Trang mới   https://gpquinhon.org

Giáo xứ Cù Và

Đăng lúc: Thứ ba - 29/01/2013 16:49
GIÁO XỨ CÙ VÀ
 

 
          I. VỊ TRÍ ĐỊA LÝ:

          Giáo xứ Cù Và là một giáo xứ kỳ cựu của giáo phận Qui Nhơn. Thánh Tâm Chúa Giêsu là Bổn mạng của giáo xứ. Trung tâm sinh hoạt tôn giáo của giáo xứ trước năm 1967 nay thuộc thôn Cù Và, xã Tịnh Giang, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Quần thể trung tâm nầy có nhà thờ, nhà xứ, Phước viện, Cô Nhi Viện, trường học. Trong chiến tranh, toàn bộ cơ sở vật chất của giáo xứ đã hoang phế, bị bom đạn tàn phá, hiện nay không còn. Giáo xứ Cù Và đã từng là một giáo xứ sầm uất trong vùng Quảng Ngãi.

          Vùng đất giáo xứ Cù Và thuộc miền núi huyện Sơn Tịnh. Sông Trà Khúc và phụ lưu của nó, sông Giang, như là hai mạch máu cung cấp nguồn sống cho vùng đất nầy. Dòng sông Giang hợp thủy với sông Trà Khúc tại Tịnh Giang như đôi bàn tay của mẹ đất đang ôm ấp đứa con Tịnh Giang của mình. Nước sông Trà Khúc chảy ra Cửa Đại tạo nên thủy lộ thuận lợi cho cư dân trong vùng. Ngày nay có tỉnh lộ 623 nên việc giao thông đường thủy không còn thịnh hành. Ngày xưa, việc giao lưu hàng hóa, buôn bán giữa miền xuôi và miền ngược trên thủy lộ nầy khá nhộn nhịp. Đường mía, lúa gạo, hồ tiêu… từ miền núi và các vùng ven sông Trà Khúc được ghe bầu tập trung về Cửa Đại để chuyển đi các nơi. Hồ tiêu từ Tịnh Giang đã nổi tiếng một thời “Hồ tiêu gởi xuống, cá chuồng gởi lên”. Ngày xưa, Cù Và được gọi là miền đất “dễ ăn khó ở” vì có nhiều lúa gạo và các loại lâm thổ sản khác, tuy nhiên phải thường xuyên chống chọi với sốt rét và các bệnh tật khác.

          II. ĐÔI DÒNG LƯỢC SỬ:

          Theo báo cáo năm 1748 của Đức cha Bennetat, phụ tá của Đức cha Lefèbvre, Đại diện Tông tòa giáo phận Đàng Trong, gởi về Chủng viện Thừa Sai Paris, lúc bấy giờ vùng Quảng Ngãi có khoảng 2.000 tín hữu trong 20 giáo điểm do các thừa sai dòng Tên phụ trách, trong đó có Cù Và[1]. Trong thống kê năm 1850 của Đức cha Cuênot Thể[2], vùng Quảng Ngãi được chia làm hai miền : miền Nam có 10 giáo điểm và miền Bắc có 19 giáo điểm. Thanh Cù (Cù Và) có 394 tín hữu, thuộc miền truyền giáo Bắc Quảng Ngãi. Căn cứ vào hai sử liệu nầy và các tiểu sử của các thừa sai, Cù Và đã đón nhận Tin Mừng từ trước năm 1747. Để có thể nắm bắt được phần nào tiến trình lịch sử của giáo xứ Cù Và, chúng ta chỉ có thể lần theo tiểu sử các linh mục phụ trách Cù Và, các báo cáo hằng năm của các Giám mục và các thống kê tình hình truyền giáo hằng năm của giáo phận. Trong thời kỳ phôi thai của việc truyền giáo, một linh mục thừa sai có thể phụ trách cả một vùng truyền giáo rộng lớn, rày đây mai đó, ít khi “thường trú” một nơi. Một khi giáo điểm nào phát triển mạnh, có đông tín hữu và số linh mục có thể đáp ứng được thì giáo điểm ấy có thể có một linh mục đến ở thường xuyên và phụ trách các giáo điểm xung quanh. Theo tiểu sử các linh mục còn được lưu giữ, Cha Vệ là linh mục đầu tiên được bổ nhiệm làm việc tại Cù Và.

           1. Cha VỆ

          Cha Vệ, nguyên quán Phù Ly, Bình Định; được Đức cha Cuénot Thể truyền chức linh mục khoảng năm 1850. Sau khi thụ phong linh mục, Cha được bổ nhiệm làm việc tại Cù Và.

         2. Cha Constant-Julien FOURMOND (cố Thảo), sinh ngày 01 tháng 3 năm 1847, thụ phong linh mục ngày 22 tháng 5 năm 1869. Năm 1873, cha được bổ nhiệm đến Quảng Ngãi, phụ trách Phú Hòa và Trung Tín. Năm 1875, ngài kiêm nhiệm thêm Cù Và.
 
          3. Cha Marie-André GARIN (cố Châu),  thụ phong linh mục ngày 16 tháng 3 năm 1878. Năm 1879, cha Garin được bổ nhiệm làm việc tại Cù Và, phụ trách vùng truyền giáo Bắc Quảng Ngãi. Năm 1880, cha thành lập giáo họ Văn Bân[3].  Sau 2 năm, ngài đã thành lập 40 điểm truyền giáo, xây dựng và tái thiết rất nhiều nhà thờ, lập nhà thương tại Phú Hoà, mở rộng ranh giới giáo xứ.

             Năm 1885, giáo xứ Cù Và có 10 giáo họ với khoảng 3.000 tín hữu: Cù Và, Chà Là, Phường Chuối, Chợ Mới, Vạn Lộc, Bàn Cờ, Phước Thọ, Phước Lâm, Đồng Cọ, Tân Lộc (Bờ Ải). Để lánh nạn Văn Thân, chiều ngày 17 tháng 7 năm 1885, cha Garin rời khỏi Cù Và trên lưng ngựa “phi nước đại” đi đến Phường Chuối, một giáo họ lớn có Nhà phước Mến Thánh Giá và hai nhà mồ côi trai và gái. Tối hôm ấy, toàn bộ nhà thờ, nhà xứ và nhà giáo dân ở Cù Và bị lửa thiêu sạch. Trưa ngày 18 tháng 7 năm 1885, cha Garin bị chết thiêu cùng với các tín hữu tại nhà thờ Phường Chuối.

          4. Cha  Triết.

            Cha Triết, nguyên quán Phú Cường, Trà Kiệu, Quảng nam; được Đức cha Cuénot Thể truyền chức linh mục. Năm 1887, số giáo dân ở Trung Tín chạy ra Quảng Nam trốn Văn Thân hồi hương. Lúc bấy giờ, Đức cha Hân bổ nhiệm hai linh mục Việt Nam đến Quảng Ngãi, một cha phụ trách phía Bắc và một cha phụ trách phía Nam, để giúp đoàn giáo dân hồi cư  cũng như tìm kiếm những người còn thất lạc. Cha Triết được bổ nhiệm phụ trách vùng Bắc Quảng Ngãi. Cha thường di chuyển làm việc giữa Trung Tín và Cù Và trong khoảng thời gian một năm. Sau đó cha được bổ nhiệm làm việc tại Quảng Nam. Cha qua đời tại Phú Thượng, Quảng Nam năm 1905.

          5. Cha Jean-François Gagnaire (cố Định)      
  

          Tháng 6 năm 1888, cha Gagnaire (cố Định) được bổ nhiệm đến Cù Và. Cha ở đây hai năm. Cha an ủi, ổn định đời sống tín hữu sống sót sau Văn Thân. Tháng 12 năm 1890, Cha được bổ nhiệm về Làng Sông.

           6. Cha Joseph Panis (cố Ngãi)

          Khi cha Gagnaire về Làng Sông, đầu năm 1891 cha Panis từ Làng Sông về Cù Và. Cha tiếp tục ổn định Nhà phước Mến Thánh Giá, nhà mồ côi và đời sống giáo dân. Tháng 7 năm 1894, cha được bổ nhiệm làm Giám đốc Tiểu chủng viện Đại An.

           7.  Cha  Antoine Sudre  (cố Thọ) 1894 - 1909

          Khi cha Panis bổ nhiệm làm Giám đốc Tiểu chủng viện Đại An, Cha Sudre ( cố Thọ) đang ở Trung Tín, một người bạn chí cốt của cha Panis, được bổ nhiệm về Cù Và. Với tài tháo vát và năng động, cha Sudre xây dựng lại nhà thờ khang trang bằng vật liệu rắn chắc, chỉnh trang  nhà xứ, nhà phước Mến Thánh Giá, nhà mồ côi. Cha tổ chức làm xe nước, dẫn thủy nhập điền, tưới cho hơn 300 mẫu ruộng dọc theo sông Trà khúc. Sau 15 năm sống chết với dân Cù Và, khoảng giữa tháng 6 năm 1909 cha ngã bệnh. Cha được đưa về Hồng Kông, sau đó về Pháp để điều trị. Cha đã để lại nơi lòng dân niềm thương niềm nhớ “ông cố” thương dân.

          8. Cha Jean-Marie Gueno (cố Nghiêm)   

           Năm 1909, cha Guéno được bổ nhiệm đến Cù Và. Cha ở đây được một năm sáu tháng.

          9. Cha Charles Vallet (cố Thanh)  

           Cha thụ phong linh mục ngày 26 tháng 6 năm 1898. Cùng năm nầy cha đến Đông Đàng Trong và được bổ nhiệm làm việc tại Thác Đá. Năm 1903 làm giáo sư Đại Chủng Viện. Năm 1910 được bổ nhiệm đến Cù Và làm việc cho đến năm 1914.  

          10.  Alexis, François Boivin  (cố Nhã)      

            Tháng 4 năm 1914, cha được bổ nhiệm đến Cù Và. Cha làm việc tại Cù Và cho đến cuối đời. Ngày 19 tháng 6 năm 1923, cha Poyet và cha Laborier đến thăm và phát hiện cha đang lâm trọng bệnh. Cha được đưa về Quảng Ngãi để khám bệnh, liền sau đó chuyển về bệnh viện Qui Nhơn. Khoảng 3 giờ sáng ngày 27 tháng 6 năm 1923, cha trút hơi cuối cùng.

          11. Cha Pierre Sanctuaire (cố Khánh)   
  
             Cố Nhã qua đời, cha Santuaire được bổ nhiệm đến Cù Và. Tháng 7 năm 1926, cha phải về Pháp để an dưỡng. Năm 1925, cha đã mở trường dạy chữ Quốc ngữ cho dân theo lời kêu gọi của Đức cha Grangeon Mẫn, Đại Diện Tông Tòa giáo phận Đông Đàng Trong.

          12. Cha Lucien Escalère  (cố Dõng)       
           

          Cha Escalère làm cha sở Cù Và từ năm 1926 đến năm 1930.

          13. Cha  Marius Jean  (cố Gioan)      
               

          Cha Jean làm cha sở Cù Và từ năm 1930 đến năm 1932

          14. Cha Tôma Nguyễn Đức Luận 

          Cha Tôma Nguyễn Đức Luận, sinh năm 1893 tại Sông Cát, Ngọc Thạnh, Bình Định. Thụ phong linh mục ngày 7 tháng 6 năm 1923. Khi là đại chủng sinh tên là Cao, khi làm linh mục đổi tên là Luận, vì trùng tên với cha Cao quê Mỹ Trang, Nước Nhỉ. Năm 1932, cha được bổ nhiệm làm cha sở Cù Và. Cha Luận không chỉ có sức khỏe tốt mà còn có tiếng cẩn thận. Cha xây dựng và chỉnh trang trường học cho con em trong vùng.

           Năm 1940, ngoài phước viện Mến Thánh Giá, cô nhi viện, giáo xứ Cù Và có 2.254 tín hữu : Phước viện Mến Thánh Giá, cô nghi viện và giáo họ Cù Và (768), Phước Thọ (224), Tân Lộc (292), Đồng Cọ (235), Vĩnh Tuy (37), Phước Lâm (408), Vạn Lộc (162), Thạch An (113), An Châu (15). Lúc bấy giờ có cha Phêrô Nguyễn Vĩnh Lưu làm phó xứ biệt lập, ở tại Tân Lộc.

           Năm 1943, các giáo họ Tân Lộc, Đồng Cọ, Vĩnh Tuy và Thạch An được tách khỏi giáo xứ Cù Và để thành lập giáo xứ Tân Lộc. Cha Phêrô Nguyễn Vĩnh Lưu được bổ nhiệm làm cha sở tiên khởi của giáo xứ.

           Sau 15 năm hết tình hết mình với giáo xứ, năm 1947, cha Tôma Nguyễn Đức Luận qua đời tại Cù Và, mộ tại giáo họ Phước Lâm, (nay thuộc thôn 3, xã Nghĩa Lâm, huyện Tư Nghĩa).

           15. Cha Simon Huỳnh Sánh   

          Cha Tôma qua đời. Cha Simon Huỳnh Sánh được bổ nhiệm làm cha sở Cù Và (1947-1960). Năm 1960, cha được bổ nhiệm làm Giám đốc Đại chủng viện Qui Nhơn.

           Trong thời cha Sánh làm cha sở Cù Và, khoảng cuối năm 1951, cha Phêrô Đặng Quyền Huy, Bề trên địa phận Qui Nhơn đến ở tại Cù Và để gần gũi, tiện việc liên lạc với Ủy ban kháng chiến Liên khu 5 đang đóng ở Chợ Chùa. Tại đây, cha sống rất khắc khổ trong căn phòng nhỏ hẹp, một cái bàn, vài cái ghế cũ kỹ, không võng, không ghế xếp. Ngoài giờ đọc sách, nhiều lần trong ngày cha đến với Chúa Giêsu Thánh Thể rất lâu giờ. Sau Hiệp định Genève 14/07/1954, cha trở về Bình Định, ở tại nhà Dòng Mến Thánh Giá Gò Thị.

           16. Cha Đôminicô Châu Phận      
 

           Năm 1960, cha Phận được bổ nhiệm làm cha sở Cù Và. Khoảng ba tháng cuối năm 1965, do chiến tranh, dân chúng di cư đến Phú Hòa, trại tạm cư Phú Hòa được thành lập. Trên danh nghĩa cha Phận là cha sở Cù Và nhưng việc mục vụ do cha Gioan Baotixia Đỗ Trung Thanh, cha sở Thu Xà chăm sóc số giáo dân di cư. Năm 1967, cha Phận về nghỉ hưu.

           17. Cha Augustinô Nguyễn Thanh Long (1967-1968)

          Cha Châu phận nghỉ hưu. Cha Long, gốc An Chỉ thay thế. Năm 1968, phần lớn giáo dân Cù Và ở trại tạm cư Phú Hòa di cư đến Thu Lộ và nhập vào đoàn giáo dân Trung Tín di cư do cha Cảnh phụ trách. Năm 1972, Cha Cảnh dẫn số giáo dân nầy vào lập nghiệp tại Căn Cứ 2, Xuân Lộc, Long Khánh.

         Theo lời cụ Phêrô Nguyễn Đình Trân, giáo dân Cù Và, ở giáo xứ Trung Ngãi, giáo phận Xuân Lộc, khi đi tản cư, một số sổ sách của giáo xứ Cù Và được giao cho cha Giuse Trần Ngọc Châu. Cũng theo cụ Trân, hiện nay anh Nguyễn Tấn Ích (Hoài), đt. 0623.869930, ở tại giáo xứ Hiệp Đức còn lưu giữ cây thánh giá gẫm đàng và viên đá thánh bàn thờ của nhà thờ Cù Và.

          III. HƯỚNG TỚI TƯƠNG LAI

           Trong chiến tranh, giáo dân Cù Và ly tán. Sau khi hòa bình vãn hồi, nhiều gia đình đã ổn định đời sống nơi vùng đất mới, chỉ một số ít giáo dân hồi cư. Giáo dân phải vượt đường xa xôi để đến nhà thờ Phú Hòa lãnh nhận các Bí tích. Hiện nay tại 3 giáo họ của giáo xứ Cù Và: Cù Và, Phước Thọ, An Thọ có 211 giáo dân. Giáo dân cũng như Giám mục và linh mục hữu trách ước mong có được ngôi nhà thờ gần dân để việc sinh hoạt tôn giáo được thuận lợi.

 

[1] Compte-Rendue Sept 1939-Sept.1940, Imp. De Qui Nhon 1940, trang 2.
[2] Mission de Qui Nhơn,  Mémorial N.58, 31 Oct.1909, trang 151.
[3] Ngày nay Văn Bân thuộc xã Đức Chánh, huyện Mộ Đức.


 
Tác giả bài viết: Lm. Gioan Võ Đình Đệ
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 31
  • Khách viếng thăm: 29
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 7317
  • Tháng hiện tại: 7317
  • Tổng lượt truy cập: 12297029