Trang mới   https://gpquinhon.org

Nhân dịp Đức Phanxicô thăm Đại Hàn, tìm hiểu Lược Sử Giáo Hội Đại Hàn (III & IV & V)

Đăng lúc: Thứ tư - 13/08/2014 18:21

VIII. Giáo Hội Công Giáo và xã hội Đại Hàn dưới ách cai trị thực dân (2)

1. Bối cảnh thời gian

Từ khi sát nhập Đại Hàn năm 1910, Nhật tăng cường nền cai trị khắc nghiệt bằng quân sự đối với nước này. Tuy nhiên, sau Phong Trào Độc Lập Một Tháng Ba năm 1919, Nhật nới lỏng đôi chút sự kiểm soát của mình. Nhưng từ thập niên 1930, trong thời xâm lăng toàn diện Trung Hoa, Nhật lại gia tăng sự kiểm soát quân sự gắt gao của mình đối với Đại Hàn, biến nó thành căn cứ quân sự của mình.

Dưới ách cai trị thực dân, các phong trào quốc gia chống chủ nghĩa thực dân tiếp tục gia tăng, tiếp theo Phong Trào Độc Lập Một Tháng Ba. Điều đáng ghi nhận là phong trào cộng sản là một trong các phong trào độc lập Đại Hàn vào lúc đó. Phong trào này khởi đầu ở Đại Hàn thập niên 1920 và lãnh đạo nhiều chiến dịch nhằm giành độc lập quốc gia và giải quyết các tranh chấp giai cấp, một cách riêng rẽ đối với các người quốc gia khác từng chiến đấu cho chính nghĩa quốc gia từ cuối thế kỷ 19. Các tay thực dân Nhật đã đàn áp cả các phong trào quốc gia lẫn cộng sản của Đại Hàn.

Thế giới Công Giáo, vào lúc đó, chịu ảnh hưởng của Công Đồng Vatican I và nhấn mạnh tới các giáo huấn truyền thống. Cũng trong thời gian này, nhiều biến cố quan trọng diễn ra trên thế giới như Cách Mạng Nga năm 1917, quốc hữu hóa mọi tài sản của Giáo Hội bởi chính phủ Mễ Tây Cơ năm 1927, và Nội Chiến Tây Ban Nha năm 1938. Việc liên tiếp diễn ra các biến cố này, cộng với việc bành trướng của chủ nghĩa cộng sản, đã khiến người ta cảm thấy một khủng hoảng nào đó trong lòng Giáo Hội Công Giáo. Trong một bầu không khí như thế, các vị giáo hoàng đã ban hành nhiều tông thư lên án Cộng Sản và tỏ rõ chủ trương của Giáo Hội.

Chủ nghĩa phát xít cũng trở thành một lực lượng mạnh trong thập niên 1930 trong khi tại Đông Á, Nhật bắt đầu xâm lấn toàn diện các nước láng diềng Đông Á của họ và tăng cường việc bóc lột người dân Đại Hàn. Trong Thế Chiến II, nhiều người dân Đại Hàn, trong cuộc chiến đấu giành độc lập của họ, đã tham gia nhiều cuộc chiến quân sự chống lại Nhật. Cuối cùng, Nhật bị đánh bại vào ngày 15 tháng Tám năm 1945 và Đại Hàn được giải phóng.

2. Giáo Hội và chủ nghĩa cộng sản

Chủ nghĩa cộng sản bắt đầu ở Đại Hàn như một phong trào quốc gia giành độc lập thời thực dân, và Đảng Cộng Sản Đại Hàn được thành lập năm 1925. Từ đầu, Đảng này đã công bố nhiều quan điểm phản tôn giáo, coi tôn giáo như mê tín và là thuốc phiện ngu dân. Đàng khác, thế giới Công Giáo, vì bị sức mạnh chính trị mỗi ngày một lớn của Đảng Cộng Sản thách thức nặng nề, nên đã nhấn mạnh tới chủ nghĩa chống cộng nhằm tự bảo vệ mình. Chủ trương này ảnh hưởng rất lớn đối với Giáo Hội Công Giáo tại Đại Hàn. Chính phủ phát xít Nhật lợi dụng tình thế này bằng cách dùng sự đe dọa bành trướng của Cộng Sản làm cớ cho việc xâm lăng Trung Hoa và áp đặt chính sách chống cộng riêng của họ. Họ cũng biện minh việc đàn áp các người quốc gia của Đại Hàn đi theo đường lối cộng sản.
Trong tình thế trên, Giáo Hội Công Giáo tại Đại Hàn cũng có chủ trương chống cộng mạnh mẽ và trình bày chủ trương của mình qua nhiều sách vở và ấn phẩm. Các văn kiện chống cộng của Đức Giáo Hoàng đã được dịch sang tiếng Đại Hàn... Một số nhà lãnh đạo Giáo Hội ủng hộ cả chính sách chống cộng của Nhật, một chính sách thực ra chỉ là lớp sơn bề ngoài che đậy việc họ xâm lăng Trung Hoa, bằng cách đồng hóa nó với chủ trương chống cộng của Giáo Hội. Trong một mức độ nào đó, sự lẫn lộn này đã làm tê liệt khả năng của Giáo Hội trong việc phê phán chính sách xâm lược của Nhật trong Thế Chiến II. Bị khích động bởi động thái này, nhiều người Công Giáo, vốn dửng dưng đối với các chính nghĩa quốc gia, đã ủng hộ phong trào chống cộng. Một số người tả khuynh thì phê phán những người Công Giáo này là thân Nhật.

Ý thức hệ chống cộng được Giáo Hội đưa ra vào lúc đó tiếp tục gây nhiều ảnh hưởng lớn lao trong lịch sử Giáo Hội Công Giáo Đại Hàn ngay cả sau năm 1945. Giáo Hội Miền Bắc, nơi đồn trú của quân đội Nga, chịu ảnh hưởng vì chủ trương chống cộng này. Sau Chiến Tranh Triều Tiên, Giáo Hội bị xóa sạch tại Bắc Triều Tiên.

3. Vấn đề thờ Thần Đạo

Một trong chính sách xâm lược của Nhật là cưỡng bức việc “nhật hóa” người Đại Hàn và một trong các phương pháp để đạt mục tiêu này là buộc người Đại Hàn phải thờ phượng tại Đền Thờ Thần Đạo, một nghi thức tôn giáo truyền thống của Nhật. Trong quá trình hiện đại hóa nước Nhật, chính phủ nhấn mạnh tới thần đạo, coi nó như nền tảng của tinh thần quốc gia. Do đó, việc thờ phượng theo thần đạo chứa đựng một khía cạnh của nghi lễ quốc gia của Nhật. Thành thử, những tên quân phiệt buộc người Nhật cũng như mọi dân tộc dưới quyền cai trị của họ phải thực hành việc thờ thần đạo ngõ hầu thu phục được sự hỗ trợ của dân đối với dự án chiến tranh của họ và để tiêm nhiễm nơi dân một ý thức hệ phò chiến tranh.

Năm 1925, Giáo Hội Công Giáo tại Đại Hàn ấn hành cuốn “Các Chỉ Thị Cho Các Giáo Lý Viên” lên án việc thờ thần đạo, coi nó là lạc giáo và cấm tín hữu không được tham dự nghi lễ này. Một số học sinh Công Giáo bị đuổi khỏi các trường công lập khi từ khước không chịu tham dự nghi lễ thần đạo vì tuân theo các chỉ dẫn trên. Người Công Giáo Đại Hàn nói chung từ khước không tham dự vì cùng một lý do. Trong khi Giáo Hội và chính phủ Nhật giằng co về việc thờ thần đạo này, thì Giáo Hội Công Giáo tại Nhật lên tiếng hỏi chính phủ của họ xem việc thờ này có phải là một nghi lễ tôn giáo hay chỉ là một nghi thức dân sự để tỏ lòng ái quốc. Chính phủ trả lời rằng đây là một nghi thức dân sự. Khi trả lời như thế, chính phủ Nhật muốn tránh tranh chấp giữa thần đạo và các tôn giáo khác.Thành thử, sau đó, vào năm 1936, Tòa Thánh có gửi một chỉ thị cho sứ thần tòa thánh tại Nhật cho phép người Công Giáo tham dự nghi thức thần đạo, trên cơ sở quan điểm của chính phủ Nhật về việc này. Chỉ thị này áp dụng cho cả người Công Giáo Đại Hàn nữa.

Giáo Hội Công Giáo tại Đại Hàn biết rõ nghi lễ thần đạo có bao hàm việc thờ các thần truyền thống của Nhật. Do đó, đa số người Đại Hàn phản đối việc này. Cha John Morris, M.M., đứng đầu phủ doãn tông tòa Bình Nhưỡng, đã phải từ nhiệm vì từ khước không tham dự nghi lễ thần đạo. Bất chấp chỉ thị của Vatican, nhiều người Công Giáo Đại Hàn chọn theo lương tâm và từ khước việc tham dự việc thờ thần đạo. Một số linh mục, tu sĩ và giáo dân bị bắt và chịu bách hại trong tay nhà cầm quyền Nhật vì từ khước không làm việc thờ phượng này. Tuy nhiên, so với sự đối kháng của Giáo Hội Thệ Phản, sự đối kháng của Công Giáo yếu hơn. Chính vì thế, người Công Giáo bị các đối tác Thệ Phản của mình phê phán nặng nề.

4. Kết luận

Về cuối thời thực dân, cuộc bách hại Giáo Hội của Nhật trở nên khắc nghiệt hơn. Một số thánh thi và thánh ca bị cấm viện cớ là lời lẽ của chúng có tính phá hoại. Cảnh sát Nhật bắt giam các Kitô hữu nào dám cầu nguyện cho hòa bình, kết tội họ là tuyên truyền ý thức hệ bài chiến tranh. Giáo Hội bị ra lệnh phải ấn hành các sách vở bằng tiếng Nhật mà thôi và bị buộc lập ra các tổ chức nhằm ủng hộ chính sách chiến tranh của Nhật. Tuy thế, giữa các khó khăn này, người Công Giáo Đạo Hàn vẫn tiếp tục cầu nguyện cho việc giải phóng đất nước và cho hòa bình thế giới.

IX. Việc giải phóng Đại Hàn và Giáo Hội

1. Bối cảnh thời gian

Đại Hàn thoát khỏi sự cai trị của chủ nghĩa đế quốc Nhật vào ngày 15 tháng Tám năm 1945. Việc giải phóng quốc gia là khởi điểm cho lịch sử hiện đại của Đại Hàn cũng như lịch sử hiện đại của Giáo Hội Công Giáo tại đây. Ngay sau cuộc giải phóng, Lực Lượng Đồng Minh đã trú đóng tại Đại Hàn dưới danh nghĩa giải trừ quân sự Nhật Bản. Lấy vĩ tuyến 38 làm ranh giới, quân đội Xô Viết trú đóng ở miền Bắc, quân đội Hoa Kỳ trú đóng ở miền Nam. Thoạt đầu, dân Đại Hàn coi họ như những người giải phóng. Tuy nhiên, Lực Lượng Đồng Minh định nghĩa người Nam Hàn như là người được giải phóng nhưng vẫn sống trên lãnh thổ thực dân của một đế quốc bại trận. Bởi thế, họ thi hành chính sách chiếm đóng trên bán đảo Đại Hàn.

Thời kỳ Chiến Tranh Lạnh bắt đầu với việc chấm dứt Thế Chiến Hai. Cái khung đối đầu giữa Hoa Kỳ và Nga Xô Viết gây ảnh hưởng tới tình huống chính trị tại Bán Đảo Đại Hàn đang bị chiếm đóng, và vĩ tuyến 38 trở thành đường ranh giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa cộng sản. Nhân dân Đại Hàn cương quyết duy trì độc lập và các phong trào quốc gia cố gắng tranh đấu để ngăn ngừa việc chia đôi đất nước. Tuy nhiên, các cố gắng của họ đã vô vọng. Vì cuối cùng, hai chính phủ biệt lập đã được tạo dựng trên bán đảo Đại Hàn như là hậu quả của cuộc Chiến Tranh Lạnh giữa Hoa Kỳ và Nga Xô Viết. Một số chính trị gia của cả Nam lẫn Bắc Đại Hàn đã lợi dụng tình thế này: Nam thì dựa vào hệ thống tư bản, Bắc thì dựa vào chủ nghĩa xã hội. Việc thành lập hai chính phủ trong bối cảnh ý thức hệ hoàn toàn khác nhau này đã khuyến khích khả thể nội chiến giữa người Đại Hàn với nhau. Cuối cùng, chiến tranh Triều Tiên đã bùng nổ vào năm 1950.
Từ năm 1945 tới năm 1950, Giáo Hội đã chia sẻ nỗi vui buồn của cả nhân dân Đại Hàn trong một xã hội đang biến đổi nhanh chóng.

2. Cuộc giải phóng và Giáo Hội tại Nam và Bắc Đại Hàn

Lúc được độc lập, Giáo Hội Nam Hàn có 5 đại diện tông tòa, 3 phủ doãn tông tòa và một đan viện độc lập với khoảng 180,000 tín hữu (khoảng 50,000 ở miền Bắc và 110,000 ở miền Nam và 20,000 ở Giáo Phận Yenki thuộc Mãn Châu) hay 0.7 phần trăm dân số. Có 169 nhà truyền giáo ngoại quốc, 139 linh mục Đại Hàn và 400 nữ tu. Các cơ quan giáo dục và phục vụ xã hội do người Công Giáo điều khiển rất ít. Giáo Hội Công Giáo không có được bất cứ nhân vật lãnh đạo nào trong cuộc tranh đấu giành độc lập. Do đó, ảnh hưởng của Giáo Hội Công Giáo trong xã hội Đại Hàn lúc được độc lập quả không đáng kể chút nào.

Tuy nhiên, độc lập vẫn là một biến cố vĩ đại đối với Giáo Hội Đại Hàn vì Giáo Hội này hy vọng rằng nó sẽ kết liễu sự can thiệp và áp chế của người Nhật đối với mình. Giáo Hội coi việc giải phóng quốc gia là một hồng ơn của Trinh Nữ Diễm Phúc Maria vì độc lập xuất hiện vào đúng ngày Lễ Mông Triệu của ngài. Các Thánh Lễ tạ ơn và nhiều cử hành đặc biệt mừng ngày giải phóng quốc gia và hòa bình thế giới đã được tổ chức khắp trong nước.

Tháng Chín năm 1945, Lực Lượng Quân Sự Hoa Kỳ đổ bộ lên Đại Hàn và TGM Spellman tới Hán Thành. Ngài thăm Nhà Thờ Chính Tòa Myeongdong tại Hán Thành và an ủi người Công Giáo Đại Hàn từng đau khổ dưới ách cai trị thực dân. Một Thánh Lễ và một buổi chào mừng Lực Lượng Đồng Minh đã diễn ra trong Nhà Thờ Chính Tòa Myeongdong cũng như chào mừng những người đã chiến đấu cho nền độc lập quốc gia. Mặt khác, Quân Đội Xô Viết trú đóng miền Bắc chính thức bảo đảm tự do tôn giáo. Khiến Giáo Hội miền Bắc hân hoan cử hành việc giải phóng quốc gia và cố gắng dùng nó làm bàn đạp thực hiện các tiến bộ mới. Tuy nhiên, cuối cùng, Giáo Hội này đã phải chịu nhiều khó khăn nghiêm trọng vì các thành kiến cố hữu của người cộng sản chống lại tôn giáo.

Giáo Hội hai miền Nam Bắc cùng chia sẻ niềm vui độc lập của đất nước. Nhưng, Giáo Hội đã không khiêm hạ tự vấn lương tâm về quá khứ khoan dung đối với chính sách chiến tranh của Nhật hay hợp tác với Nhật dù đây chỉ là miễn cưỡng. Thực vậy, thời Nhật chiếm đóng, Giáo Hội rất ít có thế lực để ảnh hưởng tới công luận của xã hội Đại Hàn vì các tên đế quốc chủ nghĩa người Nhật đã buộc được Giáo Hội này hợp tác với chính sách chiến tranh của chúng. Các giám quản tông tòa người Pháp bị các giám mục người Nhật thay thế. Trong bối cảnh này, Giáo Hội gây bối rối lương tâm cho nhiều người Công Giáo khi yêu cầu họ tham dự việc thờ thần đạo. Tự vấn lương tâm về những lầm lỗi này là điều kiện tiên quyết cho các tiến bộ mới. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Giáo Hội đã không muốn chính thức nhìn nhận lỗi lầm của mình.

Trong hoàn cảnh leo thang Chiến Tranh Lạnh, việc tự vấn lương tâm của Giáo Hội, vốn thuộc cánh hữu, càng trở nên khó khăn hơn vì một tác phong như thế sẽ là một động lực khuyến khích cánh tả tấn công cánh hữu.

3. Các đặc điểm của lịch sử Giáo Hội

Trong thời kỳ phân chia đất nước, Giáo Hội Đại Hàn cảm thấy đau khổ vì cảnh phân chia này. Các đại diện tông tòa Bình Nhưỡng, Hamhung và Đan Viện độc lập Dokwon nằm dưới sự cai trị của cộng sản miền Bắc do Liên Bang Xô Viết lãnh đạo. Tỉnh Hwanghae, vốn trực thuộc đại diện tông tòa Hán Thành, nay cũng thuộc lãnh thổ miền Bắc. Từ ngày giải phóng quốc gia, tại các khu vực vừa kể thuộc miền Bắc, các hoạt động tôn giáo được tiến hành một cách tích cực. Tại Bình Nhưỡng, chẳng hạn, người Công Giáo đã dám xây dựng một nhà thờ chính tòa và ở một số nơi, họ còn dấn thân vào các phong trào chính trị và gia nhập các đảng phái chống cộng như Đảng Dân Chủ Đại Hàn. Trong quá trình này, Giáo Hội Công Giáo Bắc Hàn gặp ngay sự chống đối của chính phủ cộng sản, là chính phủ đã thành lập ra Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Đại Hàn năm 1948. Người Công Giáo cũng chứng kiến diễn trình chuẩn bị Chiến Tranh Triều Tiên, trong đó, họ và các hoạt động tôn giáo của họ bị đàn áp thẳng tay. Cho tới tận lúc Chiến Tranh Triều Tiên bùng nổ, phần lớn các giáo sĩ Bắc Hàn đã bị bắt, các nhà thờ đã bị đóng cửa và các cộng đồng tôn giáo bị ra lệnh phải giải tán. Lúc đó, nhiều người Công Giáo miền Bắc đã di chuyển xuống miền Nam để được tự do tôn giáo.
Mặt khác, đa số tín hữu của giáo phận Yenki, Mãn Châu, đều là thường trú dân của Đại Hàn. Cuối Thế Chiến II, khi Trung Hoa phục hồi được chủ quyền của họ đối với Mãn Châu năm 1946, Tòa Thánh ở Rôma đã tách giáo phận Yenki ra khỏi Giáo Hội Đại Hàn và sát nhập nó vào Giáo Hội Trung Hoa. Việc này đem lại một số thay đổi trong Giáo Hội Đại Hàn. Cuối thời cai trị của thực dân, các giáo sĩ Nhật được chỉ định làm Đại Diện Giáo Hạt (vicariate forane) của tông tòa đại diện Taegu và Kwangju, nhưng sau đó, họ lập tức bị thay thế bởi các giáo sĩ Đại Hàn ngay khi đất nước được độc lập.

Năm 1910, khi bắt đầu chế độ cai trị của thực dân, Nhật ngăn cấm việc ấn hành tờ Gyeonghyang Sinmun của Công Giáo và sau đó, mọi tờ báo định kỳ của Giáo Hội cũng cùng chung số phận. Ngay sau ngày độc lập, Giáo Hội miền Nam lập tức cho tái tục tờ Gyeonghyang Sinmun, là tờ báo đã bén rễ sâu vào xã hội Đại Hàn và là một trong các tờ báo gây nhiều ảnh hưởng hơn cả. Giáo Hội dùng nó như một cỗ xe chuyên chở các quan điểm và ý kiến của mình liên quan tới đường hướng mà xã hội Đại Hàn nên tuân theo. Với việc tái bản tờ Gyeonghyang Sinmun, mọi ấn phẩm khác do Giáo Hội điều khiển, trước đây bị thực dân đóng cửa, thì nay đều đã được tái bản. Với nền độc lập quốc gia, Giáo Hội Đại Hàn đã tích cực thực thi công cuộc truyền giáo của mình.

Giáo Hội cũng tích cực tham gia việc đẩy mạnh giáo dục của xứ sở, bằng cách thành lập trường học và các hiệp hội giáo dục, các bệnh viện, các bệnh xá, các viện mồ côi và các viện dưỡng lão khắp xứ. Giáo Hội cũng đẩy mạnh các hoạt động Công Giáo bằng cách thành lập ra “Liên Đoàn Công Giáo Đại Hàn” năm 1949. Các cố gắng dành cho các phong trào sùng kính, trong đó có việc sùng kính các tử đạo Đại Hàn, vẫn tiếp tục triển nở.

Từ ngày độc lập, Tòa Thánh ở Rôma hết sức quan tâm tới Giáo Hội Đại Hàn, nên đã gửi Khâm Mang Tòa Thánh tới Đại Hàn năm 1947 trước cả việc thành lập Chính Phủ Nam Hàn. Năm 1948, Tòa Thánh là quốc gia thứ nhất thừa nhận chính phủ Nam Hàn vừa được thành lập. Hội Đồng Công Giáo Đại Hàn (HĐCGĐH) cũng đã được tổ chức để việc thực thi công cuộc phúc âm hóa được hữu hiệu. HĐCGĐH là cơ quan tòan quốc của các giám mục nhằm tổ chức và điều hợp các hoạt động của Giáo Hội trên bình diện quốc gia như giáo dục, dịch vụ y tế và các công tác xã hội.

4. Kết luận

Giáo Hội Công Giáo Đại Hàn không đóng góp trực tiếp vào nền độc lập của đất nước và đã khoan dung đối với chính sách gây hấn của Nhật dù bị cưỡng bức. Nếu muốn phúc âm hóa nhân dân Đại Hàn sau ngày độc lập, Giáo Hội phải thành thực tự vấn lương tâm về các sai lầm trong quá khứ, nhưng Giáo Hội đã không làm như vậy.

Giáo Hội Đại Hàn đã gặp rất nhiều trở ngại trong lúc thi hành sứ mệnh của mình vì sự phân chia đất nước. Giáo Hội miền Nam có thể phát triển công cuộc truyền giáo của mình dưới sự bảo vệ của Quân Đội Hoa Kỳ, nhưng Giáo Hội này vẫn gặp rất nhiều khó khăn gây ra bởi tình hình xã hội và sự chống chọi giữa phe hữu và phe tả. Trong một tình huống phức tạp như vậy, Giáo Hội miền Nam tiếp tục thực hiện nhiều cố gắng để thực hiện cách hữu hiệu công trình truyền giáo của mình. Con số tín hữu từ từ gia tăng vá các cơ quan giáo dục và xã hội do Giáo Hội quản trị tiếp tục phát triển. Nhờ các ấn phẩm gây nhiều ảnh hưởng, Giáo Hội đã có thể nói lên các quan điểm của mình về nền tảng của tân quốc gia. Nhờ cách này, Giáo Hội đã vươn tay ra với nhân dân và gia tăng tầm ảnh hưởng của mình trong xã hội Đại Hàn.

Ngay sau ngày độc lập quốc gia, Giáo Hội miền Nam đã làm nhiều cố gắng thành công trong việc phúc âm hóa. Trong khi ấy, Giáo Hội miền Bắc kinh qua rất nhiều khó khăn dưới chế độ cộng sản. Sự trợ giúp thiêng liêng và tinh thần của Tòa Thánh và của người Công Giáo các nước ngoài đã đóng góp rất nhiều cho sự tiến bộ của Giáo Hội Công Giáo Nam Hàn. Tuy nhiên, liên quan tới việc phân chia đất nước, Giáo Hội đã không tích cực tham gia việc phản đối sự phân chia này. 

X. Giáo Hội và việc hình thành thời kỳ phân chia

1. Bối cảnh thời gian

Khi Thế Chiến II kết thúc, thế giới bước vào thời kỳ Chiến Tranh Lạnh. Sự đối đầu giữa Hiệp Chúng Quốc Mỹ Châu và Liên Bang Xô Viết đã gây một ảnh hưởng rất lớn trên Bán Đảo Triều Tiên. Suốt thời đối đầu này, Bán Đảo Triều Tiên trở thành khu vực dương oai diễu võ của thế giới Chiến Tranh Lạnh và vĩ tuyến 38 trở thành đường phân ranh giữa chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa tư bản.

Nhiều nhà ái quốc tham gia phong trào độc lập và quốc gia, và tranh đấu gian khổ để ngăn cản việc chia đôi Bán Đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, các cố gắng của họ đều vô hiệu do hậu quả cuộc Chiến Tranh Lạnh giữa Hoa Kỳ và Liên Xô và cũng do một số chính khách lạm dụng tình hình Chiến Tranh Lạnh này. Cuối cùng, Nam và Bắc Hàn đã tiến đến việc thành lập các chính phủ riêng biệt trên các lãnh thổ của họ vào năm 1948. Người ta đã đoán trước chiến tranh giữa đôi bên sẽ xẩy ra. Đúng vậy, năm 1950, Chiến Tranh Triều Tiên đã bùng nổ và cho tới ngày có Hiệp Ước Đình Chiến vào năm 1953, Giáo Hội kinh qua nhiều biến động khủng khiếp.

Năm 1948 tới năm 1953 là thời kỳ thiết lập hệ thống Chiến Tranh Lạnh trên Bán Đảo Triều Tiên. Trong thời này, thái độ của Giáo Hội là thái độ của một người ngồi nhìn và quan sát bằng ý thức hệ chống cộng trong khi các chính phủ phân rẽ được thành lập trong xứ. Có thể nói đây là một trong các đặc điểm của Giáo Hội Công Giáo tại Đại Hàn vào lúc này.

2. Giáo Hội Nam Hàn và việc thành lập các chính phủ riêng rẽ

Chính Phủ Cộng Hòa Đại Hàn được thành lập tại miền Nam ngày 15 tháng Tám năm 1948, trong khi Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Đại Hàn được thành lập tại miền Bắc ngày 9 tháng Chín cùng năm. Các lực lượng dân chủ ở miền Nam cực lực phản đối việc thành lập một chính phủ độc lập ở miền Nam và phe tả lập tức tham gia cuộc phản đối này. Một chiến dịch được phát động nhằm tẩy chay cuộc tổng tuyển cử, chống đối việc thành lập tại miền Nam một chính phủ độc lập, và yêu cầu có một chính phủ hợp nhất quốc gia. Trong khi ấy, phe hữu do Lý Thừa Vãn lãnh đạo vận động mạnh cho việc tổ chức cuộc tổng tuyển cử để lập ra một quốc gia dân chủ tự do cho miền Nam.

Mặt khác, Giáo Hội tại Nam Hàn hết sức lo lắng trước nguy cơ miền Nam có thể trở thành một quốc gia cộng sản, vì nhiều văn kiện của Tòa Thánh vốn cảnh giác các tín hữu về sự nguy hiểm của chủ nghĩa cộng sản. Hơn nữa, sự kiện các Giáo Hội Công Giáo tại Đông Âu bị cộng sản bách hại càng làm cho người Công Giáo Đại Hàn sợ hãi thêm. Họ hiểu hiểm họa cộng sản tới gần khi thấy nhiều đoàn người Công Giáo tỵ nạn từ Bắc chạy xuống Nam để trốn thoát chế độ cộng sản.

Trong bối cảnh đặc biệt này, Giáo Hội miền Nam nói rõ chủ trương chống cộng của mình. Hậu quả: ý thức hệ chống cộng được cổ vũ rộng rãi trong giới truyền thông và tại các tòa giảng Công Giáo.

Giáo Hội Công Giáo miền Nam không bao giờ có chủ trương chính thức chống lại việc thành lập một chính phủ độc lập tại miền Nam, một việc thực sự đã chia đôi xứ sở. Thay vào đó, các phương tiện truyền thông Công Giáo minh nhiên bày tỏ sự hỗ trợ của mình đối với chính phủ độc lập mưu cầu tự do tôn giáo ít nhất cho miền Nam. Giáo Hội miền Nam khuyến khích các tín hữu tham gia tích cực vào cuộc tổng tuyển cử và các phương tiện truyền thông Công Giáo cố gắng nhấn mạnh ý nghĩa và tầm quan trọng của tuyển cử tự do và cố vấn cho họ trong việc chọn lựa đại biểu. Truyền thông cũng cố gắng cổ vũ việc tham gia chính trị của người Công Giáo. Thời này, Trương Miễn (Chang Myon), một người Công Giáo ngoan đạo, được người đồng đạo hỗ trợ, đã đi vào chính trị và trở thành một chính trị gia già dặn về khả năng. Các chính trị gia cánh hữu, trong đó có Lý Thừa Vãn, tỏ cảm tình nồng hậu đối với Giáo Hội Công Giáo. Trong bầu không khí như thế, một số đông người Công Giáo đã tham gia việc xây dựng quốc gia bằng cách dấn thân vào hoạt động chính trị. Hiến Pháp Quốc Gia do những người này soạn thảo đã bảo đảm quyền tự do tôn giáo và chính phủ xử tốt với các sinh hoạt tôn giáo.

3. Giáo Hội tại Bắc Hàn

Tại Bắc Hàn, Hội Đồng Nhân Dân, cơ chế nền tảng của chính phủ miền Bắc, cũng được thành lập vào cùng thời gian. Sau khi chính phủ Nam Hàn được công bố không lâu, Cộng Hòa Nhân Dân ra đời tại Bắc Hàn. Người cộng sản miền Bắc huyên hoang mình là chính phủ hợp nhất, nhưng thực tế, họ tìm cách thành lập một chính phủ độc lập trong hệ thống cộng sản.

Tình thế người Công Giáo Bắc Hàn khác hẳn tình thế các đối tác của họ ở miền Nam. Đa số họ bị đàn áp ngay từ ngày quốc gia được giải phóng năm 1945 và do đó cực lực chống đối chế độ cộng sản. Thời gian này, Đảng Dân Chủ Joseon hành động như một đảng quốc gia và thực hiện nhiều sinh hoạt chống lại Đảng Công Nhân Joseon vốn là tên khác của Đảng Cộng Sản. Trong bối cảnh này, một số người Công Giáo Bắc Hàn tham gia Đảng Dân Chủ Joseon. Tuy nhiên, trong thời gian thành lập chính phủ nhân dân, những ai có khuynh hướng quốc gia đều dần dần bị loại trừ khỏi lãnh vực chính trị và người Công Giáo không được dành bất cứ cơ hội chính trị nào.

Tình hình này của Giáo Hội Công Giáo miền Nam và miền Bắc không phản ảnh chủ trương chính thức của Giáo Hội như một toàn thể. Tuy nhiên, các Giáo Hội Nam và Bắc bị đối xử khác nhau tùy theo các chính phủ mới được thành lập của họ. Trong khi chính phủ miền Nam coi Giáo Hội Công Giáo như một thế lực hỗ trợ, và kín đáo ủng hộ các hoạt động của Giáo Hội này, thì chính phủ miền Bắc, vì định nghĩa tôn giáo là thuốc phiện ngu dân, nên đã đàn áp tôn giáo. Người Công Giáo nào khước từ không tham gia Hiệp HỘi Kitô Giáo Đại Hàn do người ủng hộ cộng sản khời xướng đều bị coi là những thành phần dơ bẩn và nguy hiểm. Ngay sau khi thành lập chính phủ Cộng Hòa Nhân Dân, các kiểm soát và hạn chế đối với Giáo Hội Công Giáo được tăng cường.

4. Giáo Hội và Chiến Tranh Triều Tiên

Chiến Tranh Triều Tiên, bắt đầu ngày 25 tháng Sáu năm 1950, gây thiệt hại kinh khủng cho Giáo Hội Công Giáo Đại Hàn. Các giáo sĩ cũng như các giáo dân trong các vai trò lãnh đạo Giáo Hội còn kẹt lại trong lãnh thổ bị Quân Đội Bắc Hàn chiếm đóng đã bị bắt giữ. Một số bị giết và các nhà cửa của Giáo Hội bị tiêu hủy. Con số linh mục và tu sĩ nam nữ cả Đại Hàn lẫn ngoại quốc bị cộng sản bắt giam lên tới 150 người kể cả 5 giám mục. Phần lớn các vị này đã bị sát hại và đây là một mất mát trầm trọng cho Giáo Hội Công Giáo. Các hoạt động mà Giáo Hội tham gia từ ngày độc lập bị chiến tranh ảnh hưởng trầm trọng. Các trường học và ấn phẩm do Giáo Hội điều khiển mất hết chức năng bình thường của chúng.

Giáo Hội Bắc Hàn bị thiệt hại nặng nề bởi cuộc chiến. Ngay cả trước chiến tranh, các đấng bản quyền của đại diện tông tòa Bình Nhưỡng và Đan Viện Độc Lập Dokwon cũng đã bị cộng sản bắt giam năm 1949 và bị tống giam. Sau đó, vị đại diện tông tòa Bình Nhưỡng, Đức Cha Hong Yeong-ho, đã mất tích, còn Đức Sauer, O.S.B., Viện Phụ Dokwon, thì chết trong tù. Ngay trước khi Chiến Tranh Triều Tiên bùng nổ năm 1950, phần lớn các linh mục, còn lại ở Bắc Hàn và còn tích cực hoạt động truyền giáo, đều bị bắt hay bị giết hoặc mất tích. Các Đan Sĩ Biển Đức Dokwon bị yêu cầu đóng cửa đan việc vào năm 1949, các Nữ Tu Dòng Đức Bà Hằng Cứu Giúp cũng cùng chung một số phận vào năm 1950. Thời Chiến Tranh, phần lớn các cơ sở Giáo Hội ở Bắc Hàn bị tàn phá hoàn toàn. Không một linh mục nào còn lại và người Công Giáo chịu đau khổ rất nhiều.

Nhưng mặt khác, Giáo Hội tại Nam Hàn thì sống còn và tiếp tục sứ mệnh của mình. Khi Bắc Hàn được Quân Đội Cộng Hòa Đại Hàn và LHQ lấy lại, người Công Giáo miền Nam đã đưa ra sáng kiến phục hồi Giáo Hội miền Bắc. Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau, các cố gắng của họ thành công cốc vì tình huống chiến tranh lại được lặp lại. Lúc ấy, Giáo Hội miền Nam chì còn biết giúp người Công Giáo miền Bắc bằng cách chăm sóc người tị nạn và chăm sóc mục vụ cho các binh sĩ. Các tuyên úy quân đội của lục quân Hoa Kỳ nhận trách nhiệm phục vụ tù binh chiến tranh của quân đội cộng sản. Giáo Hội hết sức cố gắng khắc phục các thiệt hại do chiến tranh gây ra và can đảm thi hành công cuộc truyền giáo của mình.

5. Chủ nghĩa McCarthy và phong trào chống cộng

Trong Chiến Tranh Triều Tiên, một số lớn người Công Giáo tham gia cuộc đấu tranh chống cộng sản. Một số người Công Giáo Đại Hàn còn cố gắng hành động cách hữu hiệu chống lại chủ nghĩa cộng sản bằng cách tổ chức ra đoàn chí nguyện quân Công Giáo. Phần lớn tín hữu tin rằng đấu tranh chống cộng là hành động đầy ý nghĩa đối với người Công Giáo. Một số người còn ra mật trận, sẵn sàng chết vì đạo. Thái độ này của người Công Giáo chịu ảnh hưởng sâu sắc của ý thức hệ chống cộng mà Giáo Hội Công Giáo vốn nhấn mạnh trong tiền bán thế kỷ 20.

Đàng khác, các tâm tư chống cộng rất phổ biến trong xã hội Nam Hàn vì người ta tin rằng Chiến Tranh Triều Tiên là do cuộc tấn công phủ đầu của miền Bắc. Giáo Hội Công Giáo và tín hữu cũng cùng chung một tâm tư như thế. Họ là thành phần của khuynh hướng này hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp. Các kinh nghiệm riêng của họ về chiến tranh trùng hợp với giáo huấn chống cộng của Giáo Hội. Một số các nhà lãnh đạo Giáo Hội thậm chí còn cho rằng Chiến Tranh Triều Tiên là cuộc thánh chiến chống chủ nghĩa vô thần của thời hiện đại, và chủ nghĩa cộng sản là hiện thân của ma quỉ. Dân chúng sẵn sàng hiến mạng sống mình cho xứ sở trong tinh thần tử đạo. Trong bầu không khí như thế, Giáo Hội Công Giáo Nam Hàn dễ ủng hộ chủ thuyết McCarthy, một chủ nghĩa chống cộng quá khích và chủ nghĩa này nay vẫn còn hiện diện một phần.

6. Kết luận

Trong diễn trình tăng cường Chiến Tranh Lạnh giữa Đông và Tây sau Thế Chiến II, Đại Hàn thấy mình có hai chính phủ với ý thức hệ khác nhau. Nước này trở thành ngã ba đường nơi Đông Tây chống nhau và do đó, chịu nhiều tranh chấp cùng chiến tranh. Trong quá trình thành lập hai chính phủ, Giáo Hội Bắc Hàn chịu nhiều khó khăn và biến động trong khi ấy người Công Giáo miền Nam liên tiếp cảnh giác chống lại chủ nghĩa cộng sản và mong muốn có một chính phủ không cộng sản vì họ ý thức được thực tại của Giáo Hội miền Bắc dưới chế độ cộng sản. Thành thử, Giáo Hội Công Giáo miền Nam ủng hộ một chính phủ biệt lập với miền Bắc. Khi làm như vậy, các nhà lãnh đạo Giáo Hội miền Nam đã sao lãng phần nào sự quan trọng của việc xây dựng một quốc gia thống nhất.

Không bao lâu sau ngày thành lập các chính phủ Nam Bắc, Chiến Tranh Triều Tiên đã bùng nổ. Trong cuộc chiến này, Giáo Hội Bắc Hàn kể như bị tiêu diệt, trong khi Giáo Hội Nam Hàn thì sống sót và vượt qua được tình hình dù bị Chiến Tranh tác hại trầm trọng. Không phải chỉ có Giáo Hội mới đau khổ vì chiến tranh mà là cả toàn dân. Chủ nghĩa McCarthy rất thịnh hành hồi đó trong xã hội Đại Hàn và Giáo Hội cũng bị chủ nghĩa này chi phối. Não trạng của các nhà lãnh đạo Giáo Hội và của các tín hữu chịu chi phối bởi ý thức hệ chống cộng không những trong thời chiến tranh, mà còn lâu dài cả sau đó nữa.

Giáo Hội Đại Hàn ngày nay, dựa vào kinh nghiệm lịch sử và việc tự vấn lương tâm, đang cố gắng phát huy một thái độ mềm dẻo hơn cho phù hợp với tinh thần Tin Mừng, nhằm thực sự phục vụ nhân loại và Nước Thiên Chúa.

XI. Giáo Hội Công Giáo Nam Hàn sau Chiến Tranh Triều Tiên

1. Bối cảnh thời gian

Từ ngày Nam Bắc Hàn kỳ hiệp ước đình chiến tháng 7 năm 1953, sự phân chia Bán Đảo Đại Hàn đã được tăng cường thêm. Cả Nam lẫn Bắc Hàn đều cố gắng khắc phục sự thiệt hại của chiến tranh và củng cố hệ thống chính trị và xã hội liên hệ. Trong ngữ cảnh này, nhiệm vụ khẩn trương của xã hội Nam Hàn là vừa khắc phục sự thiệt hại của chiến tranh vừa đương đầu với sự đe dọa luôn luôn có thể của miền Bắc.

Ngay sau đình chiến, đã có ý niệm rất phổ biến là miền Nam cần một sự lãnh đạo mạnh để có thể đương đầu với đe dọa xâm lăng của cộng sản cũng như cần sự trợ giúp của ngoại quốc để có thể khắc phục sự thiệt hại của chiến tranh. Thành thử, chính phủ Lý Thừa Vãn đặt nặng đường lối chính trị chống cộng và thân Mỹ, và cương quyết tiếp tục bám lấy quyền hành. Trong bối cảnh này, chế độ độc tài của ông ta càng ngày càng được củng cố cho tới ngày xụp đổ bởi cuộc Cách Mạng Dân Chủ 19 Tháng Tư năm 1960.

Một chính phủ do Đảng Dân Chủ lãnh đạo đã được thành lập như là hậu quả của “Cách Mạng Dân Chủ 19 Tháng Tư” và Trương Miễn (Chang Myon) được bầu làm thủ tướng. Chính phủ mới được trao cho trách nhiệm nặng nề là thực hiện dân chủ hóa và kỹ nghệ hóa đất nước. Để chu tòan trách nhiệm này, Đảng Dân Chủ đã cố gắng hết mình. Tuy nhiên, các cố gắng của họ thất bại do cú đảo chánh của tướng Phác Chính Hi ngày 16 tháng Năm năm 1961. Tình huống chính trị và xã hội từ lúc đình chiến năm 1953 tới cuộc đảo chánh quân sự năm 1961 đã tác động mạnh mẽ lên việc khai triển của lịch sử Giáo Hội Nam Hàn.

2. Sự lớn mạnh của Giáo Hội Nam Hàn

Trong thời gian trên, Nam Hàn cố gắng phục hồi sự ổn định xã hội, Giáo Hội miền Nam dần dần cũng phục hồi được các cơ sở Giáo Hội đã bị hủy diệt thời Chiến Tranh Triều Tiên và phát triển các hoạt động truyền giáo. Trong bối cảnh này, con số các tổ chức Công Giáo xuất hiện khá nhiều và người Công Giáo tích cực dấn thân vào nhiều hoạt động khác nhau. Hội Đồng Công Giáo Đại Hàn, được thiết lập năm 1948, hăng say dấn thân vào hoạt động với một tinh thần đổi mới. Các ngài tạo cơ hội cho nhiều tiến bộ mới trong việc truyền giáo, cả trực tiếp lẫn gián tiếp, bằng cách tăng cường các sinh hoạt đa dạng như giáo dục, y khoa, xuất bản và an sinh xã hội v.v…

Nhiều dòng tu mới cũng tìm đường vào Đại Hàn để truyền giáo. Các hoạt động của họ đã đóng góp đáng kể vào việc lớn mạnh và trưởng thành của Giáo Hội sở tại. Đình chiến là một cơ hội tốt để mọi hội dòng nội địa lớn mạnh và phát triển đầy đủ. Hoạt động của các dòng tu đã đẩy nhanh đà phát triển của xã hội Nam Hàn.

Ở hậu trường việc phát triển của Giáo Hội Nam Hàn trong thập niên 1950, ta phải kể tới việc dấn thân và lòng tận tụy của khá nhiều tổ chức tông đồ và hiệp hội sùng kính khác nhau. Trong số này, Đạo Binh Đức Mẹ, được đưa từ Ái Nhĩ Lan vào Đại Hàn năm 1953, là đoàn thể đặc trưng hơn cả. Sự đóng góp của Đạo Binh Đức Mẹ đã thành công trong việc dẫn dụ tín hữu tham gia việc truyền giáo và các hoạt động của Giáo Hội không như những hiệp hội hiện có lúc đó chỉ quanh quẩn trong việc sùng kính cá nhân. Thực thế, phong trào Đạo Binh Đức Mẹ đóng góp hết sức đáng kể vào việc lớn mạnh của Giáo Hội Nam Hàn. Theo số liệu của Theresa Kim Hwa-young trên AsiaNews ngày 29/8/2005, nhân dịp kỷ niệm 50 năm tới Đại Hàn, Đạo Binh Đức Mẹ tại Nam Hàn có 2 Senatus, 11 Regia, 182 Concilia, 1,916 Curia, 30,522 Praesidia và 291,144 hội viên hoạt động và 267,166 hội viên tán trợ. Hội Thanh Lao Công (J.O.C.), được đưa vào Nam Hàn năm 1957, cũng đóng một vai trò có ý nghĩa trong giới thợ thuyền giữa lúc quốc gia tiến tới chỗ phát triển kỹ nghệ tòan diện.

Thời Chiến Tranh Triều Tiên, Giáo Hội Nam Hàn đã khai triển cả một hệ thống cứu trợ rất tích cực dành cho các nạn nhân chiến tranh với sự giúp đỡ nhân đạo của các Giáo Hội ngoại quốc và hệ thống này vẫn tiếp tục hoạt động sau ngày đình chiến. Tuy nhiên, cứu trợ ngoại quốc mỗi ngày mỗi giảm đi, nên Giáo Hội sở tại phải dựa vào sáng kiến và cố gắng của mình. Thí dụ, năm 1952, Giáo Hội phát động chiến dịch “Hiệp Hội Tín Dụng” trong một cố gắng nhằm giúp các tín hữu khắc phục cảnh nghèo cùng cực vốn là hậu quả trực tiếp của chiến tranh. Sáng kiến này đã hữu hiệu giúp các tín hữu củng cố chí lực của họ trong việc tự túc tự cường và từ từ tiến tới chỗ tổ chức các hình thức tín dụng do chính người dân thường quản lý. Ngày nay, sáng kiến này đã biến thành một trong các tổ chức ngân hàng quan trọng nhất ở Nam Hàn. Ngoài ra, Giáo Hội còn quan tâm và tích cực dấn thân vào các lãnh vực như mở các trường huấn luyện và dạy nghề.

Với những cố gắng như trên, Giáo Hội Nam Hàn đã thực hiện được một sự lớn mạnh rất đáng kể. Năm 1953, con số tín hữu ở miền Nam chỉ là 170,000 người, nhưng tới năm 1961, nó đã lên tới 500,000 người, tức gia tăng mỗi năm 16.5 phần trăm. Riêng năm 1958, mức gia tăng là 24.18 phần trăm. Trong số này, có các “Kitô hữu lúa gạo” nghĩa là những người trở lại Công Giáo do ảnh hưởng của các chương trình cứu trợ của Giáo Hội. Tuy nhiên, hiện tượng đáng lưu ý là: trong số các tân tòng, còn có một số trí thức và giai cấp trung lưu vốn đang đóng một vai trò lãnh đạo trong xã hội. Đó chính là khởi đầu của hiện tượng Giáo Hội Nam Hàn trở thành Giáo Hội của giai cấp trung lưu. Nhờ hiện tượng này, sự quan trọng và vai trò tương đối của Giáo Hội trong xã hội Đại Hàn đã tăng lên đáng kể.

Trong thập niên 1950, việc bành trướng đức tin Công Giáo là điều thấy rõ qua sự kiện Giáo Hội hiện diện khắp nơi trong xứ kể cả các hòn đảo xa xôi. Tiến bộ nữa cũng đáng lưu ý diễn ra trong lãnh vực giáo dục. Chính trong thời điểm này, Đại Học Công Giáo Hán Thành đã mở khoa y cung cấp nguồn nhân lực y tế rất quan trọng cho xã hội Đại Hàn. Đại Học Sogang tại Hán Thành cũng như Đại Học Phụ Nữ Hyoseong tại Daegu, cả hai do Dòng Tên điều khiển, đã được thành lâp trong thời gian này cùng với nhiều cơ sở giáo dục trung cấp khác.

3. Giáo Hội Công Giáo và chế độ Lý Thừa Vãn

Lý Thừa Vãn, người lãnh đạo phong trào độc lập ở Hoa Kỳ, đã trở lại Đại Hàn, quê hương ông, sau khi đất nước này được độc lập khỏi ách thống trị của thực dân Nhật, và đã dấn thân ngay vào việc thành lập một chính phủ mới. Cuối cùng, ông đã trở thành tổng thống đầu tiên của Cộng Hòa Đại Hàn. Mối liên hệ giữa Giáo Hội Đại Hàn và Tổng Thống họ Lý tương đối tốt đẹp vì chủ trương chống cộng của Giáo Hội phù hợp với chủ trương của ông. Ông Lý, người vốn không có điểm tựa chính trị mạnh mẽ ở Nam Hàn, muốn được người Công Giáo ủng hộ. Nên ông đã cố gắng hết mình để người Công Giáo có ấn tượng tốt về ông.

Tuy nhiên, mối liên hệ ấy, đến năm 1952, thì bắt đầu rạn nứt. Chính sách cai trị sai lầm và nền độc tài của chính phủ Lý Thừa Vãn khiến mất lòng dân, làm họ trở thành thù nghịch. Do đó, ông đã phải đương đầu với một phong trào đối kháng hợp pháp. Phong trào này đã được khởi diễn và lãnh đạo bởi nhật báo Công Giáo "Gyeonghyang Sinmun". Năm 1951, Thủ Tướng Trương Miễn, một người Công Giáo nhiệt thành, với sự hỗ trợ của Đức Cha Paul Rho Gi-nam, Giám Mục Hán Thành, đã từ chức và dấn thân vào phong trào chống độc tài. Thế là từ đó, Lý Thừa Vãn coi Giáo Hội Công Giáo là kẻ thù và khởi sự một chiến dịch để loại trừ Giáo Hội này. Nhưng rồi năm 1956, Trương Miễn được bầu làm phó tổng thống và trở thành nhân vât hàng đầu lãnh đạo phong trào phản đối. Việc này càng làm tăng sự đối kháng của Chính Phủ Lý Thừa Vãn với Giáo Hội.

Chính sách thù nghịch và đàn áp của Ông Lý và đồng minh chống lại Tờ Gyeonghyang Sinmun càng gia tăng thêm. Họ tố cáo Giám Mục Rho Gi-nam, người chịu trách nhiệm xuất bản tờ Gyonghyang Sinmun, là “giám mục chính trị” hay “giám mục bất đồng” và bắt đầu tấn Công Giáo Hội một cách lộ liễu từ tháng Mười năm 1957. Cuộc bách hại chính trị của họ Lý trở nên ngang nhiên đến nỗi ông ra lệnh vô hiệu hóa việc bầu tất cả các ứng cử viên Công Giáo tại cuộc tổng tuyển cử Quốc Hội. Các viên chức Công Giáo cũng bị buộc phải từ chức hay giáng chức.

Thêm vào đó, ông còn phái Tổng Trưởng Tư Pháp tới Vatican để yêu cầu giáo quyền thay thế Giám Mục Rho Gi-nam. Do đó, Tòa Thánh đã phái Đức HY G.P. Agagianiani (người từng tới Sài Gòn chủ tọa Đại Hội Thánh Mẫu Tòan Quốc năm 1959) tới Đại Hàn để điều tra sự thực.

Việc chính phủ của họ Lý đối xử tàn tệ như trên là một thách thức đối với Giáo Hội vì họ đã đối đầu với sứ vụ tiên tri của các nhà lãnh đạo và báo chí Giáo Hội. Vì Giáo Hội dám dấn thân trọn vẹn cho cuộc đấu tranh chống độc tài và liều mình chịu đau khổ và bách hại, nên tính khả tín xã hội và được lòng dân của Giáo Hội gia tăng đáng kể hơn nữa. Đó là một trong các lý do giúp cho Giáo Hội Công Giáo bành trướng nhanh chóng trong hậu bán thập niên 1950.

4. Giáo Hội Công Giáo và quyền lực chính trị của Đảng Dân Chủ

Mối liên hệ của Chính Phủ họ Lý với Tờ Gyeonghyang Sinmun và ông Trương Miễn được coi như mối liên hệ giữa Giáo Hội và chính phủ. Vì không bác bỏ mối liên hệ và tranh chấp ngượng ngịu với chính phủ, Giáo Hội phải dùng mọi phương cách có thể để sống còn dưới áp lực nặng nề. Trong khi ấy, đa số người Công Giáo ủng hộ Trương Miễn một cách đầy mến thương và nhiệt thành.

Cuộc tranh đấu của tờ Gyeonghyang Sinmun và của ông Trương Miễn chống độc tài được coi là một phần trong vai trò tiên tri của Giáo Hội. Cuộc Cách Mạng Dân Chủ 19 Tháng Tư năm 1960 đã khiến chế độ độc tài của họ Lý sụp đổ. Giáo Hội chào mừng cuộc chiến thắng của dân này và hỗ trợ phong trào cách mạng chống độc tài. Các phong trào kháng chiến của sinh viên Công Giáo và các linh mục tuyên úy của họ đã rất tận tụy trong việc chăm sóc các nạn nhân cho dù nguy hiểm tới tính mạng. Nhiều người Công Giáo mô phỏng gương sáng của họ và dấn thân giúp đỡ những người bị thương trong cuộc đấu tranh cách mạng này. Sự tham gia của người Công Giáo vào phong trào dân chủ như thế lan qua nhiều giáo xứ và thành phố kể cả Busan và Masan.

Với việc chiến thắng của cuộc cách mạng dân chủ, Hiến Pháp đã được tu chính và nội các được cải tổ. Tờ Gyeonghyang Sinmum cũng được tái bản. Do đó, Đảng Dân Chủ của Trương Miễn đã thắng cử và chính ông trở thành thủ tướng theo Hiếp Pháp vừa được tu chính. Sự ủng hộ của Giáo Hội đối với Trương Miễn gần như độc hữu.

Dưới chính phủ họ Trương, Giáo Hội cố gắng suy nghĩ về mối liên hệ hỗ tương giữa tôn giáo và chính trị và nhiệm vụ công dân của người Công Giáo. Nhờ thế, Giáo Hội thấy rõ hơn rằng việc phân lập giữa Giáo Hội và Nhà Nước không có nghĩa là sự phân lập giữa tín hữu và Nhà Nước. Bởi thế, Giáo Hội nhấn mạnh tới nhiệm vụ của người tín hữu là phát biểu các ý kiến phù hợp với giáo huấn xã hội của Giáo Hội và khuyến khích tín hữu cũng như hàng giáo sĩ tích cực tham gia sinh hoạt xã hội. Trong bối cảnh này, Giáo Hội đã đóng góp một cách có ý nghĩa vào việc nâng cao ý thức xã hội của tín hữu Đại Hàn vào đầu thập niên 1960. Giáo Hội khuyến khích tín hữu sống như những thành phần tích cực của lịch sử cả trong tư cách Công Giáo lẫn trong tư cách công dân Đại Hàn.

5. Kết luận

Từ khi ngưng bắn, Giáo Hội Nam Hàn phát triển nhanh chóng. Tuy nhiên, ngay sau cuộc ngưng bắn này, Giáo Hội lại phải sống dưới sự kiểm soát nghiêm ngặt của Chính Phủ Lý Thừa Vãn. Việc kiểm soát kiểu áp chế của họ Lý đối với Giáo Hội có liên hệ trực tiếp với Trương Miễn, đứng đầu đảng đối lập. Chế độ họ Lý bị lật đổ bởi xự xuất hiện của Đảng Dân Chủ. Theo một nghĩa nào đó, dưới chính phủ do Đảng Dân Chủ lãnh đạo, Giáo Hội có cơ hội làm chín mùi cách tiếp cận các vấn đề có liên hệ tới tương lai của người dân Đại Hàn với một viễn ảnh rộng rãi hơn. Kinh nghiệm lịch sử của Giáo Hội vào lúc này đã phản ảnh giáo huấn xã hội của Giáo Hội. Cùng với “ký ức bằng máu” của thời bách hại, “ký ức tham gia xã hội” của thời kỳ đặc biệt này đã trở thành giá trị truyền thống trong lịch sử Giáo Hội Công Giáo Nam Hàn. 

XII. Giáo Hội Công Giáo Đại Hàn trong thập niên 1960

1. Bối cảnh thời gian

Thập niên 1960 là khúc rẽ đối với lịch sử Đại Hàn. Dưới quan điểm chính trị, cuộc Cách Mạng Dân Chủ 19 Tháng Tư là cuộc nổ bùng các khát vọng tha thiết của nhân dân muốn dân chủ hóa cơ cấu quốc gia quá nặng ở thượng tầng, muốn giảm thiểu quyền lực của nó, muốn băng bó các vết thương do chiến tranh và chia rẽ gây ra, muốn giảm quyền kiểm soát đang đè nặng lên dân vì các liên hệ quốc tế và muốn mở rộng chủ quyền quốc gia và quyền độc lập của nó. Cuộc Cách Mạng Tháng Tư cũng là khởi điểm của việc nhân dân cương quyết thực hiện nền kinh tế dân chủ, thực hiện việc phân chia công bằng sự thịnh vượng và kỹ nghệ hóa quốc gia qua việc phục hồi nền kinh tế đang đi xuống.

Do dó, tổng thống chế, từng gây ra nạn độc tài Lý Thừa Vãn, sau Cách Mạng Dân Chủ 19 Tháng Tư, đã bị bác bỏ ngay lập tức, và nghị viện chế đã được đưa vào với Trương Miễn làm thủ tướng hội đồng nội các. Hệ thống này đưa ra các biện pháp cụ thể nhằm xây dựng lại nền kinh tế để thỏa mãn nhu cầu của thời đại và để khai triển các kế hoạch sẽ trở thành bản thiết kế cho kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm sau này. Tuy nhiên, Đảng Dân Chủ của họ Trương, vì là kẻ thừa hưởng chủ nghĩa chống cộng và hệ thống quân sự của Đảng Tự Do trước đây, nên chỉ kéo dài được 9 tháng.

Chế độ quân sự cầm quyền sau một cú đảo chính đã cố gắng biện minh cho tác phong của mình bằng việc tăng cường chủ nghĩa chống cộng và nhấn mạnh tới sự cấp thiết của việc phát triển kinh tế. Do đó, họ đã thi hành việc kỹ nghệ hóa nhanh chóng, bằng cách lôi kéo tư bản ngoại quốc. Phần đông người Đại Hàn có cảm tình với chế độ quân sự nhờ khía cạnh này.

Tuy nhiên, chế độ quân sự đã xây dựng rất nhanh một hệ thống chính trị chuyên quyền bằng cách phá vỡ các hứa hẹn của họ với dân khi chiếm quyền từ chính phủ dân sự. Trong quá trình này, chế độ quân sự cố gắng thuyết phục dân tin vào sự cần thiết của hệ thống của họ, nhưng dân không tin và do đó, họ phải đương đầu với phản ứng mạnh mẽ của dân. Đáp lại, chính phủ quân đội đã đàn áp mọi chống đối bằng một bộ máy tình báo rất có hệ thống. Trong quá trình kỹ nghệ hóa nhanh chóng, nhiều vấn đề và phản ứng phụ đã xuất hiện liên quan tới việc ưu tiên lôi cuốn tư bản ngoại quốc và việc vi phạm quyền lợi công nhân.

Theo cái nhìn của lịch sử Giáo Hội, thập niên 1960 cũng là một khúc rẽ. Sau Công Đồng Vatican II (1962-1965), một phong trào phổ quát nhằm canh tân Giáo Hội đã lan tràn khắp nước. Các giám mục Đại Hàn từng tham dự Công Đồng, một Công Đồng đã đưa ra một học lý có hệ thống về việc Giáo Hội tham gia xã hội, đã cố gắng nhấn mạnh tới sứ mệnh mới của Giáo Hội. Trong quá trình này, căng thẳng giữa các giáo huấn mới của Giáo Hội và các hoàn cảnh mới mà xã hội Đại Hàn đang phải đương đầu dần dần đã xuất hiện và phát triển.

2. Giáo Hội, Nhà Nước và Tòa Thánh

Với nội các Trương Miễn, ngay sau Cách Mạng Tháng Tư năm 1960, Giáo Hội và chính phủ duy trì được một liên hệ hòa bình. Năm 1960, Đức Cha Xavier Zupi(11/1960-4/1962) được cử làm Khâm Sứ Tòa Thánh tại Đại Hàn, nhờ thế, liên hệ giữa chính phủ Đại Hàn và Tòa Thánh càng chặt chẽ hơn nữa. Tình hình này tiếp tục cả sau cuộc đảo chính ngày 16 tháng Năm.

Giáo Hội, người mạnh mẽ ủng hộ Trương Miễn, cố gắng duy trì mối liên hệ tốt đẹp với các nhà cầm quyền quân sự từng lật đổ Nội Các họ Trương bằng đảo chính. Khâm Sứ Tòa Thánh thừa nhận thẩm quyền cách mạng của quân đội và tỏ cảm tình thân hữu với họ vì chính sách chống cộng của họ. Người ta hiểu thái độ này của Khâm Sứ Tòa Thánh như là một kế hoạch được Giáo Hội xếp đặt trước nhằm tránh cuộc đụng độ với chính phủ quân sự.

Trong thập niên 1960, Giáo Hội Công Giáo Đại Hàn đã thực hiện được nhiều tiến bộ đáng nhớ trên bình diện quốc tế. Giáo Hội này đã được Tòa Thánh thiết lập hàng giáo phẩm chính thức vào ngày 10 tháng Ba năm 1962 và đồng thời các vị bản quyền Hán Thành, Taegu và Kwangju đã được nâng lên hàng tổng giám mục. Theo phương thức này, Giáo Hội Đại Hàn được tái tổ chức thành 3 tổng giáo phận và 8 giáo phận. Các giáo phận Inchon, Taejon, Chunchon, Bình Nhưỡng (Pyongyang) và Hamhung thuộc giáo tỉnh Hán Thành, các giáo phận Pusan và Cheongju thuộc giáo tỉnh Taegu và giáo phận Chonju thuộc giáo tỉnh Kwangju. 178 năm sau ngày thiết lập, Giáo Hội Công Giáo Đại Hàn đã nhận được cơ cấu cần thiết để trở thành Giáo Hội địa phương tự lập. Đại Hàn không còn là một lãnh thổ truyền giáo nữa.

Giáo Hội và chính phủ tiếp tục duy trì được mối liên hệ tương đối hòa bình. Hội Đồng Công Giáo Đại Hàn, được thiết lập năm 1949 với mọi giám mục bản quyền làm thành viên, đã được đăng ký tháng Chín năm 1962 như là một cơ quan có tư cách pháp nhân theo bộ luật mới của Đại Hàn. Một số chính trị gia Công Giáo tham gia tân chính phủ quân đội. Việc tham gia này được động viên nhờ tuyên bố chính sách chống cộng và kỹ nghệ hóa của chế độ vì cả Giáo Hội lẫn xã hội Đại Hàn lúc đó đang bị thách thức vì cảnh nghèo đói nghiêm trọng. Họ cảm thấy nhu cầu cấp thiết phải khắc phục nghèo đói bằng phát triển kinh tế. Tuy nhiên, chính phủ quân sự đã sử dụng các nghiệp vụ tình báo rất tinh vi để toan tính kiểm soát Giáo Hội. Mầm mống tranh chấp giữa Giáo Hội và chính phủ đã đâm chồi ngay trong thập niên 1960.

3. Canh tân Giáo Hội và phát triển

Xã hội Đại Hàn trong thập niên 1960 là nạn nhân của cuộc đảo chính do Tướng Phác Chính Hi lãnh đạo. Tuy nhiên, trong thời gian này, nhân dân Đại Hàn đã xây đắp được một đà thúc đẩy tiến bộ kinh tế và cố gắng khắc phục các gian khổ do cú đảo chính gây ra bằng cách thách thức chính phủ chuyên chế. Để kiểm soát được tình huống này, Tổng Thống Phác Chính Hy đã tăng cường chế độ độc tài bằng cuộc Cải Cách Yusin (cuộc cải cách hồi sinh) vào tháng Mười năm 1972. Từ cuộc Cách Mạng Dân Chủ 19 Tháng Tư năm 1960 tới cuộc Cải Cách Yusin năm 1972, Giáo Hội Đại Hàn đã theo đuổi một cuộc tự canh tân không ngừng và đã đạt được nhiều tiến bộ đáng kể.

Một thúc đẩy quan trọng để Giáo Hội canh tân và tiến bộ là việc Giáo Hội tự thức tỉnh trước tinh thần Công Đồng Vatican II. Trong và sau Công Đồng, mọi giáo phận và giáo xứ đều học hỏi các văn kiện của Công Đồng. Không chỉ các giám mục tham dự Công Đồng mà thôi mà cả hàng giáo sĩ và giáo dân nữa cũng hăng hái học hỏi các văn kiện và đem chúng ra thi hành. Các nhà lãnh đạo Giáo Hội thời này suy tư nhiều về lịch sử Giáo Hội tại Đại Hàn và trân quí truyền thống và gia bảo tử đạo mỗi ngày một hơn. Các vị nhất trí về nhu cầu phải tham gia vào đời sống của Giáo Hội hoàn vũ cũng như vào sinh hoạt của xã hội. Hình ảnh về Giáo Hội được đổi mới về nhiều phương diện.

Đặc điểm các hoạt động của người Công Giáo Đại Hàn là lòng sùng kính các vị tử đạo Đại Hàn. Các tín hữu suy tư về căn tính Công Giáo của họ và hiểu rằng sứ mạng của họ là phúc âm hóa quốc gia bằng cách noi gương các tổ tiên anh dũng của họ.

Lòng sùng kính các vị tử đạo nở rộ với việc vận động phong hiển thánh cho 24 vị chết trong cuộc bách hại năm 1866 và lên tới đỉnh cao vào năm 1966 với việc các vị được phong chân phúc. Năm 1967, Giáo Hội ấn hành Sách Cầu Nguyện Công Giáo và Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo Đại Hàn viết bằng ngôn ngữ hiện đại và thường ngày của người dân. Thánh Lễ được cử hành bằng tiếng Đại Hàn theo tinh thần Công Đồng Vatican II và việc này giúp tín hữu tham dự tích cực vào phụng vụ. Một phương thức thần học mới để hội nhập văn hóa cũng được thử nghiệm và phong trào học hỏi Thánh Kinh được các Nữ Tu Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp và nhiều người khác khởi xướng đã giúp tín hữu đào sâu các kiến thức về Thánh Kinh.

Việc tổ chức các hội đồng mục vụ của giáo dân tại các giáo xứ, tuy chỉ là bộ phận tham vấn, nhưng đã cổ vũ người giáo dân tham dự vào đời sống Giáo Hội. Hội Đồng Tông Đồ Giáo Dân Đại Hàn được thiết lập năm 1968 và các giáo phận được tổ chức như hiện nay với việc thiết lập ra các giáo phận Inchon, Suwon, Wonju, Masan, Andong và Jeju. Tổng Giám Mục Stephen Kim Sou-hwan của Hán Thành được nâng lên hàng Hồng Y năm 1969, trở thành Hồng Y thứ nhất trong lịch sử Giáo Hội Công Giáo Đại Hàn. Từ đó, hoạt động của ngài có ảnh hưởng to lớn đối với lịch sử Giáo Hội cũng như lịch sử hiện đại Đại Hàn.

Số người Công Giáo Đại Hàn tăng từ 450,000 người vào năm 1968 lên 800,000 người vào năm 1980. Trong 12 năm, con số người Công Giáo Đại Hàn gần tăng gấp đôi. Cùng thời gian này, số linh mục tăng từ 243 lên 571; số nữ tu từ 721 tăng lên 2,193. Vào lúc đó, Giáo Hội Đại Hàn có đặc điểm tăng cao con số tín hữu, nhiều ơn gọi linh mục và tu sĩ, nhiệt thành phục vụ sự tiến bộ của xã hội Đại Hàn.

4. Giáo Hội Công Giáo trong xã hội

Kể từ Công Đồng Vatican II, Giáo Hội Đại Hàn đã trải qua rất nhiều thay đổi. Một trong các thay đổi đáng lưu ý là cuộc đối thoại với các tôn giáo khác. Cho tới thâp niên 1960, người Công Giáo không liên lạc với người Thệ Phản và việc đối thoại với người Phật Giáo hay các tôn giáo cổ truyền khác đều bị cấm. Bầu khí thù nghich này đã từ từ được thay thế bởi một liên hệ thân hữu. Các đại diện Công Giáo, Thệ Phản, Anh Giáo, Phật Giáo, Khổng Giáo và Chondogyo đã cùng nhau thành lập Hiệp Hội Tôn Giáo Đại Hàn vào năm 1972. Sau đó, các tổ chức đa tôn giáo cũng đã được thành lập như Hội Đồng Đại Hàn Về Tôn Giáo và Hòa Bình. Một điều đáng ghi là việc cải thiện mối liên hệ với Giáo Hội Thệ Phản.

Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Đại Hàn đã thực hiện nhiều cố gắng đại kết và thành lập Ủy Ban Cổ Vũ Hợp Nhất Kitô Giáo và Đối Thoại Liên Tôn (CPCUID). Từ đó, các linh mục Công Giáo và các mục sư Thệ Phản đã thăm viếng lẫn nhau và giảng dạy tại các nhà thờ của nhau. Các buổi cầu nguyện cho hợp nhất đã được tổ chức và đã hợp tác với nhau vì ích chung. Thành quả vượt bực của phong trào đại kết là việc cùng nhau phiên dịch Cựu và Tân Ước sang tiếng Đại Hàn. Năm 1967, CPCUID tham khảo các Giáo Hội Thệ Phản để có bản dịch Thánh Kinh chung và nhờ đó, Tân Ước đã được xuất bản năm 1970 và bản dịch trọn bộ Cựu và Tân Ước đã được hoàn tất và xuất bản năm 1977. Kể từ đó, Bộ Thánh Kinh này đã được chính thức nhìn nhận và sử dụng trong Giáo Hội Công Giáo Đại Hàn.

Với một cái hiểu và cái nhìn thông sáng mới đối với công bằng xã hội, Giáo Hội bắt đầu dấn thân vào chính nghĩa nhân quyền và sự tiến bộ của xã hội Đại Hàn. Giáo Hội lớn tiếng ủng hộ phẩm giá sự sống con người chống lại chính sách kiểm soát sinh đẻ của chính phủ. Năm 1964, khi chính phủ Đại Hàn mưu toan thông qua điều gọi là “dự luật ưu sinh” tại Quốc Hội, Giáo Hội Công Giáo đã mạnh mẽ chống đối việc này, và kết quả, dự luật không được thông qua. Cũng thế, năm 1970, khi chính phủ cố gắng hợp pháp hóa việc phá thai bằng cách đưa ra Đạo Luật Mẹ và Con, toàn thể Giáo Hội Đại Hàn đã nhất tề chống lại nó và cho ra đời phong trào phò sự sống. Nhờ thế, nhiều người ý thức được tính thánh thiêng của sự sống con người và nhu cầu phải bảo vệ nó.

Với việc gia tăng quan tâm đối với vấn đề xã hội nơi các nhà lãnh đạo Giáo Hội và với sự hỗ trợ của các ngài, phong trào Thanh Lao Công đã triển nở. Phong Trào Nông Dân Công Giáo, thành lập năm 1966, cũng cho thấy quan tâm mục vụ của Giáo Hội dành cho các nông dân. Khi các cuộc tranh chấp lao động liên quan tới Thanh Lao Công diễn ra tại Đảo Ganghwa năm 1968, Hội Đồng Giám Mục đã đứng về phía công nhân và ban hành một tuyên bố chung tựa là “Ta hãy khắc phục các phi lý hiện nay” trong đó, các giám mục lên án các vi phạm nhân quyền và bóc lột công nhân. Sự tham gia tích cực của các giám mục trong việc thể hiện công bằng xã hội là cơ hội tốt để xã hội Đại Hàn tái lượng giá Giáo Hội. Đối với Giáo Hội, thời kỳ này là thời kỳ xây dựng nền tảng học lý của mình về công bằng xã hội và tiềm năng đề kháng bất công và áp bức của Hệ Thống Yushin.

XIII. Quan tâm của Giáo Hội về công lý và phát triển văn hóa

1. Bối cảnh thời gian

Thập niên 1970 là thời gian có ý nghĩa trong lịch sử hiện đại của Đại Hàn vì nền độc tài quân sự, được tượng trưng bằng Hệ Thống Yushin, đã được thiết lập vào năm 1972. Dưới hệ thống này, chế độ độc tài được tăng cường trong khi căng thẳng và tranh chấp giữa phe dân chủ và phe độc tài mỗi ngày một gia tăng, và các phong trào hầm trú để bảo vệ nhân quyền và dân chủ đã được khởi động. Chính phủ kiểm soát các phong trào dân chủ bằng Cơ Quan Tình Báo Trung Ương. Một số biện pháp khẩn cấp được ban hành trong thời kỳ này.

Trong khi đó, nền kinh tế Đại Hàn, vốn xoay quanh nông nghiệp và kỹ nghệ nhẹ, nay được chuyển sang kỹ nghệ hóa học và kỹ nghệ nặng. Trong quá trình này, dân số nông dân giảm đi rất nhanh và từ 56.1 phần trăm vào thập niên 1960 giảm xuống còn 28.4 phần trăm trong thập niên 1980. Sự lớn mạnh nhanh chóng về kinh tế thực hiện được là nhờ một chính sách kinh tế đặt căn bản trên lực lượng lao động rẻ tiền. Đại Hàn đạt được mức phát triển kinh tế bất thường 40.7 phần trăm sản ngạch xuất cảng hàng năm và 8.9 phần trăm phát triển kinh tế trung bình suốt thời gian phát triển kinh tế 5 năm.

Phong Trào Saemaeul Undong (Tân Cộng Đồng) được khai triển với sự hỗ trợ hoàn toàn của chính phủ từ năm 1971 và dưới bóng phát triển kinh tế, phong trào lao động đi theo đường riêng của nó. Các tranh chấp lao động khởi đi từ ngành vải vóc, hầm mỏ và kỹ nghệ hóa học giữa thập niên 1960. Từ đầu thập niên 1970, phong trào lao động của những người bị loại khỏi chính sách và các kỹ nghệ lấy xuất cảng làm trọng tâm đã nổi lên một cách mạnh mẽ. Biến cố tự thiêu đến chết của Jeon Tae-il, một nam công nhân trẻ tại một xưởng may tại Chợ Hòa Bình ở Hán Thành vì các điều kiện làm việc tồi tệ, vào ngày 13 tháng Mười Một năm 1970, đã mở màn cho một phong trào lao động mới trong lịch sử Đại Hàn.

Giới giáo duc trong thập niên 1970 cũng không được yên ổn. Nền độc tài quân sự kiểm soát chặt chẽ sự tự trị của các định chế giáo dục và áp đặt đường lối quân phiệt lên khuôn viên các đại học để duy trì quyền lực của mình. Trong diễn trình này, các sinh viên cao đẳng đóng một vai trò tiền phong quan trọng trong việc giành dân chủ bằng cách đứng lên chống độc tài và tham nhũng. Trong giới văn hóa và tư tưởng, một phong trào văn hóa quốc gia cũng đã xuất hiện chống lại nền văn hóa do quân đội kiểm soát. Bằng việc bác bỏ chủ nghĩa quân phiệt và xô vanh, các nhà trí thức theo đuổi cuộc giải phóng nhân bản và dấn thân cho cuộc đấu tranh nhân quyền, công bằng xã hội, dân chủ và thống nhất quốc gia cách hòa bình. Người của thập niên 1970 có ý thức cao về quyền sống và đi tìm một phẩm cách sống tốt hơn và xứng hợp hơn trong tư cách con người. Quả đã khởi đầu một cuộc trường chinh của nhân dân Đại Hàn nhằm bảo đảm nhân phẩm và dân chủ.

2. Phát triển công lý và việc thể hiện nó

Khoảng thập niên 1970, Giáo Hội Đại Hàn suy tư về ý nghĩa và vai trò của việc mình hiện diện với xã hội Đại Hàn cũng như chỗ đứng của mình trong lịch sử dân này. Dưới ảnh hưởng của Công Đồng Vatican II, Giáo Hội Đại Hàn cũng dấn thân vào việc tự canh tân mình. Cùng với việc phát triển lấy kinh tế làm tâm điểm, nhiều vấn đề đã xuất hiện trong xã hội Đại Hàn; trong khi ấy, nền thần học thích ứng với địa phương như nền thần học giải phóng chẳng hạn tiếp tục phát triển. Trong một bối cảnh như vậy, các phong trào của dân nhằm thể hiện công lý cũng đã ra đời vào thập niên 1970.

Phong trào công lý trong Giáo Hội bắt đầu với việc ra đời của Hiệp Hội Các Linh Mục Vì Công Lý vào năm 1974. Từ cuối thập niên 1960, Giáo Hội Đại Hàn đã tỏ ra quan tâm tới các vấn đề như dân chủ hóa chính trị, kỹ nghệ hóa và thống nhất hóa Bán Đảo Triều Tiên. Thí dụ, khi Tổng Thống Phác Chính Hi cố gắng tu chỉnh Hiến Pháp lần thứ ba ngõ hầu kéo dài chế độ cai trị quân phiệt của ông ta, Giáo Hội đã tuyên bố rõ chủ trương của mình là chống lại việc đó. Nhưng quan tâm chính của Giáo Hội trong thập niên 1960 là chú tâm giải quyết các nan đề xã hội do diễn trình phát triển kinh tế làm hại nhân quyền gây ra.

Năm 1971, tổng giáo phận Hán Thành thành lập Ủy Ban Mục Vụ Kỹ Nghệ. Hiệp Hội Toàn Quốc Hội Đồng Tông Đồ Giáo Dân tổ chức một cuộc hội học với chủ đề “Giáo Hội Công Giáo và Phát Triển Xã Hội”. Người Công Giáo và người Thệ Phản cũng thành lập “Liên Minh Kitô Giáo Hành Động Xã Hội” và tổ chức các buổi tụ tập cầu nguyện cho việc phát huy công bằng xã hội.

Cuối cùng, Giáo Hội dấn thân vào việc sửa chữa các thiếu sót xã hội về phương diện cơ cấu và tập trung các cố gắng của mình vào phúc lợi công nhân và việc tận diệt các vi phạm nhân quyền cũng như bóc lột. Một trong các điển hình chủ chốt là “chiến dịch bài trừ tham nhũng”. Bằng cách này, Giáo Hội thách thức thực tại phi lý của xã hội và cơ cấu của nó.

Năm 1974 là khúc rẽ mới đối với phong trào giành công lý của dân chúng. Chính phủ lên án liên đoàn sinh viên quốc gia giành dân chủ và liên hệ tới liên đoàn này, Đức Cố Giám Mục Daniel Tji Hak-sun, lúc ấy là giám mục Wonju, bị kết án hồi tháng 7 năm 1974 với tội danh phản loạn và xúi giục. Do đó, hàng giáo sĩ Đại Hàn đã thành lập Hiệp Hội Linh Mục Vì Công Lý (PAJ) quanh linh mục Augustine Ham Sae-woong và thách thức chế độ quân sự và nền độc tài của nó. Được sự hỗ trợ hoàn toàn của người Công Giáo, PAJ cố gắng giải thích rõ ý niệm công bằng xã hội và yêu thương người yếu đuối trên căn bản giáo huấn xã hội của Giáo Hội.

PAJ đòi hỏi ân xá cho mọi tù nhân lương tâm và căn để giải quyết các thối nát xã hội và tố cáo các vi phạm nhân quyền, đồng thời kêu gọi chấm dứt chế độ độc tài. Tổ chức này cũng đòi phải triệt hạ nền chính trị mách lẻo (tip-off politics) và phải bảo đảm quyền sống và tận diệt các thối nát chính trị và xã hội.

Phong trào công lý của hàng giáo sĩ Đại Hàn được tiến hành với sự hỗ trợ của một số giám mục, nhất là của Đức Hồng Y Stephen Kim Sou-hwan, lúc đó là TGM Hán Thành. Vị Hồng Y này từng lên tiếng cho người bị áp bức và nghèo khổ. Ngài nói rằng sẽ không có tự do tôn giáo nếu không có tự do chính trị và tự do phát biểu. Các cuộc biểu tình ở đường phố và các buổi tụ tập cầu nguyện được liên tục tổ chức tại hầu hết các giáo phận trong cả nước.

3. Sự lớn mạnh của Giáo Hội Công Giáo Đại Hàn

Giáo Hội Công Giáo Đại Hàn, năm 1945, có 183,666 tín hữu, tức vào khoảng 1 phần trăm dân số. Từ ngày giải phóng đất nước khỏi ách cai trị của thực dân Nhật, con số người Công Giáo gia tăng nhanh chóng và đạt tới đỉnh cao vào lúc kết thúc Chiến Tranh Triều Tiên. Mức gia tăng là 6.2% trong thập niên 1960 và 5.2% trong thập niên 1970. Đầu thập niên 1970, số người Công Giáo là 788,082 nhưng ngay cuối thập niên đó, con số này đã lên tới 1,246,268 người hay 3.5 phần trăm dân số.

Mức gia tăng trong thập niên 1970 thấp hơn mức gia tăng trong các năm trước đó nhưng ta cần lưu ý: nhiều người trở thành Công Giáo trong thâp niên 1970 là những nhà trí thức bị lôi cuốn bởi các quan tâm của Giáo Hội về công bằng xã hội và cam kết thể hiện nó. Phong trào công lý của Giáo Hội đã đóng một vai trò quan trọng trong việc làm cho người dân lưu ý tới Giáo Hội Công Giáo. Có ấn tượng mạnh đối với phong trào thể hiện công bằng xã hội của Công Giáo, nhiều người đã gia nhập Giáo Hội. Việc trở lại tập thể của một nhóm thanh thiếu niên Thệ Phản có khuynh hướng chống chế độ quân sự là một trong các điển hình rõ nhất. Về phương diện này, các chuyên viên của khoa xã hội học tôn giáo cho rằng việc Giáo Hội dấn thân vào công bằng xã hội là lý do hàng đầu khiến Giáo Hội Công Giáo lớn mạnh trong thập niên 1970.

Việc gia tăng nhanh chóng các tân tòng xuất thân từ một môi trường xã hội đặc thù nào đó và những người thuộc giai cấp trung lưu đã tạo ra một bầu khí mới mẻ trong Giáo Hội. Các nhà trí thức mới làm trẻ trung Giáo Hội nói chung, còn những người xuất thân từ giai cấp trung lưu đóng góp nhiều cho nền tảng tài chánh. Chẳng bao lâu sau, Giáo Hội Đại Hàn trở thành một Giáo Hội địa phương tự lực. Tuy nhiên, cùng một lúc, con số người Công Giáo ấm ớ hay hâm hấp cũng từ từ gia tăng. Nguyên nhân hàng đầu là việc kỹ nghệ hóa và đô thị hóa lúc ấy đang rất mạnh. Thái độ tiêu cực của Giáo Hội trong việc chống bất công trong một số khu vực cũng có thể được coi là một phần của lý do. Nhiều người trẻ rời bỏ Giáo Hội vì họ thất vọng trước cảnh Giáo Hội thiếu sót trong các vấn đề công lý tại một số khu vực.

Bất kể điều trên, sự mở rộng của Giáo Hội vẫn tiếp diễn đều đặn. Giáo Phận Jeju được thiết lập năm 1977. Với giáo phận mới này, cái khung cơ cấu của Hội Đồng Giám Mục Đại Hàn đã hoàn tất và với Hội Đại Hàn Thừa Sai Ngoại Quốc, lập năm 1974, Giáo Hội Đại Hàn khởi diễn thời đại truyền giáo ra các nước bên ngoài. Vào thời gian này, Phong Trào Cursillo đã được du nhập và đóng góp lớn lao vào việc hồi sinh cuộc sống của giáo xứ. Năm 1971, các Nữ Tu Dòng Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp đã mở các lớp học hỏi Thánh Kinh. Phong Trào Đặc Sủng trở thành phổ biến để đáp ứng cơn khát thiêng liêng của quần chúng và Phong Trào Thế Giới Tốt Hơn đã đâm rễ vào Giáo Hội Đại Hàn. Việc sùng kính cổ truyền các thánh tử đạo Đại Hàn được củng cố và năm 1976, phong trào xin phong hiển thánh cho 103 vị tử đạo Đại Hàn đã được phát động dưới sáng kiến của Hội Đồng Tông Đồ Giáo Dân Đại Hàn.

4. Phát triển nền văn hóa Công Giáo tại Đại Hàn

Phong trào đại kết đã phát triển thành công trong thập niên 1970, theo tinh thần Công Đồng Vatican II. Song song với cố gắng đại kết để phiên dịch Thánh Kinh, nhiều hệ thống hợp tác đại kết khác giữa các Giáo Hội cũng đã được khởi xướng nhằm cùng nhau thể hiện công bằng xã hội. Tuy nhiên, với một ít Giáo Hội Thệ Phản, vấn đề này vẫn chỉ là sáng kiến của các cá nhân mục sư hay tín hữu. Thành thử, phong trào đối thoại liên tôn và phong trào đại kết mất phần lớn xu thế của nó.

Chức năng xã hội của Giáo Hội được khai triển song song với việc bành trướng của Giáo Hội. Năm 1976, các cơ sở an sinh xã hội lớn lao đã được thiết lập trong đó có cơ sở Kkotdongnae. Việc này có thể được giải thích như là một việc bày tỏ tín nhiệm của chính phủ và của xã hội nói chung đối với Giáo Hội Công Giáo. Vào lúc này, Giáo Hội đã khai triển nhiều chương trình an sinh xã hội tập trung vào việc cứu trợ khẩn cấp những người túng thiếu. Về việc này, Giáo Hội Đại Hàn vẫn còn cần tới sự trợ giúp của các Giáo Hội nước ngoài.

Thập niên 1970 cũng là giai đoạn trong đó, nhiều ngành học về Giáo Hội đã được khởi xướng với việc hồi hương của nhiều thần học gia có trình độ cao từ ngoại quốc trở về. Nhờ họ, việc nghiên cứu thần hoc đã được đẩy mạnh và việc nghiên cứu triết học Công Giáo cũng được tăng cường và dần dần được giới trí thức Đại Hàn biết tới. Giáo Hội Đại Hàn cũng khởi xướng những cuộc nghiên cứu về truyền thống đức tin và lịch sử riêng của mình. Bởi thế, thập niên 1970 là thời kỳ có tính lịch sử đối với việc phát triển các cuộc nghiên cứu về Giáo Hội. Giáo Hội Đại Hàn đã khai triển được nền nghệ thuật và văn hóa riêng của mình trong khi cố gắng đóng góp vào việc phát huy nền văn hóa của xã hội Đại Hàn.

5. Kết luận

Trong thập niên 1970, Giáo Hội Đại Hàn trải qua nhiều thách đố. Một cách nào đó, Giáo Hội thay đổi nhanh hơn xã hội. So sánh với các thập niên trước đó, sự phát triển về số lượng có thấp hơn, nhưng với nhiều tân tòng từ giai cấp trung lưu và môi trường trí thức, Giáo Hội đã khai triển được nhiều phẩm chất khác biệt. Giáo Hội công bố với xã hội Đại Hàn nguyên tắc công lý và hòa bình làm nền tảng cho tiến bộ. Để làm việc này, Giáo Hội không né tránh đau khổ nhưng sẵn sàng ôm lấy nó. Trong quá trình này, Giáo Hội đã đi tới chỗ ý thức được căn tính của mình như là một thành phần của xã hội Đại Hàn và như là một cộng đoàn quốc gia. Các cố gắng của Giáo Hội trong lãnh vực phát triển và an sinh xã hội đã được triển khai song hành và hình ảnh Giáo Hội như người phục vụ đã để lại một ấn tượng sâu sắc trong tâm trí người dân Đại Hàn. Các giáo huấn của Công Đồng Vatican II được thực thi và nền văn hóa Công Giáo bắt đầu bắt rễ vào nền văn hóa Đại Hàn.

Đối với Giáo Hội, thập niên 1970 là thời kỳ thâm hậu hóa đức tin, bành trướng bên ngoài và tham gia xã hội. Qua “kinh nghiệm tham gia” và kinh nghiệm tử đạo, Giáo Hội đã bỏ neo vững chãi trong lòng xã hội Đại Hàn. Theo cách nhìn này, ta có thể coi thập niên 1970 là thời kỳ đầy ý nghĩa trong lịch sử Giáo Hội Công Giáo tại Đại Hàn. Tuy nhiên, không phải mọi người Công Giáo đã tham gia cuộc đấu tranh dân chủ hóa và một số giáo sĩ và giáo dân đã không nhất trí với nó. Ấy thế nhưng phong trào công lý của Công Giáo đã đóng một vai trò quan trọng trong diễn trình dân chủ hóa Đại Hàn và thể hiện công bằng xã hội trong thập niên 1970. Việc Giáo Hội tích tham dự vào công bằng xã hội thực sự đã đóng góp lớn lao vào việc phúc âm hóa nhân dân Đại Hàn. Vì lý do này, phong trào công lý của Giáo Hội trong thập niên 1970 được đánh giá như Lễ Hiện Xuống Thứ Hai của Giáo Hội Đại Hàn.

XIV. Giáo Hội Công Giáo Đại Hàn lớn mạnh và trẻ trung hóa

1. Bối cảnh thời gian

Trong lịch sử hiện nay của Đại Hàn, thập niên 1980 được mở màn với phong trào dân chủ hóa Gwangju hồi tháng Năm, năm 1980. Phong trào này là một khúc rẽ trong cách hiểu lịch sử hiện đại của Đại Hàn. Từ cuộc đảo chính quân sự do tướng Chung Đỗ Hoán (Chun Doo-hwan) lãnh đạo, nền cai trị độc tài của chế độ quân sự vẫn liên tục được áp đặt lên nhân dân Đại Hàn. Họ đứng lên tranh đấu để lật đổ chế độ này. Các cuộc biểu tình chống chính phủ của người bất đồng, của sinh viên và công nhân được tổ chức gần như mỗi ngày và một số đã tố cáo chế độ bằng cách tự thiêu đến chết.

Chính phủ đàn áp các phong trào chống chính phủ và cố gắng kiểm soát các phong trào này bằng các chính sách hết sức cứng rắn. Các sinh viên và người bất đồng bị bắt và bị tra tấn. Một số nhà tranh đấu mất tích hay chết một cách bí mật. Trong một bầu không khí như thế, phong trào chống chính phủ mỗi ngày mỗi mạnh thêm và trở thành sôi động đến nỗi chính phủ phải chấp nhận một phần yêu cầu của họ.

Về phong trào dân chủ hóa Gwangju, nhiều người trẻ và nhiều nhà trí thức cho rằng Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ can dự vào vụ việc và đem lại cho chế độ quân sự tính hợp pháp của nó. Vì lý do này, họ cương quyết chống lại Hoa Kỳ bằng cách chỉ ra các điểm gây nghi vấn trong chính sách của họ đối với Đại Hàn.

Trong khi chính trị quốc nội mỗi ngày mỗi trở nên khép kín và áp chế, thì chính trị quốc tế mỗi ngày mỗi tiến tới hòa hoãn (détente) hơn. Trung Hoa cố gắng du nhập một hệ thống kinh tế mới pha trộn cả kinh tế xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa khi họ bước vào thập niên 1980 và tìm cách ra khỏi cơn ác mộng của cách mạng văn hóa. Trong khi ấy, ở Đông Âu, chế độ cộng sản bị thách thức tại nhiều nơi. Điều này được xác định qua việc thành lập tại Ba Lan một chính phủ không cộng sản vào năm 1989 và việc tuyên bố kết liễu Liên Bang Xô Viết vào năm 1991.

Trong khi các thay đổi quốc tế trên diễn ra, thì một số thay đổi cũng diễn ra ở Bắc Hàn. Hiệp Hội Công Giáo Bắc Hàn được thành lập năm 1988 và tuyên bố rằng mình lên tiếng cho người Công Giáo Bắc Hàn và là người bênh vực họ. Cùng với biến cố này, một cuộc trao đổi giữa Nam Bắc Đại Hàn qua trung gian Hồng Thập Tự đã diễn ra dù mối liên hệ tổng quát của họ chưa được cải thiện bao nhiêu so với thời Chiến Tranh Lạnh.

2. Giáo Hội nói với xã hội

Trong thập niên 1980, Giáo Hội tiếp tục làm cho xã hội Đại Hàn biết tới chủ trương của mình và cố gắng củng cố cuộc sống bên trong của mình. Tiếng nói của Giáo Hội tiếp tục được lắng nghe trong xã hội, ngay cả sau phong trào dân chủ hóa Gwangju. Tháng Bẩy năm 1980, một số giáo sĩ và giáo dân, những người đang cố gắng vạch trần sự thật liên quan tới việc thảm sát diễn ra thời phong trào dân chủ, đã bị bắt và bị nhà cầm quyền quân sự tra tấn. Năm 1982, một nhà tranh đấu chống Hoa Kỳ nổi lửa đốt Trung Tâm Văn Hóa Hoa Kỳ ở Busan và trốn đến tá túc nơi Giáo Hội. Vị linh mục muốn giúp nhà tranh đấu này và làm môi giới cho ông đã bị bắt. Ủy Ban Thường Trực của Hội Đồng Giám Mục Đại Hàn bèn nói rõ lập trường của mình và cho hay “hành động của linh mục chỉ là một cố gắng tìm giải pháp tốt nhất cho vấn đề”. Tuy nhiên, vụ này được đưa ra tòa và vị linh mục liên hệ bị án tù.

Tới năm 1986, đa số người Công Giáo ủng hộ và tham gia chiến dịch tu chính Hiến Pháp nhằm trực tiếp bầu tổng thống. Chiến dịch xin chữ ký để sửa đổi hiến pháp được phát động trong mọi nhà thờ trong nước. Ý kiến của Giáo Hội được mọi giới trong xã hội Đại Hàn ủng hộ rộng rãi và kết quả, các đòi hỏi của Giáo Hội được thỏa mãn. Phong Trào Nông Dân Công Giáo cũng tranh đấu để giải quyết vấn đề trong các cộng đồng nông nghiệp của họ vì các chính sách nông nghiệp của chính phủ.

Cuộc tranh đấu chống chính phủ lên tới đỉnh cao vào năm 1987. Chính vào thời điểm này, các điều tra viên của chính phủ đã tra tấn một sinh viên tranh đấu cho đến chết và cố gắng che đậy vụ việc. Việc này khiến Hiệp Hội Linh Mục Vì Công Lý phát động một chiến dịch phản đối khắp nước để vạch trần sự thật. Lúc này, phần lớn dân Đại Hàn nghĩ rằng Hệ Thống Phát Tuyến Đại Hàn (KBS), một cơ quan nhận tài trợ công, chỉ là dụng cụ tuyên truyền của chính phủ và do đó đã đóng một vài trò dẫn đầu trong việc bóp méo sự thật. Để bày tỏ sự chống đối, Giáo Hội Công Giáo tại Jeollabuk-do bèn phát động một chiến dịch yêu cầu nhân dân Đại Hàn từ khước không trả lệ phí thuê TV. Chiến dịch này được mở rộng nhanh chóng và được nhân dân hoàn toàn hưởng ứng. Kết quả, KBS phải thay đổi lập trường.

Thập niên 1980 là thời kỳ được đánh dấu bằng các cố gắng dân sự nhằm cải thiện mối liên hệ thù nghịch giữa Nam và Bắc Hàn. Trong bối cảnh này, Susanna Im Su-kyeong, một sinh viên cao đẳng Công Giáo, đã thách thức Đạo Luật An Ninh Quốc Gia. Cô tới Bắc Hàn để gặp đối tác Bắc Hàn của mình và thảo luận một số vấn đề liên quan tới việc tái thống nhất Đại Hàn. Hiệp Hội Linh Mục Vì Công Lý, vì cho rằng việc này có thể tạo nên rắc rối, nên đã phái Cha Paul Mun Kyu-hyeon, một linh mục thuộc Hiệp Hội, đi Bắc Hàn để che chở cô và đem cô về nước bình yên. Nhưng việc này gây ra một vấn đề xã hội nghiêm trọng. Trên đường trở về miền Nam qua ngả Khu Phi Quân Sự Bàn Môn Điếm, cả hai đã lập tức bị bắt giữ và tống giam. Ý kiến và lượng giá của dân chúng về tác phong của hai người rất khác nhau.

Trong thời gian này, một số giáo sĩ và giáo dân vẫn còn chỉ trích việc Giáo Hội can dự vào xã hội, nên đã có ý kiến khác nhau. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Giáo Hội và các nhóm trí thức muốn biện minh cho việc tham dự vào xã hội của người Công Giáo theo quan điểm giáo huấn xã hội của Giáo Hội. Việc này gia tăng sự ủng hộ của nhân dân Đại Hàn đối với lập trường xã hội của Giáo Hội. Đối với nhân dân Đại Hàn, Giáo Hội Công Giáo là biểu tượng của lương tâm xã hội Đại Hàn. Thời biến động xã hội này, Giáo Hội Công Giáo được xã hội Đại Hàn thừa nhận và hỗ trợ. Đó là một số đặc điểm đánh dấu lịch sử Giáo Hội Đại Hàn trong thập niên 1980.

3. Sự lớn mạnh và phát triển của Giáo Hội

Trong thập niên 1980, mức tăng hàng năm số người Công Giáo là 7.54 phần trăm; đây là tỷ lệ gấp tới hai mươi lần mức tăng trong các thập niên 1960 và 1970 và lớn hơn cả mức tăng của người Thệ Phản và của các tôn giáo khác. Năm 1989, số người Công Giáo lên tới 2,610,000 hay 6 phần trăm dân số. Tuy nhiên, từ thập niên 1990, mức gia tăng số người Công Giáo chậm lại và năm 1997, mức này chỉ là 3.2 phần trăm với tổng số 3,676,211 tín hữu hay 7.9 phần trăm dân số (1). Thúc đẩy chính để có được mức gia tăng này là tình hình tổng quát của xã hội Đại Hàn vào một thời điểm các vi phạm nhân quyền hết sức lan tràn trong khi diễn trình kỹ nghệ hóa và đô thị hóa khiến nhiều người bị tha hóa về phương diện xã hội. Trong bối cảnh này, người ta đi tìm đức tin để thiết dựng căn tính mình và tìm lời giải thích cho các thực tế của thời đại.

Một lý do nữa khiến nhiều người tìm về Giáo Hội Công Giáo là vì Giáo Hội này chứng tỏ một quyết tâm cao hơn các tôn giáo khác trong cố gắng thể hiện công bằng xã hội và cải thiện các nhân quyền của người bị áp chế. Ta cũng phải lưu ý rằng xã hội Đại Hàn là một xã hội đa tôn giáo và phân nửa dân chúng, trên thực tế, không thực hành bất cứ tôn giáo nào. Do đó, đại đa số thế hệ mới có khả năng trở thành Công Giáo mà không phải kinh qua diễn trình hồi hướng tôn giáo. Ta có thể coi đây như một yếu tố văn hóa khác với yếu tố văn hóa của các quốc gia khác.

4. Đặc điểm của hàng giáo dân Đại Hàn

Hàng ngũ giáo dân Đại Hàn ngày nay cương quyết dấn thân tình nguyện phục vụ trong Giáo Hội. Nhờ sự tận tụy của họ, nhiều biến cố lớn lao trong Giáo Hội đã được thực hiện. Một trong các biến cố này là Đại Hội Thánh Thể Quốc Tế Lần Thứ 44 tại Hán Thành năm 1988. Giáo dân cũng đã vui lòng chấp nhận trách nhiệm tài chánh đối với hầu hết các biến cố và dấn thân vào nhiều công cuộc phúc âm hóa. Tuy nhiên, từ thập niên 1980, Giáo Hội Đại Hàn dần dần trở thành Giáo Hội của giai cấp trung lưu. Trình độ trí thức của người Công Giáo nói chung cao hơn trình độ của người bình dân Đại Hàn nhiều. Đa số người Công Giáo sống tại các thành thị lớn và vùng phụ cận. Nhiều người Công Giáo hiện diện trong các nghề hành chánh và chuyên nghiệp. Thu nhập trung bình hàng tháng của người Công Giáo cao hơn thu nhập của một gia đình Đại Hàn trung bình.

Một đàng, điều trên có nghĩa: Giáo Hội Đại Hàn đã trở nên giầu có về tài nguyên nhân bản và vật chất. Nhưng đàng khác, vì đã trở thành Giáo Hội của giai cấp trung lưu, nên Giáo Hội đã tạo ra một bầu khí khiến những người thuộc tầng lớp nghèo hơn tự tách mình ra khỏi Giáo Hội. Nếu Giáo Hội bị một giai cấp đặc thù lãnh đạo, thì ơn cứu độ phổ quát, vốn là mục tiêu của sự hiện diện của Giáo Hội, sẽ không thể nào thực hiện được. Hàng giáo sĩ và những người có suy nghĩ trong Giáo Hội đang lên tiếng bày tỏ quan ngại về việc này.

Các con số thống kê cũng cho thấy: đây là thời điểm để Giáo Hội Đại Hàn quan tâm tới việc tái phúc âm hóa các tín hữu của mình. Theo các số liệu thống kê của chính Giáo Hội Công Giáo vào thời điểm này, con số những người ngưng không đến nhà thờ nữa hay những người “không muốn nhận diện” lên tới 600,000 hay 22.93 phần trăm vào năm 1989 và lên tới 1,091,271 hay 29.68 phần trăm tổng số người Công Giáo vào năm 1997. Người ta thấy rằng đa số những người này là những người rời bỏ thị trấn quê nhà và di chuyển tới các nơi khác trong các biến động xã hội gần đây. Vì vậy, vấn đề “chăm sóc mục vụ cho người rời cư” đã được đặt ra và các cố gắng có hệ thống nhằm tái phúc âm hóa tín hữu đã được tăng cường.

Một trong các đặc điểm của Giáo Hội Đại Hàn vào thời điểm này là thừa tác vụ lấy giáo phận làm tâm điểm. Kết quả là: con số giáo xứ tăng lên song song với con số người Công Giáo. Trong thập niên 1980, có 589 giáo xứ; con số này tăng lên 776 vào năm 1989 và 1,079 vào năm 1997. Con số trung bình người Công Giáo của một giáo xứ là 2,237 vào năm 1989; con số này tăng lên 3,351 vào năm 1997. Tuy nhiên, có một khác biệt lớn giữa thành phố và cộng đồng nông thôn. Tại các thành phố lớn, nhiều nhà thờ có tới 10,000 giáo dân. Con số này có thể tốt khi so sánh với Giáo Hội ở Châu Mỹ La Tinh hay Châu Phi. Nhưng theo truyền thống, các giáo xứ Đại Hàn vốn nhỏ. Do đó, việc phát triển nhanh chóng thành các cộng đồng to lớn đặt ra một số vấn đề trong phạm vi mục vụ.

5. Giáo sĩ và tu sĩ trong thập niên 1980

Năm 1945, lúc Đại Hàn được độc lập, có tất cả 238 linh mục tại nước này; con số này tăng lên 1,626 vào cuối thập niên 1980, cho thấy một gia tăng nhanh chóng. Lúc thu hồi độc lập, chỉ có 57.7 phần trăm các giáo sĩ là người bản xứ Đại Hàn, nhưng tới năm 1989, con số các giáo sĩ này lên tới 1,385 vị hay 86.2 phần trăm và tới năm 1997, con số này lên tới 2,453 vị hay 92 phần trăm tổng số linh mục trong nước. Năm 1997, trong số các bản quyền của 14 giáo phận tại Đại Hàn, chỉ có một vị không phải là người Đại Hàn. Sự kiện này rõ ràng cho thấy việc hội nhập văn hóa của Giáo Hội Đại Hàn đã được tăng cường căn cứ vào con số giáo sĩ và cơ cấu Giáo Hội.

Một đặc điểm nổi bật của hàng giáo sĩ Đại Hàn là: đa số các ngài hay 93.35 phần trăm là giáo sĩ triều. So với các Giáo Hội địa phương khác tại Châu Á hay Châu Âu, tỷ lệ linh mục triều trong Giáo Hội Đại Hàn rất cao. Tới năm 1997, trong 7 đại chủng viện, có tất cả 1,539 chủng sinh và phần lớn là giáo sĩ triều. Ơn gọi linh mục phong phú là dấu chỉ đầy hy vọng cho tương lai Giáo Hội Đại Hàn.

Vai trò của các tu sĩ cũng được tăng cường trong cuộc phát triển hiện đại gần đây. Có tất cả 20 dòng tu nam trong thập niên 1980 và con số này tăng gấp đôi lên tới 42 vào năm 1997 trong khi các dòng nữ tăng từ 37 năm 1980 lên 91 năm 1997. Con số nam tu sĩ tăng từ 343 trong thập niên 1980 lên 943 năm 1997 và con số nữ tu tăng từ 3,169 trong thập niên 1980 lên 7,860 năm 1997. Đa số các nữ tu phục vụ tại các giáo xứ hoặc làm việc trong lãnh vực giáo dục, y tế và xã hội. Một số ra ngoại quốc truyền giáo, trợ giúp Giáo Hội tại các nước khác.
________________________________________________________________________________________________________________________
(1) Con số thống kê được tờ National Catholic Register đăng tải nhân dịp chuyến viếng thăm của Đức Phanxicô như sau: dân số Nam Hàn hiện là 51 triệu, trong đó, có 5.2 triệu người là Công Giáo tại 16 giáo phận, phần lớn sống tại các khu vực đô thị. Năm 2012, Giáo Hội gia tăng 1.6 phần trăm tức gần 85,000 người Đại Hàn trở lại Công Giáo.
Tác giả bài viết: Vũ Văn An
Nguồn tin: Vietcatholic.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 24
  • Khách viếng thăm: 17
  • Máy chủ tìm kiếm: 7
  • Hôm nay: 3346
  • Tháng hiện tại: 137807
  • Tổng lượt truy cập: 12282067