Tin Tức GIÁO LÝ TƯ LIỆU GIÁO LÝ VIÊN

Đức tin và cộng đoàn giáo hội (Đề tài học hỏi tháng ba)

Chủ nhật - 24/02/2013 01:00
ĐỨC TIN VÀ CỘNG ĐOÀN GIÁO HỘI (đề tài 1 & 2)
(Đề tài học hỏi Tháng 3/2013)

Hiến chế Tín lý về Giáo Hội các số 8, 11, 17, 65.
 
Trong Kinh Tin Kính chúng ta tuyên xưng Hội Thánh là duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền. Chúng ta tuyên xưng niềm tin vào Giáo Hội Chúa Kitô, nhờ Giáo Hội và trong Giáo hội chúng ta đón nhận đức tin. Trong đề tài “Đức Tin và cộng đoàn Giáo Hội” dựa vào các số 8, 11, 17 và 65 của Hiến chế Tín lý về Giáo Hội, chúng ta cùng tìm hiểu về đức tin của chúng ta nơi Giáo Hội vừa hữu hình vừa thiêng liêng ; nơi việc cử hành đức tin qua việc hành sử chức tư tế cộng đồng trong các bí tích ; nơi việc thông truyền đức tin cho mọi người qua việc truyền giáo của Giáo Hội ; và bắt chước Đức Mẹ sống và thực hành niềm tin của mình.
 
1. Giáo Hội, thực tại hữu hình và thiêng liêng
 
Giáo Hội là thực tại hữu hình đồng thời cũng là thực tại thiêng liêng. Trong Hiến chế Tín lý về Giáo Hội, Công Đồng Vatican II xác tín rằng "Đấng trung gian duy nhất là Đức Kitô đã thiết lập và không ngừng bảo vệ Giáo Hội thánh thiện, cộng đoàn đức tin - cậy - mến, như một thực tại hữu hình trên trần gian, qua đó, Ngài thông truyền chân lý và ân sủng cho mọi người. Thế nhưng, không được quan niệm đoàn thể tổ chức theo phẩm trật và thân thể mầu nhiệm của Đức Kitô, đoàn thể hữu hình và cộng đoàn thiêng liêng, Giáo Hội tại thế và Giáo Hội dư tràn của cải trên trời, như là hai thực tại khác nhau. Trái lại, chúng làm thành một thực thể phức tạp mang tính nhân loại và thần linh" (GH 8).
 
1.1. Giáo Hội là thực tại hữu hình
 
Giáo Hội do Chúa Kitô thiết lập có hai chiều kích : nhân loại và thần linh. Với chiều kích nhân loại, theo đó, Giáo Hội là một đoàn thể hữu hình và là một tổ chức theo phẩm trật.
 
Sau khi phục sinh, Ðấng cứu chuộc chúng ta đã trao phó cho Phêrô chăn dắt Giáo Hội đó (Ga 21,17); Người phó thác cho Phêrô cũng như cho các Tông Ðồ khác truyền bá, cai quản (x. Mt 28,18tt), và thiết lập Giáo Hội nên "rường cột và nền tảng chân lý" đến muôn đời (x. 1Tm 3,15). Như một xã hội được thiết lập qui củ trên trần gian, Giáo Hội ấy tồn tại trong Giáo Hội Công Giáo, do Ðấng kế vị Phêrô và các giám mục hiệp thông với Ngài điều khiển.
 
Các Giáo hội địa phương hiệp nhất nên một với Giáo hội phổ quát. Sự hiệp nhất công giáo ấy được thể hiện cụ thể trong sự hiệp thông của tất cả các giám mục trên thế giới với Đức Giáo Hoàng.
 
Chúa Kitô không ngừng bảo vệ Giáo Hội như một thực tại hữu hình trên trần gian, vì Chúa muốn thông truyền chân lý và ân sủng của Ngài cho mọi người qua thực tại hữu hình này.
 
1.2. Giáo Hội là thực tại thiêng liêng.
 
Với chiều kích thần linh, theo đó, Giáo Hội là một cộng đoàn thiêng liêng và là Nhiệm Thể Chúa Kitô.
 
Giáo Hội được hình thành từ ý định muôn đời của Chúa Cha hằng hữu, là công trình của Chúa Con và Chúa Thánh Thần (x. Ep 1,3-14). Giáo Hội là cộng đoàn được Thiên Chúa yêu thương cách đặc biệt, được Chúa Giêsu cứu chuộc và giao hòa với Thiên Chúa bằng giá máu của mình, được Thánh Thần làm cho sinh động và trang bị bằng muôn vàn ân sủng để kết hợp với Đức Kitô ngày một hơn (x. Rm 12,3-8 ; Ep 4,7-13 ; 1 Cr 12,4-11). Hiến chế "Ánh Sáng Muôn Dân" của Công đồng Vaticanô II xác định Giáo Hội phát sinh từ mầu nhiệm Ba Ngôi nghĩa là được quy tụ "do sự hiệp nhất giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần" và được thiết lập như "dấu chỉ và khí cụ của sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và của sự hiệp nhất toàn thể nhân loại."
 
Vì vậy, sự quy tụ của Giáo Hội hoàn toàn khác hẳn với bất cứ cộng đồng chính trị hay kinh tế nào của nhân loại, và Giáo Hội cũng không đơn thuần là một tổ chức nhân đạo do con người chủ xướng. Giáo Hội là một thực tại xã hội nhưng trước hết và trên hết là một thực tại mầu nhiệm.
 
Như Chúa Kitô đã hoàn tất công trình cứu chuộc trong khó nghèo và bách hại, Giáo Hội cũng được mời gọi đi cùng đường lối ấy hầu thông ban ơn cứu rỗi cho loài người. Chúa Giêsu Kitô "vốn có hình thể Thiên Chúa... tự hủy mình, tự nhận thân phận tôi tớ" (Pl 2,6-7), và "vốn giàu có, Người đã hóa ra nghèo hèn" vì chúng ta (2Cr 8,9): cũng thế, tuy cần đến những phương tiện nhân loại để chu toàn sứ mệnh mình, Giáo Hội được thiết lập không phải để tìm kiếm vinh quang trần thế, nhưng để truyền bá khiêm nhường và từ bỏ, bằng gương lành của chính mình. Chúa Kitô được Chúa Cha phái đến "rao truyền Phúc Âm cho kẻ bần cùng... cứu chữa các tâm hồn đau khổ" (Lc 4,18), "tìm kiếm và cứu vớt những gì đã hư mất" (Lc 19,10). Cũng thế, Giáo Hội trìu mến và ấp ủ tất cả những ai đau khổ vì sự yếu hèn của con người, nhất là nhận biết nơi những kẻ nghèo khó và đau khổ hình ảnh Ðấng Sáng Lập khó nghèo và khổ đau, ra sức giảm bớt nỗi cơ cực của họ và nhằm phụng sự Chúa Kitô trong họ. Nhưng Chúa Kitô "thánh thiện, vô tội, tinh tuyền" (Dt 7,26), không hề phạm tội (x. 2Cr 5,21), chỉ đến để đền tội lỗi dân chúng (x. Dt 2,17), còn Giáo Hội, vì ôm ấp những kẻ có tội trong lòng, nên vừa thánh thiện vừa phải luôn thanh tẩy mình. Do đó, Giáo Hội luôn thực hiện việc sám hối và canh tân.
 
Hai chiều kích hữu hình và thiêng liêng không giản lược vào nhau nhưng kết hợp chặt chẽ với nhau, làm thành một thực thể phức tạp mang tính nhân loại và thần linh. Nếu chiều kích thiêng liêng bị loại bỏ, thì Giáo Hội chỉ còn là một thể chế nhân loại như bao tổ chức chính trị, kinh tế hay xã hội khác. Nếu chiều kích trần thế bị loại bỏ, thì Giáo Hội không còn là cộng đoàn được thiết lập để loan báo Tin mừng Cứu độ cho mọi người.
 
2. Tín hữu cử hành đức tin trong các bí tích với tư cách là tư tế cộng đồng.
 
Trong Tự Sắc “Porta Fidei”, số 9, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI mời gọi mọi thành phần dân Chúa : “Năm này sẽ là một cơ hội thuận lợi để tăng cường việc cử hành đức Tin trong phụng vụ, nhất là trong phép Thánh Thể, vốn là “chóp đỉnh mà hoạt động của Giáo hội hướng tới, đồng thời là nguồn mạch tuôn trào sức mạnh của Giáo hội”. Và nơi số 11, Ngài xác quyết : “Nếu không có phụng vụ và các bí tích thì việc tuyên xưng đức Tin sẽ không hiệu quả, vì thiếu ân sủng nâng đỡ việc làm chứng của các Kitô hữu”.
 
Theo giáo lý của Giáo Hội Công Giáo thì khi chịu phép rửa tội, người được rửa tội cũng được xức dầu thánh (Chrism) để lãnh nhận ơn riêng của Chúa Thánh Thần, nhờ đó “trở thành một Kitô hữu”, nghĩa là được xức dầu, gia nhập vào Thân Thể Chúa Kitô là Đấng đã được xức dầu để làm tư tế, ngôn sứ và vương đế.” (x. SGLGHCG, số 1241). Vì thế, người tín hữu được thực thi chức tư tế cộng đồng cách cụ thể trong cử hành các bí tích.
 
Chức tư tế cộng đồng biểu thị tính chất một cộng đoàn có tổ chức hệ thống nên phải được thi hành bằng những phương tiện có hệ thống và hữu hình. Bí tích chiếm hàng đầu, nhưng cũng đừng bỏ qua những nhân đức Kitô giáo do các bí tích thông truyền và thăng tiến nhờ chính những hoạt động của chúng. Theo Thông điệp "Mediator Dei": việc tham dự vào các bí tích (không phải chỉ tiếp nhận thụ động, nhưng phải tiếp nhận trong sự thấu suốt bằng đức tin) là sự thi hành chức tư tế ấy.
 
2.1. Bí tích Thánh Tẩy
 
Các tín hữu tháp nhập vào Giáo Hội bởi phép Thánh Tẩy, và nhờ ấn tích, họ được đề cử thi hành việc phụng thờ Kitô giáo và, được tái sinh làm con Thiên Chúa, họ có bổn phận tuyên xưng trước mặt mọi người đức tin mà họ nhận lãnh từ Thiên Chúa qua Giáo Hội (Xem T. Tôma, Summa Theol. III, q.63, a.2.).
 
2.2. Bí tích Thêm Sức
 
Nhờ ơn bí tích Thêm Sức, họ gắn bó với Giáo Hội cách hoàn hảo hơn và được dư đầy sức mạnh đặc biệt của Chúa Thánh Thần, do đó họ càng có bổn phận khẩn thiết hơn phải loan truyền và bảo vệ đức tin bằng lời nói và việc làm như những chứng nhân đích thực của Chúa Kitô (Xem T. Cyrillô Hieros., Catech. 17, về Chúa Thánh Thần, II, 35-37 : PG 33, 1009-1012. Nic. Cabasilas, De vita in Christo, C. III, về lợi ích của dầu thánh: PG 150, 569-580. T. Tôma, Summa Theol. III, q. 95, a.3 và q. 72, a.1 và 5.)
 
2.3. Thánh Lễ và Bí tích Thánh Thể
 
Khi tham dự thánh lễ, nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống Kitô giáo, họ dâng lên Thiên Chúa Lễ Vật thần linh và cùng với Lễ Vật ấy họ tự dâng chính mình họ (Xem Piô XII, Tđ. Mediator Dei, 20-11-1947 : AAS 39 -1947). Khi dâng lễ cũng như khi hiệp lễ, mỗi người một cách góp phần vào việc cử hành phụng vụ. Hơn nữa, được bổ dưỡng bởi Mình Thánh Chúa Kitô trong thánh lễ, họ biểu lộ cách cụ thể sự hiệp nhất của Dân Thiên Chúa, sự hiệp nhất ấy được diễn tả đầy đủ và thực hiện cách kỳ diệu trong bí tích cực trọng này.
 
2.4. Bí tích Hoà Giải
 
Những ai đến nhận lãnh bí tích Cáo Giải đều được Thiên Chúa nhân từ tha thứ những xúc phạm đến Ngài. Ðồng thời họ được giao hòa cùng Giáo Hội mà tội lỗi họ đã làm tổn thương. Nhưng Giáo Hội hằng nỗ lực lấy đức ái, gương lành và kinh nguyện, để hoán cải họ.
 
2.5. Bí tích Xức Dầu bệnh nhân
 
Bằng phép Xức Dầu Thánh và lời cầu nguyện của các linh mục, toàn thể Giáo Hội phó thác các bệnh nhân cho Chúa Kitô đau khổ và hiển vinh để Người an ủi và cứu rỗi họ (x. Giac 5,14-16); hơn nữa, Giáo Hội còn thúc giục họ sẵn sàng kết hợp với Chúa Kitô chịu đau khổ và chịu chết (x. Rm 8,17; Col 1,24; 2Tm 2,11-12; 1P 4,13) để mưu ích cho Dân Thiên Chúa.
 
2.6. Bí tích Truyền Chức Thánh
 
Còn những người trong các tín hữu có hân hạnh lãnh nhận chức Thánh (Phó tế, Linh mục, Giám mục), được đặt lên nhân danh Chúa Kitô để chăn dắt Giáo Hội bằng ân sủng và Lời Thiên Chúa.
 
2.7. Bí tích Hôn Phối
 
Sau cùng, nhờ sức thiêng của bí tích Hôn Phối, các đôi vợ chồng Kitô giáo biểu hiện và tham dự mầu nhiệm hiệp nhất và tình yêu phong phú giữa Chúa Kitô và Giáo Hội (x. Eph 5,32); họ giúp nhau nên thánh trong đời sống hôn nhân, trong việc đón nhận và giáo dục con cái; cũng vì đó, họ được những ơn riêng cho đấng bậc mình trong Dân Chúa (1Cor 7,7: "Mỗi người Chúa ban cho ơn riêng (idion charisma), người được ơn này, người được ơn kia". Xem T. Augustinô, De Dono Persev. 14, 37 : PL 45, 1015t: "Không những tiết dục, nhưng cả khiết tịnh của đôi bạn cũng là ơn Chúa ban"). Từ sự kết hợp ấy phát sinh ra gia đình, nơi các công dân mới của xã hội loài người được sinh ra, và nhờ ân sủng của Chúa Thánh Thần trong bí tích Thánh Tẩy, họ trở nên con cái Thiên Chúa, hầu Dân Chúa tồn tại mãi trong dòng lịch sử. Trong gia đình như một Giáo Hội nhỏ, ước gì cha mẹ là những người đầu tiên dùng gương lành và lời nói mà truyền dạy đức tin cho con cái, cũng như phải lo chăm sóc đến ơn gọi riêng của từng đứa con, và phải đặc biệt chăm sóc đến ơn kêu gọi làm linh mục.
 
Ðược ban cho những phương tiện cứu rỗi dồi dào như thế, mọi Kitô hữu, dù ở địa vị nào, bậc sống nào, đều được Chúa kêu gọi đạt tới sự trọn lành thánh thiện như Chúa Cha trọn lành, tùy theo con đường của mỗi người.
(Còn tiếp: Đề tài 3&4).

Tác giả bài viết: Lm. Phêrô Trương Minh Thái

Nguồn tin: Gpquinhon.org

Từ khóa:Đức tin và cộng đoàn, giáo hội, giáo lý

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn