Trang mới   https://gpquinhon.org

Nghĩa vụ và quyền cha phó như thế nào?

Đăng lúc: Thứ bảy - 18/05/2013 18:09
NGHĨA VỤ VÀ QUYỀN CHA PHÓ NHƯ THẾ NÀO?




 
Lm. Luy  Huỳnh Phước Lâm
 

Theo nguyên tắc, cha phó được hưởng tất cả nghĩa vụ và quyền được nhìn nhận cách minh nhiên dành cho người tín hữu (Điều 208-223) và dành cho các giáo sĩ (Điều 273-289) cũng như tất cả những nghĩa vụ và quyền khác được thiết lập do luật hay do thẩm quyền hợp pháp.

Đặc biệt, cha phó còn có các nghĩa vụ và quyền chiếu theo Điều 548 §1:

“Các nghĩa vụ và các quyền của cha phó chẳng những được ấn định trong những điều của chương này, trong quy chế của giáo phận và trong văn thư của Giám Mục giáo phận, mà còn được xác định cách đặc biệt bằng sự uỷ nhiệm của cha sở”.

Như vậy, gồm tất cả có 4 quy chiếu:

1. Luật chung của Giáo Hội.
2. Luật riêng của giáo phận.
3. Văn thư bổ nhiệm.
4. Sự uỷ nhiệm của cha sở.

1. LUẬT CHUNG CỦA GIÁO HỘI

1.1. NHỮNG NGHĨA VỤ CỦA CHA PHÓ ĐƯỢC ẤN ĐỊNH TRONG LUẬT CHUNG CỦA GIÁO HỘI

1.1.1. Nghĩa vụ giúp đỡ cha sở

Đây không phải là việc thay thế tạm thời trong trường hợp cha sở bị ngăn trở theo Điều 541§1, nhưng việc giúp đỡ bình thường để chu toàn thừa tác vụ.

1.1.1.1. Phải giúp đỡ cha sở trong toàn bộ thừa tác vụ của giáo xứ, ngoại trừ việc dâng ý lễ cầu cho đoàn dân.

Điều 548 §2: “Trừ khi văn thư của Giám Mục giáo phận đã minh nhiên dự liệu cách khác, cha phó chiếu theo chức vụ buộc phải giúp đỡ cha sở trong toàn bộ thừa tác vụ của giáo xứ, ngoại trừ việc dâng ý lễ cầu cho đoàn dân, và nếu trường hợp xảy ra chiếu theo quy tắc của luật, phải thay thế cha sở”.

Cha phó chia sẻ thừa tác vụ của cha sở như đã được quy định trong các Điều 522-531 và Điều 535, nhất là trong các Điều 528-529, liên quan đến nhiệm vụ giảng dạy, thánh hoá và cai trị.

1.1.1.2. Phải giúp đỡ cha sở trong những nhiệm vụ được uỷ thác đặc biệt cho cha sở

Cha phó phải giúp đỡ cha sở cả trong những nhiệm vụ được uỷ thác đặc biệt cho cha sở đã được quy định trong Điều 530:

“Những nhiệm vụ đã được uỷ thác đặc biệt cho cha sở là:

1. ban bí tích Rửa Tội;
2. ban bí tích Thêm Sức cho những người nguy tử, chiếu theo quy tắc của điều 883, 30;
3. ban Của Ăn Đàng và bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân, miễn là vẫn tôn trọng những quy định của điều 1003 §§2 và 3; cũng như ban phép lành Tông Toà;
4. chứng hôn và chúc hôn;
5. cử hành lễ nghi an táng;
6. làm phép giếng rửa tội trong mùa Phục Sinh, chủ sự các cuộc rước kiệu ngoài nhà thờ, cũng như ban phép lành trọng thể ngoài nhà thờ;
7. cử hành Thánh Lễ cách trọng thể hơn trong các ngày Chúa Nhật và các ngày lễ buộc”.

Bộ Giáo luật hiện hành chỉ nói những nhiệm vụ này “được uỷ thác đặc biệt cho cha sở” chứ không nói là chỉ dành riêng cho cha sở mà cha phó không được làm gì hết.

Những nhiệm vụ được uỷ thác đặc biệt này, trong nhiều trường hợp, cha sở, mặc dù có mặt, cũng không thể chính mình đảm đương được tất cả, cùng một lúc, cùng một nơi, cho nên cha sở cần phải uỷ nhiệm rõ ràng cho cha phó giúp đỡ để có sự phối hợp mục vụ tốt đẹp.

Riêng trong trường hợp chứng hôn, cha sở cần phải uỷ quyền (riêng biệt hoặc tổng quát) cho cha phó thì hôn nhân mới thành sự (x. Điều 1008 §1 và Điều1111§1).

1.1.2. Nghĩa vụ tường trình các hoạt động mục vụ

Cha phó có nghĩa vụ tường trình đều đặn cho cha sở biết những chương trình mục vụ được hoạch định và đang tiến hành thế nào.
Điều 548 §3: “Cha phó phải tường trình đều đặn cho cha sở biết những chương trình mục vụ được hoạch định và đang tiến hành thế nào để cha sở và cha phó, hoặc các cha phó, có thể hợp lực với nhau để đảm nhận việc mục vụ giáo xứ mà các ngài cùng chịu trách nhiệm.”

Điều 545§1 đã xác định rõ cha phó là “cộng tác viên của cha sở”, “đảm nhận thừa tác vụ dưới quyền cha sở”, nên cha phó có bổn phận phải tường trình cho cha sở các hoạt động mục vụ của mình, phải hiệp nhất và cộng tác chặt chẽ với cha sở để thi hành việc mục vụ giáo xứ.

1.1.3. Nghĩa vụ thay thế cha sở

1.1.3.1. Trong trường hợp cha sở vắng mặt tạm thời

Trong trường hợp cha sở vắng mặt tạm thời và có dự kiến, vì lý do đi nghỉ (Điều 533 §2) hay vì lý do nào khác (chữa bệnh, đi thăm thân nhân ở nước ngoài…)[1], thì Giám Mục giáo phận lo liệu thế nào[1] để việc coi sóc giáo xứ được một linh mục có những năng quyền cần thiết đảm nhận (Điều 533 §3).

Nếu Giám Mục giáo phận không ấn định những quy tắc cần thiết về việc coi sóc giáo xứ trong thời gian cha sở vắng mặt, và ngài cũng không đặt vị giám quản giáo xứ, thì cha phó sẽ thay thế tạm thời cho cha sở. Nếu có nhiều cha phó, thì cha phó nào được bổ nhiệm trước hết sẽ đảm nhận việc lãnh đạo tạm thời giáo xứ chiếu theo Điều 541 §1. Trong trường hợp này, cha phó buộc phải giữ mọi nghĩa vụ của cha sở, trừ nghĩa vụ “dâng ý lễ cầu cho đoàn dân”.

Điều 549: “Trong lúc cha sở vắng mặt, trừ khi Giám Mục giáo phận đã dự liệu cách khác chiếu theo quy tắc của điều 533 §3, và trừ khi đã đặt một vị giám quản giáo xứ, thì phải giữ những quy định của điều 541 §1; trong trường hợp ấy, cha phó buộc phải giữ mọi nghĩa vụ của cha sở, trừ nghĩa vụ dâng ý lễ cầu cho đoàn dân”.

1.1.3.2. Trong trường hợp giáo xứ khuyết vị hoặc khi cha sở bị cản trở không thi hành trách nhiệm mục vụ được, trước khi giám quản giáo xứ được đặt lên.

Điều 541 §1: “Khi giáo xứ khuyết vị hoặc khi cha sở bị cản trở không thi hành trách nhiệm mục vụ được, thì việc tạm thời lãnh đạo giáo xứ phải do cha phó đảm nhận, trước khi giám quản giáo xứ được đặt lên; nếu có nhiều cha phó, thì phải do cha phó nào được bổ nhiệm trước hết, nếu không có cha phó, thì phải cha sở nào được luật địa phương chỉ định”.

Theo Điều 539, khi giáo xứ khuyết vị hoặc khi cha sở bị ngăn trở không thể thi hành trách nhiệm mục vụ trong giáo xứ được vì bị giam cầm, bị lưu đày hoặc bị sa thải, không có năng lực hoặc vì thiếu sức khoẻ, hoặc vì một lý do nào khác, Giám Mục giáo phận phải chỉ định càng sớm càng tốt một giám quản giáo xứ.

Trước khi giám quản giáo xứ được đặt lên, cha phó sẽ đảm nhận việc tạm thời lãnh đạo giáo xứ và ngài cũng có tất cả mọi nghĩa vụ của cha sở, trừ nghĩa vụ dâng ý lễ cầu cho đoàn dân. Nếu có nhiều cha phó, thì cha phó nào được bổ nhiệm trước hết sẽ đảm nhận việc lãnh đạo tạm thời giáo xứ.

Trong tất cả trường hợp cha sở vắng mặt hoặc bị ngăn trở, cha phó, bởi vì chỉ là vị lãnh đạo tạm thời, không được quyền thay đổi, theo nguyên tắc chung của luật “sede vacante nihil innovetur”, và cũng không được phép làm điều gì có thể gây thiệt hại cho các quyền của cha sở hoặc có thể làm tổn thất tài sản của giáo xứ (x. Điều 540 §2).

Sau khi hoàn tất nhiệm vụ, cha phó cũng có bổn phận phải phúc trình với cha sở như trong trường hợp của giám quản giáo xứ (x. Điều 540 §3).

1.1.4. Nghĩa vụ giữ luật cư sở

Theo Điều 533 §1, cha sở phải cư trú tại nhà xứ gần nhà thờ. Còn cha phó thì chỉ buộc cư trú trong địa bàn giáo xứ, chứ không buộc phải sống tại nhà xứ.

Điều 550 §1: “Cha phó buộc phải ở trong giáo xứ, hoặc nếu ngài được đặt làm cha phó cho nhiều giáo xứ một trật, thì ngài phải ở tại một trong các giáo xứ ấy; tuy nhiên, vì một lý do chính đáng, Đấng Bản Quyền địa phương có thể cho phép ngài ở nơi khác, nhất là tại một nhà chung cho các linh mục, miễn là việc chu toàn trách nhiệm mục vụ không gây ra một thiệt hại nào”.

Nếu cha phó lỗi luật cư sở, sẽ có thể bị hình phạt cân xứng theo Điều 1396:

“Người nào vi phạm nghĩa vụ cư trú mà giáo vụ buộc phải giữ, thì phải chịu một hình phạt thích đáng, kể cả việc bãi nhiệm sau khi đã bị cảnh cáo”.

1.2. NHỮNG QUYỀN CỦA CHA PHÓ ĐƯỢC ẤN ĐỊNH TRONG LUẬT CHUNG CỦA GIÁO HỘI

1.2.1. Quyền hưởng thời gian đi nghỉ hằng năm

Điều 550 §3: “Về thời gian đi nghỉ, cha phó được hưởng cùng một quyền như cha sở”.

Như vậy, cha phó có quyền vắng mặt khỏi giáo xứ để đi nghỉ, tối đa là một tháng, một lần hay nhiều lần cộng lại, theo quy tắc của Điều 533 §2, giống như cha sở:

“ Trừ khi có lý do nghiêm trọng, mỗi năm cha sở được phép vắng mặt khỏi giáo xứ để đi nghỉ, tối đa là một tháng, liên tục hoặc gián đoạn; những ngày cha sở vắng mặt để dự tĩnh tâm mỗi năm một lần không tính vào thời gian đi nghỉ…”

1.2.2. Quyền nhận những của dâng cúng mà các Kitô hữu dành cho cha phó nhân dịp thi hành thừa tác mục vụ

Điều 551: “Về những của dâng cúng mà các Kitô hữu dành cho cha phó nhân dịp thi hành thừa tác mục vụ, thì phải tuân giữ quy định của điều 531”.

Điều 531 quy định là của dâng cúng khi thực hiện các công tác phục vụ thiêng liêng (khi cử hành bí tích, á bí tích) phải được sung vào công quỹ, trừ phi thấy rõ người dâng cúng có ý tặng riêng cho giáo sĩ làm công tác phục vụ.

Điều 531: “Cho dù người nào đã thực hiện một nhiệm vụ thuộc giáo xứ đi nữa, thì mọi của dâng cúng của các Kitô hữu mà người ấy đã nhận được trong dịp này đều được sung vào quỹ của giáo xứ, trừ khi điều này rõ ràng đi ngược với ý muốn của người dâng cúng đối với những của tự nguyện dâng cúng; Giám Mục giáo phận, sau khi tham khảo ý kiến của hội đồng linh mục, ấn định những quy định về việc sử dụng các của dâng cúng ấy cũng như về khoản thù lao cho các giáo sĩ thực hiện nhiệm vụ này”.

2. LUẬT RIÊNG CỦA GIÁO PHẬN

Nếu Giáo phận thiết lập quy chế cho cha phó thì quyền lợi và nghĩa vụ của cha phó còn được xác định theo quy chế.

3. VĂN THƯ BỔ NHIỆM

Văn thư bổ nhiệm của Giám mục có thể ban thêm hoặc hạn chế quyền của cha phó về đối địa hay đối nhân, theo như Điều 545 §2:

- Cha phó có thể được đặt để phụ trách toàn bộ thừa tác mục vụ cho toàn thể giáo xứ,
- Cha phó có thể được đặt để phụ trách một phần nhất định của giáo xứ,
- Cha phó có thể được đặt để phụ trách một nhóm Kitô hữu nhất định của giáo xứ,
- Cha phó có thể được đặt để phụ trách hay để đảm nhận việc thi hành một thừa tác vụ nhất định trong nhiều giáo xứ một trật.

4. SỰ UỶ NHIỆM CỦA CHA SỞ

Theo Điều 548 §1, Giáo luật dùng từ “được xác định” (determinantur) đối với sự uỷ nhiệm cha sở, chớ không dùng từ “được ấn định” (definiuntur) như đối với 3 trường hợp khác (luật chung, luật riêng giáo phận, văn thư bổ nhiệm). Cho nên cha sở chỉ có thể xác định những điều trong phạm vi đã được luật chung và luật riêng ấn định.

Cha sở cần uỷ nhiệm rõ ràng, nhất là đối với những nhiệm vụ được uỷ thác đặc biệt cho cha sở (Điều 530) để có một sự phối hợp mục vụ nhịp nhàng.

Theo nguyên tắc, cha sở có thể uỷ quyền cho cha phó (x. Điều 132 §1) miễn chuẩn cho các giáo dân thuộc quyền mình và những người cư ngụ trong địa hạt của giáo xứ trong những trường hợp sau đây khi có lý do chính đáng và hợp lý (x. Điều 90):

- Miễn chuẩn trong trường hợp nguy tử khẩn cấp và không thể đến với Đấng Bản Quyền địa phương được, khỏi phải giữ thể thức cử hành hôn nhân và khỏi mọi ngăn trở, cũng như từng ngăn trở công khai hay kín đáo thuộc luật Giáo Hội, trừ ngăn trở do thánh chức linh mục (Điều 1079).

- Miễn chuẩn lời khấn tư vì một lý do chính đáng, miễn là việc miễn chuẩn không làm tổn thương đến quyền lợi thủ đắc của người khác (Điều 1196).

- Miễn chuẩn lời thề có tính cách hứa hẹn, theo như Điều 1203.

- Vì lý do chính đáng, và theo quy định của Giám Mục giáo phận, trong từng trường hợp, có thể miễn chuẩn nghĩa vụ phải giữ một ngày lễ (chuẩn cho khỏi tham dự thánh lễ và kiêng việc xác theo Điều 1247), hay một ngày sám hối (chuẩn cho khỏi kiêng thịt các ngày thứ sáu, chuẩn việc ăn chay theo Điều 1251).
 
 

 
Tác giả bài viết: Lm. Luy Huỳnh Phước Lâm
Nguồn tin: Gplongxuyen.com

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 75
  • Khách viếng thăm: 59
  • Máy chủ tìm kiếm: 16
  • Hôm nay: 9549
  • Tháng hiện tại: 31735
  • Tổng lượt truy cập: 12321447