Trang mới   https://gpquinhon.org

Đức kiên nhẫn

Đăng lúc: Thứ sáu - 22/03/2013 01:33
Suy tư mùa Chay
ĐỨC KIÊN NHẪN


 
Lm. William J. Nessel, O.S.F.S.
Tạp chí Homiletic & Pastoral Review, March 11, 2013
 

 


Kiên nhẫn là “nhân đức nhỏ”. Có thể chúng ta không được mời gọi thực hành các nhân đức anh hùng như tử đạo chẳng hạn, nhưng hằng ngày chúng ta có rất nhiều dịp để thực hành đức kiên nhẫn. Đối với vài người, kiên nhẫn dường như là tâm tính tự nhiên. Nhưng những người khác dường như dễ bị khích động và thường mất kiên nhẫn với người khác hay cả với chính mình. 

Những mẫu gương kiên nhẫn

Phạm tội tày đình và được Thiên Chúa tha thứ, vua Đavít đã học cách tha thứ. Ông kiên nhẫn với tội lỗi của người con trai đầu là Amnon và cả Absalom cũng là con của mình nữa. Ông kiên nhẫn với hành động của Shimei, thuộc bộ tộc Saul. Amnon cưỡng hiếp em gái của Absalom là Tamar, và rồi phụ rẩy cô. Đavít tức giận khi nghe biết sự việc nhưng đã không nổi giận đối với Amnon. Thế rồi Absalom giết Amnon và bỏ trốn. Đavít tìm cách làm hòa với Absalom. Hai năm sau, Absalom về phủ phục trước nhà vua và Đavít ôm hôn Absalom .

Mặc dù lòng kiên nhẫn và sự tha thứ đầy tình yêu thương của Đavít, Absalom lén lút lấy lòng các thần dân của Đavít và cuối cùng xưng vương ở Hebron. Nhận thấy nguy cơ, Đavít bỏ trốn cùng với đám lính tráng và thuộc hạ. Khi đến gần Bahurim, có tên Shimei ném đá vào vua và đám lính, nguyền rủa ông. Một viên sĩ quan muốn lấy đầu Shimei nhưng vua Đavít can ngăn: “Cứ để nó nguyền rủa, nếu Chúa đã bảo nó. May ra Chúa sẽ đoái nhìn đến nỗi khổ cực của ta và Chúa sẽ trả lại cho ta hạnh phúc, thay vì lời nguyền rủa của nó hôm nay” (2 Sm 13-16).

Trong Đền Thờ, Chúa Giêsu nói về những xáo trộn, bách hại và cái chết sẽ đến với các môn đệ: “Khi anh em nghe có chiến tranh, loạn lạc, thì đừng sợ hãi. Vì những việc đó phải xảy ra trước, nhưng chưa phải là chung cục ngay đâu… Sẽ có những trận động đất lớn, và nhiều nơi sẽ có ôn dịch và đói kém; sẽ có những hiện tượng kinh khủng và điềm lạ lớn lao từ trời xuất hiện. Nhưng trước khi tất cả các sự ấy xảy ra, thì người ta sẽ tra tay bắt và ngược đãi anh em, nộp anh em cho các hội đường và bỏ tù, điệu anh em đến trước mặt vua chúa quan quyền vì danh Thầy … Anh em sẽ bị chính cha mẹ, anh chị em, bà con và bạn hữu bắt nộp. Họ sẽ giết một số người trong anh em. Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng dù một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu. Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình” (Lc 21, 5-19).

Tác giả thư gởi người Do Thái nhắc lại những kitô hữu thời kỳ đầu phải chịu nhiều đau khổ: sỉ nhục công khai, tù đày, tịch thu tài sản. Ông khuyên họ hãy kiên nhẫn: “Anh em cần phải kiên nhẫn, để sau khi thi hành ý Thiên Chúa, anh em được hưởng điều Người đã hứa” (Dt 10, 36).

Thánh Phanxicô Salêsiô bảo rằng chúng ta không nên giới hạn lòng kiên nhẫn trước loại sỉ nhục này nọ mà cần kiên nhẫn trong mọi tình huống mà Thiên Chúa gởi đến chúng ta. Và khi bị người xấu khinh miệt, chỉ trích hay tố cáo thì đối với người can đảm đó là chuyện nhẹ nhàng. Nhưng khi bị người tốt tố cáo hay cư xử tệ, ví dụ như bạn thân hay họ hàng, thì đó đúng là thử thách cho một nhân đức thật sự.

Thánh Phanxicô Salêsiô thán phục lòng kiên nhẫn và tính hiền lành của Thánh Charles Borromeo. Trong một thời gian dài, ngài bị một nhà giảng thuyết thuộc Dòng cải tổ nhiệm nhặt chỉ trích công khai – nỗi đau khổ do người này gây ra còn lớn hơn tất cả những công kích của nhiều người khác cộng lại. Sự tấn công của người tốt thật khó chịu hơn nhiều. Chính Thánh Phanxicô Salêsiô cũng bị một tu sĩ Phanxicô nhiệm nhặt chỉ trích trên tòa giảng về cuốn sách của ngài, cuốn Dẫn vào đời sống đạo đức. Và ngài đã kiên nhẫn chịu đựng.

Kiên  nhẫn với chính mình

Chúng ta thường chỉ nói về tính dịu dàng hay kiên nhẫn đối với người khác trong khi thường tỏ ra mất kiên nhẫn với chính mình. Có lẽ ta thường bực tức trước sự bất toàn của mình. Chắc hẳn mỗi khi phạm lỗi hay tội, ta thường ân hận, nhưng cần phải dịu dàng và kiên nhẫn. Chúng ta có nguy cơ chìm đắm trong trạng thái u buồn bực bội, cay đắng đối với chính mình, đưa ta đến trạng thái ghét cả chính mình và dễ bị khích động. Điều này cũng giống như xát muối vào vết thương. Đừng quên rằng trên thế gian này chỉ có hai người hoàn hảo là Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Mọi người khác đều bất toàn. Cần phải nhìn nhận mình bất toàn để rồi xin Chúa ban ơn thăng tiến. Thiên Chúa cho phép sự bất toàn để chúng ta khiêm nhường, để đừng kiêu hãnh và yêu mình thái quá.

Hãy bình tĩnh và kiên nhẫn. Bạo lực chỉ kéo theo bạo lực. Một khi sửa mình mà mất kiên nhẫn thì có thể làm hại hơn là chính tội lỗi mình muốn sửa. Đức kiên nhẫn gieo hạt giống bình an trong tâm hồn.

Sửa lỗi người khác

Chúa Giêsu nhắc chúng ta phải lấy đi cái xà trong mắt mình trước đã. Người ta thường bực tức trước lỗi nhỏ của người khác song lại xuề xòa bỏ qua những hành vi đáng tội và nghiêm trọng nơi chính mình.

Vì thế, đừng xét đoán. Nhưng đức ái đòi hỏi chúng ta phải sửa lỗi huynh đệ khi gặp những vấn đề nghiêm trọng. Vài người có bổn phận phải sửa lỗi, chẳng hạn như cha mẹ hay người giám hộ. Kinh nghiệm cho thấy rằng một lời trách cứ kiên nhẫn, nhẹ nhàng, lại có hiệu quả hơn một lời sửa lỗi gay gắt. Thường nên sửa lỗi chốn riêng tư hơn là làm người khác bối rối nơi công cộng. Lời khiển trách công khai dễ gây tự ái, làm cho người ta phải tự vệ. Lòng thương cảm là phương thuốc chữa trị hiệu quả hơn là lời khiển trách.

Đavít nhận ra Chúa kiên nhẫn với mình, tha thứ lỗi lầm nghiêm trọng của mình, điều này làm ông hoán cải tâm hồn. Ông trở nên kiên nhẫn với chính mình và tỏ lòng thương cảm trước lỗi lầm người khác. Thiên Chúa thường tha thứ cho chúng ta, kiên  nhẫn trước hành vi tội lỗi của chúng! Xin Ngài tha thứ để chúng ta có thể kiên nhẫn tha thứ cho người khác
.
Chiếc bình nứt

Truyện Ấn Độ: một gia nhân mỗi ngày gánh hai bình nước cho chủ nhà. Một bình nứt và một bình lành. Trên đường về nhà, chiếc bình nứt luôn chảy mất đi một nửa. Tình trạng này kéo dài một thời gian dài. Chiếc bình nứt hổ thẹn về sự bất toàn của mình và vì thấy không  hoàn thành nhiệm vụ nên nó cảm thấy đau khổ.

Một ngày kia, nó nói với anh gia nhân: “Tôi xấu hổ và xin lỗi về sự bất toàn của mình. Nhưng tôi không hiểu tại sao anh lại kiên nhẫn với tôi như vậy? Sao anh không vất tôi đi khi tôi chỉ làm một nửa công việc so với chiếc bình lành kia?”.

Người gánh nước chỉ nói nhẹ nhàng và kiên nhẫn với chiếc bình nứt trên đường về nhà. Anh đi chầm chậm dọc theo sườn đồi dưới ánh nắng rực rỡ để chiếc bình nứt có thể nhìn thấy những bông hoa thật đẹp, làm dịu mát đi tâm hồn đang rối bời của nó. Bổng anh hỏi: “Bạn có thấy những bông hoa bên vệ đường phía bạn không? Bạn có nhận ra rằng phía bên chiếc bình lành chẳng có bông hoa nào cả chứ? Tôi đã gieo hạt cả hai bên vệ đường. Tôi biết khuyết điểm của bạn và đã lợi dụng nó. Bạn đã tưới nước cho hoa cỏ bên phía bạn trong vòng hai năm. Và tôi đã trang hoàng bàn ăn của ông chủ với những bông hoa tuyệt đẹp từ đó. Không có những khuyết điểm của bạn, tôi đã không bao giờ có thể đặt những bình hoa đẹp lên bàn ông chủ được”.

 Thiên Chúa luôn kiêm nhẫn với sự bất toàn của chúng ta, và giống như chiếc bình nứt, Ngài đã biến đổi những bất toàn đó để ban vẻ đẹp cho thế giới. Chúng ta nên vui mừng vì qua những lỗi lầm của mình, Thiên Chúa đã dạy chúng ta bài học về đức kiên nhẫn. 
 
 

 
Tác giả bài viết: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ
Nguồn tin: Gpquinhon.org

Những tin cũ hơn

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 58
  • Hôm nay: 6021
  • Tháng hiện tại: 124119
  • Tổng lượt truy cập: 12268379