Trang mới   https://gpquinhon.org

Tin là gắn bó với Đức Giêsu II (Đề tài học hỏi tháng 2)

Đăng lúc: Thứ sáu - 08/02/2013 17:55
TIN LÀ GẮN BÓ VỚI ĐỨC GIÊSU (Đề tài 2)
 


     A. Hội Thánh, một Dân Tộc Mới, do Đức Giêsu thiết lập, đảm nhận và trao tặng trọn vẹn hiệu lực của Giao Ước Mới cho mọi người .

     Nơi các dân tộc, các tôn giáo và các nền văn hóa ngoài Kitô giáo cũng đang bảo tồn những quan niệm, tư tưởng, những khát vọng về sự giải thoát khỏi đau khổ, khỏi sự chết, hoặc nắm giữ những phương thế để đạt được  hạnh phúc. Nhưng các tư tưởng này chỉ  dựa vào tính chủ quan, suy tưởng cá nhân: nó cho rằng, với nỗ lực cá nhân và sự hanh thông của trí tuệ loài người, con người có khả năng đạt được. Theo đó, để đạt sự sống vĩnh cửu hoặc hạnh phúc  đời đời, chỉ cần thủ đắc tri thức, tức dùng sự hiểu biết để nhận thức sự vật, tư tưởng; khi đã thấu đạt cùng kỳ lý của sự vật, hiểu rõ bản chất, ngọn nguồn, bí mật của sự vật, con người sẽ làm chủ tạo lập hạnh phúc cho mình. Cũng có một quan niệm  khác cho rằng, để được giải thoát khỏi mọi nỗi đau khổ, tội lụy đời này và đạt hạnh phúc đời sau, con người chỉ cần nỗ lực hành động theo lương tâm (ăn ngay ở lành) của mình .v.v…là đủ. Các tư tưởng này không nại đến Thiên Chúa, tức là không cần đến sự can thiệp đầy uy quyền của Thiên Chúa, và như thế,  nó không nại đến sự biến đổi sâu xa và toàn diện từ cuộc nhập thể cũng như cuộc thần hóa tron vẹn nơi nhân tính (thân xác Phục Sinh) của Đức Giêsu. Vậy, nơi những quan niệm, tư tưởng này này không thể xảy ra cuộc biến đổi cứu độ nào, vì  tự  thân, con người  không có khả năng thay đổi số mệnh hữu hạn và phải chết của mình. Nói cách khác, không có ơn cứu độ nào xảy ra cho ai cả, ngoại trừ kẻ được “biến cố” Đức Giêsu liên đới .

           Đức Giê su là nguồn mạch mạc khải trọn vẹn và duy nhất  của Thiên Chúa hằng sống, tức là sự tỏ bày chính Thiên Chúa nơi bản thân Ngài cho loài người, để nhờ đó, loài người được nhận biết Danh Thiên Chúa, được Người yêu thương và  thông ban sự sống thần linh cho. Chỉ khi có sự kiện Ngôi Hai nhập thể làm người, cánh cửa của sự sống  mới mở ra cho loài người và loài người mới có đủ tư cách để trở thành con cái của Thiên Chúa, được thuộc về dân mới của Thiên Chúa, có đủ khả năng để thực sự  lắng nghe và  nhận biết Thiên Chúa. Vậy,  những ai được liên kết gắn bó với Đức Giêsu  bằng lòng tin và Phép Rửa, thì người ấy chắc chắn được đưa vào sự  thông hiệp với dân tộc mới, đã được thanh luyện, để sống trọn vẹn hiệu lực từ Giao Ước Mới, Giao Ước Cứu Độ. Hiệu lực trọn vẹn của ơn cứu độ được hiểu như chính sự sống và lòng yêu thương vô hạn của Thiên Chúa Ba Ngôi, đã trao trút dốc cạn cho nhân trần. Đức Giê su đã trao kho tàng vô tận đó cho Giáo Hội, để Giáo Hội cùng tiếp tục với Ngài, ban  tặng sự sống và tình thương đó cho nhân trần. 

      B . Cuộc sống của Đức Giêsu là Giao Ước Mới .

      Công Đồng gợi lên một xác tín rằng chính Thiên Chúa  dạy dỗ  nhân loại, cách riêng là dân tộc Israel, bằng cách kiến tạo một thể thức giao ước “nhờ các lễ vật làm trung gian”: con vật hiến tế được chọn là để thay thế mạng sống cho dân và diễn đạt ý muốn của Ngài. Nó được vị tư tế dâng lên Thiên Chúa, hòng lời cầu nguyện của dân chúng có giá trị và được Chúa chấp nhận: Người xá tội cho (vì họ đã phạm tội) hoặc ban ơn cho họ (vì họ đã vâng phục Ngài) .Như thế, qua phương thức giao ước, và mỗi lần cử hành lại giao ước, Thiên Chúa dạy dỗ dân để dân thêm sự hiểu biết về Ngài. Tình trạng hiểu biết của dân Chúa cũng tăng triển giống như tình trạng của một em bé, và Thiên Chúa, cũng chỉ vì yêu, nên đã hết mực kiên nhẫn với dân Người.

Ở giai đoạn sơ khởi, kiểu giao ước chưa hoàn bị này được lập lại nhiều lần, nhưng cũng chỉ được tiến dâng bằng các con vật, như thể nó tượng trưng cho một sự chuẩn bị, để tâm trí của dân Chúa quy hướng về Giao Ước Mới, là giao ước có giá trị đích thực, vì được dâng tiến bằng trọn sự hiện hữu của người Con Một Thiên Chúa. Đây chính là giao ước đức tin:

               “Thuở xưa, nhiều lần ,nhiều cách ,Thiên Chúa đã phán dạy  cha ông chúng ta qua ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử” (Dt 1,1)     
         
    Như thế:    
                       
     +  Thiên Chúa dậy dỗ mọi người, để họ nhận ra rằng, Đức Giê su chính là Giao Ước mới, Giao Ước đích thực và duy nhất mang lại Lời chân lý và sự sống cho trần gian.

     +  Thiên Chúa thiết lập thể thức Giao Ước hoàn toàn mới mẻ, sống động và hoàn hảo này, nhằm dạy dỗ  dân bằng chính ngôn ngữ của họ, nhờ đó, từng bước, họ nghe được, hiểu được, nhận biết được Thiên Chúa là Cha của họ và họ được trở nên con cái của Người.

     +  Có thể nói,  thể thức giao ước cũ như một thành tố gầy dựng, quy tụ  dân Chúa chọn, nhưng nó còn đầy hạn chế và dang dở. Còn thể thức giao ước mới là bản thân Đức Giêsu, thi thố hiệu lực thần hóa dân Chúa thành thực tại Nước Trời, được thành toàn cách mỹ mãn, hết mức, đến nỗi Dân Chúa, nay được gọi là Giáo Hội, trở thành bí tích cứu rỗi thiên hạ.

      C.   Các giao ước cũ là sự chuẩn bị để dân Chúa hiểu: Giao Ước Mới sẽ là một người toàn hảo.

Mỗi lần giao ước  cũ được làm lại, (cũng vì sự vi phạm của dân Chúa (thề hứa nghe Lời Người rồi lại không giữ), cả hai bên, Thiên Chúa và dân Ngài chọn, đều nhắc lại lời cam kết và đoan hứa trung thành. Nhưng khốn nỗi, phía dân Israel luôn vi phạm lời mình cam kết. Việc thường xuyên vi phạm giao ước như vậy chứng tỏ rằng:

- dân Israel / loài người,  không đủ khả năng sống trung tín với Thiên Chúa;
- các giao ước thuộc  thời kỳ chuẩn bị của Cựu Ước:
              + chỉ đóng vai trò hình bóng tạm thời để hướng tâm hồn dân Chúa  về thực tại Giao Ước Mới viên mãn là Đức Giêsu,     
              + có tính năng giáo huấn, để  dân Chúa  biết tin tưởng, cậy trông  mà chuẩn bị cho “thời Đấng Mêsia đến sau”, thời  toàn  dân sẽ vui mừng vì được ơn giải cứu. Nhờ  sự giáo dục đầy lòng kiên nhẫn và yêu thương của Thiên Chúa, toàn thể dân Chúa dần dà nhận chân cách đầy đủ  rằng, Đức Giêsu là tiếng phán dạy đích thực, đầy đủ của Thiên Chúa: Đức Chúa sẽ là Thần Linh Tối Cao của họ, còn  họ sẽ thực sự vui mừng và hãnh diện  trở thành dân được tuyển chọn và ưu ái của Thiên Chúa.   
  
      D.   Giao Ước Mới chỉ xảy ra và được hoàn bị khi có nhân tính của Đức Giêsu đảm nhận.

              + Ở các Giao ước cũ: các  ý nghĩa của giao ước chỉ được diễn tả bằng hình thức tế tự, nhưng chỉ ở bên ngoài bản thân con người.

 Các con vật bị sát tế, tuy có đau đớn thể lý giống như đau đớn  nơi thể xác con người, nhưng nó không lột tả hết ý nghĩa, giá trị tinh thần của đau khổ, phẩm giá cao cả của sự hy sinh vì tình yêu của con người. Giữa con vật được hiến tế, qua tay của các tư tế Cựu Ước, với sự tự hiến dâng của con người, có một cách biệt  thật sâu  xa: điều không thể tương đồng và cũng không thay thế được chính là nhân tính của con người đảm nhận hy sinh và đau khổ. Vì thế, vật hiến tế thuộc giao  ước cũ không diễn tả được  lòng tự nguyện hy sinh,  chấp  nhận đau khổ, sống tinh thần tự do ,yêu mến và vâng phục của con  người đối với Thiên Chúa. Thế mà Đức Giêsu đã diễn tả trọn vẹn các ý nghĩa và giá trị đó nơi nhân tính ( hân xác và cả cuộc đời) của Ngài.

              + Ở Giao Ước Mới: các ý nghĩa và giá trị của giao ước cũng  được người tín hữu đảm nhận và nội tâm hóa .

 Lòng tự nguyện hy sinh ,chấp  nhận đau khổ , tinh thần vâng phục , cả trong đau khổ tinh thần và đời sống trần gian của  người tín hữu cũng đang  xảy ra  (qua đức tin và phép Rửa) như  đã xảy ra trong nhân tính của Đức Giêsu cách đây hơn hai ngàn năm. Đồng thời, nó cũng xảy ra nơi  toàn thể dân Chúa chọn, là thân thể mầu nhiệm sống động của Ngài: Đức Giê su đang liên đới nhân tính của Ngài với Giáo Hội lữ hành trần gian. Cũng vậy, Giáo Hội hôm nay, đang mang trong mình trọn cuộc thương khó và vinh quang của Đức Giêsu Phục Sinh. Cách riêng, trong cuộc Thương Khó của Đức Giêsu, các thương tích gắn liền với thân xác phải chết của Đức Giêsu, nó cũng gắn liền với thân xác sống lại trong Thần Khí của Ngài. Thực vậy,  sau khi phục sinh, Chúa Giêsu mời Tôma xem và sờ vào các vết thương của thân xác đã chịu đóng đinh cùng chết trên thập giá của Ngài (Ga 20,24-28). Các cuộc hiện ra của Đức Giêsu Phục Sinh với các môn đệ đã chứng tỏ, các vết thương, sự chết của thân xác Ngài đã được vĩnh cửu hóa, được thuộc về cõi đời đời, nhờ Thần Khí đã làm cho Đức Giêsu được trỗi dậy từ trong cõi chết. Có thể nói, mầu nhiệm sự chết nằm ngay trong sự sống của Thiên Chúa:

    “ Nếu hạt lúa mì gieo vào lòng đất,  không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác. (Ga 15,24 )

    Giao Ước Mới được ký kết trong sự chết và trổ sinh hoa trái trong quyền năng Thần Khí. Giá trị vô hạn của Giao ước Mới sung mãn đến độ chỉ dâng lên cho Thiên Chúa một lần là đủ.

          Thiên Chúa là Đấng Hằng Hữu, Đấng Tuyệt Đối, nên ý định và hành động của Người cũng duy nhất (không lệ thuộ , không thay đổi theo thời gian) và trọn vẹn (không chắp vá, riêng lẻ).

Thiên Chúa nộp Con Một của Người cho nhân loại, để nhân loại, nhờ Con Một của Người, được ban sự sống:
    “ Đến  như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tha, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta…” (Rm 8,32 )

     Đây là hành động phát xuất tự Thiên Chúa, Đấng là Anpha và Ômêga, nên công cuộc cứu độ này chỉ thực hiện một lần, thì  sự sống thần linh bất diệt  được thông ban trọn vẹn và vĩnh viễn cho cho con người:

     Khi Đức Giêsu chết trên thập giá, giao ước cũ bao hàm các yếu tố trần gian, xác thịt nhân loại, trong đó xác thịt của Đức Giêsu, bộc lộ rằng, giao ước cũ đã đi tới ranh giới cuối cùng của nó: “Mọi sự đã hoàn tất” (Ga 19,30 ) ở cõi trần này.

     Kinh Thánh khẳng định, chỉ “Thần khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì” (Ga 6,63). Vậy, để sự sống đời đời của Thiên Chúa  tuôn tràn  trên nhân loại vốn quá hữu hạn và chỉ biết đến sự chết, công cuộc cứu rỗi  phải nại  đến quyền năng vô hạn của Thần Khí. Chính Thần Khí là Đấng kiến tạo một thể thức Giao Ước Mới và chỉ thực hiện một lần là đủ.

Quyền năng Thần Khí đã làm cho Đức Giê su sống lại, nhờ đó, Đức GiêSu mới có thể dẫn đầu một đoàn dân mới là Hội Thánh, gồm hết thảy những kẻ liên đới với Đức Giêsu, bằng lòng tin và Phép Rửa, đến thụ lãnh vinh quang đời đời của Giao Ước Mới: Thiên Chúa  đã dốc cạn tình yêu và sự sống của Người cho mọi xác phàm , trong Con Một của Người.

      Có thể nói, trần gian này đã trở nên quá nhỏ khi Thiên Chúa tuôn tràn tình thương và ân sủng của Người:
Vì muôn vật đều do Người  mà có, nhờ Người mà tồn tại,và quy hướng về Người. Xin tôn vinh Thiên Chúa đến muôn đời! A-men. (Rm 11,36)
 

 
Tác giả bài viết: Giuse Phạm Minh Hảo
Nguồn tin: Gpquinhon.org

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 45
  • Khách viếng thăm: 30
  • Máy chủ tìm kiếm: 15
  • Hôm nay: 16469
  • Tháng hiện tại: 244100
  • Tổng lượt truy cập: 12533812