Trang mới   https://gpquinhon.org

Các giáo hội bị bách hại trong năm 2012

Đăng lúc: Thứ năm - 31/01/2013 01:16
CÁC GIÁO HỘI BỊ BÁCH HẠI TRONG NĂM 2012


 

 
George J. Marlin
"The Persecuted Church: 2012"
The Catholic Thing (January 23, 2013)

BTTVHQN lược dịch
 


Ai Cập

Đối với 13 triệu tín hữu Kitô giáo tại Ai Cập, “Mùa Xuân Ả Rập” đã biến thành “Mùa Đông Ả Rập”. Khi người Hồi Giáo chiến thắng trong cuộc tranh cử tổng thống, các Kitô hữu luôn bị đe dọa về bạo lực và kinh tế.

Chẳng hạn, tháng Tám 2012, có đến 120 gia đình Công giáo Coptic phải trốn khỏi làng Dahshur, phía Bắc Cairo, chỉ vì có cuộc tranh cãi giữa người thợ may Coptic với một khách hàng Hồi Giáo. Nhà người thợ may bị đốt trụi. Người Hồi Giáo đốt nhà thờ và đuổi những người Kitô hữu ra khỏi nhà.

Giám mục Kyrillos, (Công giáo Coptic) đã cảnh báo tân chính phủ: “Hiến pháp mới phải dành cho mọi công dân Ai Cập chứ không phải cho một nhóm người”. Ngài nhấn mạnh đến quyền của các Kitô hữu được tham gia vào việc thành lập một đất nước Ai Cập mới.

Phản ứng trước mối đe dạo của lực lượng Hồi Giáo muốn đè bẹp cuộc biểu tình của các Kitô hữu phản đối hiến pháp của Tổng thống Morsi, Cha Rafik Greiche, phát ngôn viên của Hội Đồng Giám mục Công giáo Ai cập đã nói: “Bất cứ khi nào Hồi giáo được chính trị hóa thì tức khắc trở thành nền độc tài phát-xít. Và luôn có nguy cơ một hình thức cơ bản của sharia được đưa vào”.

Các lãnh đạo Giáo hội e rằng sẽ có cuộc xuất hành lớn của người Kitô giáo ra khỏi đất Ai Cập bởi vì những lời lẽ trong hiến pháp dọn đường cho những lối giải thích từ chối quyền tự do tôn giáo.

 Bosnia-Herzegovina

18 năm sau khi kết thúc cuộc chiến ở vùng Balkans, sự kỳ thị đối với người Công giáo vẫn y nguyên. Tài sản Giáo hội bị tịch thu. Các gia đình và giáo xứ Công giáo bị từ chối cung cấp điện. Các linh mục bị từ chối chăm sóc y tế.

Ngày càng có nhiều người cực đoan Saudi Arabia di cư đến Bosnia để kinh doanh, họ đối xử tệ với người Công giáo, đặc biệt là các nữ tu. Nữ tu  Ivanka, Bề trên tỉnh dòng Franciscan Sisters of Christ the King, nói: “Các nữ tu sợ bị lăng mạ hoặc quấy rối tại các cửa hàng địa phương”. Tại hiệu bánh mì, dù rằng vẫn còn bánh trên kệ, chủ cửa hàng vẫn nói hết bánh… Đơn giản họ không muốn bán cho các nữ tu”.

Hồng Y Vinko Pulic, Tổng giám mục Sarajevo, nói rằng: “Tiến trình Hồi giáo hóa ở Bosnia-Herzegovina đang được những người cực đoan ở Trung Đông tài trợ”. Trong những năm gần đây, trên 70 đền thờ Hồi giáo được xây mới tại Sarajevo bằng đồng đôla dầu hỏa của Saudi.

10.000 người Công giáo bị sát hại trong cuộc chiến tranh 1992-1995 tại Bosnia-Herzegovina, và từ đó đa số đã bỏ đi. Ngày nay, từ con số 835.000 xuống chỉ còn 450.000 người Công giáo.

Albania

Các Kitô hữu Chính thống giáo chiếm 20 phần trăm dân số Albania và Công giáo chiếm khoảng 10 phần trăm. Các giáo sĩ Hồi giáo trẻ (Imam) được đào tạo ở Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia đã làm tăng thêm sự đe dọa đối với hai giáo hội này. Các học giả này đòi hỏi một “đạo Hồi nhiệm nhặt và tinh tuyền” và chỉ cổ vũ xây dựng các trường học Hồi giáo. Thái độ này, cộng với sự tham nhũng lan tràn, đã khiến việc xây dựng nhà thờ, nhà xứ và trường học giáo xứ bị dừng lại.

Syria

Các Kitô hữu trong quốc gia bị chiến tranh tàn phá này đang là đích nhắm và bị trục xuất ra khỏi nhà mình. Giám mục Antoine Audo, S.J., Giáo phận Aleppo, nói rằng sau cuộc bạo hành tôn giáo xảy ra tại khu vực thành phố Homs, nơi cư ngụ của phần lớn người Kitô giáo, sẽ có một cuộc xuất hành vĩ đại của các tín hữu, khoảng hơn 120,000 người. Ngài tiên đoán các Kitô hữu sẽ là đích nhắm và bị đuổi đi khỏi Damascus và Aleppo.

Pakistan

Vào tháng Giêng 2012, chính phủ Punjab bất ngờ cho xe ủi đất san bằng đất mà Giáo phận Công giáo sở hữu từ năm 1887 và phá hủy một nhà thờ, một trường học cho nữ sinh, nhà cửa dành cho người nghèo, người già và vô gia cư.

Giám mục Bishop Sebastian Shaw của Giáo phận Lahore, cáo buộc nhà cầm quyền “hành động bất công thô bạo”. Tiến sĩ Paul Bhatti, em của Bộ trưởng bộ Thiểu số Pakistan đã bị ám sát là Shahbaz Bhatti, đã kêu gọi cộng đồng quốc tế giúp đỡ các Kitô hữu ở đây. Tiến sĩ Bhatti, cũng là người Công giáo như anh mình, đã nêu lên rằng luật phạm thượng, cũng như tình trạng bất khoan dung đang gia tăng và cả sự cuồng tín nữa, đã dẫn đến hành động chống lại 1 triệu 2 người Công giáo trong quốc gia này.

Sự thinh lặng hầu như hoàn toàn của quốc tế trước tình trạng này tại khắp Trung Đông thật đáng lo lắng và là điềm gở cho tương lai. Đức thượng phụ Giáo hội Công giáo Syria ở Beirut, Ignatius Ephrem Joseph III, cho biết:

“Tôi xin phép nói thẳng: có nhiều gian trá trong vấn đề này. Đối với nhiều chính phủ [EU], mối quan tâm của họ chỉ là vấn đề kinh tế. Họ chẳng quan tâm đến số phận của các Kitô hữu ở Trung Đông… Đây không phải là vấn đề ủng hộ hay chống đối Assad hay một vài thế lực trong miền này. Vấn đề là ưu tiên cho nhân quyền chứ không phải là ưu tiên cho một tôn giáo …”




 

Nguồn tin: Gpquinhon.org

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 66
  • Khách viếng thăm: 54
  • Máy chủ tìm kiếm: 12
  • Hôm nay: 13654
  • Tháng hiện tại: 241285
  • Tổng lượt truy cập: 12530997