Trang mới   https://gpquinhon.org

Hộp tóc Á thánh Anrê Phú Yên, quà tặng vô giá của gia đình Tôma Maria

Đăng lúc: Thứ năm - 28/02/2013 04:15
HỘP TÓC Á THÁNH ANRÊ PHÚ YÊN
QUÀ TẶNG VÔ GIÁ CỦA GIA ĐÌNH TÔMA MARIA

Khoảng từ năm 1937-1939, ba tôi vừa đi học, vừa đi làm tại Hà Nội. Trong những giờ rảnh, ba tôi đã tham gia công tác bác ái của nhóm thanh niên Công Giáo tại Hà Nội. Vào khoảng cuối năm 1938, tại Trung Quốc xảy ra những trận mưa bão lụt lội nặng nề. Đức Cha Yu Pin, người Trung Hoa, đã sang giáo phận Hà Nội để xin thực phẩm và quần áo cứu trợ cho nhân dân trong giáo phận Nanking của ngài. Cha xứ tại nhà thờ chính tòa Hà Nội đã trao cho nhóm thanh niên Công Giáo của xứ đi đến các gia đình tại Hà Nội để xin đồ cứu trợ. Với lòng nhiệt tình của nhóm thanh niên Công giáo nên giáo xứ đã xin được khá nhiều đồ cứu trợ cho Đức Cha Yu Pin. Vì thế, cha xứ đã giới thiệu nhóm thanh niên Công Giáo với Đức Cha Yu Pin. Ngài tỏ lòng rất biết ơn các bạn thanh niên Công Giáo Hà Nội đã hăng hái cộng tác giúp cho công việc cứu trợ của ngài.      
 
Vào khoảng trung tuần tháng Giêng năm 1939, ba tôi được tin từ gia đình ở làng Lê Xá, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên, báo tin vui là má tôi đã sinh người con trai đầu lòng vào ngày 13.1 năm ấy. Má tôi đã nhắn tin hỏi ý ba tôi muốn đặt tên cho con trai là gì. Ba tôi đã suy nghĩ, cầu nguyện và với lòng mộ mến đức cha Yu Pin, nên ba tôi đã chọn lấy tên của đức cha Yu Pin (tiếng Trung Hoa, Yu Pin đọc gần như âm Vu Bân của tiếng Việt Nam) để đặt cho Anh cả tôi là Vũ Bân. Vào năm 1949, tại Trung Hoa xảy ra cuộc cách mạng lớn. Đức cha Yu Pin cùng với nhiều tín hữu Công giáo đã đến định cư tại  Đài Loan.
 
Thế rồi, vào khoảng năm 1959, ba tôi đọc báo và biết tin đức cha Yu Pin, khi đó là chủ tịch của Hiệp Hội Thái Bình Dương Tự Do, đã đến nhóm họp tại Sài Gòn. Ông Phạm Đình Khiêm, bạn thân của ba tôi, có dịp gặp đức cha Yu Pin, và Ông Khiêm đã kể chuyện cho đức cha biết là có một người bạn thân của Ông, là ba tôi có lòng mộ mến đức cha, nên đã lấy tên của đức cha để đặt tên cho người con trai đầu lòng. Đức cha tỏ vẻ rất vui thích và ngỏ ý muốn gặp "người con tinh thần" đó. Vì thế, ông Phạm Đình Khiêm đã báo cho ba tôi đưa Anh Vũ Bân đến thăm gặp đức cha. Sau khi đã liên lạc, đức cha đã hẹn gặp Ông Khiêm và Anh Vũ Bân vào đúng ngày ngài họp mặt gặp gỡ các thành viên trong Hiệp Hội Công Giáo Thái Bình Dương Tự Do. Đến ngày hẹn, ông Khiêm đã dẫn Anh Vũ Bân đến chào thăm đức cha Yu Pin tại trụ sở Hiệp Hội Công Giáo Thái Bình Dương Tự Do ở quận 5, Sài Gòn. Hôm đó, ông Phạm Đình Khiêm và Anh Vũ Bân đã được ngài ân cần tiếp đón và trò chuyện vui vẻ. Rồi đức cha còn mời ông Khiêm và Anh Bân đứng cạnh ngài để chụp hình chung với phái đoàn đến hội họp (rất tiếc là những tấm hình chụp này đã bị mất vào dịp ly loạn năm 1975). Khi ông Khiêm và Anh Bân chào đức cha ra về, thì ngài ngỏ ý muốn tặng cho Ông Khiêm và Anh cả tôi một món quà? Ông Khiêm đã xin đức cha, nếu có thể tặng cho Ông và Anh cả tôi một món quà quý đó là một ít tóc hay xương của của Á thánh Anrê Phú Yên, vị tử đạo tiên khởi của Giáo hội Việt Nam, vị chứng nhân mà Ông Phạm Đình Khiêm đã dày công biên khảo trong tập sách Người Chứng Thứ Nhất. Sau đó, đức cha đã hứa sẽ cố gắng thực hiện điều này khi ngài có dịp đến Trụ Sở Trung Ương của Dòng Tên tại Rôma, nơi đang giữ thủ cấp của vị tử đạo tiên khởi Anrê Phú Yên.   
 
Vào khoảng năm 1960, Ba tôi thật mừng rỡ khôn tả khi được Ông Khiêm báo tin về món quà vô giá của đức cha Yu Pin (ngài đã được Đức Phaolô VI vinh thăng hồng y vào 1.5.1969, qua đời 16.8.1978). Ngài gửi tặng cho Ông Khiêm một hộp nhỏ đựng  tóc của Á thánh Anrê Phú Yên và tặng cho Anh Bân cùng  gia đình tôi một hộp đựng búi tóc của Á thánh Anrê Phú Yên. Đức cha cũng gửi kèm theo cái Vi bằng cấp tại Rôma để chứng thực về hộp đựng thánh tích của Á Thánh Anrê.
 
 Tạ ơn Chúa và Mẹ Maria đã thương ban cho gia đình nhỏ bé chúng con một món quà vô cùng quý giá, một của Gia Bảo lớn lao vượt quá lòng mong ước của chúng con. Gia đình chúng con xin hết lòng cảm tạ Á thánh Anrê Phú Yên đã yêu thương hiện diện và nâng đỡ chúng con vượt qua nhiều khó khăn, thử thách trong bao năm qua…Chúng con tin rằng chính nhờ lời cầu bầu của Á thánh Anrê Phú Yên, Chúa đã thương ban cho đại gia đình Tôma Maria nhỏ bé chúng con và từng người muôn vàn ơn phúc hồn xác, nhất là thương ban cho gia đình chúng con có được ba người con dấn thân vào ơn gọi thánh hiến để phục vụ trong vườn nho Giáo hội của Chúa.
 
Gia đình chúng con cũng hết lòng biết ơn Chú Cô Phạm Đình Khiêm đã yêu thương dìu dắt, nâng đỡ và đồng hành với gia đình chúng con, để chúng con có được món quà Gia Bảo vô cùng quý giá này.
 
Nguyện xin Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh Cả Giuse thương ban cho các vị chủ chăn và các tín hữu Việt Nam luôn có đức tin vững mạnh và lòng mến yêu nồng nàn như Á Thánh Anrê Phú Yên, vị tử đạo tiên khởi của giáo hội Việt Nam. Quả thực, khi đứng trước tòa án của quan đầu tỉnh Quảng Nam, Anrê đã tuyên xưng đức tin một cách phi thường, không giây phút nào nao núng: "Ước chi tôi có được ngàn mạng sống của tôi để hiến dâng tất cả cho Chúa hầu đền đáp ơn Ngài".
 
Nơi Á Thánh Anrê Phú Yên, có một điều đáng nói, cần phải nhấn mạnh đó là ngay chính lúc lý hình vung gươm chặt phăng chiếc đầu của mình, thầy Anrê còn kịp thốt lên hai tiếng “Giêsu” đầy kính trọng và yêu quí. Cha Đắc Lộ viết tiếp ngay sau nói về cái chết của thầy: “Nhưng tôi nghe rất rõ cùng lúc đầu rơi khỏi cổ, thì tên thánh Chúa Giêsu không phải từ nơi miệng thầy thốt ra mà qua vết thương ở cổ, và cũng lúc hồn bay về trời thì xác lăn xuống đất”.
 
Trong  cuốn sách tường thuật cuộc tử đạo của An-rê, giáo sĩ Đắc-lộ đã nói ở đoạn mở đầu như sau:
 
“Thầy giảng An-rê, tiên khởi Tử đạo ở xứ Nam, làm vui thỏa lòng tôi vô cùng: mỗi khi nhắc đến tên thầy, tưởng nhớ đến thầy, tôi không cầm được mối xúc động vì bao tình yêu mến đối với nhân đức của thầy, vì thầy không phải là một thanh niên mà là một Thiên thần. Tôi đã rửa tội cho thầy, đã nhận thầy vào đoàn của tôi, tôi đã nuôi nấng thầy, đã đến thăm thầy trong ngục thất, đã theo thầy đến nơi tử đạo, đã nghe tiếng thầy kêu tên cực trọng Giêsu trong lúc chẳng còn miệng lưỡi nào khác ngoài cái vết thương đã làm cho đầu thầy lìa thân. Như vậy, lẽ nào tôi chỉ có một lòng yêu bình thường, đối với tôi tá rất đáng mến của Chúa”.

Đến đoạn kết, giáo sĩ Đắc-lộ lại nói những lời cảm động và khiêm tốn như sau:
 
“Xưa kia tôi đã yêu mến thầy (An-rê) như con tôi, bây giờ tôi kính mến thầy như cha tôi, tôi cầu nguyện cùng thầy trong cơn thiếu thốn, tôi chạy đến cùng thầy trong lúc nguy nan; thầy yên ủi tôi, dìu dắt tôi, giúp đỡ tôi; tôi đã cảm phục thầy khi còn sống, tôi đã khóc thương thầy lúc phải chết, giờ đây thầy được vinh quang, tôi hằng cầu nguyện cùng thầy trong mọi lúc, khấn xin thầy đừng trì hoãn lâu hơn nữa, hãy cho tôi sớm được hạnh phúc cùng thầy tái ngộ, và nắm tay thầy trên Thiên đàng cùng với tất cả các giáo hữu khác của tôi ở Trung-hoa, ở xứ Bắc, xứ Nam, lúc này đang nhìn xem tôi và chờ đợi tôi ở trên Trời, tôi lấy lòng khiêm nhượng cầu khẩn các linh hồn ấy giúp đỡ tôi cho tôi được thờ phượng và trung thành kính mến Chúa Giêsu Kitô trong những ngày tôi còn sống ở thế gian này”. (Trích sách Người Chứng Thứ Nhất của Ông Phạm Đình Khiêm, trang 202-203)
 
Kỷ niệm Ngày Sinh Nhật trên trời của Á thánh Anrê Phú Yên trong dịp mừng Năm Thánh Giáo Hội Việt Nam.

 
                                                     Tu viện Mẫu Tâm, Thủ Đức ngày 26.7.2010
Lm. Roberto Maria Vũ Thanh Tòng, CMC

 
PHỤ CHÚ: Dưới đây là một số hình ảnh lưu dấu của hộp đựng tóc Á thánh Anrê.


1. Hào quang đựng tóc Á thánh Anrê Phú Yên
 
 Hộp đựng Sọ Á Thánh Anrê Phú Yên tại Rôma

2. Vi bằng của hộp đựng tóc Á thánh Anrê Phú Yên: 14.6.1959
 


3. Hộp đựng Sọ của Á thánh Anrê Phú Yên tại Trụ Sở Trung Ương của Dòng Tên ở Rôma.
 

- Hình trái: Cha Kiên, cha Thuần và cha Nghi (Dòng Đồng Công) kính viếng Sọ của Á thánh Anrê Phú Yên tại Trụ Sở Trung Ương Dòng Tên ở Rôma, năm 2006.
- Hình phải: Cha Thuần, cha Kiên và cha phụ trách về thánh tích của Dòng Tên ở Rôma.



4. Dưới đây là một số hình ảnh và thiệp của đức cha Yu Pin gửi tặng cho Anh Vũ Bân:
 
 
Đức cha Yu Pin gửi tặng cho Anh Vũ Bân tấm ảnh Đức Mẹ Trung Hoa
ngày 21.5.1959 (mặt trước và mặt sau tấm hình)

    
Gửi Vũ Bân-Người Con Yêu Dấu
Đức cha Yu Pin gửi tặng Anh Vũ Bân card postal năm 1960:                           Cảm ơn con nhiều! Xin Chúa chúc lành cho con! Thương mến,                  
                                                            + Giám Mục Yu Pin
  

 
- Hình trái: Chính phủ Đài Loan đã phát hành tem Đức hồng y Yu Pin nhân dịp kỷ niệm Sinh Nhật thứ 100 của Ngài 1901 - 2001. - Hình phải: Ngôi mộ của Đức hồng y Yu Pin tại Đài Loan.


5. Hình chụp Anh Tôma Vũ Bân đứng bên hộp Tóc Á Thánh Anrê Phú Yên
 
   
Ông Cố Tôma Maria Vũ Đức Liêm, Ba yêu kính đã có sáng kiến
cho việc đặt tên Anh Tôma Maria Vũ Bân.
 
- Hình trái: Ông Phạm Đình Khiêm và Anh Vũ Bân, 2010.
- Hình phải: Anh Vũ Bân và cha Roberto M. Thanh Tòng, 2010.

  
- H. trái: cha Tòng và cha Mẫn đứng bên tượng Á thánh Anrê, 2003, ở cuối nhà thờ Mằng Lăng, Phú Yên, quê hương của Á Thánh Anrê. - H. phải: Cha Tòng và cha Chính, cha sở của giáo xứ Mằng Lăng tại phòng Truyền Thống Á Thánh Anrê của xứ Mằng Lăng, 2003.



6. Ông Bà Phạm Đình Khiêm trong thánh lễ Tạ Ơn 65 Năm Hôn Phối ngày 23.11.2008
         

ƠN LẠ NHỜ LỜI CẦU BẦU CỦA Á THÁNH ANRÊ PHÚ YÊN
 
Đục đá vá tầu
 
Sau năm tháng lưu trú ở Áo-môn, giáo sĩ Đắc-lộ được cử về La-mã tâu trình Đức Thánh Cha cử các vị Giám mục sang coi sóc các giáo đoàn ở Việt nam, và vận động cho công cuộc truyền giáo ở Viễn đông.
 
Ngày 20 tháng 12 năm 1645, giáo sĩ đáp tầu Bồ đào nha trong một đoàn tám chiếc đi Ấn-độ để về Lịch-bôn. Ngài mang thủ cấp thầy giảng An-rê, định mang về La mã chứng minh đức tin của người Việt. Tới Malacca (Nam dương quần đảo), giáo sĩ rời tầu Bồ đào nha để chờ đáp tầu Hòa lan theo lời Bề trên dặn, vì tầu Bồ đào nha thường ghé rất lâu ở Goa (Ấn độ) trước khi về Âu châu. Chiếc tầu Bồ đào nha mà đáng lẽ giáo sĩ cứ đi nếu không có lời dặn kia, sau bị đắm vì đụng đá ngầm: giáo sĩ Đắc-lộ nhìn nhận đó là ơn Chúa Quan phòng cho mình thoát nạn.

Nhưng giáo sĩ sẽ gặp nạn khác và sẽ thoát nạn một cách lạ lùng, do sự can thiệp hiển nhiên của vị Tử đạo Việt nam.

Sau bốn mươi ngày ở Malacca không gặp tầu Hòa lan về Âu châu, giáo sĩ định đi Djakarta thương cảng lớn nhất và là thủ phủ của Nam dương quần đảo, lúc ấy đã thuộc quyền cai trị của Hòa lan, vì tại đó thường có nhiều tầu đi Âu châu hơn ở Malacca. Thế là ngày 22 tháng 2 năm 1646, người đáp một chiếc tầu Hòa lan đi thủ đô Nam dương. Được ba ngày xảy ra một việc lạ lùng xưa nay chưa từng có trong lịch sử hàng hải thế giới.

Ta hãy nhường lời cho người trong cuộc kể truyện:

“Ngày 25 tháng 2, khoảng hai giờ chiều, gió rất thuận, các thủy thủ tỏ ra không thông thạo, chẳng dè chừng một núi đá ngầm cao gần sát mặt nước, tầu của chúng tôi đụng mạnh vào núi đó, phát ra một tiếng động như sét. Sự đụng chạm mãnh liệt đến nỗi tầu bị thủng và dừng hẳn trên đá ngầm.

“Lúc ấy chúng tôi tưởng chết hết không còn phương cứu gỡ. Tôi lên sân tầu coi thì thấy một mảnh gỗ lớn của tầu nổi trên mặt nước, tôi liền khuyên bảo mọi người hãy dọn mình chết và cậy trông ơn Chúa cứu giúp. Chúng tôi giải tội lẫn cho nhau, vì trong tầu có hai cha nữa cùng đi từ Malacca với tôi, rồi chúng tôi quỳ gối xuống tất cả để cầu nguyện cùng thầy giảng An-rê nhân hậu của tôi. Tôi cầm thủ cấp của người trong tay và thân ái nói với người rằng: Hỡi thầy An-rê nhân lành, nếu tôi phải chôn dưới đáy biển này, tôi làm sao mang đầu của thầy về La-mã được! Ngay lúc chúng tôi còn đang cầu nguyện, thì tức khắc tầu rời ra khỏi đá ngầm, và chúng tôi bắt đầu đi.

“Nhưng chúng tôi đinh ninh rằng mình đi thẳng xuống đáy biển, vì chúng tôi biết chắc tầu đã bị thủng, và gỗ ván đã nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Chúng tôi đang chờ như vậy, thì mấy người thủy thủ bảo rằng tầu không bị nhiều nước hơn trước khi đụng đá ngầm, và điều đó không lạ, vì tầu đã cũ, người ta phải ghép thêm một lượt ván nữa ở nhiều chỗ, và những tấm ván mà chúng tôi trông thấy chỉ là những lượt bên ngoài, lượt bên trong còn nguyên vẹn.

“Tin như vậy, chúng tôi vui vẻ tiếp tục cuộc hành trình, lòng cảm tạ Thiên Chúa đã cứu thoát chúng tôi bình an. Chúng tôi đi bảy ngày nữa trên mặt biển vô sự, nhưng khi chúng tôi tới bến (Djakarta), chúng tôi mới biết Đức Chúa Trời đã làm ơn cho chúng tôi hơn chúng tôi tưởng nhiều lắm.

“Lúc ấy người ta muốn sửa tầu, và khi đã trục tầu lên cạn, người ta thấy rõ một dấu lạ lùng của Chúa Quan Phòng. Dưới đáy tầu có một lỗ hổng lớn, nhưng núi đá khi làm vỡ đáy tầu, đồng thời cũng làm vỡ một tảng đá lớn, và tảng đá ấy đã đóng chặt vào chính lỗ hổng mà nó đã khoét ra. Tất cả thành phố kéo đến coi sự lạ ấy. Phần chúng tôi, chúng tôi hiểu rằng ơn ấy đã làm vì chúng tôi, nên chúng tôi cảm phục hơn ai hết, và tạ ơn Đức Chúa Trời và thầy giảng An-rê vì thầy đã lấy lòng thương yêu, dùng quyền thế mình mà giải phòng chúng tôi.

Phép lạ này, cũng như phép lạ ở ngoài khơi Hải nam, được giáo sĩ Đắc-lộ tường thuật và xác nhận tới ba lần trong ba cuốn sách khác nhau: một cuốn tiếng Ý, hai cuốn tiếng Pháp, xuất bản giữa các thủ đô lớn nhất Âu châu trong hai năm 1652-1653, nghĩa là mới sáu bảy năm sau khi xảy ra sự việc, trong khi hàng trăm người đồng cảnh ngộ còn sống và có thể kiểm soát thực hư.

 
(Trích sách Người Chứng Thứ Nhất của tác giả Phạm Đình Khiêm, trang 185-188)
                                           
Tác giả bài viết: Lm. Roberto Maria Vũ Thanh Tòng, CMC
Nguồn tin: Tác giả
Đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 28
  • Khách viếng thăm: 27
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 9227
  • Tháng hiện tại: 162399
  • Tổng lượt truy cập: 12452111