Trang mới   https://gpquinhon.org

Đức Giáo Hoàng Phanxicô: vị đại diện của Chúa và Mỹ Latinh?

Đăng lúc: Thứ bảy - 16/03/2013 02:54

 
La mano de Dios - Bàn tay của Chúa

 

Ibylla Brodzinsky
The Christian Science Monitor, March 14, 2013

 

Đức Giáo Hoàng người Mỹ Latinh đầu tiên đã làm dấy lên nhiều phản ứng khác nhau trong vùng. Tất cả các tờ báo lớn khắp Mỹ Latinh, miền đất có số người Công giáo đông nhất trên thế giới, đã đưa tin Hồng Y Jorge Mario Bergoglio đắc cử Giáo hoàng, lấy tên hiệu là Francisco I.

Pablo Hiriart, nhà xuất bản tờ báo La Razón của Mexicô đã viết:

Đạo Công giáo đã di chuyển trung tâm địa lý. Giáo hội Công giáo Châu Âu với ơn gọi sa sút, gương xấu ăn cắp (ám chỉ vụ Vatileaks) và ấu dâm … đã phải nhường ghế cho sức nặng địa lý. Á Châu, Mỹ Châu và Phi Châu là những khu bảo tồn Công giáo lớn lao và đó chính là nơi mà chức giáo hoàng đã chuyển đến tuy vẫn còn ở tại Roma chỉ như một biểu tượng mà thôi. Thế kỷ 21 đã bắt đầu cho Giáo hội Công giáo. Một thời kỳ lịch sử lâu dài đã chấm dứt bằng việc nhìn nhận thực tại mới của thế kỷ mà chúng ta đang sống.  

Các cư dân khắp vùng này đều bày tỏ cảm xúc khi được đại diện bởi một trong những người thuộc lục địa của mình lên ngai tòa Thánh Phêrô. Thợ làm bánh mì Gustavo Arias ở trung tâm Bogotá đã nói rằng: “Việc chọn lựa một vị hồng y từ miền này đã trở nên hiện tượng vì bây giờ chúng tôi [Mỹ Latinh] thật sự cảm thấy được đại diện trong Giáo hội Công giáo”. Victor Campos, làm nghề gác cổng ở Lima, Peru, cũng có cùng ý nghĩ: “Thật hãnh diện khi Đức giáo hoàng là người thuộc vùng đất chúng tôi và các quốc gia vùng chúng tôi có đại diện ở các vị trí cao như vậy để cho Giáo hội sẽ nhớ đến chúng tôi”.

Rosa Maria Vicario, quản trị ngân hàng ở thủ đô Cộng hòa Dominican, nói rằng cô “quá sung sướng” với việc đắc cử của Giáo hoàng người Mỹ Latinh: “Châu Mỹ có nhiều người Công giáo hơn Châu Âu và chúng ta đã có đủ các vị Giáo hoàng chỉ quan tâm lo lắng cho vấn đề của Châu Âu”.

Người Argentina khiêm nhường ư?

Tuy nhiên, ý kiến chung được nhiều người người Mỹ Latinh chia sẻ đều cho rằng người Argentina có tính quá tự hào về mình (nôm na là “nổ”). Cô Vicario nói thêm rằng cô không muốn làm người Argentina bởi vì “Ai mà có thể chịu đựng được tính khoác lác của họ chứ?”

Có câu chuyện vui về người Argentina như sau:

Hai người Argentina ngồi trong quầy rượu nói chuyện về tôn giáo.
Một người nói: “Anh biết đó, tôi là sứ giả của Thiên Chúa”
Người kia nói: “Anh nói sao đấy chứ, chính tôi mới là sứ giả của Thiên Chúa nè!”
Họ tiếp tục tranh luận cho đến khi quyết định hỏi người ở bàn bên. Họ hỏi: “Anh nghĩ xem ai trong chúng tôi mới là sứ giả của Thiên Chúa?”
Và người này trả lời: “Tôi có sai phái ai bao giờ đâu?”.

Trên trọn trang bìa của tờ El Espectador ở Bogota in hình vị Tân Giáo Hoàng đang giơ tay chúc lành với hàng chữ: “Bàn tay của Chúa” – một cách nói đùa gợi ý đến bàn thắng của siêu sao bóng đá Diego Maradona, người Argentina, trong ở trận tứ kết tranh giải Bóng đá thế giới năm 1986. Anh ta ghi bàn bằng “một chút đầu của Maradona và một chút bàn tay của Chúa”. Được xem như là người “Công giáo nhiệt thành”, Maradona nói với tờ báo Ý Il Messaggero rằng: “”Bàn tay của Chúa” bây giờ mang lại cho đất nước Argentina một vị giáo hoàng”.


 

 
Diego Maradona

Tại Venezuela, Tổng thống tạm thời Nicolas Maduro mới đây đã nói trên đài truyền hình rằng Tổng thống vừa quá cố Hugo Chávez cũng đã góp phần trong việc đắc cử của vị Tân Giáo Hoàng. “Chúng ta biết rằng vị tổng tư lệnh của chúng ta đã lên đến tận nơi cao ấy và đang đứng trước mặt Chúa Kitô. Ông ấy chắc phải có một tầm ảnh hưởng nào đấy đến nỗi một vị giáo hoàng người Nam Mỹ đã được chọn … Và Chúa Kitô nói với ông ấy “Giờ của Nam Mỹ đã đến”. Đó là điều chúng ta tin”.
 
Tác giả bài viết: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính lược dịch
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 76
  • Khách viếng thăm: 68
  • Máy chủ tìm kiếm: 8
  • Hôm nay: 10092
  • Tháng hiện tại: 339280
  • Tổng lượt truy cập: 12628992