Trang mới   https://gpquinhon.org

Tin là gắn bó với Đức Giêsu IV (Đề tài học hỏi tháng 2)

Đăng lúc: Thứ sáu - 22/02/2013 19:58
TIN LÀ GẮN BÓ VỚI ĐỨC GIÊSU .
 


Cũng như dân Israel theo xác thịt, khi đang lữ hành trong sa mạc, đã được gọi là Giáo Hội của Thiên Chúa (x. 2Esd 13,1; Ds 20,4; Dnl 23,1tt), dân Israel mới tiến bước trong thời đại này đang tìm về thành thánh tương lai bất diệt (x. Dth 13,14) cũng được gọi là Giáo Hội Chúa Kitô (x. Mt 16,18). Thực vậy, chính Người đã lấy máu mình mà chuộc lấy Giáo Hội đó (x. CvTđ 20,28), Người đổ tràn Thánh Thần và ban các phương thế thích hợp để kết hiệp thành một xã hội hữu hình. Thiên Chúa triệu tập tất cả những người tin kính và mong đợi Chúa Kitô, Ðấng ban ơn cứu độ và hiệp nhất, nguyên lý của sự hòa bình; Ngài thiết lập họ thành Giáo Hội để Giáo Hội trở nên bí tích hữu hình của sự hiệp nhất cứu độ ấy cho toàn thể và cho mỗi người. Với bổn phận phải lan rộng khắp thế giới, Giáo Hội đi sâu vào lịch sử nhân loại. Tuy nhiên Giáo Hội đồng thời cũng vượt thời gian và biên giới các dân tộc. Tiến bước giữa cơn cám dỗ và đau thương, Giáo Hội vững mạnh nhờ ơn Thiên Chúa mà Chúa Giêsu đã hứa ban, hầu Giáo Hội vẫn hoàn toàn trung tín, sống như một Hiền Thê xứng đáng của Chúa mình, dầu xác thịt yếu hèn, và không ngừng tự đổi mới dưới tác động của Chúa Thánh Thần cho đến ngày, nhờ thánh giá, đạt đến ánh sáng không hề tắt.  

-------------------------

A . Giáo Hội như ánh vinh quang của Thiên Chúa , được tinh luyện và hiển lộ từ trong giòng sinh mệnh nghiệt ngã của lịch sử Israel .

Công Đồng dẫn chúng ta tới một xác tín vềnguồn gốc thánh thiêng của Hội Thánh . Thực vậy , ngay từ khi Thiên Chúa khởi đầu kế hoạch tuyển chọn Israel làm dân riêng của mình , Hội Thánh như một tiềm thể ( thực thể hay như năng lực tiềm ẩn , được hiện hữu và sẽ hiển lộ trong tương lai ) đã được ấp ủ , được cưu mang và hình thành giữa giòng lịch sử Israel . Nơi tận sâu giữa dòng lịch sử này , Israel được tinh luyện trong vô vàn ân sủng của Đức Chúa . Nhưng không chỉ có ân sủng , Israel còn được tôi rèn trong thử thách .

Ân Sủng và Thử Thách , có thể ví như như hai lò tôi luyện thiết yếu đối với Israel ; nó biểu thị cho hai nguyên lý âm /dương , hoăc lạnh / nóng tôi luyện một vật : một vật khi đã được tôi luyện trong hai nguyên lý đó , nó có thể thích nghi với các trạng thái khí hậu trái ngược , mà vẫn không bị biến dạng hoặc tự hủy . Cũng vậy , Israel được tôi luyện trong Ân Sủng và Thử Thách , nên nó có đủ khả năng để hiểu biết , chịu đựng ,truyền đạt và trở nên một dân tộc xứng đáng mang Danh Đức Chúa giữa chư dân và cho chư dân . Israel được Đức Chúa tinh luyện trong giòng lịch sử thế nào , thì ở đó , tiềm thể ( mầm hạt ) Hội Thánh cũng hòa quyện với định mệnh Israel , dân Chúa , như trong cùng một nhịp đập của trái tim , một giòng hơi thở , nhưng lại chuyển mình về một hướng định cho tương lai , theo Thiên Ý ( Ý định tạo sinh Hội Thánh của Thiên Chúa) và của chính mình .

Nếu Hội Thánh không được đào luyện từ trong “lò lửa” của giòng lịch sử nghiệt ngã của Israel này , tức là không thẩm thấu sự hiện diện của Thiên Chúa ngay từ ngọn nguồn của lịch sử Israel ( mà trong đó cũng có mình ) , Hội Thánh khó có thể có kinh nghiệm và xác tín vào mầu nhiệm Thiên Chúa siêu việt, hằng sống , cũng như khó diễn đạt và thông truyền về các mầu nhiệm đức tin cho người khác . Thực vậy, Làm sao Hội Thánh có thể hiểu biết tận căn và xác tín về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi , nếu không được sống ngay từ đầu ngọn nguồn lịch sử của dân Israel , mà chính Đức Chúa đã tự tỏ mình ra cho họ . Giả sử , nếu không hiểu Đức Giê su như điểm quy chiếu cho toàn thể Cựu Ước , tức là đặt Đức Giêsu ( Ngôi Lời làm Người ) ở khởi điểm ( ý định ) việc thiết lập dân Israel , thì làm sao Hội Thánh nhận ra là mình đã có mặt trong điểm khởi đầu đó của lịch sử Israel , theo Thiên Ý ! Nếu không phải như vậy , Hội Thánh chỉ xuất hiện cách ngẫu nhiên va không có kinh nghiệm gì về Thiên Chúa Tự Hữu , Siêu Việt , và cũng không có nguồn gốc thánh thiêng , như các tôn giáo khác. Chính Đức Giêsu đã mở cho chúng ta thấy điều đó : “ Ai thấy Ta là đã thấy Cha . Vì Cha ở trong Ta và Ta ởtrong Cha” ( Chúa Giêsu nói với Philipphê)

Cũng vì Hội Thánh ở trong Đức Giêsu (điểm quy chiếu của lịch sử Israel ), nên Hội Thánh thấy được Chúa Cha và hiểu được thánh ý của Người : “ Nếu các ngươi biết Ta, tất các ngươi cũng biết Cha Ta. Ngay từ bây giờ các ngươi biết Người và đã thấy Người “ ( Ga14,7 )

Nói cách khác, Hội Thánh đã được tạo sinh ngay từ trong ý định của Ngôi Lời sẽ làm người ( Đức Giêsu ) trong lai thời ( thời tương lai ) .

“ Nhờ Ngôi Lời , vạn vật được tạo thành….” ( Ga1,1…)

Không còn nghi ngờ gì nữa , Hội Thánh nhận ra nguồn gốc thánh thiêng của mình , và hiện diện hữu hình trong trần gian với sứ mệnh cao cả là mang Danh Chúa Cứu Độ đến cho muôn dân tộc .

B . Hội Thánh nên tinh toàn trong kinh nghiệm thử thách của đức tin …

Thực tế , trong đời sống thờ phượng , Hội Thánh vẫn luôn đặt bản thân mình trong giòng lịch sử Israel, khi phụng vụ tuyên đọc vào mỗi ngày CHÚA NHẬT :

+ Sách Thánh Cựu Ước ,
+ Các tín biểu trong kinh Tin Kính ,
+ Các sách lịch sử tường thuật những thử thách : điển hình là sách :
* 2 Maccabê : cụ già chín mươi tuổi , từ chối ăn thịt heo , vì không để mình vi phạm lề luật . ( 2Mcb 6 )
* 2 Macabe 7,1-9 : Người mẹ có bảy người con trai anh dũng , chấp nhận chết vì quyết giữ trọn niềm Tin và bảo vệ luật của dân tộc mình .
* Đaniel :
Những thanh niên tiêu biểu của Israel như Satrac, Mêsac , Avếtnơgô như hình ảnh hào hùng của một dân tộc non trẻ , đang được tinh luyện trong thử thách , pha lẫn cả tăm tối mà vẫn tỏa sáng đức tin bất khuất :
“ Xin Đức vua biết cho rằng , nếu Thiên Chúa muốn chúng tôi thờ có sức cứu chúng Tôi , thì tâu đức vua , Người sẽ cứu chúng tôi khỏi lò lửa đang chay phừng phực Và khỏi tay Ngài. Còn nếu Ngài không cứu, thì xin đức vua biết cho rằng , chúng Tôi cũng không phụng sự các thần của ngài , và cũng không thờ lạy pho tượng vàng ngài đã dựng đâu ! ….” ( Đn 3,17-18 )
Giòng máu đức tin của Israel , dân Chúa phải chăng cũng đang chảy cuồn cuộn trong thân thể nhiệm mầu của Hội Thánh.
Chính vì Hội Thánh được tạo sinh trong tận điểm “thánh nguồn “ của mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi , được ý muốn và tình yêu thánh thiện của Chúa Thánh Thần tác động , Hội Thánh trong tiềm thể rướn mình thoát thai từ giữa giòng chảy lịch sử đầy ân sủng và thử thách của Israel để thành “ Giáo Hội vẫn hoàn toàn trung tín, sống như một Hiền Thê xứng đáng của Chúa mình “ . Vì  thế , Hội Thánh :
+ vừa sống kinh nghiệm rất gần với Israel trong chọn lựa Đức Tin cách quyết liệt về vị Thần Linh Tối Cao và Độc Nhất của mình ,
+ vừa sống đúng với tiềm lực đổi mới tận căn và liên tục cái hiện thể ( thực thể hữu hình hiện có của Hội Thánh : xác thịt yếu hèn, cám dỗ và đau thương , đang tìm về thành thánh tương lai bất diệt )của mình, để xứng danh của kẻ mang ơn cứu độ của Chúa mình đến cho người thế , đến tận cùng thời gian. Vì thế ,Hội Thánh có cùng một xác tín như Israel
+ Đức Tin là gia sản độc nhất làm nên sự hiện hữu và tồn vong của dân tộc mình . Nó được diễn tả qua đời sống thờ phượng và tinh thần của thánh luật (Mười Giới Luật ,va đời sống tế tự ) .
+ Danh Chúa phải được rao truyền khắp địa cầu :
“ Lạy Chúa , lạy Chúa chúng con Lạ lùng thay Danh Chúa khắp nơi hoàn cầu “ ( TV 8,4-5 )

Thực vậy ,để xứng đáng như “ Hiền Thê của Chúa mình “ dân tộc Israel đã được tôi luyện trong muôn vàn gian khổ( thời bị nô lệ bên Ai Cập ),thiếu thốn ( thời lang thang trong sa mạc ), khiếp sợ ( các thời bị lưu đày : Assyry , -722 ; Babylon , -598 ; đế quốc Roma , +70 , Phát xít diệt chủng ) , hiểm nguy vì bị đe dọa diệt vong ( thời tướng thù Haman và hoàng hậu Esther ) , v.v…Giòng sinh mệnh của cả một dân tộc , thấm đẫm nỗi thương đau , nhục nhằn , ai oán đến tận xương tủy , khiến kẻ có lương tri vừa hết dạ thán phục , vừa để tâm trí mình bị cuốn hút vi không khỏi ngạc nhiên trước sự tồn vong lạ lùng , huyền bí của một dân tộc quá nhỏ bé trước giải oan khiên , điêu đứng , nghiệt ngã triền miên của những kẻ từng được mệnh danh là dân riêng của Đức Chúa toàn năng !

Đã có lúc , Israel cảm thấy như bị mất tất cả , có chăng , còn lại gì , chỉ như là một hoài niệm : “ Trên bờ sông Babylon, chúng tôi ngồi khóc nức nở, khi tưởng nhớ lại thành Thánh Sion. Trên những cây dương liễu miền đó, chúng tôi treo các cây lục huyền cầm của chúng tôi “ (Tv 136,1 ) và dường như bị rơi vào đêm đen tuyệt vọng : “ Lạy Đức Chúa, xin dủ lòng thương xót dân Ngài! Xin đừng để gia nghiệp của Ngài phải nhục nhã và nên trò cười cho dân ngoại! Chẳng lẽ các dân lại được cớ mà nói: Thiên Chúa của chúng ở đâu rồi?

Nhưng vượt trên tất cả những nỗi thương đau đó , Israel vẫn một lòng kiên định trong Đức tin và hãnh diện về “ sự ưu tuyển chính đáng mà Chúa dành cho mình “ ….Phải, có dân tộc vĩ đại nào được thần minh ở gần ,như Đức Chúa , Thiên Chúa chúng ta ,ở gần chúng ta ,mỗi khi chúng ta kêu cầu Người ? Có dân tộc vĩ đại nào được những thánh chỉ và những quyết định công minh , như tất cả lề luật mà hôm nay tôi đưa ra trước mặt anh em “ ( Dnl 4,1-2.6-8 ) .

Từ dân tộc Israel đến Hội Thánh , Đức Giêsu đã đảm nhận sự hiện hữu , sự hiệp nhất tồn tại và vinh quang của nó trong cuộc thương khó và phục sinh của Ngài .

Nếu cảm thụ được hết những nỗi đau khổ của Israel ,dân Chúa , cũng như nỗi cô đơn trong thể xác , tinh thần của Đức Giêsu , theo như các Tin Mừng tường thuật , ta không khỏi ngỡ ngàng rằng , giữa cuộc đau khổ triền miên của dân tộc Israel với cuộc “ đau khổ thần tính” ( được vĩnh cửu hóa ) của Đức Giê su có những nét trùng khớp ( đau khổ vì được tuyển chọn ... ) , sự tương đồng ( sự cô độc trong hiến dâng, giữa chư dân vạn quốc ; một dạ trung tín với Đức Chúa ) , sự tinh ròng trong đức tin độc thần : nhìn nhận Thiên Chúa uy quyền tuyệt đối và là lẽ sống của mình ). Điều đó cho thấy :

1 / Israel đã sống thật xứng đáng với Đức Chúa, Chúa của mình.
2/ Cuộc thưong khó của Đức Giê su toát lên toàn thể cuộc thương khó của dân tộc Ngài và cũng la của Hội Thánh của Ngài.
3 / Các vết thương vẫn hằn sâu trong thân mình Hội thánh của Đức Giêsu hôm nay ,và vẫn còn kéo dài cho tới ngày đạt tới tình trạng “ diên đối diện “ đời đời .với Thiên Chúa .

C . Đức Giê su đã "đưa" Hội Thánh đến gặp Ngôi Lời ở đầu thời gian và hiệp nhất với Thần Khí ở điểm cùng tận thời gian .

Thánh Gioan đã minh định : “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời . Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa Và Ngôi Lời là Thiên Chúa……Nhờ Ngôi Lời , vạn vật được tạo thành…. “ ( Ga1,1…)

Vạn vật ở đây , phải chăng bao hàm công trình cứu chuộc vĩ đại mà Thiên Chúa đã kiến tạo, là Israel , và Hội Thánh, kẻ được gọi là “ dân thiên sai : “ Ngài thiết lập họ thành Giáo Hội để Giáo Hội trở nên bí tích hữu hình của sự hiệp nhất cứu độ ấy cho toàn thể và cho mỗi người .” ( trích Hiến Chế ở trên )

Để có thể chu toàn sứ mệnh thánh thiêng và lớn lao này , Hội Thánh luôn được Đức Giêsu bảo đảm có Đấng Bảo Trợ , là Thần Khí , sẽ ở cùng : “ Khi Đấng Bảo Trợ đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha, Người là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha. Người sẽ làm chứng về Thầy” ( Ga 15,26 )

Trong Ân sủng hiệp nhất với Đức Giêsu , nhờ Thần Khí , Hội Thánh khẳng khái nói lên Đức tin của mình vào Thiên Chúa Ba Ngôi , là Đấng ban nguồn sống đích thực và là Thiên Chúa Cứu độ loài người . “ Vậy các con hãy đi giảng dạy cho muôn dân và rửa tội cho họ , nhân danh Chúa Cha Chúa Con và Chúa Thánh Thần”  (Mt 28,16-20 )

Đó là một xác tín mạnh , được tinh luyện , chắt lọc trong giòng sinh mệnh đầy ân sủng và đầy thử thách thương đau của dân được chọn . Và niềm xác tín này cũng đang được Hội Thánh chọn là lẽ sống của mình và niềm vui của mình .

Dầu được thấm đẫm ân nghĩa sâu đậm của Đức Chúa, Israel cảm thấy như luôn được Đức Chúa bao bọc mình , như gà mẹ ủ ấp con dưới bóng cánh , Isreel đã cố gắng trở thành kẻ giữ trọn Lời Thiên Chúa . Nhưng để trở thành kẻ trung thành với ý định cứu độ của Thiên chúa , Hội Thánh không những phải giữ trọn Lời Thiên Chúa , mà còn phải thực sự là kẻ biết thông truyền Ơn cứu độ của Chúa đến cho người khác theo gương Chúa của mình : “cho thì có phúc hơn là nhận” ( Cv 20,35 )

Trong Đức Giêsu , Hội Thánh xác quyết sứ mạng thiên sai của mình đến từ Thiên Chúa và được hoàn tất nhờ Thần Khí .

Hội Thánh đang công bố sứ điệp tình thương đó cho mọi người hôm nay, bằng mọi cách thức hiện diện, bằng mọi phương thế cách mới mẻ và hăng say , như thể không thể chậm trễ được .
 

 
Tác giả bài viết: Lm. Giuse Phạm Minh Hảo
Nguồn tin: Gpquinhon.org

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 69
  • Khách viếng thăm: 31
  • Máy chủ tìm kiếm: 38
  • Hôm nay: 5297
  • Tháng hiện tại: 194785
  • Tổng lượt truy cập: 12484497