Trang mới   https://gpquinhon.org

Chúa Nhật III Mùa Chay C

Đăng lúc: Thứ hai - 25/02/2013 17:43
CHÚA NHẬT 3 MÙA CHAY
(Lc 13, 1-9)
 
 


Mùa chay, mùa kêu gọi chúng ta thực tâm sám hối. Sám hối để nhìn nhận những lầm lỗi mình đã mắc phạm vì sự yếu đuối con người.

Không ai có thể tránh được những nguy cơ của tội lỗi còn nặng trĩu trong bản tính yếu đuối của con người, cộng thêm gương xấu to lớn của thế gian và cám dỗ đáng sợ của ma quỉ, ví như “sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé” (1Pr 5, 8).

Vì thế, đứng vững được trước những nguy cơ này quả thực là một thách đố lớn lao cho những ai có niềm tin và thiện chí muốn sống niềm tin đó trong bối cảnh xã hội ngày nay. Tuy nhiên, chúng ta không thất vọng vì Thiên Chúa luôn kiên nhẫn và giàu lòng xót thương kẻ có tội biết sám hối, muốn ăn năn để xin tha thứ và giúp chuyển hướng cuộc đời.

Do đó Mùa chay cũng là thời điểm thích hợp để chúng ta chạy đến cùng Chúa trong tâm tình thực sự thống hối, ăn năn và tin tưởng nơi lòng thương xót, thứ tha của Chúa, người Cha rất nhân từ, mong “muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý” (1Tm 2, 4) Chúa muốn cứu nhưng con người phải tỏ thiện chí muốn cộng tác và quyết tâm từ bỏ tội lỗi là cản trở duy nhất để sống tình thân với Chúa và hy vọng được cứu độ nhiên hậu. Nếu con người không có thiện chí này thì Thiên Chúa không thể cứu ai được, mặc dù Ngài là tình thương tha thứ và công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô là vô giá. Mùa chay chính là thời điểm để nói lên thiện chí đó.

Nơi bài Tin Mừng Chúa nhật III Mùa chay hôm nay, Chúa Giêsu đã kêu mời mọi người hoán cải: “... nếu các ngươi không sám hối, thì các ngươi cũng sẽ chết như vậy” (Lc 13, 3b). Lời mời gọi như một sự cảnh báo của Chúa Giêsu nhân vào việc có mấy người đến thuật lại cho Ngài vụ thảm sát rùng rợn do tổng trấn Philatô giết hại những người Galilê đang khi họ dâng lễ trong đền thờ. Có lẽ đây là những người thuộc nhóm quá khích đang nổi dậy nhằm lật đổ chính quyền La-mã đang cai trị Israel.

Với quan niệm đau khổ là hậu quả của tội lỗi, các tai họa thường được coi như là hình phạt của tội lỗi, những người kể lại vụ thảm sát này tưởng rằng Chúa Giêsu sẽ đồng tình tuyên bố số phận của những nạn nhân bị sát hại. Chúa Giêsu lại thêm vào đó một tai nạn xảy ra ở phía đông nam Giêrusalem, vụ 18 người bị tháp Siloe đổ xuống đè chết, lần này không do sự độc ác và ý muốn của con người gây ra. Và Ngài khẳng định rằng cả những người còn sống cũng có tội nữa, chứ không riêng gì những người Galilê bị sát hại hoặc những nạn nhân ở Giêrusalem, tất cả đều là tội nhân cần sám hối. Thật ra Chúa Giêsu không nhắm đưa ra một giải đáp thần học về vấn đề sự dữ, nhưng một lần nữa kêu mời hoán cải.

Như vậy là Chúa Giêsu không muốn trả lời thẳng vào câu hỏi mà họ muốn đặt ra: những người bị Philatô giết và bị tháp Siloe đổ đè chết là do tội của họ? Nhân dịp này Chúa Giêsu muốn dạy một bài học thuộc lãnh vực tôn giáo, bài học sám hối: “... nếu các ngươi không sám hối, thì các ngươi cũng sẽ chết như vậy” (Lc 13, 5b). Lời nói của Ngài có tính cách răn đe : nếu các ngươi không thay đổi cách sống. Ngài không có ý nói đến cái chết thể lý mà chúng ta thấy hằng ngày chung quanh mình, mà là cái chết khác có tính cách mầu nhiệm do tội lỗi gây ra : sự hư mất đời đời.

Kính thưa...

Trong cuộc sống hiện tại chúng ta vẫn thường nghe thấy những vụ tai nạn thảm khốc, những thảm họa do thiên tai đã sát hại hàng chục, hàng trăm, thậm chí cả hằng ngàn người. Đó là những dấu chỉ nhắc chúng ta nhớ đến lời cảnh báo của Chúa Giêsu: “...nếu các ngươi không sám hối, thì các ngươi cũng sẽ chết như vậy”. Vì thế, sám hối và hoán cải đời sống là việc làm khẩn thiết của mỗi một tín hữu Chúa Kitô trong Mùa chay và nhất là ngay hôm nay, không trì hoãn nữa. Hãy vững tin vào lòng nhân từ vô bờ của Chúa là Cha nhân từ đang trông đợi từng người trong chúng ta sám hối trở về. Dù tội ta có ngập cả đầu, có nặng nề đến đâu cũng không thể sánh với lòng nhân từ của Thiên Chúa. Vì thế hãy hoán cải, hoán cải ngay hôm nay để bước vào con đường sự sống, để được sống trong hạnh phúc trong tình yêu và ân sủng của Chúa.

Chuyện cổ dân gian kể về hai người anh em nọ sống trong một ngôi làng miền Trung Âu đã bị bắt quả tang ăn trộm cừu của dân làng. Hình phạt cho họ là bị khắc hai chữ “ST” trên trán. “ST” có nghĩa là Sheep Thief! Ăn trộm cừu! Dấu khắc này là dấu sẹo trên trán phải mang suốt đời.

Đối với người em hình phạt này là tiêu hủy cuộc đời còn lại của chú. Chú càng phạm thêm nhiều tội ác hơn. Và cuối cùng chú đã bị chết trong tù! Trái lại, người anh đã ăn năn hối cải và hoàn toàn thay đổi cuộc sống, từ tên tội phạm đã trở nên người hoàn lương, và sau cùng trở nên thánh thiện. Anh luôn quan tâm và hy sinh giúp đỡ mọi người, trong làng ai cũng thương mến. Năm tháng trôi qua, những người lớn tuổi thuộc thế hệ của anh chết gần hết. Một ngày nọ những người du khách vào làng nhìn thấy chữ “ST” trên trán ông lão bèn thắc mắc. Họ hỏi những người trẻ trong làng, nhưng chẳng ai biết thực sự  nó có nghĩa là gì. Ai cũng trả lời rằng: “Điều đó đã xẩy ra bao nhiêu năm về trước rồi! Nhưng theo chúng tôi biết, ông lão ấy rất tốt lành, thánh thiện, chữ “ST” trên trán ông lão là một chữ viết tắt của chữ “Saint” = “Thánh”.

Kính thưa…

Sám hối, hoán cải đời sống là con đường duy nhất để biến một kẻ tội lỗi trở thành thánh nhân. Nên thánh tức là biến đổi đời mình ngày một “nên hoàn thiện như Cha trên trời” là việc làm liên tục trong suốt cuộc đời của mỗi chúng ta. Sám hối không chỉ là nhận ra tội lỗi mình để xưng thú, mà quan trọng hơn nữa là thay đổi lối sống cho phù hợp với Tin Mừng và ơn gọi nên thánh mà mỗi người đã đón nhận trong ngày lãnh phép Thánh tẩy. Vì thế, việc hoán cải của chúng ta hôm nay là trổ sinh hoa trái, là biến cuộc đời chúng ta trở nên hữu ích cho Hội thánh và xã hội. Không hoang phí những ân huệ Chúa ban trong đời mình như cây vả trong dụ ngôn Chúa nói hôm nay. Nó sống vô ích, choáng chỗ, chỉ biết hút lấy chất dinh dưỡng trong đất mà không đem lại lợi ích hay hoa trái gì. Lòng nhân từ và khoan dung của Chúa đã gia hạn cho nó một năm nếu không sinh trái sẽ bị chặt đi. Chúa cũng đang chờ đợi cây vả cuộc đời mỗi người chúng ta trổ sinh hoa trái.

Nhiều lần chúng ta thấy xã hội này đầy dẫy sự gian dối, thiếu công bằng và bất công... ta hãy hoán cải chính mình để sinh những hoa trái nơi lời nói chân thật, sống thật tình và thật lòng với mọi người, cư xử công bằng, loại bỏ bất công và thực thi bác ái.
Nhiều lần chúng ta thấy xã hội này đầy dẫy sự ích kỷ, óc vụ lợi và ham thích hưởng thụ... ta hãy hoán cải chính mình để sinh những hoa trái nơi sự nhiệt thành phục vụ vô vị lợi, sự hy sinh để chia sẻ, cứu giúp những cảnh đời bất hạnh...

Và biết bao điều tương tự như thế trong xã hội hôm nay và trong chính cộng đoàn hay gia đình mình, đang mời gọi mỗi người chúng ta chân thành khiêm tốn nhận ra tội lỗi hay khiếm khuyết của chính mình để hoán cải lối sống và trổ sinh hoa trái.
 

 
Tác giả bài viết: Lm. Phêrô Trương Minh Thái
Nguồn tin: Gpquinhon.org

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 115
  • Khách viếng thăm: 68
  • Máy chủ tìm kiếm: 47
  • Hôm nay: 32448
  • Tháng hiện tại: 92630
  • Tổng lượt truy cập: 12382342