Trang mới   https://gpquinhon.org

Sám hối (truyện ngắn Giáng Sinh)

Đăng lúc: Thứ ba - 20/12/2016 17:51



Sám Hối
 
Ray Bradbury
Nguyễn thị Hải Hà
dịch
từ truyện ngắn “Bless Me, Father, for I Have Sinned
 
 
Chẳng bao lâu là đến lúc nửa đêm, đêm Giáng-sinh. Linh mục Mellon chợt tỉnh giấc, sau khi chợp mắt chỉ vài ba phút. Ông cảm thấy một sự thúc bách kỳ quặc khiến ông phải đứng dậy, đi ra, mở rộng cánh cửa giáo đường để cho tuyết tràn vào rồi đến ngồi trong phòng xưng tội, chờ đợi.
 
Chờ chuyện gì? Ai mà biết? Ai có thể nói ra đây? Nhưng sự thúc bách mạnh mẽ quá không thể cưỡng lại được.
 
“Có chuyện gì xảy ra đây?” ông nói thầm, khi thay quần áo. “Mình có bị điên không đây? Giờ này, đâu có ai cần hay là muốn xưng tội và nếu có thì tại sao lại chọn cái đêm bão tuyết mịt mùng như thế này, liệu mình có nên --”
 
Thế nhưng ông vẫn thay quần áo, xuống nhà thờ, mở toang cửa rồi đứng nhìn sững sờ vẻ đẹp của đất trời ngoài kia, lộng lẫy hơn bất cứ bức tranh nào trong lịch sử, một tấm thảm kết bằng những sợi đăng ten tuyết đan vào nhau, phủ đầy mái nhà, che khuất những ngọn đèn, và choàng lên tất cả những chiếc xe đang quây quần với nhau bên lề đường, như chờ được ban phép lành. Tuyết rơi đầy trên hè phố, bám vào mi mắt của ông, rồi che phủ tâm hồn ông. Ông thấy mình đang nín thở trước vẻ đẹp huyền diệu này. Sau đó, ông quay người, tuyết bay theo phía sau lưng ông, ông trốn vào trong phòng xưng tội.
 
Mình đúng là một kẻ ngu, ông thầm nghĩ. Lão già gà chướng. Đi về thôi! Về phòng và lên giường.
 
Nhưng ông nghe thấy: tiếng động ở cửa, và tiếng bước chân lê trên con đường đá sỏi dẫn vào giáo đường, và cuối cùng là tiếng sột sọat của một kẻ nào đó đã vào phòng xưng tội. Cha Mellon im lặng chờ đợi:
“Xin hãy ban phước lành cho tôi,” giọng người đàn ông nói nhỏ, “bởi vì tôi là kẻ có tội!”

Hơi choáng vì lời thỉnh cầu xảy ra nhanh hơn dự đoán, Linh mục Mellon chỉ có thể hỏi:
“Làm sao mà ông biết nhà thờ mở cửa vào giờ này và tôi sẽ có mặt ở đây?”
“Tôi cầu nguyện, thưa Cha,” người kia trả lời dịu dàng. “Chúa xui khiến ngài đến và mở cửa nhà thờ.”

Dường như không có câu trả lời thích đáng, nên người tu sĩ già, và người xưng tội có giọng nói khàn khàn, ngồi im lặng trong không khí lạnh lẽo khi kim đồng hồ đang nhích dần đến lúc nửa đêm. Rồi thì người trú ẩn trong bóng tối lập lại:
Xin hãy ban phúc lành cho kẻ có tội, thưa Cha!

Thay vì nói ra những lời trơn tru quen thuộc, khi Giáng-sinh đang vội vã đến trong cơn bão tuyết, Linh-mục Mellon nghiêng người về cửa sổ được làm bằng những thanh gỗ mỏng bắt tréo vào nhau như mắt lưới, im lặng một hồi lâu:

“Có lẽ tội lỗi của ông quá to lớn khiến ông phải đi xưng tội trong thời tiết khắc nghiệt nửa đêm như thế này. Một công việc khó khăn đến độ chỉ có thể thực hiện vì Chúa đã nghe lời cầu xin của ông nên đẩy tôi ra khỏi giường.”
“Tôi có rất nhiều tội được viết thành một danh sách rất dài. Thưa Cha, rồi ngài sẽ thấy!”
“Thế thì ông hãy nói đi, kẻ có tội,” Linh mục nói, “kẻo chúng ta sẽ đông thành đá mất.”
“Thưa Cha, chuyện như thế này.” - Giọng nói run rẩy như tiếng gió lạnh thầm thì phía sau tấm vách mỏng. “Sáu mươi năm trước. . .”
“Nói to lên chút nữa đi! Sáu mươi năm?!” Vị linh mục hỏi nhanh có vẻ ngạc nhiên. “Chuyện xưa đến ngần ấy à?”
“Sáu mươi năm!” Sau đó là khoảng thời gian im lặng kéo dài như tra tấn.

“Tiếp tục nói đi,” linh mục nói, dường như hổ thẹn vì đã ngắt lời người nói.
“Sáu mươi năm, cũng vào tuần Giáng sinh, lúc ấy tôi được mười hai tuổi,” giọng nói người già nua lên tiếng, “tôi đi mua sắm với bà của tôi ở một thành phố nhỏ miền Đông. Chúng tôi phải đi bộ cả hai lượt đi và về. Vào thuở ấy mấy người được có xe để mà đi?  Chúng tôi đi bộ, mang về nhà những món quà đã được bao gói lại. Chẳng nhớ bà tôi rầy tôi cái gì đó, tôi nổi giận nên bỏ chạy trước, chạy tránh cho xa bà. Thật xa, tôi nghe tiếng bà gọi rồi bà khóc, giọng bà đầy lo lắng. Bà gọi tôi quay lại, quay lại, nhưng tôi không thèm nghe. Bà khóc thành tiếng, nên tôi biết là tôi đã làm bà sợ hãi và lo lắng. Điều này làm tôi cảm thấy mạnh mẽ hơn, khoái chí hơn, và tôi chạy nhanh hơn, xa hơn, vừa chạy vừa cười, về nhà trước bà. Khi bà tôi về tới nhà, thở hào hễn, khóc nước mắt nước mũi chèm nhèm, như thể bà không hề ngưng khóc. Tôi cảm thấy xấu hổ và tôi chạy trốn. . . .”

Tiếp theo là cơn im lặng rất lâu.
Vị tu sĩ nhắc nhở, “Chỉ có thế thôi sao?”
“Còn nhiều chuyện lắm,” giọng nói đầy vẻ than thở ở bên kia tấm vách mỏng.
“Tiếp tục nói đi,” vị tu sĩ nói, mắt nhắm lại.

“Tôi cũng làm những chuyện như vậy với mẹ tôi, trước ngày Tết. Mẹ tôi làm tôi giận nên tôi bỏ chạy. Tôi nghe tiếng mẹ tôi kêu đằng sau lưng. Tôi mỉm cười và chạy nhanh hơn. Tại sao? Tại sao, Ôi Trời ơi, không hiểu tại sao tôi lại làm như vậy?”
“Chỉ có thế thôi, phải không?” vị tu sĩ nói nhỏ giọng thầm thì, thấy có vẻ lạ vì bỗng dưng tu sĩ có cảm tình với ông lão đang ngồi ở bên kia tấm vách ngăn.

“Một ngày vào lúc mùa hè,” giọng nói cất lên, “ tôi bị vài đứa trẻ bắt nạt, chúng đánh tôi. Khi bọn chúng bỏ đi rồi, trên bụi cây tôi thấy có hai con bướm đang quấn quít nhau rất đáng yêu. Tôi bỗng đâm ra ghét cái hạnh phúc của chúng. Tôi chộp lấy chúng, bóp nghiến cho đến khi chúng vỡ vụn tan tành như bụi đất. Ôi, thưa Cha, thật là đáng tội!”
Ngọn gió bổng thổi tung cánh cửa nhà thờ ngay lúc ấy. Cả hai cùng liếc nhìn về phía cửa để xem bóng ma tuyết của Giáng sinh bước qua thềm cửa rồi lả tả rơi xuống thành một lớp tuyết phủ đầy vệ đường.

“Còn một chuyện nữa, chuyên cuối cùng, rất tồi tệ,” ông lão nói, giọng tràn ngập hối hận. Rồi ông bắt đầu kể:
“Khi tôi mười ba tuổi, chuyện cũng lại xảy ra vào tuần lễ Giáng sinh. Bo, con chó của tôi bỗng dưng bỏ trốn, và tôi thất lạc nó suốt ba ngày đêm. Tôi yêu “thằng bé” này hơn bất cứ thứ gì trong cuộc đời. Nó rất đặc biệt, dễ thương, khôn ngoan vô cùng. Bỗng dưng, nó biến mất và cùng với nó tất cả cái đẹp niềm vui của cuộc đời cũng biến mất. Tôi chờ nó về. Tôi khóc. Tôi lại tiếp tục chờ. Tôi nguyện cầu. Tôi cố nén những lời kêu than la hét. Tôi biết nó sẽ chẳng bao giờ trở về! Rồi bỗng dưng vào lúc hai giờ sáng một ngày trước đêm Giáng sinh, trời lạnh đến độ băng đóng cứng trên đường và băng nhủ treo lòng thòng từ mái nhà, và tuyết đang rơi, tôi mường tượng nghe tiếng kêu trong lúc tôi đang ngủ. Tôi thức giấc nghe tiếng móng chân cào sột sọat trên cửa! Tôi nhảy phóc ra khỏi giường, nhanh đến độ suýt tí nữa là tôi ngã vỡ đầu mà chết! Tôi mở toang cửa. Ngay trước mặt tôi là chú chó khốn khổ của tôi, run rẩy, vui mừng, mình nó bám đầy bùn tuyết nhão. Tôi la hét vì vui mừng, kéo vội nó vào nhà, đóng cửa lại, quì xuống, ôm lấy nó, và nước mắt tôi chảy ràn rụa. Thật là một món quà tuyệt vời! Tôi gọi tên nó lập đi lập lại, và nó cũng khóc với tôi, bằng tiếng kêu úng ắng như bị đau đớn vì quá vui mừng. Rồi tôi ngưng lại. Cha có biết tôi đã làm gì không? Cha có thể nào đoán được hành động tồi tệ này không? Tôi đánh “thằng bé.” Vâng, tôi đánh đập nó thậm tệ. Tôi đấm, tôi tát, tôi bại tai, và tiếp tục đấm nó. Vừa đánh vừa khóc: Tại sao mày dám bỏ tao, tại sao mày dám bỏ trốn, tại sao mày dám đối với tao như thế? Sao mày dám thế này? Sao mày dám thế kia? Và tôi đánh nó, đánh nó, mãi cho đến khi tôi mỏi rã tay, và tôi khóc nức nở, tôi phải ngừng tay để nhìn lại hậu quả việc tôi đã làm. Nó chỉ đứng đó và hứng chịu cơn lôi đình của tôi như thể nó biết là nó có lỗi và nó đáng bị đòn như thế; nó đã phụ bạc tấm lòng của tôi và đến phiên tôi phụ bạc tấm lòng của nó. Tôi ngừng tay và nước mắt ràn rụa trên mặt tôi, tôi cảm thấy nghẹt thở, và tôi ôm chầm lấy nó nhưng lần này tôi chỉ khóc: Xin tha lỗi cho tao, Bo, xin hãy tha lỗi cho tao. Ôi Bo ơi, xin lỗi xin lỗi. . . .

“Nhưng, thưa Cha, “thằng bé” không thể tha thứ cho tôi nữa. Nó là cái gì chứ? Một con thú, con chó, loài vật, tình yêu mến của tôi. Nó nhìn tôi bằng đôi mắt đen, tối sâu thăm thẳm đến độ khóa chặt trái tim tôi và khóa mãi cho đến ngày hôm nay một nỗi hổ thẹn khôn nguôi. Tôi không thể nào tha thứ lỗi lầm của tôi. Mấy chục năm nay, kỷ niệm về tình yêu của tôi và tôi đã phụ bạc tình yêu này như thế nào, rồi cứ mỗi tuần lễ Giáng sinh, không phải suốt năm, nhưng chỉ vào đêm Chúa giáng trần, bóng ma của “thằng bé” lại về, tôi lại nhìn thấy con chó, tôi lại nghe tiếng đánh đập, tôi biết sự thất bại hư hỏng của tôi. Ôi, Trời ơi!”

Ông lão chợt im lặng, rơi nước mắt.
Hồi lâu, linh mục cất tiếng: “Và đó là lý do khiến ông phải đến đây?”
“Vâng, thưa Cha. Điều này thật là xấu xa phải không? Kinh khủng quá phải không?”
Người tu sĩ không thể trả lời, bởi vì nước mắt đã chảy dài ràn rụa trên mặt. Ông cũng cảm thấy như nghẹt thở.
“Chúa có thể tha tội cho tôi không, thưa Cha?” Ông lão hỏi.
“Có chứ.”
“Thế Cha có tha tội cho tôi không, thưa Cha?”
“Có. Nhưng để tôi kể cho ông nghe chuyện này. Chuyện này xảy ra khi tôi lên mười. Bố mẹ tôi, dĩ nhiên, và lúc ấy – con chó của tôi, niềm yêu mến của đời tôi, đã bỏ tôi đi và tôi đâm ra ghét nó thậm tệ vì nó đã dám bỏ rơi tôi.  Khi nó trở lại, tôi cũng đã đánh đập nó tàn tệ, sau đó lại yêu thương nó. Cho đến đêm nay, tôi chưa hề kể với người nào. Nỗi hổ thẹ này đã ở trong lòng tôi suốt hằng bao nhiêu năm nay. Tôi đã từng xưng tội với tất cả những vị linh mục bề trên. Nhưng chưa bao giờ tôi thố lộ tội lỗi này. Vì thế-”

Cả hai cùng im lặng một lúc lâu.
Rồi sao nữa, thưa Cha?”
“Chúa ơi, Chúa, ông bạn thân mến, Chúa sẽ tha thứ cho chúng ta. Tuy đã giấu nhẹm bao nhiêu năm, nhưng cuối cùng rồi tôi cũng dám xưng tội. Còn tôi, tôi sẽ tha thứ cho ông. Nhưng bây giờ thì--”
Người linh mục già không thể nói tiếp bởi vì những giọt nước mắt khác lại tiếp tục chảy dài trên mặt ông.

Ông lão bên kia vách dường như đoán được điều này nên cẩn thận hỏi dò, “Cha có cần được tôi tha tội cho cha không, thưa Cha?”
Vị linh mục im lặng, gật đầu. Có lẽ ông lão nhìn thấy cái bóng của linh mục gật đầu, nên ông ta nói nhanh, “A, tội được tha rồi đấy.”
Rồi hai người ngồi yên đó rất lâu trong bóng tối cho đến khi một bóng ma tuyết khác lướt vào cửa rũ xuống một đống tuyết rồi bay đi.
“Trước khi ông ra về,” vị tu sĩ nói. “Mời ông uống với tôi một ly rượu vang.”

Cái đồng hồ to tướng ở quảng trường đối diện với nhà thờ gõ chuông báo hiệu đã đúng nửa đêm.
“Giáng sinh rồi đó, thưa Cha,” giọng nói bên kia vách vang lên.
“Một đêm Giáng-sinh đẹp nhất từ trước đến nay. Tôi nghĩ thế.”
“Đúng là đêm Giáng-sinh đẹp nhất.”
Vị linh mục già đứng dậy bước ra ngoài phòng xưng tội.
Ông đứng một lúc, chờ được nghe tiếng di chuyển từ phía đối diện với phòng xưng tội.
Không một tiếng động.

Chau mày, vị tu sĩ đưa tay mở cánh cửa phòng thú tội và nhìn vào bên trong.
Vắng tênh, không có ai.
Ông há hốc.Tuyết bay lạnh rợn tóc phía sau gáy của ông.
Ông đưa tay ra mò mẫm trong bóng tối.
Phòng thú tội không có người.

Quay người lại, ông nhìn chằm chặp ra hướng cửa và vội vàng chạy ra ngoài cửa, nhìn.
Tuyết rơi cùng tiếng đồng hồ đổ chậm trong giờ cuối cùng của một ngày. Con đường vắng tênh.
Quay trở lại bên trong, ông nhìn thấy tấm gương cao, dựng đứng gần bên cạnh cửa nhà thờ.
Có một ông lão đứng nhìn trong đó, chính là ông, hình ảnh vị linh mục phản chiếu trong tấm gương lạnh lẽo.
Hầu như không cần phải suy nghĩ, ông đưa tay làm dấu thánh giá. Cái bóng trong tấm gương lập lại y như hành động của ông.
Vị tu sĩ già, lau nước mắt, quay lại một lần nữa và đi tìm chai rượu vang.
Bên ngoài, Giáng sinh, và tuyết, bao trùm khắp nơi.
 
Ray Bradbury
 

Nguồn tin: gio-o.com
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 8
  • Hôm nay: 8424
  • Tháng hiện tại: 127913
  • Tổng lượt truy cập: 12272173