Trang mới   https://gpquinhon.org

Gò Bồi, nơi sông hẹn biển

Đăng lúc: Thứ ba - 03/05/2016 05:51
Gò Bồi, nơi sông hẹn biển

Có dịp ngang Bình Định, bạn tôi - một nhà báo đang làm việc tại Quảng Nam - ngỏ ý được đi tham quan các di tích lịch sử, văn hoá của Bình Định trong 2 ngày. Vậy là chúng tôi ruổi rong khắp nơi, từ Ghềnh Ráng (Quy Nhơn) đến Bào tàng Quang Trung, Đàn tế Trời Đất (Tây Sơn), rồi Thành cổ Đồ Bàn, tháp Cánh Tiên (An Nhơn)… Vậy nhưng, cuối cùng, anh đề nghị được đến được Gò Bồi. Anh bảo, nhà thơ Xuân Diệu, Nhà lưu niệm Xuân Diệu ở Gò Bồi nổi tiếng quá rồi và hai chữ Gò Bồi gợi lên “cái chi đó” là lạ đầy hấp dẫn khi nhắc đến, nó chứa đựng bên trong “cái chi đó” thật đặc biệt. Cần ngắm sông, gặp người, để có thể cảm nhận sâu một chút về một vùng đất - ý anh là vậy.

Gò Bồi trong ngày hội đua truyền truyền thống

Người dân Gò Bồi - Phước Hoà hẳn đã thuộc nằm lòng những lời của một bài hát: “Dòng sông xanh Gò Bồi/ Những con thuyền đang đứng đợi”. Hình ảnh về con sông trong ca từ thật đẹp. Nhưng đó là cảm nhận của con người hôm nay. Ai biết được rằng dòng sông Gò Bồi đã ẩn chứa trong nó biết bao thăng trầm của lịch sử, kết đọng trong nó những vẻ đẹp của một thời quá khứ phồn vinh.

Sông Tân An, một chủ lưu phía nam của sông Côn, chảy về ngã ba Âm Phù, một nhánh được đặt tên sông Gò Tháp ôm lấy thôn Bình Lâm, hợp lưu với sông Hà Bạc chảy từ Phước Hưng về, hợp thành sông Gò Bồi xuôi ra  biển. Từ đầu thế kỷ 17, đô thị Nước Mặn mà trung tâm là chùa Bà ngày nay, ở thôn An Hoà - Phước Quang, hình thành rồi phồn thịnh. Đến đầu thế kỷ 19, cửa Thử - Cát Tiến (Phù Cát) - bị lấp, phù sa làm cạn sông Hà Bạc, ghe thuyền không lên được Nước Mặn. Đô thị Nước Mặn suy tàn nhưng nhu cầu trao đổi hàng hoá đến Tây Nguyên và các tỉnh miền Trung lúc bấy giờ đòi hỏi một bến cảng mới thay thế và thị tứ, vạn Gò Bồi ra đời từ đó.

“Gò Bồi trên bến dười thuyền
Ghe bầu theo lạch đậu liên tiếp bờ”

Đó là hình ảnh Gò Bồi một thời.

Gò Bồi ngày ấy ruộng đồng trù phú, nguồn hải sản từ sông, biển dồi dào vì ở nơi cửa sông ra đầm Thị Nại. Tụ hội về đây có người dân bản địa đến đây khai phá ruộng đồng từ trước; người Minh Hương đến cùng nhiều tiệm buôn từ Nước Mặn; Gò Bồi còn có tiệm buôn của người Ấn Độ đến đây buôn bán. Đặc biệt, ghe thuyền từ Phan Thiết, Khánh Hoà, Phú Yên tấp nập về đây bán cá, mắm và Gò Bồi trở nên nổi tiếng với nghề nước mắm: “ Gò Bồi nước mắm thật ngon/ Ăn xong ba bữa còn thơm còn nồng

Cùng với phố thị đông đúc, hàng quán bán buôn tấp nập người tứ phương, đời sống vất chất phồn thịnh nơi đây kéo dài đến tận đầu thế kỷ 20. “ Đi đây đi đó không bằng cái xó Gò Bồi”, người dân bản địa tự hào mà nói vậy.

Tháp Bình Lâm đang được trùng tu

Quả thật, chợ Gò Bồi ngày ấy dài đến 300 m, rộng khoảng 100 m. Chợ họp hàng ngày và cứ 5 ngày có một phiên đông vào các ngày 2, 7, 12, 17, 22, 27 âm lịch. Quy mô chợ lớn hơn chợ bây giờ rất nhiều cho thấy đây là trung tâm thương mại với đủ loại hàng hoá từ các nơi đổ về mà đặc biệt nhất là nước mằm và cá tôm, hải sản vùng sông liền biển.

Tết đến chợ còn họp đêm, được thắp sáng bằng hàng ngàn ngọn đèn dầu. Gò Bồi một thời còn có chợ Cua chuyên bán cua các loại; có chợ Nhỏ bán hải sản tôm, cua, cá, mực biển và cá sông đến từ các vùng lân cận Tân Giản, Huỳnh Giản, Kim Đông…

Một cách thật tự nhiên, sự trù phú, đa dạng các loài hải sản, qua tâm hồn người, qua bàn tay chế biến của con người đã trở thành những món ngon, đậm chất văn hoá ẩm thực riêng của Gò Bồi.

Những món ngon vùng sông nước nghe kể lại mà thèm: Mắm cơm, mắm thu, mắm ruột cá ngừ có từ xưa giờ vẫn đằm thắm, mỗi loại có hương vị đậm đà riêng trong khẩu vị mỗi người ; món gỏi sứa, bún sứa chế biến với gạch cua ngon đến “nhức răng” , nay đã thành đặc sản khu Đông - Tuy Phước; cái ngon của lòng cá chẻm nơi đây đã trở thành thành ngữ “Chưa ăn lòng cá chẻm tươi/Xuôi tay tính lại thấy đời đủ chưa”. Còn nữa, món nem cá thu, chả cuốn Gò Bồi, món cơm hến đã từng thấm hồn bao thế hệ, để mà “Lấy chồng xa em nhớ ba nhớ má /Nhớ chả Gò Bồi nhớ quá nên mãi về thăm”.

Lần theo lời kể của tác giả Nguyễn Phúc Liêm trong cuốn sách “Văn hoá làng Gò Bồi”, cùng với đời sống vật chất khá phồn vinh, đời sống tinh thần của vùng sông nước này cũng khá phong phú.

Theo Nguyễn Phúc Liêm, Gò Bồi có duyên với thơ. Nơi đây từng là nơi cư ngụ của gia đình nhà thơ, hậu tổ tuồng Đào Tấn. Vì hương lý kỳ thị nên gia đình ông chuyển về sống ở Vinh Thạnh (Phước Lộc). Gò Bồi còn là nơi nhà thơ lớn, ông hoàng thơ tình Xuân Diệu chào đời và sống trọn thời niên thiếu. Ông đã viết nhiều bài thơ về vùng đất ven sông, cận biển này. Đây cũng là nơi nhà thơ nổi tiếng Hàn Mặc Tử từng về sống cùng mẹ một thời gian để chữa bệnh. Theo Nguyễn Phúc Liêm, “sông trăng” trong thơ Hàn Mặc Tử: “Thuyền ai đậu bến sông trăng đó/ Có chở trăng về kịp tối nay” là sông Gò Bồi bởi dòng sông chảy từ hướng tây sang đông, hứng trọn ánh trăng sáng mọc từ hướng đông và lặn về tây.

Di vật Chăm tại chùa Thiên Phước

Gò Bồi hồi đầu thế kỷ XX có trường hát bội khá lớn như một nhà hát hiện đại, các kép tuồng nổi danh Tư Cả, Long Trọng, kép Chinh, kép Tài, đào Thu An từng đến hát ở đây. Người Gò Bồi mê hát đến nỗi “ Tai nghe trống chiến trống chầu/ Xếp ba miếng kẹo lộn đầu lộn đuôi”. Gò Bồi còn có xóm Bài chòi (ở xóm Lò rèn (?) - nơi ở, nơi tụ tập của những người yêu thích, tạo thành gánh bài chòi dân dã có thể phục vụ người yêu nghệ thuật này bất cứ lúc nào, tạo thành sinh hoạt nghệ thuật dân gian phổ biến phục vụ đời sống tinh thần người dân. Tết đến xuân về ở nơi đây tưng bừng hội đánh bài chòi cổ, trò chơi xổ cổ nhơn, đánh cờ người, đua thuyền thúng, những hoạt động văn hoá mang tính cộng đồng, vừa đáp ứng nhu cầu tinh thần, vừa gắn kết cộng đồng người dân nơi đây.

Gò Bồi xưa là thế!

Tôi đứng trên cầu Gò Bồi đặng chiêm ngưỡng Gò Bồi hôm nay, sầm uất, tấp nập và đầy sức sống. Chủ tịch UBND xã Phước Hoà Nguyễn Văn Nhâm cho biết, quy hoạch định hướng phát triển thị tứ Gò Bồi thành đô thị loại V vào năm 2020 với các khu hành chính, thương mại, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đã được phê duyệt. Với ưu thế của nơi giao nhau giữa tỉnh lộ 640 đi Cát Tiến (Phù Cát) và  636 B từ Phước Hoà đi thị xã An Nhơn, thương mại - dịch vụ vẫn là ưu thế mà Phước Hòa ưu tiên định hướng phát triển đến năm 2020 (dự kiến ngành này sẽ chiếm 65% trong cơ cấu kinh tế). Phước Hoà hiện có hàng chục doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, vàng bạc, vận tải, hành khách, xây dựng… đang hoạt động. Đó là cơ sở cho định hướng nêu trên - ông Nhâm trao đổi thêm.

Với bất kỳ địa phương nào, chỉ cần có một địa chỉ lịch sử - văn hoá như Nhà lưu niệm Xuân Diệu không thôi cũng đủ để tự hào và có “vốn” để giao lưu, để làm “du  lịch”, bởi vì phải mất trăm năm, ngàn năm hay có thể lâu hơn nữa, và trong những điều kiện lịch sử, trong sự trầm tích văn hoá “như thế nào đó” thì một di tích mới có “cơ duyên” hình thành. Quý báu là vậy, vậy mà Gò Bồi có nhiều hơn thế! Cách trung tâm Gò Bồi - Phước Hoà 2 km về phía tây nam là tháp Bình Lâm - một trong những tháp đẹp nhất của phong cách đền tháp Bình Định, từng toạ lạc trên bờ thành phía đông của thành Thị Nại nổi tiếng một thời. Rồi đây, nếu các nhà khoa học, nhất là khảo cổ học, bằng các chứng tích khảo cổ học gúp con người bây giờ hình dung cụ thể hơn về tòa thành nổi tiếng trong lịch sử Chămpa này thì sức hấp dẫn của du khách đối với Bình Lâm, Thị Nại còn tăng nhiều hơn nữa.

Nhà thờ Nam Bình

Cạnh tháp Bình Lâm có chùa Thiên Trúc xây dựng từ thế kỷ XVII, trong khuôn viên chùa còn lưu giữ một số di vật Chămpa liên quan đến tháp Bình Lâm.

Không xa tháp Bình Lâm, nhà thờ Nam Bình soi bóng xuống dòng sông Gò Bồi đã trăm năm và cũng bên bờ dòng sông này, cách không xa Nhà Lưu niệm Xuân Diệu, đứng đó chứng tích vụ thảm sát Tân Giản, nơi 46 người dân bị quân chư hầu Nam Triều Tiên sát hại vào năm 1965.

Nhìn rộng ra, cách Gò Bồi hoảng 2 km là thôn An Hoà- xã Phước Quang, trung tâm của cảng thị Nước Mặn nổi tiếng mà nhiều di tích vẫn còn lưu lại đến ngày nay như chùa Bà, đài tưởng niệm ba linh mục dòng Tên, chùa Ông…;  nơi mà mới vừa đây được các nhà khoa học xác định là nơi phôi thai chữ Quốc ngữ.

Vẫn biết làm du lịch không dễ nhưng với bề dày trầm tích văn hoá và tiềm năng du lịch thuộc vào loại đặc biệt và với nhu cầu du lịch của du khách trong tỉnh, trong và ngoài nước đang bùng phát, Gò Bồi - Phước Hoà chắc chắn sẽ là điểm đến hấp dẫn trong một tương lai gần.

Gò Bồi ngày xưa “ra biển” bằng ghe thuyền, nay, thời hội nhập, ra biển sẽ bằng chính những trầm tích văn hoá thâm hậu kết tinh thành di sản của mình.

NGÔ HỒNG SƠN

Nguồn tin: Baobinhdinh.com
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 11
  • Hôm nay: 7426
  • Tháng hiện tại: 86689
  • Tổng lượt truy cập: 12063476