Tiên vàn, hãy yêu người thân cận: JD Vance và “Trật tự của tình yêu”
Toàn Nguyễn Văn, Grêgôriô Võ Trần Nhựt chuyển ngữ
2025-04-13T08:14:57-04:00
2025-04-13T08:14:57-04:00
https://gpquinhon.org/ton-giao/tien-van-hay-yeu-nguoi-than-can-jd-vance-va-trat-tu-cua-tinh-yeu-6779.html
https://gpquinhon.org/uploads/news/2025/811d105a-23df-48ff-a757-1b9e4d93f380.png
Giáo phận Qui Nhơn
https://gpquinhon.org/uploads/banertrongsuot.png
Thứ sáu - 11/04/2025 11:45
Richard Clements
Thật lý thú biết bao khi mới đây Phó Tổng thống JD Vance đã đưa một khái niệm thuộc trường phái Augustinô/Tôma vào một cuộc thảo luận cấp quốc gia! Trong buổi phỏng vấn với đài Fox News, liên quan đến chính sách nhập cư, ông Vance phát biểu như sau:
"Với tư cách là một nhà lãnh đạo Hoa Kỳ, nhưng cũng là một công dân của đất nước, lòng trắc ẩn của bạn trước hết phải dành cho đồng bào mình. Điều đó không có nghĩa là bạn ghét những người bên ngoài biên giới của mình, nhưng có một khái niệm rất truyền thống - và tôi cho rằng đây cũng là một khái niệm rất Kitô giáo - đó là trước hết, bạn hãy yêu thương gia đình mình, rồi đến hàng xóm, sau đó đến cộng đồng, rồi đến đồng bào trong đất nước mình, và chỉ sau đó, bạn mới có thể hướng sự quan tâm và ưu tiên đến phần còn lại của thế giới."
Hiển nhiên là ông Vance đang đề cập đến khái niệm ordo amoris [trật tự của tình yêu], nghĩa là việc ai đó yêu theo một trật tự đúng đắn hay thích hợp, cho dù ông không dùng thuật ngữ này trong buổi phỏng vấn. Như Jonah MacKeown lưu ý trong một bài viết gần đây, thánh Augustinô đã đặt nhân đức và trật tự đúng đắn của tình yêu này ngang hàng với nhau (“Virtus est ordo amoris” – nhân đức là trật tự của tình yêu) trong tác phẩm kinh điển Thành đô Thiên Chúa và trình bày chi tiết hơn về ý tưởng này trong cuốn Về Giáo thuyết Kitô giáo:
Vậy người có đời sống công chính và thánh thiện là người thiết lập được một sự đánh giá khách quan về mọi sự, cũng như giữ tình cảm của mình ở dưới sự kiểm soát nghiêm nhặt, hầu người đó không yêu điều không đáng phải yêu, cũng không bỏ lỡ việc yêu điều cần phải yêu, không yêu như nhau những điều đáng lý phải yêu ít hơn hoặc nhiều hơn, cũng không yêu nhiều hơn hoặc ít hơn những điều đáng lý phải được yêu như nhau.
Theo đúng với tuyên bố của Đức Giêsu về hai giới răn trọng nhất (tức là chúng ta phải yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, và phải yêu người thân cận như chính mình – trong Mt 22,37-40), thánh Tôma Aquinô lập luận rằng trật tự phải lẽ của đức ái hệ tại việc yêu mến Thiên Chúa trước tiên, và sau là yêu chính chúng ta (dĩ nhiên là theo cách thế lành mạnh, không quy ngã), rồi sau nữa là người thân cận của chúng ta.
Thật đáng tiếc, có một số người nghe cuộc phỏng vấn của Phó Tổng thống Vance, xem ra lại không quen thuộc với quan niệm “cổ điển” về ordo amoris, trong đó có Rory Stewart, cựu nghị sĩ Quốc hội Anh này đã lên tiếng chỉ trích phát biểu của ông Vance, xem đó là “một cách hiểu kỳ quái về Gioan 15,12-13; ít mang tính Kitô giáo nhưng gần với tinh thần bè phái ngoại giáo hơn. Chúng ta nên bắt đầu lo lắng khi các chính trị gia biến mình thành thần học gia, tự cho mình quyền nói thay Đức Giêsu, và chỉ dạy chúng ta trong việc yêu như thế nào cho đúng trật tự…”.
Đáp trả của ông Vance dành cho Stewart vừa súc tích vừa hết sức thuyết phục: “Chỉ cần tra google cụm ‘ordo amoris’ là rõ. Đàng khác, ý tưởng cho rằng không hề có một hệ trật các nghĩa vụ là điều trái với lương tri cơ bản. Liệu Rory có thực sự cho rằng bổn phận luân lý của ông đối với con cái mình cũng giống như đối với một người xa lạ sống cách ông hàng ngàn dặm chăng? Có ai nghĩ như thế không?”.
Có vẻ sau khi nhận ra sự thiếu thuyết phục trong chỉ trích ban đầu của mình đối với tuyên bố của ông Vance, Stewart đã cố đưa ra một lời bao biện sắc xảo hơn, bằng cách nại tới dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu (Lc 10,25-37), là điều liên hệ đến giới răn yêu thương người thân cận. Tuy nhiên, James Orr lại đưa ra một phê bình nghiêm trọng về cách Stewart vận dụng dụ ngôn này:
Thông điệp của dụ ngôn… không phải là một người cần giúp đỡ tất cả các nạn nhân đang ở bất cứ đâu, nhưng là dù có khác biệt giữa chúng ta và người đang gặp đau khổ, chúng ta vẫn phải chăm sóc cho những ai nằm trong phạm vi mà chúng ta có khả năng thực tế để chăm sóc. Cũng cần nhắc thêm, trong Tân ước, từ Hy Lạp diễn tả người thân cận là πλησίον (plēsion), xuất phát trực tiếp bởi từ πλησίος (plēsios), có nghĩa là “gần” hoặc “cách một khoảng ngắn”. Chính sự gần gũi làm cho những người thân cận trở thành đối tượng để chúng ta quan tâm và chăm sóc.
Luận điểm của Orr đặt nền tảng trên tư tưởng của Aquinô, thánh nhân đã viết: “Chúng ta cần ưu tiên trao cho mỗi người những lợi ích dựa theo mối quan hệ mà, nói cách đơn giản, người đó liên hệ gần gũi với chúng ta nhất”. Trật tự thích đáng của đức ái được đặt nền tảng trên sự gần gũi của mối liên hệ giữa bản thân chúng ta với người có khả năng tiếp nhận tình yêu của chúng ta, điều này được xác định bởi các điều kiện như sự thân cận trong tương quan của người ấy với chúng ta và cả trạng thái ở gần về mặt thể lý (nghĩa là, phải yêu mến Thiên Chúa trước hết, rồi đến bản thân, vợ chồng và con cái, sau đó là gia đình mở rộng, những người hàng xóm sống gần chúng ta nhất, rồi đến cộng đồng, đồng bào, và sau nữa là phần còn lại của thế giới), đây là điều ông Vance đã phần nào nhắc đến trong cuộc phỏng vấn. Ordo amoris có thể được khái quát hóa như là một chuỗi của các vòng tròn đồng tâm, lan tỏa ra ngoài từ bản thân chúng ta, bắt đầu bằng tình yêu dành cho Thiên Chúa, Đấng mà thánh Augustinô diễn tả là “gần gũi với chúng ta hơn cả chúng ta gần gũi với chính mình”, và kết thúc với việc yêu thương phần còn lại của thế giới bên ngoài đất nước chúng ta. Nói cách khác, trật tự đúng đắn của tình yêu, theo lẽ thường, đòi hỏi chúng ta “yêu người thân cận” trước tiên.
Ông Vance cũng đã đúng khi than trách rằng một số người dân “dường như ghét chính công dân của đất nước mình và quan tâm nhiều hơn đến những người ở bên ngoài biên giới”, là điều gây nên sự đảo ngược trật tự phải lẽ của tình yêu. Nhìn từ góc độ nào đó, sự đảo ngược ordo amoris đầy sai lầm này là điều có thể hiểu được. Việc “yêu thương” những con người theo kiểu trừu tượng, tức “yêu thương” những người ở cách xa chúng ta và xem ra chẳng đặt cho chúng ta bất kỳ một đòi hỏi cụ thể nào, thường dễ dàng hơn so với việc yêu thương những ai mà chúng ta phải thực sự tiếp xúc và sống cùng trong đời sống hằng ngày: như một người trái tính trong gia đình, một gã đàn ông khó ưa sống cạnh nhà, .v.v…
Trong suốt những năm qua, nhiều người đã khá thẳng thừng trong việc biểu lộ khuynh hướng này. Edna St. Vincent Millay từng tuyên bố: “Tôi yêu thương nhân loại, nhưng tôi căm ghét con người”. Charles M. Schulz, trong quyển truyện tranh Peanuts, đã để cho nhân vật Linus thốt lên: “Tôi yêu loài người. …còn chính con người thì tôi không thể chịu nổi!”. Và trong một mô tả sâu sắc hơn (có lẽ cũng được cường điệu phần nào!), Fyodor Dostoevsky đã viết trong tác phẩm Anh em nhà Karamazov như sau:
“Tôi càng yêu nhân loại nói chung bao nhiêu thì lại càng ít yêu con người riêng lẽ bấy nhiêu. Trong những ước mơ, tôi thường mường tượng những kế hoạch phụng sự nhân loại, và nếu bỗng nhiên cần thiết, có lẽ tôi sẽ không ngần ngại nhận chịu thập hình vì họ. Tuy vậy, tôi lại không thể sống chung phòng với bất kỳ ai quá hai ngày. Kinh nghiệm cho tôi biết thế. Ngay khi có ai đó ở gần, tính cách người ấy liền gây phiền nhiễu và làm thu hẹp tự do của tôi. Trong vòng hai mươi bốn giờ, tôi bắt đầu chán ghét ngay cả một người ưu tú nhất: người thì dùng bữa quá lâu, còn kẻ thì bị cảm lạnh và sổ mũi hắt hơi liên miên. Tôi trở nên thù nghịch với con người ngay khi họ tiến đến gần tôi. Nhưng bao giờ cũng thế, càng ghét từng người riêng lẽ bao nhiêu, tội lại càng yêu nhân loại mãnh liệt hơn”.
Có thể có những khó khăn gắn liền với việc yêu thương những người thân cận nhất của chúng ta ngay từ đầu, đây là một trong những lý do tại sao ordo amoris đôi khi lại trở nên đầy thách đố đối với chúng ta. Nhưng dẫu sao, chúng ta vốn là những kẻ được kêu gọi để sống theo chính trật tự tình yêu này.
[Ng.d.] Câu này được trích từ bộ Tổng luận Thần học của thánh Tôma Aquinô khi ngài đề cập về lòng từ thiện (Summa Theologiae, II-II, Q.31, a.3). Trước đó, thánh nhân cũng đã xem xét kỹ lưỡng hệ trật này ở Câu hỏi 26 dành riêng để bàn về Trật tự của Tình yêu (De Ordine Caritatis): “… đối với cái gì liên hệ đến bản tính, chúng ta phải yêu mến nhiều hơn các người bà con của chúng ta; đối với cái gì liên hệ đến đời sống dân sự, chúng ta phải yêu mến nhiều hơn các kẻ đồng công dân của chúng ta; đối với cái gì liên hệ đến chiến tranh, chúng ta phải yêu mến nhiều hơn các bạn đồng đội của chúng ta… Đó là điều được người ta thực hiện cách phổ thông” (ST, II-II, Q.26, a.8).