Một thời vang bóng: nhà thờ Bà Đài (Phú Yên)

Thứ tư - 21/11/2018 17:52
dung nha tho

Giáo dân lợp mái nhà thờ thời xưa
(ảnh chỉ có tính minh họa)


Một thời vang bóng: nhà thờ Bà Đài (Phú Yên)

Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính


Mở đầu

“Lịch sử là sự chưng cất của những lời đồn đoán” (History, a distillation of rumor - Thomas Carlyle). Những điều có thể là thật hay không thật, sau khi bốc hơi và ngưng tụ qua tiến trình chưng cất của sử gia, nó đọng lại những giọt tinh túy nhất, hẳn nhiên vẫn mang dấu ấn của người viết. Dù gì đi nữa thì lịch sử vẫn luôn là một bài học vì “chúng ta học những điều hay lẽ phải từ quá khứ, sống cho ngày nay và hy vọng cho ngày mai. Nhưng điều quan trọng là chúng ta không ngừng đặt câu hỏi” (Learn from yesterday, live for today, hope for tomorrow. The important thing is not to stop questioning - Albert Einstein).

Một thoáng tìm về lịch sử của nhà thờ Bà Đài mang danh xưng của một vùng đất gắn liền với bước đường Nam tiến để tìm hiểu về cộng đoàn giáo dân ở đó, những câu chuyện buồn vui đã thực sự xảy ra và cuối cùng là thử đặt ra một câu hỏi với ước mong nhận được những câu trả lời xác đáng chứ không phải như tựa đề một cuốn sách best-seller của Allan Pease: “Questions are the answers” (Câu hỏi là câu trả lời)!

Bà Đài: một thoáng nhìn lịch sử

Bà Đài, hẳn là danh xưng của người Chămpa cổ chỉ vùng hạ lưu sông Cái. Qua dòng lịch sử, tên gọi này có vài tùy biến cả về danh xưng lẫn giới hạn không gian của nó. “Đầu triều vua Minh Mạng, Bà Đài được mang danh xưng mới Xuân Đài. Trong một thư tịch cổ khác, cửa biển Bà Đài lại được gắn với truyền thuyết dân gian địa phương mà gọi thành cửa Đêm Trăng. Còn các văn bản của người Tây phương thì ghi chép Bà Đài là Baday, Xuân Đài là Xuân Day. Có khi vũng biển Bà Đài được đồng nhất với cảng thị Vũng Lấm, trung tâm thương mại đồng thời là cửa ngõ đi vào Phú Yên từ hướng Đông các thế kỷ xưa; hoặc Xuân Đài được gọi thay bằng địa danh hành chính bao quát cả khu vực Sông Cầu”.
[1] Vũng Lấm (hay Lâm Úc) còn được gọi là Vũng Lắm. Trong Từ điển Việt-Bồ-La (1651) và Phép giảng tám ngày (1651), cha Alexandre de Rhodes đã dùng và giải thích “lấm” là “bùn”, như một danh từ chứ không phải động từ, và cách giải thích này phù hợp với đặc tính địa chất của vùng bờ Vũng Lấm.

Năm 1597, tên Bà Đài xuất hiện trong tờ chiếu chỉ của chúa Nguyễn Hoàng sai Phù Nghĩa hầu Lương Văn Chánh về lại nhiệm sở cũ thuộc phủ Tư Nghĩa trấn Quảng Nam và đưa dân ở đấy đến định cư khai phá vùng đất mới trên con đường Nam tiến, nội dung như sau:

Thị Phù Nghĩa hầu Lương Văn Chánh năng tòng quân nhật cửu hữu công, quyền Tuy Viễn huyện, An Biên trấn, văn:
Liệu suất Bà Thê xã trục hạng nhân số tính khách hộ các thôn phường tòng hành ứng vụ, nhưng suất thủ chiết biệt khách hộ nhân dân tựu Cù Mông, Bà Đài, Bà Diển, Đà Niểu đẳng xứ, thượng chí nguồn đầu, hạ chí hải khẩu, kết lập gia cư địa phận, khai canh hoang điều nhàn thổ để thục nạp thuế như lệ. Nhược chủ sự nhiễu dân, khám đắc xử tội.”

Dịch nghĩa:

Dạy Phù Nghĩa hầu Lương Văn Chánh đã giữ việc quân lâu ngày, có công trạng, quyền coi huyện Tuy Viễn, trấn an Biên rằng:
Hãy liệu đem số người trục vào dân của làng Ba Thê và các thôn phường khách hộ tòng hành ứng vụ, rồi lấy riêng số dân khách hộ đưa đến các xứ Cù Mông, Bà Đài, Bà Diển, Bà Niểu, trên từ đầu nguồn dưới tới cửa biển, kết lập địa phận gia cư khai canh ruộng đất bỏ hoang tới khi thành thục, nạp thuế như lệ thường. Nếu lo việc mà nhiễu dân, khám ra sẽ bị xử tội.
Nay dạy
Quang Hưng, năm thứ hai mươi, ngày mồng sáu tháng hai [1597]
Ấn: Tổng trấn tướng quân chi ấn
[2]

Như vậy, những vùng đất mới được lưu dân vào định cư khai phá vào năm 1597 là hạ lưu bốn con sông lớn: Cù Mông, Bà Đài (châu thổ sông Cái, Tuy An), Bà Diễn (châu thổ sông Đà Rằng, Tuy Hòa) và Bà Niễu (châu thổ sông Bàn Thạch, Đông Hòa). Tuy nhiên, “sự kiện Lương Văn Chánh được giao tổ chức di dân vào khai phá vùng đất Phú Yên khi chúa Nguyễn chưa chính thức xác lập vùng đất Đàng Trong vào lãnh thổ của chúa Nguyễn là một sự kiện quan trọng. Nó có thể được xem như là một dấu ấn đánh dấu sự có mặt của những tiền nhân người Việt đầu tiên ở vùng đất Phú yên và đó cũng là một bước đệm, một tiền đề quan trọng để sau này chúa Nguyễn chính thức sát lập chủ quyền ở vùng đất mà lúc này vẫn còn thuộc Champa”.[3]  Vào thời điểm này, “vùng đất phía Nam đèo Cù Mông bấy giờ được người Chăm gọi là Aiaru, đây có thể là một tiểu quốc của Champa nhưng cũng đôi lúc thuộc tiểu quốc Kauthara (Khánh Hòa) của vương quốc Champa, vùng đất này có ranh giới phía Bắc là đèo Cù Mông (giáp Bình Định) và phía Nam là đèo Cả (giáp Khánh Hòa) mà ngày nay chính là vùng đất Phú Yên”.[4] Năm 1611, quân Chiêm Thành xâm lấn biên giới, Nguyễn Hoàng sai chủ sự Văn Phong đi dẹp, lấy vùng đất này làm phủ Phú Yên, đặt Văn Phong làm lưu thủ. Năm 1629, Văn Phong cùng với quân Chiêm làm phản, Nguyễn Hoàng sai phó tướng Nguyễn Phúc Vinh đi dẹp loạn và lập dinh Trấn biên mà cha Đắc Lộ ghi là “Dinh Phoan” (Dinh Phú An). Dinh này đặt bên bờ Sông Cái, gần cửa biển Tiên Châu, thuộc vùng Bà Đài mà vào năm Minh Mạng thứ nhất (1820) đã được đổi tên thành Xuân Đài. “Tấn Xuân Đài... trước gọi là Bà Đài, năm Minh Mạng thứ nhất đổi tên hiện nay”[5]

Và cũng chính tại thủ phủ vùng biên trấn này, ngày nay thuộc Giáo xứ Mằng Lăng, chắc hẳn có một cộng đoàn giáo dân và một nhà thờ ngoài nhà nguyện ở trong dinh trấn mà cha Đắc Lộ đã rửa tội cho Anrê Phú Yên vào năm 1641. Một nhà nguyện trong dinh quan thì không thể nào là nơi sinh hoạt tôn giáo hằng ngày cho những thường dân. Vì thế, ắt hẳn phải có một nhà thờ ở bên ngoài dinh trấn mang địa danh Bà Đài và đã phát triển mạnh mẽ đến nỗi thừa sai Ausiès vào năm 1683 đã ghi nhận rằng: “L’église de Ba-dai, qui est la principale de la province” – Nhà thờ Bà Đài là nhà thờ chính trong tỉnh (Phú Yên).

Cộng đoàn giáo dân và nhà thờ Bà Đài

Vùng Bà Đài thời di dân lập ấp này có thể đã có một cộng đoàn tín hữu. Họ có thể là những giáo dân từ Quảng Nam theo ông Lương Văn Chánh, hoặc giáo dân ở Quảng Ngãi, Qui Nhơn đi vào khai thác vùng đất mới Phú Yên. Vì khoảng cách khá xa và điều kiện giao thông chưa phát triển nên có thể có rất ít những người ở phía bắc ba tỉnh này. Cùng với số giáo dân này là những tân tòng được rửa tội tại đây từ thời cha Buzomi ở Nước Mặn nhưng hoạt động truyền giáo cả vùng Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên từ năm 1618. Trong số những dân thường này hẳn nhiên không thể không kể đến bà Gioanna, mẹ chân phước Anrê Phú Yên.

Nhưng cộng đoàn giáo dân ở đây không chỉ có thế mà còn có cả những quan chức và những bậc vị vọng. Người đầu tiên phải kể đến là bà vợ ông quan trấn thủ: bà công chúa Ngọc Liên, rửa tội năm 1636 lấy tên thánh là Maria Mađalêna, vợ chồng quan coi cửa biển cùng lấy tên thánh là Biển Đức (Benoît và Benoîte), và một danh y ở làng Hội Phú tên thánh là Emmanuel.

Bên cạnh đó, nhà thờ Bà Đài còn được nhắc đến nhiều trong những tường trình, nhật ký truyền giáo hay thư từ của cha Ausiès vào những năm cuối thế kỷ XVII.

Cha Jean-Baptiste Ausiès De Fonbone sinh năm 1655 tại Saint-Céré (Lot). Ngài vào chủng viện Saint-Sulpice ngày 18 tháng Mười 1671 và đậu cử nhân thần học. Sau đó ngài nhập chủng viện MEP và đi Đàng Trong vào tháng Giêng 1680 nhưng chỉ cập bến Port-Louis vào ngày 27 tháng Ba. Ở lại Xiêm một thời gian, ngài làm giáo sư tại Collège général (Chủng viện Pinang), và dịch một Biên khảo về Giáo hội. Tháng Năm 1682, được phong chức linh mục ở Xiêm và đi truyền giáo tại Đàng Trong. Từ năm 1683, ngài hoạt động tại các tỉnh Phú Yên và Bình Định, thành lập nhiều địa sở. Là một trong số rất ít thừa sai thoát nạn trong cuộc bách hại năm 1700, ngài làm Quyền đại diện dưới thời Đức cha Pérez và qua đời ngày 1 tháng Tám 1709 tại Bình Định. Có một ghi chú rất nổi bật trong tiểu sử của ngài là
Ses lettres renferment des détails sur plusieurs anciennes paroisses” (các thư của ngài chứa đựng nhiều chi tiết về các địa sở cổ xưa).[6]

Và điều này thật sự đúng khi chúng ta lần tìm trong các trang viết của cha Ausiès để biết về ngôi nhà thờ đã từng một thời vang bóng: nhà thờ Bà Đài. Ngày nay tuy không còn vết tích và cũng không thể xác định vị trí chính xác nhưng có thể nói rằng nhà thờ này nằm ở đâu đó trong vùng cửa biển Tiên Châu, thuộc địa bàn giáo xứ Mằng Lăng ngày nay. Ta thử lướt qua một số những trang nhật ký truyền giáo của cha Ausiès nói về nhà thờ Bà Đài xếp theo thứ tự niên đại được ghi lại trong cuốn Histoire de la mission de Cochinchine, 1658-1823 của cha Adrien Launay. Nhật ký này được ghi chép từ năm 1682 đến 1696, “chứa đựng nhiều chi tiết về các địa sở cổ xưa” khi nói đến những chuyến thăm viếng các nhà thờ Bến Đá, Ti Phu, Huong Bang, Diêm Điền, Suối Nổ, Nước Mặn, Nước Ngọt, Tân Văn hay Bến Mít, Phuc Thuyen, Vũng Lấm (Bun-ham), Bà Đài, nhưng rất đáng tiếc là cha Launay đã lược bỏ đi rất nhiều chi tiết mà thay vào đó chỉ nhắc đến tên các địa sở khi cho những đoạn này không có gì nổi bật. Ngài nêu lý do rằng: “Trong đoạn nhật ký này, cha Ausiès không nói gì nổi bật lắm nên chúng tôi chỉ viết ra tên các địa sở mà ngài đã viếng thăm. Chúng tôi cũng làm như vậy đối với những đoạn khác không có gì thú vị”.[7]

Trong nhật ký truyền giáo năm 1682, cha Ausiès viết : “Khi còn ở Nha Trang, cha Mahot khuyên tôi là không nên ở trong nhà thờ mà cha Bouchard đã quá cố bị mấy thằng ăn cắp đánh đập dã man vào năm trước nhưng chọn ở tại nhà một thầy giảng tên là Nicolas”.[8] Cha Bouchard đã bị một nhóm cướp đánh đập tại nhà thờ Bà Đài vào đầu mùa Chay năm 1680.

Nhật ký năm 1683, cha viết : “Sau khi kết thúc cuộc thăm viếng các nhà thờ ở Phú Yên vào tháng Giêng 1683 và làm phép nến ngày lễ Thanh tẩy Đức trinh nữ trong nhà thờ Bà Đài, là nhà thờ chính trong tỉnh, tôi sắp xếp để đi Qui Nhơn theo lệnh của cha Mahot, người đã chỉ định tôi coi sóc hai tỉnh này”.
[9] Như vậy, vào khoảng cuối thế kỷ XVII, nhà thờ Bà Đài được ghi nhận là nhà thờ chính trong cả tỉnh Phú Yên.  

Trong nhật ký năm 1685, sau tuần bát nhật Giáng Sinh và đi thăm ba nhà thờ trên vùng núi, cha Ausiès về Nước Mặn nghỉ ngơi chờ qua Tết để vào Phú Yên. Cha viết: “Vì không thể kiếm được thuyền để (từ Nước Mặn) vào Phú Yên, tôi đành phải vượt qua các dãy núi để đến đó vào khoảng cuối tháng Hai. Sau khi truyền lệnh cho giáo dân dựng lại sớm hết sức có thể ngôi nhà thờ Bà Đài, bị bão đánh sập vào tháng Mười vừa qua, tôi đến nhà thờ Phuc Thuyen để làm lễ Tro vào ngày 1 tháng Ba”.
[10] Như vậy, nhà thờ Bà Đài đã bị bão giật sập vào tháng Mười 1684 nên cha Ausiès dâng lễ Tro tại nhà thờ Phuc Thuyen[11] ngày 1 tháng Ba 1685 và cuối mùa Chay thì ngài trở lại Bà Đài để dâng lễ Phục Sinh ở đấy vì nhà thờ đã được dựng lại xong. “Vào cuối mùa Chay, tôi đã đến Bà Đài, và nhà thờ đã được dựng lại xong; tôi cử hành thánh lễ Phục Sinh ở đấy cũng như tôi đã cử hành lễ này vào năm trước tại đây”.[12]

Năm 1686, ngài viết: “(Sau ba ngày ở Nha Ru (Ninh Hòa), tôi quay lại Phú Yên ít ngày trước lễ Giáng Sinh và mừng lễ ở nhà thờ Phuc Thuyen). Sau khi đi thăm các nhà thờ trên miền núi và hai nhà thờ khác trên con đường cái quan sau những ngày lễ, tôi đến nhà thờ Bà Đài và ở đấy cho đến đầu năm mới của người Đàng Trong”[13]

Năm 1689, cha Ausiès viết: “Sau khi đi khắp các nhà thờ ở khu vực này và các giáo dân sống rải rác ở vùng núi xa, tôi trở về nhà thờ Bà Đài, nơi giáo dân vẫn còn bận rộn chuẩn bị vật liệu để dựng ngôi nhà thờ mới. Trước tháng cuối cùng trong năm âm lịch, họ buộc phải để mọi sự ở nguyên trạng, bởi vì trong tháng này, cũng vì một nguyên tắc có tính mê tín, người Đàng Trong bị cấm không được khởi đầu hay tiếp tục làm những công việc tương tự”. Và thánh lễ Giáng Sinh năm 1689 được cử hành trong ngôi nhà thờ Bà Đài cũ.[14]

Năm 1691, cha Ausiès viết “Cuối mùa Chay tôi quay lại nhà thờ Bà Đài và dâng lễ Phục Sinh ở đó; giáo dân cử hành những gì họ đã quen làm trong thời gian thánh này … sau những ngày lễ, họ bắt đầu lợp mái nhà thờ mới và hoàn tất những phần còn thiếu ở hai đầu nhà thờ”

Năm 1692, khi cha Ausiès đang ở Nước Mặn, giáo dân Phú Yên hay tin cha trở lại, họ đi thuyền đến đón ngài ở đấy. “Tôi lên thuyền và sáng hôm sau đến cảng Vũng Lấm, rồi từ đó đến nhà thờ Bà Đài, giáo dân chuẩn bị nhà thờ mới để tôi có thể cử hành các thánh lễ mùa Phục Sinh ở đấy. Sau những ngày lễ, giáo dân chuẩn bị vật liệu để ốp gỗ và lát sàn nhà thờ, trong khi đó tôi đến nhà thờ Phuc Thuyen để thi hành nhiệm vụ ở đó”.
[15] Trong tường thuật này có một chi tiết đáng lưu ý là toàn thể nhà thờ được lát sàn và trang trí chung quanh bằng gỗ, ắt hẳn loại vật liệu này có sẵn và rất dồi dào ở nơi đây. Điều này phù hợp với tương truyền về vùng nhà thờ Mằng Lăng, trước đây là rừng cây Mằng Lăng hay Bằng Lăng có tên khoa học là Lagerstroemia speciosa, mà Mằng Lăng cườm hay Mằng Lăng ổi là danh mộc thuộc nhóm 1. Hẳn nhiên, đây chỉ là giả định nhưng là giả định … có cơ sở!    

Như vậy, qua những tư liệu còn lại này, ta biết được đôi điều chính xác về nhà thờ Bà Đài: Nhà thờ Bà Đài là nhà thờ chính trong cả tỉnh Phú Yên vào hậu bán thế kỷ XVII, bị bão đánh sập vào tháng Mười 1684 và được dựng lại vào khoảng tháng Tư 1685. Cuối năm 1689, giáo dân chuẩn bị vật liệu để xây ngôi nhà thờ mới và chờ cho qua Tết Âm Lịch, tức khoảng tháng Hai 1690 bắt đầu khởi công xây dựng cho đến Mùa Chay năm 1691 thì bắt đầu lợp mái. Đến mùa Phục Sinh năm 1692 cơ bản đã hoàn thành, có thể cử hành thánh lễ được trong nhà thờ, chỉ còn phần trang trí và lát sàn nhà thờ. Như vậy, nhà thờ Bà Đài (mới) được xây dựng trong hai năm, từ năm 1690 cho đến 1692. Thời gian xây dựng lâu dài nói lên tính cách bề thế của ngôi nhà thờ Bà Đài, xứng đáng với danh hiệu là nhà thờ chính trong tỉnh.

Hai câu chuyện ở nhà thờ Bà Đài

- Chuyện thừa sai Bouchard bị tấn công ở Bà Đài (Phú Yên) năm 1680

Theo tường trình của thừa sai Courtaulin về Đàng Trong, năm 1674-1682 (A.M.E., vol. 735, tr. 171) thì cha Bouchard bị một toán cướp tấn công để lấy của vào ngày lễ Tro năm 1680. Câu chuyện xảy ra như sau:

“Vào ngày Lễ Tro năm 1680, xảy ra là thừa sai Bouchard, người đã xây dựng một nhà thờ rất lớn ở Bà Đài, phía Bắc tỉnh Phú Yên. Ngài trang hoàng lộng lẫy hết sức có thể vì ngày Lễ Tro rất được quý trọng. Giáo dân tụ họp lại rất đông. Vài người ngoại giáo đi lẫn vào trong đám đông, thấy những tấm vải được căng ra, họ cho rằng cha Bouchard hẳn có nhiều của cải, thế là tám người trong số họ bàn mưu tính kế với nhau trở lại ngày hôm sau để đánh cắp. Quả thật, ngày hôm sau vào khoảng 9 giờ, họ trở lại, cạy cửa, vào trong phòng của ngài lấy đi những giỏ đựng đồ lễ. Cha Bouchard rượt theo để lấy lại mấy giỏ đồ lễ, nắm lấy râu một thằng ăn cắp và ôm lưng một thằng khác. Trong khi đó thằng thứ ba cầm cái chày lớn giã gạo đập ngài một cái, nhưng ngài cúi đầu xuống né sang một bên, cú đánh hụt lại trúng đầu thằng ăn cắp bị ngài bắt giữ khiến nó ngã xuống đất, nhưng một thằng khác quật ngã được ngài là người chưa phải là kẻ mạnh nhất. Khi ngài bị ngã ra đất, chúng dùng gậy đập ngài túi bụi”.
[16]

Câu chuyện không kết thúc ở đây nhưng nóng dần lên vì cách hành xử của ông quan nhỏ ở địa phương. Thư của thừa sai Courtaulin gởi Đức cha Laneau viết tại Hội An ngày 26 tháng Tám 1681 kể lại câu chuyện sau đó (A.M.E., vol. 734, tr. 547):[17]

“Ông Đạo (Ou Dao) người giữ nhà thờ ngay lập tức tìm ông quan địa phương và tố cáo mấy thằng ăn cắp để ông cho lệnh bắt bảy thằng này và tra gông vào cổ chúng, nhưng rủi thay hai trong số mấy thằng này là cháu ông quan xử án, ông bảo mấy thằng ăn cắp nói rằng chúng đi bắt giáo dân theo lệnh ông. Giáo dân đã đánh đập đám lính nên họ có lỗi; thế là vụ việc nóng lên, ông quan cho bắt thừa sai Bouchard và tịch thu hết tài sản. Giáo dân thấy sự bất công nên tố cáo lên ông quan tổng trấn là người rất ghét ông quan kia nên thấy đây là dịp thuận tiện để loại ông này, quan tổng trấn gởi một viên khâm sai đến, sau khi xét thấy rằng đây là những tên cướp thật sự, ông ra lệnh bắt chúng lại bởi vì người ta đã thả chúng ra, và phóng thích cha Bouchard cùng với tài sản. Lúc ấy ông quan kia mới kiện viên khâm sai, quan tổng trấn lại gởi một người khác đến và cũng xét đúng như vậy, thế là ông quan nọ mới kiện lên nhà vua. Giữa lúc ấy thì ông quan tổng trấn qua đời trong sự tiếc nuối của toàn thể giáo dân. Con (cha Courtaulin) truyền cho mọi người cầu nguyện: nhà vua bận bịu vô cùng nên không đọc đơn tố cáo cha Bouchard. Một trong những vị đại quan của ngài hay biết sự việc liền gởi một quan khâm sai đến để điều tra; viên quan này là một tay tham lam, ông hiện diện tại tỉnh này chỉ để cướp bóc và bắt bớ giáo dân; nhưng ông không thể bắt được ai vì con đã gởi thư trước để cảnh báo mọi người trốn đi. Cha Bouchard cũng đã đi trốn; ngài hiện bị đau nằm ở Nước Mặn. Sự việc hẳn đã có hậu quả tai hại nếu Thiên Chúa không ra tay”. Cha Bouchard trốn ra Nước Mặn sau đó đi Hội An và mất ở đó ngày 14 tháng Hai 1682.

 Cha Gabriel Bouchard sinh năm 1636 tại Lisieux hay Evreux
[18], nhưng có lẽ ở Lisieux đúng hơn bởi vì theo cha Vachet thì cha ngài làm thẩm phán ở đấy. Ngài học ở Paris và có bằng cử nhân thần học tại Sorbonne. Ngài lên đường đi Đàng Trong vào ngày 8 tháng Mười Một 1665, nhưng mãi đến năm 1669 mới đặt chân lên đất Xiêm và phụ trách nhóm giáo dân người Nhật. Sự hiện diện và hoạt động của ngài đã làm cho người bồ Đào Nha nổi giận.[19] Năm 1670, được Đức cha Lambert gởi đến Manille để dàn xếp việc hiệp nhất giữa các tu sĩ Tây Ban Nha và các cha thừa sai MEP, song không đạt được hiệu quả.[20] Ngài cùng với cha Courtaulin và một thầy giảng đã chịu bốn chức nhỏ từ Xiêm đến Đàng Trong vào năm 1674.[21] Đến nơi, cha Bouchard được Đức cha Lambert de la Motte giao phụ trách Phủ Mới và Bà Đài (Fumoi & Bò-day), còn Nước Mặn và Quảng Nghĩa (Nuôcman & Quangniac) cho được giao cho cha Mahot.[22] Vì ngài đã từ chối chia sẻ nhiệm vụ Quyền đại diện nên cha Courtaulin phải một mình đảm nhận.[23] Sau sự việc xảy ra ở Bà Đài, ngài phải tạm lánh mặt ở Nước Mặn và Hội An. Sau một thời gian sáu đến bảy tháng bị bệnh xuất huyết, ngài qua đời tại Hội An ngày 14 tháng Hai 1682. Thánh lễ an táng được cha Courtaulin tổ chức rất trọng thể giữa một thành phố đầy người ngoại giáo. Cha Courtaulin viết trong tường trình về Đàng Trong năm 1674-1682 : “Tôi mặc áo các phép đi theo thi hài, phía trước là thầy giúp lễ mang thánh giá, với bốn thầy khác cũng mặc áo các phép, hai thầy cầm nến, thầy thứ ba mang bình xông hương, thầy thứ tư cầm bình hương; hai mươi giáo dân Đàng Trong mang thi hài, tất cả đều mặc áo dài vải satin đen, phía trước là một trăm ngọn đuốc hay cây nến lớn, tất cả đều tiến đi chậm chạp và rất trật tự; hơn một ngàn giáo dân Đàng Trong khác, đàn ông và đàn bà, tất cả đều mặc satin đen, theo sau thi hài; hơn hai ngàn lương dân Đàng Trong và Trung Hoa đứng làm hàng rào dọc đường làm nên một cảnh quan hết sức hoành tráng. Trước cửa nhà của lương dân họ đốt một đống lửa lớn, dù là với lòng mê tín, song cũng góp phần làm sáng đường trong đêm tối cũng như thêm phần long trọng cho đám tang. Điều đáng ngạc nhiên là giữa một đám đông lớn như vậy nhưng cũng rất thinh lặng đến nỗi có thể nghe rõ ràng bài Dies irae. Sau khi chôn cất, tôi xây cho ngài một lăng mộ rất đẹp”.[24]

- Chuyện Đức cha Pérez ở nhà thờ Bà Đài

Đức cha François Pérez là người lai Bồ Đào Nha, gốc ở Négapatam, Méliapour, bang Tamil Nadu, Ấn Độ, trước học ở Goa và sau đó nhập chủng viện Collège Général (Pinang) nơi Đức cha Lambert de La Motte làm linh hướng. Ngài chịu chức linh mục lúc 25 tuổi vào ngày 31 tháng Ba 1668 cùng với vị linh mục đầu tiên của Việt Nam là cha Giuse Trang (quê ở An Chỉ, Quảng Ngãi, Giáo phận Qui Nhơn), lúc này đã 29 tuổi. Sau này cha Pérez được tấn phong giám mục và làm đại diện tông tòa Đàng Trong từ năm 1691-1728. Năm 1693 ngài có ghé qua thăm giáo dân tại nhà thờ Bà Đài và tỏ ra dễ dãi đến nỗi đã làm xáo trộn công việc mục vụ tại đây. Trong nhật ký truyền giáo năm 1693, cha Ausiès than phiền:
[25]

“Khi đến nhà thờ Bà Đài, tôi mới hay rằng Đức cha (Pérez) đã rời khỏi đó vào ngày hôm trước, có 30 giáo dân tháp tùng ngài, họ dẫn ngài đi theo một con đường hẻo lánh và rất bất tiện, đi dọc theo các dãy núi cho đến Qui Nhơn.

Giáo dân ở nhà thờ ấy thuật lại với tôi rằng Đức cha đã ban bí tích cho những người có mặt, không trừ ai, cũng không ai thấy ngài ra việc đền tội cho những giáo dân gây gương xấu công khai, hay giải hòa giữa những người thù nghịch công khai và thâm căn cố đế với nhau. Đây là kết quả những lời than vãn của thừa sai Forget và khoa hùng biện mà ngài đã sử dụng để báo cho Đức cha biết về những thói xảo quyệt và gian dối mà những giáo dân xấu của hai tỉnh này sử dụng để lãnh phép xá giải, nhất là đối với thừa sai mới đến chưa biết rõ họ.

Vì quá dễ dàng tất cả tiếp nhận những ai đến lãnh nhận bí tích và ít chú trọng đến tình trạng của họ, Ngài đã gây gương xấu cho những giáo dân ở hai tỉnh này, vì không chỉ có một vài giáo dân đã đến với tôi để xưng tội lại những gì đã xưng với Đức cha vì họ không hiểu rõ những gì Đức cha đã nói, nhưng còn có những người khác đến phàn nàn với tôi rằng Đức cha thường hay ngủ gật trong tòa giải tội, trong số đó có bà mẹ vợ người học trò cũ của tôi là anh Lino, bà nói rằng bà buộc lòng phải hỏi Đức cha : “Cha, có ngủ chăng?
[26]””

Và một câu hỏi …

Đời sống chỉ có thể được hiểu khi nhìn về quá khứ; dù rằng ta phải luôn sống hướng nhìn về phía  trước (Life can only be understood backwards; but it must be lived forwards - Søren Kierkegaard). Lướt qua một vài tư liệu để biết đôi nét lịch sử về một nhà thờ lâu đời mà nay đã mất đi tên tuổi và dấu vết thể lý nhưng vì nó đã từng hiện hữu nên nó vẫn luôn có đó, và điều thuộc về quá khứ thì không bao giờ chết, ngay cả nó còn không qua đi nữa là! (The past is never dead. It's not even past - William Faulkner)

Vậy câu hỏi của chúng ta khi nhắc lại cộng đoàn giáo dân và nhà thờ Bà Đài vang bóng một thời này là gì?  Trong cuốn Người chứng thứ nhất, ông Phạm Đình Khiêm đã suy luận và với sự dè dặt của một nhà nghiên cứu, ông thử đặt một “câu hỏi” về sinh quán của chân phước Anrê Phú Yên. Theo suy luận của ông, cha Đắc Lộ đến rao giảng trong một thời gian rất ngắn của cuộc thăm viếng tại Phú Yên và rửa tội cho 90 người, trong đó có Anrê Phú Yên, tại dinh trấn vào năm 1641. Vì thế, “xét vì … phương tiện truyền tin và giao thông thời ấy lại rất hạn chế, người ta có lý do để tin rằng những giáo hữu tân tòng kia không phải từ ở nơi xa đến, mà chính là những người ở ngay chỗ trấn lỵ và phụ cận”.
[27] Dựa vào đó ông thử đưa ra một giả thiết “hẹp”: “Phải chăng ‘Lò Giấy’ là sinh quán của Anrê Phú Yên vì “theo lời truyền tụng, đó là họ đạo xưa nhất trong cả miền, đã cống hiến cho Giáo hội mấy chục người tử đạo đời Văn thân”.[28]

Tuy nhiên, nếu dựa vào tiêu chuẩn “họ đạo xưa nhất và gần với dinh trấn nhất” của ông Phạm Đình Khiêm thì Bà Đài phù hợp với tiêu chuẩn về sinh quán của Anrê Phú Yên hơn là Lò Giấy. Trong tường trình của cha Bourgine ngày 1 tháng 12 năm 1747 về các họ đạo hay nhà thờ trong tỉnh Phú Yên thì Lò Giấy chưa có tên[29], trong khi Bà Đài được ghi nhận từ năm 1680 với câu chuyện thừa sai Bouchard, không quá xa so với thời gian cha Đắc Lộ viếng thăm Phú Yên năm 1641. Thêm vào đó, cộng đoàn giáo dân và nhà thờ Bà Đài bên ngoài dinh trấn chắc hẳn đã có từ thời phó tướng Nguyễn Phúc Vinh lập dinh trấn biên năm 1629 hay có thể xa hơn nữa là từ thời di dân lập ấp của ông Lương Văn Chánh. Vì thế, đây là câu hỏi “hẹp” được đặt ra, hẳn nhiên với sự dè dặt: Phải chăng Bà Đài là sinh quán của Anrê Phú Yên? Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giả định nhưng là giả định … có cơ sở! Cần phải làm nhiều hơn thế nữa để từ giả định sang xác định. Và trong khi chờ đợi thì giáo xứ Mằng Lăng vẫn luôn là quê hương của Người chứng thứ nhất Anrê Phú Yên. Sự dè dặt không bao giờ là dư thừa, nhất là trong những vấn đề tồn nghi của lịch sử.

“Histoire vivante” (Lịch sử sống động) là chương trình phát thanh và truyền hình của Thụy Sĩ nhằm góp phần “đưa Lịch sử ra khỏi những trang sách để phổ biến qua làn sóng và màn hình” (faire sortir l’Histoire des livres et la déployer à travers les ondes et les écrans). Tên gọi của chương trình là một nhắc nhớ rằng lịch sử luôn sống động khi được luận bàn bằng những câu hỏi và những câu trả lời. Và cũng thật tốt khi không để một điều gì phải đi vào quên lãng, nhất là khi giáo phận Qui Nhơn đã có một quá khứ đón nhận Tin Mừng dài đến hơn 400 năm!  


(Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính, Xuôi ngược thời gian, Ban Thường Huấn, Tủ sách Nước Mặn, 2019, tr. 69-84)
 
[1] Nguyễn Lục Gia,  Vịnh Xuân Đài: Duyên Cách Và Sự Kiện, http://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=16608
[2] Trần Viết Ngạc, Nguyễn Hoàng, bốn trăm năm nhìn lại (1613-2013), http://chimviet.free.fr/lichsu/tranvietngac/tvns072_NguyenHoang400Nam_a.htm
[3] Đổng Thành Danh, Công cuộc mở đất Aiaru- Phú Yên (1597 – 1611) https://nghiencuulichsu.com/2015/07/09/cuoc-cuoc-mo-dat-aiaru-phu-yen-1597-1611/
[4] Ibid.
[5] Quốc Sử Quán triều Nguyễn (1971), Đại Nam nhất thống chí, tập III, NXB Khoa học xã hội, HN, tr.67, 73.
[6]  Notices Biographiques de Jean-Baptiste Ausiès De Fonbone (1655-1709)
https://archives.mepasie.org/fr/notices/notices-biographiques/ausias-de-fonbone
[7] Adrien Launay, Histoire de la mission de Cochinchine, 1658-1823, Tome I, MEP, 2000, chú thích số 1, tr. 348
[8] Adrien Launay, op. cit., tr. 301
[9] Adrien Launay, op. cit., tr. 302
[10] Adrien Launay, op. cit., tr. 345
[11] Chưa xác định được địa danh (Phúc Thuyền, Phúc Tuyền ?) nên vẫn giữ tên gọi được viết trong bản văn.
[12] Adrien Launay, op. cit., tr. 345
[13] Adrien Launay, op. cit., tr. 347
[14] Adrien Launay, op. cit., tr. 350
[15] Adrien Launay, op. cit., tr. 411
[16] Adrien Launay, op. cit., tr. 248
[17] Adrien Launay, op. cit., tr. 248-249
[18] Brébion, Antoine, Dictionnaire de bio-bibliographie générale, ancienne et moderne de l'Indochine française, Société d'éditions géographiques, maritimes et coloniales (Paris), 1935, tr. 354
[19] Notices Biographiques  de Gabriel Bouchard (1636-1682)
https://archives.mepasie.org/fr/notices/notices-biographiques/bouchard
[20] Adrien Launay, op. cit., tr. 132
[21] Adrien Launay, op. cit., tr. 169
[22] Relation des missions et des voyages des evesques vicaires apostoliques, et de leurs ecclésiastiques, és années 1676 et 1677, Angot (Paris), 1680, tr. 28
[23] Thư Đức cha Pallu gởi cho Thánh bộ, ngày 29 tháng Mười Một 1682. Adrien Launay, Tome I, tr. 241.
[24] Adrien Launay, op. cit., tr. 256
[25] Adrien Launay, op. cit., tr. 405
[26]Cha, co ngu chang?”, được ghi lại nguyên văn bằng quốc ngữ trong tài liệu.
[27] Phạm Đình Khiêm, Người Chứng Thứ Nhất , Tinh Việt Văn Đoàn, Sài Gòn 1959, tr. 40
[28] Phạm Đình Khiêm, op. cit., tr. 42.
[29] Adrien Launay, Histoire de la mission de Cochinchine, 1658-1823, Tome II, MEP, 2000, tr. 191

Tác giả: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây