Trang mới   https://gpquinhon.org

Hành Trình Theo Bước Chân Anh

Đăng lúc: Thứ ba - 22/09/2015 17:11



HÀNH TRÌNH THEO BƯỚC CHÂN ANH…
(Ký của Suan Trần, từ Cần Thơ về họp mặt các tác giả Công giáo tại Quy Nhơn, 18-19/9/2015)
 

        Tôi quyết định đi Quy Nhơn!

Đi vì tôi tin chắc họ muốn gặp tôi, tôi cũng muốn gặp họ, để xác tín mọi vẽ vời trong đầu tôi là đúng, hoặc có sai thì cũng phải được nhận ra dù có muộn màng.

Tôi nói ý định đó với Anh, chỉ duy nhất Anh ủng hộ tôi, xem việc làm càn rỡ của tôi là thú giải trí lành mạnh. Anh tặng tôi chiếc vé máy bay: - Đi để mở rộng tầm nhìn mà viết, ngồi trong xó, lẩn quẩn, chật chội, gò bó, o ép, tư tưởng bị bó chặt ở góc bếp xó nhà.

        Tôi xù đầu, đổi giờ dạy, liên lạc giải quyết nốt mấy vụ nhặng xị, bời bời, mong tới ngày ra đi quảy cái ba-lô nhẹ tênh, cái đầu rỗng tuếch nỗi lo cơm-áo-gạo-tiền-việc nước-việc nhà, mới mong nạp được nhiều điều mới mẻ.

        Tôi vẫn cứ đi!       

Đêm, mưa như trút nước, tôi bước xiêu vẹo trong màn mưa, chuyến xe đêm ngụp lặn trong biển nước, có thức đêm mới biết đêm dài ì ạch trôi, có lặn lội trong biển đời mới biết đời là cay nghiệt, nhìn đứa bé chân trần co rúm trên tay bưng bê mấy chai nước suối rượt đuổi theo chiếc xe, may mắn có bà lão chịu thò tay vào túi rút tờ tiền chìa ra: - Mua dùm nó, tội nghiệp, chứ có khát gì đâu, lạnh muốn chết!

        Tầm chừng 3 giờ sáng, tôi đến Thành Phố.

Sài Gòn, về đêm, lạnh ngắt, chỉ một vài bóng ma lởn vởn.

Nghe, đọc, thậm chí nhìn cảnh giật dọc, đâm chém, rồi đêm đen, góc tối ẩm thấp Sài Gòn, tôi rợn da gà, hai bên lằn xương sống như có hai luồng điện chạy dọc ớn lạnh rồi người như tím tái. Cảm giác này, lâu lắm, giờ mới có lại, đó là những trang tuổi thơ dữ dội, cứ lập loè trong đầu, cứ dội ngược dội ngược..

Cảnh là Bố thằng Tèo trừng mắt lên xồng xộc, tay giơ lên cao, giáng vào đầu nó một đòn chí tử, chỉ vì nó dám bẻ trộm mấy trái khế nhà Ông Cha Xứ, sáng chủ nhật bị Cha xứ rao tên con Ông trùm…

Lần khác, trong thánh lễ vừa đọc lời truyền phép xong, Ông Cha rời bàn thờ, đi thẳng xuống chỗ thằng Tèo đang chọc phá đứa kế bên, cái tát tay như búa nhà Trời đập thẳng vào mặt nó, năm lằn ngón tay bầm tím, ba ngày sau mặt nó còn in đậm, cả nhà thờ nín thở với cách hành xử của Ông Cha, cái đồng hồ đeo trên tay Ông văng ra xa, Ông lượm đeo lại vào tay, đôi mắt Ông như muốn nhận chìm nó, thằng Tèo cụp đầu xuống không dám ngước mắt lên. Ba nó từ bên dưới ào lên, nắm gáy nó, đẩy nó nhanh ra phía cửa, mắt tôi bắt đầu sầm xuống, hai luồng điện đang kéo dọc hai bên cột sống, cảm giác ớn lạnh, tôi gồng mình chịu đựng.

 Không lâu sau, cả nhà thằng Tèo biến mất khỏi xóm đạo, không ai giải thích rõ lý do. Người ta cũng không thấy Ông Cha xứ hay cười hay nói. Ông thường hay khép cửa lặng lẽ trong phòng. Có lẽ một chồi mầm đau khổ đang nhú lên, và Ông bận ủ nuôi nó trong góc kín, ánh sáng của đồi can-vê tắt lịm. Không hẳn thế!

Quyền lực?

Sức mạnh nào khiến ông đã dập tắt tịt ngòi, ngọn nến đang cháy, mà sao biết được? Bên trong cái vỏ bọc xù xì ấy chắc gì chứa đựng được thứ gì khác hơn, khi lòng con người căng đầy túi kiêu ngạo, kiêu ngạo là khởi đầu của những khởi đầu đầy tội lỗi, là bước chân đầu tiên dẫn lối những bước khác lầm lũi đi trong bóng tối…

Tôi không còn được gặp lại gia đình Tèo, nhưng cái hình ảnh ấy, gần hai mươi năm cứ khắc sâu trong tôi, mỗi lần nhớ về cơn ớn lạnh lại chạy dọc dài…

Cái bệnh lạnh xương sống từ đó cứ dai dẳng đeo theo tôi, chỉ nghĩ tới cảnh giờ này xuống sân bay ngồi chờ trời sáng, chẳng những xương sống lạnh mà linh hồn tôi còn muốn chết theo.
  • Cô, có xuống đây không?
- Quyết định để xe còn chạy, không xuống bây giờ, khi thả khách xong, trời sáng, xe không vào Thành Phố được, cô phải xuống Ngã Ba An Sương.

Thôi! Đi theo xe thả khách vậy, đợi sáng rồi tính.

- Cô đang đi lạc, đứng ở Ngã Ba An Sương, em nào gần nhất cứu cô! Tôi viết một sờ-tấy-tus lên tường facebook. Chút xíu có đứa học trò A-lô, có em ở gần. Thế là tôi được an toàn đưa đến sân bay chờ check-in. Lòng thầm nở nụ cười vì ý nghĩ, người công chính lắm lúc cũng gặp may, không như Ông bạn phán: - Người công chính lắm nỗi truân chuyên! Khi mỗi lần tôi gặp rắc rối trong công việc

Ngồi ở phòng chờ, mệt, đói, cái bụng chứa cái khoảng trống rộng mênh mông vì thức ăn bị tuồn hết ra khi đi xe. Giờ mà ăn vào thì lên máy bay sự gì sẽ xảy ra, tôi hớp một ngụm nước cầm cự. Một mình một góc im lặng, tôi bắt đầu lần hạt, không phải vì lòng sùng đạo cho lắm, mà có lẽ vì thói quen, những lúc một mình buồn tênh tôi thường kéo Mẹ về bên tôi qua những lời kinh mân côi. Tôi xin Mẹ chuyển lời cầu xin cho các linh hồn, tôi luôn nghĩ rằng các linh hồn là người cô độc nhất, đang trông chờ người còn sống trên dương thế cầu thay nguyện giúp, mà người trên dương thế thì bận rộn suốt ngày có mấy ai nhớ đến. Tình trạng cô đơn đã là khiếp, mà cô độc lại còn đáng sợ hơn. Nghĩ thế! Tôi chỉ nguyện ước một điều, Mẹ sẽ cầu bầu cùng Chúa, để các linh hồn được mau thoát khỏi tình trạng cô độc, trông chờ mòn mỏi, lê thê…

Khủng khiếp!

Lúc sáng cảm cái cảnh đứa học trò len lỏi chen chúc trong dòng xe cộ Sài Gòn, giống y chang chén bánh canh. Lúc vào check-in, tôi trả thêm ít tiền để được ngồi cạnh cửa sổ, vị trí có thể để mắt mặc sức mà rông chơi trên tám tầng mây. Chiếc máy bay lượn lờ trên bầu trời, đôi cánh dang rộng, nâng lên nhấc bỗng tôi bay vào không gian, lòng tôi sung sướng thốt lên… Kính mừng Maria, đầy ơn phước,…

Xém chút lại vuột chuyến xe buýt từ sân bay Phù Cát vào trung tâm Thành Phố Quy Nhơn.

Nghĩ đời không có cái ngu nào trộn lẫn với cái ngu nào, nó tách rời biệt lập mà đôi khi nó khắng khít đeo bám theo tôi. Trong đầu tôi hay tự vẽ vời những điều khác xa với cái thực tại. Ví dụ như: Nhà Thơ Mạc Tường là một Ông Lão với mái tóc bạc, chòm râu dài trắng xóa phất phơ, vì chỉ có thế gắn vào cái tên Mạc Tường mới đẹp khuôn hình, hay Trăng Thập Tự là một linh mục chừng U40, xông xáo gươm súng tay vác nách mang có thể xông trận bất kỳ lúc nào thì mới gánh nỗi cái gánh thơ văn mà phải nhặt nhạnh từ đầu non đến cuối biển, mang về, chắt rọt, giủa đẻo, phân phát cho đời… Còn về địa lý thì nhập nhằng mù tịt mà cớ gì tôi phải nặng óc nhớ ba cái thứ quỷ ấy chứ, chỉ cần biết được hôm nay đưa mấy lượt đò, chỉ cần nhớ mặt những lữ khách trên đò, họa đi chăng thì nhớ thêm ai trả tiền ai để đấy?  để chiều nay, nồi cơm đầy hay vơi? Ngày mai làm gì để bát chén không buồn thiu… Nhất là cái thời buổi media này nhọc óc mà làm gì, cần gì a-lô thế là xong, bởi thế ngay cái tên Quy Nhơn và Bình Định rành rành trước mắt mà tôi còn lợn cợn không biết cái khoảng cách địa lý xa gần thế nào, có người hỏi tôi đi Bình Định hả? Tôi trả lời ngon ơ: - Em đi Quy Nhơn, quê hương Hàn Mạc Tử, còn Bình Định xa lắm, nghe đâu gần ngoài Bắc lận mà. Ôi trời ơi!? Tại cái tên Quy Nhơn nó đẹp, phát sáng từ thơ, từ những giai điệu du dương ngọt ngào đi vào lòng tôi tự bao giờ không biết nữa… Hàn Mạc Tử xuôi về quê cũ… tìm vào cô đơn đất Quy Nhơn gầy đón chân chàng đến… Giai điệu ngập tràn trong tôi từ thuở bé, cũng tại cái Ông nhạc sĩ, nếu nhắc tới đất Bình Định thì tôi đâu có để cái từ Quy Nhơn dạt dào cảm xúc lớn nhanh trong tim mình đến như vậy?

Xe từ Phù Cát đến Quy Nhơn gần cả tiếng đồng hồ, tôi ngủ gục mấy đoạn, giật mình dậy ngó nghiêng bên đường thấy chữ Bình Định. “Hú hồn”, đã đi lạc đến Bình Định đất Bắc rồi? Tôi định lao người phóng xuống xe thì Bác Tài ngăn lại: - Chưa tới Trung tâm Thành Phố, lúc nãy cô nói đi trung tâm Thành Phố mà?
Hú hồn…!

Trời đổ nguyên thúng lửa xuống thành Phố Quy Nhơn lúc ban trưa. Bước chân xuống xe, mệt lả, mắt phờ phạc vì đói, tôi chưa định hình được mình sẽ bước về đâu? Ấy thế mà cái sợi cảm xúc nhỏ nhoi vẫn động đậy trong góc tim, mách bảo tôi rằng: - Quy Nhơn, nét đẹp hiền hòa, màu xanh trải dài trên đường, cái vẻ quê quê còn phủ đầy, không giống như Cần Thơ đang sôi lên sùng sục vì cái dòng xoáy công nghiệp hóa, đô thị hóa, thậm chí siêu thị hóa, lại càng không giống như Sài Gòn nghẹt thở vì dòng xe cộ sáng nay. “Hòn Ngọc Viễn Đông”, cái từ mà thế hệ chúng tôi được hả hê ca tụng bằng môi miệng một cách đầy tự hào dân tộc, giờ hỏi các người trẻ, họ trả lời “Ngày ấy xa rồi”.

… Quy Nhơn, còn nguyên vẹn những nét chấm phá của đất trời mà bàn tay con người chưa kịp hoặc chưa đến lúc sờ mó vào hòng đổi thay.

Tôi lấy hết sức còn lại cười chào đáp lời mời của mấy chú tài xế tắc-xi, xe ôm, khoát tay, rồi bước thẳng ra đường, mắt láo lia tìm kiếm, rồi băng nhanh sang đường ghé vào quán café có vẻ sang trọng nằm ngay góc đường. Tôi gọi ly café, cái giọng miền nam đặc sệt không trộn lẫn vào đâu của tôi có lẽ làm ngạc nhiên cô bé tiếp tân. Ngồi hớp từng ngụm café, lạnh mát sảng khoái, tỉnh người tôi bắt đầu lôi cái điện thoại ra, lúc trên máy bay anh chàng tiếp viên đề nghị tắt nguồn điện thoại khi máy bay cất cánh, giờ nó tịt luôn mở không lên…

Do tính cẩn thận, cân nhắc khi làm việc, tôi luôn có thể tự gỡ rối, hoặc tự tha cho mình cái tội phải vướng vào những rắc rối rồi ảo não ôm canh cánh bên lòng cái khối u, buồn bực. Tôi có khả năng tự mình thoát hết ra những vòng quấn buộc chằng chịt của danh hư - lợi lộc, mà tìm cho riêng mình cái thứ hạnh phúc mà chẳng ai muốn sờ mó vào vì nó không mang tên “Tiền, quyền, danh, lợi…”

 Tôi rảo bước, đến tiệm điện thoại ven đường chọn một chiếc rẻ tiền nhất, rút cái tờ giấy mà tôi đã ghi số phone của những nơi cần liên lạc, hòng khi có sự cố về điện thoại. Tôi tự cười thõa mãn, cái tính khí trêu ngươi, có lần tôi trả lời một người cố tình đặt những câu hỏi dồn tôi vào chân tường: - Người ta thường chọn điều kiện để sống, còn tôi có thể sống trong mọi điều kiện, nên tất cả chuyện lớn có thể trở thành nhỏ thậm chí không tồn tại!

Dò dẫm, rồi cũng đến được nơi. Ngôi thánh đường sừng sững, tháp chuông nhọn hoắt đâm thẳng lên trời như thách thức, ngạo nghễ giữa phố thị Quy Nhơn, quyền lực của Đức Chúa là đây, muôn ngàn đời vẫn vút cao, tôi ngước mắt nhìn lên cái chóp đỉnh, chót vót trên cao, tự dưng gai óc dựng lên, đó là lần đầu tiên cái cảm xúc kỳ lạ.

Cô bé mở khóa cửa phòng, rồi nói với tôi, con ở gần đây có gì cần cô gọi.
-Cám ơn em!

Sau khi để cho vòi nước chảy trôi hết bụi đường từ đêm hôm qua tới giờ, tôi ngả mình lên chiếc giường, chìm vào giấc ngủ sâu hoắm, tháp chuông nhà thờ sau mỗi vòng quay lại gióng lên những giai điệu trầm bổng, linh hồn tôi chìm sâu, chìm sâu vào cõi hư vô…

Biển đêm Quy Nhơn hiền hòa, không có những con sóng bạc đầu ầm ầm dữ dội, chỉ lăn tăn. Mấy anh em tôi những người ở xa hai đầu mút của đất nước đến trước, có lẽ ai cũng ôm ấp đầy cái cảm xúc của ngày gặp gỡ, của niềm vui được bung lên nối dài nối dài, những giọt máu nóng hôi hổi, con tim rực lửa yêu vì một tình yêu.

Đợi mãi rồi cũng đến cái giây phút gặp gỡ những văn nghệ sĩ lớn, tên tuổi chói lòa trong làn thơ văn Công giáo, đoàn người viết tiếp những trang thơ dang dở của Anh Trí (Hàn Mạc Tử), đang dìu dắt chúng tôi tìm theo dấu chân anh. Chuyến xe 60 mươi người rộn ràng niềm vui. Cảm ơn vì đã cho tôi đi chung chuyến đò hành trình cuộc đời, cảm ơn vì đã tiễn tôi khi bước xuống ga để đuổi theo chuyến đò của riêng tôi. Cảm ơn vì đã cho tôi tận mắt nhìn những di tích minh chứng một lịch sử hào hùng của mảnh đất chảy sữa và mật thơ ca, mãnh đất hiền hòa sinh ra, nuôi lớn và xoa dịu tâm hồn một thiên tài thơ. Hàn Mạc Tử, anh đã sống và sống rất lâu trong lòng thế hệ trẻ Miền Nam chúng tôi với:  “Sao anh không về chơi Thôn Vĩ? Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên...” Nhưng tôi hầu như không biết Anh là một thi sĩ Công giáo, cho tới khi tôi đặt chân đến Quy Nhơn và nghe : “Maria hỡi linh hồn tôi ớn lạnh…” Hoặc : “Đây thi sĩ của đạo quân thánh giá. Nửa đêm nay vùng dậy để tung hô”… Từng nơi tôi được đến là một bài học mới, được viết lấp vào những vết hằn cũ kỹ do tôi tự vẽ vời. Xưa nay nghe cái khái niệm “Tủ sách Nước Mặn”, tôi tưởng nó nằm ở tận Cà Mau vì chỉ có Cà Mau mới có nước mặn. Ố …bla bla… Thăm Di tích cây Văn Hóa tại Nước Mặn, nơi đầu tiên các nhà truyền giáo đã đưa chữ quốc ngữ vào công cuộc loan báo Tin Mừng trên quê hương đất nước Việt Nam, thăm viếng di tích Gò Thị nơi đây chính là TGM đầu tiên của Giáo phận Qui Nhơn, di tích đền thánh tử đạo Stêphanô Thể và thánh An-rê Nguyễn Kim Thông, di tích nhà thơ Xuân Diệu và Thi sĩ của Đạo quân thánh giá - Hàn Mạc Tử. Ngày xưa xa, xa ấy tôi cũng được học về các thi sĩ lớn này mà dường như tôi vẫn còn sót nhiều, lờ mờ, khi tôi hỏi lại các thế hệ chúng tôi lờ mờ vẽ vời một Hàn Mạc Tử với loạt thơ say tình, với hàng loạt mỹ nữ trăng hoa nô đùa, anh đã ngất ngư nuốt hết khí vị thanh cao của mùa xuân hoa cỏ ong bướm, những cô gái xinh đẹp vây quanh anh với khối tình cao chất ngất, mà tôi chưa được học rằng Anh vẫn mãi đi tìm, vẫn kêu rên thảm thiết, và mong hướng đến một Đấng toàn năng có thể làm cho Anh nhận lấy trên hết mọi sự. Đấng ấy là Đức Chúa trời! Chưa biết anh đã gục hồn trong tay Mẹ Maria mà rên thống thiết: “Maria linh hồn tôi ớn lạnh…” Với tôi quá đầy đủ cho một cái giá đã trả, hời, nhiều niềm vui, khi tận mắt nhìn các anh chị cô chú đang miệt mài rì kéo cây đại thụ văn hóa công giáo sắp như bị đốn ngã bởi tốc độ phát triển nhanh như chớp của hàng loạt những thứ văn hóa lề đường… Có lắm khi tôi nghĩ họ có điên rồ quá không, khi cố ghì chặt, kéo ngược về phía mình một dòng chảy, khi không cân bằng sức lực, đi ngược nước mà vẫn vững tay chèo. Họ là đạo binh anh hùng là thế hệ lực sĩ, thi sĩ của đạo binh thánh giá, tiếp nối sự nghiệp Hàn Mạc Tử.

 Đêm cuối cùng đọng lại trong tôi nhiều điều, có một lăn tăn trên mặt hồ phẳng lặng, khi vô tình bắt gặp hai hàng lệ tuôn rơi, rồi một ánh mắt đỏ ngầu, một đôi chân nhọc nhằn rời trước một phút khi rủi ro xảy đến trong tuyệt vọng. Hai bên sống lưng tôi lại rần rần hai luồng điện ớn lạnh, dõi theo, tự dưng hình ảnh Ba thằng Tèo trờ lên nắm gáy nó đẩy nhanh ra khỏi ngôi thánh đường lại lập lòe trong trí tôi, chả lẽ đêm nay chồi non sự dữ lại nhú lên, tôi đi về hướng Đức Mẹ cầu mong ánh sáng đồi Can-vê vẫn rực cháy, ngọn đèn vừa thắp lên đừng bị dập tắt rụi và đừng có một cánh cửa phòng khép mãi. Lời kinh lại vang lên trong lòng tôi: Kính mừng Maria đầy ơn phước… Mọng mọi người ngấm mình trong giấc ngủ an lành để mai ra đi và lại có ngày gặp nhau.

Suan Tran
(20/9/2015)
 
 
Tác giả bài viết: Suan Tran
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 35
  • Khách viếng thăm: 25
  • Máy chủ tìm kiếm: 10
  • Hôm nay: 3997
  • Tháng hiện tại: 138458
  • Tổng lượt truy cập: 12282718