Trang mới   https://gpquinhon.org

Giới thiệu sách : Tân Phúc-Âm-hóa tại Việt Nam và vấn đề hội nhập văn hóa trong lãnh vực luân lý

Đăng lúc: Thứ sáu - 09/05/2014 10:59
KỶ NIỆM
NGÂN KHÁNH LINH MỤC
1989 – 10.5 – 2014

 
 
 
 
LỜI TỰA
 
Từ ngày 07 đến 28 tháng 10 năm 2012 Hội Nghị Thường Kỳ lần thứ XIII của Thượng Hội Đồng Giám Mục đã được Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI triệu tập tại Rôma để thảo luận đề tài Tân Phúc-Âm-hóa để thông truyền đức tin Kitô giáo. Từ kết quả của hội nghị này, ngày 24 tháng 11 năm 2013, ngày bế mạc Năm Đức Tin, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã ban hành Tông huấn Evangelii Gaudium về việc rao giảng Tin Mừng trong thế giới hôm nay, để đẩy mạnh công cuộc tân Phúc-Âm-hóa trên toàn thế giới.

Tiếp đến, ngày 27 tháng 04 năm 2014, Chúa nhật II Phục Sinh, tại đền thờ thánh Phêrô ở Rôma, Đức Phanxicô lại long trọng tôn phong hiển thánh cho Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, là hai vị đã có công lớn trong việc khai mào và phát động công cuộc tân Phúc-Âm-hóa, để đáp ứng những thách đố của việc loan báo Tin Mừng cho con người ngày nay.

Con người ngày nay đang ở trong một tình huống bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi tâm thức hiện đại và hậu hiện đại, với những nét đặc trưng là chủ nghĩa thế tục và chủ nghĩa tương đối luân lý, là những nguyên nhân gây ra sự đánh mất các giá trị truyền thống và do đó tạo nên một khoảng trống tôn giáo, không còn chỗ cho việc nghiên cứu tinh thần và mối quan tâm đến cuộc sống vĩnh cửu. Chắc chắn tình huống này đang đặt sứ vụ loan báo Tin Mừng của Giáo Hội đối diện với những thách đố lớn. Trong số những thách đố ấy, việc tìm kiếm một hình thức phù hợp hơn cho một đề xuất luân lý nhắm đến cuộc tân Phúc-Âm-hóa là một trong những quan tâm chính của Giáo Hội. Từ lâu, nhất là từ sự gợi hứng của công đồng Vaticanô II, mối liên hệ nội tại giữa luân lý và việc tân Phúc-Âm-hóa được làm nổi bật bởi Huấn quyền Giáo Hội, đặc biệt là Đức Gioan Phaolô II.

Chúng ta có thể tìm thấy điều này trong thông điệp Veritatis Splendor của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II về những vấn nạn căn bản trong giáo huấn luân lý của Giáo Hội. Đây là một văn kiện Giáo Hoàng có một ý nghĩa rất đặc biệt trong toàn bộ tư tưởng chính thức của Giáo Hội và trong lịch sử thần học luân lý hiện đại. Chính trong các số 106-108 của thông điệp này mà chủ đề « luân lý và tân Phúc-Âm-hóa » được Đức Giáo Hoàng nói đến cách minh nhiên. Tuy nhiên, chúng ta có thể gặp thấy những tư tưởng về chủ đề này bàng bạc trong suốt văn kiện.

Được gợi hứng và lấy điểm xuất phát từ văn kiện này, tập sách Tân Phúc-Âm-hóa tại Việt Nam và vấn đề hội nhập văn hóa trong lãnh vực luân lý được biên soạn như một sự đóng góp khiêm tốn cho công cuộc tân Phúc-Âm-hóa tại Việt Nam. Việc biên soạn này được thúc đẩy bởi hai động lực:

Động lực thứ nhất phát xuất từ hoàn cảnh văn hóa của Việt Nam. Thực vậy, đất nước chúng ta có một nền văn hóa hàng ngàn năm, được hình thành từ những yếu tố bản địa cũng như những đóng góp của các tôn giáo lớn đến từ thế giới bên ngoài, một nền văn hóa mà trong đó người ta có thể tìm thấy ưu thế của cảm thức luân lý và tôn giáo. Chính những tín ngưỡng và những tôn giáo này cùng với giáo huấn luân lý của chúng đã góp phần tạo nên căn tính văn hóa của dân tộc và bậc thang giá trị chi phối toàn bộ cuộc sống xã hội cũng như cá nhân của người Việt Nam. Vì rất quí chuộng luân lý, họ có thể dễ dàng tiếp nhận tất cả những tôn giáo nào giúp họ sống một cuộc sống luân lý tốt ; và đối với họ, chính đời sống luân lý của các tín đồ một tôn giáo là tiêu chuẩn để đánh giá tôn giáo ấy.

Tuy nhiên, trong hoàn cảnh hiện nay, người ta đang chứng kiến một sự xói mòn hay một cuộc khủng hoảng các giá trị của nền văn hóa ngàn đời này vì những hậu quả xấu của tâm thức hiện đại và hậu hiện đại đang xâm nhập rất nhanh vào Việt Nam qua tiến trình toàn cầu hóa. Điều đó chắc chắn kéo theo những hậu quả tiêu cực trong đời sống luân lý và tôn giáo, không những của dân chúng mà còn của các Kitô hữu Việt Nam. Một tình huống như thế đòi buộc từ phía Giáo Hội tại Việt Nam một nỗ lực tìm kiếm những con đường tân Phúc-Âm-hóa, trong số đó một đề xuất thích hợp về luân lý Kitô giáo phải được để ý tới.

Động lực thứ hai phát xuất từ sự nhìn lại lịch sử truyền giáo tại Việt Nam. Tin Mừng đã được loan báo tại đất nước này từ gần 500 năm nay, và trong suốt thời gian ấy một điều không thể chối cãi là sứ vụ của Giáo Hội đã thu lượm được nhiều thành quả, nhưng đồng thời Giáo Hội cũng hứng chịu không ít thất bại và thành kiến. Đó là một tình huống dễ hiểu và chung cho mọi sứ vụ loan báo Tin Mừng. Nhưng phải nhìn nhận rằng trong sứ vụ truyền giáo tại Việt Nam, những thành công và thất bại rất thường nằm trong lãnh vực luân lý. Điều đó thúc đẩy chúng ta tìm kiếm một cách thức loan báo Tin Mừng bắt đầu từ lãnh vực này.

Với những động lực như thế, tập sách này nhằm nghiên cứu dưới ánh sáng của thông điệp Veritatis Splendor, trước hết là mối tương quan giữa luân lý Kitô giáo và công cuộc tân Phúc-Âm-hóa, để khám phá một luân lý Kitô giáo thực sự có khả năng phục vụ cho công cuộc tân Phúc-Âm-hóa, tức là có thể truyền đạt sứ điệp Tin Mừng cho con người thời nay, và đồng thời để chúng ta xác tín hơn về tầm quan trọng của vai trò và sự đóng góp của luân lý trong sứ vụ truyền giáo của toàn thể Giáo Hội. Khởi đi từ nền tảng giáo thuyết này, chúng ta sẽ nhìn lại thực tại của việc hội nhập văn hóa đối với luân lý Kitô giáo mà Giáo Hội đã thực hiện trong quá trình truyền giáo tại Việt Nam, rồi từ đó tìm kiếm một đề xuất luân lý Kitô giáo nhằm phục vụ công cuộc tân Phúc-Âm-hóa trong bối cảnh văn hóa của đất nước này.

Để thực hiện mục tiêu ấy, tập sách nghiên cứu này được khai triển thành hai phần và được chia thành bốn chương.

Phần thứ nhất mang tựa đề : Luân lý Kitô giáo và công cuộc tân Phúc-Âm-hóa theo giáo huấn của Veritatis Splendor và được chia thành hai chương : I và II. 

Chương I trình bày cách tổng quát giáo huấn của thông điệp về tương quan giữa luân lý và công cuộc Phúc-Âm-hóa. Bắt đầu bằng việc tìm kiếm một nền tảng chung giữa luân lý và việc loan báo Tin Mừng từ quan điểm cứu độ học, nhân loại học và Kitô học, chương này tiếp tục trình bày mối liên hệ mật thiết, tương quan năng động hay sự lệ thuộc lẫn nhau giữa luân lý và đức tin, để từ đó rút ra mối tương quan giữa luân lý và công cuộc Phúc-Âm-hóa, rồi kết thúc bằng việc trình bày sự chuyển biến từ Phúc-Âm-hóa sang tân Phúc-Âm-hóa.

Chương II tìm cách khám phá trong giáo huấn của thông điệp bộ mặt của một luân lý Kitô giáo có khả năng đáp ứng những đòi hỏi của công cuộc tân Phúc-Âm-hóa trong thời đại hiện nay. Để đạt được mục đích ấy, chương này bắt đầu bằng việc nghiên cứu những con đường canh tân luân lý giữa lòng Giáo Hội công giáo, một cuộc canh tân khởi đi từ ý thức về sự khiếm khuyết của đề xuất luân lý hậu Trentô và được khai triển trong các trường phái luân lý cũng như trong các văn kiện Giáo Hội cho đến thông điệp này. Nhờ cuộc canh tân này, dung mạo đích thực của một luân lý Kitô giáo có khả năng góp phần vào công cuộc tân Phúc-Âm-hóa đã được khám phá với những nét tiêu biểu như sau : một luân lý khởi đi từ lương tâm, một luân lý dựa vào Tin Mừng, một luân lý đặt trọng tâm trên mầu nhiệm Đức Kitô và cuối cùng là một luân lý được diễn tả bằng chứng từ của một cuộc sống thánh thiện và bác ái. Như vậy, phần thứ nhất này là nền tảng giáo thuyết định hướng cho cuộc nghiên cứu tiếp theo.

Phần thứ hai có tựa đề : Luân lý Kitô giáo và công cuộc tân Phúc-Âm-hóa tại Việt Nam. Phần này cũng được chia thành hai chương : III và IV.

Chương III dành để trình bày việc hội nhập văn hóa đối với luân lý Kitô giáo như con đường tuyệt hảo của cuộc tân Phúc-Âm-hóa trong bối cảnh văn hóa Việt Nam. Chương này bắt đầu bằng những suy tư thần học khởi đi từ một nhận thức mới của Giáo Hội về văn hóa và chiều kích luân lý của nó, nhằm mục đích tìm kiếm những nền tảng thần học, xác định những tiêu chuẩn và vạch ra tiến trình hội nhập văn hóa trong lãnh vực luân lý. Những suy tư này phần lớn bắt nguồn từ giáo huấn của chính thông điệp Veritatis Splendor. Được soi sáng bởi những suy tư thần học này, chúng ta hướng nhìn về tình trạng hội nhập văn hóa đối với luân lý tại Việt Nam qua dòng thời gian, để đưa ra ánh sáng những khó khăn và những thuận lợi của nó và để đánh giá những sáng kiến và những thử nghiệm của các thừa sai ngoại quốc, cũng như những nỗ lực của Giáo Hội địa phương. Chương này kết thúc bằng việc đưa ra những định hướng và những viễn tượng của việc hội nhập văn hóa đối với luân lý Kitô giáo trong bối cảnh văn hóa tại Việt Nam hiện nay.

Sau cùng, chương IV xuất hiện như một kết luận cho toàn bộ cuộc nghiên cứu. Thực vậy, với những bài học rút ra từ lịch sử truyền giáo tại Việt Nam và trong những định hướng và những viễn tượng được đưa ra trên đây, chương này thử phác họa một đề xuất luân lý Kitô giáo được hội nhập vào bối cảnh của Việt Nam ngày nay. Đề xuất này là một tổng hợp giữa những điểm chính của nền luân lý đổi mới nhắm đến cuộc tân Phúc-Âm-hóa - mà chúng ta đã gặp thấy trong giáo huấn luân lý của Veritatis Splendor như được trình bày ở chương II - và những nét đặc trưng của văn hóa Việt Nam trong tình trạng truyền thống và dưới ảnh hưởng hậu hiện đại như chúng ta đang thấy hiện nay.

Trong một viễn tượng như thế, chương này bắt đầu bằng một phần trình bày về luân lý Kitô giáo đối thoại với văn hóa Việt Nam trên căn bản lương tâm mà cả học thuyết của Giáo Hội lẫn văn hóa Việt Nam đều nhìn nhận không những như khởi điểm của toàn bộ cuộc sống đạo đức của con người, mà còn như cửa mở về phía siêu việt. Từ đó việc đào tạo lương tâm theo nghĩa Kitô giáo trở thành một con đường trước tiên để thực hiện công cuộc tân Phúc-Âm-hóa. Đồng thời cũng đưa ra một luân lý của sự hoàn thiện, trong đó người ta có thể tìm thấy một sự gặp gỡ giữa Tin Mừng và nền luân lý Việt Nam, cũng như một sự hoàn thiện hóa nền luân lý này nhờ Tin Mừng. Đàng khác, trong bối cảnh văn hóa xã hội Việt Nam hiện nay, không thể không đề xuất một luân lý được diễn tả bằng chứng từ sống trong lãnh vực gia đình cũng như trong các dấn thân xã hội được thúc đẩy bởi tình yêu ưu tiên dành cho người nghèo. Cả ba khía cạnh này của luân lý Kitô giáo được đề xuất như con đường tân Phúc-Âm-hóa đều nhất thiết bao hàm một chiều kích chung : đó là chiều kích Kitô học được cố ý trình bày trong cả chương ; bởi lẽ chính chiều kích này tạo nên nét đặc thù của luân lý Kitô giáo đổi mới, của giáo huấn luân lý trong Veritatis Splendor, và nó hướng con người về Đức Kitô.

Để thực hiện cuộc nghiên cứu này, ngoài thông điệp Veritatis Splendor được sử dụng vừa như điểm xuất phát, vừa như điểm qui chiếu thường xuyên, tập sách này còn sử dụng một số tài liệu khác theo những cấp độ khác nhau.

Trước hết là những văn kiện công đồng Vaticanô II, đặc biệt Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes về Giáo Hội trong thế giới ngày nay và Sắc lệnh Ad Gentes về hoạt động truyền giáo của Giáo Hội ; Sách Giáo lý của Hội Thánh công giáo ; các văn kiện Giáo Hoàng, đặc biệt Tông huấn Ecclesia in Asia của Đức Gioan Phaolô II, các diễn từ và bài giảng của ngài trong những trường hợp khác nhau, Tông huấn Evangelii Gaudium của Đức Phanxicô ; các văn kiện của Tòa Thánh, đặc biệt Huấn thị của Thánh bộ Truyền bá Đức tin năm 1659 ; các văn kiện của Giáo Hội Việt Nam, đặc biệt văn kiện công đồng Đông Dương năm 1934, các thư mục vụ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Tiếp đến, là những tài liệu liên quan đến truyền thống triết lý, đạo đức và tôn giáo, phong tục tập quán,  của nền văn hóa Việt Nam từ xưa đến nay.

Chúng tôi không có tham vọng trình bày toàn bộ học thuyết của Giáo Hội về luân lý Kitô giáo và công cuộc tân Phúc-Âm-hóa, nhưng chỉ giới hạn trong việc nghiên cứu giáo huấn của thông điệp Veritatis Splendor để tìm cách rút ra những gì liên quan đến chủ đề đã chọn và đem áp dụng vào bối cảnh văn hóa tại Việt Nam. Đàng khác, vì chủ yếu nhắm đến yếu tố văn hóa, chúng tôi chỉ tập trung nghiên cứu việc hội nhập văn hóa đối với luân lý Kitô giáo tại Việt Nam, do đó không đề cập đến những lãnh vực khác của xã hội Việt Nam và những con đường tân Phúc-Âm-hóa khác.

Cho đến nay tại Việt Nam vẫn chưa có những nghiên cứu sâu rộng và qui mô để tìm cách trình bày luân lý Kitô giáo bằng ngôn từ của văn hóa Việt Nam nhằm phục vụ công cuộc tân Phúc-Âm-hóa, tức là để làm cho người ta có thể hiểu được và dễ dàng chấp nhận sứ điệp Kitô giáo vốn hàm chứa những đòi hỏi luân lý. Trong tình trạng hiện nay, công cuộc nghiên cứu của chúng tôi vẫn chỉ là một cố gắng cá nhân và do đó chắc chắn chứa đựng nhiều thiếu sót, bất toàn và bất cập.  Tuy nhiên, chúng tôi nghĩ rằng chủ đề này đáng được đào sâu hơn nữa và chúng tôi hy vọng việc nghiên cứu của chúng tôi sẽ đem lại một đóng góp khiêm tốn vào việc nghiên cứu vấn đề và cũng mong đón nhận những góp ý chân thành từ quí độc giả.
 
                  Qui Nhơn, ngày 10 tháng 04 năm 2014
                          + Matthêô Nguyễn Văn Khôi
                        Giám mục Giáo phận Qui Nhơn
 
 
Tác giả bài viết: + Matthêô Nguyễn Văn Khôi
Nguồn tin: Giáo phận Qui Nhơn
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 9
  • Hôm nay: 8422
  • Tháng hiện tại: 126520
  • Tổng lượt truy cập: 12270780