Kim Sơn riêng một góc trời

CHÚA NHẬT - 06/01/2019 21:50
noria kim son hinh copy

Guồng xe nước ở Kim Sơn


 
KIM SƠN RIÊNG MỘT GÓC TRỜI

Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính

Quê hương tôi có con sông xanh biếc
Nước gương trong soi tóc những hàng tre
Tâm hồn tôi là một buổi trưa hè…”

(Tế Hanh, Nhớ con sông quê hương)

“Quê hương là vậy, luôn có những điều ghi đậm khắc sâu trong mỗi con người.... Không biết tự bao giờ dòng sông quê này được mang cái tên Kim Sơn, phải chăng dòng sông ấy hình thành bởi hợp lưu của 5 con suối lớn, bắt nguồn từ vùng núi đại ngàn (An Lão - Hoài Ân) mà trong lòng đất có nhiều sa khoáng, uốn khúc quanh co như tấm vải lụa dài hơn 64 cây số, vắt theo chiều dài của huyện trung du miền núi Hoài Ân, rồi hợp lưu cùng dòng An Lão tạo ra sông Lại, hình thành một vùng văn hóa đất Hoài.”
[1]

Được dòng sông nuôi dưỡng, thung lũng Kim Sơn ngày xưa là một vùng đất giàu có thật sự không chỉ với “núi vàng” nơi thu hút những kẻ phiêu lưu đến tìm kiếm cơ hội, mà còn là một vùng nông nghiệp trù phú với đa dạng các sản vật, với những guồng xe nước đưa sức sống của dòng sông lên những bờ ruộng cao hai bên bờ, dư dã để nuôi sống gấp hai lần số cư dân mà những ngày ấy có mật độ rất cao. Ngày nay, Kim Sơn đã mất đi vị thế trong tỉnh, trở thành một vùng quê nghèo nàn với những trận lũ lụt và nạn đào vàng trái phép tác động xấu đến môi trường. Công cụ tìm kiếm trên internet với từ khóa “Kim Sơn” phần nhiều chỉ cho kết quả là những vụ sập hầm và … trại giam K18!

Vào những năm cuối của thế kỷ XIX, sinh hoạt các họ đạo ở vùng này đã hồi sinh mạnh mẽ sau những cuộc tàn sát của phong trào văn thân năm 1885. Nhờ sự năng nổ cũng như kinh nghiệm của một linh mục người Việt, cha Phêrô Niên (1841-1913), được sai đến Đồng Quả sau biến cố năm 1885, các họ đạo đã hồi sinh như nấm sau mưa trong khắp thung lũng đến nỗi đêm về có thể “nghe tiếng núi rừng vọng lại lời kinh Truyền Tin từ biết bao nhiêu họ đạo”.

“Cha Phêrô Niên sinh tại họ đạo Kim Châu, tỉnh Bình Định, năm 1841; vào học trường Latinh Làng Sông; đến chừng phân sáp người cũng phải bắt đi cấm cố, và thích chữ hai bên má rằng: Bình Định Tả Đạo. Phân sáp về, người trở vô trường, rồi sang học bên Pinăng. Năm 1884, chịu chức thầy cả, rồi ra Quảng Nam giúp địa sở Phú Thượng; kế bị giặc Văn Thân, nên phải ở luôn ngoài đó. Yên giặc, trở vô Bồng Sơn; trước ở Đồng Quả giúp cố Bửu, sau làm Cha sở Đồng Dài…. Mười chín năm ở Bồng Sơn những khó nhọc mà mở mang đạo Chúa, lập nhiều họ mới, cất nhiều nhà thờ, rửa tội nhiều chầu nhưng (tân tòng)”.
[2]

“Gần bốn mươi họ đạo tiếp nối nhau khắp thung lũng như những hạt kinh trong tràng chuỗi, cứ cách nhau trung bình một cây số. Và không có làng nào mà sáng chiều người ta không cầu nguyện cùng Thiên Chúa là Chủ và là Vua của các đấng tử đạo”: Đồng Hâu, Đồng Đô, Đồng Quả, Đồng Bé, Đồng Gí, Đồng Gáo, Đồng Đỗ, Đồng Dài, An Lão, Nghĩa Điền … danh sách này có thể kéo theo chiều dài của những cánh đồng hút tầm mắt kế cận nhau ở vùng này nhưng ngày nay chỉ còn là những tên gọi trong sử sách. Tuy nhiên, Đừng đếm những gì bạn đã mất. Hãy quý trọng những gì bạn đang có và lên kế hoạch cho những gì sẽ đạt được bởi quá khứ không bao giờ trở lại, nhưng tương lai có thể bù đắp cho những mất mát - Don’t count what you lost, cherish what you have and plan to gain because the past never return but the future may fulfill your loss” (Khuyết danh).

Để biết rõ hơn về “một góc trời” riêng ấy, xin được trích dịch bài viết “Un coin de l’Annam (Kim Son)”, trong tập Annales de la Société des Missions Étrangères, Novembre-Décembre 1905, số 49, tr. 359-365. Bài này được viết cách đây 114 năm và đúng 20 năm sau cuộc thảm sát Văn Thân (1885). Một bài viết cách đây hơn 100 năm mà giá trị vẫn nguyên tuyền khi chỉ thẳng ra hai nguyên nhân đưa đến sự nghèo khó mà hiện nay cả đất nước chúng ta còn đang phải vất vả đối mặt!

Câu chuyện bắt đầu bằng cảm giác hân hoan ngày về của người viết là một vị thừa sai trở lại vùng đất trước kia mình đã từng gắn bó.

“Những ai đã từng vượt biển lớn, đi qua những vùng thuộc địa đẹp đẽ, sẽ rất hồ hởi hân hoan khi trở lại, và rồi bị cuốn hút bởi vẻ đẹp của nó, vì tài nguyên thiên nhiên phong phú của nó và một lần nữa bị lôi cuốn vào những miền đất xa xăm này mà hoạt động của con người tìm kiếm bao phương tiện để khai thác hiệu quả.

Trong tất cả những miền này, có một góc trời Nam riêng biệt và được xếp hàng đầu, vì sự màu mỡ của đất đai, sự đa dạng của cảnh quan rực rỡ và cư dân đông đúc, đồng thời đây cũng là nơi công việc tông đồ phát triển mạnh, chủ yếu nhờ vào máu của rất nhiều vị tử đạo mà miền đất này được vinh dự thấm đẫm. Tôi gọi tên Kim Sơn, một thung lũng tuyệt vời nằm ở miền Tây Bắc tỉnh Bình Định. Diện tích chỉ 150 cây số vuông song dân số lên đến 60.000 người, đạt trung bình 400 dân cư mỗi cây số vuông. Ít có miền nào trên thế giới có mật độ dân cư đông đúc như vậy trên một khoảng không gian chật hẹp.

Ở phía Tây của thung lũng, về phía miền đất của người dân tộc, một dãy núi cao đem lại vẻ hùng vĩ  nhờ những cánh rừng sâu ngút ngàn, những đỉnh núi nhọn táo bạo đâm lên trời, những vực thẳm rộng lớn và tiếng đổ ồn ào của vô vàn những con suối. Những con suối này hợp lại ở thượng nguồn Kim Sơn, làm nên con sông quý giá, uể oải uốn mình luợn quanh khắp thung lũng, đổ xuống và thông qua những guồng xe nước đem lại sự sống và phì nhiêu vào những ô ruộng ở hai bên bờ.

Ở phía Bắc và Nam, hai dãy đồi, uốn lượn, bọc lấy thung lũng cho đến đỉnh Đồng Hâu mà những tầng cây dường như làm thành bức tường ở bên dưới, đất đai nằm về phía đông, dấu mình trong những cảnh thần tiên tránh khỏi con mắt của người phàm tục.

Người ta nói rằng cảnh quan có một linh hồn. Ở đây còn hơn thế, vay mượn cảnh quan này, cái tinh túy của ánh sáng và sức sống trong thiên nhiên đã tỏa ra nét duyên dáng thấm đượm lòng người như một bài thơ. Khi chiêm ngưỡng cảnh sắc tuyệt đẹp này, một niềm vui êm dịu dâng ngập tâm hồn, những ý tưởng ngọt ngào nảy sinh trong tâm trí và vút cao thành bài ca biết ơn lên Thiên Chúa, tác giả những kỳ quan này.

Kim Sơn không chỉ đáng lưu ý về khoa sơn văn học (orographie): nó cũng thu hút sự chú ý và hấp dẫn qua sự đa dạng về sản vật của mình. Dù dân cư đông đúc song nó chỉ tiêu thụ một nửa lúa gạo thu hoạch được. Người nông dân gặt lúa và thu hoạch hai vụ mỗi năm.

Ngoài loại ngũ cốc quý giá này, Kim Sơn còn cung cấp những sản vật khác cũng quý giá không kém. Giữa vùng đồng bằng lúa gạo trù phú, sự đơn điệu nơi những con sóng chậm chạp của cánh đồng lúa bị cắt ngang bởi những chòm cây xanh thẳm vươn tàng lá dài nhằng lên trời cao. Đó là dừa và cau. Thật ra những loại cây này có nhiều ở nơi khác, song huyện Bồng Sơn, mà Kim Sơn là miền đẹp nhất, chiếm vị trí hàng đầu về sản xuất dừa.

Dâu tằm cũng là loại cây trồng trọt khác của thung lũng, gấp hai lần cây lúa. Những đồn điền dâu tằm ngày càng mở rộng, chiếm diện tích đến hơn 4.000 hécta. Nhiều gia đình chuyên nuôi tằm làm tơ bán giá cao cho các thương lái Trung Hoa. Kỹ nghệ này rất thịnh trong thung lũng.

Kim Sơn còn sản xuất hạt mè, dầu mè, đậu phộng, củ mì, bắp và khoai lang; nhưng chủ yếu trên hai sườn núi rộng lớn ở Bù Nú, về phía Tây, người ta mới tìm thấy hai loại cây cuối cùng này, thực phẩm dành cho người nghèo. Bù Nú được cả nửa tỉnh Bình Định biết đến. Cứ đầu mùa xuân, người ta thấy những đoàn người đói khát từ xa đổ về Bù Nú. Giỏ trống gánh trên vai, cuốc cầm tay, những người đói khát này lên núi mót những mụn củ còn sót lại trong những khu đất rẩy mới khai phá. Chiếc giỏ đầy chỉ trong vài giờ, người đi mót vui mừng xuống núi, vừa đi vừa ca hát, trở về căn chòi mất hút trong vùng bình nguyên ngập nắng, nơi vợ con đang chờ với khuôn mặt hốc hác vì đói. Biết bao lần tôi bắt gặp những đoàn người đi mót này! Nhiều khi người cha mệt mỏi vì vô số lần lên xuống, nên đã bỏ hẳn nơi chôn nhau cắt rốn và định cư trên miền núi khoai này.

Những mảnh đất đá phiến ở phía trên thung lũng chen chúc những vườn tiêu, chè, dứa. Đỉnh núi cho sáp ong, cao su và một lượng lớn lá trầu mà người Việt yêu thích. Rừng có nhiều trầm hương vẫn còn được khai thác.

Thế mà tại sao cư dân của một vùng cây trái trù phú như vậy lại nghèo khổ đến thế kia? Điều bất thường này có nhiều nguyên do: trước hết là tính không biết lo liệu và nhẹ dạ của nhiều người Việt. Khi có được chút ít tiền là họ đổi lấy vài liều thuốc phiện hay thua hết trong sòng bạc của người Trung Hoa mở đầy trong thung lũng.

Người Trung Hoa chiếm lấy những cánh đồng màu mỡ, những khu vườn trù phú cho đến nhà cửa của những kẻ bất hạnh mê đắm trong trò chơi đen đỏ. Khi nhà cửa đồ đạc không đủ để trả nợ thì con cái bị bán đi và chính người vợ lại trở thành một thứ nô lệ nơi nhà của ông chủ nợ khắc nghiệt. Người Trung Hoa cũng nắm trong tay tất cả những ngành thương mại, và hằng năm họ gởi về nước họ những lợi tức lớn đến nỗi lúc ra đi khỏi quê hương thì họ nghèo xơ xác nhưng khi trở về, lúc đã lớn tuổi, họ giàu có như một ông hoàng.

Một nguyên do khác nữa khiến người Việt không khá lên được chính là công lý dễ bị mua chuộc cách đáng xấu hổ nơi các quan lại. Về vấn đề này thì tốt hơn là nên im miệng!

Nếu những nguyên do xảy ra tình trạng này khiến người có lòng nhân ái tức giận thì hậu quả của nó thật sự cũng giúp cho việc truyền giáo. Thật vậy, đằng sau máu của các vị tử đạo thì chính sự nghèo nàn cũng trợ giúp một phần cho những cuộc trở lại của vùng Kim Sơn. Không gì đúng hơn câu “Pauperes evangelizantur” (người nghèo được rao giảng Tin Mừng). Và đương nhiên điều này khiến tôi nói đến những hoa trái vinh quang đẹp đẽ nhất của Kim Sơn: tôi muốn nói đến những tổ ấm đức tin và cầu nguyện mới bừng nở lên trong khắp mọi góc trời của thung lũng.

Để đánh giá kết quả đạt được, chỉ cần nói lên hiện trạng của địa sở, và so sánh với những gì mà vị truyền giáo đầu tiên tìm thấy khi được gởi đến đây sau những cuộc thảm sát năm 1885.

Trong cuộc tàn sát kinh khủng năm ấy, 800 giáo dân bị thiêu sống trong nhà thờ Kim Sơn cùng với cha sở của mình, một linh mục người Việt; 600 người khác bị quăng xuống giếng ở họ đạo Đồng Hâu nằm ở phía Đông thung lũng. Nghi ngờ rằng vài người có thể trốn trên núi, người ngoại giáo đã tổ chức những cuộc đi săn người thật sự, cùng với bầy chó săn. Đêm cũng như ngày, họ săn lùng những người bất hạnh này mà nếu may thoát được hàm răng của cọp dữ thì cũng gục ngã trước mũi lao của những người đi săn đáng thương này, mà theo một tập tục hoang dã, họ ăn cả tim gan của nạn nhân. Nhiều người bách hại hung dữ sau này đã trở lại: tôi có biết một người rất đặc biệt, nay là ông trùm của một họ đạo. Ông này đã ăn tim của một chủng sinh, mà hai người anh em nay một người là linh mục còn người kia là phó tế. Vào ngày ông được rửa tội, người cha của nạn nhân được vinh dự làm bố đỡ đầu cho ông. Lòng cảm hóa cho thấy rằng sự tha thứ những xúc phạm – dù là xúc phạm gì đi nữa! – đều là một bông hoa đẹp, nở bung ra dưới trời nắng trong của Thiên Chúa nhân lành trên bất kỳ miền đất nào.

Ta có thể kể lại biết bao điều xúc động! Nhưng tôi phải tự hạn chế để không đi lạc đề. Từ 1.500 đến 1.600 giáo dân của Kim Sơn, chỉ có 150 người thoát khỏi cuộc tàn sát. Không còn một nhà thờ, nhà nguyện hay nhà giáo dân nào còn đứng vững. Tất cả đều bị đốt phá cướp bóc. Cơn điên loạn của những kẻ bách hại không chừa ngay cả cây trái trong vườn, như một trận cuồng phong quét qua đã quật đổ mọi thứ trên đường đi của nó. Sau khi yên bình trở lại, tất cả chỉ còn là một đống đổ nát, và vị linh mục người Việt, người đầu tiên được gởi đến đây để xây dựng lại vào năm 1888, đã cảm thấy thắt lòng. Nhưng tin tưởng vào Chúa, cậy trông vào biết bao máu đào đã đổ ra, ngài dũng cảm bắt tay vào việc. Sự thành công chẳng mấy chốc đã đáp đền lại nhiệt tình của ngài, và hai năm sau, những công việc của ngài được tiếp tục bởi một linh mục trẻ tuổi và hăng say. Chỉ trong một thời gian ngắn, địa sở đã hồi phục hoàn toàn và là nền tảng cho nhiều họ đạo mới.

Dưới sự thúc đẩy không kém phần mạnh mẽ và sự dẫn dắt đầy kinh nghiệm của vị thứ ba, đạo Công giáo đã vươn đến những thôn làng khác. Mười hai năm sau khi được tái lập, vào cuối thời những cuộc bách hại tàn khốc trên đất Việt, giáo dân Kim Sơn đã đạt đến con số 3.000 người!

Rạng đông của kỷ nguyên mới tiếp tục mỉm cười với Kim Sơn và làm dấy lên những thành công mới. Ngày nay, con số tân tòng lên đến 5.000 người. Gần bốn mươi họ đạo tiếp nối nhau khắp thung lũng như những hạt kinh trong tràng chuỗi, cứ cách nhau trung bình một cây số. Và không có làng nào mà sáng chiều người ta không cầu nguyện cùng Thiên Chúa là Chủ và là Vua của các đấng tử đạo.

Quả thật là những giây phút ngọt ngào mà nhà truyền giáo nếm hưởng khi ngài vừa đi vừa lần chuỗi vào lúc trời đêm buông xuống, nghe tiếng núi rừng vọng lại lời kinh Truyền Tin từ biết bao nhiêu họ đạo của mình!

Ở giữa vùng núi non này, ốc đảo Kim Sơn hạnh phúc là thế! Xin Thiên Chúa chúc lành cho vùng đất này, ban cho nhiều ân huệ vật chất cũng như tinh thần cũng như đưa dẫn đến ánh sáng các lương dân vẫn còn rất nhiều trong thung lũng này.”
 
[1] Võ Chí Hà, Khát vọng Kim Sơn, http://www.baobinhdinh.com.vn/Butkyphongsu/2011/1/103773/
[2] Mission de Qui Nhơn, Mémorial, No.103, 10 Nov 1913, “Cha Vêrô Niên”, tr. 75

Tác giả: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây