Trang mới   https://gpquinhon.org

Linh đạo Hội dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn

Đăng lúc: Thứ ba - 03/02/2015 17:54

LINH ĐẠO HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ QUI NHƠN



 
Bài  chia sẻ ngày 02.02.2015
Ngày cử hành năm “Đời Sống Thánh Hiến” cấp Giáo Phận
CÁC NÉT CHÍNH:
  1. ĐẶC SỦNG VÀ LINH ĐẠO HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ QUI NHƠN
  2. NHÌN VỀ QUÁ KHỨ  HỘI DÒNG VỚI TÂM TÌNH BIẾT ƠN
  3. SỐNG GIÂY PHÚT HIỆN TẠI VỚI LÒNG ĐAM MÊ (HĂNG SAY- NHIỆT THÀNH)
******&******

A . ĐẶC SỦNG VÀ LINH ĐẠO HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ QUI NHƠN
 
I. ĐẶC SỦNG

1.Định Nghĩa Đặc Sủng:
  • Đặc sủng nói chung:
Sủng là ơn, đặc là riêng tư; Đặc sủng được coi là ân huệ mà Chúa Thánh Thần ban cho mỗi người vì lợi ích chung. Thánh Phaolô minh họa: “Có nhiều đặc sủng khác nhau nhưng chỉ có một Thánh Thần; có nhiều việc phục vụ khác nhau nhưng chỉ có một Chúa…”.[1]
  • Đặc sủng của đời sống thánh hiến:
Đặc sủng của đời sống thánh hiến là một ân huệ của Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần khơi dậy nơi các tín hữu lòng khao khát nên trọn lành và bước theo Chúa Kitô qua việc sống các lời khuyên phúc Âm cách triệt để.[2] Như thế, đặc sủng của đời sống thánh hiến chính là sức sống, là nguồn mạch của mọi hoạt động tông đồ của mỗi Hội dòng. Đặc sủng là yếu tố chính tạo nên sự khác biệt giữa Hội dòng này với Hội dòng khác do Đặc sủng của Đấng Sáng lập.
  • Đặc Sủng của Đấng Sáng lập:
- Văn kiện của Bộ Tu sĩ và Bộ Giám mục đã nói về Đặc sủng của Đấng Sáng lập như sau: “Đặc sủng của Đấng Sáng lập biểu lộ như một kinh nghiệm về Chúa Thánh Thần, được truyền lại cho các môn đệ của họ để sống, giữ gìn, đào sâu và không ngừng phát triển trong sự hài hòa với Thân thể Chúa Kitô đang không ngừng lớn lên”.[3] Vì lý do này mà đặc sủng của mỗi Hội dòng khác nhau, được Giáo Hội bảo tồn và nuôi dưỡng.[4]
- Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tiếp nối Công Đồng Vaticanô II và Giáo Huấn của Chân phước Giáo Hoàng Phaolô VI đã khẳng định rằng: “Mỗi Đấng Sáng lập của các con, dưới sự linh ứng của Chúa Thánh Thần mà Chúa Kitô đã hứa ban cho Giáo Hội, đã nhận được một ân huệ đặc biệt. Đấng Sáng lập là một dụng cụ đặc biệt của Chúa Kitô cho cuộc sống cứu độ của Ngài, nó sống mãi trong lịch sử nhân loại. Giáo Hội dần dần nhận ra những đặc sủng này, xem xét chúng và khi Giáo Hội thấy chúng xác thực, Giáo Hội đã dâng lời tạ ơn Thiên Chúa và gìn giữ chúng trong đời sống cộng đoàn để cho chúng luôn đơm hoa kết trái”[5]

2. Đặc Sủng Mến Thánh Giá.
 
2.1.Căn tính của Đặc sủng Mến Thánh Giá

Đặc Sủng Mến Thánh Gia bắt nguồn từ Đức Cha Lambert de la Motte (1624- 1679), Thừa sai Paris, Đấng Sáng lập Dòng Mến Thánh Giá. Đức Cha Lambert yêu mến Đức Giêsu Kitô chịu đau khổ và chịu đóng đinh. Đó là ơn Chúa ban riêng cho Ngài, gọi là Đặc sủng Mến Thánh Giá. Ngài hay viết trên đầu mỗi lá thư: Ước mong Đức Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh là đối tượng duy nhất của chúng ta.[6]

Đức Cha có một kinh nghiệm đạo đức muốn lập Dòng từ lúc lên 9 tuổi,[7] Ngài muốn đặt tên Dòng là Mến Thánh Giá, Cha Jean Guennou viết: Cậu bé Lambert de la Motte lúc lên chín tuổi đã nghĩ đến tên gọi này là vì cậu đã gặp được tên ấy khi nghe đọc sách Gương Chúa Giêsu, cuốn II, chương 11 và 12, trong đó người ta bình luận các lời của Chúa: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác Thập giá mà theo Thầy” (Mt16,24).[8]

Tác động của Chúa Thánh Thần ngày càng làm triển nở lòng say mê Thập giá nơi Đức Cha Lambert. Cùng với lòng khao khát muốn đồng hình đồng dạng với Đức Kitô chịu đóng đinh, Ngài đã chuyên chăm cầu nguyện; thực hiện nhiều cuộc hành hương khổ chế; khiêm tốn  tìm các vị linh hướng và các bậc khôn ngoan để được hướng dẫn bảo ban. Như một nhà truyền giáo gương mẫu, Ngài dứt khoát  bỏ nghề thẩm phán để theo lý tưởng linh mục, và dấn thân trong sứ vụ truyền giáo miền Viễn Đông, trong đó có quê hương Việt Nam chúng ta. Kết quả là Ngài đã để lại cho các Hội dòng Mến Thánh Giá một Đặc sủng  quí giá, đó: “yêu mến Chúa Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh[9] và tham dự vào sứ mạng cứu thế của Người”.[10]
 
2.2. Đặc sủng được thể hiện qua mục đích và sứ mạng của Hội dòng:
 
* Mục Đích:

Để sống Đặc sủng của mình, người nữ tu Mến Thánh Giá “Đạt tới sự hiểu biết, yêu mến và hiến thân trọn vẹn cho Chúa Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh”.[11] (Ba động từ cần nhấn mạnh ở đây là: Hiểu biết – Yêu mến – Hiến thân: Người ta không thể yêu nếu họ không  biết đối  tượng đó là ai; và khi đã yêu ai thì phải hy sinh và hiến mạng cho người mình yêu vì “không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của kẻ thí mạng sống mình cho người mình yêu”. Do đó sự hiểu biết, yêu mến và hiến thân trọn vẹn cho Chúa Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh là mục đích, là căn tính nòng cốt của Đặc sủng Mến Thánh Giá. Teresa Ledoschowska  Osu xác quyết: “Thiên Chúa có mục đích của Ngài và Thần Khí của Ngài ban Đặc sủng cho ai đó để thực hiện mục đích đó. Tách khỏi mục đích này, Đặc sủng không còn ý nghĩa nữa.”[12]
       
* Sứ mạng:

Người nữ tu Mến Thánh Giá hiến thân trọn vẹn cho Chúa qua sứ mạng của mình: Tiếp nối sứ mạng cứu thế của Chúa Giêsu Kitô:[13]

- Bằng lời kinh chuyển cầu để xin ơn hoán cải cho những tín hữu sống xa lìa Chúa và cho lương dân ơn nhận biết Chúa.
- Bằng đời sống chứng nhân và phục vụ trong các lãnh vực: đức tin, luân lý, giáo dục, xã hội và y tế; ưu tiên cho giới nữ.
 
II. LINH ĐẠO

1. Ý chính của Linh Đạo:

          Linh đạo và Đặc sủng không thể tách rời nhau, nhưng quyện vào nhau và đồng hành với nhau trong đời sống thực tế thường ngày của các  nữ tu Mến Thánh Giá.[14] Nói cách khác, Đấng Sáng lập nhận được đặc sủng để mở ra một hướng đi mới giúp các con cái của Ngài sống các lời khuyên Phúc Âm, thi hành sứ mệnh truyền giáo là con đường nên thánh, đó là LINH ĐẠO.[15]
“Linh đạo dòng Mến Thánh Giá tập trung vào mầu nhiệm Thập giá cứu độ của Chúa Giêsu Kitô”.[16]
 
Bởi vì Mầu nhiệm Thập giá là bửu huyết cứu độ trần gian, là mầm sống của sự chết, là phục sinh của tử nạn, là động lực cho con người khi bị tuyệt vọng, khổ đau. Sức mạnh Thập giá được biểu dương như câu chuyện con Rắn Đồng trong Cựu Ước;[17] như  trung gian giữa Mẹ Thiên Chúa và loài người khi Mẹ Maria và Gioan  đứng dưới chân Thập giá trong Tân Ước.[18]
 
2. Linh đạo Mến Thánh Giá được thể hiện qua ba chiều kích:
  • Chiêm niệm[19] (Cầu nguyện): Chuyên tâm suy niệm và yêu mến Chúa Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh trên thập giá, Đấng đã thí mạng sống mình vì tình yêu lớn nhất dành cho Chúa Cha và nhân loại.[20]
  • Khổ chế[21] (hy sinh): Phát huy tinh thần hy sinh và khao khát đồng hóa với Chúa Giêsu Kitô trong mầu nhiệm khổ nạn.[22]
  • Tông đồ[23]: Sống tinh thần Phúc Âm và nhiệt thành với sứ mạng cứu rỗi các linh hồn.
 
  1. NHÌN VỀ QUÁ KHỨ VỚI TÂM TÌNH BIẾT ƠN
 
Cây có cội, suối có nguồn, Hội dòng có Chúa Ba Ngôi đồng hành qua Đấng Sáng Lập và các tiền nhân với Đặc sủng quí giá. Theo năm tháng, Hội dòng đã có một di sản tinh thần với bề dày lịch sử. Để có lòng tri ân ta phải nhắc nhớ lại lịch sử của Hội dòng mình. Như mục tiêu cho Năm Đời Sống Thánh Hiến (2015), Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nói: “Kể lại lịch sử riêng của mình là điều cần thiết để giữ cho căn tính sống động, và như thế để làm vững mạnh sự hiệp nhất của Gia đình và đem lại ý nghĩa của việc các thành viên thuộc gia đình này”.[24]

 Lịch sử Hội dòng Mến Thánh Giá cùng với lịch sử của Giáo Hội Việt Nam và Giáo phận Qui Nhơn đã trải qua bao thăng trầm của hoàn cảnh xã hội, chính trị của đất nước:

Cách đây hơn 3 thế kỷ, vào ngày 27 tháng 11 năm 1660, lúc 36 tuổi, Đức Cha Lambert rời quê hương lên đường sang Đông Nam Á bằng con đường từ bến cảng Marseille của Pháp, qua các xứ Hồi giáo vùng Trung Cận Đông (Thổ Nhĩ Kỳ, Syria, Irak, Iran), rồi qua Ấn Độ để tới được Ayuthia, kinh đô Xiêm La (Thái Lan) vào ngày 22 tháng 8 năm 1662, cuộc hành trình trên 2 năm trời đầy thử thách gian nan, cực kỳ gian khổ. Đức Cha Lambert bị cầm chân tại Thái Lan vì cuộc bắt đạo tàn khốc của chúa Hiền (1648-1687), Ngài vẫn chưa vào được nhiệm sở của Ngài, Địa phận Đàng Trong. Đức Cha Pallu đang ở Thái Lan cũng không thể đến Đàng Ngoài vì cũng bị chúa Trịnh Tạc (1652-1682) cấm đạo gay gắt. Đầu năm 1665, Đức Cha Pallu phải về Pháp để xúc tiến việc thành lập Hội Thừa Sai, Đức Cha Pallu nhờ Đức Cha Lambert Giám Quản Địa phận Đàng Ngoài.

Ngày 30 tháng 8 năm 1669, Đức Cha Lambert có mặt tại Đàng Ngoài. Sau khi lập Hiệp Hội Mến Thánh Giá tại thế ở Đàng Ngoài (1670). Ngày 19.02.1670 Ngài chính thức lập Dòng Mến Thánh Giá đầu tiên tại Kiên Lao. Ngày 01.9.1671, Đức Cha Lambert đặt chân lên đất Đàng Trong, khoảng trước lễ Giáng Sinh năm 1671, ngài lập Dòng Mến Thánh Giá Đàng Trong tại An Chỉ, đây là cái nôi của Dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn. Ngày 13.12.1675, Tu viện An Chỉ đã có 12 nữ tu Mến Thánh Giá khấn lần đầu.

Hội dòng đã trải qua bao cuộc thử thách tôi luyện: Cộng đoàn đầu tiên An Chỉ bị khủng bố (1677), một năm sau bị tiêu hủy (1678); Tu viện Hội An được thành lập thay cho Tu viện An Chỉ nhưng cũng bị tiêu hủy (1682). Khoảng thời gian 1682 – 1749, chỉ còn một Nhà Dòng Mến Thánh Giá và  sau đó không còn bóng dáng nào về Dòng Mến Thánh Giá nữa.

Nhưng với tình yêu quan phòng củaThiên Chúa, năm 1767, Hội dòng Mến Thánh Giá được Đức Cha Guillaume Piguel (1764-1767) tái thiết và được canh tân dưới thời Đức Cha Labartette (1799-1822) .

Để làm sáng tỏ được ý nghĩa của Mầu nhiệm Thập giá: “Qua Đau khổ đến vinh quang”, Dòng Mến Thánh Giá đã bị bách hại và tù đày dưới thời vua Minh Mạng 10 năm (1830-1840); thời Thiệu Trị 6 năm (1841-1847); thời Tự Đức 14 năm (1848-1862); bị bách hại khốc liệt nhất là phong trào Văn Thân (1885).

Hạt giống đức tin bị chôn vùi và mục nát nay đã trổ bông. Đó là tin vui sau 300 năm bị bắt bớ và cấm cách, Dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn được canh tân theo tiêu chuẩn Giáo Luật. Đức Cha Damien Grangeon Mẫn ủy nhiệm cho cha Gioan Baotixita Solvignon Lành (lúc bây giờ làm cha sở Gò Thị) đảm nhiệm công việc canh tân; và Đức Cha nhờ các nữ tu dòng Saint Paul giúp huấn luyện các nữ tu Mến Thánh Giá theo việc canh tân này.

Hội dòng được Tòa Thánh ban sắc chỉ chuẩn y lập Dòng vào ngày 02.3.1929, và Chỉ thị Lập Dòng của Đức Cha Augustino Tardieu Phú 14.9.1932.

Theo dòng thời gian, con thuyền Hội dòng vẫn tiếp tục, lúc bình an lúc sóng gió theo thời cuộc, nhưng Chúa là Thuyền Trưởng vẫn đưa  Hội dòng đến thời điểm 2015 được an bình và  phát triển.

Nhìn lại lịch sử, Dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn khai sinh từ một cộng đoàn bé nhỏ với 12 nữ tu tại An Chỉ nay đã là Đại gia Đình Mến Thánh Giá, phục vụ trong 11 Giáo phận, với  56 Cộng đoàn ở Việt Nam và  9 Cộng đoàn ở Hải Ngoại (Hoa kỳ: 07; Nauy: 01; Úc: 01), với 434 Khấn sinh trọn và 99 khấn sinh tạm, 31 Tập sinh; 21 Tiền Tập và 250 Dự tu.

Tạ ơn Chúa, tri ân Đấng Sáng Lập và ghi ơn quý tiền nhân. Người Thánh Hiến thực hành lời mời gọi của Đức Giáo hoàng Phanxicô: “Các tu sĩ phải biết theo Đức Kitô cách gần gũi hơn, để diễn tả Tin Mừng trong một hình thức đặc biệt của đời sống, để với con mắt đức tin, họ đọc các dấu chỉ của thời đại, để đáp trả với sự sáng tạo, cho các nhu cầu của Giáo Hội. Kinh nghiệm của thưở ban đầu từ từ được lớn lên và được khai triển ra, bao gồm những thành viên trong những môi trường mới về địa dư và văn hóa, làm cho có sức sống những cách thế mới để thực hiện Đặc sủng, với các sáng kiến mới và cách diễn tả về đức ái tông đồ. Đó như hạt giống trở nên một cây làm lan tỏa ra các ngành cây xum xuê.”[25]

Thật vậy, để theo Đức Kitô cách gần gũi hơn, đó là bám lấy chiều sâu của Đặc sủng và Linh đạo Mến Thánh Giá, nhờ sức sống của Mầu Nhiệm Thập Giá mà người nữ tu Mến Thánh Giá chúng con có thể sống tồn tại dù trong hoàn cảnh của thời cuộc nào, dù là quá khứ, hiện tại hay tương lai.
 
 
C. SỐNG GIÂY PHÚT HIỆN TẠI VỚI LÒNG ĐAM MÊ
 
Nhìn quá khứ với lòng biết ơn là cần thiết để sống giây phút hiện tại với lòng hăng say và đam mê, vì “ký ức biết ơn về quá khứ thúc đẩy chúng ta, trong việc chăm chú lắng nghe những gì mà ngày nay Chúa Thánh Thần còn nói với Giáo Hội, để thực hiện các khía cạnh làm nên đời sống thánh hiến với một cách thế luôn sâu xa hơn”.[26]

Sống hiện tại với đam mê có nghĩa là trở nên “các chuyên viên của tình hiệp thông”,  vì “các chứng nhân và người làm nên “dự án hiệp thông” đang ở đỉnh cao của lịch sử con người theo ý  của Thiên Chúa”.[27]

Hiệp thông cần mang tính trung gian. Trung gian thì phải can đảm đương đầu với những khác biệt và thách thức. Người nữ tu Mến Thánh Giá noi gương Thầy Chí Thánh Giêsu, Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài  người qua cuộc tử nạn của Ngài để cứu chuộc nhân loại.

Năm đời sống thánh hiến giúp cho người thánh hiến nhìn lại Đặc sủng, Linh đạo và Sứ vụ của mình.Cùng với Chúa Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh, người con Mến Thánh Giá, “sống sứ vụ trung gian: Chuyển cầu trong nguyện đường và trong cuộc sống”[28], cốt để làm sao chị em nên dấu chỉ đáng tin cậy về sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, Đấng đổ vào trong các con tim sự đam mê để tất cả nên một mà thôi.[29]

Chúa Giêsu đã sống vai trò trung gian của mình qua  đời sống khiết tịnh, nghèo khó và vâng phục cho đến chết và chết trên thập giá. Ngài là cuốn Phúc Âm sống động nhất, là nền tảng của mọi Đặc sủng, Linh dạo và Sứ vụ của các linh mục, dòng tu, tu hội hay giáo dân; do đó không thể chỉ học hỏi Phúc Âm, học hỏi Đặc sủng, Linh đạo của Hội dòng mà không sống đời thực hành như Chúa Giêsu đã sống 33 năm tại thế. Chúng ta biết “Chúa Giêsu còn là con người chứ không phải là lý thuyết, lý tưởng suông![30]

Các nữ tu Mến Thánh Giá tiên khởi không được tham dự lớp thần học bài bản nào, cũng không có bằng cấp nào của khoa học đời, nhưng các bà đã  tin yêu và sống hết mình cho Đức Kitô. Các bà đã đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu bên Mẹ Maria và Thánh Giuse ở Nazaret khi các bà làm công việc nội trợ, lao tác; Với Chúa Giêsu đi rao giảng và chữa lành  khi các bà hóa trang đi bán thuốc tể và lể đẹn, đồng dạng với Chúa Giêsu Tử nạn khi các bà bị bắt bớ, tra tấn, tù đày hay khi gặp khó khăn, đau khổ trong đời sống cộng đoàn. Các bà đã bảo tồn và phát huy tinh thần Đặc sủng và Linh đạo của Hội dòng cho con cháu được kế thừa đến hôm nay. Làm sao nữ tu Mến Thánh Giá thế hệ trẻ hôm nay và ngày mai giữ được gia sản tinh thần vô giá này? Giữa xã hội tục hóa, khoa học ngày càng phát triển, bùng nổ thông tin, chính sách đô thị hóa… người ta lại ưa chuộng thuyết cá nhân chủ nghĩa, thuyết tương đối, muốn loại bỏ Thiên Chúa. Trong khi đó, con cháu của chúng ta đi vào Dòng thường là đã qua lớp 12, ảnh hưởng không ít nền giáo dục ở xã hội đương thời. Đây là những thách đố lớn cho Giáo Hội nói chung và cho các Chủng viện và  Dòng tu cách riêng. Thiết nghĩ rằng, mọi thành phần trong  Chủng viện, Hội dòng, nhất là các bậc lãnh đạo Hội dòng và các nhà  đào tạo ơn gọi quan tâm hơn đến Đặc sủng và Linh đạo của Hội dòng để giúp cho chính mình và người chị em trở về nguồn thường xuyên để lượng giá, canh tân, duy trì căn tính của Hội dòng mà  Đấng Sáng lập đã nhận được Đặc sủng của Chúa.

Hội dòng Mến Thánh Giá chỉ thay đổi vài hình thức hoạt động của sứ mệnh như: mục vụ giáo xứ (tập hát, dạy giáo lý, lo phòng thánh, cắm hoa); công tác xã hội (mở lớp dạy nghề, lớp học tình thương, chăm sóc cô nhi, thăm người bệnh tật, đau khổ tinh thần và thiếu thốn vật chất, giáo dục mầm non…); y tế (mở tạm xá, khám và phát thuốc lưu động); nhưng tinh thần, Đặc sủng, Linh đạo vẫn tập trung vào Mầu Nhiệm Thập Giá Cứu độ, để theo Chúa Giêsu làm “trung gian”[31] đem Tin Mừng đến cho mọi người, nhất là người chưa biết Chúa, người tội lỗi được ơn hoán cải, và xoa dịu nỗi khổ đau của người bất hạnh.[32] Thử hỏi, ngày nay chị em đã yêu Chúa và say mê thực hành bổn phận từng ngày với niềm vui của của đời thánh hiến của mình chưa? Niềm vui của đời thánh hiến chính là niềm vui của Tin Mừng. Trong Tông Huấn đầu tiên của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Ngài đã nhấn mạnh: “Niềm vui Tin mừng được đổ đầy trái tim và cuộc sống của những ai gặp Chúa Giêsu… Với Đức Kitô, niềm vui luôn được tái sinh ”.[33] Một tu sĩ buồn là tu sĩ đáng buồn. Niềm vui và dấu chỉ có tình yêu với Chúa và tha nhân, mà tình yêu (bác ái) là cốt lõi để sống giây phút hiện tại cách đam mê trong nhiệt thành, dấn thân và cũng từ tình yêu mà có “Mầu nhiệm Thập giá cứu độ”.

***
Xin mượn lời của Đức Giáo Hoàng Phanxicô để kết thúc bài chia sẻ hôm nay: “Với Chúa Giêsu, chúng ta phải tự hỏi chính mình, có thực sự là tình yêu thứ nhất và cuối cùng, như chúng ta đã khấn khi chúng ta đọc các lời khấn không? Chỉ khi nào là như thế, chúng ta mới có thể yêu trong Chân lý và thương xót mọi người mà chúng ta gặp trên hành trình của chúng ta, để từ nơi Ngài chúng ta hiểu rằng tình yêu là gì và phải yêu như thế nào. Chúng ta sẽ biết yêu thương bởi vì chúng ta sẽ có chính con tim của Ngài”.[34]

Vâng, chỉ khi noi gương và dấn thân theo Chúa Giêsu Kitô Tử Nạn và tin tưởng vào Mầu Nhiệm Phục Sinh của Ngài, chúng ta mới học được và sống được nghĩa yêu thương đích thực của đời thánh hiến. Đây cũng chính là ý nghĩa chủ chốt nhất của Linh đạo và Đặc sủng của Mến Thánh Giá.
 
                                                   Sr. Maria Võ Thị Tuyết
                                        Hội dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn
 
 

[1]x. 1 Cor 12
[2]x. Lumen gentium (LG)  số 43; Perfectae Caritatis (PC) số 1.
[3] MR 11.
[4] X. LG 44; CD 33,35.
[5]St.Gioan Phaolô II, Baifnosi chuyện với các bề trên tổng quyền nam, ngày 24/11/1978, được trích trong John Manuel Lozano, Foundresses, Foundersand Their Religious Families (Chicago: Claret Center for Resources in Spirituality,1983), tr.28.
[6] . LM Đào Quang Toản, Đặc Sủng Mến Thánh Giá, tr.74 &.  Nhóm Nghiên Cứu Linh Đạo Mến Thánh Giá (Nnóm nghiên cứu LĐ-MTG) Tiểu Sử- BútTích Đức Cha Phêrô Maria Lmabert De La Motte, 1998, số 27, tr.53.
[7] x. LM Đào Quang Toản, Đặc Sủng Mến Thánh Giá : Câu chuyện lúc lên 9 tuổi, tr.51-.  68.
[8]x. Jean Guennou, Missions Étrangeres de Paris, Paris, Fayard, 1986 trang 123 : « Lambert empruntait cette appellation à L’ Imitation de Jésus-Christ, Livre II, ch.XI et XII  »   
[9] x. 1Cr 1,23-24; 1 Cr 2,2; Gl 6,14 & Nnóm nghiên cứu LĐ-MTG.Tiểu Sử- BútTích Đức Cha Phêrô Maria Lambert De La Motte, 1998, số 27, tr.53.
[10] x. Ga 10,10; Cl 1,24; & Nnóm nghiên cứu LĐ-MTG. Tiểu Sử- BútTích Đức Cha Phêrô Maria Lambert De La Motte, 1998, số 31, tr.31-32 &Luật Tiên Khởi Dòng Nữ Mến Thánh Giá Chúa Giêsu Kitô, chương 1, điều 1, tr. 119.
[11]x.Ibid., Bức Luân Thư, số 9, tr.117 & Luật Tiên Khởi I-II, tr.119 & Bức Tâm Thư, điều 5, tr.126.
[12] x. Teresa Ledóchowska Osu, In Search of the Charism of the Institute of the Ursulines of the Roman Union
(Roma:Ursulines of the Roman Union Via Nomentana 236, 1976, tr.13-14,15.
[13] x.Ibid., Bức Tâm Thư, số 8-9, tr. 127 & Luật Tiên Khởi , chương III điều 1-5, tr. 121.
[14]  Cha Vương Đình Khởi. OFM, Đặc Sủng và Linh Đạo Dòng nữ Mến Thánh Giá Theo Ý Tưởng của Đấng Sáng Lập (Bài chia sẻ cho Khóa Bồi Dưỡng Liên Dòng MTG 09-08-2013).
[15]x. Teresa Ledóchowska Osu, In Search of the Charism of the Institute of the Ursulines of the Roman Union, tr. 27.
[16] x. Ga 12,32; Pl2, 6-11; 1Cr 2,2; Cl 1,24; Gl 6,14; Nhóm nghiên cứu LĐ-MTG, Tiểu Sử- BútTích Đức Cha Phêrô Maria Lambert De La Motte, 1998, Bài Tự Sự, chương III,1; Luât. Tiên Khởi, chương II.
[17] x. Dân Số, 21,1-9.
[18] x.. Ga 19, 26-27.
[19] x. Chứng Tá Phúc Âm, số 47; Giáo Lý Công Giáo 1997, số 2697-2741.
[20] x. Ga 13,1.34; 14,31; 15,13.
[21] x. Ga12,24;  Yếu Tố Cốt Yếu, số 31.
[22] X. Cl 1,24; 2 Cr 5, 14-15; Nhóm nghiên cứu LĐ-MTG.Tiểu Sử- Bút Tích Đức Cha Phêrô Maria Lambert De La Motte, 1998, Luật Tiên Khởi Chương IV, điều 8-9.12.
[23] x.Cr 9,16; DT 8; Tông Huấn Rao Giảng Tin Mừng (Evangelica Testificatio) 1971, số 69.
[24] Tông Huấn  Đức Thánh Cha Phanxicô gửi tất cá các người Thánh Hiến  dịp cử hành năm của Đời Sống Thánh Hiến, (Dịch từ nguyên bản tiếng Ý do Phòng Báo Chí của Tòa Thánh phổ biến ngày 21-11-2014. Chuyển ngữ:  Linh Mục Phanxicô  Borgia Trần Văn Khả, ngày 29-11-2014, ( II,1).
[25] Ibid,  (I,1).
[26] Ibid,  (I,2).
[27] Thánh Bộ Các Tu Sĩ Và Các Hiệp Hội Tu Đời, Các Tu Sĩ và việc thăng tiến con người, ngày 12-8-1980: Trong báo L’Osservatore Romando, Suppl. 12-11-1980, tr. 1-8.
[28] Hội Dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn, Hiến Chương, 2011,điều 3 triệt 2.
[29] x. Ga 17,21.
[30] Đài Chân Lý Á Châu, phát sóng lúc 6g30, 25.01.2015, Phần Suy niệm Phúc Âm Mc 1,14-20.
[31] x. Nhóm Nghiên Cứu Linh Đạo Mến Thánh Giá,  Tiểu Sử - Bút tích  Đức Cha Phêrô-Maria Lambert De La Motte- Đấng Sáng Lập Dòng Mến Thánh Giá,1998:.Bức Tâm Thư, điều 9b.
[32] x. Hội Dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn, Hiến Chương, 2011, điều 72.
[33] x. ĐTC Benedicto,Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng ( Evangelii Gaudium); Bản  dich tiếng Việt (2013) của Ủy Ban Loan Báo Tin Mừng / Hội Đồng Giám mục Việt Nam. Tr.1, số 1.
[34] Tông Huấn Năm ĐSTH (1, 2d) .
 
Tác giả bài viết: Sr. Maria Võ Thị Tuyết
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 22 trong 5 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 10
  • Hôm nay: 2395
  • Tháng hiện tại: 132517
  • Tổng lượt truy cập: 12276777