Trang mới   https://gpquinhon.org

Sám hối về truyền giáo

Đăng lúc: Chủ nhật - 07/10/2012 03:31 - Người đăng bài viết: GPQN
SÁM HỐI VỀ TRUYỀN GIÁO

Trong “Văn thư hướng dẫn chương trình sám hối và thanh tẩy trong năm 2012 tại giáo phận Qui Nhơn”, các vị Chủ chăn đã chỉ dạy về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc sám hổi và thanh tẩy : “…Sám hối và thanh tẩy là những việc làm cần thiết để chuẩn bị tâm hồn đón nhận những hồng ân của Thiên Chúa và để xứng đáng dự phần vào công trình cứu độ của Ngài, như Chúa Kitô đã kêu gọi khi mở đầu sứ vụ công khai. Vì vậy, để bắt đầu lộ trình chuẩn bị mừng năm thánh 2018 là một biến cố hồng ân của Giáo phận Qui Nhơn và để công cuộc rao giảng Tin Mừng trong Giáo phận đạt kết quả tốt đẹp, chúng ta hãy cùng nhau thanh tẩy cuộc sống bằng tâm tình sám hối.”

Và các ngài kêu mời mọi thành phần dân Chúa trong giáo phận : “Ðể có thể sám hối cách chân thành và quyết liệt, chúng ta đừng ngại nhìn thẳng vào các lỗi lầm thiếu sót của mình và nêu đích danh chúng, không quanh co, khỏa lấp hay tự bào chữa, trái lại cố gắng khám phá nguyên nhân sâu xa của chúng để có thể sửa chữa tận căn.”

Hiệp thông với mọi thành phần dân Chúa trong giáo phận đang sống trong tâm tình sám hối và thanh tẩy, đề tài “Sám hối về truyền giáo” này xin nêu lên vài gợi ý để sám hối về các mặt : thiếu ý thức, thiếu nhiệt thành, lối sống phản chứng việc truyền giáo và thiếu đóng góp cho công cuộc này. Trước khi đi vào việc sám hối, cũng cần nhắc lại sứ mạng truyền giáo là của mọi tín hữu và xác định đầy đủ các đối tượng mà công cuộc truyền giáo nhắm tới.

1. Truyền giáo là sứ mạng cao cả của mọi kitô hữu

Truyền giáo theo nguyên ngữ là “gửi đi, sai đi, phái đi”. Như vậy “truyền giáo” có nguồn gốc sâu xa từ việc Chúa Cha sai Chúa Con đến thế gian để trình bày tình yêu của Thiên Chúa. Không những chỉ trình bày mà thôi, Chúa Con còn thực thi chương trình đó để thông ban tình yêu cho con người. Sau đó chính Chúa Con phục sinh lại sai Chúa Thánh Thần đến với Giáo hội cũng như sai Giáo hội đến với thế gian. Như vậy truyền giáo là tiếp tục thực thi công việc của Chúa Con, của Chúa Thánh Thần, của Giáo hội và công việc này xuất phát từ tình yêu của Thiên Chúa Cha.

Sứ mạng truyền giáo thật cao cả và là căn nguyên của sự hình thành và tồn tại của Giáo hội. Giáo hội qua mọi thời luôn ý thức về căn tính truyền giáo của mình. Ý thức này khởi đi từ lệnh truyền của Đức Giêsu trước và sau khi Người phục sinh. Lịch sử Giáo hội cũng đã chứng kiến nhiều nhà truyền giáo quảng đại dấn thân, ra đi thi hành lệnh truyền của Đức Giêsu: “Các con hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con” (Mt 28,19-20).

Lệnh truyền của Chúa Giêsu cho tất cả mọi kitô hữu, mọi chi thể trong Nhiệm thể Chúa Kitô. Mọi tín hữu không phân biệt phẩm trật và địa vị, không loại trừ ai, tất cả đều có sứ mạng rao truyền danh Chúa và ơn cứu độ của Ngài cho muôn dân. Muôn dân là bao gồm tất cả mọi người không phân biệt chủng tộc, màu da, giai cấp, ngôn ngữ, văn hoá, tôn giáo, già hay trẻ, nam hay nữ….

2. Đối tượng của việc truyền giáo

Ngày xưa người ta thường quan niệm đối tượng của việc truyền giáo là lôi kéo những lương dân vào đạo của ta. Nhưng ngày nay chúng ta hiểu truyền giáo không chỉ nhắm tới lương dân, mà phải được nhắm tới cách đầy đủ cả 3 đối tượng sau:

- Đối tượng 1: (gọi là hoạt động truyền giáo) Những người chưa biết và chưa tin Đức Giêsu Kitô. Đây là sứ vụ truyền giáo “đến với muôn dân”, một sứ vụ truyền giáo riêng biệt vì là “loan báo Đức Kitô và Tin Mừng của Ngài, xây dựng giáo hội địa phương và cổ võ các giá trị Nước Thiên Chúa”. Hoạt động truyền giáo này, sở dĩ được gọi là chuyên biệt vì nó trực tiếp được Đức Giêsu trao phó và liên tục trao phó cho Giáo Hội. Chính nhờ “Nó” mà Nước Chúa được mở rộng và nhiều linh hồn được cứu rỗi.

- Đối tượng 2: (gọi là hoạt động mục vụ) Những người tin Đức Giêsu Kitô và được rửa tội trong Hội Thánh Công Giáo. Đối vơi những tín hữu này, Giáo Hội, qua nhiều hoạt động mục vụ củng cố đức tin của họ, đồng thời hướng dẫn họ đem niềm tin vào cuộc sống để làm chứng cho Chúa Kitô.

- Đối tượng 3: (gọi là tái truyền giáo) Những người đã tin vào Chúa Giêsu và lãnh Bí Tích Rửa Tội rồi, nhưng vì không được củng cố sâu sắc, hoặc bị những cám dỗ trần tục lôi cuốn, đã đánh mất niềm tin, rời bỏ Giáo Hội, sống như người lương dân. Đây là những đứa con, dù bỏ nhà ra đi, vẫn là thành phần của Đại Gia Đình Chúa. Mẹ hiền Giáo Hội vẫn có trách nhiệm tìm kiếm và đưa họ về nhà.

3. Sám hối về việc thiếu ý thức truyền giáo

3.1. Những nguyên nhân

- Việc dạy giáo lý cho người dự tòng và thanh thiếu niên chỉ thường nhắm để lãnh các bí tích, ít lưu tâm giúp người học đào sâu kiến thức về đạo, hiểu biết nhiều về Chúa, yêu mến Chúa và Giáo hội ; thiếu đề cập đến vai trò truyền giáo của người giáo dân.

- Nhiều cộng đoàn và gia đình không lưu tâm cầu nguyện thường xuyên cho việc truyền giáo.

- Người tín hữu khi lãnh bí tích Rửa tội và Thêm sức, họ được thông phần vào sứ mạng Tư Tế, Vương Đế và Tiên Tri của Chúa Kitô. Sứ mạng Tiên Tri mời gọi tất cả mọi người loan báo Tin Mừng cứu độ của Đức Kitô. Nhưng đa số giáo dân không ý thức vai trò và sứ mạng Tiên Tri của mình, không nghĩ mình có bổn phận phải truyền giáo, mà cho là của linh mục, tu sĩ.

- Không ít người giáo dân chưa trưởng thành đủ, họ sống đạo mang nặng tính vụ luật, sợ tội hơn là ý thức mình là môn đệ Chúa. Vì thế, họ dễ sống thụ động, thiếu tích cực và ý thức mạnh về bổn phận truyền giáo của mình.

- Nhiều người còn mặc cảm về đời sống luân lý của mình hay gia đình mình chưa hoàn thiện hoặc không tốt lành. Đây cũng là một nguyên nhân bóp nghẹt ý thức truyền giáo cho người khác.

- Hoàn cảnh xã hội Việt Nam trong những giai đoạn khó khăn kéo dài đã ảnh hưởng nhiều đến những sinh hoạt của Giáo hội và làm cho nhiều người sợ sệt mất đức tin, hạn chế việc sống đạo hoặc không dám nghĩ tới việc truyền giáo.

- Đời sống kinh tế còn khó khăn, rất nhiều người phải vất vả, chật vật lo miếng cơm manh áo nên không còn thì giờ hay tâm trí để dấn thân phục vụ hoặc nghỉ đến việc truyền giáo.

- Lối sống theo chủ nghĩa cá nhân và hưởng thụ như một dòng thác đã cuốn theo nhiều kitô hữu chỉ biết sống cho riêng mình, chỉ biết lo kiếm tìm tiền của để hưởng thụ không biết gì đến tha nhân và không lưu tâm gì đến phần rỗi của bà con xung quanh mình.

3.2. Vài gợi ý sám hối

- Thiếu thánh lễ hàng tuần, thiếu tổ chức chức cầu nguyện chung trong gia đình và cộng đoàn, nhất là mỗi chúa nhật cho việc truyền giáo. Đức tin là ơn Chúa ban và chủ ruộng là Thiên Chúa, vì thế việc cầu nguyên cho việc truyền giáo cũng là lệnh truyền của Chúa Giêsu (x. Mt 9, 37-38) ; và không cầu nguyện chung thường xuyên làm sao gây được ý thức truyền giáo cho mọi người nhất là thế hệ trẻ. Thiếu học hỏi và tìm hiểu giáo huấn của Giáo hội về truyền giáo.

- Thiếu ý thức và tự hào về ơn cao trọng là được làm con cái Chúa và là môn đệ của Đức Kitô, nên sống đạo cách thụ động, không nhiệt thành dấn thân trong mọi sinh hoạt mục vụ của Giáo hội, nhất là việc truyền giáo cho lương dân và tái truyền giáo cho những người hiện không giữ đạo.

- Sám hối về đời sống luân lý của mình và gia đình, ý thức mình là kitô hữu phải làm chứng cho Chúa Kitô bằng cuộc sống tốt lành, thánh thiện.

- Hoàn cảnh xã hội không còn nhiều khó khăn cản trở như trước, đời sống kinh tế được cải thiện nhiều hơn, việc sống đạo và các sinh hoạt mục vụ cũng dễ dàng hơn ; vì thế mọi người cần nổ lực dấn thân làm cho toà nhà giáo xứ, giáo phận ngày càng hưng thịnh và thăng tiến, nhất là lưu tâm hàng đầu tới việc truyền giáo.

- Sám hối về lối sống theo chủ nghĩa cá nhân và hưởng thụ. Mỗi người cần ý thức mình là một chi thể trong thân thể mầu nhiệm của Chúa là Hội Thánh, vì thế cần sống hiệp thông, liên đới nhau về mọi mặt, và biết đóng góp trong việc mở mang nước Chúa.

4. Sám hối về việc thiếu nhiệt thành truyền giáo

Không nghỉ mình là môn đệ Chúa Kitô nên nhiều kitô hữu rất thụ động. Lối sống đạo thụ động, tiêu cực dần dần làm cho người giáo dân mất ý thức mình là một viên đá sống động để xây dựng nên toà nhà Hội thánh ngay tại cộng đoàn mình, và mất luôn cả ý thức truyền giáo. Khi đã không có hoặc thiếu ý thức truyền giáo thì lòng nhiệt thành cũng không có hoặc thiếu thao thức việc sống chứng nhân và loan báo Tin Mừng. Đời sống đạo của họ rất hời hợt, dửng dưng, không nóng không lạnh như lời Chúa nói trong sách Khải huyền : “Ta biết các việc ngươi làm : ngươi chẳng lạnh mà cũng chẳng nóng. Phải chi ngươi lạnh hẳn hay nóng hẳn đi! Nhưng vì ngươi hâm hẩm chẳng nóng chẳng lạnh, nên Ta sắp mửa ngươi ra khỏi miệng Ta” (Kh 3, 15-16). Lối sống dửng dưng, hâm hẩm không những làm cho cuộc sống mất ý nghĩa, mà còn là gánh nặng cho người khác và làm cho Chúa chán ghét.

Chúng ta can đảm và khiêm tốn nhận ra lối sống đạo “hâm hẩm” của mình và sự thiếu vắng lòng lòng nhiệt thành truyền giáo và hăng say dấn thân phục vụ, để quyết lòng nổ lực cộng tác với ơn Chúa và những người thiện chí đang dấn thân mở mang nước Chúa. Xin nêu ra đây vài gợi ý sám hối về việc thiếu nhiệt thành truyền giáo cho các đối tượng : người hiện không giữ đạo, người ngoài Kitô giáo, cho chính các tín hữu trong cộng đoàn và gia đình mình.

4.1. Sám hối về việc thiếu nhiệt thành truyền giáo cho những người ngoài Kitô giáo trong các mối quan hệ của mình : đồng nghiệp, đồng môn, bà con thân tộc, sui gia, làng xóm…

- Không tận dụng cơ hội để giới thiệu Chúa và nói cho người khác biết ơn cứu độ của người được làm con Chúa.

- Thiếu tích cực tham gia các việc phúc lợi xã hội với bà con lương dân như : vệ sinh khu xóm, sửa đường, cầu cống…

- Thiếu tham gia các hoạt động bác ái, từ thiện : cứu trợ nạn nhân bão lụt, sửa nhà cho những người bị thiên tai, trợ giúp xây nhà tình nghĩa…

- Thiếu tham gia hoặc đóng góp sáng kiến và khả năng trong các sinh hoạt giao lưu giữa bà con hay giới trẻ lương giáo trong vùng về các mặt như : Thể thao, giải trí, văn hoá văn nghệ, giáo dục…

4.2.  Sám hối về việc thiếu nhiệt thành truyền giáo cho những người trong cộng đoàn và trong gia đình mình :

- Không làm gương và thiếu động viên, khích lệ họ củng cố đức tin nhờ siêng năng tham dự các cử hành phụng vụ, tham gia các hoạt động mục vụ của giáo xứ, và đem niềm tin vào cuộc sống để làm chứng nhân cho Chúa.

- Không tham gia hoặc thiếu động viên, khích lệ người khác vào các hội đoàn trong giáo xứ như : Giảng viên Giáo lý, Legio Mariae, Bà Mẹ Công Giáo, Gia trưởng, Gia đình theo Chúa, Gia đình Khôi bình… và nhất là tham gia vào Ban Truyền giáo của giáo xứ, theo thư của Đức Giám mục giáo phận Qui Nhơn nhân ngày Truyền giáo năm 2008 (x. Bản Thông tin Gp. Qui Nhơn, số 126, tháng 10/2008).

- Thiếu lưu tâm động viên, nhắc nhở và tạo điều kiện cho con cháu siêng năng tham dự thánh lễ, học giáo lý và tham gia các sinh hoạt của giáo xứ : giúp lễ, ca đoàn hoặc các hội đoàn khác.

4.3. Sám hối về việc thiếu nhiệt thành truyền giáo cho những người hiện không giữ đạo :

- Thiếu quan tâm giúp đỡ, động viên những người đồng nghiệp, đồng môn, bà con thân tộc, sui gia… có đạo mà hiện không giữ đạo (nếu có). Giúp họ tháo gỡ nhưng vướng mắc như rối vợ rối chồng, bỏ lâu không xưng tội rước lễ…, giúp họ chỉnh sửa hoặc lập bàn thờ…

- Thiếu thăm viếng, động viên những người trong giáo xứ và làng xóm hiện không giữ đạo, tìm hiểu những lý do hoặc ngăn trở, giúp họ vượt qua để sớm hiệp thông với cộng đoàn giáo xứ.

- Thiếu cảm thông, bao dung và thúc nhắc dâu rễ, con cháu… hiện không giữ đạo, giúp giải quyết các ngăn trở về đạo như bị vạ, rối hôn phối… sớm xin chuẩn tha, hợp thức hoá hôn nhân hay chuẩn dị giáo ; hoặc hoà giải trong gia đình nếu có những tranh chấp, bất hoà… để mọi người tha thứ, yêu thương nhau và cùng nhau sống đạo.

5. Sám hối về cuộc sống phản chứng về việc truyền giáo

Trong bức thư mục vụ nhân ngày Thế giới Truyền giáo năm 2008, Đức Cha Phêrô Nguyễn Soạn, nguyên Giám mục giáo phận Qui Nhơn đã viết :
- “Từng người hãy sống gương mẫu đạo đức, giúp đỡ lẫn nhau vô vị lợi không phân biệt đối xử, để ai nấy thấy người công giáo thật dễ thương dễ mến và giàu tinh thần phục vụ, nhất là với bà con lối xóm.

- Tông huấn Gia Đình khẳng định ‘tương lai việc truyền giảng Tin Mừng tuỳ thuộc phần lớn nơi hội thánh tại gia’ (số 52). Nhiều gia đình anh chị em sống đạo rất tốt giữa xóm làng, nên được nhiều người nể phục. Mỗi gia đình chúng ta phải trở nên điểm truyền giáo cơ bản”. (Bản Thông tin Gp. Qui Nhơn, trang 635, số 126, tháng 10/2008).

Theo những lời chỉ dạy của Đức Cha Phêrô và của Hội Thánh, chúng ta phải khiêm tốn nhận thấy trong thực tế ở nhiều nơi và nhiều lúc, người kitô hữu đã có lối sống phản chứng với niềm tin của mình, phản chứng việc truyền giáo. Xin nêu lên vài gợi ý để sám hối về lối sống phản chứng việc truyền giáo :

5.1. Sám hối về lối sống thiếu gương mẫu đạo đức : là kitô hữu, mọi người có bổn phận hàng đầu là sống ơn gọi nên thánh, phải đạo đức thánh thiện chứ không dừng lại ở mức trung bình là không phạm tội, như lời mời gọi của Chúa Giêsu : “Các con hãy nên hoàn thiện, như Cha các con trên trời là Đấng hoàn thiện (Mt 5, 48). Với những khả năng và ơn huệ Chúa ban, những cơ hội và những gương sáng, thế nhưng vẫn còn nhiều kitô hữu sống đạo dửng dưng, tà tà, không nổ lực hoàn thiện chính mình và nêu gương mẫu đạo đức tốt lành làm chứng cho những người xung quanh.

5.2. Sám hối về lối sống thiếu bác ái yêu thương trong giáo xứ và gia đình : Điểm son của kitô giáo là đạo bác ái, đạo tình thương, nhưng thật đáng buồn vì còn nhiều kitô hữu sống thiếu yêu thương, bác ái qua hành vi, cử chỉ, thái độ, lời nói… ngay trong chính gia đình, giáo xứ mình như : chia rẻ, bè phái, ganh tỵ, thù ghét, nói hành nói xấu, vu khống cáo gian… hoặc thiếu quan tâm giúp đỡ, chia sẻ nhau qua những lúc vui buồn trong cuộc sống.
- Sám hối về lối sống thiếu tinh thần phục vụ vô vị lợi : Người kitô hữu trưởng thành luôn ý thức sâu sắc giá trị của việc dấn thân phục vụ vô vị lợi theo gương của Chúa Giêsu, Đấng đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người (x. Mc 10, 45).  Nhiều tín hữu còn thiếu tinh thần trách nhiệm và phục vụ, sống ích kỷ chỉ lo tìm tư lợi và hư danh, thiếu xả thân phục vụ ích lợi chung cho cộng đoàn giáo xứ và lối xóm.

- Sám hối về lối sống tiêu cực : Vẫn còn đó không ít kitô hữu có lối sống tiêu cực, gây gương mù gương xấu, làm hổ danh Chúa và Hội Thánh như : vợ chồng thiếu chung thuỷ nhau, gây bất hoà chia rẻ trong gia đình và hàng xóm, thiếu công bằng trong công việc làm ăn, gian tham trộm cắp, chơi bời, bài bạc, rượu chè bê tha…

6. Sám hối về việc thiếu đóng góp cho việc truyền giáo

Điều răn thứ năm trong Năm điều răn Hội Thánh dạy rằng : “Đóng góp theo khả năng cho nhu cầu vật chất của Hội Thánh” (Sách Kinh giáo phận Qui Nhơn, năm 2008, trang 78).

Và trong thư của Đức Giám mục giáo phận Qui Nhơn nhân ngày Thế giới Truyền giáo năm 2008, đã dạy : “…Mỗi giáo xứ hãy dành ưu tiên xây dựng vật lực cho việc truyền giáo. Xin anh chị em dù ở trong hay ngoài giáo phận, tuỳ theo khả năng của mình, quảng đại đóng góp vật chất cho công cuộc truyền giáo của giáo phận”. (Bản Thông tin Gp. Qui Nhơn, trang 635, số 126, tháng 10/2008).

Vì thế, việc đóng góp vật lực cho công cuộc truyền giáo là một bổn phận mà mọi kitô hữu phải có trách nhiệm. Thế nhưng trong thực tế tại giáo phận Qui Nhơn, việc đóng góp cho Giáo hội và cho việc truyền giáo chưa được ý thức đúng mức. Quỹ truyền giáo của giáo phận còn nghèo nàn vì chỉ được các giáo xứ đóng góp vào chúa nhật khánh nhật truyền giáo và gần đây hàng tháng trích phân nữa tiền bỏ giỏ một chúa nhật. Không mấy ai lưu tâm đến như cầu quan trọng này để quảng đại đóng góp.

Cánh đồng truyền giáo bao la bát ngát, rất cần nhiều tiền của để trang trải nhiều mặt, là nhu cầu bức thiết của giáo phận Qui Nhơn chúng ta. Ngoài ra, nhu cầu về nhân sự truyền giáo cũng cần phải được mọi tín hữu ý thức mạnh mẻ để hăng say đóng góp những sáng kiến và khả năng của mình, đóng góp thời giờ và công sức vào những hoạt động củng cố đức tin cho mọi tín hữu, tái truyền giáo cho những người hiện không sống đạo và truyền giáo cho bà con lương dân.

6.1. Sám hối về thiếu đóng góp tiền của cho việc truyền giáo :

- Nhiều người đóng góp mang tính chiếu lệ hay như bố thí, chỉ đóng góp vài đồng tiền lẻ mà mình chẳng dùng được vào việc gì. Vì thế, ngân quỹ cho hoạt động truyền giáo của giáo phận ít oi, không để đáp ứng nhưng nhu cầu cần thiết, làm hạn chế cho việc truyền giáo trong giáo phận. Cần quảng đại, hy sinh bớt chi tiêu để đóng góp, Giáo hội rất khuyến khích những người có khả năng mạnh tay đóng góp, thể hiện lòng nhiệt thành mở mang nước Chúa và vì phần rỗi của anh chị em đồng bào.

- Thiếu sáng kiến động viên, khích lệ con cháu trong gia đình gây quỹ đóng góp cho việc truyền giáo. Sáng kiến này không những giúp cho gia đình có quỹ truyền giáo thường xuyên hàng tháng, mà còn tập cho con cháu có thói quen biết hy sinh từ bỏ, biết yêu mến Giáo hội và công việc truyền giáo.
- Trong địa bàn giáo xứ nào cũng có nhiều người có hoàn cảnh rất khó khăn hoặc quá nghèo khổ cần được giúp đỡ, nên việc lập quỹ bác ái ở mỗi giáo xứ là nhu cầu cần thiết. Mỗi gia đình giảm bớt chi tiêu hàng ngày bỏ vào con heo đất (vài nghìn đồng, từ 2 – 10 nghìn đồng/ngày). Gia đình nào cũng có thể thực hiện được, giáo xứ nào cũng có ngân quỹ cho hoạt động bác ái và truyền giáo ngay trong địa bàn mình.

6.2. Sám hối về thiếu đóng góp sáng kiến, khả năng, thời giờ và công sức… cho việc truyền giáo :

- Nhân sự là yếu tố quan trọng hàng đầu trong tất cả các sinh hoạt mục vụ nói chung và nhất là trong công cuộc truyền giáo. Mỗi người tín hữu cần xác tín hết những gì chúng ta đang có, và ngay chính bản thân chúng ta, tất cả đều bởi Chúa (x. Lời nguyện nhập lễ Tạ ơn B, sách Lễ Rôma trang 958). Tất cả những gì ta đang sở hữu là những nén bạc mà Chúa đã thương và tin tưởng trao cho ta để ta sinh lợi cho Chúa (x. Mt 25, 14-30). Mọi tín hữu xét xem mình đã sử dụng ơn Chúa thế nào để phục vụ và mở mang nước Chúa.

- Thiếu thao thức cho phần rỗi của bà con xung quanh, người ta khó phát sinh những sáng kiến về truyền giáo. Nếu quan tâm tìm hiểu hoàn cảnh sống, nghề nghiệp, phong tục, nhu cầu… của bà con lương dân trong vùng để tìm ra những sáng kiến giúp họ hiểu biết Chúa hoặc những sáng kiến giúp bà con cải thiện cuộc sống, nâng cao nhận thức và mức sống cộng đồng.

- Nhiều tín hữu có những nghề nghiệp, khả năng rất quí giá cho những sinh hoạt mục vụ và truyền giáo : giáo viên, y bác sĩ, thú y, chăn nuôi, trồng trọt, thợ mộc, thợ hồ, thợ máy… hoặc các khả năng khác về các mặt văn hoá nghệ thuật, thể thao… và các dịch vụ khác. Mọi khả năng nếu nhiệt thành đóng góp vào các sinh hoạt mục vụ, bác ái và truyền giáo sẽ góp phần không nhỏ vào việc nâng cao nhận thức và mức sống cho bà con cả lương lẫn giáo trong vùng.

- Thiếu hăng say dấn thân phục vụ, hy sinh thời giờ và công sức tham gia thì hoạt động truyền giáo sẽ không đạt hiệu quả. Công sức và thời giờ của những người dấn thân phục vụ trong công cuộc truyền giáo thật là quí giá. Những hy sinh của họ sẽ không bao giờ vô ích, nhưng cách này cách khác đã góp phần làm cho người khác nhận biết Chúa và ơn cứu độ của Người.
 
Tác giả bài viết: Phêrô Võ Thanh Nhàn
Từ khóa:

Truyền giáo, sám hối

Đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin cũ hơn

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 53
  • Khách viếng thăm: 39
  • Máy chủ tìm kiếm: 14
  • Hôm nay: 14375
  • Tháng hiện tại: 169739
  • Tổng lượt truy cập: 12459451