Tục lệ “Cheo làng” trong cưới xin ở Địa phận Đàng Ngoài và Đàng Trong
Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính
2020-08-02T20:36:31-04:00
2020-08-02T20:36:31-04:00
https://gpquinhon.org/on-co-tri-tan/tuc-le-cheo-lang-trong-cuoi-xin-o-dia-phan-dang-ngoai-va-dang-trong-1645.html
http://image.baophapluat.vn/w800/Uploaded/2019/hfobdvicbuhvoc/2015_03_04/mot_dam_cuoi_xua_o_hue_-_bao_phap_luat_bvqz.jpg
Giáo phận Qui Nhơn
https://gpquinhon.org/uploads/banertrongsuot.png
Thứ hai - 11/02/2019 17:24
TỤC LỆ “CHEO LÀNG” TRONG CƯỚI XIN Ở ĐỊA PHẬN ĐÀNG NGOÀI VÀ ĐÀNG TRONG
Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính
Nuôi lợn thì phải vớt bèo
Lấy vợ thì phải nộp cheo cho làng.
Nộp cheo là tục lệ gì? Theo giải thích của Giám mục Jean Louis Taberd Từ trong cuốn Dictionarium Latino-Anamiticum (1838) thì “Cheo hay cheo làng” nghĩa là “Dona quae in nuptiis dantur concivibus” (quà biếu cho người trong làng khi có lễ cưới). Và tác giả Jean Bonet cũng giải thích: “Cheo 㹦: Redevance payée à la commune pour l’enregistrement d’un mariage (En S. A., proclamer; faire connaître; se pron. Chiêu)” - Cheo là số tiền nộp cho làng xã để đăng ký kết hôn (từ Hán Việt nghĩa là công bố; thông báo, đọc là Chiêu).
Ngày xưa, khi chưa có quy định về giấy hôn thú thì “Nộp cheo cũng là một ý lấy làng làm bằng chứng, thì dù không có hôn thú mà cũng như là có hôn thú”. “Đối với việc hôn nhân lệ cheo công nhận sự phối hợp của đôi bên nam nữ. Chưa nộp cheo, làng chưa cấp phái cheo, việc hôn nhân kể như chưa hoàn tất cũng như thời nay chưa làm giấy hôn thú vậy.” Và như thế, khi “hương chức làng nhận tiền cheo sẽ cấp phái lai, tức giấy biên nhận để làm bằng”
Nộp cheo có thể bằng hiện vật hay tiền bạc tùy theo quy định của từng làng: làng này thì nộp mâm đồng, chén bát để dùng trong ngày hội, làng kia thì một ít gạch để lát đường hư hỏng hay vật liệu để sửa những nơi công cộng trong làng như cái cầu, giếng nước.... Lệ nộp cheo không biết có từ bao giờ, tuy nhiên thời Hậu Lê thì đã trở nên thông dụng và dần biến tướng trở nên một gánh nặng đến nỗi “Năm 1663 triều Cảnh Trị đã có dụ cấm hương chức địa phương đòi tiền cheo quá lạm, chỉ cho phép thâu một quan tiền và một vò rượu. Huấn lệnh này đến năm 1760 triều Cảnh Hưng thứ 21 lại được triều đình sức xuống Ty Thừa hiến ban bố "Tứ thập thất điều", trong đó điều thứ 40 hạn chế tiền cheo 1 quan cho các phủ huyện để biết mà tuân theo. Đầu triều Gia Long nhà Nguyễn thì ấn định tiền cheo tối đa là 1 quan 2 tiền cho nhà giàu; nhà nghèo chỉ phải nộp 3 tiền.”
Như thế, theo đúng quy định thì tiền cheo có nhiều hạng và vừa tầm khả năng của mọi người kể cả người nghèo, ấy vậy mà cũng có chàng rất “lầy lội”:
Em về thưa với mẹ cha
Anh chẳng có lợn, có gà đi cheo
Anh có cái cối giã bèo
Anh xin bán để nộp cheo cho làng
Bán cái cối giã bèo chắc cũng đủ nộp mức cheo thấp nhất cho làng dù rằng khả năng của anh thuộc hàng “phú hộ”:
Bao giờ anh cưới được nàng
Vợ chồng ta dựng tòa ngang dãy dài
Toà này hương lí đánh bài
Nhà trong thờ tổ, sân ngoài mổ trâu
Một bên thì hát ả đầu
Một bên hai họ têm trầu bổ cau
Và rồi bất ngờ anh “chém” luôn phát cuối:
Nghĩ gần rồi lại nghĩ xa
Mai ngày cheo nộp, hết chín vạn ba cái cối giã bèo.
Quả thật anh này không “đại gia” thì cũng là “thiếu gia cối giã bèo”!
Nhiều người liên hệ lệ nộp cheo với tục lan nhai (chặn đường), nhưng nhà nghiên cứu An Chi lại cho rằng đó là hai vấn đề khác nhau. Ông giải thích:
“Trong Việt Nam văn hóa sử cương, Đào Duy Anh đã liên hệ lệ nộp cheo Ở Việt Nam với tục lan nhai (chặn đường) của Trung Hoa. Còn Phan Kế Bính thì đã nói rõ như sau: "Lệ cưới xin phải nộp tiền lan nhai cho làng, thể gọi là nộp cheo. Người trong làng lấy nhau thì nộp độ một vài đồng bạc, gọi là cheo nội, người ngoài lấy gái làng thì bao giờ cũng phải nộp nặng hơn, hoặc năm sáu đồng hoặc mươi đồng hoặc một vài chục, tùy tục riêng từng làng, gọi là cheo ngoại. Có nơi không lấy tiền, bắt nộp bằng gạch bát tràng, hoặc nơi thì bắt nộp bằng mâm đồng, bát sứ, tùy làng cần dùng thức gì thì nộp thức ấy chớ không nộp tiền, nhưng chiếu giá tiền thì cũng tương đương nhau. Ngoài lệ cheo làng, lại có lệ cheo hàng xóm, cheo bản tộc, cheo bản thôn, hoặc năm ba tiền kẽm hoặc một vài quan hay một hai đồng bạc, v.v.. Hễ có cheo rồi mới thành gia thất. Cheo tức là ý phân bua với làng nước. Lấy nhau đã có cưới cheo là sự hôn thú phân minh, về sau vợ chồng có điều gì không dễ mà ly dị được nhau và người ngoài cũng không có phép mà tranh cạnh được nữa (Việt Nam phong tục, Nxb ĐồngTháp, 1990, tr.180-181).
Thế là Phan Kế Bính đã nói rất rõ về khái niệm cheo. Nhưng việc cả ông lẫn Đào Duy Anh liên hệ lệ nộp cheo với tục lan nhai thì lại là một việc không đúng. Lan nhai (chặn đường) là một tục lệ khác mà chính Phan Kế Bính cũng có nói đến khi ông mô tả lệ giăng dây: "Trong lúc đi đường thì những kẻ hèn hạ hoặc lấy sợi chỉ đỏ, hoặc mảnh vải, lụa đỏ giăng ngang giữa đường, đám cưới đi đến phải nói tử tế mà cho chúng nó vài hào thì chúng nó mới cởi dây cho đi. Chỗ thì chúng nó bày hương án, chờ đi đến, đốt một bánh pháo ăn mừng, chỗ ấy phải đãi họ một vài đồng mới xuôi. Nếu bủn xỉn mà không cho chúng nó tiền, thì chúng cắt chỉ, cắt dây nói bậy nói bạ, chẳng xứng đáng cho việc vui mừng, vì vậy đám nào cũng phải cho” (Sđd, tr. 59). Đây mới đích thị là tục lan nhai”.
Vì là một tục lệ đúng đắn và cần thiết nên các thừa sai ở Đàng Ngoài đã thích nghi và có hẳn một văn bản “Quy định về việc cưới xin, nộp cheo và làm phép matrimonium” (năm 1754) hiện được lưu trữ tại Văn khố của Hội truyền giáo hải ngoại Paris. Đồng thời, các thừa sai cũng khuyên gia đình hai bên phải ưu tiên đến trình bày với các cha trước để biết có ngăn trở gì không, nhất là các ngăn trở về họ máu hay họ kết bạn, tránh nộp cheo chạy tang, cúng bái mê tín dị đoan, xem ngày coi tháng hay chi tiêu quá khả năng. Tài liệu Công đồng miền Bắc kỳ (Đàng Ngoài) lần thứ nhất tổ chức tại Kẻ Sặt năm 1900 (Acta et decreta primae regionalis Synodi Tunquinensis) viết:
“5. Về sự nộp cheo làng, dù có phải liệu cách bất thường vì lẽ vội cần, thí dụ vì có người họ hàng bên trai, hay là bên gái sắp chết, mà phải nộp cheo chạy tang mặc lòng đừng bao giờ làm thinh thói rất trái nghịch nộp cheo khi hai bên chưa đến cùng thày cả trước để người tra xét và biết rõ ràng nó không có sự gì ngăn trở sốt mà có thể kết bạn cùng nhau được.
6. Thày cả phải trần lực xem sóc, kẻo nhân dịp cheo cưới người ta làm sự gì dối trá, nhất là kẻo bổn đạo mới mắc về sự lạy tổ lạy vua bếp hay là cứ theo thói kẻ vô đạo khi toan lấy nhau thì xem ngày tháng xem tuổi xem số chăng. Cũng phải khuyên bổn đạo hãy giữ cần kiệm đừng tiêu pha tốn phí trong dịp ấy quá lẽ, vì sự ấy sinh nhiều điều khó lòng, thí dụ những nhà nghèo không có thể liệu đủ tiền cho chóng, hóa ra ngăn trở vợ chồng mới không về với nhau được, mà bởi sự ấy thì thiệt hại phần linh hồn lắm lắm.”
Có cưới mà không có cheo
Nhân duyên trắc trở như kèo không đanh
Đất có lề quê có thói. Tuy không phải là luật nhưng phong tục là giải thích tốt nhất của luật lệ (Consuetudo est optimus interpres legume) và cũng chính là luật lệ thứ hai (Consuetudo est altera lex). Trên bước đường Nam tiến, các lưu dân cũng mang theo những tập quán sinh hoạt, phong tục đình làng mình đến nơi ở mới, đôi khi phải tự thích ứng hay bị “pha loãng” do ảnh hưởng tập quán của cư dân địa phương. Trước hết, để “giữ trung thành trong đạo vợ chồng”, cha Borri nói rằng xứ Đàng Trong có những hình phạt rất nặng nề cho những người phạm tội ngoại tình, tuy nhiên, cũng theo như cha Borri nhận xét thì “hôn nhân của họ không bền chặt vì luật xứ Đàng Trong cho phép li dị”. Cha viết:
“Kẻ ngoại tình, phái nam cũng như phái nữ bất kể, sẽ bị trừng phạt về trọng tội của họ bằng cách để cho voi giày theo cách thức như sau. Người ta dẫn phạm nhân ra khỏi thành tới một thửa ruộng và trước mặt rất đông người đến coi, người ta đặt thủ phạm ở giữa, tay chân bị trói, ở ngay cạnh con voi. Rồi người ta tuyên án phạt kẻ sắp bị xử và thi hành án xử theo từng điểm một. Trước hết voi dùng vòi quấn, rồi nắm và ép chặt tội nhân và nâng tội nhân lên cao, đưa ra cho mọi người trông thấy, rồi tung lên cao và đón tội nhân rớt xuống trúng ngà. Tội nhân từ cao rớt xuống và vì nặng nên cắm sâu vào ngà, tức thì voi hất người đó xuống đất rồi dẫm chân lên và đạp cho tan nát. Voi làm việc này mà không bỏ sót một điểm nào làm cho mọi người có mặt sửng sốt và sợ hãi. Vì chứng kiến hình phạt kẻ khác chịu mà mọi người phải giữ trung thành trong đạo vợ chồng.
Không phải ngoài đề vì chúng tôi vừa nhắc tới hôn nhân, nếu chúng tôi kể qua ở đây mấy đặc điểm riêng biệt để kết thúc chương này. Không bao giờ thấy người Đàng Trong, tuy còn là lương dân, lại kết hôn trong những bậc bị luật Thiên Chúa và luật tự nhiên cấm đoán, rất ít trong bậc thứ nhất thuộc hàng ngang giữa anh chị em họ. Những cấp bậc khác được phép thì ai cũng được, miễn là chỉ có một vợ. Thực ra, những người giàu có, càng có thế giá và có của thì họ có tục lấy nhiều vợ mọn. Họ còn cho là biển lận và keo kiệt những ai không cưới nhiều vợ khi mình có đủ tiền của để dễ dàng làm việc này. Những vợ mọn được gọi bà hai, bà ba, bà tư tuỳ theo thứ tự mỗi người. Tất cả đều là nàng hầu của bà vợ cả. Bà này được trọng nể là vợ đích thực, vợ chính thức. Chính bà vợ này chọn các nàng hầu tuỳ theo ý mình và cưới về cho chồng. Hôn nhân của họ không bền chặt vì luật xứ Đàng Trong cho phép li dị, tuy không phải chỉ để tuỳ ý và tuỳ thích của bên này hay bên kia. Để ly dị, điều cần thiết phải làm trước tiên là chứng tỏ được tại sao mình xin ly dị, vì có nhiều tội nặng tỏ tường, nếu có tội thật thì được xin ly dị và lấy người khác”.
Sống nơi miền đất mới khẩn hoang lập ấp, đất rộng người thưa, kiếm một người kết bạn đã khó lại càng khó khăn hơn khi người bạn đời mất đi. Trong tình trạng này, nhiều cặp đôi mắc ngăn trở họ kết bạn. Để giải quyết vấn đề, Đức cha Lefèbrve đã gởi thư cho ban giám đốc Chủng viện MEP, ngày 7 tháng Bảy 1749, để nhờ xin Tòa thánh cấp cho ngài quyền miễn chuẩn: “Tôi nhờ các vị xin cho giám mục phó của tôi và tôi quyền miễn chuẩn họ kết bạn cấp 2. Có nhiều trường hợp trong địa phận cần đến năng quyền này để đem lại ơn cứu rỗi cho những người mắc phải ngăn trở. Nhiều giáo dân sau cái chết của vợ mình đã cưới người em dâu hay em của người vợ đã quá cố của mình. Hãy trình bày việc này để Thánh bộ cấp quyền miễn chuẩn nếu thấy thuận tiện. Các cha dòng Tên đã có năng quyền miễn chuẩn họ kết bạn cấp 2. Thánh bộ đã cấp cho tôi quyền miễn chuẩn họ kết bạn cấp 1, dành cho những ai vướng vào hôn nhân trong cấp độ này trước khi tôi đến; nhưng tôi chưa có dịp sử dụng năng quyền này.”
Riêng về lệ nộp cheo, tục này hẳn nhiên cũng đã giảm bớt trọng lượng khi vào đến Đàng Trong. Đức cha Lefèbvre đã giải thích rõ ràng lệ “cheo làng ở Đàng Trong” trong một bức thư viết từ Macao ngày 5 tháng Mười Một 1753 gởi cho Đức cha Bennetat. Trong khoảng thời gian này, Đức cha Armand Lefèbvre đang là giám mục Đại diện tông tòa Đàng Trong và Đức cha Edmond Bennetat là giám mục phó. Nhưng chuyện xảy ra là Pierre Poivre, một thương nhân Pháp, đã bắt cóc Michel Cường (người Công giáo) là thông ngôn của triều đình. “Chúa Thế Tông hay tin sự bắt cóc này giận lắm, bắt giám mục Lefèbvre và giáo sĩ Rivoal, sai áp giải vào Đà Nẵng để đòi tàu Machault giao lại Cường. Nhưng tàu đã đi lâu rồi. Đó là một trong những nguyên nhân khiến chúa Thế Tông oán giận Thiên Chúa giáo…. Năm 1750, mấy tháng sau khi Poivre rời khỏi Đàng Trong, chúa Thế Tông đuổi hết các giáo sĩ, trừ giáo sĩ Koffler làm y sĩ cho chúa. Trong số bị đuổi, có giáo sĩ Edmond Bennetat đến Macao rồi đi Pondichéry …” Như vậy, khi viết bức thư này, các Đức cha Lefèbvre và Bennetat đã bị trục xuất khỏi Đàng Trong. Đức cha Lefèbvre tạm lánh nạn ở Macao còn Đức cha Bennetat thì đi Pondichéry để dàn xếp đưa Michel Cường về nước vào tháng 2 năm 1752. Trong thời gian ở Pondichéry, Đức cha Bennetat cũng có qua lại với Đàng Trong để làm môi giới cho Dupleix (Toàn quyền Pondichéry, đất Ấn Độ thuộc Pháp) xin kết giao với chúa Nguyễn, lập thương quán. “Được biết mục đích của Bennetat, Thế Tông vui lòng tiếp giáo sĩ, cho phép ở lại, giao hoàn giáo đường Phường Đúc vừa bị tịch thu. Cách đối đãi ấy làm hy vọng sẽ đem lại một kết quả gì. Nhưng chẳng bao lâu, vì sự kêu nài của một vị quan, Bennetat bị bắt giam rồi chở về Macao.” Như vậy, vào thời gian nhận thư (năm 1753), Đức cha Bennetat đang ở nhà thờ Phường Đúc mà ngài vừa mới “chuộc lại” từ một người anh em của nhà vua bằng một khoản tiền tính cả vốn lẫn lời chứ không phải được “hoàn trả”. Và lý do về nội dung bức thư của Đức cha Lefèbvre có lẽ là các thừa sai hỏi ý kiến của nhau từ hai miền của đất nước Đại Việt để cho ra đời “Quy định về việc cưới xin, nộp cheo và làm phép matrimonium” vào năm 1754 ở Đàng Ngoài như đã nhắc đến ở trên. Trong thư, Đức cha Lefèbvre viết:
“Tôi không biết lệ “cheo làng” ở Đàng Ngoài như thế nào nhưng tôi biết nó không được xem trọng ở Đàng Trong. Từ đầu tiên, “cheo” có nghĩa là thông báo (avertir ou informer); từ thứ hai, “làng” nghĩa là các vị bô lão trong làng. Lệ này là có người nào đó muốn cưới một cô gái trong làng, phải tìm đến các bô lão trong làng ấy với trầu và rượu trong một số làng này hay với một số tiền nào đó trong một số làng khác, và thông báo với họ rằng mình muốn cưới một cô gái nào đó làm vợ. Nếu anh ta không thi hành bổn phận này và cô vợ có thai, thì anh ta sẽ phải nộp tiền phạt vì tội thông dâm.
Trong một vài làng nào đó thì không có lệ này. Lính tráng cũng có lệ này, và người mới cưới vợ buộc phải mang tiền hoặc trầu đến những người đứng đầu trong đơn vị. Ở Đàng Trong thì lệ này không được coi trọng trong cưới xin vì có thể nộp cheo mấy ngày hay thậm chí mấy tháng sau đám cưới, và nhiều làng không buộc phải nộp cheo. Tuy nhiên, ở Đàng Trong, các thừa sai buộc giáo dân phải nộp cheo trong các làng có lệ này, bởi vì người Đàng Trong thường hay bỏ vợ cách dễ dãi, khi họ không nộp cheo theo như phong tục đòi buộc thì họ xem như mình chưa kết hôn, và ngay cả lương dân cũng xem họ như những người sống chung mà không cưới xin.
Ở Đàng Trong, khi có sự liên hệ máu mủ bên nội thì các thừa sai không cho cưới nhau ở mức độ liên hệ nào đó, bởi vì như vậy là làm gương xấu cho lương dân, và vì quan tòa sẽ phạt các bên và hủy bỏ cuộc hôn nhân ấy. Tuy nhiên, những ai có liên hệ máu mủ bên nội và muốn lấy nhau, ở mức độ nào đó thì được các quan cho phép; và khi giáo dân có được phép này bằng văn bản, người ta cho phép họ lấy nhau, nếu đó là trường hợp mà quyền Giáo Hội có thể miễn trừ cho họ.
Về việc ngăn trở khi có tang, người Đàng Trong của chúng ta (nos Cochinchinois) không giữ nhiệm nhặt lắm. Tập tục này cũng khá thoải mái, nếu không thể giữ được thì tập tục cũng cho phép họ cưới nhau bằng cách thề lời hứa kết bạn trước thi hài của cha hoặc mẹ trước khi chôn cất.”
Sang những năm đầu thế kỷ XX, Việt Nam đã có luật lệ về hôn nhân rõ ràng, tuy nhiên phong tục vẫn luôn tồn tại song hành với luật lệ. Lệ nộp cheo vẫn được tôn trọng như một nét văn hóa nhưng nhiều khi lại xa rời với ý nghĩa ban đầu của nó. Trong thiên tiểu thuyết “Chiếc cáng xanh” (Tạp chí Tiểu Thuyết Thứ Bảy, Số 281, 21 Tháng Mười 1939), Lưu Trọng Lư đã viết: “Người ta nói vài câu về lệ làng cho chú rể biết, nghĩa là, nói xa chẳng qua nói gần, nghĩa là … người ta muốn đòi một món tiền cheo và đây là một cái cheo lớn vì là cheo làng … Đám cưới chỉ phải trả vài đồng bạc, là thoát. Nhưng mà nào đã thoát cho. Tôi nhớ như sau cái đám cheo làng ấy là cheo … họ và sau cheo họ là cheo đình, và sau cheo đình, là cheo chợ, và sau cheo chợ là cheo xóm, và tất cả, đám cưới của anh Mượn tôi đã phải trả món nợ hơn 20 quan tiền kẽm. Thưở bấy giờ, chừng ấy là một món tiền. Theo thời giá đó là tiền một con heo lớn.” (Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính, Xuôi ngược thời gian, Ban Thường Huấn, Tủ sách Nước Mặn, 2019, tr. 95-104)
Jean Bonet, Dictionnaire annamite-français: langue officielle et langue vulgaire; Collection: Publications de l'Ecole des langues orientales vivantes, Ernest Leroux, 1899-1900. Phan Kế Bính, Phong tục Việt Nam, Toan Ánh, Làng xóm Việt Nam, Nxb Trẻ, 2005, tr. 204 Vũ Văn Mẫu, Cổ-luật Việt-Nam và tư-pháp-sử Quyển I, tập 2. Sài Gòn: ?, 1975. tr 61 Trần Khải Vân, Lê-triều giáo-hóa điều-luật, Sài Gòn: Trung-tâm Học-liệu Bộ Quốc-gia Giáo-dục, 1970. tr 11, 58 Nguyễn Dư, Phong tục về cưới xin, http://chimviet.free.fr/quehuong/nguyendu/nddg060.htm Trần Khải Vân, Lê-triều giáo-hóa điều-luật, Sài Gòn: Trung-tâm Học-liệu Bộ Quốc-gia Giáo-dục, 1970. tr 11, 58 Đại Nam thực lục, Quốc sử quán triều Nguyễn, bản dịch của Viện Sử học, tập III, Nhà xuất bản Sử học, Hà Nội, năm 1963, trang 163-164 https://vi.wikipedia.org/wiki/Tiền_cheo An Chi, “Tiền cheo" là tiền gì?”, Kiến Thức Ngày Nay, số 101, ngày 01-02-1993. PGS. TS. Trần Trí Dõi, “Chữ Quốc ngữ với đời sống giáo dân trước và sau thế kỷ XVIII”, trong Ngôn ngữ và sự phát triển văn hóa xã hội, Nxb Văn Hóa Thông Tin, 2000, tr. 248 Công Đồng Hội Lần Thứ Nhất Miền Bắc Kỳ (Đàng Ngoài Trong Nước Annam), In lần thứ hai, Kẻ Sở, 1915, tr. 144 Cristoforo Borri, “Chương 6: Về hành chính và dân chính nơi người Đàng Trong”, Xứ Đàng Trong 1621, Nguyễn Khắc Xuyên, Nguyễn Nghị dịch, Nxb TP HCM, 1998 Adrien Launay, Histoire de la mission de Cochinchine, 1658-1823, tome II, Paris, 1924, tr. 114 Phan Khoang, Việt sử: xứ Đàng Trong, 1558-1777, Khai Trí, 1967, tr. 562 Phan Khoang, Ibid., tr. 563 Thư Đức cha Bennetat gởi cho ban giám đốc Chủng viện MEP, ngày 10 tháng Tám 1753, trong Adrien Launay, Histoire de la mission de Cochinchine, 1658-1823, tome II, Paris, 1924, tr. 353. Adrien Launay, Histoire de la mission de Cochinchine, 1658-1823, tome II, Paris, 1924, tr. 115-116
Tác giả: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính