Trang mới   https://gpquinhon.org

Giải Viết Văn Đường Trường 2017 - Bản tin 07

Đăng lúc: Thứ hai - 13/03/2017 05:49



GIẢI VIẾT VĂN ĐƯỜNG TRƯỜNG 2017
BẢN TIN 07

 
 
Thưa quí độc giả và quí tác giả,

Công cuộc mưu tìm hiệp nhất các Kitô hữu được Công đồng Vaticanô II nhấn mạnh cách đây hơn 50 năm, thế nhưng về phía anh em Tin lành khởi xướng cách nay hơn 100 năm. Xin mời đọc thông tin trên Từ điển Bách khoa Toàn thư mở Wikipedia:

“Có thể lấy năm 1910 như khởi điểm của phong trào Đại kết. Vào năm ấy một Đại hội của các Hội truyền giáo Tin lành (World Missionary Conference) được tổ chức ở Edinburgh, (Scotland). Lý do đưa tới việc tổ chức Đại hội là thực trạng chua chát của các xứ truyền giáo, khi mà các giáo đoàn trẻ chất vấn những nhóm thừa sai: "Tại sao các ông đều rao giảng một đức Kitô như nhau, mà các ông lại chia rẽ thành bao nhiêu là phe nhóm, nào là Methodist, nào là Lutheranist, nào là Episcopalist? Tại sao các ông vừa mang cho chúng tôi Tin Mừng của Đức Kitô mà vừa mang theo các sự phân hóa từ Âu Mỹ sang đây làm gì?". Chính vì ý thức rằng sự chia rẽ giữa các Kitô hữu là một chướng ngại cho việc truyền giáo, cho nên các Hội Truyền giáo mới quyết định nhóm họp lại để tìm cách thức giải quyết. Cuộc gặp gỡ giữa các Hội Truyền giáo đã dần dần đưa tới sự gặp gỡ giữa các Giáo hội dưới danh nghĩa của Hội đồng quốc tế truyền giáo (International Missionary Council) ra đời năm 1921.
Từ kinh nghiệm gặp gỡ trên, dần dần nảy ra hai cơ quan khác, biểu lộ cho hai đường lối để tiến tới sự hiệp nhất: một đàng về đạo lý, một đàng về hoạt động. Cơ quan thứ nhất mang tên là "Faith and Order" (tiếng Pháp: "Foi et Constitution" nghĩa là "Đức tin và Định chế) chuyên về các vấn đề đức tin và thể chế của Giáo hội. Họ đã tổ chức hai Hội nghị quốc tế ở Lausanne (1927) và Edinburgh (1937). Cơ quan thứ hai mang danh là "Life and Work" (tiếng Pháp: "Vie et Action" nghĩa là "Đời sống và Hành động") được thành hình ngay từ năm 1925 tại Hội nghị Stockholm (Thụy Điển). Phương châm của họ là: "đạo lý năng gây chia rẽ, còn hành động thì sẽ gây đoàn kết". Vì vậy việc hợp tác vào các công tác phụng sự xây dựng xã hội sẽ dần dần đưa các giáo hội xích lại với nhau.
Tuy nhiên sau hội nghị lần thứ hai tại Oxford năm 1937, họ nhận thấy rằng sự chia rẽ về đạo lý cũng mang theo những chia rẽ về quan điểm hành động. Do đó mà hai cơ quan đã đồng ý sát nhập lại thành một Tổ chức mang danh là "Hội đồng thế giới các Giáo hội" (World Council of Churches), với quy chế tạm thời được biểu quyết tại Utrecht năm 1938. (Lưu ý: dựa theo Pháp ngữ, Conseil Oecuménique des Églises trong tiếng Việt thường hay dịch là "Hội đồng đại kết các Giáo hội", nhưng có lẽ không chỉnh lắm; có thể đối chiếu với tiếng Tây Ban Nha Consejo Mundial de las Iglesias). Tiếc rằng thế chiến thứ hai bùng nổ, cho nên phải chờ tới năm 1948 thì mới có thể triệu tập Đại hội đầu tiên tại Amsterdam (Hà Lan) từ ngày 22 tháng 8 tới ngày 4 tháng 9. Tiêu chuẩn đạo lý căn bản để gia nhập Hội đồng là chấp nhận Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế.
Phải chờ tới năm 1961, Đại hội New Delhi mới hoàn chỉnh công thức phát biểu đạo lý căn bản như sau: "Hội đồng thế giới các Giáo hội là một hội nghị của các Giáo hội tuyên xưng Chúa Giêsu là Thiên Chúa và là Đấng Cứu Thế theo Kinh Thánh; do đó họ nỗ lực thể hiện ơn gọi chung hầu làm vinh danh Thiên Chúa duy nhất nhưng Ba Ngôi là Chúa ChaChúa Con và Chúa Thánh Thần". Đúng ra, đây không phải là một tín biểu mới, nhưng chỉ muốn đặt ra một cơ sở tối thiểu cho các cuộc đối thoại giữa các thành viên. Thực vậy, trong quá khứ cũng như trong hiện tại, không thiếu lần có những nhóm tự xưng là Kitô hữu nhưng lại không chấp nhận thần tính của đức Kitô hoặc không chấp nhận tín điều Chúa Ba Ngôi. Hội đồng thế giới các Giáo hội không phải là một thứ siêu Giáo hội, cũng chẳng phải là Giáo hội duy nhất mà phong trào đại kết mong đạt đến. Tổ chức này chỉ là nơi để các Giáo hội đến gặp gỡ học hỏi lẫn nhau, và tương trợ nhau trong sứ mạng truyền giáo. Trụ sở của Hội đồng đặt tại Genève.
Từ ngày thành lập tại Amsterdam năm 1948 đến nay, Hội đồng đã tổ chức các Đại hội sau đây: Evanston (1954), New Delhi (1961), Uppsala (1968), Nairobi (1975), Vancouver (1983) Canberra (1991), Harare (Zimbabwe, 1998), Porto Alegre (Braxil, 2006), Busan (Hàn Quốc, 2013). Đại hội lần tới được dự trù sẽ họp vào năm 2017 tại châu Phi. (Hai số liệu 2013 và 2017 do Lm. Trăng Thập Tự cập nhật).

Hiện nay có tới hơn 300 Giáo hội đã làm thành viên của Hội đồng, trong đó có cả các Giáo hội chính thống. Giáo hội Công giáo không gia nhập Hội đồng, vì quan điểm khác nhau về Giáo hội học. Tuy nhiên, từ năm 1961, Giáo hội Công giáo gửi quan sát viên tham dự các Đại hội, và nhất là từ năm 1965 đã thành lập một nhóm làm việc chung với Hội đồng. Ngoài ra, Giáo hội Công giáo còn cử 12 đại biểu làm thành viên chính thức của Ủy ban "Đức Tin và Định chế". Như đã nói trên đây, vai trò của ủy ban này là nghiên cứu những khía cạnh thần học nhằm tiến tới sự hợp nhất các Kitô hữu. Theo quan điểm của ủy ban, sự hợp nhất các Kitô hữu có nghĩa là sự thông hiệp trong đức tin, trong đời sống làm chứng tá Phúc âm và trong sứ mạng truyền giáo. Để tiến tới sự hiệp nhất đó, cần phải qua 3 chặng sau đây:
  1. Cùng nhau tuyên xưng một đức tin tông truyền;
  2. Nhìn nhận nơi các Giáo hội cùng có chung những yếu tố tông truyền, đặc biệt là bí tích rửa tội, Thánh thể và các tác vụ;
  3. Thiết lập những cơ chế chung nhằm bảo đảm việc chung nhau làm chứng tá, cũng như những cơ quan có thẩm quyền quyết định đường lối hành động và giảng dạy.
Chặng thứ nhất được đánh dấu với văn kiện "Tuyên xưng Một Đức Tin" (Confessing the One Faith) được hoàn chỉnh vào năm 1993 trong phiên họp tại Santiago de Compostela. Chặng thứ hai được tiến hành với việc tham khảo lược đồ mang tên "Rửa tội - Thánh thể - Tác vụ" (Baptism, Eucharist, Ministry, gọi tắt bằng 3 chữ đầu là BEM, soạn tại Lima năm 1982).[1]
Sự tiến triển của Phong trào Đại kết được đánh dấu qua những biến cố quan trọng sau đây:
  • Thiết lập Hội đồng các Hiệp Hội Truyền giáo, tại Edimbourg, năm 1910.
  • Từ năm 1935, linh mục Paul Couturier đã có nhiều hoạt động nhằm cổ vũ cho Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu.
  • Thiết lập Hội đồng Đại kết các Giáo hội (C.O.E) năm 1948, tại Amsterdam (Hà Lan) thành viên lúc đó gồm 147 tổ chức Giáo hội (đến nay là trên 300 thành viên) thuộc các Giáo hội Anh GiáoTin Lành và Chính Thống giáo Đông phương. Từ năm 1961, Giáo hội Công giáo Rôma chính thức là quan sát viên của Hội đồng này.
  • Về phía Giáo hội Công giáo Rôma, năm 1960, Giáo hoàng Gioan XXIII thiết lập Văn phòng Hiệp nhất các tín hữu Kitô, có sứ mạng xây dựng mối liên lạc đại kết với các Giáo hội ngoài Công giáo.[2]
  • Công đồng Vatican II từ năm 1962 đến 1965. Nhiều tài liệu đã được soạn thảo do các Uỷ ban hỗn hợp về đối thoại, góp phần thăng tiến sự hiệp nhất giữa các Giáo hội, như những dấu chỉ của niềm hy vọng vào sự hiệp thông trọn vẹn trong tương lai. Đặc biệt phải kể đến Sắc lệnh Unitatis Redintegratio (1964). Tinh thần đại kết cũng được nhấn mạnh trong các văn kiện khác của Công đồng: Hiến Chế tín lý về Giáo hội (Lumen Gentium), Hiến Chế tín lý về Mặc khải của Thiên Chúa (Dei Verbum), Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh, Tuyên ngôn Tự Do Tôn Giáo…
  • Một văn bản quan trọng đã được ký kết giữa hai Giáo hội Công giáo Rôma và Tin Lành có nội dung liên quan đến giáo lý chung về ơn công chính hóa bởi ân sủng, qua đức tin như phương tiện (vấn đề này đã gây nên nhiều tranh cãi và dẫn đến cuộc Cải cách ở thế kỷ 16). Liên đoàn quốc tế Giáo hội Luther (F.L.M) và Giáo hội Công giáo đã cùng ký văn bản này tại Augsbourg ngày 30 tháng 10 năm 1999. Trong khối Pháp ngữ, với sự cộng tác của các chuyên viên các Giáo hội Kitô, bản dịch kinh Lạy Cha đã được thực hiện năm 1966 (được dùng trong Phụng vụ hiện nay tại các nước thuộc khối Pháp ngữ) và bản dịch Kinh Thánh Đại kết (TOB) đã thực hiện năm 1972.
Ngoài ra còn có những cuộc gặp gỡ lịch sử mở ra những bước tiến mới trong tinh thần Đại Kết: cuộc gặp gỡ giữa Giáo hoàng Phaolô VI và Thượng phụ Constantinopolis Athenagoras tại Jerusalem năm 1964; Cuộc viếng thăm của Giáo hoàng Phaolô VI tại Tòa Thượng Phụ Constantinopolis năm 1967, rồi tại Hội đồng Đại kết các Giáo hội tại Genève năm 1969. Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nối bước các Vị Tiền Nhiệm khi đến thăm Tòa Tổng Giám mục Giáo hội Anh Giáo Canterbury 1982 và nhiều cuộc gặp gỡ với các vị lãnh đạo cấp cao của các Giáo hội Kitô khác.
Những cố gắng tiến tới Đại kết còn thể hiện qua những nghiên cứu chung về Thần học và Thánh Kinh, những buổi hội thảo và nhiều dịp gặp gỡ quan trọng khác trong các lãnh vực quốc tế, khu vực và quốc gia.
  • Qua Tông huấn Pastor Bonus ký ngày 28 tháng 6 năm 1988Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã đổi tên "Văn phòng Hiệp nhất các tín hữu Kitô" thành " Hội đồng Tòa Thánh cổ võ sự hiệp nhất các Kitô hữu" (CPPUC). Danh xưng mới này chính thức được sử dụng từ ngày 1 tháng 3 năm 1989.
Phong trào Đại kết nhằm thực hiện lời cầu nguyện của Chúa Giêsu: "xin cho họ nên một (…) để thế gian tin rằng Cha đã sai Con" (Ga 17,21). Phong trào này đề nghị nhiều phương pháp khác nhau: cầu nguyện, kiên nhẫn, cộng tác và can đảm làm việc. Giáo hoàng Phaolô VI đã nhận định Phong trào Đại kết "là một sứ mạng huyền nhiệm và quan trọng nhất trong triều đại Giáo hoàng của Ngài", và Giáo hoàng Gioan Phaolô II luôn luôn nhắc lại rằng đó là một trách nhiệm không thể thoái thác và dửng dưng được.[3]
Lời cầu nguyện của linh mục Paul Couturier:

Lạy Chúa Giêsu, trước ngày chịu khổ hình vì chúng con,
Chúa đã cầu nguyện cho các môn đệ Chúa được hoàn toàn hiệp nhất,
Như Chúa ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Chúa
Xin làm cho chúng con cảm thấy đau đớn vì sự bất trung do chia rẽ
Xin cho chúng con thành tâm thú nhận điều đó
Và có can đảm gạt bỏ những gì là dửng dưng, nghi ngờ và ngay cả sự ghen ghét thù oán đang ẩn nấp trong chúng con.
Xin ban cho chúng con được gặp gỡ nhau trong Chúa,
Để từ tâm hồn và miệng lưỡi chúng con,
Không ngừng vang lên lời cầu nguyện cho sự hiệp nhất các tín hữu Kitô
Như Chúa hằng mong muốn và với phương tiện mà Chúa muốn.
Lạy Chúa là Đức Chúa hoàn hảo, xin hãy soi sáng cho chúng con thấy con đường dẫn tới sự hiệp nhất
Trong sự tuân phục tình yêu và chân lý của Chúa. Amen
 
(Nguồn: https://vi.wikipedia.org/wiki/
Phong_tr%C3%A0o_%C4%90%E1%BA%A1i_k%E1%BA%BFt)
 
Sau đây mời quý vị và các bạn thưởng thức tiếp 7 truyện mới, vừa qua vòng sơ loại.
Qui Nhơn, ngày 11-03-2017                                                          
Lm Trăng Thập Tự Võ Tá Khánh
 
BÀI DỰ THI

CON ĐI TU MẸ NHÉ!

 
Cái rét tháng chạp thật là khó chịu, thấu xương thấu thịt vào tâm can con người. Ngồi bên bếp lửa, cái bệnh khớp của bà Hân lại tái phát. Bà đưa hai bàn tay gầy gò xoa lên hai đầu gối đau nhức rồi lẩm bẩm: “Giá như có con bé ở đây thì hay biết mấy. Bên kia giờ này chắc lạnh lắm. Tội nghiệp con bé. Nó không chịu được lạnh”.
Chồng bà mất khi con bé chưa được gọi tiếng “ba”. Vì thương con, bà Hân không đi bước nữa. Cô bé là niềm vui và là niềm an ủi mỗi khi bà buồn. Đúng như cái tên bà đặt cho cô bé: Đoan Trang – hiền lành, dễ thương, có khuôn mặt xinh xắn, thông minh và có giọng hát rất truyền cảm. Mỗi lần thấy con gái lên hát đáp ca hay nhận phần thưởng giáo lý lòng bà lại rộn lên niềm vui xen cả niềm tự hào. Một tương lai tươi sang đang mở ra trước mắt bà khép lại những tháng ngày u tối, buồn khổ.
Ngày Trang đi học Đại học, bà tất tưởi chuẩn bị cơm gạo, đồ dùng nhưng cũng không quên khuyên dạy con:
- Con cố gắng học cho ngoan và giỏi nhé. Để sau này đỡ khổ, chứ như mẹ khổ lắm. Đừng yêu đương sớm ảnh hưởng đến việc học nhé con!
Vâng lời mẹ, Trang luôn chăm chỉ học hành, đến cuối năm Đại học, cô mới dẫn chàng khôi ngô tuấn tú về giới thiệu mẹ mình. Khuôn mặt mừng rỡ, vui tươi trong giây phút chốc lát đã bị dập tắt, khi bà nghe cậu ta là người lương dân. Biết bao người đã phải bỏ đạo vì lấy người lương? Bà một mực khuyên con gái rồi đến ngăn cấm và đau lòng cương quyết bắt cô chọn lựa khi gia đình cậu ta ép cô bé bỏ đạo rồi mới tổ chức đám cưới.
- Một là mày bỏ hắn. Hai là mày bỏ đạo, bỏ mẹ, bỏ giáo xứ. Coi như tao không có đứa con này.
Ngày Trang đau khổ nói lời chia tay, bà âm thầm làm dấu tạ ơn Chúa. Lòng bả nhủ thầm: “Giàu có mà bỏ Chúa, bỏ đạo cũng chẳng được ích gì. Rồi con sẽ gặp được người tốt hơn”. Nhưng cũng từ ngày đó, bà lại lo lắng hơn khi thấy Trang ít nói hơn, siêng đi nhà thờ và cầu nguyện nhiều hơn. Bà sợ cô bị bệnh trầm cảm nên còn đi nhờ cha xứ lên giúp con bé.
Cầm tờ giấy báo đi làm, bà vui mừng hi vọng con bé sẽ có thể khuây khỏa nỗi buồn và tìm được niềm vui mới, nhưng cũng lúc đó bà nghe được một tin như sét đánh vào hai lỗ tai bà:
- Mẹ, con không đi làm đâu. Con muốn đi tu!
- Cái gì? Đi tu? Con… con nói cái gì vậy?
- Mẹ, con đã suy nghĩ và cầu nguyện, con nhận ra được ý Chúa. Chúa đã cho con rất nhiều nên giờ là lúc con dùng những thứ đó để phục vụ Chúa và mọi người.
- Đi tu khổ lắm, con sao chịu nổi? Mẹ chỉ có mỗi mình con…- Bà trầm giọng lại, buồn tủi.
- Không sao đâu mẹ, con quyết định rồi, con sẽ cố gắng. Mẹ cho con đi đi, rồi mẹ sẽ nhận lại được nhiều thứ. Cha xứ bảo: Cho đi là lúc nhận lại. Chúa không thua lòng quảng đại của mình đâu.
Thế là mọi ước mơ, niềm hi vọng của bà bị dập tắt hoàn toàn, con gái chuyển sang một con đường mới, nơi bà không thể tưởng tượng ra tương lai như thế nào.
Ngày Trang lên đường, bà cố giấu nước mắt và sự yếu đuối bằng những lời cứng rắn:
- Đã quyết định đi tu thì đi cho đàng hoàng, đừng có làm gì sai trái rồi mang tiếng. Mẹ sẽ cầu nguyện cho con.
Những ngày xa con là chuỗi ngày thương nhớ, chỉ cần đụng chạm đến một chút kỉ niệm là bà khóc: đi nhà thờ, đi ngủ, đi làm ruộng, đi ăn... Mỗi năm bà chỉ chờ những ngày tết và ngày hè để được gặp lại con. Rồi một năm chỉ được một lần và dần dần ba năm không nhìn thấy mặt con. Thời gian xa con là hi sinh, hãm mình, cầu nguyện để hy vọng được thấy con mình xuất hiện trong chiếc áo dòng xinh đẹp. Được hai năm, cú điện thoại bất ngờ điện về, tim bà đập thình thình như có chuyện gì bất ổn.
- Sao con được gọi điện thoại?- Bà lo lắng hỏi.
- Mẹ! Nhà dòng cho phép con gọi để hỏi ý kiến mẹ. Con… viết đơn xin đi truyền giáo.
- Truyền giáo ở đâu? Có sao không? Mà sao lại phải đi?
- Dạ, con đi ra nước ngoài. Ở bên đó họ đang cần chúng con.
- Nhưng ở Việt Nam cũng có nhiều chỗ để truyền giáo mà. Sang bên kia biết khi nào về?
- Con… con cũng không biết.
- Thế lỡ mẹ mày chết, mày cũng không thể nhìn mặt mẹ hả?
- Mẹ, không đến nổi vậy đâu. Chúa sẽ không thua lòng quảng đại của mình đâu mẹ!
- Mày quyết định rồi thì thôi. Mẹ có nói cũng như không…
Bà dập máy, hai hàng nước mắt lại tuôn rơi: Chúa ơi! Đó là lý tưởng của nó, con không thể ngăn cản.
Từ ngày Trang sang Pháp đến nay cũng được gần bảy năm. Bảy năm ròng là bà chưa gặp lại con, chưa nấu cho nó bữa ăn, chưa được tâm sự cùng con về những ngày tháng tu học… Bà sốt ruột đếm lùi từng ngày khi nghe tin tết năm nay nó sẽ về. Chắc bữa nay nó khác lắm. Hai mẹ con sẽ có nhiều chuyện để nói. Đang mừng thầm thì chiếc điện thoại lại “reng”, là Trang. Bà hét lên:
- Alo, con khi nào về? Mẹ đã chuẩn bị món dưa hành con thích nè.
- Mẹ! Con… con xin lỗi. Năm nay, con vẫn chưa về mẹ ạ.
- Gì cơ! Con nói là năm nay về mà?
- Mẹ! Gia đình một chị trong cộng đoàn có việc nên con phải ở lại thay cho công việc chị ấy.
- Sao lại là con? Nhà dòng chi lạ! Đã bảo cho con người ta về rồi mà…- Bà trách móc.
- Mẹ! Con xin lỗi, đi tu là vậy mẹ à… Con nhớ mẹ nhiều lắm.
Trang chưa kịp nói hết câu, bà đã cúp máy. Đó là thói quen của bà khi bà không biết nói gì, đúng hơn là bà muốn che giấu cảm xúc.
Đêm giao thừa, mình bà cô đơn với món dưa hành, mấy cái bánh chưng. Nổi buồn tủi kéo dài đến thánh lễ đầu năm mới khi bà nhìn thấy các gia đình đoàn tụ, sum vầy bên nhau. Cái chân đau lúm khúm bước xuống bậc thang nhà thờ. Chưa hết bậc thứ hai, bà nghe có tiếng: Mẹ, Mẹ!... Bà vẫn tiếp tục bước và suy nghĩ: “Không phải giọng con mình”.
- Mẹ, mẹ!
Chưa kịp ngoảnh lại, bà thấy các Thầy, các Sơ đã bao quanh:
- Các Thầy, các Sơ ăn tết vui nhỉ? Con Trang năm nay nó không về…
Bà vừa nói vừa cúi mặt.
- Mẹ, Chị Trang đi tu cho chị em của chúng con. Vì thế mẹ cũng là mẹ của chúng con.
- Đúng rồi!- Tất cả đồng thanh đáp.
- Năm nay, chúng con sẽ ăn tết ở nhà Mẹ.- Sơ tiếp lời.
Bà nhìn lên giọng run rẩy:
- Cảm ơn… các… con.
Mẹ đã cho đi một đứa con giờ mẹ nhận lại được rất nhiều đứa con.
Mẹ đã hi sinh niềm vui nho nhỏ của hai mẹ con để giờ đây mẹ có được hạnh phúc vỡ òa. Đúng vậy, Chúa không thua lòng quảng đại của chúng ta. Cảm ơn con gái Đoan Trang của mẹ.
 
Mã số: 17-061
 

GỬI

 
Ánh mặt trời khuát dần sau những dãy núi đằng xa. Ngồi trong nhà, Hương nhìn ra phía Bến Cá. Hình ảnh kẻ vào người ra, mua bán tấp nập giờ chỉ còn là quá khứ. Từ cái ngày “cá chết”, Bến Cá trở nên vắng vẻ, xóm đạo cũng trở nên yên ắng hơn. Nhiều người mất việc bỏ vào Nam làm ăn, nhiều kẻ chán nản lâm vào rượu chè, cờ bạc… nhiều gia đình lục đục, tan vỡ. Đúng là “cá chết”, nhiều tâm hồn cũng đang chết dần, chết mòn. Không biết gia đình mình rồi sẽ ra sao? Hương vừa nghĩ vừa thở dài một cái thật kêu. Đang thơ thẩn với những suy nghĩ mông lung, Tùng từ ngoài sân bước vào:
- Vợ, vợ ơi!
- Gì vậy anh?
- Anh Hải vừa mới gọi điện thoại cho anh, kêu anh đi làm công trình xây dựng với anh ấy.
- Ở đâu? Có xa không?
- Trên tỉnh. Mà có xa cũng phải đi chứ. Bộ em cứ muốn anh thành kẻ thất nghiệp dài hạn như thế này hả?
Chồng có công việc đáng lẽ ra Hương phải mừng, đặc biệt là trong hoàn cảnh khó khăn nhưng Hương lại lo lắng hơn. Biết tính chồng là người “theo bụt mặc áo cà sa, theo ma mặc áo giây”, vì bạn bè đôi lúc quên cả vợ con, lại ham chơi. Đặc biệt, Tùng là một người giữ đạo hời hợt, khô khan nên sau khi sinh bé Uyên, Hương nới với Tùng:
- Anh ở nhà chở cá giúp em, hai vợ chồng buôn bán nho nhỏ cũng được chứ đi làm xa bất tiện lắm.
- Nam nhi ai lại đi đứng chợ chứ?- Tùng đáp.
- Đứng chợ thì sao chứ. Làm ăn chính đáng chứ phải buôn lậu đâu mà sợ? Với lại, em cũng không ham tiền của, miễn sao gia đình ấm no, sống tốt đời đẹp đạo là được.
Hương muốn giữ Tùng vì sợ anh theo bạn, theo bè rồi mất hết mọi sự. Cô là người năng nổ, tháo vát và rất đạo đức. Dù lấy chồng, cô vẫn giữu các công việc đạo đức từ bé, nhất là cầu nguyện với Đức Mẹ và lần chuỗi Mân Côi.
Ngày xếp đồ cho chồng đi làm, Hương không quên để tràng chuỗi Cha xứ tặng hai người ngày lễ cưới vào trong ba lô. Cô biết chắc Tùng sẽ không bao giờ lần hạt, nhưng cô luôn xin Đức Mẹ gìn giữ chồng mình.
Cưới nhau gần bảy năm trời, số lần hai vợ chồng đọc kinh chung với nhau chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Cứ mỗi lần nghe vợ giục đi nhà thờ hay lần chuỗi là Tùng lại lấy lý do để “thoát”. Lễ Chúa Nhật anh đi chỉ với cái xác không hồn. Một năm xưng tội, chịu lễ được 2 lần rồi đâu cũng vào đấy.
Vừa phụ chồng mang ba lô, Hương vừa dặn:
- Làm gì thì làm, tối có thời gian thì đọc vài kinh Kính Mừng trước khi ngủ nhé. Anh nhớ cố gắng kiếm tiền cho con học hành, đừng có theo bạn theo bè quá sinh hư hỏng, vui thì vui nhưng đừng quá đà nhé!
- Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!- Tùng ngắt lời.
- Nói mãi nhưng anh có làm đâu? Đi xa, đi lâu như vậy không có ai kiểm soát sẽ bị cám dỗ hư hỏng cho coi.- Hương vừa lẩm bẩm, vừa nhìn theo chiếc xe buýt.
Tùng về, đưa tiền làm được một tháng cho vợ. Thấy anh vô sự, chỉ gầy hơn, đen hơn thôi, Hương mừng khôn tả. Bữa cơm chiều ngày tụ họp gia đình, Hương chuẩn bị những món ăn thật ngon, thật bổ dưỡng cho chồng. Chưa kịp hỏi han gì thì Tùng đặt bát đũa xuống lao nhanh ra xe  máy vừa đi vừa nói: “Anh đi đây tí”.
- Chắc lại hẹn bạn bè nhậu chứ gì nữa? Lúc nào cũng vậy. Đừng có say nghe!- Hương nói vơi theo, lắc đầu.
Đêm hôm đó, Tùng về nhà rất muộn, có một ít mùi rượu, anh thở ra một cái rồi lăn ra ngủ.
Sáng sớm đi chợ, Hương mới biết là hôm qua Tùng đi cược bóng đá. Cô thực sự không tin vào tai mình khi nghe chồng chị Loan nói với cô. Vừa nhặt những con cá chết, cá ươn ra ngoài, đầu Hương dày đặc câu hỏi:
- Không thể như vậy! Tiền anh Tùng đưa hết cho mình rồi mà? Với lại, trước giờ Tùng đâu chơi mấy cái này đâu? Mặt khác, thấy Tùng thương vợ con. Anh không dám làm vậy đâu!
Về đến nhà, Hương “đứng” người vì một câu trả lời của Tùng:
- Anh chỉ chơi cho vui thôi!
- Vui gì? Nó là con ma, nó giết anh, giết gia đình chúng ta lúc nào không hay đâu!
- Đâu đến nỗi vậy? Không có đâu!
- Anh xem mấy gia đình cờ bạc, cá cược coi có gia đình nào yên lành không? Thương em, thương con anh hãy dừng lại đi.
Tùng không nói gì hết. Thinh lặng bỏ đi để mặc Hương với những giọt nước mắt. Đó là một thói quen của anh khi hai vợ chồng căng thẳng.
Từ ngày Tùng chơi cá cược, đề, lô, anh không đi làm nữa, đi lễ Chúa Nhật anh cũng bỏ luôn. Ngày nào cũng vậy, cứ 5h chiều anh ra “điểm hẹn” ghi số đề. Đêm nào có bóng đá thì ở lại qua đêm. Bữa nào “trúng” thì may ra còn ăn cơm với vợ, bữa nào thua thì nhậu nhẹt với bạn bè.
Còn Hương thì khuyên bảo anh hết cách, cô dần dần bất lực chỉ biết trông cậy vào Đức Mẹ. Ghế đá Đức Mẹ ngày nào cũng có bóng dáng Hương, nhưng nhìn cô u sầu hơn. Từ đằng xa, cha xứ nhìn có vẻ như hiểu hết vấn đề, Ngài lắc đầu rồi tự buột miệng:
- Đúng là mấy đôi vợ chồng trẻ. Cứ tình hình như thế này rồi cũng sẽ có ngày gia đình tan nát.
Chuyện gì đến rồi cũng đến. Chiều hôm đó, sau khi đi đến “điểm hẹn” Tùng về nhà, mặt mày tươi tỉnh hẳn ra. Hương nhìn anh rồi nghĩ thầm: “Nhìn cái mặt biết ngay là trúng đề”.
Bữa cơm tối, Tùng nhìn hai mẹ con rồi nói:
- Anh có quà cho hai mẹ con nè!
Nói chưa xong, anh vội vàng lấy ba lô đưa hai món quà ra. Đó là một chiếc áo dài màu áo xanh Đức Mẹ, màu mà Hương rất thích, và một chiếc váy cho bé Uyên.
Hương nhìn Tùng với ánh mắt dò xét rồi vắt óc suy nghĩ:
- Hôm nay đâu phải ngày sinh nhật của anh? Cũng không phải sinh nhật của hai mẹ con.
- Hôm nay đâu có lễ gì đặc biệt?
- Trúng đề còn bày đặt mua quà!
Hương chẳng thèm nhìn quà của Tùng, ngoảnh mặt đi nơi khác.
- Anh… anh có chuyện muốn nói với hai mẹ con.- Tùng ấp úng.
- Uhm… thực ra… anh… anh đã đánh lô, đề, đã… cá cược bóng đá. Hôm nay, anh… anh đã cầu nguyện với Đức Mẹ… cho anh được… được…
- Được trúng đề à?- Hương ngắt lời. Máu cô đang sôi lên trong người.
- Anh nghĩ Đức Mẹ có thể cho anh mấy điều vớ vẩn như vậy à? Anh có biết, từ cái ngày anh lô đề tôi đã phải khổ sở như thế nào không? Tôi trở thành nơi để người ta bàn tán, nói vào nói ra, đi ra chợ có người đòi nợ, thậm chí đi nhà thờ cũng có người hỏi tiền. Anh bêu xấu tôi như vậy chưa đủ hay sao giờ lại muốn tôi thành kẻ đồng lõa với anh hả? Tôi không thèm quà từ những đồng tiền tội lỗi của anh.
Vừa nói, Hương vừa vứt chiếc áo dài vào người của Tùng rồi đi một mạch vào phòng. Bé Uyên có vẻ thích thú với chiếc váy lắm nhưng cũng dúi cho ba rồi lủi thủi đi theo mẹ.
Tùng trơ ra như bức tượng, chiếc áo dài vẫn còn đang trên người anh. Hình như anh không thể níu kéo được nữa.
Tiếng xe máy rú lên trong đêm tối, Hương vừa khóc vừa gọi to: “Mẹ ơi! Con không thể giữ được anh ấy nữa rồi, anh ấy mất hết rồi!”.
Quán nhậu đêm nay vẫn đông khách như mọi ngày. Thấy bóng dáng Tùng, Chiến lên tiếng với cái giọng khè khè:
- Ai đây? Chẳng phải chiều nay có người nói là sẽ “từ biệt chốn cũ” à? Hahaha…
- Chắc là chuyện vợ con chứ gì nữa?- Hòa tiếp lời.
Anh cầm chai rượu đến vỗ vai Tùng một cái rồi hát: “Ai trên đời chẳng có vợ, vợ là nợ là oan gia…”. Mấy người cười ồ lên. Tùng bực mình cầm nguyên cả chai rượu uống như uống nước khoáng.
- 1..2..3 dzô! 2..3 dzô cho quên hết sự đời.
- 1..2..3 không say không về.
Tiếng xe máy rú lên ầm ầm…
Tiếng còi xe tải inh ỏi liên hồi…
Đầu Tùng như vỡ tung ra, anh cựa quậy đầu của mình rồi mở mắt ra. Bốn bức tường toàn màu trắng, cái chân không thể nhúc nhích, thân mình đầy những vết thương.
- Anh tỉnh rồi à? Anh cũng may mắn đó, 4 người mà chỉ còn anh sống sót.- Cô y tá lên tiếng.
Tùng im lặng. Tay anh vung vẩy vô tình đụng vào tràng chuỗi.
- Cái đó chúng tôi thấy trong túi áo của anh. Ngày đó vợ anh đến, tôi đưa cho cô ấy, cô ấy đã đặt nó bên cạnh anh đó. Anh phải cảm ơn vợ anh, nếu không có cô ấy cho máu kịp thời thì anh khó giữ lại mạng sống. Cô ấy mới đi ra, tí là cô ấy vào đó.
Tùng nhìn ngắm tràng chuỗi, cố nhớ lại mọi chuyện trong quá khứ, anh ôm đầu tỏ vẻ đau đớn:
- Đúng, đúng rồi!
Tối hôm đó, trong khi vội vàng rút quà cho vợ và con, tràng chuỗi vô tình rớt ra ngoài. Vì ưu  tiên cho “nhiệm vụ” đặc biệt nên anh vội vàng cho vào túi áo, chắc là Mẹ vẫn muốn con nói ra hết. Anh nghĩ thầm.
Thời gian nằm viện là thời gian Tùng cảm nhận được tình yêu của vợ và con và anh cũng thấy rằng: Đức Mẹ đã gìn giữ anh rất nhiều. Hôm đó, Tùng cũng khỏe hơn, Hương về nhà lấy ít đồ, bé Uyên nằng nặc đòi ở lại với ba. Tối đến, anh giục con:
- Ngủ sớm đi con. Mai còn đi học đó.
- Dạ, ba chờ con một tí.
Bé Uyên ngồi lên ngay ngắn, mắt nhắm lại, làm dấu sốt sắng, miệng lẩm bẩm gì đó, rồi làm dấu. Tùng thắc mắc hỏi con:
- Con vừa đọc gì vậy?
- Dạ, mẹ dặn con trước khi đi ngủ phải cầu nguyện cho ba.
- Cầu nguyện như thế nào?
- “Xin Chúa cho gia đình con được bình an. Xin Mẹ Maria gìn giữ ba con, xin giúp ba con tránh xa tệ nạn và siêng năng đi nhà thờ và cho con luôn sống ngoan ngoãn, biết vâng lời ba mẹ”… Ba biết không, mỗi khi ba bỏ đi, mẹ hay gọi con đọc kinh cầu nguyện cho ba đó. Bữa nay ba đọc kinh với con nhé!
Tùng nghe được, nước mắt anh tuôn rơi, anh nghẹn ngào:
- Ừ, từ nay ba sẽ đọc kinh với hai mẹ con.
Buổi đọc kinh hôm đó, Tùng ngồi nhìn lên Đức Mẹ, miệng đọc kinh Kính Mừng, đến đoạn “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội khi nay và trong giờ lâm tử”… Anh nhận ra Đức Mẹ đã cứu anh cho thoát khỏi tội lỗi và cái chết đời đời. Anh nhớ đến những người bạn đã ra đi và cầu nguyện cho họ. Và anh xin Mẹ ơn can đảm để nói với vợ sự thật.
Đọc kinh xong, Hương nói với Tùng:
- Ngày mai, anh đi xưng tội nhé!
- Thực ra, anh còn có một sự thật chưa nói cho em.
- Ừ, anh nói đi!
- Thực ra, số tiền anh đưa cho em là số tiền anh mượn của anh Hải đó! Tiền lương tháng đó… anh… đã đánh đề và chơi cá cược hết rồi. Ban đầu anh chỉ chơi cho vui thôi, sau đó nó nhờ anh ghi đề nhưng chẳng ai đưa tiền cho anh, anh phải chịu cho chúng nữa, anh còn bị lừa hết tiền luôn. Về nhà, anh sợ mẹ con buồn nên anh mượn tiền đưa cho em. Anh nghĩ cá cược sẽ nhanh lấy lại tiền nên anh chỉ muốn đánh đề gỡ số tiền mượn. Nhưng không ngờ, nó như có một ma lực nào ra, càng ngày số tiền nợ càng nhiều. Anh sợ em mà biết thì gia đình chúng ta sẽ không còn nên anh không nói. Số tiền người ta đòi em chỉ là tiền lãi thôi. Số tiền nợ khoảng 50 triệu. Anh… anh xin lỗi em. Chiều cái hôm bị tai nạn, cha xứ đã đến gặp lúc anh đang chơi để. Cha đã khuyên giải anh rất nhiều. Cha biết nỗi sợ hãi của anh nên đã gọi anh ra đài Đức Mẹ để cầu nguyện xin Mẹ ban ơn can đảm để nói với em. Đêm đó anh chưa kịp nói thì đã bị em cho một trận.
- Em biết rồi! Hôm đó anh bị tai nạn, Cha có nói với em. Anh mà không tỉnh lại em hối hận cả đời. Thế giờ anh tính sao? Định chơi đề tiếp để trả nợ hả?-  Hương vừa nói vừa liếc nhìn Tùng.
- Anh định bán xe tay ga. Còn mấy thì anh sẽ đi làm trả nợ.
- Uh! Với em nợ bao nhiêu không quan trọng. Quan trọng là anh biết nhận ra con đường sai lạc và trở về, gia đình hạnh phúc là được. Xem bạn bè anh đó, đã tốt chưa nào?
- Uh! Chỉ có vợ anh tốt thôi.
- Thế ngày mai anh đi xưng tội nhé!
- Uh! Chắc rồi.
Ánh mặt trời sau những ngày đông giá rét thật là ấm áp, sưởi ấm cảnh vật và biết bao tâm hồn. Bước ra từ tòa giải tội, đôi chân khập khiểng bởi “dấu tích” của tai nạn, Tùng nhìn thấy Hương đang đứng ở đài Mẹ, mặc chiếc áo dài xanh thật là đẹp. Anh tiến lại gần:
- Bộ em không sợ người ta bêu xấu hả?
- Hihi! Đây là món quà của sự biến đổi. Em mặc nó như một sự hy vọng và sự thay đổi từ anh. Mà em không tin chồng em tệ đến nỗi lấy tiền đánh đề để mua cho em.
- Chỉ được cái hiểu chồng- Tùng cười thầm.
- Cảm ơn em, vợ của anh.
- Anh phải cám ơn Mẹ đã gìn giữ anh nhiều lắm đó.
- Tất nhiên rồi. Cả hai nhìn nhau cười.
Đã rất lâu Tùng và Hương mới thấy lại nụ cười của nhau. Thật là đẹp!
 
 
Mã số: 17-062
 

NGÀY SINH NHẬT ĐÁNG NHỚ

 
- Các em ăn cơm nhanh rồi làm việc nhanh nhẹn để đi đọc kinh nhé. Hôm nay là ngày 13 tháng 10, có nhớ là ngày gì không?
- Dạ, thưa Ma Xơ, là ngày Đức Mẹ hiện ra ở Fatima ạ.- Cả nhà đồng thanh đáp.
- Đúng rồi. Nhanh lên mà đi. Ai cũng phải tìm giờ để sang viếng Đức Mẹ Lộ Đức bên Nhà thờ Chính tòa và lần chuỗi đấy nhé.

Buổi trưa hôm ấy, trời mưa rả rích. Đà Nẵng vừa trải qua một cơn bão lớn, nhưng ở Tu Viện hầu như không có thiệt hại nào đáng kể, ngoài cây đu đủ trong khuôn viên nhà trẻ bị bật gốc. Bão đã qua, nhưng trời vẫn chưa ráo hẳn. Fati đang ngồi nhìn ra ô cửa sổ. Trưa nay chị có phiên trực phòng khách Cộng đoàn, nên không có mặt ở nhà cơm để nghe Xơ phụ trách dặn dò. Phía bên kia cánh cổng sắt chắc chắn kia là đường phố, dù mưa nhưng vẫn tấp nập người.
Lại có mấy người khách du lịch đi ngang cổng và ngó vào Tu Viện. Từ mấy năm nay, trên các ngả đường ở thành phố Đà Nẵng, hễ ra đường là gặp người Tàu nói xì lồ xì lào vang vọng cả góc phố. Họ vào nhà thờ Chính Tòa tự nhiên như đi chợ, cả đám kéo nhau vào bên trong nhà thờ và cầm điện thoại lên “selfie”  trông rất ngứa mắt. Nơi tu viện mà chị ở luôn có người canh cổng, thế mà vẫn có những đoàn khách du lịch Tàu tự mở cổng đi vào, rồi bất chấp người trực có nói gì, họ không thèm hiểu, cứ vào, selfie vài cái rồi đi. Có hôm có cả đoàn người tiến thẳng vào Hội trường mới bên dưới nhà nguyện Cộng đoàn, cố dùng tay mở cánh cửa đã khóa mà không được, rồi cứ quanh quẩn nơi khuôn viên nhà Dòng mà không chịu đi ra. Vì thế mà hôm nay, trước cổng có tấm bảng viết bằng ba thứ ngôn ngữ: tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Trung, để khách du lịch không tự tiện tham quan, làm mất sự trang nghiêm của Tu viện.
Fati đang chăm chú nhìn tấm bảng mới, thì có mấy chị khác đi ngang qua gọi:
- Fati ơi, chưa được đổi ca à? Nhanh đi qua nhà thờ Chính tòa đọc kinh đi.
- Ủa, sao hôm nay mọi người kéo nhau qua bên ấy hết vậy chị?
- Trời, em không nhớ à? Hôm nay là ngày kỉ niệm Đức Mẹ hiện ra ở Fatima, nên nhà mình qua Hang đá Lộ Đức bên đó đọc kinh.
- Trời ơi! Sao em lại có thể quên được nhỉ. Cám ơn chị, chốc nữa hết ca trực rồi em sẽ qua.
- Nhớ đi đấy nhé!
Nói rồi các chị ấy kéo nhau đi qua, để lại Fati ngồi một mình nơi phòng nhà khách. Chị chạnh buồn, vì quên mất việc đạo đức bình dân trong ngày đặc biệt này. Hôm nay cũng là sinh nhật và bổn mạng của chị. Mẹ chị bảo, vì chị được sinh ra đúng ngày lễ Đức Mẹ hiện ra ở Fatima, nên mới đặt cho chị cái tên là Maria Fati. Người Công giáo nghe cái tên này, ít ra còn hiểu ít nhiều có liên quan đến Mẹ, chứ ở lớp học, các bạn bên lương chọc chị miết. Tụi bạn bảo chị có cái tên ngoại lai, có đứa nghe biết nguồn gốc từ chữ Fatima thì cứ gọi chị là  “ma” “một nửa của con ma”. Chị chỉ cười, bảo rằng: “Tớ không phải là con ma hay một nửa của nó. Tớ muốn trở thành Ma Xơ và sống sứ điệp Fatima của Mẹ”.
Ngày xưa, cứ vào buổi trưa ngày mười ba, chị cùng với những đứa trẻ trong xứ kéo nhau về đền Đức Mẹ ở nhà thờ đọc kinh, lần chuỗi sốt sắng lắm. Thời gian dần trôi, những năm tháng học đại học xa nhà, nhiều khi chị quên mất việc đạo đức bình dân này. Và hôm nay, năm đầu tiên ở môi trường Tu viện, chị cũng không nhớ. Thầm trách mình, chị gục đầu xuống bàn, òa khóc thật to.
- Ơ kìa, chị nào trực cổng ở đây? Sao lại để người Tàu đi vào?- Tiếng chú Vọng la lên ầm ĩ làm chị giật mình. (Chú Vọng là người trực nhà khách cả ngày, nhưng buổi trưa thì có mấy chị đệ tử như chị ra coi giúp).
- Dạ, là con ạ!- Chị chạy ra cổng và làm hiệu cho mấy người khách kia đi ra ngoài.
- Coi nhà thì để ý chứ.
- Dạ, con biết rồi ạ, con xin lỗi chú.
Trời đã tạnh hẳn. Nước mắt trên gò má chị cũng đã khô. Chị liếc nhìn đồng hồ, đã đến giờ thay ca rồi…
- Fati, em đi đọc kinh chưa? Qua Đức Mẹ đi, chị ra đổi phiên cho em.
- Dạ, cảm ơn chị. Em qua bây giờ đây ạ.
Fati đi qua, các chị khác thì đã đi về hết. Một mình đứng trước hang Lộ Đức, chị thấy gần gũi với Mẹ hơn. Ở Nhà Dòng, thi thoảng có dịp đặc biệt gì đó, chị em chị mới qua nhà thờ Chính tòa đi lễ. Lễ xong, chị em chị lại về thật nhanh để kịp làm những công việc bổn phận hàng ngày. Vì thế mà chị chưa bao giờ đứng cầu nguyện lâu trước hang Đức Mẹ. Giờ đây, chị chưa muốn đọc kinh, chỉ muốn thinh lặng ngắm nhìn. Lạ nhỉ, tại sao lại gọi cái hang này là Lộ Đức? Chẳng lẽ ở đây cũng được Đức Mẹ hiện ra và làm nhiều phép lạ sao? Chị đứng ngắm những cây dây leo mọc trên hang đá xanh rì đầy sức sống. Trên những phiến đá đầy rêu, có hai cây cổ thụ mọc xanh um, tỏa bóng kín cả một vùng, cành của nó vươn đến lầu ba của khu Nhà Giám Tỉnh bên Nhà Dòng của chị, và cả những loại cây lá li ti tô điểm phía trước cũng mơn mởn, xanh tươi. Phía trước hang Đức Mẹ, có một bức tượng của một em bé gái nhỏ đang quỳ cầu nguyện. Có lẽ đó là tượng thánh Bernadette  mà Cha tuyên úy trong các bài giảng thường nhắc tới. Cô gái nhỏ đó hướng nhìn lên Đức Mẹ, còn ánh mắt Mẹ như nhìn hết tất cả những ai đang ngước nhìn lên, và hai tay như muốn ôm trọn con người họ. Ngắm nhìn Mẹ một lúc, chị bắt đầu đọc kinh. Có lác đác một số giáo dân cũng đang ngồi đây lần chuỗi…
Tiếng ồn phát ra từ phía sau lưng làm chị chia trí. Lại là một đám khách du lịch người Tàu. Lại là những người ăn mặc không lịch sự và xông tới chỗ dành cho việc cầu nguyện. Lại là những người rất tự nhiên đứng trước mặt người khác selfie không cần biết thế nào là lịch sự. Chị tiến lại gần và nhẹ nhàng nói với họ rằng đây là nơi cầu nguyện, và xin họ không được làm ồn. Tất nhiên, chị có thể giao tiếp bằng tiếng Anh. Người đàn ông cao lớn thì nói lại với chị từ “sorry”, còn người phụ nữ thì cứ tiếp tục nói lớn và kéo đứa con đi qua mặt những người đang ngồi cầu nguyện.
Chị tiếp tục lần chuỗi lại từ đầu, nhưng lòng chị bị chia trí nhiều thứ. Chị ghét người Tàu. Bấy lâu nay, dân tộc của chị phải điêu đứng bởi những chiêu trò bẩn thỉu của “gã hàng xóm khổng lồ”. Dẫu biết rằng không phải mọi người Trung Quốc đều xấu xa, nhưng sao cứ nhắc đến người Tàu là chị, và không chỉ có chị mà rất nhiều những người khác, lại có ác cảm. Thực phẩm bẩn, hàng nhái hàng giả, rồi nhất là vụ Formosa đã hủy hoại môi trường biển quê chị, tất cả đều được gán cho cái mác “Made in China”, “Made by China”.
Tay chị vẫn đang vân vê từng hạt chuỗi kinh, miệng chị vẫn lẩm bẩm đọc, nhưng lòng chị chẳng biết đang lang thang ở đâu. Rồi chị mơ mơ màng màng và ngủ thiếp đi. Trong cơn mơ, chị thấy Đức Mẹ hiện ra và gọi tên mình:
- Fati, Fati.
- Dạ, con đây.
- Miệng con lần chuỗi, nhưng lòng con đang nghĩ gì?
- Dạ, con… con…
- Tại sao con lại thù oán người Trung Quốc? Họ đã làm gì con?
- Dạ, thưa Bà, con… Con ghét người Tàu. Họ làm nhiều điều ác độc cho dân tộc của con.
- Nhưng không phải mọi người đều như vậy. Có bao giờ Ta dạy con ghét bỏ và nguyền rủa họ không?
- Dạ, thưa Bà, không ạ. Nhưng… con phải làm sao?
- Hãy trả lời Ta nghe: Ba mệnh lệnh Ta truyền ở Fatima cho loài người là gì?
- Thưa Bà, là ăn năn, cải thiện đời sống; là tôn sùng Trái Tim Đức Mẹ và năng lần chuỗi Mân Côi.
- Tốt lắm. Con đã sống những mệnh lệnh ấy thế nào, và đã làm gì cho mọi người biết sống lời kêu gọi ấy?
- Dạ, con …
 - Con thấy đấy. Ngày xưa, đã có nhiều người hưởng ứng lời kêu gọi của Ta và nhiều quốc gia vô tín đã trở lại, nhiều người nhận biết Thiên Chúa. Vậy tại sao, con không tiếp tục cầu nguyện và kêu gọi mọi người cầu nguyện cho Trung Quốc và cho dân tộc của con?
- Vâng ạ, con sẽ ghi nhớ…
 Bất giác, cơn mưa rào ập đến làm chị tỉnh lại. Chị mới ngỡ ra là mình vừa trải qua một giấc mơ và chị đang đọc đến kinh Lạy Cha của mầu nhiệm thứ năm.
“Chúng con nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời…”
Mưa càng lúc càng nặng hạt. Chị chẳng thèm đi trú mưa nữa, vẫn tiếp tục đứng trước hang Đức Mẹ đọc kinh. Chị hiểu bổn phận của chị là phải cầu nguyện và hi sinh thật nhiều, để những dân tộc vô tín và cả “gã khổng lồ” Trung Quốc được tin nhận Thiên Chúa. Chị lần chuỗi trong hi vọng và bình an…
Bỗng có một chiếc dù màu trắng che trên đầu chị. Ngước mắt lên, chị thấy một người đàn ông cao niên đang che mưa cho mình. Đó lại là một người Trung Quốc. Đúng lúc đó, chị cũng đã lần xong một chuỗi hạt. Rối rít cảm ơn người khách Tàu tốt bụng, chị chào về và lẩm bẩm cầu nguyện. Trang nhật kí ngày hôm đó, chị viết: 
“ Ngày 13 tháng 10 năm 2016…
Tạ ơn Đức Mẹ. Hôm nay quả là một ngày sinh nhật đáng nhớ! Đức Mẹ đã tặng cho tôi một món quà rất ý nghĩa, đó là làm cho tâm hồn tôi hoán cải để biết yêu thương cách quảng đại hơn và nhận ra giá trị của việc cầu nguyện. Tôi đã hiểu thông điệp của Mẹ. Tôi tin vào sức mạnh của việc cầu nguyện bằng Chuỗi Mân Côi. Kể từ hôm nay, tôi hứa với Mẹ sẽ trung thành lần chuỗi Mân Côi mỗi ngày với ý cầu nguyện cho những người vô thần, cho nước láng giềng và cho dân tộc của tôi. Và tôi đã xin Đức Mẹ chuẩn bị món quà sinh nhật những năm sau của tôi, là tất cả các dân tộc đều tin nhận Chúa”…
 
 
Mã số: 17-063
 

EM TRAI

 
Bảo Châu chạy vội lên sân thượng như để chộp lấy tia nắng cuối cùng, nhưng muộn mất rồi, ông mặt trời đã khuất sau dãy núi phía xa xăm.
- Mình đã bỏ lỡ mất cơ hội. Chán thật!
- Chị lẩm bẩm cái gì như bà già vậy? Chán em à?- Anh Nguyên ngồi trên chiếc ghế đá lên tiếng nhưng không buồn ngửng mặt lên nhìn chị nó, hai mắt dính chặt vào chiếc điện thoại.
- Lúc nãy giờ em ngồi đây à? Sao chị không thấy? Tính bày trò phải không?
- Ê, em không đụng chạm gì đến chị đâu nha. Em lên đây trước chị chứ bộ.
- Đồng ý là em lên trước, nhưng…
- Nhưng sao?
- Nhưng việc của chị can gì đến em mà em xen vô?
- Tại em quan tâm chị đó. Chứ không ai thèm!
- Chị có thể xin em bao nhiêu phần trăm sự chân thành trong câu nói đó, em trai?
- Chị muốn bao nhiêu thì lấy bấy nhiêu.
- Mà chị bảo này…
Bảo Châu ngồi xuống cái ghế đối diện, một tay chống cằm, một tay đỡ lấy cằm của Nguyên rồi cố lôi cái mặt đang dính chặt vào điện thoại lên ngang với mặt mình.
- Sao, chị nói cái gì nhanh lên, em không đủ kiên nhẫn đâu nha.
- Em thương chị thật hả?
- Không cần kiểm chứng, độ thành thật cao.
- Được rồi, chị…
- Hơi lạ đó nha, ngập ngừng quá, độ dối trá đang hiện rõ trên mặt chị kìa!
- Thế sao, em đừng có đánh lừa chị. Độ thận trọng của chị trên mức trung bình đó nha.
- Được rồi, nói đi.
- Em còn hút thuốc không?
- Em nhận thấy đâu đó có mùi xúi giục của mẹ.
- Không hề, chị thành thật mà, mẹ không biết gì cả. Tại chị…
- Tại chị làm sao? Mà chị trở thành “cố vấn tối tăm” của em từ lúc nào vậy?
- Chị đang nghiêm túc, không đùa nữa. Hay em bỏ thuốc đi.
Thái độ chân thành hiện rõ trên khuôn mặt Bảo Châu làm Anh Nguyên lo lắng. Nguyên đổi giọng.
- Chị muốn vậy sao, chị Châu?
- Ừm… Chị muốn như vậy đó.
- Nhưng tại sao?
- Tại chị thương em, thương mẹ và thương cả nhà. Em không đến Nhà Thờ bao lâu rồi? Chị hỏi thật em cũng phải trả lời thật.
- Một năm sau ngày chị đi tu.
- Tại sao?
- Em không biết lí do gì khiến chị đi tu. Nhưng lúc chị quyết định đi em rất buồn, em sợ cảnh cô đơn ở trong nhà. Bố đi công tác suốt, mẹ thì lại khác, mẹ thương em nhưng càng ngày em càng cảm thấy xa mẹ hơn. Em nói với mẹ em muốn chị ở nhà, em không muốn chị đi tu. Em thương chị, em sợ chị đi tu sẽ khổ, em nghe người ta bảo đi tu khổ lắm. Mẹ không đồng ý, mẹ cho rằng em ích kỉ, em chỉ lo cho phần xác nhưng không thương phần hồn của chị. Em suy nghĩ những lời mẹ nói, nhưng em không hiểu được, em cho rằng đi tu sẽ không bao giờ hạnh phúc. Em chán ở nhà, bạn bè rủ rê, em bắt đầu hút thuốc, rồi sa vào những tệ nạn khác. Mẹ khóc suốt, còn bố thì không còn xem em là con nữa. Mẹ thương em lắm, thời gian đầu em hút thuốc không quen rồi bị ho, mẹ tưởng em bệnh, mẹ bảo dẫn em đi nhà thương em không đi vì em biết nguyên nhân. Mẹ kiếm thuốc khắp, ai chỉ cái gì mẹ làm cái đó, nhưng càng chữa em càng ho mạnh hơn. Hôm đó lễ chủ nhật xong mẹ dắt em tới trước tượng Mẹ Maria, tay mẹ nắm lấy tay em rồi mẹ nói: “Lạy Mẹ Maria, con chỉ có hai đứa con, đứa con gái đầu nó đã thuộc trọn về Chúa, còn đứa này con xin dâng nó cho Mẹ, xin Mẹ gìn giữ nó trong trái tim của Mẹ, xin Mẹ đừng bỏ nó”. Ngày hôm sau em bỏ nhà đi, mẹ thất vọng nhiều lắm. Chắc mẹ nói với chị chuyện này rồi?
- Mẹ nói rồi, thời gian đó và về sau mẹ gọi cho chị và khóc suốt. Thế sao em lại về?
- Mẹ nhắn với em là chị về. Chờ đợi suốt gần ba năm trời chị mới chịu về nhà, mấy lần trước mẹ gọi em không nghe, hôm nay hứng lên em nghe ai ngờ mẹ bảo chị được nhà dòng cho về. Em chạy về liền, cứ nghĩ là chị không muốn tu nữa. ai ngờ…
- Ai ngờ chị được về thăm gia đình trong thời gian mười ngày thôi chứ gì? Thế em có thất vọng không?
- Thất vọng tràn trề. Mà em chẳng hiểu tại sao chị lại say mê Chúa như vậy, trong khi đó có nhiều thứ hấp dẫn hơn nhiều. Hay chị ở nhà đi.
- Trong thời gian em bỏ nhà đi, có khi nào em nghĩ muốn trở về không? Có ai khuyên em về nhà không, ngoài bố mẹ và chị?
 - Có, có lần em nghe chính bản thân em nói với em là hãy trở về với gia đình, vui vẻ và hạnh phúc bên họ. Em đã thèm khát thứ hạnh phúc đó. Nhưng lại có một bàn tay khác, một tiếng nói khác mạnh mẽ hơn giữ em lại.
- Thế bây giờ chị muốn em trở lại để làm hòa với Chúa, với bố mẹ, em nghĩ sao?
- Em chưa biết được, phải xem chị có thương thằng em hư hỏng của chị thật không đã…
Thôi em với chị xuống nhà đi, ở trên này gió nhiều làm chị cảm lạnh, mẹ lại trách em, em không có tài chăm sóc người khác đâu.
- Em xuống trước đi, chị muốn ở lại đây một lát. Sẽ không sao đâu, mà nhỡ chị có bị cảm lạnh thật thì lỗi hoàn toàn do chị, em sẽ vô can.
Anh Nguyên đành xuống nhà một mình. Đèn đường đã được bật sáng từ bao giờ. Bảo Châu cảm thấy làn gió đang mơn man tìm cách len lỏi vào người. Thơ thẩn một mình Châu hướng về nơi có nguồn sáng màu đỏ phát ra từ cây Thánh Giá trên tháp chuông của ngôi Thánh Đường.
- Chúa ơi, chẳng lẽ con đành chịu thua em Nguyên sao. Chúa nói là Chúa sẽ canh giữ và không để một ai trong họ phải hư mất. Cuộc đời con, con quyết tâm cầu nguyện cho những người chưa nhận biết Chúa, mà bây giờ em con đi lạc con không dẫn nó về được với Chúa hay sao? Xin Chúa hãy giúp con với, con mong sao nó nhận ra Chúa thương nó như thế nào. Nó đang chìm đắm trong mơ tưởng của bản thân, trong tư tưởng của việc hưởng thụ. Xin Chúa đồng hành với con, con tin một ngày nào đó Chúa sẽ nắm lấy tay nó và nói lời tha thứ cho nó.
Từ lúc nãy tới giờ Anh Nguyên ngồi ở cầu thang chờ Bảo Châu, nghe tiếng bước chân Châu tới gần Nguyên lên tiếng liền.
- Chị Châu… Chị có phản đối cách sống hiên tại của em không?
- Có, phản đổi kịch liệt.
- Phản đối vô hiệu.
- Tại sao lại vô hiệu.
- Vì em có tự do của riêng em.
- Đúng, em có tự do của riêng em. Nhưng đến lúc này em còn tự do nữa không? Những thú vui, những thỏa mãn xác thịt, chúng đang chế nhạo sự tự do của em đó. Em đang lạm dụng tự do để đánh đổi linh hồn. Nguyên, lát nữa đến Nhà Thờ với chị đi.
- Không, chị cứ đi một mình đi.
Anh Nguyên bước xuống mấy bước rồi nhìn lên Bảo Châu:
- Chị đừng có đơ ra đó nữa, gặm nhấm sự hụt hẫng sẽ không làm chị no đâu. Mẹ chờ chị nãy giờ để ăn tối đấy.

- Mẹ, mai con về lại đan viện rồi, mẹ có buồn không?
- Không đâu con, mẹ không buồn lấy một giây nào cả, mẹ rất vui và hạnh phúc. Con hãy yên tâm mà sống cho thật tốt ơn gọi của con. Mẹ cảm thấy Chúa thương mẹ nhiều lắm rồi con ạ. Vì thế con đừng lo cho mẹ mà hãy hăng say phục vụ Chúa.
- Con cảm ơn mẹ, thế còn em Nguyên, mẹ có buồn nó không?
- Thời gian đầu mẹ buồn em con lắm, mẹ gọi cho con suốt đấy. Người ta còn bảo gia đình mình vô phúc vì có mội đứa con như nó. Mẹ không thế nào liên lạc với nó, mẹ rất lo, mẹ lo phần xác hơn nữa là sợ nó mất linh hồn. Mà đúng thật nó như vậy thì linh hồn đang đi mất khỏi con người nó. Mẹ nghĩ tới Trái Tim vẹn sạch của Đức Mẹ. Mẹ dâng nó cho Mẹ rồi xin Mẹ gìn giữ nó, mẹ tin rằng Mẹ sẽ giúp nó hoán cải, ngày đó gần thôi con. Con hãy cầu nguyện thật nhiều cho em con, xin Thiên Chúa tha thứ cho nó và mẹ xin con cũng cầu nguyện cho mẹ  nữa, để mẹ thêm lòng cậy trông vào tình thương của Người.
- Mẹ đừng lo nghĩ nhiều quá, xin mẹ hãy nhớ đến con trong Chúa. Con xin lỗi vì không ở gần bên mẹ để chăm sóc cho mẹ được. Con đành phải nhờ Thiên Chúa chăm sóc mẹ thay con vậy. Được không mẹ?
- Được rồi con đi ngủ đi, ngày mai dậy sớm con sẽ mệt đó.
Hết mười ngày rồi mà Anh Nguyên chẳng có lấy một chút thay đổi. Bảo Châu siết mẹ thật chặt, rồi hôn chào tạm biệt mẹ. Nguyên không đủ can đảm để ra chào chị mình, Nguyên luôn sợ cảm giác này. Châu tự nhủ: “Thôi chị đi đây, chắc chị phải nhớ đến em thật nhiều trong Chúa vậy, em trai của chị”.
Bảo Châu đi rồi, Anh Nguyên cũng kéo va-li từ trong phòng ra. Mẹ đang ngồi uống trà ở bàn tiếp khách thấy Nguyên mẹ vội lên tiếng:
- Mẹ biết ngay mà, chị đi rồi thì con cũng đi luôn. Bây giờ con muốn đi đâu, làm gì cho mẹ biết được không?
- Mẹ, con xin lỗi mẹ về thời gian qua. Con sẽ không hư hỏng, không làm cho mẹ phải lo lắng hay phải chịu đựng tai tiếng vì con, con sẽ nghiêm túc, mẹ đừng lo cho con. Con lớn rồi, con sẽ tự lo cho mình được.
- Được rồi, con nhớ đến Nhà Thờ và xưng tội nữa nhé.
- Con không muốn dối mẹ, nhưng chuyện đó thì con chưa biết được, mẹ ạ!
- Nhưng lí do gì khiến con không muốn đến Nhà Thờ vậy?
- Con chẳng hiểu tại sao mẹ và chị Châu lại yêu Chúa như vậy. Mẹ thì con còn chấp nhận được, còn chị Châu bỏ tất cả mà theo Chúa. Chúa đã cướp đi hạnh phúc của chị, thứ hạnh phúc bình thường và giản dị mà mỗi người đều có nên con không thích Chúa. Thôi con đi…
- Xin Chúa tha thứ cho con, rồi dần dần con sẽ được Chúa cho hiểu tất cả… Xin Chúa hãy giúp con trai của con.
Anh Nguyên bước đi thật nhanh ra xe như không để tai mình nghe được những lời mẹ vừa nói. Mẹ chạy theo lúc Nguyên đã dắt xe ra tới cổng và đang rồ máy.
- Mẹ lấy số điện thoại đâu để liên lạc với con?
- Con đã lưu trong máy mẹ rồi đó.
Chiếc xe lao vụt về phía trước để lại làn khói đen ngòm. Mẹ đứng nhìn theo chiếc xe mãi cho tới khi nó hòa mình vào dòng xẹ cộ ngược xuôi… “Rồi con sẽ nhận ra tình yêu Chúa bao la đến mức nào mà chị Châu của con phải bỏ tất cả cuộc sống bên ngoài để bước vào Đan Viện”.
Từ ngày về nhà gặp chị Bảo Châu, Anh Nguyên thay đổi nhiều. Không còn hút thuốc nữa, và không sa vào những cuộc vui chơi vô bổ. Còn đến với Chúa, nhiều lần Nguyên đã nghĩ tới, nhưng ý nghĩ đó chợt đến rồi chợt tan đi như những giọt sương buổi sớm mai vậy. Đang miệt mài bên chiếc vi tính, điện thoại Anh Nguyên reo lên, nhận ra số máy của mẹ, Nguyên hơi ngập ngừng nhưng vẫn nhấn nút nghe.
- Mẹ ạ! Mẹ gọi con có việc gì không?
- Con đang ở đâu đó? Mà thôi, con đến Đan viện chỗ chị con gấp đi, có chuyện với chị con rồi.
- Mẹ nói sao?- Nguyên như không tin vào tai mình, miệng lắp bắp. Nhưng mẹ đã cúp máy từ hồi nào. Nguyên vớ lấy chiếc mũ bảo hiểm rồi vội vàng lao xe thật nhanh tới chỗ Bảo Châu. Anh Nguyên lay mạnh tay mẹ:
- Mẹ, chị Châu bị làm sao hả mẹ?
- Chị Châu không còn ở với chúng ta nữa. Chị đã rời xa chúng ta để được hưởng hạnh phúc đích thực, hạnh phúc mà chị luôn mong chờ ngày được chạm đến nó. Chị con đã chiến đấu hết mình và đó là phần thưởng của chị.
- Con không tin. Mẹ nói nhảm nhí. Chị con không thể bỏ chúng ta ở lại mà đi một mình được. Chị không phải là người như thế.
- Đó là sự thật, con bình tĩnh lại đi.
Bảo Châu được chôn cất tại nhà dòng, trước khi ra đi chị đã ao ước như vậy. Mẹ và bố đã đồng ý. Còn Anh Nguyên cứ như người mất hồn, ngồi nhìn mãi vào bức di ảnh của chị. Những ngày ở lại Đan viện, Anh Nguyên chỉ ngồi bên mộ của chị gái mình. Nguyên hết nhìn đôi mắt, lại nhìn xuống cái miệng đang cười tươi như hoa trong bức di ảnh. Ánh mắt và nụ cười đó xoáy sâu vào trái tim Nguyên, nó đang ô-xi hóa, đang ăn mòn lớp vỏ bao bọc các tế bào và các mạch máu. Anh Nguyên khóc, khóc rất nhiều, đó là những giọt nước mắt của thương tiếc hòa lẫn trong đó có những giọt nước mắt của sám hối.
- Chị Châu ơi, chị thương em quá. Chị đánh đổi mạng sống của chị để giật lại từ tay tử thần linh hồn của em. Chị muốn em phải chấp nhận sự thật này không chút đau khổ được sao? Chị biết em chịu không nổi mà chị vẫn làm như vậy. Chị Châu ơi, em không muốn như vậy đâu. Chị sống lại đi, em muốn chị với em cùng vào Nhà Nguyện, em muốn chị dẫn em đi gặp cha giải tội. Em không muốn chị cứ ở đây và để em đi một mình đâu.
Anh Nguyên xét mình thật kỹ rồi thú nhận mọi lỗi lầm cùng Chúa qua cha giải tội, thật lòng xin Chúa thứ tha. Giây phút đầu tiên Nguyên cảm nhận thật rõ cảm giác được Chúa thương, niềm hạnh phúc khi được Ngài tha thứ. Trước khi ra về Viện Mẫu gửi lại cho Nguyên bức thư mà Bảo Châu đã nhờ Mẹ gửi lại cho em trai. Nguyên nhận lấy cất giấu nó cẩn thận như giữ lấy những gì còn sót lại của chị mình.
- Bố mẹ. Bây giờ con về nhà với bố mẹ được không?
- Bố mẹ luôn sẵn sàng để đón con về. Mẹ hạnh phúc vì con và cả chị con nữa. Chị con sẽ rất vui, mẹ tin là như vậy.
Về đến nhà Anh Nguyên chạy thẳng lên phòng của Bảo Châu như không để mất đi một giây phút nào có thể cảm nhận được tình thương của chị gái. Lấy bức thư từ túi áo trong, Nguyên đến bên cửa sổ như để làn gió nhẹ nhàng được tự do xoa dịu sự mất mát từ tận đáy lòng:
“Anh Nguyên, em trai của chị, chị luôn luôn thương yêu và lo lắng cho em. Sự thật một trăm phần trăm, trong đó không có phần trăm nào là giả dối cả. Và chị biết em cũng thương chị, chị xin lỗi vì không mặt đối mặt với em trong những biến cố của cuộc đời em, nhưng chính nhờ Thiên Chúa và trong tình yêu của Người chị sẽ ở với và ở trong trái tim em. Chị tin là em sẽ nhận ra tình yêu đó và sẽ đáp trả lại sự mòn mỏi chờ đợi của Người. Em sẽ nhìn thấy một vị Thiên Chúa đang dang rộng cánh tay đón em vào cung lòng thương xót. Mẹ Maria là Mẹ của em (mẹ đã nói với chị như vậy), em mãi mãi là con của Mẹ, Trái Tim ven sạch của Mẹ đã ghi tên em, vậy em hãy xin Mẹ tha thứ và dẫn em về với Chúa. Chị biết em sẽ buồn, và thật buồn, nhưng nỗi buồn đó chẳng là gì so với hạnh phúc mà sau này em sẽ được thỏa thuê ôm lấy. Chị tin em sẽ nhận ra điều này. Hãy tha thứ cho chị”.
- Em xin lỗi chị. Chị Châu…
Anh Nguyên gấp bức thư lại rồi cất vào chỗ cũ như không bao giờ được để mất nó. Cứ như thế nước mắt chực trào ra hòa tan trong làn gió đưa về một phương trời nào đó xa xăm. Lấy chiếc khăn tay lau đi những giọt nước mắt còn sót lại. Im lặng như suy nghĩ một điều gì đó rồi đưa đến quyết định. Anh Nguyên chạy xuống dưới nhà.
- Bố mẹ. Con cứ tưởng là chị Châu đã rời xa ngôi nhà này, nhưng không phải đâu chị đang mỉm cười với chúng ta, một nụ cưới hạnh phúc. Chị ao ước chúng ta cũng hãy sống hạnh phúc trong tình yêu thương của Chúa, vì thế bố mẹ đừng buồn nữa nhé và con, con không buồn nữa đâu, con đang hạnh phúc vì nhờ chị con mà con được nối lại sợi dây liên kết con với Thiên Chúa mà bấy lâu con đã tự cắt đứt. Con quyết dịnh rồi bố mẹ ạ. Con sẽ nối tiếp con đường theo Chúa mà chị con chưa kịp hoàn thành, con sẽ thay chị cầu nguyện cho những người chưa có cơ hội nhận biết Chúa. Con xin bố mẹ cho phép con được đi như chị Châu đã đi, sống hoàn toàn cho chúa trong đời dâng hiến.
- Ôi, con trai của mẹ! Mẹ cảm ơn con. Mẹ Maria ơi con cảm ơn Mẹ, Anh Nguyên mãi mãi là con của Mẹ. Bảo Châu ơi, mẹ cảm ơn con.
Mẹ như không kìm nổi niềm vui sướng.
- Ông ơi, hôm nay chúng ta phải ăn mừng mới được, lát nữa ông chở tôi ra chợ, tôi phải nấu một bữa thật ngon để đãi hai cha con ông.
- Được rồi bà chờ tôi một lát rồi tôi chở bà đi. 
 
 
Mã số: 17-064
 

GỌI MẸ

 
- Con ranh kia, mày chẳng được một cái tích sự gì cả, đã ở nhờ rồi thì phải biết nghe lời đi. Đã bảo là mày đừng bao giờ đụng vào thứ gì của tao mà mày không nghe hả? Đã ăn nhờ ở đậu nhà tao thì bảo gì phải nghe nấy. Không biết ở đâu chui ra cái thứ như mày. Mày còn dương cái mặt đó mà nhìn tao nữa à. Có mau cúi xuống không, tao đánh cho bây giờ, cái thứ mất dạy!
Bác Tú không quên dúi cho tôi một cái thật mạnh trên trán, ném váo tôi cái nhìn khinh miệt rồi quay gót đi trong sự tức giận. Đúng là lần này tôi sai thật nhưng những lời nói ấy hầu như ngày nào cũng đến với tôi, chỉ cần tôi đụng đến thứ gì là bị la liền. Những lời cay nghiệt này đã ngấm trong trí óc tôi và nó ăn sâu trong trái tim tôi suốt 5 năm qua từ ngày tôi về đây. Đi ngang qua gian chính của phòng khách tôi vô tình làm rơi thứ bình cổ đắt tiền mà bác Tú trai yêu thích nhất. Tôi biết mình sai, muốn cúi đầu nhận lỗi, nhưng khi “trận mưa xối xả” kia của bác Tú trút trên đầu tôi, tôi lại im bặt, hai môi cắn vào nhau căm phẫn, chẳng nói được lời nào. Chẳng biết tại sao cứ mỗi lần bác Tú mắng tôi là hai mắt tôi cứ tròn xoe nhìn bác chằm chằm không ngớt, khuôn mặt chẳng có lấy một chút xíu nào gọi là sự ăn năn. Phải chăng đó là phản ứng của một đứa trẻ lên mười khi mà bên cạnh nó chẳng có ai âu yếm, vuốt ve nó, cho nó cảm nhận được hơi ấm tình thương của người lớn.
- Mày còn trơ cái mặt của mày ra đó à! Đi dọn dẹp thành quả dưới chân mày đi rồi tắm rửa mà ăn cơm, hay là mày muốn tao bưng bê rồi đút cho mày ăn nữa hả… Con kia!
Tôi chỉ biết cúi đầu lặng thinh không đáp nửa lời. Từ ngày bác Tú trai mất, những trận đòn như thế này đến với tôi nhiều hơn, nên tôi chẳng buồn mở miệng ra thưa đáp với ai trong cái nhà này, huống chi là nói chuyện.
- Ôi thật khổ thân tôi khi có cái giống này trong nhà, đúng thật mày giống hệt con mẹ của mày, là cái thứ cứng đầu, cứng cổ, người lớn nói chẳng bao giờ chịu nghe lời.
Tôi quay lại ném vào bác cái nhìn chứa đầy sự căm hờn. Tại sao lại xúc phạm đến mẹ tôi, mẹ tôi có làm gì sai đâu, người sai là tôi cơ mà.
- Tao nói sai à? Chỉ có cái giống đó mới sinh ra một đứa như mày thôi.
Tôi lúi húi dọn dẹp làm sao để cho những mảnh vỡ phát ra những tiếng động át đi những lời nguyền rủa ác độc của bác đang rủa mẹ tôi. Làm sao bác ấy có thể lôi mẹ tôi, một người đã không tồn tại nơi trần gian này ra mà nguyền rủa cơ chứ. Tôi căm tức bác, tôi thù ghét ngôi nhà này. Dọn xong đống vỡ kia là tôi chạy ùa vào phòng của tôi, một nơi tối tăm và chật hẹp. Nhưng dù sao cũng cảm ơn Chúa vì căn phòng này không bao giờ có bước chân của bác Tú và ba anh chị đặt tới. Họ khinh chê căn phòng này, vì nó làm giảm đi sự cao sang của họ. Họ dành nó cho tôi, tôi đã gắn bó với nó ba năm rồi còn gì, đối với họ là thấp kém nhưng đối với tôi nó là tất cả, là nơi tôi được tự do khóc cho sự bất hạnh của riêng tôi.
Mặt trời dần khuất sau dãy núi, tôi mở cánh cửa sổ để nhìn rõ hơn những giọt nắng cuối cùng. Làn gió nhẹ nhàng thổi tung mái tóc màu hạt dẻ của tôi. Tôi được hưởng điểm này từ bố tôi, và cả ánh mắt màu nâu trong sáng nữa. Bố là một trẻ mồ côi sống trong mái ấm các sơ ở Kim Long. Trong một lần mẹ cùng bác Tú trai đi làm công tác tông đồ, mẹ gặp ánh mắt nâu của bố. Thế là tuần nào mẹ cũng tìm cách kéo bác xuống mái ấm để được nhìn bố. Bố cảm nhận được tình cảm của mẹ nhưng bố không dám tiến tới. Mẹ là lá ngọc cành vàng, tiểu thư của một gia đình giàu có quyền thế, bố biết mình chẳng có gì cả sợ theo mình mẹ sẽ khổ. Bác Tú gái biết chuyện tìm cách ngăn cản, nhưng chị dâu làm sao cản được em chồng. Bố mẹ mất sớm để lại một cơ ngơi rộng lớn, thương em gái nên bác Tú trai đành đồng ý. Mẹ cương quyết chẳng lấy gì cả, để lại gia sản cho anh trai và các cháu. Bác cho mẹ một ít vốn làm ăn. Bố mẹ ăn nên làm ra, gầy dựng được một xưởng sản xuất rượu, rồi mẹ sinh tôi… Bố mẹ rất hạnh phúc, mẹ nói rằng lúc này mẹ chỉ cần có bố và tôi là được rồi, mẹ chẳng cần gì nữa hết. Bố mẹ đưa tôi đến Nhà Thờ dâng tôi cho Đức Mẹ, cho tôi được chịu phép thánh tẩy. Mẹ gọi tên tôi là Rosa Hoàng Yến. Khi nào bố mẹ cũng gọi tôi là “Rosa- Bông hồng nhỏ của mẹ”. Đúng vậy, trên môi tôi lúc nào cũng nở nụ cười khi được bố mẹ gọi tên, hôn tôi và âu yếm tôi. Năm tôi được năm tuổi, vào cái ngày đó, cái ngày mà Chúa đã giang tay để đón lấy bố mẹ tôi mà không đón cả tôi nữa. Ngài chỉ để lại một mình tôi trên cõi đời này và khoét vào tim tôi một nỗi đau không bao giờ hàn gắn được. Trong ngôi nhà chất chứa bao nhiêu niềm vui, hạnh phúc giờ chỉ còn lại một mình tôi, cô bé năm tuổi, ngồi thơ thẩn nhìn hai bức di ảnh mà không biết bố mẹ mình đang ở nơi đâu. Nước mắt chẳng thể rơi. Trên tay là bức tượng Mẹ Maria mà mẹ đã tặng tôi vào hôm sinh nhật lần thứ năm, tôi thơ thẩn khắp ngôi nhà và gọi tên mẹ. Mọi người ai cũng thương tôi, nhưng tôi lại chẳng còn ai thân thích ngoài gia đình bác Tú. Bác Tú trai thương tôi nhưng bác Tú gái lại khác, bác ghét tôi vì bác đã cấm mẹ không được theo bố, mẹ không nghe, bác ghét mẹ rồi ghét lây sang tôi.
Bác Tú đón tôi về nhà sống với gia đình bác. Lúc đầu bác cho tôi ở căn phòng giống như các con của bác đầy đủ tiện nghi và đẹp nữa. Nhưng sau ngày bác trai mất, bác Tú dúi tôi váo nơi mà bác gọi là cái xó. Ngày tôi về nhà bác tôi chỉ mang theo mấy bộ váy áo mà mẹ may cho tôi cùng bức tượng Mẹ Maria luôn ở trên tay. Trước khi nhắm mắt mẹ đã kịp nhờ một người nào đó ghi lại những lời này cho tôi: “Con là con của mẹ, mẹ xin lỗi vì không thể ở bên con, chăm sóc cho con. Nhưng mẹ đã trao con cho Mẹ Maria, từ nay con hãy luôn gọi Mẹ để Mẹ bảo vệ con, con nhé! Rosa, bông hồng nhỏ của mẹ”. Bác Tú giật lấy túi hành lí trong tay tôi, may mắn tôi cầm bức tượng ở tay khác chứ không nó đã rơi và vỡ mất rồi. Xem xét xong bác bảo anh Tuấn Anh dẫn tôi lên phòng, còn hành lí bác bảo mang lên sau. Tuấn Anh là anh cả, rồi đến Tuấn Nhật và hai cô em gái song sinh là Tú Linh và Nhật Linh, hai chị hơn tôi một tuổi. Tôi vào đến phòng vừa kịp đặt bức tượng Mẹ xuống bàn thì đã nghe thấy cái giọng chua chát của bác ngoài cửa. Bác ném đống quần áo xuống giường rồi nói mà như nghiến từng chữ, hai hàm răng rít lại với nhau.
- Ở nhà này mày chỉ được mặc những thứ này.
Lần đầu tiên tôi không được gọi là “Rosa, bông hồng nhỏ” nữa mà là “mày”, cái tên mới làm tôi giật mình. Váy và áo của tôi đâu hết mà bác ném cho tôi đống quần áo cũ rích này. Mãi đến sau này tôi mới biết rằng những chiếc váy áo đó bác dành cho hai đứa con của bác. Mỗi khi Tú Linh và Nhật Linh mặc chúng thì nước mắt tôi chực trào ra làm tôi nhớ tới những lời mẹ nói với tôi: “Cái này mẹ may cho Rosa yêu quý của mẹ”. Mỗi lần như vậy tôi lại chạy nhanh vào phòng đóng kín cửa lại, để cho hai hàng nước mắt tự do nhỏ xuống, tôi chỉ còn biết quỳ xuống bên tượng Mẹ Maria. Chỉ mỗi anh Tuấn Anh là hay đến phòng tôi, mỉm cười với tôi nhưng anh lại ít nói, còn ba người kia lúc nào cũng nhìn tôi như vật thể lạ ở đâu rơi xuống, giống như bác vậy. Họ không muốn chia sẻ chút xíu sự thương hại chứ không dám nói đến tình cảm hay sự quan tâm. Mỗi lần nghe tiếng họ gọi mẹ, tôi cũng ao ước rằng mẹ của tôi còn sống để tôi được gọi tên mẹ cho thỏa thích. Nhưng chính bản thân tôi biết điều ước đó sẽ không bao giờ thành hiện thực, tôi lại chạy đến bên Mẹ Maria lấy tay ngăn đi giọt nước mắt đang đọng trên khóe mi, miệng thì thào: “Lạy Mẹ là mẹ của con!”.
Bác Tú trai bị bệnh nặng rồi qua đời. Trước lúc ra đi bác gọi bác gái, anh Tuấn Anh đến bên giường bệnh, bác nói trong nghẹn ngào:
- Em và Tuấn Anh hãy thay anh chăm sóc Hoàng Yến, con gái của em gái anh. Đừng bỏ rơi nó nhé, tội nghiệp!
Lần đầu tiên tôi được tự do khóc công khai. Tôi vừa khóc bởi thương tiếc sự ra đi của bác (người thương yêu tôi nhất trong gia đình này) và cũng khóc cho những gian khổ, những đau đớn, những tê liệt ở trong tinh thần và thể xác tôi.
Anh Tuấn Anh bận rộn suốt ngày ở ngoài cửa hàng, ít khi anh ở nhà. Anh Tuấn Nhật, Tú Linh và Nhật Linh đều ghét tôi, hết mẹ rồi lại đến con hành hạ tôi, họ không xem tôi là đứa em họ đáng thương, nhưng xem tôi như một đứa ở để sai vặt. Sự đau khổ mà tôi phải chịu trong đau đớn nhất là mẹ con họ không cho tôi đến Nhà Thờ. Lúc đầu họ không cho tôi đi chung với họ, họ cho rằng cái thứ như tôi không xứng đáng. Bác bắt tôi quỳ tách xa họ ra, họ cho rằng như vậy là làm cho tôi xấu hổ, nhưng tôi lại thích như vậy. Tôi được tự do nhìn lên Chúa, nhìn lên Mẹ mà thưa chuyện với các Ngài. Chỉ có ở Nhà Thờ tôi mới cảm nhận được sự xoa dịu của bàn tay từ ái, sự ngọt ngào của ánh mắt yêu thương. Nhưng không hiểu vì lí do gì mà bác cấm tôi luôn không cho tôi đến Nhà Thờ nữa. Trong căn nhà này tôi đã bị tước đoạt tất cả, trước tiên là quần áo, cái tên gọi, người bác thay bố mẹ yêu thương tôi, quyền tự do của một con người. Đau dớn hơn là là quyền được đến Nhà Thờ, quyền được làm một Ki-tô hữu.
- Mẹ ơi, con biết con phải chịu nhiều khổ đau hơn nữa nhưng bấy nhiêu đó chưa là gì cả so với nỗi đau của Mẹ và của con Mẹ. Xin Mẹ thêm sức mạnh cho đứa con gái bé nhỏ của Mẹ.
Tôi thích nhất cảm giác chiều chiều được đặt những bước chân trần nơi lối đi trải những viên sỏi trơn nhẵn. Thu mình vào sự cô đơn và những cảm xúc của riêng tôi, một cô bé bất hạnh. Nhìn những đám mây chiều kéo nhau về một phương trời xa xăm nào đó, nơi mà tôi ước mong sẽ được về đó với mẹ tôi. Tôi yêu những bông cỏ dại bên đường, nó như cuộc đời tôi vậy. Cầm nắm bông dại trên tay, tôi quay mình bước nhanh về nhà trước khi trời tối, không lại xảy ra chuyện.
Từ xa tôi đã nghe thấy tiếng ồn ào trong nhà, bác đi vắng, anh Tuấn Anh ra cửa hàng, chỉ còn ba anh em ở nhà, tôi biết ngay là có chuyện xảy ra. Vừa kéo cánh cửa chưa kịp bước vào, Tuấn Nhật chỉ tay vào mặt tôi rít lên từng tiếng.
- Tao biết ngay mà, đi đâu về mày cũng mang bó bông dại trên tay, mấy lần trước tao đã nghi nghi rồi. Bây giờ thì hết chối nha, con ranh.
- Thì em thấy bông đẹp em hái, không được sao? Hay em muốn hái cái gì ở ngoài nhà của anh cũng phải xin phép anh như ở trong nhà?
Bấy lâu nay, mỗi lần bị lôi ra tra khảo tôi đều im lặng nhưng sao hôm nay tôi có một sức mạnh lạ thường đang nổi dậy trong người tôi. Tôi không im lặng cắn răng chịu đựng nữa, tôi phải tranh đấu.
- Đúng, mày đang ở nhà tao thì phải xin phép tao.
Tuấn Nhật giơ bức tượng ra trước mặt tôi vừa để tôi thấy rồi lớn tiếng.
- Mày lấy cái này ở đâu ra hay mày ăn cắp ăn trộm trong nhà tao?
- Trả đây! Sao anh lại vào phòng người khác khi người khác không có mặt, đã thế lại còn lấy đồ của em.
- Trong nhà này cái gì cũng của tao cả. Tao muốn là tao cứ lấy, mày làm gì được?
Đang túm lấy gấu áo của anh, tôi giật mạnh làm anh trượt chân. Bức tượng Mẹ Maria rơi xuống vỡ toe, đầu Tuấn Nhật chấn vào mép bàn rồi chảy máu. Mặt tôi trắng bệch ra. Sợ hãi bao trùm lấy tôi. Bác Tú vừa về tới thấy cảnh này bác không cần biết chuyện gì chạy lại đánh tôi tới tấp. Vừa đánh bác vừa rủa. Còn anh Nhật ngồi ôm cái đầu bê bết máu, ánh mắt dính chặt vào tôi không rời.
- Mày muốn giết con trai của bà à. Nó mà chết mày lấy gì mà đền cho tao hả, con ranh! Đã không biết thân biết phận rồi, giờ còn muốn giết người hả? Tao cho mày đi theo con mẹ mày bây giờ.
Tuấn Nhật lắp bắp xen vào:
- Mẹ ơi nó là đồ ăn cắp, nó đã ăn trộm cái tượng đó.
- Ngày mai tao sẽ tống mày vào cô nhi viện cho mày chừa cái thói lưu manh có sẵn trong máu của mày, nó di truyền từ ông bố của mày đó. Tao không chịu nổi khi nhìn cái mặt của mày nữa rồi. Bây giờ đứng lên, đi về  phòng xếp đồ.
Bác gằn từng tiếng đó vào mặt tôi, ánh mắt chứa đầy sự căm tức. Rồi đến bên cậu con trai của bác.
- Con trai mẹ có đau không, để mẹ đưa con lên phòng, ở đây nhìn thấy cái thứ này con lại đau thêm.
Mẹ con họ đi rồi, tôi bò lổm nhổm lại nhặt những mảnh vỡ của bức tượng xem có cách nào để gắn lại được không, nhưng nó vỡ vụn hết cả rồi. Tôi quỳ lặng bên đống vỡ vụn, nước mắt cứ thế mà trào ra.
- Mẹ ơi, con xin lỗi Mẹ, con không bảo vệ được Mẹ, con xấu lắm. Xin Mẹ hãy tha thứ cho con.
Rồi như chợt tỉnh vì những lời bác Tú vừa nói. Bác sẽ tống mình đến cô nhi viện. Mình sẽ rời xa ngôi nhà này với cái tiếng là “đồ ăn cắp, đồ muốn giết anh”. Mình sẽ chẳng làm gì được với cái danh này.
Tôi chỉ biết nấc lên nghẹn ngào. Họ tìm cách tống tôi ra khỏi cuộc sống của họ, họ không còn muốn cưu mang tôi, họ không giữ lời hứa với người quá cố. Bấy lâu tôi bị tước đi quyền đụng chạm vào những vật dụng của nhà họ. Cái bát ăn cơm của tôi cũng khác của họ, cái cốc uống nước cũng khác… và còn bao nhiêu thứ khác. Rồi đến hôm nay họ chính thức đuổi tôi ra khỏi nhà. Chính thức cắt đứt mối dây tình thân, phân chia dòng máu đang chảy trong người tôi ra khỏi dòng máu đang chảy trong người họ, để giờ đây tôi được mang một thân phận mới “trẻ mồ côi”. Bấy lâu họ không xem tôi là người thân, nhưng tôi, tôi luôn xem họ là anh chị em, là bác, là những người gần gũi nhất với tôi. Nước mắt cứ thế tuôn ra, tôi không còn tìm cách kìm nén như bao lần nữa, tôi để nó được thoái mái rơi, cũng như cuộc đời tôi lúc này, tôi chỉ biết trao vào bàn tay từ ái của Mẹ để Mẹ dẫn tôi đi. Cho dù có bao nhiêu chuyện xảy ra, cuộc đời tôi có như thế nào, gia đình bác làm khổ tôi ra sao Chúa vẫn dạy tôi tha thứ. Chỉ khi tôi học cách tha thứ thì mọi nỗi đau khổ của tôi sẽ vơi đi. Lấy những chút sức lực còn sót lại trong người tôi, tôi tìm đến căn phòng sang trọng của bác Tú, nơi mà suốt năm năm qua tôi chưa một lần bước chân tới. Đứng một hồi thật lâu như ghi nhớ lại công ơn nuôi dưỡng cưu mang, tôi gõ cửa.
- Ai đấy?
- Con này bác ơi!
- Không đi ngủ đi, mai phải đi sớm, mày còn đến tìm tao làm gì? Phá hỏng giấc ngủ của tao, cứ chứng nào tật nấy, cái thói cứng đầu của mày dạy mãi không chừa, giống hệt con mẹ mày.
- Con cám ơn bác suốt năm năm qua đã nuôi nấng và dạy dỗ con. Con xin lỗi vì con luôn làm cho bác không vừa lòng và phải bực, phải tức vì cái tật cứng đầu của con. Con xin bác hãy tha thứ cho con, con chúc bác sống bình an, vui vẻ, các anh chị luôn ngoan và thành công. Chào bác, mai con đi.
- Tao chẳng cần ơn nghĩa gì ở đây cả, như vậy là đủ rồi. Về ngủ đi, mai không cần đến đây chào tao đâu, cũng đừng làm phiền các anh chị của mày để yên cho chúng ngủ. Mai rồi tao nhắn lại cho.
- Dạ.
Bác đóng cái cửa thật mạnh, tôi đứng đó thì thào trong miệng: “Chào bác con đi”.
Ngày mai rồi cũng đến, vẫn là chiếc túi nhỏ đựng đồ ngày ấy, nhưng hôm nay ra đi trên tay tôi không còn bức tượng Mẹ Maria nữa. Bác sai người làm mang lên cho tôi mấy bộ quần áo mới, tôi khăng khăng không lấy nhưng chị người làm xếp chúng gọn gàng rồi bỏ vào túi tôi cho bằng được. Giữ y những lời bác Tú nói, tôi lặng lẽ ra đi. Bước ra đến cửa trận gió mạnh thổi vào người tôi làm tôi liêu xiêu. Tôi quỳ xuống hôn cái bậc cửa, dù sao nơi này cũng đã gắn bó cùng tôi chừng ấy thời gian, nó cũng đã chất chứa bao nhiêu kỉ niệm.
- Chào cả nhà, con xin lỗi những người thân của con. Xin hãy tha thứ cho con.
Tia nắng đầu tiên đang chiếu sáng trên những giọt sương mai, ánh sáng đó đang chiếu sáng tâm hồn tôi. Xa đi những người có chung với tôi một dòng máu tôi lại được hòa mình vào dòng máu chung của Đức Ki-tô. Tôi lẩm nhẩm xin Thiên Chúa tha thứ cho tất cả, chỉ có lòng thương xót của Chúa mới bao la mà thôi, tôi cũng xin Thiên Chúa tha thứ cho tôi. Tôi không còn bức tượng Mẹ Maria trong tay nhưng giờ đây tôi có Mẹ trong đời, Mẹ sẽ luôn ở bên tôi và tôi sẽ không còn thèm khát mỗi khi nghe thấy ai đó gọi mẹ nữa, mà là chính tôi sẽ được thoái mái cất lên tiếng gọi Mẹ làm cho trái tim tôi được hạnh phúc. “Ngày đêm con say sưa cầu khẩn, con là con của Mẹ vạn muôn lần”…
 
 
Mã số: 17-065
 

TIẾNG NÓI LƯƠNG TÂM

 
Tuấn, một kỹ sư tài giỏi, một giáo lý viên nhiệt thành hăng say, một người hòa đồng vui vẻ. Nhưng…
***
Vào những thập niên tám mươi, với những đứa trẻ miền quê cắp sách đến trường là chuyện không dễ gì, Tuấn là một trong những đứa trẻ đó. Anh sinh ra, lớn lên trong một gia đình nghèo đông con, gồm chín anh chị em; trước anh có một chị và một anh. Hằng ngày, Tuấn chăn trâu ra đồng sớm rồi về đi học, chiều ra đồng mò cua bắt ốc rồi dắt trâu về, tối sum họp nơi nhà nguyện nhỏ của giáo họ đọc kinh, lần chuỗi.
Thời gian thấm thoát trôi qua, tới ngày Tuấn từ biệt gia đình vào Sài Gòn học. Với Tuấn, niềm mơ ước vào đại học là ước mơ mà bấy lâu Tuấn hằng mơ ước khi còn là cậu bé chạy lon ton khắp xóm. Với gia đình, Tuấn là niềm hy vọng để rồi đây cuộc sống khá hơn. Với bà con lối xóm, Tuấn là gương mẫu, là niềm tự hào cho miền quê nghèo, hẻo lánh mà chưa một ai thực hiện được. Từ đây, với môi trường mới Tuấn phải làm sao bắt kịp với cuộc sống xô bồ nơi đô thị. Là con nhà nghèo, điều đầu tiên Tuấn quan tâm là tìm được ngôi nhà trọ rẻ, tìm công việc làm thêm trang trải cho cuộc sống nơi phố thị.
***
Thời gian sống nơi phố thị trôi qua, chỉ còn một tháng nữa là Tuấn nhận bằng tốt nghiệp. Giờ đây, Tuấn cùng các bạn viết hồ sơ xin việc. Ở cùng nhà trọ, hầu hết các bạn đều là con nhà nghèo lên phố học, nhưng mỗi người đều theo tôn giáo riêng, có người theo Phật giáo, người thì không tôn giáo... Tuấn và các bạn cùng trải qua những ngày tháng gian khổ thời sinh viên. Vì thế, họ xem nhau như anh em.
Cầm tấm bằng trên tay, Tuấn cho vào tập hồ sơ rồi đến công ty phỏng vấn. Mọi việc đều suôn sẻ cho tới khi người phỏng vấn mở hồ sơ ra, thấy phần tôn giáo ghi “Công giáo” thì gập lại và nói:
- Chúng tôi cần xem lại.
Tuấn cầm hồ sơ, bước ra mà lòng miên man bao nỗi. Tuấn lặng lẽ bước đi trên con đường quen thuộc mà suốt bốn năm anh đã từng qua. Trời lạnh, nó chạm vào trái tim và giấc mơ của Tuấn. Tuấn vẫn bước một mình trên đường, lặng lẽ đi trong vô vọng. Mỗi bước chân dường như nặng hơn so với lúc anh đi phỏng vấn, nó đưa anh từng bước về tới nhà trọ. Tuấn nhìn vào trong nhà, thấy các bạn đang vui vẻ. Thấy tuấn về tới, Hùng vội nói:
- Tuấn về rồi kia tụi bay!
Bốn đứa chạy ra, khoe về công việc của mình. Nhìn xa thấy khuôn mặt Tuấn, họ chùng bước. Sự chùng bước đã cho họ biết rằng việc gì xảy đến với bạn. Tuấn cùng đám bạn vào nhà, anh hỏi:
- Tụi bay sao rồi? Xin được việc chưa?
- Ừ, tụi tao xin được việc rồi mày.
- Còn mày thì sao? Xin được việc chưa?- Hùng hỏi với vẻ ngượng ngịu.
- Tao thì chưa!- Tuấn nói.
- Mày đừng buồn, không công ty này thì còn công ty khác, lo gì! Ngày mai, mày tới công ty khác xin thử xem. Bây giờ mày ăn mừng với tụi tao nhé!- Hùng nói.
- Ừ, cũng được.- Tuấn nói.
Ngày hôm sau, Tuấn thức dậy sớm đến công ty khác xin việc. Lần này cũng như lần trước, Tuấn cũng bị loại vì lý do tôn giáo. Tuấn không về nhà trọ, anh tới công viên để suy nghĩ về những việc xảy ra. Anh nghĩ đi nghĩ lại nhiều lần, anh nghĩ về gia đình, về những nỗi khó khăn khi vừa học vừa làm, rồi anh nhìn những người đi qua đi lại, khuôn mặt anh đượm lên những nét buồn... Xa xa có tiếng chuông gõ mười một tiếng, anh nhìn đồng hồ, lặng lẽ bước đi. Tới nhà, có tiếng reo lên:
- Vào ăn cơm Tuấn ơi!
- Ừ!- Tuấn trả lời một cách gượng gạo.
- Sao rồi mày? Xin được việc rồi chứ?- Hùng hỏi.
Thấy Tuấn im lặng, Hùng lại hỏi to:
- Tuấn, xin được việc chưa?
- Chưa!
Câu trả lời ngắn gọn làm cho không khí dường như chìm xuống. Cả bọn cùng nhau ăn cơm. Cơm hôm nay có đĩa rau muống, đĩa cá kho và canh khổ qua. Tuy rằng, hôm nay thức ăn ngon hơn mọi hôm, nhưng đối với Tuấn nó lại là bữa ăn mà anh thấy nặng nề vì…
Đức thấy bạn im lặng liền nói:
- Phải cố ăn đi mày! Mày yên tâm đi, với tấm bằng kỹ sư giỏi thì tha hồ có nhiều công ty nó nhận.
- Ừ, nó nói đúng đấy!- Tùng nói.
Tuấn nhìn các bạn rồi “ừ”, vì anh biết chuyện gì đã xảy ra với mình.
Ngày hôm sau, Tuấn tới một công ty khác phỏng vấn, lần này anh bị từ chối thẳng thừng. Anh lặng lẽ bước đi giữa trời nắng. Anh đi như người mất hồn, đi mà không biết mình đi đâu. Anh đi thẳng, trước mắt anh là ngôi nhà thờ. Anh vào nhà thờ cầu nguyện. Rời khỏi nhà thờ, Tuấn đi về nhà.
Về tới nhà, bạn Tuấn cứ tưởng anh xin được việc nên về sớm. Sau khi biết được sự việc, bạn anh đứa nào cũng buồn cho anh, nhưng có đứa cho ý kiến:
- Hay mày làm lại tập hồ sơ khác, ở phần tôn giáo mày viết là “không”.
- Không, không được đâu mày! Làm vậy tao mang tội nặng lắm.- Tuấn trả lời.
- Nặng gì mà nặng, nếu nặng thì mày đi xưng tội là hết, chứ sao đâu!- Đức nói.
- Không được, nhất quyết là không được!- Tuấn trả lời.
- Mày cứ không được, vậy mày về quê cày ruộng đi, uổng công gia đình đã nuôi mày ăn học, uổng công mày đã cố gắng học hành!- Đức nói.
Đứa khác lại thêm vào:
- Cứ mỗi tối, tao thấy mày ngồi đọc kinh suốt. Ngày chủ nhật thì chả thấy mày đâu, hóa ra mày đi lễ gì đó, mà Chúa mày tin có thật không?
Tuấn nói khẳng định:
- Tao tin Thiên Chúa tao thờ, là Đấng có thật.
- Nếu Ngài có thật, sao lại không giúp mày?- Đức nói.
Tuấn im, anh không biết giải thích sao cho các bạn hiểu. Sau những lời bàn tán xôn xao của đám bạn, Tuấn dường như mất quan điểm của mình. Anh suy nghĩ thêm về ý kiến của đám bạn.
Sau một tuần suy nghĩ đắn đo về những lời bạn nói, Tuấn làm hồ sơ mới. Lần này, Tuấn cầm tập hồ sơ mà lòng cảm thấy nặng nề không yên. Anh đi tới phòng dân sự của công ty điện tử nộp hồ sơ, chờ đợi. Công ty gọi anh phỏng vấn. Họ lật hồ sơ ra và không thấy vấn đề gì. Sau đó, họ hỏi anh vài câu về ngành học và chuyên môn. Sau khi hỏi xong, công ty và Tuấn thảo luận về mức lương.
- Anh muốn chúng tôi trả anh bao nhiêu?
Tuấn phân vân, anh dường như nghe tiếng nói từ sâu thẳm lòng anh dội lại: “Ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ chối người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời”. Tuấn hơi sợ, anh nhớ câu nói của cha sở cách đây hơn bốn năm:
- Tuấn! Con vào Sài Gòn học cần phải siêng năng đọc kinh cầu nguyện lần chuỗi và tham dự Thánh lễ nha con. Con cần phải nghe tiếng nói của lương tâm nha.
Giờ đây, Tuấn lại chối Chúa bởi vì công việc. Người phỏng vấn lại hỏi:
- Anh muốn chúng tôi trả anh bao nhiêu?
- Không, không! Tôi… tôi là kẻ nối dối, tôi không đáng làm việc cho công ty.- Tuấn nói.
Mọi người ngạc nhiên. Họ hỏi:
- Anh nói là anh nói dối, vậy anh nói dối những gì?
- Tôi… tôi là người Công giáo!- Tuấn lắp bắp.
Tuấn đứng dậy ra khỏi ghế ngồi, nước mắt lưng tròng. Anh vừa đi vài bước, thì có tiếng gọi anh:
- Này bạn!
- Vâng, ông gọi tôi?- Tuấn trả lời.
- Bạn đi đâu thế? Bạn có biết rằng qua câu nói thành thật của bạn đã làm chúng tôi ngạc nhiên, nhưng mà lại vui không.- Người phỏng vấn nói.
- Thưa ông, ý ông là sao?- Tuấn hỏi.
- Tôi thiết nghĩ rằng, qua câu nói của bạn đã làm chúng tôi yên tâm, và cũng qua câu nói ấy, chúng tôi biết được rằng bạn có đức tin mạnh mẽ.
- Chúng tôi cần người tài giỏi để giúp công ty phát triển, chứ chúng tôi không quan tâm gì đến tín ngưỡng của bạn cả, cần gì bạn phải lo lắng… Bạn hãy nhìn ra bên kia mà xem, người phụ nữ ấy. Chị ấy cũng là người Công giáo như bạn. Chị ấy cũng đang làm việc cho công ty, chị ấy rất đảm đang, tài giỏi và hòa đồng cùng mọi người. Chị ấy rất được lòng các anh chị em đồng nghiệp, ai cũng yêu mến chị ấy.
- Vâng, thưa ông! Tôi thành thật xin lỗi.- Tuấn nói.
- Không sao, bạn cũng nhận ra lỗi lầm của mình rồi mà! Bây giờ, chúng ta cùng ký hợp đồng chứ!- Người phỏng vấn hỏi.
- Vâng, thưa ông! Cảm ơn ông.
Tuấn rời khỏi phòng nhân sự mà lòng thấy hớn hở. Anh chạy ngay tới ngôi nhà thờ mà cách đây vài hôm anh đã vào cầu nguyện. Anh bước vào nhà thờ quỳ gối, làm dấu đọc kinh.
***
   
Ba năm sau, vào ngày Chúa nhật một chàng thanh niên trong nhà xứ đi ra với khuôn mặt luôn tỏ lộ niềm vui. Chàng thanh niên đó không ai khác, chính là Tuấn. Anh chính là giáo lý viên của giáo xứ; ngôi nhà thờ mà trước đây anh đã từng vào đó cầu nguyện.
Từ ngày được công ty nhận vào làm việc, anh hăng say trong công việc được giao. Hơn nữa, anh tham gia trong việc dạy giáo lý. Trong công việc tại công ty, với sự nỗ lực cố gắng làm việc cộng với ơn Chúa, Tuấn được công ty cất nhắc lên chức quản lý. Ở trong chức vụ mới với công việc hầu như rất nhiều, nhưng Tuấn không bao giờ bỏ đi giờ thánh lễ mỗi ngày và giờ dạy giáo lý vào ngày Chúa nhật tại giáo xứ.
 Đối với Tuấn, công việc dạy giáo lý là niềm vui, và là sự ăn năn ‘bởi một phút yếu lòng xưa kia’. Tuấn rời khỏi nhà xứ, anh đi trên con đường quen thuộc, xung quanh anh dòng người tấp nập nơi phố thị…
 
Mã số: 17-067
 

MỘT CHÚA, MỘT TÌNH YÊU

 
- Ê mày, bữa nay làm gì mà không đi học giáo lý? - Thằng  Hanh vứt cái xe đạp ngoài ngõ, chạy vào nhà hớt hải hỏi thằng Tâm.
- Từ bữa nay tao bắt đầu đi học thêm Toán. Sắp thi tốt nghiệp đến nơi rồi.
- Nhưng học gì thì học cũng không được bỏ học giáo lý chứ. Bữa nay xứ mình có ông thầy phó tế tên Thiên về giúp. Cha xứ ưu tiên cho thầy dạy lớp Tiền Hôn Nhân tụi mình, vì năm nay Giáo Hội hướng đến việc chuẩn bị hôn nhân cho người trẻ. Thế mà ổng đưa ra cho cả lớp cái mục tiêu nghe chả liên quan gì cả.
- Là gì vậy?
- Ổng bảo rằng sang năm là kỉ niệm 500 năm cuộc cải cách Tin Lành gì đó, nên ổng đặt ra cho bọn mình là phải làm quen, giao lưu hay đại loại là gặp gỡ, trao đổi gì đó với người Tin Lành. Mà tao chưa bao giờ biết cái đạo này mày ạ.
- Ổng hâm à? Ở quê này thì bói đâu ra người Tin Lành hả mày? Đâu đâu cũng thấy nhà thờ Công giáo. Những người không theo Đạo mình thì là bên lương.  May ra thì có vài ngôi chùa của những người theo Phật.
- Ừ, mày nói cũng đúng. Nhưng thế thì mình phải giao lưu, kết bạn qua Facebook hả mày?
- Thôi, bỏ đi. Từ nhỏ, ông nội tao đã dặn cái đạo ấy là đạo không tốt, là lạc giáo. Bố tao bảo không được đọc sách hay tài liệu gì của họ và không giao du kết bạn với những người theo Tin Lành, kẻo rồi một ngày bị họ dụ dỗ theo lạc giáo luôn ấy chứ!
                                       ***
Thằng Tâm được sinh ra trong một gia đình gia giáo. Ông nội hắn sống vào thời trước Công đồng Vaticano II. Ông vừa làm nghề dạy chữ ở trường, lại vừa là một cánh tay đắc lực của cha xứ. Ông dạy giáo lý, lo phụng vụ trong nhà thờ giúp cha. Vì thế, ông rất sốt sắng vun trồng đức tin cho con cháu. Ông luôn mồm nhắc nhở rằng phải luôn tạ ơn Chúa và tự hào vì được sinh ra làm người Công giáo. Ngoài ra, không được đọc tài liệu hay theo các trò mê tín của các đạo nhảm nhí khác, kẻo bị bỏ bùa rồi bỏ đức tin. Ông cũng kể về cuộc li khai của vị Linh mục để lập ra một tôn giáo chống đối với Giáo Hội, và đó là một đạo xấu. Vì thế mà khi nhắc đến Tin Lành thì thằng Tâm nó đã biết và có phản ứng gay gắt như vậy, chứ không như thằng Hanh, từ nhỏ đến giờ chưa bao giờ biết đến cái đạo ấy. May ra từ ngày có thầy Thiên về dạy giáo lý, thầy cập nhật  thêm những tin tức của Giáo Hội, kể về những trăn trở, thao thức của Đức Thánh Cha cho việc hiệp nhất Kitô giáo, thì nó mới bớt “quê” hơn một chút.
Những tiết học dạy về giáo lý hôn nhân và chuẩn bị cho người trẻ bước vào đời sống gia đình của thầy Thiên có kết quả trông thấy, nhưng xem ra cái mục tiêu đưa thêm, cái quyết tâm “chả liên quan”  là kết bạn với người Tin Lành mà ổng đưa ra cho cả lớp chẳng có tiến triển gì. Dường như đó là cái gì đó quá xa vời và lí thuyết. Có mấy đứa “sốt sắng” lên Facebook  tìm làm quen với Cơ đốc nhân theo Tin Lành thì lại cãi nhau chí chóe vì bất đồng quan điểm, ai cũng cho đạo mình là nhất và đạo kia là xấu xa. Thế là kết quả lại về số không tròn trĩnh, thậm chí còn tệ hại hơn, vì gây thêm mối chia rẽ giữa hai bên. Thầy Thiên hiểu. Ở xứ đạo miền quê toàn tòng này không có điều kiện để gặp gỡ, giao lưu với người Tin Lành hay người khác đạo được. “Nhưng thầy hi vọng là những kiến thức thầy chia sẻ với các con có thể phần nào đó trang bị cho các con thêm hành trang vào đời. Để các con biết cầu nguyện nhiều hơn cho sự hiệp nhất. Để các con khi ra thành phố học tập hay đi làm ở một vùng nào đó có người theo các tôn giáo khác, thì cũng biết tôn trọng họ, biết cách xử thế cho đẹp lòng Chúa”. Thầy Thiên đã nghẹn ngào thốt lên những lời ấy sau sáu tháng giúp xứ để về lại Chủng viện.
Ra tết, lớp tiền hôn nhân phải “đóng cửa”, không phải vì không có thầy dạy. Nếu bí quá, không tìm được giáo lý viên nào thì ông cha xứ vẫn dạy được. Nhưng vì không có người học nữa. Cái hoàn cảnh nó tạo ra thế, đành phải chấp nhận thôi. Những đứa học lớp 12 thì đến kì này nó vùi đầu ôn thi để cố tìm cho được giấy báo nhập học một ngôi trường nào đó ở thành phố mà đi cho đỡ khổ. Số còn lại không đi học ở trường nữa thì cũng không thể ở nhà ăn bám bố mẹ mãi được. Chúng tìm đường đi làm ăn ở Lào, Sài Gòn hay các khu công nghiệp ở miền Nam. Riêng thằng Hanh, ông bác nó đã giới thiệu cho nó đi làm nhân viên cho một cửa hàng photocopy cạnh trường Đại học Duy Tân, Đà Nẵng.
Công việc của thằng Hanh thì đã rõ. Ở quán photocopy thì còn việc gì khác ngoài việc in ấn, phô tô tài liệu, đóng sách cho khách hàng. Vì cái cửa hiệu nó làm quy mô khá lớn, lại nằm ở cạnh trường học nên có những ngày làm không xuể. Một buổi chiều nó, thằng Hanh đang loay hoay đóng khóa luận cho mấy anh chị sinh viên cuối khóa, thì có một cô gái đến phô tô, vừa đi vừa lẩm bẩm hát gì đó. Trông bộ cô gái này rất lạc quan, yêu đời.
- Nhờ anh phô tô giùm em 100 bản ạ. – Nói xong, cô ấy lại lẩm bẩm hát.
- Có cần gấp không? Lấy luôn hay để hôm sau trở lại?
- Dạ, cần gấp. Em mang về luôn ạ.
Thằng Hanh thở dài. Vì khối lượng công việc quá tải, hắn chẳng thèm nhìn nội dung của tài liệu mà cô gái nhờ phô tô nữa. Đặt tờ giấy vào máy, bấm số 100, nó ra trăm bản. Thằng Hanh lạnh lùng bảo cô gái tự lấy giùm, và ra ngoài quầy thu ngân thanh toán tiền.
- Này, hình như anh có điều gì không hạnh phúc trong lòng phải không?
- Ủa, sao lại hỏi như vậy?
- Thì nhìn anh có vẻ mệt mỏi và chán đời.
- Bởi vì tôi quá bận rộn và nhiều việc.
- Nhưng nếu anh tin vào Đức Chúa Trời và nghĩ rằng có Chúa giúp mình thì anh làm việc gì cũng vui.
Thằng Hanh cảm thấy xấu hổ, vì nó cũng là người tin Chúa, lại là đạo gốc nữa chứ, mà để cho một cô gái nhỏ tuổi hơn nói bộ như nó là người vô thần không bằng. Hanh chưa kịp tuyên xưng mình là người có đạo, thì cô gái phải vội vàng chào về:
- Cảm ơn anh nhé. Nếu khi nào anh cảm thấy bế tắc trong cuộc sống thì cứ liên hệ với em, em có “bí quyết gỡ rối” trong mọi hoàn cảnh. Tặng anh một bản này. Tối nay chúng em có buổi hát thánh ca ở Nhà thờ Tin Lành, cách nơi làm việc của anh chừng chưa đến một cây. Em là Sáng. Đây là số điện thoại của em.
Nói rồi, cô gái trẻ kia ngồi lên chiếc xe tay ga màu trắng sữa và phóng về hướng có ngôi nhà thờ, còn thằng Hanh thì ú ớ trong miệng : “Ơ… Tôi cũng là người tin Chúa mà…”.
Những ngày sau, thi thoảng cô gái tên Sáng kia lại đến phô tô tài liệu. Lúc thì bài học ở trường, có lẽ cô ta học ngoại ngữ, Hanh nghĩ vậy, căn cứ vào những bài tập Tiếng Anh cô nhờ phô tô. Lúc thì là bài truyền giảng về Kinh Thánh; có khi là những bản nhạc thánh ca. Trong khi làm việc, thi thoảng thằng Hanh lại lén nhìn cô gái. Cô ấy có cái miệng nói cười thật duyên, nhất là đôi mắt rất sáng và cuốn hút. Mắt cô đẹp như đôi mắt Đức Mẹ. “Người ta thường nói những bạn gái theo đạo có đôi mắt đẹp như Đức Mẹ, nhưng thầy Thiên bảo người Tin Lành không tin Đức Mẹ cơ mà. Lạ nhỉ! Nếu mình khen mắt cô ấy đẹp như Đức Mẹ thì không biết cô ta sẽ phản ứng ra sao đây? Cứ từ từ, mình sẽ nói cho cô ta nghe về Mẹ Maria. Cứ từ từ…”, thằng Hanh vừa làm việc vừa lẩm bẩm như thế.
- Xong rồi nhé. Em học khoa Ngoại ngữ phải không?
- Vâng. Em học Tiếng Anh du lịch. Hôm nay anh có vẻ vui hơn rồi đúng không?
- Ờ… ngày nào anh chả vui, chỉ trừ những lúc buồn thì khi nào cũng vui được hết.
- Anh có muốn được cứu rỗi không?
- Anh cũng là người có đạo. Anh theo Công giáo.
- Ơ, thế à. Thế mà ngày đầu tưởng anh là người không có niềm tin. Thế anh đã nói về Chúa Jesus cho những người làm việc trong cửa hiệu, và những khách hàng đến đây chưa?
- À… ừ… Anh giới thiệu họ bằng đời sống thật thà, ngay thẳng của anh. Rồi một ngày đẹp trời nào đó, anh sẽ nói cho họ biết về Chúa.
- Ngày mai là Chúa nhật đầu tháng, chúng em tập trung ở nhà thờ nghe mục sư giảng Kinh Thánh và ăn tiệc kỉ niệm. Nếu anh muốn thì mời anh tham gia, vui lắm đó. Đừng đi một mình, hãy rủ thêm bạn bè nữa nhé!
Bỗng dưng làn da nơi hai cánh tay của thằng Hanh sởn lên chi chít những gai ốc. Nó sợ cách truyền đạo quá thẳng thừng và tự nhiên của những Cơ đốc nhân Tin Lành. Nếu nó là đứa vô thần và ghét Chúa, thì khi gặp những người truyền đạo Tin Lành kiểu như thế này, không chừng nó sẽ ghét hơn ấy chứ. Nhưng nó cũng suy nghĩ nhiều về họ. Tại sao những người Tin Lành lại xác tín về niềm tin của mình và sẵn sàng giới thiệu Chúa cho bất kì ai, trong khi những người Công giáo trẻ như nó thì không dám. Lạy Chúa, xin hãy nói cho con biết con phải làm gì?
Buổi trưa hôm đó, trời nhiều mây và có những cơn gió nhẹ. Thằng Hanh quyết định không ngủ trưa, mà đi xem cho biết nhà thờ Tin Lành cho thỏa sự tò mò mấy lâu nay. Ngôi nhà thờ gần chỗ nó làm việc chỉ to bằng nhà thờ một giáo họ nhỏ ở xứ đạo quê nó và khá đơn giản với cái tháp chuông cao ở một bên chóp nhà. Phía trên tháp chuông có một cây Thánh giá to với đường viền được gắn bằng dây bóng đèn led để thắp sáng vào ban đêm. Còn ở phía chóp nhà thì in hình một cuốn Kinh Thánh  và bên dưới có dòng chữ TIN LÀNH rất to. Thằng Hanh đang lang thang nhìn ngôi nhà thờ và nhớ lại những điều thầy Thiên kể, thì có một người đàn ông trạc tuổi bố nó gọi lại và hỏi:
- Chào anh, anh đi đâu vậy? Anh tìm mục sư hả?
- Dạ, không. Con chỉ đi thăm cho biết nhà thờ thôi. Con có vào bên trong xem được không?
- Được chứ!
Nói rồi, người đàn ông đó lấy chìa khóa mở cửa nhà thờ. Ông ấy tự giới thiệu ông tên Hòa, là người sống ở gần đó, và hay đến để giúp việc cho mục sư. Thằng Hanh, lần đầu tiên bước vào một ngôi nhà thờ Tin Lành, có cảm giác gì đó là lạ. Ngôi nhà thờ này cũng có những dãy ghế gỗ dài như những nhà thờ ở quê nó. Cung thánh của họ không có Nhà Tạm - nơi đặt Mình Thánh Chúa. Chỉ có một cây Thánh giá gỗ thật to làm trung tâm, phía trên cây Thánh giá gỗ có dòng chữ TÔN VINH ĐỨC CHÚA TRỜI rải theo hình vòng cung. Cái bục cao nhất đặt ở chính giữa, có chỗ đặt sách và gắn một cái micro, có lẽ đó là chỗ mục sư đứng giảng. Cái bục đó chỉ to gần bằng một nửa cái bàn thờ cho Linh Mục làm lễ, nhưng lại gấp ba lần cái bục đọc sách ở nhà thờ xứ nó. Phía bên dưới, cũng ở chính giữa, đặt một cái bục rất đẹp, trên bục là cuốn Kinh Thánh rất to và cây Thánh giá. Mặt trước của cái bục này có một biểu tượng hình tròn mạ đồng, mà ông Hòa giới thiệu đó là tứ diện của đạo Tin Lành. Phía bên phải có một cái khung in dòng chữ rất to: “Đức Chúa Jesus phán: Các con phải yêu nhau; như ta đã yêu các con thể nào, thì các con cũng hãy yêu nhau thể ấy” (Giăng 13,34).
Ông Hòa say mê giảng Kinh Thánh và giới thiệu về Đức Jesus cho thằng Hanh, trong khi hắn cứ mải miết nhìn nhìn ngó ngó cái nhà thờ. Một lát sau, như nhớ ra điều gì, thằng Hanh vội vội vàng vàng cám ơn rồi chào ông Hòa ra về. Vừa đi nó vừa suy nghĩ về thái độ đón tiếp của họ. Ngày xưa, mấy đứa bạn bên lương trong xã thằng Hanh lảng vảng lên nhà thờ chơi thì bị ông từ hay kéo chuông nhà thờ đuổi về, bảo rằng đây là nơi cầu nguyện của người có đạo, chứ không phải là cái chợ để ai muốn vào thì vào. Mà ông từ đó hay những giáo dân khác cũng không biết nhiều về Kinh Thánh như ông Hòa để nói về Chúa cho người khác. “Tạ ơn Chúa! Đây là điều con phải học hỏi người Tin Lành”, thằng Hanh thầm thì cầu nguyện.
Một ngày gần cuối tháng tư, khi mối quan hệ giữa Hanh với Sáng đã rất gần gũi, cậu đã nhận lời mời của Sáng đi dự lễ Phục Sinh ở nhà thờ Tin Lành. Ngày đầu tháng Năm, Hanh cũng mời Sáng đến dự buổi Dâng Hoa khai mạc tháng Đức Mẹ ở nhà thờ Thanh Đức. Sau buổi dâng hoa, hai đứa ngồi lại nơi hàng ghế đá trước tượng đài Đức Mẹ.
- Em hãy nhìn tượng Đức Mẹ Maria và cầu nguyện điều gì đó với Mẹ đi.
- Anh, em xin lỗi. Nhưng mục sư bên em nói rằng những bức tượng này chỉ là ngẫu tượng. Em chỉ cầu nguyện với một mình Đức Chúa Trời, Đấng vô hình, mà thôi.
- Thế em nghĩ rằng khi Chúa Giêsu giáng sinh để thực hiện sự cứu rỗi loài người, Ngài cũng vô hình à? Ngài đã nhập thể, trở thành con người thật. Và Đấng đã sinh ra Con Thiên Chúa, không ai khác, là Mẹ Maria.
- Bà ấy chỉ là một con người bình thường, là một nhân vật được nhắc đến trong Kinh Thánh.
- Anh không muốn chúng ta cãi nhau nữa. Em hãy thực lòng, khiêm tốn cầu nguyện với Chúa Jesus của em đi. Hãy hỏi Ngài xem, nếu em đối xử như thế với Mẹ của Ngài, Ngài có buồn không.
Sáng không nói gì. Cô lặng lẽ cúi mặt xuống, không dám ngước nhìn bức tượng Đức Mẹ làm bằng thạch cao sừng sững trước cái hang đá. Thằng Hanh cũng thinh lặng nhìn lên Mẹ cầu nguyện: “Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ hãy làm cho cô gái này biết Mẹ”. Xung quanh đó, có nhiều ông bà cụ đang đứng thinh lặng cầu nguyện, lần chuỗi. Xa xa, mấy đứa trẻ vừa mới dâng hoa xong, mặt mũi còn dính kim tuyến vì tung hoa cho Đức Mẹ, vẫn còn nô đùa trong khuôn viên nhà thờ. Rồi Sáng đứng dậy trước, và thằng Hanh cũng về theo cô.
Gần hai tuần sau, vào đúng ngày lễ Đức Mẹ Fatima, Sáng đi học về đến chỗ gần nhà thờ Thanh Đức thì xe bị chết máy, không chạy được nữa. Tạt vào quán sửa xe đối diện cổng nhà thờ, cô nhờ họ xem giùm xe bị hỏng cái gì. Ngồi đợi nóng ruột, cô nhìn sang ngôi nhà thờ, nơi cô đã cùng Hanh đi xem dâng hoa. Rồi như có một sự thúc đẩy nào đó tự bên trong, Sáng bước đi mà không ý thức mình đi đâu. Đứng trước hang đá Đức Mẹ, cô nhìn lên, nhìn Mẹ thật kĩ. Từ bữa cãi nhau với Hanh ở đây đến giờ, trong lòng Sáng cũng chẳng bình an. Cô thấy có một sự bứt rứt nào đó trong tâm hồn chưa gỡ giải được. Cô đã cầu nguyện với Chúa Giêsu, và thấy mình càng khắc khoải điều gì đó hơn. Rồi cô thốt lên: Bà Maria ơi! Bà Maria ơi! Bà là ai?
  Sáng trở lại lấy xe. Bác thợ bảo rằng tìm mãi mà chẳng biết xe cô bị hỏng hóc cái gì cả. Sáng buồn rầu, định dắt đi qua tiệm sửa xe khác, thì xe lại nổ máy được và chạy bình thường. Bác thợ sửa xe trố mắt không hiểu chuyện gì xảy ra, còn Sáng thì hiểu rằng đã có sự can thiệp của Đức Mẹ. “Tạ ơn Giêhôva Đức Chúa Trời nhân lành. Tạ ơn Đấng Christ. Tạ ơn Đức Mẹ Maria, Mẹ của con”.
***
Ngày cuối năm Âm lịch, thằng Hanh dẫn Sáng về ra mắt gia đình bên nội. Thầy Thiên, hôm nay đã là tân Linh mục, cũng về xứ cậu làm cha phó, và hướng dẫn Sáng những điều cần thiết khi trở lại Công giáo. 
- Cha sẽ hướng dẫn con tìm hiểu giáo lý Công giáo về Hội Thánh, về Mẹ Maria, các Bí tích, về năm điều răn Hội Thánh, về phụng vụ. Đồng thời, cha sẽ giúp con “xưng tội lần đầu” và cử hành lễ “tuyên xưng đức tin”.
- Cảm ơn cha. Mà cha ơi, con đã làm lễ Bap-tem rồi, nhưng chưa được đặt tên thánh. Giờ cha gọi con là Maria Sáng nhé. Con chọn ngày bổn mạng là lễ Mẹ Fatima.
- Cảm ơn con. Cha tin con sẽ là một người truyền giáo rất tốt. Chỉ có một Chúa, một Tình Yêu. Chúng ta hãy cố gắng làm cho nhiều người được biết Chúa Kitô…
Cả làng xóm ai cũng mừng cho thằng Hanh, vì có được cô người yêu xinh và hiền như Đức Mẹ. Đúng dịp đó, có một tuần cầu nguyện đặc biệt cho sự hiệp nhất Kitô giáo. Cha phó mời Sáng và Hanh cùng cộng tác để nói chuyện về đạo Tin Lành và tinh thần của Giáo Hội về việc nhìn nhận các tôn giáo anh em. Thằng Tâm cũng rủ cả gia đình nó đến nghe giảng và cầu nguyện cho sự hiệp nhất.
 
 
Description: Description: D:\TU LIEU 2011\BTVHQN\GIAI VIET VAN DUONG TRUONG 2015\LOGO\Viet van DT.png
 
BẢN THỂ LỆ GIẢI VIẾT VĂN ĐƯỜNG TRƯỜNG
Cập nhật cho cuộc thi lần thứ năm - 2017
 
GIẢI VIẾT VĂN ĐƯỜNG TRƯỜNG được Ban mục vụ Văn hóa & Giáo dục Giáo phận Qui Nhơn thực hiện trong khuôn khổ dọn mừng kỷ niệm 400 năm Tin Mừng của Chúa đến với giáo phận Qui Nhơn (1618-2018), nhằm đào tạo cho Hội Thánh Việt Nam nhiều cây bút văn xuôi. Thể lệ, chủ đề và cơ cấu tưởng thưởng của cuộc thi được ấn định như sau.
I. THỂ LỆ
1. Cuộc thi kéo dài sáu năm, năm năm đầu (2013-2017) mỗi năm trao giải một lần.
1b. Riêng lần thứ sáu (2018) sẽ có việc tổng kết các bài đạt giải 5 năm trước về tài năng (Tác giả có nhiều bài đạt giải cao), về nhiệt tình (Tác giả gởi nhiều bài dự thi và đạt giải liên tục nhiều năm), về triển vọng (Tác giả trẻ tuổi nhất đạt giải nhiều lần nhất), về phong trào vv… Ngoài ra sẽ vẫn đón nhận bài dự thi bình thường như các năm trước và vẫn có khung giải thưởng từng năm như các năm trước. Sẽ không hạn chế số lượng bài dự thi của cùng một tác giả. Những tác giả có từ 5 bài trở lên được vào chung khảo sẽ nhận được những phần thưởng đặc biệt, đồng thời sẽ khuyến khích tập hợp thêm những truyện khác của mình để in thành những tuyển tập riêng trong Tủ sách Nước Mặn.
2. Cuộc thi dành cho các bạn trẻ Công giáo, trong cũng như ngoài giáo phận Qui Nhơn, dưới 40 tuổi (năm dự thi – năm sinh theo sổ rửa tội ≤ 40). Người đã đạt giải một lần, các năm sau có thể dự thi tiếp, dù đã hơn 40 tuổi. Các bạn trẻ dự tòng cần có chứng từ đang theo học giáo lý dự tòng.
3. Thể loại: Truyện ngắn, mỗi truyện không dài quá 4000 từ. Không nhận truyện phóng tác. Phải là sáng tác mới, chưa đăng báo, website hay blogs và chưa gửi dự thi ở bất cứ đâu.
4. Truyện lấy ý từ một tác phẩm khác, xin ghi rõ xuất xứ tác phẩm gốc. Nếu bị phát hiện sao chép của người khác hoặc dựng lại theo ý tác phẩm khác mà không ghi xuất xứ, sẽ bị loại và cấm thi các năm tiếp theo.
5. Đề tài:
Năm 2017, Hội thánh Công giáo có hai kỷ niệm lớn, Giải Viết Văn Đường Trường xin được chọn làm chủ đề cho cuộc thi lần thứ V:
– 100 năm Đức Mẹ Fatima và việc thực hiện lời mời gọi hoán cải của Mẹ trong đời sống người tín hữu từ ấy đến nay.
– 500 năm Hội thánh Công giáo và Hội thánh Tin lành cùng nhìn lại cuộc cải cách của Lm Martin Luther. Người Công giáo cần học hỏi những gì nơi anh chị em Tin Lành và có những gì cần giới thiệu với họ? Đã có những nỗ lực nào cho tình hiệp nhất và còn phải làm gì thêm nữa?
Ngoài ra, quý tác giả cũng có thể tham gia với những tác phẩm về các chủ đề khác của Kitô giáo.
6. Mỗi năm, mỗi tác giả có thể tham gia tối đa 05 bài dự thi (riêng năm thứ sáu 2018 không giới hạn số bài), có thể gửi chung một lần hoặc nhiều lần.
7. Chỉ nhận bài dự thi qua điện thư email, gửi attach file với định dạng .doc hoặc .docx, không nhận bài gửi qua đường bưu điện.
8. Đầu bài dự thi phải ghi rõ: tên thánh, họ và tên, bút danh, năm sinh, rửa tội tại đâu, năm nào, địa chỉ nhà, giáo xứ, giáo phận, số điện thoại liên lạc, địa chỉ email. Dù đã gửi nhiều email dự thi, đầu mỗi bài đều cần ghi như thế. Những bài thiếu các chi tiết này sẽ không được nhập hồ sơ dự thi.
9. Mỗi bài dự thi sẽ được nhập hồ sơ theo lần gửi đầu tiên, mọi chỉnh sửa về sau đều không được chấp nhận.
10. Địa chỉ nhận bài, xin gửi cùng lúc về 2 điện chỉ email: tinmunggiesu@gmail.comgopnhattho@yahoo.com.
11. Thời gian nhận bài: trước ngày 01-3 mỗi năm. Những bài gửi về muộn hơn sẽ được đưa vào hồ sơ dự thi năm sau.
12. Tưởng thưởng: Mỗi năm sẽ có 06 giải thưởng chính thức và 15 giải triển vọng, theo cơ cấu và sinh hoạt như sẽ nói dưới đây.
13. Kết quả cuộc thi hằng năm sẽ được công bố ngày 15-8 mỗi năm
14. Lễ trao giải vào ngày 21-9 mỗi năm.
15. Những tác giả được vào chung khảo mà không đạt giải sẽ được hỗ trợ một phần tiền xe về dự ngày họp mặt trao giải.
16. Các thông tin về cuộc thi sẽ được đăng trên Facebook Văn thơ Công giáo https://www.facebook.com/groups/vanthoconggiao/, trên trang mạng giáo phận Qui Nhơn http://www.gpquinhon.org và những trang mạng ủng hộ chương trình này.
17. Các tác phẩm đạt giải sẽ được in thành tuyển tập do Ban Tổ Chức giữ bản quyền.
II. TƯỞNG THƯỞNG
Cơ cấu giải thưởng
Mỗi năm, có 6 giải thưởng chính thức và 15 giải triển vọng.:
- một giải nhất:                                                20.000.000 $VN
- hai giải nhì, mỗi giải                                      12.000.000 $VN
- ba giải ba, mỗi giải                                8.000.000 $VN
- 15 giải triển vọng, mỗi giải                              3.000.000 $VN
 
Tuyển tập truyện ngắn riêng
Ngoài phần thưởng bằng tiền mặt, những tác giả đạt giải, nếu có nhiều truyện khác có giá trị, sẽ được Tủ Sách Nước Mặn hỗ trợ xuất bản một tuyển tập riêng dưới 200 trang với những truyện ngắn mang nội dung Kitô giáo.
Những tác giả không đến dự lễ trao giải sẽ chỉ được nhận 50% tiền giải thưởng và không được hỗ trợ in tuyển tập riêng. Những tác giả chỉ dự lễ trao giải 21-9 mà không tham gia hành hương 22-9 chỉ được nhận 75% tiền giải thưởng, nhưng vẫn được hỗ trợ in tuyển tập riêng.
III. TƯỞNG THƯỞNG DÀNH CHO ĐỘC GIẢ
1. Bình chọn
Các truyện dự thi đã qua vòng sơ tuyển sẽ lần lượt được đưa lên Facebook Văn thơ Công giáo của Giải VVĐT tại
https://www.facebook.com/groups/vanthoconggiao/
Mời độc giả tham gia bình chọn theo thể lệ trên FB.
2. Giúp phát hiện trường hợp sao chép
Những độc giả giúp phát hiện đầu tiên những bài dự thi sao chép của người khác (xin ghi rõ xuất xứ bài gốc) sẽ được tặng quà lưu niệm đồng thời được hỗ trợ tiền xe về dự họp mặt trao giải và hành hương “dấu chân Hàn Mạc Tử”.
Ban Tổ Chức chân thành biết ơn sự giúp đỡ của các ân nhân. Các hỗ trợ tiền bạc hoặc hiện vật cho cuộc thi xin gửi về: Linh mục Võ Tá Khánh, 116 Trần Hưng Đạo, TP Qui Nhơn – Email: gopnhattho@yahoo.com – Điện thoại: 0935-424-449.
 
Qui Nhơn, ngày 15-8-2016
(Cập nhật ngày 15-10-2016)
TRƯỞNG BAN TỔ CHỨC

Lm Gioan Phêrô Võ Tá Khánh (Trăng Thập Tự)
Trưởng Ban MV Văn hóa & Giáo dục Giáo phận Qui Nhơn
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 33
  • Hôm nay: 8451
  • Tháng hiện tại: 87714
  • Tổng lượt truy cập: 12064501