Trang mới   https://gpquinhon.org

Cùng nhau xây dựng nhà thờ của chúng ta

Đăng lúc: Thứ bảy - 18/01/2014 18:02



Lời Chúa trong sách Sử Biên Niên quyển 1.(17, 1 – 13)

 Khi đã được yên cửa yên nhà, vua Đavít nói với ngôn sứ Nathan rằng: “Này, tôi được ở nhà bằng gỗ bá hương, còn Hòm Bia Giao Ước của ĐỨC CHÚA thì vẫn ở dưới lều.” Ông Nathan thưa với vua Đavít: “Tất cả những gì ngài ấp ủ trong lòng, xin cứ thực hiện, vì Thiên Chúa ở với ngài.”  Nhưng, ngay đêm ấy, có lời Thiên Chúa phán với ông Nathan rằng:  “Hãy đi nói với tôi tớ Ta là Đavít: ĐỨC CHÚA phán thế này: không phải ngươi sẽ xây nhà cho Ta ở.

…… Ta sẽ cho dân Ta là Ítraen một chỗ ở; Ta sẽ định cư chúng và chúng sẽ ở luôn tại đó, chúng sẽ không còn run sợ và quân gian ác cũng không còn tiếp tục quấy phá chúng như thuở ban đầu, từ thời Ta đặt các thủ lãnh cai quản dân Ta là Ítraen, Ta sẽ bắt mọi thù địch hàng phục ngươi. Ta báo cho ngươi biết là ĐỨC CHÚA sẽ xây cho ngươi một ngôi nhà. Khi ngươi được mãn phần mà về với tổ tiên, Ta sẽ cho dòng dõi ngươi đứng lên kế vị ngươi tức là một trong số các con ngươi, và Ta sẽ làm cho vương quyền của nó được vững bền.

Chính nó sẽ xây nhà cho Ta, còn Ta sẽ làm cho ngai báu của nó vững bền mãi mãi. Đối với nó, Ta sẽ là cha, đối với Ta, nó sẽ là con; ân nghĩa dành cho nó, Ta sẽ không rút lại, như Ta đã rút lại đối với kẻ tiền nhiệm của ngươi.
 
Đền Thờ Jerusalem

Câu chuyện trong sách Sử biên niên này làm cho chúng ta phải suy nghĩ khi muốn xây dựng nhà Thiên Chúa :

-         Việc xây dựng nhà thờ chỉ đầy đủ ý nghĩa khi chúng ta gìn giữ và củng cố mối tương quan mật thiết với Thiên Chúa.
-         Chính Thiên Chúa sẽ xây nhà cho chúng ta chứ không phải tự nỗ lực của chúng ta mà thôi.
-         Cùng với việc xây dựng nhà thờ là việc xây dựng cộng đoàn thờ phượng Chúa và lưu truyền việc thờ phượng này qua các thế hệ.
 
Đức tin.

Nhà thờ là hình ảnh của Hội Thánh, nhà thờ là Hội Thánh bằng gạch bằng đá, Hội Thánh là nhà thờ được xây dựng bằng những tâm hồn  “Hãy để Thiên Chúa dùng anh em như những viên đá sống động mà xây nên ngôi Ðền Thờ thiêng liêng” (1 P 2, 5.). Đức tin làm cho chúng ta trở nên viên đá sống động trong lòng Hội Thánh, Đức tin làm cho chúng ta liên kết với nhau trong một gia đình Hội Thánh.
 
Đức tin là ân huệ của Thiên Chúa ban, đón nhận Đức tin làm cho chúng ta trở nên Kitô hữu, Đức tin làm cho chúng ta có sự sống, cử hành Đức tin là hiện tại hóa ân huệ Chúa ban, tuyên xưng Đức tin làm cho ta tham dự sống động vào mầu nhiệm cứu chuộc, chia sẻ Đức tin làm cho chúng ta được lớn lên trong Thánh Thần.

Nhà thờ là một công trình kiến trúc, nhưng cũng là biểu tượng của Đức tin, hình ảnh ngôi nhà thờ cũng mang các chức năng như con người của Đức tin. Là một ân huệ của Thiên Chúa, nhà thờ tiếp diễn sự sống thiêng liêng, nhà thờ cử hành mầu nhiệm Đức tin, tuyên xưng Đức tin và luôn chia sẻ Đức tin cho mọi người.

Một khi chúng ta ý thức sứ mạng của con người mang Đức tin, nhà thờ cũng cần được xây dựng trong ý thức đó.
 
Một cái nhìn về xã hội.

Những ai có dịp đi nước ngoài, đến các nước tiên tiến trên thế giới, cảm nhận đầu tiên khi máy bay dần hạ cánh, chúng ta chứng kiến thành phố của họ được xây dựng trật tự. Khi đi thăm thành phố, chúng ta có cảm giác một sự ổn định và an toàn, tất cả các cảm giác đó được xây dựng bởi một quy hoạch gọn ghẽ trật tự, phân khu chức năng rõ rệt và kiến trúc từng khu vực được xây dựng hài hòa.

Thành quả đó là kết quả của một cách làm việc nghiêm túc, tinh thần trách nhiệm, có khả năng chuyên môn và tuân thủ kỷ luật của những người có trách nhiệm. Quy hoạch và kiến trúc không chỉ làm thỏa mãn nhu cầu sinh hoạt nhưng còn đóng một vai trò rất quan trọng trong việc giáo dục đào tạo. Môi trường sống sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nhân cách hình thành con người, nếu sinh ra và lớn lên trong một môi trường vô trật tự, một không gian không ổn định, một bầu khí sinh hoạt hỗn độn, con người có nguy cơ rối loạn các chức năng tâm lý.
 
Điều đáng buồn khi nhìn từ trên cao xuống thành phố Saigon, một thành phố lớn nhất nước, chúng ta chỉ thấy một không gian lộn xộn, những ngôi nhà lố nhố vô trật tự, màu sắc kiểu dáng đối chọi nhau, có người đã buồn bã ví von như một gian phòng chứa đồ chơi trẻ con ! Đi vào thành phố chúng ta sẽ rơi vào một tình trạng hỗn loạn, một cảm giác bất an sẽ luôn theo chúng ta, chỉ vì chúng ta chưa có được quy hoạch trật tự và một kiến trúc hài hòa. Mỗi ngôi nhà cố gắng thể hiện sự tốt đẹp tối đa có thể, trình diện một độc đáo riêng tư, tận dụng những lợi ích nhiều nhất cho mình, từ đó những cái chung bị bỏ quên thậm chí bị xúc phạm.
 
Nhà thờ của chúng ta.

Trong vùng “tam giác phát triển”Saigon, Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu, chúng ta có trên dưới một ngàn ngôi nhà thờ lớn nhỏ. Chỉ tính riêng Tổng Giáo Phận Saigon theo sổ tay 2013 của Giáo Phận, chúng ta có 234 ngôi nhà thờ lớn, chưa kể các nhà thờ giáo họ và các nhà nguyện của các dòng tu. (Giáo hạt Bình an : 13, Chí Hòa : 17, Gia Định : 21, Gò Vấp : 12, Hốc Môn : 21, Phú Nhuận : 9, Phú Thọ : 16, Saigon – Chợ Quán : 17, Tân Định : 20, Tân Sơn Nhì : 20, Thủ Đức : 13, Thủ Thiêm : 18, Xóm Chiếu : 21 và Xóm Mới : 16). Giáo Phận Xuân Lộc có 241 nhà thờ Giáo xứ (theo danh sách trong trang web Giáo Phận Xuân Lộc : www.giaophanxuanloc.org)

Theo thống kê trong Niên Giám 2005 của Giáo Hội Công Giáo Việt nam trang 512, trên bình diện cả nước chúng ta có 2518 nhà thờ giáo xứ giáo họ (thống kê năm 2004), chưa kể các nhà nguyện của các dòng tu, tám năm qua con số này phát triển hơn nữa. Ngoài ra chúng ta còn có các công trình nghệ thuật Công giáo như tượng đài, hang đá, nghĩa trang, các trung tâm hành hương, ….

Như vậy có thể nói với trên dưới 5.000 ngôi nhà thờ nhà nguyện lớn nhỏ trên cả nước, chúng ta đang sở hữu một không gian vô cùng quan trọng, đóng giữ một vai trò phục vụ nhu cầu thờ phượng, sinh hoạt tôn giáo và hướng dẫn đời sống tâm linh của gần 7 triệu tín đồ Công giáo, một ảnh hưởng rất lớn trong cộng đồng dân tộc Việt Nam.

Những năm gần, việc xây dựng các nhà thờ và các tu viện đang được tiến hành khá rầm rộ, từ những ngôi nhà nguyện bé nhỏ ở những vùng truyền giáo heo hút, cho đến những ngôi nhà thờ khang trang trong các vị trí đắc địa ở những thành phố lớn. Một vấn đề được đặt ra cho tất cả chúng ta là, việc xây dựng nhà thờ hoặc những công trình nghệ thuật công giáo ở nước ta theo những tiêu chuẩn nào ? Đâu là những bước cần phải tiến hành ?
 
Những nền tảng cần quy chiếu :

Năm 2006, Ủy Ban Giám Mục về Nghệ Thuật Thánh trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã xuất bản cuốn “Dựng xây từ những viên đá sống động” (Nhà xuất bản Tôn giáo 2006). Sách gồm có bốn chương lần lượt bàn về các vấn đề :

-         Chương một : Suy tư thần học về phụng vụ, nghệ thuật và kiến trúc phụng vụ.
-         Chương hai : Nhà thờ và các nghi lễ phụng vụ.
-         Chương ba : Nghệ thuật và các nghệ sĩ giúp Hội Thánh cầu nguyện.
-         Chương bốn : Những cân nhắc thiết thực khi xây nhà thờ.
Mục đích của sách như lời Đức Cha Phêrô Trần Đình Tứ, Giám mục Giáo Phận Phú Cường, Chủ Tich Ủy Ban Giám Mục về Phụng Tự và Nghệ Thuật Thánh (2006) đã viết trong Lời giới thiệu sách : “ …hướng ý hầu giúp những ai có trách nhiệm hay đang quan tâm đến vấn đề, có chỗ để tra cứu, suy nghĩ và tùy nghi áp dụng sao cho công việc xây dựng nhà Chúa, và những công trình khác của giáo xứ đạt được kết quả cao nhất”. Thiết nghĩ chúng ta cần tham khảo những vấn đề từ tập tài liệu này bàn đến trong khi tiến hành việc xây dựng nhà thờ, những vấn đề đó là :
 
Mục vụ:

Giáo luật điều 1215  triệt 1 và 2 “Không nhà thờ nào được xây dựng, nếu không có ý minh nhiên bằng giấy tờ của Giám mục Giáo phận …sau khi đã hỏi ý Hội đồng Linh mục và quản đốc các nhà thờ lân cận” .

Hiến Chế Phụng Vụ Thánh số 126. Ủy Ban giáo phận đặc trách Nghệ Thuật Thánh. Trong việc thẩm xét những tác phẩm nghệ thuật, các Ðấng Bản Quyền địa phương hãy lắng nghe ý kiến của Ủy Ban giáo phận đặc trách Nghệ Thuật Thánh, và trường hợp nào cần thiết, nên nghe những người rất thành thạo khác cũng như những Ủy Ban đã nói trong các khoản 44, 45, 46

Việc thiết lập Ban Nghệ Thuật Thánh (Ban Xây dựng nhà thờ) của Giáo Phận là một việc cần thiết, vị Giám mục với trách nhiệm của mình sẽ phải quyết định cho phép xây dựng theo đơn xin của Giáo xứ, ngài cần có ít là một đơn vị góp ý cho ngài. Chính ngài sẽ phải quyết định qui mô và kiểu dáng của ngôi nhà thờ sẽ xây dựng, tùy theo tình hình của Giáo Phận, tùy theo sự phát triển về nhân sự giáo sĩ, công cuộc loan báo Tin Mừng, những dịch chuyển kinh tế xã hội, bối cảnh chung của vùng và Giáo Phận, ngài sẽ quyết định nên làm nhà thờ lớn hay nhỏ, và làm theo kiểu dáng nào để phục vụ cho việc thờ phượng tại địa phương.

Đặc biệt Đức Giám mục quyết định để ngài kiểm soát được việc mục vụ của các giáo sĩ sở tại, không để cho việc xây dựng gây gánh nặng quá lớn cho các giáo sĩ đến nỗi bỏ quên mục vụ thường xuyên. Ngài kiểm soát được qui mô công trình để phòng tránh sự phô trương quá đáng, sự mất quân bình giữa các giáo xứ với nhau và dễ dàng thuyên chuyển giáo sĩ trong tương lai không phải vướng nợ nần.

Ban Nghệ Thuật Thánh của Giáo phận nên quy tụ những linh mục, tu sĩ và các chuyên viên giáo dân hiểu biết về các lãnh vực có liên quan (Nghệ thuật, kiến trúc, phụng vụ, văn hóa, …), cùng nhau nghiên cứu và cung cấp cho vị Giám mục cũng như Giáo xứ những trợ giúp cần thiết (những suy tư, những cảnh báo, những đề nghị, giới thiệu các : văn phòng Kiến trúc sư uy tín, nhà thầu xây dựng uy tín, nghệ nhân,  …), giám sát và giúp giải quyết những phát sinh trong quá trình xây dựng, …
 
Giáo xứ (đơn vị có nhu cầu xây dựng nhà thờ).

(sách : Dựng xây từ những viên đá sống động, các trang 169 -186)
Cha xứ cùng với Hội đồng Mục vụ Giáo xứ cầu nguyện, suy nghĩ và bàn hỏi trước khi đưa ra quyết định xin xây dựng hay sửa chữa nhà thờ.

Cùng với việc xây dựng nhà thờ bằng gạch đá, đây là cơ hội để Giáo xứ xây dựng nhà thờ tâm hồn là chính cộng đoàn Giáo xứ, cần xây dựng một chương trình cầu nguyện và học tập đặc biệt trong dịp này. Đặc biệt các văn kiện của Hội Thánh như : Hiến Chế Phụng Vụ Thánh, Hiến Chế Giáo Hội trong thế giới ngày nay, Sắc lệnh Ad Gentes và Thông diệp Sứ vụ Đấng Cứu Chuộc (Gioan Phaolo II, 1990), …

Việc xây dựng nhà thờ Giáo xứ là việc của Giáo xứ, dưới sự hướng dẫn mục vụ của Cha xứ, Giáo xứ đảm nhận chính công việc của mình, cùng nhau bàn thảo, phân công và tích cực thực hiện.

Lắng nghe tiếng nói của các chuyên viên trong các lãnh vực của họ, đặc biệt về lãnh vực kiến trúc, tôn trọng và tích cực cộng tác. Sau khi đệ trình dự án, lắng nghe và vâng lời quyết định của Đấng bản quyền.Vâng lời vì ngài là Đấng Bản quyền, chủ thể chính thức của mọi nhà thờ trong Giáo phận, ngài có trách nhiệm và có cái nhìn chung của toàn Giáo phận, ngài suy xét trên các lãnh vực (mục vụ, dân số, phát triển, số lượng và sự điều chuyển giáo sĩ, tài chánh, tương quan với các giáo xứ chung quanh thuộc vùng, ..), ngài đã bàn hỏi cùng Hội đồng Linh mục và các quản đốc các nhà thờ lân cận, ngài đã có sự cố vấn của Ban Nghệ Thuật Thánh giúp việc cho ngài.
 
Những lưu ý kỹ thuật :

(Sđd : các trang 186 – 191)

Tôn trọng các ý kiến chuyên môn của các chuyên gia trong các lãnh vực của họ (kiến trúc, kết cấu, mầu sắc, âm thanh, ánh sáng, mỹ thuật, vật liệu, môi trường, …), nên có một hôi đồng nghệ thuật để tham vấn trong quá trình xây dựng dự án và thi công.

Lập quy hoach tổng mặt bằng trước khi tiến hành xây dựng các công trình trong toàn khu đất, tránh việc xây dựng tự phát bừa bãi, không khai thác được cách tốt nhất quỹ đất, làm hao phí tài lực.

Chú ý đến cây xanh, rất cần tránh việc tận dụng diện tích cho bê tông biến không gian tâm linh trở thành khô cứng, đối chọi với thiên nhiên. Tôn trọng qui định % khoảng xanh, % khoảng mở của công trình trong luật xây dựng. Cần phần sân rộng phía trước nhà thờ để giải tỏa tâm lý trước khi tiến vào việc thờ phượng, không gian thoáng mát rộng rãi tạo cảm giác thoải mái khi đến nhà Thiên Chúa …
 
Chú ý đến thực trạng của cộng đoàn, xây dựng sao cho việc thờ phượng thường xuyên được ấm cùng (nhà thờ vừa đủ cho cộng đoàn cầu nguyện mỗi ngày, không quá rộng làm cộng đoàn nhỏ lạc lõng), vừa đủ cho việc cử hành vào các ngày Chúa nhật (mở rộng diện tích sử dụng ra bên ngoài khi đông người, sử dụng giải pháp hành lang, cửa mở rộng, …), tiền sảnh nhà thờ trở thành lễ đài cho những ngày đại lễ (lễ Giáng Sinh, lễ Lá, …cần khoảng sân rộng phía trước là nơi tụ họp giáo dân).
 
 
Tính kế thừa và kế thừa có chọn lọc. Cuộc sống, văn hóa, nghệ thuật là một dòng chảy, tính kế thừa là tất yếu của cuộc sống, “phi cổ bất thành kim”, trong dòng lịch sử của Giáo Hội, Giáo Hội luôn biết kế thừa cuộc sống, “rửa tội” và làm cho di sản nhân loại thêm phong phú nhờ tìm thấy và đóng góp khơi dậy những hoạt động của Chúa Thánh Thần từ trước trong các di sản đó. Thí dụ điển hình nhất là lễ Giáng Sinh vào ngày 25 tháng 12, ngày Đông chí, ngày bắt đầu dài ra, đêm bắt đầu ngắn lại, ngày mặt trời khởi sự chiến thắng, trong quá khứ là ngày lễ của thần mặt trời, thần Jupiter (thần Zeus). Khi thế giới Hy – La được “rửa tội”, Giáo Hội “rửa tội” cả ngày lễ này vì nhận ra Chúa Giêsu là mặt trời công chính mới, là ánh sáng tiêu diệt bóng đêm. Một thí dụ khác ở ViệtNam, Giáo Hội sử dụng nhang trầm để thờ phượng Chúa, nhang trầm là một hình thức thờ phượng trong truyền thống dân tộc.
 
Tuy nhiên chúng ta cần lưu ý đến sự kế thừa có chọn lọc, không thể sử dụng cho nhà thờ một số họa tiết trong xây dựng thuộc văn hóa phồn thực phổ biến trong dân gian. Cũng như tôn trọng tính chính xác của di sản, thí dụ chiều xoay chuyển của trống đồng theo chiều ngược chiều kim đồng hồ, vì nó mang tính triết lý vũ trụ quan, nhân sinh quan của hệ thống tư tưởng việt (Đông Sơn, Ngọc Lũ, Sông Đà,….http://tusach.thuvienkhoahoc.com/wiki, Tìm hiểu ý nghĩa những hình vẽ trên mặt trống đồng Ngọc Lũ [ Việt Nam Văn Minh Sử - Lê Văn Siêu ] ) . Không nên giữ thành kiến, vội vàng lên án (như quá khứ đã ứng xử với sự thờ cúng ông bà tổ tiên) hoặc tệ hơn đoạn tuyệt với di sản dân tộc.

Tuân thủ hướng dẫn của Giáo Hội về hình ảnh của Giáo Hội trong thế giới ngày nay, tránh phô trương hào nhoáng, chạy theo thị hiếu hưởng thụ sa hoa; tránh cô lập không thân thiện với con người (tường cao cổng kín), tránh cách ly với thiên nhiên (bê tông hóa toàn cảnh); tránh sử dụng các vật liệu các họa tiết trang trí phàm tục gây hiểu lầm (các họa tiết trong văn hóa phồn thực, các vật liệu mang tính ước lệ về sự đồi trụy, …). 
 
Hội nhập văn hóa.

Ngày nay người ta rất chú ý đến vấn đề hội nhập văn hóa, Công Đồng Vatican II gây một chuyển biến lớn trong Giáo Hội, chúng ta đã được thờ phượng Thiên Chúa bằng chính ngôn ngữ bản xứ của chúng ta, nhiều công trình nghệ thuật (Thánh nhạc, điêu khắc, kiến trúc, phụng vụ,  …) đã mang lại những thành quả tốt đẹp.
 
Hội nhập văn hóa không có nghĩa là hoài cổ nệ cổ, cần phải tìm kiếm ra bản chất của văn hóa việt trong kiến trúc để rút tỉa ứng dụng, thiết tưởng cần lưu ý các yếu tố sau:

-         Tính cộng đồng : Người Việt mang tính cộng đồng rất mạnh, mọi sinh hoạt dựa vào đời sống cộng đồng, ngôi nhà sinh hoạt của gia đình hoặc của làng xóm đều chú ý đến tính cộng đồng. Có thể chúng ta không duy trì sự phân biệt ngôi thứ của cơ cấu xã hội nhưng chúng ta phải tạo được không gián khả dĩ đón tiếp mọi thành phần dân Chúa không phân biệt, không ngăn cách.

-         Tính nhân ái: Đặc tính rất cụ thể của văn hóa việt là tính nhân ái, trọng già yêu trẻ, lá lành đùm lá rách, nâng đỡ cô nhi quả phụ, quan tâm đến những người khuyết tật …Không gian thờ phượng cần phải thiết kế sao cho những người già, người khuyết tật, người bất hạnh, người nghèo vẫn thấy được đó là ngôi nhà của họ, dành cho họ. Đặc biệt người ở các tôn giáo khác khi đến nhà thờ họ cảm thấy gần gũi, không xa lạ, không cảm giác sợ hãi. Trẻ em được tham dự và thờ phượng Chúa theo ngôn ngữ của các em.

Chúng ta nhận thấy trong Kinh Tín Kính (đọc trong Thánh lễ), Giáo Hội ngày nay đã dịch ra tiếng việt “ ….Vì loài người chúng ta và để cứu rỗi chúng ta, …”. “chúng ta” thay vì trong nguyên gốc là “chúng tôi” vì ngày xưa các anh chị em dự tòng ra về sau phần phụng vụ lời Chúa, chỉ còn các tín hữu ở lại tuyên xưng đức tin, ngày nay không chỉ là người dự tòng nhưng còn có cả các người khác tôn giáo nữa. Thiên Chúa khôn chỉ cứu rồi “chúng tôi” mà còn cứu rỗi “chúng ta” nữa. Tính nhân ái của dân tộc việt rất gần với Tin Mừng.

-         Tính thiên nhiên : Người việt sống hài hòa và yêu mến thiên nhiên môt cách tự nhiên, cái đẹp của các công trình kiến trúc Huế là cái đẹp của công trình hòa quyện trong thiên nhiên. Nhà vườn là một không gian sống được người việt ưa thích, các quán cà phê sân vườn ở các thành phố luôn là những địa chỉ hấp dẫn nhiều người. Sứ điệp ngày hòa bình thế giới 2010 “Nếu bạn muốn hòa bình, hãy bảo tồn thiên nhiên” (Benedicto 16). Ngày nay chúng ta càng cần lưu ý yếu tố này hơn nữa khi Đức Thánh Cha mang tông hiệu là Phanxico, ngài đã chọn tông hiệu này vì ba yếu tố, trong đó có yếu tố môi trường (bài nói chuyện với giới truyền thông sau ngày đắc cử).

-         Khí hậu nhiệt đới, gió mùa : Cần lưu ý đến yếu tố khi hậu nhiệt đới gió mùa, tận dụng kế thừa các sáng tạo thích ứng của cha ông chúng ta trong ngôi nhà việt, nhằm thích hợp với nhiệt độ, ánh sáng, gió mùa, giông bão, …sử dụng giải pháp cây xanh và nước để thay đổi vi khí hậu.
 
Tuyển chọn cộng tác viên.

Ngoài các thành phần trong Giáo xứ đảm nhận công việc của mình, Giáo xứ cần sự cộng tác quan trọng của các chuyên viên, trong đó kiến trúc sư, Kỹ sư kết cấu, nhà thầu xây dựng là các thành phần quan trọng nhất. Những cộng tác viên phải là những người có tâm huyết với Giáo Hội, có thực lực chuyên môn trong lãnh vực nghệ thuật thánh và có tầm hiểu biết về phụng vụ thánh. Có thể chúng ta không thiếu các chuyên viên giỏi về các lãnh vưc nghệ thuật khác, nhưng khiếm khuyết kiến thức về khoa nghệ thuật thánh, vì thế chúng ta phải cùng với vị chuyên viên học hỏi về nghệ thuật thánh cũng như phụng vụ. Đừng ngại kéo dài thời gian suy nghĩ, học hỏi để chuẩn bị cho dự án, thời gian chuẩn bị là thời gian quan trọng cho dự án được chín chắn.

Nên thẩm định chuyên môn của các chuyên viên bằng cách thăm viếng học hỏi về các công trình nghệ thuât thánh mà các vị đó đã thực hiện, phỏng vấn các đấng thẩm quyền của các công trình đó để lượng giá công trình, cùng nhau phân tích đánh gía để học hỏi.

Công bằng và sòng phẳng là các gía trị cần tôn trọng trong quá trình cộng tác với nhau, tránh nhập nhằng không rõ ràng, hứa hẹn quanh co, …tránh những mờ ám trong việc sử dụng vật liệu, kỹ thuật thi công và sử dụng tài chánh. Không thể xây dựng ngôi nhà thờ phượng Thiên Chúa bằng những biện pháp và cách thức không trong sáng. Không thể xây dựng một cộng đoàn thờ phượng khi tiến hành xây dựng có những chia rẽ, bất đồng, phá hoại nhau.

Chúng ta trân trọng sự đóng góp của mọi người để cùng nhau xây dựng ngôi nhà chung, nhưng làm sao để bảo vệ nhà thờ là ngôi nhà chung thật sự chứ không phải của riêng bất cứ ai. Mọi người đều có trách nhiệm và bổn phận tham gia, không để cho bất cứ cá nhân nào làm biến đổi ngôi nhà chung thành của riêng họ.
 
Thi công xây dựng :

Sau khi đã hoàn tất các chuẩn bị cho công rình, việc thi công được tiến hành với các đơn vị chuyên môn cần phải có : Thầu thi công xây dựng, Giám sát thi công, Giám sát thiết kế (giám sát tác giả). Về phần Giáo xứ cần hình thành các thành phần : Tài chánh, giám sát, vật tư, kỹ thuât, an ninh, an toàn, … công tác với nhau dưới sự hướng dẫn của Cha Chính xứ.

Cha Chính xứ cùng với Hội dồng Mục vụ Giáo xứ chịu trách nhiệm chính trong xây dựng, nên và cần liên lạc thường xuyên với Ban Nghệ Thuật Thánh Giáo phận để được trợ giúp những gì cần thiết.

Một ngôi nhà thờ có thể tồn tại 100 năm, vì thế việc xây dựng nhà thờ là một việc tối quan trọng.

“Ví như Chúa chẳng xây nhà,
Thợ nề vất vả cũng là uổng công” (TV 126)

Nhà thờ là nhà của Chúa, nhà của Hội Thánh, chúng ta chỉ hoàn thành thật sự khi chúng ta làm trong Chúa và trong lòng Hội Thánh.

 


                                          
Bản thiết kế Nhà thờ Ka Đơn (Giáo hạt Đơn Dương, Giáo phận Đà Lạt) có tựa đề "Sự trở lại của hồn địa" (Return of Genius Loci) của các kiến trúc sư Vũ Thị Thu Hương và Nguyễn Tuấn Dũng đã giành được Giải thưởng Kiến trúc Thánh Châu Âu Lần IV - 2011 (dành cho các luận văn Thạc sĩ và luận án Tiến sĩ nghiên cứu thiết kế Kiến trúc và Nghệ thuật Thánh).


 


















 


 
Tác giả bài viết: Lm. Vinh Sơn Phạm Trung Thành, Dcct ​
Nguồn tin: nghethuatthanh.net
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 11
  • Hôm nay: 8424
  • Tháng hiện tại: 127848
  • Tổng lượt truy cập: 12272108