Trang mới   https://gpquinhon.org

Chiếu tỏa niềm tin khi vươn tới tha nhân

Đăng lúc: Thứ tư - 10/06/2015 19:03
CHIẾU TỎA NIỀM TIN KHI VƯƠN TỚI THA NHÂN

 
  1. Mở đầu:
  2.  
    1. Khái niệm về từ ngữ: Chiếu tỏa niềm tin là một động từ có cường độ mạnh mẽ và mục tiêu rõ ràng. Nó giống như ngọn đèn pha có chức năng tìm kiếm hơn là ngọn hải đăng le lói trong bầu trời đêm. Dĩ nhiên ngọn hải đăng có chức năng riêng của nó là thu hút mời gọi giúp người ta xác định phương hướng tìm về bờ bến của sự sống. Nhưng với mục tiêu cấp bách như hiện nay của giáo phận Qui nhơn chúng ta là truyền giáo và tái truyền giáo làm món quà dâng lên Chúa nhân ngày mừng kỉ niệm 400 năm Tin mừng đến với Giáo phận nhà, đây là một dịp quí hiếm để phát động phong trào trong toàn Giáo phận, người người nhà nhà truyền giáo. Mục tiêu sau cùng của mọi hoạt động trong giáo hội là phần rỗi các linh hồn, nên việc làm này không dừng lại trong khoảng thời gian từ đây đến đó (2018) mà xuyên suốt dòng lịch sử bao lâu trên mảnh đất này còn danh Kitô hữu và những anh chị em chưa nhận biết Chúa.
    2. Ý nghĩa của việc chiếu tỏa niềm tin: là công cuộc tìm kiếm các linh hồn, là một nổ lực rao giảng toàn tâm toàn ý của toàn giáo phận và bắt đầu từ cao đến thấp, từ lớn đến nhỏ. Là thực thi mệnh lệnh của Chúa Kitô “các con hãy đi loan báo Tin mừng cho mọi loài thụ tạo, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” (Mt). Khi thực thi mệnh lệnh ấy, không những chúng ta chu toàn bổn phận của một người con đối với Cha mà còn là một sự bù đắp củng cố cho phần rỗi mong manh của chính mình “khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin mừng” (1Cr 9,16). Sau cùng thường chúng ta nói, bác ái là một cách thế loan báo Tin mừng nhưng chính xác loan báo Tin mừng mới thật sự là một nghĩa cử bác ái “tiền bạc thì tôi không có, tôi có cái này là NHÂN DANH ĐỨC KITÔ anh hãy đứng dậy vát chỏng mà về”.
  3. Nội dung chính: ngày nay trào lưu vô thần đã lắng xuống và bắt đầu nhường lại cho một cuộc sống hữu thần vốn có từ ban đâu của nó. Đây là một cơ hội rất tốt để chúng ta loan báo Tin mừng “ai không chống đối các con là ủng hộ các con”. Chúng ta không cần nói cho họ có một Đấng trên cao, chúng ta chỉ cần giúp cho họ biết Đấng ấy là ai thôi. Như thánh Phaolô đã từng làm với người Hilap “Đấng anh em thờ mà anh em không biết, tôi xin giới thiệu Đấng ấy chính là Thiên Chúa”. Thánh Phaolô không đả kích hay phi bác niềm tin của người khác, ngài chỉ giúp người ta bước lên một niềm tin chân chính trên cơ sở niềm tin cổ truyền của họ. Nhờ sự khôn ngoan ấy mà ngài đã thành công trên con đường rao giảng và xứng đáng với tên gọi Tông đồ dân ngoại.
Chiếu tỏa niềm tin là hành động có mục tiêu, không mơ hồ. Vậy mục tiêu đó là ai ?
  1. Với nhà cầm quyền: chúng ta đừng tưởng những nhà cầm quyền là những người vô thần. Không đâu, hầu hết họ là những người có niềm tin nhưng là tin vào ai đó thôi. Vừa rồi ở Hoài ân có đặt một bức tượng của ông Tăng Bạt Hổ, một chí sĩ yêu nước, đặt tại trung tâm huyện hoài ân. Ngày khánh thành là ngày lễ cầu hồn nhập tượng gồm chín ông thầy chùa, sau một hồi cầu khẩn gì đó, thầy chùa tuyên bố hồn của ông đã nhập tượng. Bắt đầu quý ông đại diện chính quyền tỉnh Bình định lạy, rồi chính quyền huyện lạy, rồi thị trấn lạy và sau cùng là dân chúng bắt chước lạy. Sự cao trong đôi khi cũng làm cho người ta cô đơn. Nói như nhiều giám mục khi còn là linh mục, bạn bè nhiều gần gủi có gì nhắc nhở nhau chân tình. Khi làm giám mục rồi mọi người bắt đầu xa dần ngay cả những người bạn thân nhất. Đây cũng là lẽ tự nhiên, sợ vô lễ, sợ quấy rầy chuyện không đâu nên dần dần cảm thấy có khoảng cách. Thôi xin nhường lại công việc này cho quý bề trên và những ai có điều kiện tiếp xúc với các nhà cầm quyền. Nhiều khi chúng ta quá dè dặt, không dám cho nhau những điều cần thiết. Ai có biết đâu cao lương mĩ vị không muốn mà muốn một đĩa rau muống dưới bèo chấm tương. Quan trọng là phải rao giảng “làm sao có người tin nếu không có người rao giảng”. Nên Công Đồng Vatican II đã nói “chúng tôi lớn tiếng tuyên bố : chúng tôi kính trọng quyền hành và chủ quyền của quý vị, chúng tôi tôn trọng chức vụ của quý vị. Chúng tôi nhìn nhận những pháp luật chính đáng của quý vị, chúng tôi quý chuộng người làm ra cũng như người áp dụng những luật ấy. Nhưng chúng tôi có một lời chí thánh để nói với quý vị, đó là : chỉ một mình Thiên Chúa là cao cả. Chỉ một mình Thiên Chúa là nguyên thủy và là cứu cánh. Chỉ một mình Thiên Chúa là nguồn gốc của quyền bính và là nền tảng của các luật lệ của quý vị”. Ai cũng có những giây phút lắng đọng tâm hồn, ai cũng có những giờ nghỉ ngơi cho riêng mình hãy tranh thủ sự quen biết mà cho nhau một niềm tin một lẽ sống. Xét cho cùng họ cũng là con người, nghĩa là cũng cần có một niềm tin chân chính như chúng ta.
  2. Với người trí thức: trong xã hội nào giới trí thức cũng được coi là nòng cốt của xã hội ấy. Bởi họ chuyên chăm tìm kiếm chân lý, tư tưởng, khoa học, lịch sử, địa lý, vũ trụ, nhân sinh… để định hướng và cống hiến cho một xã hội trong tương lai tốt đẹp hơn. Chắc chắn họ gặp không ít khó khăn khi nhìn nhận lý trí con người quá hữu hạn. Như một sự khích lệ và biết ơn, chúng ta có thể giới thiệu cho họ một thứ ánh sáng mới “để giúp suy nghĩ đúng, chúng tôi đến cống hiến quí vị ánh sáng của cây đèn mầu nhiệm là đức tin, không phải để làm quẩn chân hay làm chói mắt quí vị. Đấng trao gởi ánh sáng đức tin cho chúng tôi là một vị tôn sư của tư tưởng và chúng tôi là những đệ tử khiêm tốn của người, chỉ mình người đã nói và có quyền nói: “Ta là ánh sáng thế gian. Ta là đường, là sự thật và là sự sống” (sứ điệp công đồng gởi toàn thể nhân loại số 16/ 1.)
  3. Với văn nghệ sĩ: cuộc sống nào cũng cần đến cái đẹp, chính giới văn nghệ sĩ là người tô điểm và có thể mặc cho những ý tưởng hay với những chiếc áo diễm lệ của mình. “Qua ngôn ngữ hình thể và sắc thái, khiến cho thế giới vô hình có thể được cảm nhận”. Nhóm câu lạc bộ thơ văn Đặng Đức Tuấn của cha Khánh và cha Quang là những cố gắng đáng khích lệ. Thiên Chúa là Đấng Chân Thiện Mỹ, họ đi tìm cái đẹp và bảo vệ cái đẹp  chắc chắn là bạn của chúng ta.
  4. Với phụ nữ: người nữ chiếm một nữa trong đại gia đình nhân loại và vai trò của họ không thể thiếu trong cuộc sống chung này. Trong gia đình, ho đóng vai trò định đoạt nên hư “con hư tại mẹ cháu hư tại bà”. Trong mầu nhiệm nhập thể, Con Thiên Chúa làm người được trao phó cho mẹ Maria và để mau mắn loan báo tin mừng Chúa Phục Sinh, Thiên Chúa cũng trao cho quý bà đạo đức. Hỡi các dòng tu nữ trong giáo phận, quí chị em sống đời tận hiến để phụng sự Chúa và loan báo tin mừng. Hãy dùng sự dịu dàng nữ tính của mình mà thâm nhập vào đời sống các gia đình để giới thiệu cho họ một gia đình gương mẫu là Nazaret, một trái tim êm ái dịu dàng là Thánh Tâm Chúa Giêsu, một tấm lòng nhân từ là Lòng Chúa Thương xót và một tình yêu tận hiến trọn vẹn và cứu độ là Chúa Giêsu trên thập giá. Vì không thuận lợi tiếp xúc với giới nữ, chúng ta tạo điều kiện cho quí sơ làm giúp chúng ta việc này. (Ví du các sơ mới về thác đá)
  5. Với người lao động, nghèo khó và bệnh tật: trái đất này được nuôi sống nhờ những bàn tay biết lao động. Chung quanh chúng ta là những người lao động. Cha mẹ anh chị em chúng ta là những người lao động. Họ là người nuôi sống xã hội nhưng lại là những người có thu nhập thấp nhất. Khi có chiến tranh loạn lạc họ là những người hứng chịu hậu quả nhiều nhất. Làm ăn kinh tế hiện nay, họ cũng là người chịu rủi ro nhiều nhất. Qua mọi thời họ luôn là người đối diện nhiều với bao nhiêu nỗi thống khổ. Giáo hội của Chúa là giáo hội của người nghèo. Chúa Giêsu sinh ra giữa những người nghèo và lớn lên cùng người nghèo. Rao giảng cho người nghèo “phúc cho những ai nghèo khó vì nước trời là của họ”. Họ nghèo thường là do bất công của xã hội “Kẻ ăn không hết người lần không ra”. Hãy đồng cảm với họ qua sự thăm viếng và chia sẽ kinh nghiệm cuộc sống. Thường người nghèo có trái tim rộng mở. Đến với họ không khó khăn lắm, gần như họ luôn đợi chờ chúng ta và rất niềm nở. Trên đồng ruộng hay ở trại chăn nuôi vẫn có thể trao đổi một vấn đề nghiêm túc như trên bàn giấy. Bên cạnh người nghèo thường là người bệnh tật và đau khổ. Vì nghèo mà sinh ra bệnh tật và đau khổ, hay vì bệnh tật và đau khổ sinh ra nghèo cũng vậy. Họ là những người hay kêu trời. “Hữu sự vái tứ phương” cho nên họ cũng thường là những người hay mê tín. Đến với người nghèo, việc đầu tiên là giúp họ bỏ bớt những thứ mê tín. Chính mê tín là một rào cản trong tương quan giữa họ với chúng ta. Phải thật sự yêu thương họ ! Chúa Giêsu không ví mình hiện thân trong người giàu có, khỏe mạnh mà chỉ ví mình hiện thân trong những kẻ khốn cùng “khi ta đói các ngươi cho ăn, khi ta khát các người cho uống…”. Hãy đến với người nghèo khó bệnh tật và đau khổ như một sự ưu tiên và cấp bách. Sự trông đợi đã lâu và những ngày sống không còn dài. “lúa chín đầy đồng” thị họ là những bông lúa quéo đầu trên đồng ruộng. Là mục tử hãy tìm đến với họ trước khi họ tìm đến vói mình. Chiếu tỏa niềm tin là vậy.
  6. Với người trẻ: giới trẻ là tương lai của một xã hội, là những người có nhiều thao thức và hoài bảo. đứng trước một thế giới mở, người trẻ thường khó đưa ra cho mình một chọn lựa. Vì không có chọn lựa nên dễ bị lôi kéo vào những tệ nạn xã hội. Vì tương lai hay vì sinh nhai, người trẻ thường đổ dồn về các thành phố lớn để sinh sống và học hành. Một cuộc sống hổn tạp làm cho nhiều gia đình ở nhà phải lo lắng, lo lắng đến độ có nhiều cha mẹ phải bỏ quê theo con làm mướng nuôi con ăn học. Khi nào xong học mới dám trở về. Mục vụ di dân là hết sức cần thiết; về học hành, làm việc và hôn nhân làm sao giúp các bạn trẻ không lạc lỏng trên đất khách quê người. Luôn có những sân chơi lành mạnh giúp bạn trẻ không cô đơn và hiểu được giá trị bản thân mình. Từ những sân chơi này nhiều bạn trẻ đã tìm về với đạo Chúa ít là qua con đường hôn nhân.
III. Kết luận: chiếu tỏa niềm tin khi vươn tới tha nhân, hay nói cách khác không vươn tới tha nhân không thể chiếu tỏa niềm tin được. Vươn tới tha nhân là thi hành mệnh lệnh Chúa truyền và chính là củng cố và bồi đắp cho chính phần rỗi linh hồn của chúng ta. Truyền giáo là bản chất của giáo hội nên phải toàn tâm toàn lực dù làm bất cứ việc gì cũng phải nghĩ đến việc truyền giáo. Một thánh lễ, một đám tang hay một đám cưới. Việc xây cất nhà thờ, một khóa đào tạo, khám chữa bệnh hay làm từ thiện đều nhắm đến việc truyền giáo và nhất là trong lời cầu nguyện hằng ngày. Truyền giáo phải mang tính cấp bách như một sự thôi thúc từ bênh trong vì lòng yêu mến các linh hồn “lúa chín đầy đồng mà thiếu thợ gặt”.
Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Đình Bút
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 23
  • Khách viếng thăm: 18
  • Máy chủ tìm kiếm: 5
  • Hôm nay: 4378
  • Tháng hiện tại: 138839
  • Tổng lượt truy cập: 12283099