Trang mới   https://gpquinhon.org

Nghiên cứu Công giáo ở Việt Nam qua ¼ thế kỷ

Đăng lúc: Thứ bảy - 25/02/2017 06:39



Nghiên cứu Công giáo ở Việt
N
am qua ¼ thế kỷ



Nếu kể từ khi thành lập Viện nghiên cứu Tôn giáo đến nay như là minh chứng cho sự đổi mới của Đảng về công tác tôn giáo với  Nghị quyết 24/NQ-TƯ năm 1990 mở ra triển vọng  về công cuộc nghiên cứu tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam trong đó có đạo Công giáo, thì công việc này mới trải qua ¼ thế kỷ. Tuy nhiên sự nghiên cứu này không chỉ bắt đầu từ năm 1990, mà trước đó đã có nhiều tác giả cả trong và ngoài Công giáo như Alexandre de Rhodes, Pigneau de Behain, Lê Quý Đôn, Nguyễn Trường Tộ, Leopold Cadiere, Phan Bội Châu…cũng đã quan tâm về vấn đề này. Nhưng 25 năm qua, nghiên cứu tôn giáo nói chung và Công giáo nói riêng ở Việt Nam (chỉ giới hạn trong nước) cũng đã để lại nhiều điều đáng nói.

1. Nhận thức mới về đạo Công giáo

Công cuộc đổi mới ở Việt Nam kể từ năm 1986 nhưng đổi mới về công tác tôn giáo được kể từ Nghị quyết 24/NQ-TƯ của Bộ Chính trị ban hành ngày 16-10-1990 đã mở ra một không gian mới, đem lại một cái nhìn thông thoáng cho các nhà nghiên cứu tôn giáo để họ có nhận thức mới phát biểu công khai trên diễn đàn hay bài viết trên báo chí mà điều này trước đây chỉ nghe được quanh bàn trà hay thì thầm nội bộ.

Có một thời, xã hội Việt Nam cũng bị nặng nề bởi các quan niệm tả khuynh về tôn giáo. Tôn giáo được coi là đồng nghĩa với mê tín, lạc hậu và cả phản động nữa nên không ngạc nhiên có ý tưởng muốn xóa bỏ tôn giáo ra khỏi đời sống cộng đồng để khẳng định lập trường kiên định. Bởi vậy, đồng bào các tôn giáo hẳn rất vui vì được nghe GS Đặng Nghiêm Vạn nhận xét:

Niềm tin tôn giáo không phải là niềm tin mê muội, cuồng tín, thiếu suy nghĩ. Người tín đồ tôn giáo trước hết là người hiểu một cách trí tuệ điều mình tin, điều mình coi là thiêng liêng…Nềm tin tôn giáo cũng không thể là những hiện tượng được xem là phản văn hóa, trái với tiến bộ văn minh” (1)

GS Trần Quốc Vượng, chắc phải can đảm lắm mới dám nhận định rằng:
Nhìn nhận vấn đề tôn giáo trên quan điểm văn hóa học, tôi thấy thế này: xét theo lịch sử phát sinh và trưởng thành, tôn giáo vừa là một sản phẩm của văn hóa, vừa là thành phần hữu cơ, một nhân tố cấu thành của văn hóa…Ở trong mỗi tôn giáo lớn đều có hạt nhân triết học, đều có chủ nghĩa nhân đạo là thành tựu văn hóa lớn nhất của loài người. Cái từ bi của Phật, cái bác ái của Chúa Kitô, cái nhân nghĩa của Khổng Nho là những hạt ngọc của văn hóa đó” (2).

Tại sao lại có những quan niệm khô cứng về tôn giáo trước đây  tồn tại trong xã hội tốt đẹp của chúng ta. GS Phạm Như Cương gọi đó là căn bệnh “kiêu ngạo cộng sản”. Ông nói:
Những sai lầm, khuyết điểm của mô hình chủ nghĩa xã hội kiểu cũ bao gồm cả những sai lầm trong việc thực hiện chính sách tôn giáo, nổi lên là khuynh hướng muốn xóa bỏ tôn giáo một cách nhanh chóng bằng các biện pháp hành chính và có khi cả bằng trấn áp bạo lực là một thứ chủ nghĩa vô thần cực đoan thô thiển. Những sai lầm đó không chỉ gây tổn thất cho đời sống tinh thần của xã hội mà còn dẫn đến ngưng đọng sự phát triển” (3).

Bây giờ nhiều người nói và ai cũng có thể nói về những tiêu cực của thời kỳ bao cấp qua mọi mặt của đời sống xã hội trong đó có cả bao cấp về tôn giáo nhưng nói ra được những điều như GS Đặng Nghiêm Vạn- Viện trưởng đầu tiên của Viện nghiên cứu tôn giáo cách đây 25 năm, quả thật không dễ dàng. Ông nhận xét:
Thực tế đã hình thành trong tư tưởng cán bộ quan niệm rằng, phát triển tôn giáo là không có lợi cho cách mạng. Đó là do sự hiểu biết hạn hẹp của họ chỉ xét tôn giáo qua những hành động tôn giáo phục vụ mục đích chính trị đơn thuần, nên đã vô tình gây ra những đối lập không cần thiết giữa Nhà nước và các tôn giáo. Do đấy đã dẫn đến thái độ họ không thấy vai trò tôn giáo trong đời sống xã hội trên cả mặt văn hóa, đạo đức, tâm lý…Thành kiến với tôn giáo dẫn đến thu hẹp nhu cầu chính đáng của các tín đồ tôn giáo, vi phạm ngay những điều Nhà nước đề ra” (4).

Lỗi này cũng không phải hoàn toàn do cán bộ, khi trong trường học nhất là các trường chính trị, sách giáo khoa luôn luôn nhắc lại những lời của các tác gia kinh điển chủ nghĩa Mác về tôn giáo nhưng không hề chú giải hoàn cảnh lịch sử ra đời của những nhận xét này. Ví dụ câu nói quen thuộc được cho là tuyên ngôn của Mác : “Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân” hay nhận xét của Lênin: “Tất cả những thứ đạo đức, xuất phát từ những quan niệm ngoài nhân loại, ở ngoài giai cấp, chúng ta đều bác bỏ. Chúng ta nói rằng đấy chỉ là lừa bịp, dối trá, nhồi sọ công nhân và nông dân để mưu lợi ích riêng cho bọn đại chủ và tư sản” (5). Sách viết cứ coi đó là chân lý vĩnh cửu mà không biết đó là thời Mác, “thuốc phiện” đã trở thành câu nói cửa miệng khi cuộc chiến mang tên loại dược liệu này xảy ra. Đồng thời, khi đó, thuốc phiện cũng chưa có tính “ma túy” gây nghiện như bây giờ mà chỉ là thuốc giảm đau dùng trong chữa trị bệnh. Đó cũng chỉ là câu cuối trong đoạn dài bài “Lời nói đầu” cho cuốn “Sự phê phán triết học pháp quyền của Hegel” mà có nhiều ý nói đến vai trò  của tôn giáo. Còn câu nói của Lênin là lúc mà khi cách mạng tháng Mười năm 1917 nổ ra, liên quân 14 nước cùng các đảng phái, Chính thống giáo trong nước Nga liên kết để chống lại nên vấn đề ý thức giai cấp được Lênin đặc biệt nhấn mạnh.

Thời trước đổi mới rất hiếm nhà nghiên cứu dám ca ngợi đạo Công giáo. Vì vậy, dịp 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1990, khi GS Trần Quốc Vượng viết bài báo “Hồ Chí Minh tự nhận là học trò nhỏ của Đức Giêsu” đăng trên báo “Người Công giáo Việt Nam” đã thực sự gây sốc cho người dân và cả một số lãnh đạo bấy giờ. Giáo dân chen chúc mua báo, chép tay (vì lúc đó không có máy phôtô). Vị GS sử học này cũng công khai khen ngợi đóng góp của đạo Công giáo với văn hóa dân tộc:
Việc sáng tạo ra chữ quốc ngữ hay việc latinh hóa chữ Việt, về lâu về dài đây là thành tựu văn hóa lớn và có tác dụng sâu xa đến việc phổ biến trí thức, thông tin đến việc phát triển nền văn hóa giáo dục cận hiện đại Việt Nam. Thành tựu văn hóa này gắn với lịch sử đạo Thiên Chúa ở Việt Nam và thật điên rồ khi muốn tách bạch văn hóa và tôn giáo trong đời sống xã hội ngày xưa, chỉ thừa nhận văn hóa là tích cực, còn tôn giáo là tiêu cực” (6).

GS sử học Phan Huy Lê, trong một tham luận tại hội thảo khoa học cũng ghi nhận những đóng góp của các nhà truyền giáo nước ngoài đối với văn hóa, khoa học Việt Nam. Ông viết:
Trong hàng ngũ các giáo sĩ, cũng có người chỉ hoạt động vì đức tin và cũng góp phần truyền bá một số thành tựu văn minh phương Tây vào Việt Nam. Nhà toán học và thiên văn học Jean Baptisle Sanna (Ý), Sebatien Pices (Bồ), Francois de Lima (Bồ), Joseph Neugebeaur (Đức), nhà y học Sibert (Tiệp), Chales Salemenski (Hung), Jean Koffler (Tiệp), Jean de Lourerio (Bồ)… là những giáo sĩ đã giúp chúa Nguyễn ở Đàng Trong” (7).

Vai trò của đạo Công giáo làm cầu nối văn minh, văn hóa giữa Việt Nam và phương Tây cũng được các tác giả của đề tài nghiên cứu KX. 07 do GS Nguyễn Tài Thư là chủ nhiệm nói đến. Mặc dù công trình này cũng còn nhiều điều đáng “dọn vườn” nhưng cũng đưa ra được nhận xét đúng đắn:
Nếu nói ảnh hưởng của văn hóa tư tưởng phương Tây ở Việt Nam thì chắc chắn đạo Thiên Chúa là nhân tố đầu tiên của sự ảnh hưởng này. Và như vậy, trong lịch sử, tôn giáo luôn luôn đóng vai trò là một trong các sứ giả đầu tiên trong những cuộc viếng thăm, tiếp xúc, giao lưu văn hóa giữa các dân tộc” (8).

Có một lĩnh vực rất mới, ít người nói đến là đóng góp của đạo Công giáo với kinh tế mà sử gia người Pháp, GS. Alain Fores đã nhận định khi nghiên cứu kinh tế phương Đông. GS Đỗ Quang Hưng cũng đồng tình với ý kiến như vậy:
Xét cả trên phương diện kinh tế của vấn đề hiện đại hóa, những nhà truyền giáo phương Tây cũng đem lại những sự thay đổi về tổ chức kinh tế cho cộng đồng Kitô hữu: lối mua sắm đất đai, can dự vào việc phân chia giàu nghèo, lối làm ăn cho vay lấy lãi…” (9).
Những nhận thức mới như trên không chỉ minh chứng Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị mà còn là luận cứ để có Nghị quyết 25 Về công tác tôn giáo năm 2003 và các chính sách tôn giáo khác thông thoáng hơn ra đời.

2. Bức tranh về đạo Công giáo ngày càng được khắc họa rõ nét

Thật khó mà tổng quan cho hết những công trình nghiên cứu về đạo Công giáo 25 năm qua. Nhưng người ta nhận thấy bức tranh về tôn giáo này ngày càng được khắc họa đầy đủ hơn trên các lĩnh vực: cơ cấu, tổ chức; đóng góp cho văn hóa xã hội và con đường đồng hành cùng dân tộc.  

Phải ghi nhận những cố gắng của Viện Nghiên cứu Tôn giáo về vấn đề này. Nhiều cuộc hội thảo khoa học chuyên về Công giáo nhất là dưới thời GS Đỗ Quang Hưng, PGS.TS Nguyễn Hồng Dương- những chuyên gia nghiên cứu về Công giáo. Chúng tôi cũng may mắn được tham dự những cuộc hội thảo như thế. Nhiều cuốn kỷ yếu đã xuất bản như cuốn “Công giáo Việt Nam- Một số vấn đề nghiên cứu”, Nxb Tôn giáo và Nxb Từ điển Bách khoa năm 2008, “Nếp sống đạo của người Công giáo Việt Nam”, Nxb Từ điển Bách khoa năm 2010, “ 30 năm Thư chung 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam”, Nxb Tôn giáo 2010…Nhiều tác giả như PGS.TS Nguyễn Hồng Dương, Nguyễn Phú Lợi…đã đi sâu vào việc nghiên cứu cơ cấu, tổ chức của tôn giáo này từ Tòa thánh Vatican đến giáo xứ. Một số lĩnh vực khó như thần học Công giáo cũng bước đầu được GS.TS Đỗ Quang Hưng đề cập, phác thảo. Có những vấn đề chỉ như tiểu tiết là tên gọi đạo Công giáo thế nào cho đúng cũng được nhiều nhà nghiên cứu xáo xới lên như GS Trần Văn Toàn, Nguyễn Nghị và Phạm Huy Thông. Hóa ra, lâu nay, tôn giáo này có nhiều tên gọi không thống nhất, thậm chí sai cả về mặt khoa học cũng như chính trị. Cuốn “Ảnh hưởng qua lại giữa đạo Công giáo và văn hóa Việt Nam” viết:
Để chỉ chung các tôn giáo cùng thờ Chúa Kitô, đều lấy Kinh thánh cả Cựu ước lẫn Tân ước làm nền tảng như Công giáo, Chính thống, Tin lành, Anh giáo nên gọi là Kitô giáo. Khái niệm Thiên Chúa giáo dù ở Việt Nam và Trung Quốc thường dùng để chỉ đạo Công giáo, nhưng theo chúng tôi không nên sử dụng vì trên thế giới không có khái niệm tương hợp và dễ gây lầm lẫn…Tại Việt Nam hiện nay, trên giấy tờ kê khai kể cả chứng minh thư nhân dân vẫn ghi mục tôn giáo những người theo đạo Công giáo là Thiên Chúa giáo. Điều này không chính xác về mặt khoa học lẫn quan điểm Mác xít” (10).

Có vấn đề khó nhận ra như tư duy của người Công giáo Việt Nam cũng đã được nhà nghiên cứu chỉ ra. PGS.TS Nguyễn Quang Hưng nhận xét:
Nhìn chung, người Công giáo Việt Nam suy nghĩ, tư duy ở một mức độ nhất định duy lý hơn, thực chứng hơn so với những người Việt ngoài Công giáo…Tiếp nhận Công giáo từ các thừa sai châu Âu qua nhiều thế kỷ, người Công giáo Việt Nam kế thừa kế thừa cả lối suy nghĩ, tư duy thực chứng, duy lý của nền khoa học và kỹ thuật châu Âu” (11).

Có những nghiên cứu chuyên sâu cho từng mảng vấn đề như hương ước các làng Công giáo (TS Nguyễn Thị Quế Hương), hôn nhân Công giáo (TS Đỗ Thị Ngọc Anh, TS Lê Đức Hạnh), từ thiện nhân đạo (TS Trần Thị Thu Hiền), về Kinh thánh (TS Trương Như Vương) hoặc một giai đoạn lịch sử, một vùng miền cụ thể, từng cá nhân Công giáo (PGS.TS Nguyễn Quang Hưng, TS Trần Hữu Hợp, GS.TS Đỗ Quang Hưng), truyền thông mạng của đạo Công giáo ở Việt Nam hiện nay (TS Đỗ Thu Hường)…Đạo Công giáo cũng được giới thiệu trong nhiều Từ điển Bách khoa thư Hà Nội và những cuốn Từ điển khác.

Nghiên cứu về đạo Công giáo giai đoạn vừa qua không thể không kể đến các cuộc hội thảo quy mô do Giáo hội Công giáo Việt Nam tổ chức từ “Thờ cúng tổ tiên” năm 1998 tại Huế, “ Văn hóa Công giáo Việt Nam từ khởi thủy đến đầu thế kỷ XX” (2000), rồi “ Sống đạo theo cung cách Việt Nam” (2004), “Thân thế và sự nghiệp linh mục Leopold Cadiere (1869-1955)” (2010)…với nhiều cây bút là người Công giáo tham gia như linh mục TS Thiện Cẩm, linh mục TS Đỗ Quang Chính, Giám mục GS.TS Nguyễn Thái Hợp, Giám mục Nguyễn Văn Sang , linh mục GS.VS Trần Tam Tỉnh, linh mục TS Trương Bá Cần …

Ủy ban đoàn kết Công giáo Việt Nam vừa qua cũng chủ động tổ chức hoặc phối hợp với cơ quan khác cùng tổ chức nhiều cuộc hội thảo khoa học liên quan đến Công giáo như “Nửa thế kỷ người Công giáo đồng hành cùng dân tộc” (2004), “Từ Công đồng Vatican II đến Thư chung 1980” (2005), “Người Công giáo tốt cũng là công dân tốt” (2013)… Một số cơ quan như Ban Tôn giáo Chính phủ, Trung tâm Khoa học Tư duy, Trung tâm nghiên cứu Tôn giáo đương đại trường Đại học Khoa học xã hội nhân văn (ĐHQG Hà Nội), Trung tâm khoa học tín ngưỡng, tôn giáo (Học viện CTQG HCM) cũng có tổ chức hội thảo khoa học hoặc có đề tài nghiên cứu về tôn giáo nói chung và Công giáo nói riêng.

Bàn về những đóng góp của đạo Công giáo với văn hóa, xã hội Việt Nam thời gian qua được nhiều nhà nghiên cứu, lãnh đạo Nhà nước Việt Nam ghi nhận. Đầu tiên là bàn về đóng góp văn hóa vì dễ nói hơn. Đạo Công giáo có công đầu trong việc latinh hóa chữ Việt thành chữ quốc ngữ hiện nay. Các lĩnh vực nghệ thuật Công giáo như văn học, kiến trúc, âm nhạc, hội họa, báo chí đều góp phần làm phong phú văn hóa nước nhà. Những danh nhân về văn hóa Công giáo như Nguyễn Trường Tộ, Trương Vĩnh Ký, Hàn Mặc Tử, Đắc Lộ, L. Cadiere… cũng làm rạng rỡ văn hóa Việt. Đạo Công giáo cũng là chiếc cầu nối văn minh, văn hóa Đông- Tây…Vấn đề này được nhiều luận án Thạc sĩ, Tiến sĩ về Tôn giáo, Triết học, Văn hóa, Lịch sử chọn làm đề tài. Hai cuốn sách “Ảnh hưởng qua lại giữa đạo Công giáo và văn hóa Việt Nam” (Nxb Tôn giáo 2012) của Phạm Huy Thông và “Tìm hiểu nét đẹp văn hóa Thiên Chúa giáo” (Nxb Văn hóa Thông tin 2002) của Hà Huy Tú đã trình bày  kỹ chủ đề trên. Trong đó, tác giả Phạm Huy Thông còn làm rõ sự tác động trở lại của văn hóa Việt Nam với đạo Công giáo làm thành bản sắc riêng cho tôn giáo này tại Việt Nam.

Vấn đề “Công giáo và dân tộc” cũng được nhiều cuộc hội thảo khoa học ở các cơ quan quản lý và nghiên cứu tổ chức. Có một số tác giả đã thành công như “Thập giá và lưỡi gươm” của linh mục Trần Tam Tỉnh. “ Chủ tịch Hồ Chí Minh với đồng bào Công giáo” của Phạm Huy Thông, “Công giáo Việt Nam thời kỳ triều Nguyễn (1802-1883) của Nguyễn Quang Hưng, “Vấn đề tôn giáo trong cách mạng Việt Nam: lý luận và thực tiễn” của Đỗ Quang Hưng…Thật ra, con đường đồng hành cùng dân tộc của tôn giáo này không chỉ đặt ra từ sau Thư chung 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam mà trước đó, ngay từ giữa thế kỷ XIX, nhà cải cách Nguyễn Trường Tộ đã nêu lên và ngay từ khi đạo Công giáo có mặt ở Việt Nam đầu thế kỷ XVI cũng phải đối diện. Nhưng hội nhập về văn hóa, dù có khó khăn, cản trở vẫn dễ dàng hơn nhiều so với việc tôn giáo “đồng hành” với một thể chế chính trị. Không nghi ngờ gì về nhiều người Công giáo đã có mặt trong các tổ chức Duy tân của Phan Bội Châu, những tấm gương quên mình cứu nước của hàng vạn anh hùng, liệt sĩ Công giáo trong suốt cuộc đấu tranh giành độc lập cho Tổ quốc hay những kiến nghị canh tân cháy bỏng lòng yêu nước của Nguyễn Trường Tộ, Đặng Đức Tuấn…nhưng do chính trị luôn thay đổi cũng như các triều đại thay thế nhau và được đánh giá cũng khác nhau. Triều đại trước vừa được tung hô là minh quân sáng suốt, triều đại sau đã cáo buộc là bất chính, gian tà. Bởi vậy, đạo Công giáo cũng có thời như đầu triều Nguyễn được coi là ân nhân, nhưng cuối nhà Nguyễn đã bị cáo buộc là “cõng rắn cắn gà nhà”. Thư chung 1980 hay là thế, được giới nghiên cứu, nhà cầm quyền và đại đa số giáo dân khen ngợi hết lời thì nó cũng bị công kích nặng nề:
Giáo hội đồng hành với dân tộc là khẩu hiệu chiến lược của giáo hội Việt Nam trong môi trường cộng sản Việt Nam bolsevik hóa toàn dân. Điều này có nghĩa là giáo hội bị chấp nhận bolsevik hóa. Giáo hội đang đồng hành cùng Đảng cộng sản Việt Nam chứ không phải với dân tộc Việt Nam”(12).

Giáo hội lo lắng bị sa vào bẫy “bắt tay với thế quyền” nên cấm giáo sĩ không được làm chính trị. Nếu có làm là riêng giáo dân thôi và theo khuôn mẫu: “Người Công giáo tốt cũng là công dân tốt”. Cho nên tìm ra một con đường thích hợp cho đạo Công giáo có thể đồng hành với dân tộc trong thể chế này do Đảng cộng sản lãnh đạo vẫn chưa có lời giải hoàn hảo.

3. Mấy điều còn trăn trở

Rõ ràng, nghiên cứu Công giáo ở Việt Nam 25 năm qua đã có những thành tựu vượt bậc hơn hẳn nửa thế kỷ trước và trong đó, Viện Nghiên cứu Tôn giáo góp phần to lớn. Tuy nhiên, việc nghiên cứu tôn giáo nói chung và Công giáo nói riêng ở nước ta vẫn còn nhiều điều đáng bàn.

Trước hết, riêng về nghiên cứu Công giáo, chúng ta vẫn thiếu những tác phẩm có tính công cụ “ra tấm ra miếng” mà khi ai nghiên cứu về lĩnh vực này cũng phải đọc. Các tác phẩm nghiên cứu về Công giáo hiện nay nhỏ, lẻ. Hầu hết là những bài chuyên luận được đọc trong các cuộc hội thảo, đăng trên Tạp chí. Có vài cuốn được in ra từ những luận án Tiến sĩ. Phải chăng giới nghiên cứu chưa đầu tư chuyên sâu hay kinh phí in ấn khó khăn và dù có in ra, bán sách để thu hồi vốn chẳng dễ dàng gì?

Thời gian gần đây, có thể do các lĩnh vực khoa học khác, đề tài đã cạn hoặc cũ nên nhiều học viên, nghiên cứu sinh tìm đề tài tôn giáo nói chung hoặc Công giáo nói riêng cũng làm cho bầu khí nghiên cứu Công giáo sôi động hơn. Nhưng tiếc rằng, rất ít người sau khi bảo vệ thành công luận án tiếp tục việc nghiên cứu. Bởi vậy, nhiều TS có đề tài về Công giáo cũng chỉ có luận án là thành quả cuối cùng của sự nghiệp nghiên cứu. Không rõ do mưu sinh, công việc hay việc nghiên cứu chẳng thể nuôi sống nhà nghiên cứu và việc viết bài cho Tạp chí cũng là cuộc đua chen mà nhuận bút thì lại quá không cân xứng với công sức của tác giả nên nhiều TS đã gác bút nghiên?

Tôi cũng hay được mời làm phản biện độc lập hay làm thành viên hội đồng bảo vệ luận án TS nên cũng nhận biết được chút ít khả năng của các Nghiên cứu sinh. Trong các luận án, có phần hình như luận án nào cũng có là phần kiến nghị hay khuyến nghị. Có những kiến nghị rất xa thực tế, chẳng thiết thực chút nào. Chẳng hạn, có khuyến nghị yêu cầu Giáo hội Công giáo phải tham gia nhiều hơn vào lĩnh vực y tế, giáo dục, từ thiện nhân đạo nhưng nghiên cứu sinh không hề biết điều này Giáo hội kiến nghị không ít lần và chìa khóa là ở luật pháp. Hiện Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo đang muốn gỡ ra vấn đề này nhưng cũng chưa phải là đã suôn sẻ. Hoặc khuyến nghị Giáo hội Công giáo Việt Nam phải có trách nhiệm nâng cao chất lượng hai tờ báo Người Công giáo Việt NamCông giáo và dân tộc. NCS cũng không biết hai tờ báo này của ai. Cứ thấy có chữ Công giáo tưởng là của Giáo hội.

Không ít những nghiên cứu của những người có tên tuổi về Công giáo cũng sai sót nghiêm trọng. Chẳng hạn, một số người vẫn cho rằng Ủy ban ĐKCGVN là tổ chức của Giáo hội Công giáo. Thậm chí có đề tài cấp Nhà nước mà chủ biên là một GS.TS viết về Công giáo thời đổi mới mà vẫn nhìn nhận qua lăng kính chính trị những năm 50 của thế kỷ trước. Đề tài viết:
Thiên Chúa giáo đã xác lập thế giới quan, hệ tư tưởng, niềm tin vào những tín điều mù quáng, truyền bá lối sống thụ động phản khoa học và ý thức mê tín dị đoan, trói buộc tâm linh tuổi trẻ vào những luật lệ, lễ nghi hà khắc nhằm kiến tạo đức tin vào Chúa… Thiên Chúa giáo khuyến khích phát triển cộng đồng để nắm quần chúng thanh thiếu nhi, chú trọng xu hướng hòa nhập để tìm hiểu tâm tư nguyện vọng quần chúng tuổi trẻ. Song trên thực tế, họ đã chia cắt, đối lập, ràng buộc giáo dân, ngăn cản thanh thiếu nhi thực hiện các nghĩa vụ xã hội và trách nhiệm công dân” (13).

Viết như thế, giáo dân nào tin được Nhà nước đổi mới về công tác tôn giáo? Nhà nghiên cứu nào ở nước ngoài tin được giới nghiên cứu tôn giáo ở Việt Nam đã thay đổi nhận thức?

Vấn đề nghiên cứu Công giáo quốc tế ở Việt Nam vẫn yếu. Có thể chúng ta thiếu tài liệu, thiếu ngoại ngữ, ít được đi thực tế nên thường dùng các tài liệu dịch từ Liên Xô trước đây hay Trung Quốc ngày nay. Mà tại những nơi này do ý thức hệ mà nghiên cứu về Công giáo cũng chưa thực sự khách quan nên khi nhà nghiên cứu dịch ra tiếng Việt, người Công giáo Việt Nam thấy cứ như nói ở đâu, tôn giáo lạ nào chứ không phải nói về đạo Công giáo…

Lý luận phản ánh thực tế nhưng lại phải đi trước để dẫn đường. Những nghiên cứu về tôn giáo nói chung và Công giáo nói riêng phải được áp dụng hữu ích vào đời sống sinh hoạt tôn giáo tại Việt Nam. Có như vậy, không chỉ người lãnh đạo mà tín đồ các tôn giáo mới thấy vai trò hữu ích của công tác nghiên cứu tôn giáo. Điểm lại những mặt được và chưa được của nghiên cứu Công giáo ở Việt Nam thời gian qua, chúng ta có hy vọng tương lai sẽ khá hơn.

TS. Phạm Huy Thông
Trưởng ban Tư duy Tôn giáo, Trung tâm Khoa học Tư duy (CTS).

Chú thích:

*Trưởng ban Tư duy Tôn giáo, Trung tâm Khoa học Tư duy (CTS).
1,3,4- GS Đặng Nghiêm Vạn (chủ biên): Những vấn đề tôn giáo hiện nay, Nxb KHXH 1994, tr.63; tr.78; tr.71
2- Tôn giáo là và văn hóa, báo Người Công giáo VN, xuân Kỷ Tỵ 1989
5- V. Lênin:  Lênin toàn tập, tập 41, Nxb Tiến bộ Matxcơva, 1979, tr.367
6- Trần Quốc Vượng: Trong cõi, Nxb Trăm Hoa, USA, 1991, tr.186-187
7- Một số vấn đề về lịch sử đạo Thiên Chúa ở Việt Nam và lịch sử dân tộc, Kỷ yếu khoa học, Ủy ban KHXH 1988, tr.19
8, 13- Ảnh hưởng của hệ tư tưởng và tôn giáo đối với con người Việt Nam hôm nay, Nxb CTQG 1997, tr.59; tr.217-218
9- Một số vấn đề về lịch sử đạo Thiên Chúa Việt Nam, ĐHTH Hà Nội 1988, tr.62
10- Phạm Huy Thông, Ảnh hưởng qua lại… sđd, Nxb Tôn giáo 2012, tr.24-25
11- Nếp sống đạo giáo của người Công Việt Nam, Nxb Từ điển Bách khoa, 2012, tr.162-165
12- Duyên Lãng- Hà Tiến Nhất: Công giáo và cuộc chiến giữa hai khuynh hướng theo cộng sản để giữ đạo và diệt cộng sản để vinh đạo, htpt/www.hungviet.org ngày 6-10-2007.
 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 33
  • Hôm nay: 8521
  • Tháng hiện tại: 87784
  • Tổng lượt truy cập: 12064571