Trang mới   https://gpquinhon.org

Khuôn mặt lòng thương xót nơi Chúa Cha, nơi Đức Kitô và nơi các linh mục

Đăng lúc: Thứ tư - 09/12/2015 05:32


 
KHUÔN MẶT LÒNG THƯƠNG XÓT NƠI CHÚA CHA, NƠI ĐỨC KITÔ VÀ NƠI CÁC LINH MỤC

 
 
Giáo hội Công giáo bước vào một Năm Phụng Vụ mới, cũng là Năm Thánh về Lòng Thương Xót. Năm thánh bắt đầu từ ngày lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội 08.12.2015 và kết thúc vào lễ Chúa Kitô Vua vũ trụ 20.11.2016. Giáo hội mời gọi mỗi người đi vào trong mối tương quan gần gũi hơn, thân mật hơn với Thiên Chúa, để đào sâu đời sống đức tin qua việc cảm nhận lòng thương xót Chúa dành cho mỗi người cách cá vị. Đây là một thời gian để Giáo Hội tái khám phá ý nghĩa của sứ mệnh được Chúa giao phó cho mình trong ngày lễ Phục sinh: là trở nên dấu chỉ và khí cụ lòng thương xót của Chúa Cha (x.Ga 20, 21-23).

Thật vậy, xã hội và thế giới chúng ta cần khám phá lại điều thiết yếu và nền tảng. Đó là tình yêu nhân hậu, lòng thương xót của Thiên Chúa từ ngàn xưa cho đến hôm nay đang sống động cách rõ rệt và mạnh mẽ nơi từng tập thể, từng cá nhân, cả với những tín hữu lần những người chưa có niềm tin vào Thiên Chúa. Ngài như người Cha giàu lòng xót thương luôn sẵn sàng mở cánh cửa tình yêu bao la đón nhận người con đi hoang trở về. Ngài như người Mục Tử nhân lành sẵn sàng lên đường đi tìm con chiên lạc, và khi tìm thấy Người Mục Tử vui mừng vác chiên trên vai và đưa về nhà. Thật đẹp biết bao hình ảnh lòng thương xót Thiên Chúa dành cho những người con yêu dấu của Ngài.
 
1.Khuôn mặt lòng thương xót nơi Chúa Cha
 
Câu chuyện sáng tạo đã diễn tả lòng thương xót của Chúa Cha, Đấng sau đó đã mặc khải cho Môsê tên của Ngài trong biến cố ở tại bụi gai trên núi Hôrép. Nơi đây, Thiên Chúa đã tự mặc khải là Thiên Chúa của Áp-ra-ham, của I-sa-ác, và của Gia-cóp (Xh 3, 6). Thiên Chúa của các tổ phụ này luôn nhìn đến những nối thống khổ của dân Ngài, và lắng nghe tiếng kêu than của họ: “Ta đã thấy rõ cảnh khổ cực của dân Ta bên Ai-cập, Ta đã nghe tiếng chúng kêu than vì bọn cai hành hạ. Phải, Ta biết các nỗi đau khổ của chúng. Ta xuống giải thoát chúng khỏi tay người Ai-cập, và đưa chúng từ đất ấy lên một miền đất tốt tươi, rộng lớn, miền đất tràn trề sữa và mật” (Xh 3, 7-8). Thiên Chúa sẵn sàng đón nhận nỗi khốn cùng của con người, Ngài nói, Ngài hành động và can thiệp, Ngài giải phóng và cứu độ con người. Biến cố mạc khải về tên của Thiên Chúa cho Môsê vào một buổi sáng khác. “Đức Chúa ngự xuống trong đám mây và đứng đó với ông. Người xưng danh Người là Đức Chúa. Đức Chúa đi qua trước mặt ông và xướng: Đức Chúa! Đức Chúa! Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín” (Xh 34, 5-6).

Lòng thương xót của Thiên Chúa trải rộng từ đời này tới đời kia. Qua bao gian nan thử thách, nhiều lần Dân Chúa chống đối, cứng đầu cứng cổ và ngỗ nghịch chạy theo thần dân ngoại, Thiên Chúa vẫn rộng mở cánh tay đón nhận trở về và ôm ấp vào lòng. Chúa không muốn tiêu diệt Dân mà Chúa đã tuyển chọn. Tác giả sách Các Vua diễn tả: Nhưng Đức Chúa tỏ lòng nhân từ và chạnh lòng thương đoái nhìn họ, vì Người đã lập giao ước với các tổ phụ Abraham, Ixaác và Giacóp. Người không muốn diệt trừ họ, và cho đến nay vẫn không xua đuổi họ cho khuất nhan Người (2Vua 13,23). Thiên Chúa là người Cha nhân hậu và rộng lượng từ bi tha thứ. Cho dù Chúa có sửa phạt đôi chút nhưng rồi Chúa lại dẫn đưa về. Trong cơn thử thách lưu đầy, nhiều lần Dân Do-thái cảm thấy như Thiên Chúa vắng mặt và bỏ rơi. Giữ lời Giao Ước, tình yêu của Thiên Chúa luôn ấp ủ thương yêu. Dù bị lưu đầy và tản mác, Chúa vẫn cho dân tộc có cơ hội được đoàn tụ: Trong một thời gian ngắn, Ta đã ruồng bỏ ngươi, nhưng vì lòng thương xót vô bờ, Ta sẽ đón ngươi về tái hợp (Is. 54,7). Thiên Chúa vẫn tiếp tục thứ tha và đón nhận con dân về quê hương xứ sở. Chúa luôn nhớ lời giáo ước và không hề lãng quên: Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương (Tv. 103,8). Tiên tri Isaia đã diễn tả hình ảnh một Thiên Chúa yêu thương và luôn mong tìm hạnh phúc an vui cho con cái loài người: Vì vậy Đức Chúa đợi chờ để thi ân cho anh em, Người sẽ đứng lên để tỏ lòng thương xót, vì Đức Chúa là Thiên Chúa công minh, hạnh phúc thay mọi kẻ đợi chờ Người!(Is. 30,18).

Các tiên tri tiếp tục được sai đến để mời gọi Dân Chúa hãy ý thức hối cải và trở về bên tình yêu Chúa. Ta sẽ cho các ngươi gặp được lòng thương xót và khiến nó thương xót các ngươi và cho các ngươi trở về đất nước các ngươi (Giêr. 42,12). Thiên Chúa luôn bảo vệ và đứng về phía Dân Ngài. Đôi khi Ngài dùng các dân tộc lân bang để thanh luyện và thức tỉnh lòng dân. Tiên tri Giêrêmia nhắc nhớ về gia nghiệp của Dân Chúa: Nhưng sau khi đã bứng rồi, Ta sẽ lại đem lòng chạnh thương chúng và cho chúng trở về, ai nấy về phần gia nghiệp, về phần đất của mình (Giêr. 12,15). Không có cha mẹ nào lãng quên con mình và dù cha mẹ có quên con thì Thiên Chúa cũng không bao giờ bỏ rơi. Tác giả Sách Ai-ca đã phải thốt lên rằng: Vì quả thật, Đức Chúa chẳng bỏ rơi mãi mãi: có làm khổ, Người cũng xót thương, vì Người vốn từ bi cao cả (Aica 3,31-32).

Dung mạo lòng thương xót của Chúa Cha chính là Đức Giêsu Kitô. Mầu nhiệm đức tin kitô giáo như đã được tóm tắt đầy đủ trong mênh đề này. Nơi Đức Giê-su Nazreth, lòng thương xót đã trở nên sống động, hữu hình và đạt đến tột đỉnh. Chúa Cha, Đấng “giàu lòng thương xót”(EP 2,4), sau khi đã mặc khải cho Môsê biết danh của Ngài, đã không ngừng mặc khải thần tính của Ngài bằng nhiều cách thế và vào nhiều thời điểm khác nhau. “lúc đến thời viên mãn”(Gl 4,4), khi mọi sự đã được sắp xếp đúng theo dự định cứu độ, Ngài sai Người Con duy nhất của Ngài đến thế gian, được sinh ra bởi Trinh Nữ Maria, để mặc khải cho chúng ta biết tình yêu trọn vẹn của Ngài. Ai thấy Đức Giêsu là thấy Cha (x.Ga 14,9). Đức Giêsu Nazreth đã mặc khải lòng thương xót của Thiên Chúa bằng lời nói, hành động và bằng cả bản thân Người (x. Công Đồng Vaticanô II, Dei Verbum,4).
 
2. Khuôn mặt lòng thương xót nơi Đức Kitô
 
Khi chăm chú ngắm nhìn Chúa Giê-su và dung mạo lòng thương xót của Người, chúng ta có thể cảm nhận được tình yêu của Ba Ngôi Chí Thánh. Chúa Giê-su đã lãnh nhận từ Chúa Cha sứ vụ mặc khải trọn vẹn mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa. “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4,8.16), Thánh sử Gioan khẳng định như thế lần đầu tiên và là lần duy nhất trong toàn bộ Thánh Kinh. Tình yêu ấy giờ đây trở nên hữu hình và được tỏ bày trong cả cuộc sống của Chúa Giê-su. Bản chất Người không gì khác hơn là tình yêu, một tình yêu ban tặng vô điều kiện. Các mối liên hệ giữa Người và những ai tìm đến với Người, là một tương quan đặc thù duy nhất và không thể tái diễn. Những dấu lạ Người thực hiện, nhất là các tội nhân, cho những người nghèo khổ, những người bị gạt ra bên lề xã hội, cho các bệnh nhân và cho những người đau khổ, tất cả đều mang dấu ấn của lòng thương xót. Tất cả mọi sự nơi Người đều tỏ bày cho lòng thường xót Chúa, không có gì nơi Người lại thiếu vắng lòng thương xót. Khi nhìn đám đông dân chúng đi theo mình, Chúa Giê-su thấy họ mệt mỏi và kiệt sức, lạc loài và không người chăn dắt, Người đã chạnh lòng thương (x.Mt 9,36). Với tình yêu xót thương này, Người đã chữa lành các bệnh nhân được mang đến cho Người (x.Mt 14,14), và với một ít bánh và cá, Người đã cho đám đông ăn no thỏa (x Mt 15,37). Điều đã tác động Chúa Giê-su trong các trường hợp đó, không gì khác hơn là lòng thương xót, một lòng thương xót hiểu được tâm tư của những kẻ Người gặp gỡ, và Người đến để đáp ứng những như cầu thiết thực nhất của họ. Khi gặp bà góa thành Nain đang đưa người con trai duy nhất của mình đi chôn, Người đã chạnh lòng thương trước nỗi đau tận cùng của người mẹ đang khóc con, và đã trao lại cho bà người con được hồi sinh từ cỏi chết(x.Lc 7,15). Sau khi trừ quỷ cho một người ở Ghêrasa, Người trao cho anh ta sứ mạng “trở về với thân nhân, nói cho họ biết việc Chúa đã làm cho anh và đã thương xót anh thế nào” (Mc 5,19). Việc kêu gọi Matthêu cũng xảy ra trong khung cảnh của lòng thương xót. Khi Chúa Giê-su đi ngang qua trạm thu thuế, ánh mắt Người chăm chú nhìn vào đôi mắt của Matthêu. Ánh mắt đầy lòng thương xót đã thứ tha tội lỗi của con người ấy, Người đã chọn Matthêu để trở thành một trong nhóm Mười Hai.

Trong các dụ ngôn về lòng thương xót, Chúa Giê-su đã mặc khải bản tính của Thiên Chúa như một người cha không bao giờ bỏ cuộc cho đến khi nào thực hiện được việc tha thứ tội lỗi và chế ngự thái độ cự tuyệt bằng sự cảm thông và lòng thương xót. Chúng ta đã quá biết những dụ ngôn ấy, đặc biết là ba dụ ngôn: Về con chiên lạc, về đồng xu thất lạc và về người cha có hai con trai(x.Lc 15,1-32). Các dụ ngôn này cho thấy Thiên Chúa luôn tràn ngập vui mừng, nhất là khi Ngài tha thứ. Nơi những dụ ngôn ấy, chúng ta thấy được điểm cốt lõi của Tin Mừng và của đức tin, vì lòng thương xót tỏ hiện như một sức mạnh vượt thắng tất cả, đong đầy trái tim bằng tình yêu thương và mang lại an ủi bằng ơn tha thứ.

Chiêm ngắm Chúa Giê-su, chúng ta thấy Ngài là một Thầy dạy đúng nghĩa trọn vẹn, nên lời giảng của Chúa Giê-su luôn đi đôi với đời sống của Ngài. Lời và đời sống là một nơi Chúa Giê-su. Ngài đã sống tinh thần lòng thương xót của Thiên Chúa cách sống động.

3.Lòng thương xót nơi các linh mục
 
Châm ngôn của năm thánh này là:“HÃY CÓ LÒNG THƯƠNG XÓT NHƯ CHÚA CHA”. Châm ngôn này được trích từ trong Phúc Âm của thánh Lu-ca (x.Lc 6,36), và đó là lời mời gọi của Chúa Giêsu dành cho các môn đệ và muôn người, trong đó có mỗi người chúng ta.

Thương xót chính là yếu tính của việc nhập thể cứu chuộc và thiên chức linh mục của Chúa Kitô. Từ bản chất, thiên chức linh mục của Chúa Kitô là một công trình của lòng thương xót, dựa trên giao ước Thiên Chúa đã thực hiện với nhân loại. Quả thực, khi linh mục cử hành các bí tích, ngài như luôn được sống cùng lúc hai vai trò trong cùng một thực tại mầu nhiệm, ý thức mình vừa là công cụ, vừa là thừa tác viên của Đức Kitô, Đấng đầy quyền năng và tình yêu thương tha thứ. Linh mục nhận biết rằng mình chỉ là một thọ tạo mỏng dòn và yếu đuối đang được thừa hưởng hồng ân cứu độ. Vì thế, linh mục không chỉ là thừa tác viên của lòng thương xót Chúa mà còn là nhân chứng, là dấu chỉ sống động của một tội nhân được Chúa yêu thương. Có thể nói, trước khi linh mục cử hành các bí tích thì chính ngài là kẻ đâu tiên đón nhận được ân sũng của lòng thương xót ấy. Thánh Phaolô đã hết sức thắm thía về điều này khi ngài nói:  Đây là lời đáng tin cậy và đáng mọi người đón nhận: Đó là Đức Giêsu Kitô đã đến thế gian, để cứu những người tội lỗi, mà kẻ đầu tiên là tôi. Sở dĩ tôi được thương xót, là vì Đức Giêsu Kitô muốn tỏ bày tất cả lòng đại lượng của Người nời tôi là kẻ đầu tiên, mà đặt tôi làm gương cho nhưng ai tin vào Người, để được sống muôn đời (1 Tm 1, 15-16). Và ngài cũng sẵn sàng san sẻ lòng thương xót Chúa cho người khác: “Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, thánh hiến và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thương cảm, nhận hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại” (Cl 3:12).

Đức Thánh Cha Phanxicô nhắn nhủ các Linh Mục đừng khó tính: “ hãy luôn nhớ căn cội của mình, có đời sống nhân bản, an bình, vui tươi và có tinh thần phục vụ. Những hình ảnh Chúa Kitô mà chúng ta lấy làm điểm tham chiếu cho sứ vụ linh mục thật rõ ràng: Ngài là Linh Mục thượng phẩm, gần gũi Thiên Chúa, đồng thời gần gũi với con người; là Người Tôi Tớ rửa chân và trở nên tha nhân của những người yếu đuối nhất; là Mục Tử nhân lành luôn nhắm mục tiêu chăm sóc đoàn chiên”. Đức Giám Mục Jean- Louis Bruguès, thư ký danh dự của Bộ giáo dục công giáo đã nói: “Linh mục là người được giáo xứ chọn để là khí cụ của lòng thương xót đối với người khác”, ngài giải thích. “Sứ vụ của linh mục là đặt lòng thương xót vào trọng tâm cộng đoàn Kitô”. Linh mục không chờ giáo dân đến với mình nhưng mình phải đến nơi giáo dân sống.

Trong tuần tĩnh tâm linh mục Qui Nhơn Đức Cha Bản cũng đã chia sẻ: “ là những linh mục của Chúa Giêsu, thái độ khiêm tốn phục vụ trong yêu thương có lẽ sẽ giúp chúng ta trở thành người lãnh đạo cộng đoàn theo gương của Thầy Chí Thánh một cách tuyệt vời. Sự thông minh, khôn ngoan, tài năng… chỉ là những điều kiện Chúa ban để người mục tử có thể phục vụ cộng đoàn trong thái độ khiêm tốn thực sự. Tinh thần kẻ cả, tự mãn chỉ làm cho người ta thấy rõ những điểm yếu của mình. Người giáo dân luôn mong ước có được những mục tử đầy lòng yêu thương, nhân hậu, và có một đời sống nhân bản tốt đẹp. Thái độ thiếu hiểu biết của các linh mục là một trong những lý do tạo nên sự chia rẽ và làm cho người ta xa lánh Giáo Hội”.

Suy tư về lòng thương xót của Thiên Chúa, Đức Thánh Cha nói rằng các linh mục cũng phải thể hiện lòng thương xót, đặc biệt trong Bí tích Hòa giải. “Nếu bạn là một linh mục và bạn không có lòng thương xót, thì hãy nói với giám mục của bạn hãy làm một công việc khác nhưng xin đừng đi vào tòa giải tội!”

Trong lời kinh, khi cầu xin Chúa thương đến các linh hồn, thì linh mục cũng ý thức rằng mình cũng nằm trong số những “linh hồn nhờ đến lòng Chúa thương xót hơn”. Vì lẽ đó mà Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, trong Tông huấn Pastores Dabo Vobis, đã nhắc nhở các linh mục một cách đặc biệt khi cử hành bí tích hòa giải: Linh mục vừa là thừa tác viên bí tích thống hối nhưng đồng thời cũng phải là những thụ nhân, từ đó họ trở nên những người làm chứng cho lòng từ bi nhân ái của Thiên Chúa cho các tội nhân… Cũng như đời sống của anh chị em giáo dân và tu sĩ, đời sống thiêng liêng và mục vụ của linh mục chỉ có thể giữ được phẩm chất và lòng nhiệt thành nếu như cá nhân linh mục biết thực hành bí tích thống hối một cách chuyên cần và nghiêm chỉnh.
 
Sứ mạng của Giáo hội là loan báo lòng thương xót của Thiên Chúa, là trái tim sống động của Tin Mừng, đang muốn nhờ lòng thương xót để chạm đến con tim và khối óc của con người. Hiền thê của Đức Kitô phải noi theo cách sống của Con Thiên Chúa, Đấng đã đến với mọi người, không loại trừ ai. Thời đại ngày nay, khi Giáo Hội đang thực thi công cuộc Tân Phúc- âm- hóa, lòng thương xót quả là cần thiết để một lần nữa tạo nên nhiệt tình mới và canh tân các hoạt động mục vụ. Điều tối quan trọng đối với Giáo Hội cũng như với tính cách đáng tin của lời Giáo Hội rao giảng chính là sống và làm chứng cho lòng thương xót. Ngôn ngữ và hành động của Giáo Hội phải thông truyền lòng thương xót, để đến với trái tim con người và giúp họ gặp thấy lối đường dẫn về Chúa Cha (Dung mạo lòng thương xót- 12)
Người giáo dân luôn gọi các anh em linh mục chúng ta là Cha và không chỉ gọi nhưng thực sự họ yêu quý chúng ta, kính trong chúng ta, những người Cha thiêng liêng của họ một cách rất chân thành. Đôi khi họ còn bênh vực chúng ta trước những người dám xúc phạm đến những người Cha thiêng liêng của họ. Ước gì mỗi anh em linh mục chúng ta luôn thực sự và mỗi ngày cố gắng noi gương Chúa Cha để trở thành những người Cha nhân từ, giàu lòng xót thương, chậm bất bình và hết sức khoan dung. 

Trong tân tình tri ân và cảm tạ về những gì Giáo Hội đang nhận lãnh, và với ý thức trách nhiệm về trách vụ trước mắt, chúng ta sẽ bước qua Cửa Thánh, với trọn niềm tín thác vào sức mạnh của Chúa Phục Sinh không ngừng nâng đỡ và bảo về chúng ta trên đường lữ hành. Xin Chúa Thánh Thần, Đấng dẫn dắt chúng ta trong việc cộng tác vào công trình cứu độ do Chúa Kitô thực hiện, luôn hướng dẫn và giúp đoàn Dân Chúa chiên ngưỡng dung mạo của lòng thương xót (x. CĐ Vaticanô II, Lumen Gentium, 16; Gaudium et Spes,
 
Tác giả bài viết: Antôn Padua Nguyễn Xuân Huệ, SVD
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 8
  • Khách viếng thăm: 6
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 3600
  • Tháng hiện tại: 130738
  • Tổng lượt truy cập: 12274998