Trang mới   https://gpquinhon.org

Nhà xứ

Đăng lúc: Chủ nhật - 12/01/2014 17:52



Nguyện đường Tiểu chủng viện Làng Sông, Qui Nhơn


Nhà xứ là hạng mục không thể thiếu trong tổng thể các công trình chung của giáo xứ.Thông thường sau khi xây dựng nhà thờ việc tiếp theo sẽ là xây dựng nhà xứ làm nơi ở cho cha xứ, cũng là địa điểm sinh hoạt của giáo dân.Vì vậy việc qui hoạch thiết kế nhà xứ đóng vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng của giáo xứ.

1-   Chức năng của nhà xứ:

Nhà xứ là nơi ở, làm việc, tiếp khách của cha xứ, nơi tiếp khách làm việc của Hội đồng Giáo xứ ( hđgx.), đồng thời cũng là nơi ở cho khách đến thăm và làm việc. Ở một số nơi nhà xứ còn kết hợp với văn phòng sinh hoạt các hội đoàn, kết hợp các phòng học giáo lí, hội trường, thư viện, nhà truyền thống, nhà sinh hoạt thể dục thể thao, …Ở đây chúng ta chỉ nói đến nhà xứ với những chức năng căn bản nhất.

       2 – Qui hoạch nhà xứ:

Nhà xứ cần được qui hoạch ở vị trí thuận tiện cho sinh hoạt của cha xứ, thuận tiện cho giáo dân và khách đến thăm, làm việc. Trong thiết kế thường bố trí các phòng có tính chất đối ngoại ( phòng khách, phòng hđgx…) tiếp giáp với nơi giáo dân và khách đến liên hệ. Ngược lại các khu vực sinh hoạt nội bộ ( phòng ngủ, bếp, wc, phơi đồ…) thường bố trí ở hướng kín đáo, che khuất, không quay hướng trực tiếp ra nhà thờ, vị trí đông người qua lại. Thông thường trong qui hoạch tổng thể, nếu sử dụng cổng vào chung thì sau cổng chính đến sân và nhà thờ ở vị trí trung tâm, sân sinh hoạt và nhà giáo lí hội trường bố trí một bên, phía bên còn lại là nhà xứ ( hình 1)

 

Hình 1

  3 – Nguyên lí thiết kế nhà xứ:

Tùy theo qui mô, tùy theo diện tích khuôn viên và nhu cầu của từng giáo xứ, nhà xứ được thiết kế với qui mô phù hợp. Trong thiết kế nhà xứ, công năng thường được chú trọng để việc sắp xếp các phòng ốc phù hợp với sinh hoạt của từng bộ phận, liện hệ thuận thiện giữa các phòng với nhau, giữa các phòng với khách bên ngoài… Ngoài ra nhà xứ cần thiết kế bảo đảm về ánh sáng, thông thoáng cho các phòng, việc thiết kế cần phù hợp với khí hậu của từng vùng miền. Thông thường với các nhà xứ có qui mô trung bình và với một khuôn viên đủ rộng, nên thiết kế nhà xứ với hình thức nhà trệt để thuận tiện trong sinh hoạt. Từ phòng ở của cha xứ đến cha phó, từ phòng khách đến phòng làm việc của hđgx., kể cả phòng ăn, nhà bếp, giặt giũ, đều cần bố trí ở tầng trệt. Ở trên lầu có chăng chỉ bố trí các phòng ngủ cho khách…

4 – Các phương án thiết kế nhà xứ:

4 – 1 Tính chất các phòng trong nhà xứ

 Các phòng ốc của nhà xứ được phân ra thành các loại phòng như sau

     – Phòng có chức năng đối ngoại: Là các phòng thường xuyên tiếp xúc với giáo dân với khách như: phòng khách giáo xứ, phòng làm việc hđgx.

     – Phòng có chức năng đối nội: Là các phòng không thường xuyên tiếp xúc với khách gồm: phòng ngủ khách, phòng ăn, bếp, giặt, phòng ở nhà bếp ….

     – Phòng có chức năng vừa đối nội vừa đối ngoại: Là các phòng vừa là nơi ở vừa là nơi làm việc tiếp khách như: phòng cha xứ, phòng cha phó.

4 -  2 Các phương án thiết kế:

a)   Phương án thiết kế hành lang bên ( hình 2 )

 

                           Hình 2

Các phòng  của nhà xứ được bố trí theo hành lang một bên

  * Ưu điểm:

      – Các phòng được bố trí tiếp giáp với thiên nhiên ở 2 phía vì vậy bảo đảm về ánh sáng, thông thoáng

      – Kết cấu nhà đơn giản dẫn đến giá thành xây dựng thấp

  * Khuyết điểm:

       – Các phòng đối nội và đối ngoại sử dụng chung một hành lang, không tách biệt tính chất sử dụng, và không tạo nên sự kín đáo cho các phòng đối nội.

       – Không có cửa bảo vệ chung vào ban đêm cho các phòng đối nội.

   * Phương án hành lang bên thường áp dụng cho nhà xứ với qui mô nhỏ

b)   Phương án thiết kế hành lang giữa: (hình 3)

                                    Hình 3

          Các phòng nhà xứ được bố trí theo hành lang phía trước và hành lang giữa.Trong đó các phòng có tính chất đối ngoại bố trí theo hành lang trước ( hành lang đối ngoại ), các phòng đối nội bố trí theo hành lang giữa ( hành lang đối nội ), các phòng có tính chất vừa đối nội vừa đối ngoại bố trí theo hai hành lang trên

* Ưu điểm:

    – Các phòng ốc được bố trí hợp lí theo chức năng đối nội đối ngoại.

    – Có cửa bảo vệ chung cho các phòng đối nội vào ban đêm.

 * Khuyết điểm:

    – Việc bố trí hành lang giữa làm cho hành lang thiếu ánh sáng tự nhiên , nhất là việc giải quyết thông thoáng cho các phòng hai bên hành lang bị hạn chế.

        Hình thức nhà xứ với hành lang giữa thường thích hợp cho nhà xứ với diện tích khuôn viên bị hạn chế, nhà xứ ở vùng khí hậu lạnh  (hành lang kín )

c) Phương án thiết kế sân trong: (Hình 4)

 

                                    Hình 4

Cũng như phương án hành lang giữa, để hạn chế các khuyết điểm trên, nhà xứ được thiết kế mở rộng hành lang giữa thành sân trong. Lúc này các phòng đối ngoại được bố trí theo hành lang đối ngoại phía trước nơi thường xuyên tiếp xúc với giáo dân, khách…Các phòng đối nội tiếp xúc với hành lang đối nội tiếp giáp với sân trong, các phòng vừa đối nội vừa đối ngoại bố trí tiếp xúc với cả hai hành lang trên

* Ưu điểm:

     – Các phòng ốc bố trí hợp lí theo chức năng.

     – Việc bố trí sân trời tạo ánh sáng, thông thoáng tự nhiên cho công trình.

     – Ngoài ra sân trời còn tạo nên cảnh quan đẹp cho các phòng đồng thời có thể kết hợp làm sân cầu nguyện, tượng đài…

* Khuyết điểm:

Công trình được thiết kế theo hình vuông, hoặc chữ nhật có sân trong…vì vậy kết cấu nhà phức tạp.

      Phương án nhà xứ có sân trong thích hợp cho nhà xứ với qui mô trung bình trở lên, thích hợp với nhà xứ có khuôn viên đủ rộng nhất là ở xứ nóng cần có sân trời để tạo vi khí hậu tốt cho công trình.

5      - Mỹ thuật cho nhà xứ:

        Theo thang bậc để xác định mức độ giữa công năng và mỹ thuật cho từng công trình, nếu như ta chọn nhà ở tại vị trí trung tâm (50% cho công năng và 50% cho mỹ thuật). Nhà thờ được xác định tại thang bậc thiên về mỹ thuật, còn nhà xứ được xác định ở vị trí thiên về công năng. Qủa thật như vậy, khi xây dựng nhà xứ điều người ta quan tâm nhiều hơn vẫn là việc bố trí thuận tiện các phòng ốc, việc lấy sáng thông thoáng cho các phòng. Cái đẹp của nhà xứ cũng rất cần được quan tâm nhưng cái đẹp thường mang tính đơn giản gọn gàng không màu mè phức tạp như một nhà ở thông thường. Cái đẹp của nhà xứ không thể nổi bật lấn át so với nhà thờ và nhất là cái đẹp phải thống nhất phải cùng một motif với nhà thờ.

Như đã nói ở trên, sau việc xây dựng nhà thờ, việc xây dựng nhà xứ là hạng mục cần thiết cho sinh hoạt của một giáo xứ, việc qui hoạch ( chọn vị trí ), việc thiết kế nhà xứ với các phòng ốc thuận tiện, kiểu dáng hợp lí sẽ tạo nên một tổng thể đẹp thuận tiện trong sinh hoạt của giáo xứ.

Saigon tháng 5/2013

Kts Nguyễn văn Sáng

 
Tác giả bài viết: Kts Nguyễn văn Sáng
Nguồn tin: nghethuatthanh.net
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 11
  • Khách viếng thăm: 8
  • Máy chủ tìm kiếm: 3
  • Hôm nay: 7360
  • Tháng hiện tại: 125458
  • Tổng lượt truy cập: 12269718