Trang mới   https://gpquinhon.org

Chúa Nhật VI Thường Niên

Đăng lúc: Thứ năm - 12/02/2015 17:56
CHÚA NHẬT VI THƯỜNG NIÊN B
Lv 13,1-2.45-46; 1 Cr 10,31-11,1; Mc 1,40-45
Động lòng thương, Chúa Giêsu giơ tay đặt trên người ấy…” (Mc 1, 41a)
                                                                                                           



Nhờ phương tiện giao thông nhanh chóng và nhờ phương tiện truyền thông mau lẹ, thế giới ngày nay dường như được thu nhỏ lại. Thế nhưng, nhiều người lại báo động con người ngày càng dửng dưng với đồng loại hơn trước đây. Đức Thánh Cha Phanxicô trong tông huấn “Niềm vui Tin mừng” cảnh báo: “Văn hóa của sự thịnh vượng làm chúng ta mất đi sự mẫn cảm…một món hàng mới làm chúng ta phấn khích, trong khi những mảnh đời cằn cỗi…không hề làm chúng ta mủi lòng.” (Số 54; Giáo huấn số 12). Thái độ đó chắc chắn nghịch lại chính cuộc sống của Chúa Giêsu và Tin mừng của Ngài mà chúng ta vừa nghe trong bài Phúc âm theo thánh Mác-cô: “Động lòng thương, Chúa Giê su giơ tay đặt trên người ấy…” (Mc 1, 41a).

Động lòng thương

Động lòng thương hay chạnh lòng thương là cụm từ chúng ta đọc thấy nhiều lần trong Tin mừng. Chúa Giêsu chạnh lòng thương đoàn dân đông đảo đến với Ngài khiến Ngài ban Lời hằng sống, chữa lành bệnh nhân và làm phép lạ hóa bánh ra nhiều (x. Mc, 6,34 tt; Mt 14,13 tt; Lc 9,12 tt; Ga 6,1 tt). Chúa chạnh lòng thường bà góa thành Naim và cho đứa con độc nhất của bà sống lại (x. Lc 7,13). Chúa chạnh lòng thương đoàn dân như đàn chiên bơ vơ và kêu mời môn đệ cầu xin Chủ sai thợ gặt lúa về (x. Mt 9,36).

Đoạn Tin mừng trích đọc hôm nay cho chúng ta biết Chúa Giêsu khởi đầu sứ vụ truyền giáo của Ngài trong miền Galilê. Bắt đầu từ thành Caphanaum, Ngài giảng dạy trong hội đường, xua trừ ma quỷ và làm nhiều phép lạ cứu chữa bệnh nhân. Nhưng Chúa Giêsu không chỉ quanh quẩn trong “thành của Ngài” (Mt. 9,1). Thánh Mác-cô ghi thêm: “Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các vùng lân cận, để Ta rao giảng ở đó nữa, bởi chính vì thế mà Ta đã ra đi.” (Mc 1,38). Bởi đó, ngoài thành Caphanaum, một người mắc bệnh phong đã đến quỳ xuống van xin Ngài: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể khiến tôi nên sạch” (Mc 1,40). Chúa Giêsu chạnh lòng thương tình cảnh khốn khổ của anh, và vì lòng tin của anh, Ngài đã cứu chữa anh khỏi bệnh: “Động lòng thương, Chúa Giê su giơ tay đặt trên người ấy và nói: “Ta muốn, anh hãy khỏi bệnh” (Mc 1, 41).

Chúa Giêsu giơ tay đặt trên người ấy

Tại sao Chúa Giêsu lại phải đụng tay đến bệnh nhân? Ngài chỉ cần truyền một lời chữa bệnh từ xa, như Ngài đã từng làm đối với một người nô lệ của viên đội trưởng kia (x. Mt 8,5 tt), hay là đối với mười bệnh nhân phong khác (x. Lc 17,11 tt).

Chúng ta hãy trở lại Bài đọc I. Sách Lê-vi dạy rằng một khi thầy tư tế ra lệnh ở riêng, người bệnh nhân phong “phải mặc áo rách để đầu trần, lấy áo che miệng và la to rằng mình mắc bệnh truyền nhiễm và ô uế” (Lv 13, 45) hầu để chẳng những người khỏe mạnh tránh xa để khỏi bị lây nhiễm mà còn hơn thế nữa để họ khỏi mắc uế, như sách Lê-vi dạy (x. Lv 13-14; 2 V 7,3). Ấy thế mà Chúa Giêsu lại giơ tay đặt trên người bệnh phong, trực tiếp đụng chạm vào người ấy. Chúa Giêsu đã làm một hành vi táo bạo, ngay cả là một cớ vấp phạm, theo luật Môsê.

Vậy thì đoạn Tin mừng ngắn này hàm ý hai câu chuyện thay vì một: Trước mắt, đó là câu chuyện về phép lạ bệnh nhân phong được cứu chữa (liên hệ đến Bài đọc I). Thế nhưng, tường thuật phép lạ chữa lành người bệnh phong ngay đầu sứ vụ loan báo Tin mừng của Chúa Giêsu dẫn đến một câu chuyện hoàn toàn khác, còn dài hơn, nghiêm trọng hơn, đúng hơn, đó là một cuộc chiến không ngưng nghỉ mà Chúa Giêsu phải dấn thân để mặc khải khuôn mặt đích thật của Thiên Chúa.

Có lẽ vì thế, trong một đoạn văn ngắn ngủi này có tới bốn lần sử dụng từ: “sạch”, “lành sạch”. [Tham chiếu Commentaires de Marie-Noëlle Thabut, année liturgique B, 6e dimanche du temps ordinaire, bản dịch Kinh Thánh của cha Nguyễn Thế Thuấn và CGKPV: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi sạch” (purifier) (c. 40). “Ta muốn, hãy nên sạch” (Sois purifié) (c. 41). “Và tức khắc phong hủi biến mất, và người ấy đã được sạch” (purifié) (c. 42). “Hãy đi trình diện với tư tế; và vì được sạch rồi…” (purification) (c. 44).] Sách Lê-vi dành nhiều chương liên quan đến những luật lệ về ô uế và thanh sạch (x. Lv 11-22). Đó là mối bận tâm lo lắng của dân Chúa, bởi vì sự trong sạch là điều kiện để bước vào mối tương giao với Thiên Chúa chí thánh. Chính vì lẽ đó mà toàn thế dân Chúa chọn rất cảnh giác về việc thanh tẩy, như sách Lê-vi (bài đọc I) truyền những chỉ thị liên quan bệnh phong cùi, và chương sau của Tin mừng Mác-cô còn nói đến những người Pha-ri-sêu chăm chú giữ tập tục thanh tẩy đến chi li, như rửa chén bát, bình ché và các đồ đồng (x. Mc 7,3-4). Nhưng thay vì chú trọng đến việc thanh tẩy bên trong tâm hồn, người ta lại chú trọng thái quá những hình thức bên ngoài, điều mà Chúa Giêsu từng khiển trách (x. Mc 7,4 tt). Nhân danh sự thanh sạch, hay có thể nói, nhân danh cả Thiên Chúa, họ loại trừ người anh em bệnh phong đáng thương, liệt người bệnh tật vào hạng người tội lỗi, như trường hợp người mù bẩm sinh (“mầy sinh ra trong đống tội…” x. Ga 9, 1 tt). Những người Pharisêu đã từng trách cứ Chúa Giêsu giao du với những người tội lỗi (x. Mt 9,11).

Ta muốn, anh hãy khỏi bệnh

Có thể người mù đã nghe danh tiếng của Chúa Giêsu, như trước đó Tin mừng theo thánh Mác-cô đã ghi (x. Mc 1,28). Anh ta quỳ xuống trước Chúa Giêsu, một cử chỉ người Do thái chỉ dành cho Thiên Chúa. Bấy giờ toàn dân mong đợi Đấng Mê-si-a đến thiết lập một “trời mới đất mới”, nơi không còn tang chế, nước mắt lẫn kêu than như lời hứa trong sách tiên tri Isaia (x. Is 61,2; 65,19). Chính vì thế, người mù khẩn xin một lời hứa sẽ được thực hiện trong thời đại Đấng Thiên sai. Và Chúa Giêsu đã đáp ứng sự chờ đợi này: “Ta muốn, anh hãy được sạch”. Sau này, Chúa Giêsu cũng sẽ nói với các môn đệ của thánh Gioan Tẩy giả về những dấu chỉ thời đại của “Đấng phải đến” (Mt 11,3 ; Lc 7,19).

Tin mừng mà “Đấng phải đến” công bố và người bệnh nhân phong “liền cao rao và loan truyền”, đó là kể từ nay không ai bị tuyên bố là ô uế và bị loại trừ nhân danh Thiên Chúa. Một thế giới mới xuất hiện trong đó các thứ bệnh tật được chữa lành, “được sạch” thật sự là một “Tin mừng” cho người nghèo khó: vì chính họ “được thanh sạch”, nghĩa là được làm “bạn hữu với Thiên Chúa”. 

Để chứng tỏ cho các tư tế biết Ngài kính trọng luật Mô-sê, đồng thời mặc khải cho họ quyền năng mầu nhiệm của Ngài, Chúa Giêsu đã truyền cho người bệnh phong phải dâng hy lễ theo luật định (x. Mc 1,44). Tuy nhiên, những luật lệ về sự thanh sạch của Cựu ước không thể  tẩy sạch bên trong tâm hồn con người, không thể tẩy xóa tội lỗi cho con người. Chỉ có máu của Chúa Giêsu mới tẩy sạch tội lỗi (1 Ga 1,7.9; Kh 7,14), nhờ bí tích Rửa tội được trao ban cho chúng ta.

Chiếu tỏa niềm tin

Trong “Năm chiếu tỏa niềm tin” này, Đức Cha Matthêô khuyến khích chúng ta: “Trong năm 2014, giáo phận đã tiến hành việc tân Phúc Âm đời sống gia đình bằng cách gia tăng đức ái. Giờ đây chính đức ái thúc đẩy mỗi người chúng ta ra đi để đem niềm tin đến cho những người chưa nhận biết Chúa trong địa bàn giáo xứ” (“Thư mục vụ về chương trình mục vụ truyền giáo năm 2015” số 4). Đó chính noi gương Đức Ki-tô ra khỏi nhà của mình, khỏi nhà thờ giáo xứ để đến gặp gỡ anh em lương dân, mang tình thương của Chúa và Tin mừng của Ngài đến với họ, như Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi “một cộng đoàn loan báo Tin mừngvượt qua các khoảng cách, sẵn sàng hạ mình khi cần, và ôm ấp đời sống con người, chạm vào thân thể đau khổ của Đức Ki-tô nơi người khác” (“Niềm vui Tin mừng, số 24). Đó chính là đi ra khỏi chính mình, ra khỏi cõi lòng ích kỷ, không còn dửng dưng với khổ đau vật chất và tinh thần của anh chị em, với phần rỗi đồng loại. Đó là học hỏi nhiệt tình của Thánh Phaolô trong Bài đọc II: “Tôi cố làm hài lòng mọi người trong mọi sự, không tìm điều gì lợi ích cho tôi, nhưng tìm điều lợi ích cho nhiều người để họ được cứu rỗi.” (1 Cr 10,33). Ngài còn khuyên nhủ chúng ta hãy để tâm làm sáng danh Chúa trong mọi sinh hoạt đời thường của chúng ta, đừng nên cớ vấp phạm và gương xấu cho ai (x. 1 Cr 10,31-32). Thánh nhân bảo chúng ta hãy noi gương ngài như ngài đã noi gương chính Chúa Giêsu vì phần rỗi anh chị em (x. 1 Cr 11,1).

Giờ đây, mỗi người chúng ta sẽ kết hiệp với Chúa Giê-su trong hy tế của Ngài trên Bàn thờ. Kín múc từ chính nguồn mạch sự thánh thiện của Chúa, chúng ta mới có thể chiếu tỏa sự thánh thiện và tình thương cứu chuộc của Chúa cho anh chị em. Nguyện xin Chúa Giêsu ban cho mỗi người chúng con luôn mặc lấy tâm tình của Chúa. Amen.

 
Tác giả bài viết: Lm. Ghêgôriô Văn Ngọc Anh
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 19
  • Khách viếng thăm: 14
  • Máy chủ tìm kiếm: 5
  • Hôm nay: 6651
  • Tháng hiện tại: 141112
  • Tổng lượt truy cập: 12285372