Trang mới   https://gpquinhon.org

Của cải do các tín hữu tự nguyện dâng cúng

Đăng lúc: Thứ hai - 08/07/2013 19:03

 
 


1. Có một người lạ mặt ở nơi xa nhờ tôi trao số tiền cho cha xứ mà không nói gì cả, thì số tiền đó sẽ dành cho ai, cho cha xứ hay cho giáo xứ?
 
 Nhằm tôn trọng ý định của ân nhân, Điều 1267 §1 của Bộ Giáo luật hiện hành quy định về của dâng cúng tự nguyện như sau:
 
Trừ khi thấy ngược lại tỏ tường, các của dâng cúng (oblationes) cho các Bề Trên (từ ngữ “Bề Trên” được sử dụng ở đây bao gồm cả những vị được nói đến ở Điều 617: Bề Trên lãnh đạo trong Hội Dòng; và Điều 118: người đại diện pháp nhân công hoặc đại diện pháp nhân tư);  hay cho các người quản trị của bất cứ pháp nhân nào (Trong Giáo Hội, ngoài các thể nhân (persona physica) còn có những pháp nhân (persona iuridica), nghĩa là, đối với Giáo luật, những chủ thể của những nghĩa vụ và quyền lợi tương ứng với bản chất của những pháp nhân ấy (Điều 113 §2). Các pháp nhân trong Giáo Hội là những tập hợp nhân sự hoặc là những tập hợp sự vật (Điều 115)) trong Giáo Hội, dù là pháp nhân tư, phải suy đoán (Đây là một suy đoán pháp định, nghĩa là sự suy đoán do chính luật ấn định (x. Điều 1584)) là dâng cúng cho chính pháp nhân ấy.
 
Thí dụ, một ân nhân trao một món tiền cho cha xứ thì được suy đoán là dành cho giáo xứ chứ không phải để tặng riêng cho cha xứ, trừ khi nào ân nhân đã xác định rõ ràng ý định của mình là muốn làm quà cho cha xứ.
 
 2. Cha xứ có quyền từ chối không nhận của dâng cúng không?
 
Trừ khi có một lý do chính đáng, thì cha xứ cũng như những người quản trị một pháp nhân (pháp nhân công và cả pháp nhân tư), không được khước từ các của dâng cúng này, bởi vì sự từ chối sẽ làm thiệt hại cho chính pháp nhân.
 
Chỉ cần lý do chính đáng cũng đủ, chứ không cần phải là lý do nghiêm trọng. Lý do chính đáng của việc từ chối có thể là: nguồn gốc bất minh của tài sản, người dâng cúng muốn sử dụng vào một mục đích xung khắc với những mục đích của Giáo Hội, người nhận không có khả năng quản lý, chi phí bảo trì quá lớn, v.v…
 
Nếu là pháp nhân công (td. giáo xứ), ngoài lý do chính đáng, còn cần phải có phép của Đấng Bản Quyền, mới được khước từ một khoản dâng cúng quan trọng hơn (về mặt kinh tế, lịch sử, mỹ thuật) (Ở đây Giáo luật không ấn định thế nào là những việc quan trọng hơn. Vì thế, tuỳ theo hoàn cảnh từng địa phương mà suy xét cụ thể).
 
Cũng cần phải có phép của Đấng Bản Quyền khi pháp nhân công nhận những của dâng cúng có kèm theo một nghĩa vụ hay một điều kiện nào đó (Điều 1267 §2), miễn là vẫn giữ nguyên những quy định của Điều 1295, bởi vì một nghĩa vụ hay một điều kiện có thể làm suy giảm điều kiện di sản của pháp nhân.
 
Tác giả bài viết: Lm. Luy Huỳnh Phước Lâm
Nguồn tin: Gplongxuyen.com
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 227
  • Khách viếng thăm: 180
  • Máy chủ tìm kiếm: 47
  • Hôm nay: 17277
  • Tháng hiện tại: 39463
  • Tổng lượt truy cập: 12329175