Trang mới   https://gpquinhon.org

Sám hối về đời sống thiêng liêng

Đăng lúc: Thứ bảy - 06/10/2012 03:55 - Người đăng bài viết: GPQN
SÁM HỐI VỀ ĐỜI SỐNG THIÊNG LIÊNG (tháng 6 + 7/ 2012)
 
CN, 10.06
Lễ Mình Máu Thánh Chúa
Sám hối về việc bỏ lễ Chúa nhật và dự lễ Chúa nhật không nên
 

1.       Ta phải sám hối về những điều gì trong đời sống thiêng liêng?
Sám hối là hành động đẹp lòng Chúa và giúp ta sống thân thiện với Chúa hơn.   
Trong đời sống thiêng liêng, có nhiều điều ta phải sám hối.
Tuy nhiên, để dễ thấy và dễ thực hiện, chúng ta cần sám hối về 4 điều sau đây:
·        Một là bỏ lễ Chúa Nhật và dự lễ CN không nên.
·        Hai là bỏ hay lơ là đọc kinh cầu nguyện chung trong gia đình.
·        Ba là bỏ hay lơ là đọc kinh cầu nguyện riêng.
·        Bốn là bỏ xưng tội, rước lễ.

2.      Hãy cho biết ý nghĩa của Chúa Nhật và Lễ Chúa Nhật?
Ngày Chúa Nhật khởi đầu và bám rễ sâu trong biến cố Phục sinh của Chúa Kitô. Các sách Tin Mừng đều minh chứng “Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần” các môn đệ đã chứng kiến ngôi mộ Chúa bị trống. Chúa Kitô đã sống lại, Ngài đã hiện ra với các phụ nữ, với Phêrô, các tông đồ và các môn đệ (Mt 28,1-8; Mc 16,1-10; Lc 24,1-7; Ga 20,1-10)
·        Chúa Nhật là ngày của Chúa, ngày tôn vinh Chúa Kitô Phục Sinh
·        Chúa Nhật là ngày Giáo Hội loan báo tin mừng Phục Sinh.
·        Chúa Nhật là ngày Giáo Hội sống niềm hy vọng Chúa lại đến

Xem thêm giáo huấn trong Lịch Công Giáo GP. Qui Nhơn, năm phụng vụ 2011-2012 số 20: CN, sống niềm hy vọng cánh chung;    số 21: CN, sống niềm vui phục sinh

·        Lễ Chúa Nhật, rất quan trọng và quí giá trong sinh hoạt đức tin và phụng vụ.
Để sống ngày CN, Giáo Hội cử hành trong đức tin mầu nhiệm Chúa Kitô Phục sinh. “Ngày Chúa Nhật là ngày lễ nguyên thuỷ, ngày phải được đề cao và in sâu vào lòng đạo đức của các tín hữu, để ngày ấy trở thành ngày vui mừng và là ngày nghỉ ngơi. Các cuộc lễ khác, nếu không thực sự là lễ rất quan trọng thì không được lấn át ngày Chúa Nhật, bởi vì ngày Chúa Nhật là nền tảng và trung tâm của cả năm Phụng vụ” (SC 106).

·        Lễ Chúa Nhật, Chúa ban ân sủng cho con người.
Kinh nghiệm cho thấy: Chúa Nhật và lễ Chúa Nhật chi phối cuộc sống của tín hữu, chính nhờ Chúa Nhật mà người Công Giáo được gìn giữ trong niềm tin và nếp sống đạo hạnh.
  Khi tham dự lễ Chúa Nhật, chúng ta được hiệp thông để tạ ơn Chúa sau một tuần; được tham dự hai bàn tiệc Lời Chúa và Thánh Thể; và tiếp tục xin ơn bình an, sự may mắn cùng bao ơn lành cho Giáo hội, cho gia đình, cho con cái và cho bản thân.

3.      Đối với Kitô hữu, việc ưu tiên trong ngày Chúa Nhật là gì?
Đó là  thánh hóa ngày Chúa Nhật  được thể hiện qua việc:
·        Cử hành nghi thức tôn thờ TC, tức là dự lễ Chúa Nhật.
·        Thực thi bác ái và nghỉ ngơi theo tinh thần kitô giáo.

Trong Tông thư “Dies Domini” (ngày của Chúa), Đức Gioan Phaolô II cho ta thấy “Ngày của Chúa” là ngày nhân loại mừng Chúa Kitô sống lại để giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi và sự ác, đồng thời ban Thánh Thần để bắt đầu một cuộc sáng tạo mới.
Do vậy, người Kitô hữu cần sắp xếp mọi công việc của mình để có thời gian tham dự Thánh lễ Chúa Nhật và làm việc bác ái. Chúng ta cần thể hiện lòng tin, lòng cậy, lòng mến qua việc dự lễ Chúa Nhật và đi thăm viếng nhau. Chúng ta không nên nói “tranh thủ đi lễ” mà phải đặt việc đi dự lễ là ưu tiên số một trong ngày Chúa Nhật.
Xem thêm giáo huấn trong Lịch Công Giáo GP. Qui Nhơn, năm phụng vụ 2011-2012: số 19: Dành ưu tiên cho thánh lễ Chúa Nhật


 
CN, 24.06 ;  Sinh nhật
 Thánh Gioan Tẩy Giả
Sám hối về việc bỏ lễ Chúa nhật và dự lễ Chúa nhật không nên
 

4.      Nguyên nhân của việc bỏ lễ Chúa Nhật và  dự lễ CN không nên là gì?
Hiện nay, hoàn cảnh xã hội đã làm thay đổi cách nghĩ và nếp sống của người Công giáo: nhiều người không còn giữ ngày Chúa Nhật như xưa nữa, chẳng hạn như bỏ lễ ngày Chúa Nhật, hoặc lao động cực nhọc trong ngày của Chúa, hoặc coi Chúa Nhật chỉ là ngày Weekend để vui chơi thoả thích theo kiểu thế gian. Nguyên nhân chính yếu là:
- Đức tin yếu kém, không có lòng yêu mến Chúa và thiếu lòng cậy trông phó thác.
-.Chưa ý thức về ý nghĩa và tầm quan trọng của lễ Chúa Nhật.
- Thiếu ý thức về tội lỗi khi bỏ lễ Chúa Nhật và dự lễ CN không nên.
Từ 3 nguyên nhân căn bản đó làm nảy sinh những hiện tượng tiêu cực:
- Lười biếng đi dự lễ CN, ham đi chơi, xem thường Thánh lễ.
- Quá lo việc đời mà quên lời Chúa dạy: “tiên vàn hãy tìm kiếm Nước TC”
- Coi trọng việc làm, việc “học thêm” hơn Thánh lễ Chúa Nhật.
- Sợ mất thời giờ, dự lễ vội vàng, mệt mỏi khi phải tham dự Thánh lễ.
- Đi trễ về sớm, lo ra chia trí, nói chuyện, hút thuốc, không xưng tội, rước lễ.

5.      Đâu là tác hại của việc bỏ lễ Chúa Nhật và dự lễ Chúa Nhật không nên?
- Nếu cố tình bỏ lễ Chúa Nhật thì phạm tội trọng.
- Khi bỏ lễ CN, ta đánh mất sự hiệp thông với Hội Thánh để thờ phượng TC.
- Mất cơ hội kết hiệp với Chúa qua hai bàn tiệc Lời Chúa và Thánh Thể.
- Không nhận được ơn lành của Chúa qua Thánh Lễ, gia đình dễ mất sự bình an, con cái sẽ không ngoan ngoãn.
- Làm cho ta trở thành người khô khan, nguội lạnh và gây gương mù, gương xấu.
- Dự lễ Chúa Nhật không nên như đi trễ về sớm, lo ra, nói chuyện trong giờ lễ, không xưng tội, rước lễ,… sẽ làm mất lòng Chúa và chẳng nhận được nhiều ơn.

6.      Ta phải làm gì để sám hối về việc bỏ lễ Chúa Nhật và dự lễ Chúa Nhật không nên?
·        Đi xưng tội nếu đã cố ý bỏ lễ Chúa Nhật.
·        Cũng nên xưng tội về việc dự lễ không nên của mình.
·        Phải học hỏi và suy gẫm để ý thức về ý nghĩa của Chúa Nhật và lễ Chúa Nhật.
·        Xin Chúa gia tăng lòng tin, lòng cậy trông phó thác và lòng mến Chúa.
·        Có lòng khao khát dự lễ, nhất là lễ Chúa Nhật. Khi đi làm ăn xa, việc đầu tiên là tìm nhà thờ gần nhất có Thánh lễ Chúa Nhật để đi dự lễ.
·        Quyết tâm đi lễ đúng giờ, không ở ngoài nhà thờ (trừ khi có lý do chính đáng). Quyết tâm dự lễ sốt sắng, tích cực thưa đáp và hát thánh ca, lắng nghe Lời Chúa và xưng tội rước lễ sốt sắng. (Lưu ý: Suy gẫm kinh “Nghĩa Đức Tin”)

·        Người người, nhà nhà và toàn giáo xứ phải thánh hóa ngày Chúa Nhật, đó là : Cử hành lễ Chúa Nhật, tổ chức việc bác ái từ thiện và  nghỉ ngơi theo tinh thần kitô giáo (nghỉ ngơi với mục đích tạo thoải mái cho thể xác cũng như tinh thần; dành nhiều thời giờ để tôn thờ Thiên Chúa và thi hành bác ái, thăm viếng giúp đỡ người già yếu neo đơn, rộng tay với những người hành khất; thăm viếng giúp đỡ bà con, bạn bè…biết học hỏi Kinh Thánh, dạy dỗ con em… quan tâm chăm sóc nhiều hơn đối với các thành viên trong gia đình… Tránh tình trạng coi Chúa nhật chỉ là Weekend,  vui chơi thoả thích theo kiểu thế gian)

Nói tóm lại, khi chúng ta hiểu và sống đúng với tinh thần thánh hoá ngày Chúa Nhật, chúng ta sẽ có được niềm vui sâu xa trong tâm hồn, vì được cùng với Hội Thánh tôn vinh Chúa Kitô Phục sinh, và chúng ta cũng sẽ đón nhận được nhiều ơn lành của Thiên Chúa trong ngày thánh thiêng này. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói:
“XIN ĐỪNG SỢ PHẢI DÂNG CHO CHÚA KITÔ
THỜI GIỜ CỦA ANH CHỊ EM”.

 

CN, 08. 7. 2012
14 Thường  Niên
Sám hối về việc bỏ hay lơ là đọc kinh cầu nguyện chung trong gia đình
 

7.      Việc đọc kinh và cầu nguyện chung trong gia đình cần thiết như thế nào?
·        Chúa Giêsu đã dạy: “Nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho. Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy thì có Thầy ở giữa họ” (Mt 18, 19-20)
·        Giúp gia đình có thời gian gặp gỡ Chúa, sống thân mật với Chúa.
·        Giúp cho vợ chồng, cha mẹ và con cái có thời gian gặp gỡ và sống thân mật với nhau.
·        Giúp gia đình tăng trưởng về đức tin, và tăng thêm lòng yêu mến Chúa.
·         Giúp gia đình tiếp tục đón nhận ơn Chúa và nhận ra sức mạnh của cầu nguyện.
·        ĐGH Gioan Phaolô II, trong Tông huấn gia đình (Familiaris Consortio) đã đề cập đến kinh nguyện gia đình: “Đó là kinh nguyện chung:  vợ chồng cùng cầu nguyện với nhau, cha mẹ và con cái cùng cầu nguyện với nhau. Sự hiệp thông trong kinh nguyện vừa là hoa quả vừa là đòi hỏi của sự hiệp thông mà các bí tích Rửa tội và Hôn phối đã đem lại.  Kinh nguyện gia đình có nội dung độc đáo là chính cuộc sống gia đình…” ( số 59).
·        Gia đình nào không đọc kinh cầu nguyện chung có nguy cơ bất hòa, chia rẽ.
·        Chỉ riêng việc lần chuỗi, ở phần lưu ý đầu tháng Mân Côi trong lịch Công giáo có ghi “những ai lần chuỗi Mân Côi trong nhà thờ, nhà nguyện, hoặc trong gia đình, trong cộng đoàn tu trì, trong hiệp hội đạo đức, hoặc khi nhiều người họp nhau nhằm mục đích tốt, thì được hưởng một ơn đại xá: còn đọc trong những hoàn cảnh khác, thì được hưởng một ơn tiểu xá”.

8.      Nguyên nhân  của việc bỏ hoặc lơ là đọc  kinh cầu nguyện chung trong gia đình?
·        Chưa ý thức về tầm quan trọng của việc đọc kinh cầu nguyện chung trong gia đình.
·        Chưa xác tín đủ về ơn thiêng và sức mạnh của lời cầu nguyện chung trong gia đình.
·        Lười biếng hoặc vì quá mệt mỏi sau một ngày làm việc cực nhọc.
·        Ti vi, phim ảnh, học bài, tự do cá nhân…  cũng là những yếu tố làm cho gia đình bỏ hoặc lơ là trong việc đọc kinh cầu nguyện chung với nhau.
·        Chưa kiên quyết sắp xếp thời gian để gia đình cùng cầu nguyện chung.
·        Cha mẹ chưa nêu gương sáng cho con em, chưa dạy con em cầu nguyện chung từ nhỏ.

9.      Sám hối thế nào về việc bỏ hoặc lơ là đọc kinh cầu nguyện chung trong gia đình?
·        Cần xưng tội nếu bỏ hoặc lơ là đọc kinh cầu nguyện chung trong gia đình nhiều lần.
·        Cần phải nhận thấy rõ việc đọc kinh cầu nguyện chung trong gia đình mang lại nhiều ơn ích phần hồn, phần xác cho gia đình.
·        Quyết tâm tìm cách để gia đình đọc kinh cầu nguyện chung với nhau ít là mỗi tối.
·        Từng thành viên trong gia đình cần thúc giục nhau sắp xếp công việc, dành thời giờ đọc kinh cầu nguyện chung trong gia đình.
·         Bạn có tổ chức đọc kinh gia đình không? Nếu không, bạn thấy mình có lỗi chứ? Bạn hãy tìm cách tốt nhất để gia đình bạn có giờ cầu nguyện chung với nhau, cùng cầu nguyện với kinh Lạy Cha, Kính Mừng, Sáng Danh, Tin, Cậy, Mến, …  và những kinh cầu nguyện cho chính gia đình của bạn, chẳng hạn kinh: “lạy CGS, chúng con xác tín rằng: hôn nhân và gia đình là công trình sáng tạo của TC…” (“Kinh nguyện gia đình”, chương trình giáo lý phổ thông, NXB tôn giáo, Hà Nội 2003, P. 43). Nếu gia đình bạn hát một bài thánh ca, đọc một đoạn Kinh Thánh và suy niệm giây lát thì tuyệt vời!

·         Bạn hãy xếp đặt giờ kinh chung gia đình, yếu tố bàn thờ gia đình, tạo bầu khí  hiệp nhất trong niềm tin, ghi nhớ có Chúa đang hiện diện trong giờ kinh: “ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy thì có Thầy ở giữa họ”. 

Sau một ngày làm việc căng thẳng, giờ kinh gia đình là những giây phút hạnh phúc, đầm ấm nhất trong ngày. Đó là giờ mà các phần tử trong gia đình ở bên nhau cách thân tình, cùng nhau trong một niềm tin hướng về Chúa là cùng đích đời mình.
 
CN, 22.07
16 Thường Niên
Sám hối về việc bỏ hay lơ là đọc kinh cầu nguyện riêng.
 
10. Tầm quan trọng của việc cầu nguyện riêng trong đời sống Kitô hữu?

·        Cầu nguyện là tâm sự với Chúa; lắng nghe lời dạy của Chúa; thờ lạy và cảm tạ Chúa;  xin ơn tha thứ tội lỗi và xin muôn ơn lành hồn xác. Do đó, việc cầu nguyện riêng giúp cho ta sống kết hiệp với Chúa trong tình yêu và ân sủng.

·        “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ gặp, cứ gõ cửa thì sẽ được mở cho”( Mt 7, 7)
“Tất cả những gì anh em lấy lòng tin mà xin khi cầu nguyện, thì anh em sẽ được” (Mt 21, 22)

Những lời này của Chúa Giêsu cho ta thấy: sức mạnh của lời cầu nguyện ở chỗ Thiên Chúa luôn lắng nghe tiếng kêu xin trong niềm tin của chúng ta.
Bởi vậy, lời cầu nguyện của mỗi người rất quan trọng, rất cần thiết.

·        Đọc kinh cầu nguyện riêng là dấu chỉ tích cực của đời sống đức tin mỗi cá nhân.

·        Như cá sống trong nước thế nào thì con người chúng ta cũng phải sống trong đời sống cầu nguyện như thế. Thiếu cầu nguyện, đời sống đức tin của chúng ta sẽ dần dần chết đi như cá thiếu nước vậy. Đức cố Hồng Y Fx. Nguyễn Văn Thuận viết trong quyển Đường Hy Vọng:  “Bí quyết nuôi dưỡng đời sống Kitô hữu là cầu nguyện

·        “Cầu nguyện là một quà tặng của ân sủng…vì ai cầu nguyện cũng phải chiến đấu chống lại … Tên Cám Dỗ, là kẻ làm tất cả để người ta bỏ cầu nguyện… Chúng ta cầu nguyện như chúng ta sống, bởi vì chúng ta sống như chúng ta cầu nguyện” (Bản toát yếu sách giáo lý của Hội Thánh Công Giáo, số 572)

11. Nguyên nhân và tác hại của việc bỏ hay lơ là đọc kinh cầu nguyện riêng là gi?

Nguyên nhân:
·        Do thiếu người giáo dục, hướng dẫn cầu nguyện từ tấm bé.
·        Do chưa ý thức và xác tín đủ về tầm quan trọng của việc cầu nguyện riêng.
·        Do lười biếng hay do lòng kiêu ngạo (không cần cầu nguyện, tự cho sức mình là đủ)

Tác hại:
·        Dần dần xa cách Chúa và Giáo Hội; không nhận được ơn lành của Chúa.
·        Kém cõi trong đời sống tâm linh và có nguy cơ lạc mất đức tin, mất phần rỗi linh hồn.
·        Giảm sút lòng tin yêu Chúa, dễ sa vào chước cám dỗ của ma quỷ. CGS đã từng nói: “Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ.

Vì tinh thần thì hăng hái, nhưng thể xác lại yếu đuối” (Mc 14, 38)


12. Phải sám hối về việc bỏ hay lơ là đọc kinh cầu nguyện riêng như  thế nào?

·        Từng ngày biết kiểm thảo về đời sống kết hiệp của ta với Chúa?
“Chúng ta phải nhớ đến Chúa thường xuyên hơn là hít thở” (thánh Gregorio thành Nazianze)

·        Xét mình, xưng tội nếu thấy bỏ hay lơ là nhiều trong việc đọc kinh cầu nguyện riêng.
·        Suy gẫm và xác tín về giá trị cao quí của việc đọc kinh cầu nguyện riêng.
·        Dốc lòng siêng năng đọc kinh cầu nguyện, siêng năng lần chuỗi mân côi.  
·        Quyết tâm thuộc lòng và thường đọc một số kinh căn bản (Lạy Cha, Kính Mừng, …).
·        Lên chương trình cho mình hàng ngày, hàng tuần,.. để có thể cầu nguyện cho nhu cầu của cá nhân, của người khác, của Giáo hội…
·         Mỗi nhà, mỗi người nên có một “sách kinh” để thuận tiện trong việc cầu nguyện. 
·        Cần tập cầu nguyện theo các hình thức: khẩu nguyện, suy niệm và chiêm niệm.
·        Hãy noi gương Chúa Giêsu liên lỉ cầu nguyện và hãy xin Chúa gia tăng đức tin cho ta.

Xem thêm giáo huấn số 45 về “Đào tạo đời sống cầu nguyện” (Lịch Công Giáo GP. Qui Nhơn, năm phụng vụ 2011-2012);  Giáo huấn số 23 về việc “Dạy con cái biết cầu nguyện” (Lịch Công Giáo GP. Qui Nhơn, năm phụng vụ 2007 -2008)


 



CN, 29.07
17 Thường Niên
Sám hối về việc bỏ xưng tội, rước lễ
 
13.  Việc xưng tội và rước lễ có ý nghĩa gì đối với đời sống chúng ta?

·        Tội lỗi làm ta xa cách Chúa. Những người chết khi còn mắc tội trọng mà ngoan cố không sám hối, sẽ bị xuống hỏa ngục, mất phần rỗi linh hồn.
·        Kinh “nghĩa đức tin” có đoạn viết: “Vậy chúng con phải ân cần lo lắng, mà năng chịu các phép bí tích Đức Chúa Giêsu đã truyền, là những phương linh nghiệm cho chúng con được nên thánh. Có 7 phép bí tích mà thôi, song phép Rửa Tội, phép Mình Thánh Chúa cùng phép Giải Tội, là ba phép cần kíp hơn cho chúng con được rỗi”.

·        Kinh Năm điều răn Hội Thánh dạy: “thứ hai: xưng tội trong một năm ít là một lần; thứ ba: chịu Mình Thánh Đức Chúa Giêsu trong mùa Phục Sinh” (Xem thêm giáo luật năm 1983, điều 920).

·        Để rước lễ, tâm hồn cần phải sạch tội, nhất là tội trọng “Ai nấy phải tự xét mình, rồi hãy ăn bánh và uống chén này” (1Cr 11, 28).
·        Rước lễ ta sẽ được kết hiệp với Chúa và hiệp nhất với anh chị em; được tha các tội nhẹ và gia tăng ơn thánh; được củng cố đức tin và được ơn sức mạnh để chiến thắng các cám dỗ; được sự sống đời đời như CGS đã nói: “Tôi là Bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời” (Ga 6, 51).

·        Rước lễ giúp con người luôn hướng đến sự thánh thiện. Rước lễ giúp ta sống tốt hơn và dấn thân hơn để nên người Công Giáo tốt.
(Xem thêm lịch Công Giáo Gp. Qui nhơn, năm phụng vụ 2011-2012:

* Giáo huấn số 23: “Xưng  tội thường xuyên để củng cố dây hiệp thông”.  
* Giáo huấn số 35: “Giúp thiếu nhi sống bí tích Thánh Thể”)
 
14.  Nguyên nhân và tác hại của việc bỏ xưng tội và rước lễ là gì?

Nguyên nhân:
·        Lười biếng, nguội lạnh hoặc vì kiêu căng.
·        Ở nơi xa vắng Linh mục hoặc quá lo làm ăn không đi nhà thờ xưng tội, rước lễ.
·        Kém lòng tin vào ơn Chúa và bí tích.  Mất ý thức về tội và đời sống ân sủng.
·        Bị lôi kéo bởi những tà thuyết, sách xấu, bạn xấu.
·        Do những lỗi công khai nặng nề dẫn đến bị “treo tòa”.

Tác hại:
·        Tâm hồn như chiếc áo bẩn, dễ trở nên mù quáng trong phân định về luân lý.
·        Chai lì trong tội lỗi làm cho ta ngày càng sa đọa và có nguy cơ mất phần rỗi.
·        Mất lòng Chúa, mất ơn nghĩa với Thiên Chúa.
·        Tội trọng làm ta mất ơn thánh hóa, xa cách Chúa đời đời nếu không sám hối.
·        Không kết hiệp với CGS Thánh Thể và với anh chị em.
 
15.  Ta phải sám hối về việc bỏ xưng tội và rước lễ như thế nào?

·        Cầu nguyện xin Chúa củng cố lòng tin vào bí tích giải tội và Thánh Thể.
·        Biết sợ phạm tội làm mất lòng Chúa.
·        Lo buồn khi phạm tội. Biết tránh xa dịp tội, tránh lỗi luật Chúa và Hội Thánh.
·        Khi mắc tội trọng thì phải xưng tội sớm hết sức có thể. Nếu không mắc tội trọng thì một hoặc hai tháng xưng tội một lần dù là tội nhẹ để được dồi dào ơn thánh.
·        Luôn ao ước có tâm hồn trong sạch và khao khát kết hợp với Chúa, siêng năng dự lễ và rước lễ. 

 
Lm. Phaolô Nguyễn Văn Châu
Lm. Phêrô Lê Nho Phú
Từ khóa:

Truyền giáo, Sám hối

Đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin cũ hơn

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 39
  • Khách viếng thăm: 23
  • Máy chủ tìm kiếm: 16
  • Hôm nay: 13789
  • Tháng hiện tại: 146165
  • Tổng lượt truy cập: 12435877