy về physis: Con người và thiên nhiên như một toàn thể. Thiên nhiên và con người gắn kết vào nhau. Từ hình ảnh thế giới "physis", dẫn đến quan điểm quy phạm: Khi con người tự hiểu mình từ thiên nhiên mà ra, con người cần phải chịu quy phạm từ thiên nhiên.
Chúng ta thử tìm hiểu những quan điểm của những triết gia quan tâm đến môi trường.
3.4.2. Một số triết gia tiêu biểu
  • Adolf Meyer-Abich (* 14.10.1893 ở Emden; † 03.03.1971 ở Hamburg)
Adolf Meyer-Abich đã phát triển một khái niệm toàn thể (con người và thiên nhiên là một) từ góc độ bản thể học và nhận thức luận. Đối với A. Meyer-Abich, khái niệm toàn thể là một khái niệm tương đối và tương quan. Đối với Haldane và A. Meyer-Abich, các quy luật sinh học không thể bắt nguồn từ các quy luật vật lý, vì các quy luật vật lý là sự đơn giản hóa của các quy luật sinh học, và do đó, các quy luật sinh học phổ quát và phổ quát hơn các quy luật vật lý. Do đó sinh học chứa các lý thuyết vật lý và hóa học, theo đó, theo A. Meyer-Abich, các lý thuyết vật lý có thể được bắt nguồn từ sinh học bằng cách đơn giản hóa, nhưng không phải ngược lại.

Tiếp nối tư tưởng của cha mình, Klaus Meyer-Abich đã cho chúng ta những quan điểm về mối tương quan giữa con người và thiên nhiên cách sâu sắc.

 
  •  Klaus Meyer- Abich (* 08. 04. 1936 ở Hamburg; † 19. 04. 2018)
Ông có mối bận tâm lý thuyết và đường lối về thiên nhiên. Ông thấy nhiệm vụ kép: Nắm bắt mới về "khái niệm thiên nhiên" (triết lý) và có hành động (đề ra chính sách). Ông cho rằng: Hình ảnh thế giới quy về con người và bỏ qua sự liên kết con người với thiên nhiên sẽ dẫn tới cuộc khủng hoảng sinh thái. Do đó cần nắm bắt khái niệm thiên nhiên cách mới mẻ: "Thiên nhiên không phải môi trường (Umwelt), mà là môi trường liên kết với (Mitwelt)”. Vì vậy con người cần phải đổi mới về tự ý thức chính mình.
K. Meyer – Abich khác với F.Bacon, khi ông cho rằng thiên nhiên có giá trị nội tại, cho nên con người phải công nhận quyền của thiên nhiên và phải ủng hộ nó.
  • Hans Jonas (* 1903/ 1993)
Ông đã nêu ra trách nhiệm của con người đối với thiên nhiên. Trong tác phẩm: "Nhiệm vụ nguyên lý" (Prinzip Verantwortung). Đây là một tác phẩm đạo đức: Chú ý thiên nhiên hợp lý tạo nên mối tương quan giữa “là” và “nên”. Từ đây cần phát triển đạo đức.

Ông đề ra cách hành xử đối với thiên nhiên với điểm xuất phát: Mục đích không chỉ có trong lĩnh vực hành động của con người, mà còn trong thiên nhiên (xem Mục đích luận của Aristoteles) và mục đích của thiên nhiên là sự sống riêng của mình. Sự sống nầy cần được giữ gìn và hiện thực hóa.

Ông cũng thấy thiên nhiên luôn luôn có nguy cơ trở nên "không là" và bị "hủy diệt".

Qua phân tích trên, ông có kết luận: Trách nhiệm đối với sự sống. Sự sống cũng phải được đảm bảo trong tương lai. Vì thế, cần chú ý đến tính bền vững của nó.

Ông cho thấy: Con người một mặt từ thiên nhiên mà ra, mặt khác cũng đương đầu với sự mạo hiểm lớn lao vì sức mạnh to lớn của thiên nhiên. Con người đã đe dọa thiên nhiên như F. Bacon quan niệm, bây giờ, con người nên cứu nó để đưa tới hoàn thành chức năng thiên sai của mình. Trách nhiệm của con người dẫn đến câu châm ngôn: "Hãy hành động như thế nào để các tác động của hành động của bạn tương thích với sự liên tục (độ bền) của sự sống con người ". Chỉ có hành động thúc đẩy sự sống, chiến thắng bản năng là hành động đạo đức.

Nhìn lại quan điểm của Klaus Meyer- Abich và Hans Jonas, chúng ta thấy có những xác định:

+ Triết học thiên nhiên luôn luôn có hệ quả đạo đức.
+ Quay lại quan điểm thời Cổ Đại (Jonas: Mục đích luận; K. Meyer Abich: Tư tưởng physis).
+ Kết nối giữa sự hiểu biết mới về thiên nhiên và định hướng hành động mới của con người đối với thiên nhiên.
+ Con người bị gắn vào thiên nhiên, nhưng vẫn có một vai trò đặc biệt nào đó đối với K. Meyer- Abich: Con người là người bảo vệ thiên nhiên, Jonas thì con người có sứ mạng thiên sai.

 
  • Schäfer Lothar (* 30. 03. 1934; † 12. 06. 2020)
Ông quan tâm đến sự hiểu biết, việc sử dụng và bảo tồn thiên nhiên. Trong tác phẩm "Dự án Bacon" (Bacon - Projekt), ông đã nêu ra sự khác biệt giữa lý tưởng Bacon (lợi ích cho tất cả mọi người) và việc thực hiện dự án Bacon. Lý tưởng tự nó không phải là xấu, chỉ thực hiện sai, bởi vì không có giới hạn, dẫn tới khủng hoảng sinh thái. Vì thế, ông đề nghị cần thực hiện cách khác.
Ông cũng nêu nhiệm vụ của triết học thiên nhiên: Thiết lập các tiêu chí, phân biệt việc sử dụng thích hợp và khai thác thiên nhiên.
Schäfer công nhận tự vệ của con người như là nhiệm vụ đầu tiên. Tự vệ nhưng chỉ có thể, nếu thiên nhiên cũng được bảo vệ, con người có mối liên kết vào việc bảo vệ thiên nhiên. Cơ thể con người là tích hợp (như một "toàn thể: con người-thiên nhiên", trong một chừng mực nào đó có sự trao đổi chất) liên kết vào thiên nhiên. Vì thế, "nhiệm vụ bảo tồn" vì “nhiệm vụ tự vệ”.

 
  • Gernot Böhme (* 03.01.1937, ở Dessau)
Ông lý giải, “thiên nhiên là bản thân ta”: Những điều ta không lựa chọn được, vì thiên nhiên đã quyết định những điều đó, đóng một vai trò rất quan trọng trong đời ta. Cái “thiên nhiên là bản thân ta” này bao gồm những gì? Trước hết là cơ thể và khí chất của từng cá nhân: bạn là nam hay nữ, cao hay thấp, khỏe mạnh hay ốm yếu, sinh ra với một số bệnh bẩm sinh, khả năng duy trì nòi giống.[34]

Góc nhìn thiên nhiên như một toàn thể (bao gồm cả loài người) liên kết chặt chẽ với nhau, không chỉ tồn tại trong không gian và nhất định không phải “vô tri vô giác”, mà trong một ý nghĩa nào đó, có một tâm trí riêng, là góc nhìn hợp lý. Trong hình ảnh vũ trụ của nhà triết học Spinoza, thiên nhiên vừa năng động vừa sáng tạo một cách khác hẳn con người. Ngay cả khoa học tự nhiên, từng có nền tảng là cách hiểu thiên nhiên như cỗ máy, cũng đã chấp nhận bức tranh và tầm nhìn mới này. Đó là cách nhìn thiên nhiên cũng có thể áp dụng với loài người: Con người không phải một dạng sống có thể tách rời thiên nhiên; tương tự, con người không thể tách phần thiên nhiên ra khỏi bản thân mình, tất cả phụ thuộc lẫn nhau, tạo thành một chỉnh thể.[35]

Con người đã phát hiện ra từ chung quanh: Con người là một phần của thiên nhiên, và trong con người có một phần (rất lớn) thuộc về thiên nhiên. Khoa học hiện đại đã chứng minh những điều này. Con người cũng có thể nhận thức những điều đó, khi con người đứng giữa thiên nhiên, trải nghiệm sự bao la và hùng vĩ của nó, cùng như sự hoàn toàn thờ ơ của nó với con người.[36]

Với những nhận định trên đây, chúng ta có thể hiểu khái niệm thiên nhiên cách mới mẻ hơn:

Trước hết, để định nghĩa lại, cũng như mở rộng khái niệm “thiên nhiên” là phải nhận ra rằng thiên nhiên là một phần của con người, chứ không chỉ con người là một phần của thiên nhiên.[37]

Thứ đến, “thiên nhiên là bản thân con người” ở tầm mức sâu xa hơn, thể hiện qua tính khí, bản năng nói chung, bản năng tình dục nói riêng, rồi tiềm thức, vô thức... - những điều mà từ thế kỷ 20, con người đã biết là chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ di truyền và một số chất hóa học trong cơ thể.[38]

Cùng một chiều hướng với các xác định của người đời như trên, Thông Điệp đã xác định:

Chính “chúng ta là đất” (x. St 2,7). “Chính thân thể chúng ta được cấu thành nhờ những yếu tố của trái đất, không khí là yếu tố mang lại cho chúng ta hơi thở và nước của trái đất làm cho chúng ta được sống và được bổ dưỡng” (x. LS l2).

Sau khi tìm hiểu đôi chút về những quan điểm của các triết gia, chúng ta nên dừng lại một lát với nhà nhân học Philippe Descola.

Mối quan tâm đặc biệt của ông là quan hệ giữa con người với môi trường, mà ông gọi là các tồn tại “không phải con người” trong các xã hội khác nhau, từ xã hội của các thổ dân, đến các xã hội phương Tây hoặc chịu ảnh hưởng của phương Tây.

3.4.3. Nhà nhân học và dân tộc học Philippe Descola[39]

Mối quan tâm đặc biệt của ông là quan hệ giữa con người với môi trường, mà ông gọi là các tồn tại “không phải con người” trong các xã hội khác nhau, từ xã hội của các thổ dân, đến các xã hội phương Tây hoặc chịu ảnh hưởng của phương Tây.

Philippe Descola[40] đã trả lời: “Tôi đã chọn vùng Amazone, bởi một lý do chính xác: Từ khi những người Châu Âu đầu tiên xâm nhập vào vùng ven biển Brazil hiện nay, ở Châu Âu người ta ngạc nhiên thích thú với chuyện này, bởi hai điều: Hoặc người ta hình dung là các cư dân ở đây giống như những người sống trong vườn địa đàng, ‘‘những triết gia trần truồng’’, như Mongtaigne mô tả, ‘‘những người hoang dã tốt bụng’’ (‘‘les bons sauvages’’), hoặc ngược lại, đó là những kẻ ăn thịt người. Nhưng nhìn chung, dù loại này hay loại kia, những thổ dân Nam Mỹ đều được hình dung như là sự nối dài của thiên nhiên. Các thổ dân được coi là không có khả năng tách khỏi thiên nhiên, họ hoặc là sản phẩm tốt của thiên nhiên, hoặc là sản phẩm tiêu cực.

Ở các xã hội thổ dân Nam Mỹ không có dòng họ, không có hệ thống thủ lĩnh, không phân chia thành các nhóm… tóm lại không có các định chế xã hội mang tính hội nhập cao.

Để hiểu được các xã hội xa lạ này vận hành như thế nào, nhà nhân học nhấn mạnh đến giả thuyết sau đây: “Tôi có một giả thuyết: Chính sự hàm chứa của thiên nhiên trong đời sống xã hội này, có nghĩa là mối quan hệ không hề đứt đoạn giữa con người với các tồn tại không phải con người, có thể là một đầu mối giúp chúng ta hiểu được các xã hội lạ lùng này.

 Đối với người Achuar, thế giới thiên nhiên như "sự nối dài của tâm hồn con người”.

Như vậy, theo cách suy nghĩ này, giữa con người với thế giới gọi là thiên nhiên không hề có sự gián đoạn, ngược lại, mỗi cộng đồng người lại là một loài riêng, có một thế giới riêng, với các đặc tính riêng. Mỗi bộ lạc có một ngôn ngữ, các công cụ, các đồ trang sức, cách ăn mặc, để tóc riêng… Những điều này được coi là các thế mạnh mang tính sinh học của tập thể đó”.

Từ kiểm soát thiên nhiên đến đòi hỏi thừa nhận "quyền của hệ sinh thái".

Cuộc sống của người thổ dân Achuar, cũng như nhiều thổ dân Amazone gắn chặt với thiên nhiên. Bác bỏ một quan niệm khá phổ biến ở nhiều người, Philippe Descola cho rằng các thổ dân Amazon mà ông biết có một thu hoạch đủ ăn, thậm chí dư thừa về các chất cơ bản như chất đạm, đặc biệt với việc sử dụng các loài côn trùng làm nguồn thực phẩm chính.

Khác với nền văn minh phương Tây, các thổ dân có những quan hệ mang tính đối thoại với môi trường, hay “những tồn tại không phải là người”, theo cách gọi của Philippe Descola. Bạn hoàn toàn có thể đốn hạ một cây, giết một con thú, nhưng bạn không có một quan hệ mang tính  “kiểm soát tuyệt đối” đối với các thực thể này. Bởi vì cây này, hay con này tùy theo thực tế cụ thể có thể chấp nhận cho bạn ăn, bạn giết, hay sẽ trả thù bạn. Các thực thể này có khả năng đối thoại trở lại với bạn.

Tóm lại, mối quan hệ đặc biệt như vậy của các thổ dân với môi trường, không coi môi trường là các tài nguyên mà con người có toàn quyền khai thác và kiểm soát, mà xuất phát từ một thái độ rất gần gũi về mặt tinh thần giữa con người với “các thực thể không phải là con người”.

Ông cho thấy lợi ích của việc thừa nhận thiên nhiên. Điều này không nhất thiết đồng nghĩa với việc dành quyền cho một số loài động vật, như các đòi hỏi của nhiều nhà tranh đấu hiện nay, mà rộng hơn nhiều đó là vấn đề quyền của các hệ sinh thái.

Ví dụ, như khi ta bảo vệ môi trường, thì không chỉ là bảo vệ nguyên trạng, mà còn là duy trì một sự cân bằng tối ưu, về mặt trao đổi năng lượng giữa các thành tố, mà trong đó con người là một thành tố, nhưng là thành tố mang lại nhiều tác động gây trở ngại lớn nhất cho quá trình trao đổi năng lượng.

Trong một chừng mực nhất định, con người cần được coi như là phần phụ, thêm vào các chủ thể về quyền, đó là các hệ sinh thái, chứ không phải là những người tạo ra quyền, có vai trò quyết định bảo vệ hay không bảo vệ các hệ sinh thái.

Sự thay đổi mang tính cách mạng này cần phải được tiến hành trong thế kỷ mà chúng ta đang sống, nếu không thì quá muộn.

Trong phần đối thoại với nhà sinh học và triết học Jean-Jacques Kupiec, ông đồng ý với nhận định chính con người tạo ra những môi trường cho riêng mình và không giống loài nào có thể đến cạnh tranh với nó, và đây là một nhân tố khiến con người chiến thắng trong cuộc cạnh tranh sinh tồn của chọn lọc thiên nhiên, tuy nhiên, Philippe Descola lưu ý đến những hệ lụy của các tiến bộ kỹ thuật, thoạt tiên mang lại sức mạnh cho con người, nhưng sau đó, đã biến thành các tác nhân gây hủy hoại môi trường nói chung, đặt toàn nhân loại trước một thách thức sống còn.

Qua những nhận định trên, lời mời gọi hành động là một điều thích đáng.

3.4.4. Hành động [41]

Thứ nhất là chấm dứt việc “làm chủ thiên nhiên”, không còn đối diện với thiên nhiên như một thứ đối tượng tùy con người sai khiến. Chúng ta phải bắt đầu coi thế giới như một toàn thể, tự coi mình là một thành phần có liên hệ mật thiết với thiên nhiên. Khẩu hiệu “Tư duy toàn cầu, hành động địa phương” (“think globally, act locally”) đã phổ biến từ nhiều thế hệ.

Thực hiện nó nghĩa là suy nghĩ lại rất nhiều điều con người làm hằng ngày từ góc nhìn toàn thể về môi trường cả hành tinh. Cụ thể ra, điều này có nghĩa là kim chỉ nam cho cuộc sống: làm điều có ích cho môi trường. Quan trọng không kém, điều ta thật sự cần làm chủ là cái phần “thiên nhiên trong bản thân ta”, tức bắt đầu giới hạn lại một số bản năng “tự nhiên” (và cả xã hội) của con người, chẳng hạn như tham lam vô hạn, thái độ vô tâm với thiên nhiên ngoại giới... Trước điều tiêu cực nầy, cần điều chỉnh những rối loạn trong mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên.

Cũng nên đề cập đến vấn đề khoa học - công nghệ. Điều trớ trêu là công nghệ - kỹ thuật ngày càng phát triển, thì mức độ tàn phá thiên nhiên của con người cũng ngày càng tăng, nhưng cũng chính ở các tiến bộ công nghệ mà chúng ta gửi gắm nhiều hy vọng cứu vãn được tình hình.

Những quan điểm của những triết gia và nhà nhân học trên đây có những tương đồng với những chỉ dạy của Đức Thánh Cha trong Thông Điệp.

3.4.5. Những hướng dẫn của Thông Điệp

 Qua nhiều thí dụ cụ thể, Đức Giáo Hoàng Phanxicô lập lại tư tưởng của ngài: Có một liên hệ giữa các vấn đề môi sinh và các vấn đề xã hội và con người mà không bao giờ người ta có thể phá vỡ.
  • Xác định cách đứng đắn vị trí của con người
 Trọng tâm đề nghị của Thông Điệp là một nền môi sinh học toàn thể như một mô hình công lý: một nền môi sinh học “hội nhập chỗ đứng đặc biệt của con người trong thế giới này và tương quan của con người với thực tại xung quanh” (LS 15). Thực vậy, chúng ta không thể coi thiên nhiên như cái gì tách biệt khỏi chúng ta hay như một cái khung cho đời sống chúng ta” (x. LS 139).
  • Quan tâm đến vấn đề luân lý
Trong số 155 của Thông Điệp, chúng ta thấy khẳng định của Đức Thánh Cha: Môi sinh học nhân bản đòi buộc một điều căn bản hơn: Liên hệ cần thiết của đời sống con người với lề luật luân lý được khắc ghi trong bản chất riêng của mình. Liên hệ này tất yếu để có thể tạo được một môi trường xứng đáng hơn. Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI xác quyết: Có một môi sinh học nhân bản (Õkologie des Menschen –écologie de l’homme) chỉ vì “con người có một bản chất mà họ phải tôn trọng và họ không thể nào muốn làm gì thì làm theo ý mình” (x. LS 120).

 -  Tất cả đều là hồng ân

Người ta phải công nhận rằng, thân xác chúng ta đặt chúng ta vào một liên hệ trực tiếp với môi trường và với các sinh vật khác. Việc chấp nhận thân xác của mình như là hồng ân của Thiên Chúa, cần thiết phải đón nhận và chấp nhận trọn cả thế giới cũng là hồng ân của Cha và là ngôi nhà chung; trong khi lý luận cho việc làm chủ thân xác dễ dàng trở thành lý luận làm chủ cả thiên nhiên. Phải học hỏi để chấp nhận thân xác của mình, để chăm sóc và tôn trọng những ý nghĩa đa dạng, là sinh thái học nhân bản đích thực (LS 121).           
  • Cần chú ý lợi ích của thế hệ tương lai        
 Số 159 đề cập đến việc cần phải quan tâm đến thế hệ tương lai, khi viết rằng: “Quan niệm về công ích phải liên hệ đến các thế hệ tương lai. Khủng hoảng kinh tế toàn cầu cho thấy những hậu quả tác hại nặng nề nhất, đưa đến việc không công nhận một số phận chung mà những người đến sau chúng ta bị loại ra ngoài. Nếu không có sự liên đới giữa các thế hệ, thì không thể nào nói đến việc phát triển lâu dài được. Nhớ đến hoàn cảnh này, trong đó chúng ta đã để lại hành tinh cho những thế hệ tương lai, chúng ta sẽ bước vào một lôgic khác về quà tặng nhưng không, mà chúng ta đã nhận và sẽ trao lại. Khi trái đất được ban cho chúng ta, thì chúng ta không thể nào chỉ nghĩ theo tiêu chuẩn hiệu năng và khả năng sản xuất cho việc sử dụng cá nhân chúng ta được. Chúng ta không thể nói về thái độ theo định kiến, nhưng về một câu hỏi căn bản về công bằng, vì trái đất mà chúng ta lãnh nhận, cũng thuộc về những người sẽ tới. Các Đức Giám Mục Bồ Đào Nha khuyến khích đón nhận trách nhiệm công bằng này: “Môi trường nằm trong lôgic của việc đón nhận. Đó là món quà vay mượn, mà mỗi thế hệ đón nhận và phải tiếp tục trao cho những thế hệ tiếp nối” (x. LS 124). Một sinh thái học trọn vẹn phải có viễn ảnh này”.

Kết luận

Những trình bày trên, cho chúng ta thấy mối tương quan giữa con người và thiên nhiên qua các thời kỳ khác nhau mà con người đã suy nghĩ trong thời gian lâu dài. Tựu trung lại có hai quan điểm khác biệt nhau:

 
  • Con người có một mối quan hệ chặt chẽ với thiên nhiên.
  • Con người tách biệt khỏi thiên nhiên.
Với quan điểm sau đã đem lại những hậu quả rất đáng tiếc cho sự sống nói chung và sự sống con người nói riêng. Hậu quả nầy ngày càng to lớn và sự đe dọa của nó ngày càng khủng khiếp. Để khắc Phục hậu quả nầy con người cần phải xem lại cách hành xử của mình đối với thiên nhiên và ra tay hành động để cứu môi trường đang bị hủy diệt từng ngày. Ý thức được điều này một cách sâu xa, hơn ai hết Hội Thánh ý thức sứ mệnh thiên sai của mình, cùng với những con người thiện chí khác trên thế giới, đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh nhân loại ngày nay và khẩn thiết mời gọi cách cấp bách thực hiện những gì cần thiết nhất, để giữ gìn và phát triển sự sống hôm nay và tương lai. Làm được như thế, con người mới thực thi đúng trách nhiệm đạo đức của mình. Hy vọng rằng mỗi người chúng ta, cùng chung tay với Hội Thánh, để góp phần đem lại những gì mà Hội Thánh ước mong, được thể hiện qua Thông Điệp Laudato Si’ đáng quý nầy.
 
 
[1]http://www.iustitiaetpax.va/content/dam/giustiziaepace/Eventi/laudatosi/guidatematica/Laudato_VIET.pdf.
[2] naturphilosophie.org.
[3] naturphilosophie.org.
[4] JOSTEIN GAARDER, Sophie’s World, A Novel About the History of Philosophy, Berkley Books, New York , 1996, 19-20.
[5] EDWARD GRANT, A History of Natural Philosophy From the Ancient World to the Nineteenth Century, Cambridge University Press, © Edward Grant 2007, 3.
[6] CLAUDE LÉVI-STRAUSS: Das wilde Denken. Übersetzung von Hans Naumann. Suhrkamp, Frankfurt am Main 1968.
[7] PLATON, Theaitetos 207a.
[8] SCHISCHKOFF, Philosophisches Wörterbuch, Stuttgart 1982, S. 211.
[9] JOSTEIN GAARDER, Sophie’s World, A Novel About the History of Philosophy, Berkley Books, New York, 1996, 20
[10]https://www.vaticarsten.de/theologie/philosophie/Naturphilosophie_SS_08-turner.pdf, 3-4.
[11] Sinh.
[12] Khoảng
[13] Chết.
[14]https://thuvienhoasen.org/a4739/thien-nhien-va-con-nguoi-tran-nhu.
[15]https://thuvienhoasen.org/a4739/thien-nhien-va-con-nguoi-tran-nhu..
[16] AIHE WANG, “Yinyang wuxing”, tr. Encyclopedia of Religion. Band 14, S. 9887–9890.
[17] http://thuvienconggiao.info/luu-tru/114/2
[18] Đại Phu Chủng, quyển 1, trang 1-2; Phạm Lãi, quyển 1, trang 4; Chư Kê Dĩnh, quyển 1, trang 6; Trịnh Nghiêm; Trịnh Nghiêm, Ðiền Giáp quyển 1, trang 10; Dương Phù quyển 2 trang 6; Tạ Di Ngô quyển 3, trang 7.
[19]https://www.vaticarsten.de/theologie/philosophie/Naturphilosophie_SS_08-turner.pdf, 10.
[20] Ibid.
[21]   https://www.vaticarsten.de/theologie/philosophie/Naturphilosophie
_SS_08-turner.pdf, 10.
[22] https://de.wikipedia.org/wiki/Holismus.
[23] http://vietcatholicnews.net/News/Home/Article/56448: Francs Bacon: «Neues Organon». 2. Bände, Felix Meiner, Hamburg 1990.
[24] https://thuvienbinhphuoc.org.vn/van-hoa/triet-hoc-va-thien-nhien-3852.html
[25] Ibid.
[27] Ibid.
[28] Ibid.
[29] ROMANO GUARDINI, Das Ende der Neuzeit, 63 (The End of the Modern World, 55).
[30] JOHN PAUL II, Thông điệp Centesimus Annus (1 May 1991), 37: AAS 83 (1991), 840.
[31] No. 80: AAS 105 (2013), 1053.
[33] the principle of growth or change in nature. Nature as the source of growth or change, something that grows, becomes, or develops.
[34]https://thuvienbinhphuoc.org.vn/van-hoa/triet-hoc-va-thien-nhien-3852.html.
[35]https://thuvienbinhphuoc.org.vn/van-hoa/triet-hoc-va-thien-nhien-3852.html.
[36]Ibid.
[38] Ibid.
[39] http://www.rfi.fr/vi/khoa-hoc/20130814-con-nguoi-va-moi-truong-doi-thoai-voi-philippe-descola.
[40] Philippe Descola (1949-) chuyên nghiên cứu tộc người Jivaros Achuar ở vùng Amazonia thuộc Ecuador. Năm 2000, ông được bầu làm giáo sư nhân học về tự nhiên ở Học viện Pháp quốc (từ 2000 đến nay), kế tục Françoise Héritier. Năm 2012, ông được huy chương vàng của CNRS.
[41]https://thuvienbinhphuoc.org.vn/van-hoa/triet-hoc-va-thien-nhien-3852.html

Tác giả: Anrê Đoàn Văn Điểm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây