Trang mới   https://gpquinhon.org

Nhân cách và sám hối

Đăng lúc: Thứ bảy - 06/10/2012 03:39 - Người đăng bài viết: GPQN
 
NHÂN CÁCH
 
I. NHÂN CÁCH LÀ GI?:
+ Tiến sĩ Amparo E.Santos định nghĩa: “ Nhân cách là sự tổng hợp tất cả những phẩm chất và đặc tính của một con người, được biểu hiện qua phong cách sống, khi đi đứng, nói chuyện, cách trang phục,cũng như những thái độ, sở thích và cung cách ứng xử khi đến với người khác”.

+ Hay nói cách khác: Nhân cách là cách đối xử của con người đối với gia đình cũng như người ngoài xã hội. Nhân cách là một hình thức xử thế cao đẹp hoàn toàn chứng tỏ cho mọi người thấy rằng con người mình là một con người có giáo dục, biết trải nghiệm được những điều phải trái trên đời, đồng thời nó cũng là một hình thức xã giao tốt đẹp và nhiều lịch sự nhất của con người khi giao tiếp với nhau.

Từ định nghĩa trên, chúng ta khám phá ra những lãnh vực nhân cách giúp chúng ta trở nên dễ thương và được người khác chấp nhận:

·        Ngoại hình trang phục, đi đứng, điệu bộ, dáng vẻ, phong cách nhanh nhẹn, nét mặt tươi tỉnh.
·        Trí tuệ: phản ứng nhanh nhẹn, động não và thoáng trong cách xử thế và ngôn ngữ.
·        Xã hội: phong cách văn minh và có trình độ, biết xử việc đúng việc đúng người.
·        Biểu lộ tình cảm: dạn dĩ và bình thản, không hấp tấp vội vàng, cũng không tỏ dấu bối rối, biết làm chủ chính mình.
·        Những giá trị nhân văn: phong cách sống, đức tính, niềm tin, triết lý sống.

Sự phát triển nhân cách bao giờ cũng tiệm tiến, đòi hỏi ý thức cá nhân, dựa vào quá trình học hỏi và kinh nghiệm trong cách ứng xử vào trong cuộc sống.

Nhân cách thường biến đổi tùy mỗi cá nhân, môi trường sống và những kinh nghiệm thực tế.
Nhân cách diễn tả nét đẹp bên trong cũng như bên ngoài của mỗi con người; cha ông chúng ta chẳng hay nói “ xem mặt mà bắt hình dong” là gì!

II. NHữNG ĐặC TÍNH CAO QUÝ CủA NHÂN CÁCH

Điều tối kỵ chứng tỏ một nhân cách tầm thường, là sống và hành động giả tạo và gượng ép, khách sáo, hai mặt. Làm như thế chẳng khác gì chúng ta chứng tỏ mình không thực và không thành tâm.
Để đảm bảo một nhân cách chân thực, cá nhân cũng như xã hội cần có một nền tảng đạo đức nhân bản.
Nền tảng đạo đức nhân bản này được thực hiện, khi chúng ta biết:

·        Kính trọng người trên, trân trọng đồng loại cũng như người dưới.
·        Giữ giờ giấc và sẵn sàng trong công việc.
·        Tuân thủ luật lệ và các qui định.
·        Đầy nhiệt tình và sẵn sàng cộng tác, tránh tỏ ra uể oải mệt mỏi.
·        Can đảm và sẵn sàng đi bước trước khi cần.
·        Biết trọng người và nhìn nhận tài năng của họ.
·        Có lòng tự trọng mà đồng thời cũng phải biết mình.
 
III. NHÂN CÁCH TRONG CUộC SốNG

Trong Kinh Thánh: “ Lòng có đầy thì miệng mới nói ra” ( Mt 12.34b ). Người ta thường nói: “ Lòng dư tràn ắt sẽ trào ra ngoài miệng”. Người có nhân cách tự nhiên sẽ bộc lộ ngay trong cuộc sống thường nhật của họ.
Muốn xây dựng con người mình có nhân cách, chúng ta hãy học để:

·        Biết mình – biết người mỗi khi tiếp xúc.
·        Luôn giữ nét mặt tự tin, điệu bộ thoải mái và vui tươi.
·        Biết nghe, biết nhìn, biết nói đúng lúc.
·        Hiếu hòa, không hiếu thắng mà cũng đừng mang tính ăn thua.
·        Không tự ti mặc cảm, vì tự ti mặc cảm sẽ chỉ dẫn đến thất bại và cản đường thăng tiến con người.
·        Sống tự tin, biết tự thể hiện chính mình, sống có đầu óc với tầm nhìn xa, làm sao cho phù hợp với con người đương thời và xã hội mình đang sống.
·        Phát huy quan hệ cá nhân với cá nhân, đối nhân xử thế cách tinh tế.
·        Bặt thiệp và lịch sự, hãy tìm cách thu phục nhân tâm.

Trong giao tiếp xã hội cũng như giao tiếp chuyên nghiệp, thành công của bạn chỉ có được, khi tha nhân còn muốn gặp lại bạn, sau một lần đã tiếp xúc với bạn.

Chúa Giê su kêu gọi: “ Các con hãy nên hoàn thiện như Cha các con trên trời là Đấng hoàn thiện”…
chúc các bạn thành công và thành nhân.
 

 
 
 
 
SÁM HỐI VỀ BẤT HÒA GIA ĐÌNH
VÀ GIA TỘC
 
Từ lâu đời, gia đình Việt Nam vẫn nổi tiếng có cuộc sống tốt đẹp: vợ chồng chung thủy, con cái hiếu thảo, anh chị em thương yêu đùm bọc nhau. Khám phá lại những nét đẹp đó chính là thể hiện lòng biết ơn: “ uống nước nhớ nguồn”. Đồng thời tạo cơ hội cho con cháu phát huy nội lực để xây dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.

1. Từ “ GIA ĐÌNH” được hiểu như thế nào?
Từ “ Gia đình” được hiểu theo nghĩa hẹp, gồm cha mẹ con cái ( tiểu gia đình); theo nghĩa rộng, gồm ông bà cha mẹ con cái ( đại gia đình ). Rộng hơn nữa thì gọi là gia tộc.

2. Từ “ GIA TỘC ” được hiểu như thế nào?
GIA là nhà, TỘC là dòng họ. Gia tộc là những người cùng họ và cùng tổ tiên với nhau.
“ Một giọt máu đào hơn ao nước lã”.

3. Gia đình có những nét đẹp truyền thống nào?
Gia đình Việt Nam có nhiều nét đẹp truyền thống ví như vườn hoa muôn sắc hương làm rạng rỡ cả dải đất quê hương, trong đó nổi bật hoa chữ HIẾU, chữ ĐỄ, NGHĨA TÀO KHANG,  sợi giây nối kết gia tộc và tình làng nghĩa xóm. Gọi chung là nếp sống luân thường đạo lý.

4. Chữ HIẾU là gì?
HIẾU là hết lòng với Cha mẹ. Đạo hiếu là đạo làm con, là tình cảm và nghĩa vụ con cái phải chu toàn để báo đáp Cha mẹ. “ Vạn thiện, hiếu vi tiên”.

5. Chữ ĐỄ là gì?
ĐỄ là thứ bậc, ý nói sự hòa thuận và lòng tôn trọng mà các em phải tuân thủ để đối đãi với các anh chị theo thứ bậc trong gia đình, nhất là phải đoàn kết với nhau.
“Anh em như thể chân tay,
như chim liền cánh, như cây liền cành”.
Chữ ĐỄ còn có nghĩa là nhường nhịn nhau trong cách sống hằng ngày.
“ Khôn ngoan đối đáp người ngoài
Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”.
 
6. NGHĨA TÀO KHANG là gì?
TÀO: là cái máng cho súc vật ăn
KHANG: là cám bã.
Tào khang nghĩa bóng là cơ hàn đói khổ
NGHĨA: là việc phải, việc đúng, là đường lối cư xử theo lẽ phải.
NGHĨA TÀO KHANG là cách thức vợ chồng cư xử với nhau, là đạo lý vợ chồng.
 
“Vợ chồng là nghĩa tào khang,
Vợ chồng hòa thuận, nhà thường yên vui”.

7. Nguyên nhân gây bất hòa trong gia đình là gì?
Trong cuộc sống mọi đấu tranh đều vì cái TÔI. Thật vậy, thế gian ai cũng thấy mình là quan trọng và chỉ biết có mình, đó là một phần thể hiện cái TÔI.
Trong đời sống gia đình cũng vậy, chính vì cái TÔI mà sinh ra bất hòa, mâu thuẫn, tranh đấu dẫn đến mất hạnh phúc. Trong đời sống gia đình, cái TÔI  thể hiện qua:

a. Tính độc đoán:
Người độc đoán là người tự mình quyết định mọi công việc, không quan tâm đến ý kiến của người khác, chỉ muốn mọi người nghe theo mình, làm theo mình mà không cần suy nghĩ.
Thái độ và hành vi độc đoán rất cục bộ dễ mắc sai lầm, khiếm khuyết. Đây là thái độ bất công, không đúng tinh thần tự do dân chủ, vì thiếu tôn trọng, khiến người khác bất mãn, chán ghét…
Độc đoán là thái độ, hành vi không đúng đắn, vì nó không phù hợp với quy luật, lẽ phải và đạo lý, nó chỉ có tác hại mà không có lợi ích, nó dẫn đến sự mất đoàn kết, mất hòa hợp và không công bằng…

Trong gia đình, ông bà cha mẹ thường hay áp đặt con cái trong vấn đề hôn nhân, điều này dẫn đến những hậu quả khó lường… hoặc ông bà cha mẹ can thiệp quá sâu vào đời sống riêng tư của con cái khi con cái đã tạo lập gia đình cũng dẫn đến kết quả không tốt… hoặc khi con cái khôn lớn ông bà cha mẹ xem con mình còn bé, cứ giành lấy quyền quyết định mọi việc, từ việc chung cho tới việc riêng tư… vấn đề trên dẫn đến mối bất hòa trong quan hệ tình cảm gia đình…

b. Cố chấp, bảo thủ cũng là một trong những nguyên nhân gây bất hòa
Tính cố chấp, bảo thủ khiến con người trở nên ích kỷ, hẹp hòi và thiển cận, thiếu sáng suốt, đồng thời làm cản trở công việc…con người cố chấp và bảo thủ những gì? Ý kiến, quan điển nhận thức, phong tục tập quán, luân lý đạo đức… đó là những thứ con người thường nắm giữ, bảo vệ… kéo theo suy nghĩ, hành đọng sai lầm, lệch lạc có hại cho mình và cho mọi người, nhưng vẫn cố chấp không khắc phục, sửa đổi, đó là tính bảo thủ, cố chấp.

Trong gia đình có thể ông bà cha mẹ bảo thủ, cố chấp khi cư xử với con cái vì nghĩ mình là người lớn, người đi trước có nhiều kinh nghiệm trong cuộc đời. nhưng họ quên rằng tư tưởng, nhận thức cũng có những thay đổi theo thời gian, thời đại co cái họ sinh ra và lơn lên không phải là thời đại của họ, vì thế cách nghĩ, cách sống của con cái không thể giống hoàn toàn như ông bà cha mẹ chúng. Nếu bậc ông bà cha mẹc]s cố chấp muốn con cái sống theo ý mình là điều không thể thực hiện được. Tuy nhiên, ở ông bà cha mẹ cũng có nhiều điều con cái học hỏi và noi theo. Nếu con cái hồ đồ, cứ khăng khăng cho rằng những lời dạy của người lớn trước là cổ hủ, lạc hậu thì đó là thái độ sai lầm, vì ở người đi trước là cả một kho tàng kinh nghiệm. Trẻ và già giống như hai thái cực, nhưng không thể thiếu một trong hai.

Trong đời sống gia đình, có người biết mình sai quấy nhưng vẫn cố bào chữa, biện hộ, không thừa nhận là mình sai, không sửa đổi, thậm chí bắt người khác chấp nhận cái sai đó. Thế là diễn ra tranh cãi, giận hờn, thậm chí oán ghét nhau. Nếu thay vào đó là lời xin lỗi nhận khuyết điểm, hoặc thể hiện thiện chí sửa đổi thì không dẫn đến bất hòa.

c. Tính ích kỷ-  hẹp hòi:
Chỉ biết có mình, vì lợi ích riêng mình, không quan tâm đến lợi ích và sự an nguy của người khác, đó là tính ích kỷ của chủ nghĩa cá nhân.
Người ích kỷ thì tâm địa cũng hẹp hòi, không rộng rãi trong cách nhìn, cách cư xử. Tính ích kỷ, hẹp hòi khiến cho con người sống không hữu ích đối với gia đình và xã hội. Người có tính ích kỷ chỉ biết sống cho mình và không bao giờ dám hy sinh vì người khác, thậm chí không có sự quan tâm san sẻ đối với cộng đồng, họ lấy ích lợi cá nhân mình đặt lên trên lợi ích của người khác, đặt trên lợi ích cộng đồng xã hội.

Trong gia đình, vì quyền lợi mà vợ chồng tranh chấp, anh em tàn hại lẫn nhau không nghĩ đến tình cảm gia đình, bất chấp đạo lý đều do lòng tham lam ích kỷ. Đó là vì quyền lợi. Còn trong quan hệ tình cảm, người ta không có tâm độ lượng, lòng dạ hẹp hòi, chỉ vì một câu nói hơn thua cũng có thể gây nên sóng gió.

d. Lòng tự tôn, tâm sân hận:
Lòng tự tôn cũng khiến con người ta mù quáng, tự thấy mình là quan trọng, là trên hết, từ đó sinh kiêu căng và tỏ ra khinh thường người khác. Đối với người khác chỉ muốn hơn chứ không muốn thua kém dù ở bất kỳ phương diện nào. Người có lòng tự tôn, dù mình dở cũng cho là giỏi, mình sai cũng cho mình là đúng, mình kém cũng cho mình là hơn… hễ ai chạm đến lòng  tự tôn thì không được. Tóm lại cũng chỉ mình gạt mình mà thôi, nhưng hậu quả là gây hiềm khích, bất hòa với mọi người.

Trong một gia đình, nếu chỉ chú trọng tranh chấp hơn thua, sống không hòa thuận, yêu thương nhau thì gia đình không hạnh phúc, không bền vững.

# Ngoài ra người ta con đưa ra 5 MỐI BẤT HÒA thường xuyên xảy ra trong gia đình:

+ Tiền: người chuyên tiết kiệm, người kia chuyên tiêu sài…
+ Chuyện phòng the: cảm giác được yêu thương và tôn trọng…
+ Công việc: quyết định phân chia thời gian cho công việc gia đình và việc làm bên ngoài… tránh thói vô trách nhiệm…
+ Con cái: trách nhiệm chăm sóc và giáo dục con cái… là của ai…
+ Việc nhà: tranh cãi về việc nhà, không thỏa mãn và không được chia sẻ….
 
8. Hướng giải quyết mối bất hòa trong gia đình như thế nào?
+  Xét về mặt tự nhiên, chúng ta phải có:
-         Lòng yêu thương chân thực: Cái gốc và điểm chung trong việc giải quyết chuyện bất hòa trong gia đình là yêu thương.
“ Yêu nhau trăm sự chẳng nề,
Dù trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng”

Sự nhường nhịn lẫn nhau:
Chồng giận thì vợ bớt lời,
Cơm sôi nhỏ lửa mấy đời mà khê”

+ Xét về mặt siêu nhiên, chúng ta cần có:
-         Tâm hồn khiêm nhường, tinh thần hy sinh, lòng bao dung quảng đại, tha thứ và nhất là Đức Ái Ki tô giáo ( 1 Cr 13,4-7 ).
-         Nỗ lực sống theo Tin Mừng: Tám mối phúc ( Mt 5,3-4.7.9 ).
-         Đời sống cầu nguyện: sẽ đem lại cho chúng ta sức mạnh vượt thắng chính mình… cầu nguyện hay nhất với kinh Lạy Cha.
-         Siêng năng đón nhận các Bí Tích nhất là Bí tích thống hối hòa giải và Thánh Thể

+ Kềm chế cơn nóng giận:
Nguồn gốc sâu xa cũng như lý do dẫn đến bất hòa và bạo hành là do không kềm chế được cơn nóng giận của mình. Để kềm chế được cơn nóng giận chúng ta theo các bước sau:
# Rút lui khỏi hiện trường là hiệu quả nhất vì nó giúp chúng ta lấy lại bình tĩnh và tránh được bầu khí căng thẳng.
# Làm nguôi ngoai sự căng thẳng bằng cách đi uông nước, đi bộ, tắm, đếm số…
# Tự tranh luận, đây là phương pháp tự nói với chính mình, tự giải thích theo quan điểm của người đối diện, nhờ đó chúng ta nhận ra chân lý của người khác nên dễ có lòng thông cảm hơn.
# Đặt kế hoạch nói chuyện với người đối diện đưa ra giải pháp.

+ Lắng nghe:
“ Ít nói, chậm giận, mau nghe…”

+ Chấp nhận:
Chúng ta cần biết rằng, không phải các bất hòa đều được giải quyết theo ý mình. Có những khó khăn trong cuộc sống mà chúng ta đành chấp nhận. hãy dùng lời nguyện sau để tìm sự an tâm cho mình: “ Thiên Chúa ban cho tôi sự bình thản để chấp nhận những điều tôi không thể thay đổi, sự can đảm để thay đổi những điều tôi có thể thay đổi, và sự khôn ngoan để biết phân biệt giữa hai điều đó”.
 
Kết:
Một gia đình yên vui đầm ấm là thiên Đường dưới thế. Một gia đình bất hòa, chia rẽ, ghen ghét nhau thì quả là địa ngục trần gian. Ai cũng muốn sống trong Thiên Đường và chẳng ai thích sống trong địa ngục. Cho nên điều tối quan trọng là làm thế nào để gia đình mình thành Thiên Đường dưới thế. Việc ấy không vượt quá khả năng chúng ta, miễn chúng ta biết tận dụng những điều kiện thuận lợi tự nhiên và ơn trợ lực siêu nhiên là Thiên Chúa Tình Yêu sẵn sàng ban cho chúng ta.
 
Chia sẽ:
Trong đời sống gia đình, ông bà anh chị em đã giải quyết những lần xảy ra bất hòa, xung khắc, xúc phạm như thế nào?
 
Thự hành:
Mỗi người, mỗi gia đình, mỗi cặp vợ chồng chọn hai việc cụ thể về tha thứ và hòa giải làm quyết tâm thực hành trong tuần.
 
 
 
 
 
SÁM HỐI VỀ NHỮNG TIÊU CỰC TRONG ĐỜI SỐNG CỘNG ĐỒNG: THIẾU TRUNG THỰC.
 
TRUNG THỰC. Một đề tài có nói 1000 trang giấy vẫn không hết chuyện để nói. Ai cũng biết, ai cũng hiểu… nhưng để có thể đứng vững giữa đời thường, người ta còn phải biết cách lách cái lòng trung thực sang một bên thật khóe léo, thật uyển chuyển, biết người biết ta… nói tóm lại là biết sống.
Ngay từ lúc biết nhận thức, trẻ em được dạy phải trung thực. Đứa trẻ nào ngoan nghe theo và sau một lần biểu hiện một hành động thật thà, đều được mọi người khen ngợi. Đến một ngày nọ, đứa bé làm vỡ chiếc bình quý giá của gia đình, bé thật thà thú tội và hậu quả là bé bị một trận đòn nên thân… lớn thêm một chút, những lần ham chơi, học sút kém… đứa trẻ biết nếu đem sổ liên lạc về cha mẹ sẽ không tha thứ… thế là nảy sinh quyết định qua mặt bằng cách sửa điểm hoặc một cách nào đó khả thi hơn. Sự  thiếu trung thực ( dối trá ) hình thành từ đó. Sự thiếu trung thực (gian dối ) đem lại lợi ích hơn trung thực vẫn được dạy dỗ hằng ngày.. và dần dần sự thiếu trung thực trở thành một cách sống phổ biến cho mọi tầng lớp con người, trong mọi ngành nghề của thời đại hôm nay….
 
Trong cuộc sống hằng ngày, đức tính trung thực được thể hiện rõ nhất qua từng hành động của con người như câu tục ngữ: “ Ăn ngay nói thẳng”.

1.      Đức tính trung thực là gi?

Trung: là hết lòng với đất nước…
Thực: là thật, sự thật….
Trung thực là ngay thẳng, thật thà, nói đúng sự thật, không làm sai lệch sự thật…

2. Đức tính trung thực được hiểu như thế nào?
+ Trung thực nghĩa là không có sự trái ngược, sự mâu thuẫn trong suy nghĩ, lời nói, và hành động để trung thực với cái tôi, bản ngã đích thực của mình và với mục đích của mỗi công việc nào đó cần phải đạt được sự tin tưởng và khơi dậy niềm tin ở người khác. Trung thực là không bao giờ lạm dụng lòng tin mà người khác dành cho mình.

+ Trung thực là có lương tâm trong sạch “ đứng trước mình và trước người”. Trung thực là ý thức được cái đúng và cái phù hợp về vai trò, cách hành xử của mình và mối quan hệ của mình với người. Ở đâu có sự trung thực, ở đó không có thói đạo đức giả, hay sự giả tạo, gây ra sự nhầm lẫn và nghi ngờ trong suy nghĩ và cuộc sống của người khác. Trung thực đem lại cuộc sống chính trực ngay thẳng bởi cái tôi bên trong và bên ngoài là một, là một hình phản chiếu.

+ Trung thực là nói những gì mình nghĩ và làm những gì mình nói. Không có sự mâu thuẫn khác biệt giữa ý nghĩ, lời nói, và hành động. Nhưng sự nhất quán ấy là những minh chứng rõ ràng cho người khác. Cái tôi bên trong khác biệt hay đối lập với cái tôi thể hiện bên ngoài gây ra cản trở và tác hại bởi người ấy không thể thân cận, gần gũi với bất kỳ ai khác, mà cũng chẳng ai muốn gần gũi người hai mặt ấy. Một số người nói: “Tôi trung thực,nhưng chẳng ai hiểu tôi”. Như thế không phải là trung thực. Trung thực là trong sạch như viên kim cương, không tỳ vết, và không bị khuất lấp vào đâu được. Giá trị của sự trung thực hiển hiện ở hành động của chúng ta. (trích những ý tưởng trong chương trình định hướng của tổ chức Quỹ Cứu Trợ Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc 1996 )

3. Như thế nào là người có đức tính trung thực:
Người có đức tính trung thực là người luôn luôn tôn trọng sự thật, tôn trọng chân lý, lẽ phải, sống ngay thẳng, thật thà và dũng cảm nhận lỗi khi mắc khuyết điểm…

4. Người có đức tính trung thực thể hiện như thế nào?
Người có đức tính trung thực thể hiện qua cách sống thật thà, ngay thẳng chân thành trong cách đối xử với mọi người, luôn nhìn nhận khách quan về các sự việc trong cuộc sống…dũng cảm thẳng thắn nhận lỗi khi mình mắc khuyết điểm, không báo cáo sai sự thật, không tham lam, gian dối lấy của người khác làm của mình….

5. Đức tính trung thực có cần thiết không?
Trung thực là đức tính cần thiết, quý báu của mỗi người. Sống trung thực, nhân cách của mỗi người sẽ dần được hoàn thiện. Bản thân mỗi người sẽ được người khác tin tưởng, kính trọng, yêu mến. tự bản thân sẽ gầy dựng cho mình một hình ảnh, một chữ “ TÍN” trong lòng mọi người và trong các mối quan hệ xã hội.

Tục ngữ: “ Cây ngay không sợ chết đứng”
Danh ngôn: “ Phải thành thật với mình,có thế mới không dối trá người khác” ( Secxpia).

6. Hậu quả thiếu trung thực là gi?
+ Thiếu trung thực sẽ gây ra hậu quả không thể lường trước được…
+ Thiếu trung thực chính là nguyên nhân, mầm mống của các tiêu cực xã hội, gây băng hoại đạo đức, làm mất lòng tin, xói mòn đời sống tốt đẹp của mọi người đang chung tay xây đắp…
+ Thiếu trung thực sẽ gây ra những hậu quả xấu. bởi trong cuộc sống, điều quan trọng nhất của mỗi người là chữ “ TÍN”. Nếu đánh mất nó đồng nghĩa với đánh mất niềm tin và sự tôn trọng của mọi người đối với mình. Nếu trong kinh doanh làm ăn sẽ mất đi những người đối tác làm ăn. Nếu trong học tập mà không trung thực thì thầy cô, bạn bè không còn tin ở mình nữa. trong làm việc, nếu số liệu báo cáo thiếu trung thực sẽ gây thiệt hại lớn đến nền kinh tế đất nước. Trong kinh doanh, chất lượng sản phẩm không trung thực sẽ ảnh hưởng không tốt đến người tiêu dùng, thậm chí gây hậu quả nghiêm trọng đe dọa tính mạng con người. Trong học tập, đặc biệt là trong các kỳ thi sự thiếu trung thực luôn xảy ra. Sự gian lận trong thi cử vẫn còn phổ biến. Điều đó làm ảnh hưởng đến kết quả thực chất của dạy và học, của thầy cô và học sinh.
+ Thiếu trung thực là căn bệnh nguy hiểm lây lan nhanh, làm xuống cấp đạo đức xã hội.
+ Tục ngữ: “ Một lần bất tín vạn lần bất tin”.

7. Làm gì để có đức tính trung thực?
+ Chú trọng đến Giáo dục: Ơ gia đình, nơi trường học, các lớp giao lý…
“ dạy con từ thuở còn thơ… uốn cây còn non…
 
+ Rèn luyện và tu dưỡng các đức tính tốt, lấy trung thực làm cốt lõi: thái độ thẳng thắn – hành động dũng cảm – lòng chân thành khéo léo.
Chúng ta không nhất thiết phải thể hiện rõ, đôi lúc chúng ta cũng phải có ứng xử khéo léo để tránh cho người khác nỗi đau về một sự thật phũ phàng nào đó. Nói như vậy có nghĩa là chúng ta không cần phải cứng nhắc, rập khuôn mà phải biết cư xử sao cho hợp lý, hợp tình…

8. Kết:
Trung thực là đức tính cần thiết trong cuộc sống. Là người Ki tô hữu trong thời đại hiện nay, nhất là khi chúng ta đang trong thời kỳ hội nhập với nền kinh tế tri thức toàn cầu thì đức tính trung thực lại cần thiết hơn bao giờ hết vì sống trung thực giúp chúng ta nâng cao phẩm giá, làm lành mạnh các quan hệ xã hội và sẽ được mọi người tin yêu, kính trọng, như xưa các nhà truyền giáo đã làm .. .. vì vậy mỗi người chúng ta cần xác định đúng tư tưởng để có một tương lai tốt đẹp góp phần nhỏ bé của mình trong việc truyền giáo và kỷ niệm 400 năm Tin Mừng đến Quy Nhơn.

9. Chia sẻ:
+ Ông bà anh chị em chia sẻ cho nhau những cách thức rèn luyện và cách vượt qua thử thách để sống trung thực.

10. Thực hành:
+ Mỗi người cần phải có những hành động, việc làm cụ thể của riêng mình  nhằm giúp bản thân, gia đình, họ đạo, giáo xứ, địa phận và xã hội không còn những hành vi thể hiện sự thiếu trung thực
+ Mỗi người hãy ý thức trung thực trong từng việc nhỏ, việc lớn:
# Dũng cảm nhận lỗi của mình.
# Nhặt được của rơi, đem trả cho người mất.
# ………

+Danh ngôn: “ Phải thành thật với mình, có thế mới không dối trá người khác” ( Secxpia)
+ Suy gẫm: có thì nói có, không thì nói không…
 
 
SÁM HỐI
VỀ ĐỜI SỐNG LỖI ĐỨC TRONG SẠCH
 
1.  Đức trong sạch là gì?
+ Đức trong sạch là đức tính của người biết giữ cho tâm hồn của mình thanh khiết, không vướng vào những hệ lụy tiền tài, danh vọng, và nhất là sắc dục, đó là đời sống khiết tịnh.
+ Đức trong sạch không chỉ dành riêng cho những người tu hành, mà còn cho những người sống bậc hôn nhân nữa.:
# Ở bậc tu trì, đức trong sạch buộc phải kiềm chế hoàn toàn vấn đề tình dục.
# Ở bậc hôn nhân, sống đúng thiên chức vợ chồng, không lạm dụng, không mê đắm, sa đà quá độ và tuyệt đối không được thể hiện tình dục với người không phải là bạn đời của mình như ngoại tình, gian dâm..

2.  Tại sao tôi phải giữ đức trong sạch?
Vì tôi đã được dựng nên giống hình ảnh của Chúa (x.St 1, 26-27;9,6), vì tôi là chi thể mầu nhiệm của Đức Kitô (x. Ep 5,30), và vì thân xác tôi là đền thờ của Chúa Thánh Thần (x. 1Cr 3,16-17;6,19).

3.  Tại sao chúng ta phải trong sạch về mọi phương diện?
Vì Thiên Chúa trong sạch và thánh thiện. Ngài đòi hỏi những người thờ phượng Ngài cũng phải giữ mình trong sạch: về mặt thiêng liêng, đạo đức, tâm trí và thể xác. ( 1Pr 1,16 ).

+Về mặt thiêng liêng:
 ( x. 2Cr 6,14-18; Kh 18,4; 2 Ga10,11 ).

+ Về mặt đạo đức:
( x. 1Pr 2,12 ; Dt 4,13; 1Cr 6,9-11 ).

+ Về mặt tâm trí:
( Pl 4, 8; Mt 15, 18- 20 )

+ Về mặt thể xác:
( x. Lv 23, 12- 13 )

+Ăn nói trong sạch:
( Ep 4,25; 4, 29 – 31; 5,3; Kh 21,8; )

4.  Trong sạch trong tâm hồn là gì?
+ Tâm hồn sạch tội: Đó là một tâm hồn trong trắng, không vướng mắc tội lỗi, hoặc nếu có vướng mắc, thì biết ăn năn hối lỗi, và quyết tâm sửa đổi.
+ Đức khiết tịnh: Là nhân đức giúp ta sống trong sạch trong tư tưởng, tâm tình, nhôn ngữ, cữ chỉ và hành động.
+ Lỗi đức khiết tịnh: Trong tư tưởng, lời nói, hành động: khi suy tưởng, ước muốn hay thực hiện điều dâm ô.

5.  Trong sạch về thân xác là gì?
+ Sạch sẽ thân xác là sạch sẽ về đồ dùng: “ Lành cho sạch, rách cho thơm”.

+ Sạch sẽ thân xác:
-     Người có giáo dục phải biết sạch sẽ, biết giữ gìn thân thể bằng cách tắm rửa thường xuyên, biết đánh răng chải tóc, cạo râu, xỉa răng, cắt móng…
-     Người có giáo dục cần lưu ý các vấn đề sau:
# Khạc nhổ, không được làm nơi công cộng.
# Khi hắt hơi, hì mũi, ngáp ợ: phải nhẹ nhang, dùng khăn, tay che miệng
# Tránh gãi đầu, ngoáy tai, căn hay cắt móng tay, bẻ ngón tay, cạy mũi nơi công cộng và trước mặt người khác.

+ Sạch sẽ trang phục:
-         Quần áo ảnh hưởng trực tiếp đến cá tính con người
-         Quần áo còn biểu hiện nhân cách con người. ( biết bạn thuộc hạng người nào…)
-         Cách trang phục: Sạch sẽ, giản dị, đúng đắn, đó là điều căn bản…
-         Trang phục đúng nơi: Mỗi nơi ,mỗi việc cần trang phục khác nhau…

+ Ăn ở sạch sẽ:
-         Nơi ở: nhà cửa, phòng ngủ, giường chiếu, gọn gàng,ngăn nắp…
-         Ăn uống: khoan thai, sạch sẽ, nhẹ nhàng khi ăn và uống…

6.      Người có vợ có chồng có phải giữ đức trong sạch không?
-         Họ phải giữ đức trong sạch theo bậc sống của mình, như luật Chúa và Giáo Hội dạy.

7.      Điều răn thứ 6 và thứ 9 dạy ta điều gì?

+ Hai giới răn này dạy tôi giữ đức trong sạch (trong trắng, không liên quan đến tình dục, không gian dâm) trong tư tưởng, lời nói, việc làm.

8.      Có những dịp nào thường làm cho người ta lỗi đức trong sạch:
Có những dịp này:
-         Lười biếng không chịu làm việc
-         Làm bạn với những người xấu nết.
-         Xem sách báo, phim ảnh dâm ô.
-         Trai gái giao thiệp quá tự do.
-         Ăn uống say sưa quá độ.

9.      Tôi phải làm gì để giữ đức trong sạch?
Tôi phải làm những việc này:
-         Siêng năng cầu nguyện, lãnh nhận Bí Tích Hòa Giải (xưng tội) và rước lễ.
-         Giữ gìn ngũ quan và nết na trong cách ăn mặc, đi đứng.
-         Tránh xa các dịp tội
-         Mạnh mẽ chống lại các cơn cám dỗ.
-         Xin Chúa và Đức Mẹ giúp sức, rồi tưởng nhớ tới những việc khác và tránh ngay dịp tội đó đi.

10. Luyện tập đức trong sạch như thế nào?

+ Đối với người sống trong bậc hôn nhân:
-         Chu toàn bổn phận làm chồng, làm vợ về việc chăn gối.
-         Yêu thương và hiến mình vì nhau.
-         Tự nguyện trao hiến cho nhau, sẽ thõa mãn được nhu cầu tình yêu và tình dục, để tình yêu mãi keo sơn, tránh được việc ngoại tình
-         Trong sạch và tiết độ trong đời sống vợ chồng, nhất là trong hành vi ân ái, đây là thước đo tinh thần xả kỷ, hi sinh vì hạnh phúc của người mình yêu. Nó còn biểu lộ sự trưởng thành và tự chủ của đôi bạn biết yêu thương và kính trọng nhau.
-         Giữ lòng chung thủy: hãy nhớ rằng : Lạc thú tính dục được Chúa sắp đặt để nâng đỡ đời sống hôn nhân và gia đình, nên chỉ những ai là vợ chồng của nhau, mới có quyền trên thân xác của nhau mà thôi.

11. Kết:
“ Đức trong sạch là sự huy hoàng của con người nội tâm. Nó là sức mạnh tột đỉnh khóa chặt tâm hồn trước những điều thấp hèn và mở rộng tâm hồn trước những điều cao quý” ( Jean de Rusbrock ).

12. Chia sẻ:
-         Ông bà anh chị em chia sẻ cho nhau những kinh nghiệm sống đức trong sạch.

13. Thực  hành:
-         Cầu nguyện để khỏi sa chước cám dỗ…
-         Giữ gìn ngũ quan và nết na trong cách ăn mặc, đi đứng…
Tác giả bài viết: Phêrô Nguyễn Đình Hưng
Từ khóa:

Truyền giáo, sám hối

Đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 22
  • Khách viếng thăm: 19
  • Máy chủ tìm kiếm: 3
  • Hôm nay: 13789
  • Tháng hiện tại: 146546
  • Tổng lượt truy cập: 12436258