Trang mới   https://gpquinhon.org

Sáng tác Hoa Biển 18 (II)

Đăng lúc: Thứ năm - 22/10/2015 18:25
NƠI ẤY CHÍNH LÀ THIÊN ĐƯỜNG
* Maria Nguyễn Thị Kim Viễn (Gx.Phú Hòa)   
 
Ở một vùng quê nghèo, vào mỗi buổi chiều người ta đều nghe thấy tiếng nói cười vui vẻ của một cô gái trẻ và một cậu bé chừng 4 tuổi. Cô gái ấy chính là Hương, trước đây có tiếng là người đẹp nhất vùng. Còn đứa bé đó không ai biết chính xác nó là ai: Em trai cô hay đó chính là... con trai Hương?
***
Cầm trên tay giấy báo đậu đại học, Hương như không tin vào mắt mình nữa. Cô chạy một mạch về nhà, miệng lắp bắp không thành tiếng: "M... ẹ... mẹ... ơi, con... con làm được rồi! Con đậu rồi mẹ ơi!". Niềm vui hòa lẫn trong nước mắt, người mẹ chạy đến ôm chầm lấy cô mà không nói được nên lời.
Nhà không có đủ tiền nên ngày Hương lên đường đi thành phố, bà Hòa - mẹ Hương, phải bán mấy bao lúa cho hai cha con có lộ phí lên đường. Hương biết vậy nên luôn tự hứa sẽ cố gắng thay đổi tương lai để ba mẹ mình có cuộc sống thoải mái hơn. Bà Hòa nhìn theo bóng đứa con dần khuất xa, mong ước nơi đó sẽ là một thế giới tốt đẹp hơn.
Hai năm đầu đại học, Hương luôn là một sinh viên chăm chỉ, đều đặn đến trường và thân thiện với bạn bè. Dù không học quá giỏi nhưng cô luôn được bạn bè và thầy cô yêu quý vì tính tình hiền từ, nết na...  Bước sang năm thứ ba, Hương dường như thay đổi rất nhiều: Không còn những buổi đều đặn đến lớp, không còn nết na như trước. Cô đã biết cách ăn diện, trang điểm và thường xuyên nghỉ học, về khuya. Bạn bè Hương đều biết rằng Hương đã có bạn trai nhưng không nghĩ cô lại ăn chơi, đua đòi như vậy... Đi đêm có ngày gặp ma, Hương đã mang bầu trong khi còn là sinh viên. Chuyện không thể che giấu được nên cô đã nói chuyện với mẹ. Bà Hòa nghe chuyện từ chính con gái mình mà vẫn không tin nỗi, bà ngã khụy không còn nhấc nổi điện thoại nữa. Mọi sự tự hào, kiêu hãnh ở đứa con của mình như tiêu tan hết...
Bốn tháng trôi qua, Hương không thể tự lo cho mình nữa, cô quyết định về quê. Ngày Hương cất bước lên Sài Gòn đi học đã mang theo bao nhiêu niềm kiêu hãnh của gia đình, thì bây giờ khi trở về nhà, cô dường như mang đến cho cha mẹ mình sự xấu hổ vô bờ. Ba mẹ Hương chẳng biết phải làm gì, bà Hòa an ủi: "Mọi chuyện đã thế này thì phải chấp nhận thôi. Chẳng lẽ bỏ đi đứa bé sao? Không được. Đó là một sinh linh được tạo ra theo ý muốn của Thiên Chúa...". Hương biết mẹ mình dù nói vậy nhưng bà đang rất buồn và thất vọng. Cô đã quen với lời ra, tiếng vào của bà con lối xóm nhưng mỗi đêm nhìn thấy mẹ khóc một mình, Hương đã nhiều lần có ý định bỏ đi đứa nhỏ này. Cô cũng đã từng đến tận bệnh viện nhưng có một sức mạnh nào đó kéo cô quay lại. Mỗi buổi chiều, Hương một mình đến nhà thờ, nơi tượng đài Đức Mẹ. Cô ngồi đó mỗi ngày nhưng không ai biết cô đang làm gì. Hương không nói gì cả, chỉ ngồi im vào một góc và thinh lặng. Cha quản xứ thấy vậy, ngài quan sát nhiều lần và quyết định bắt chuyện với Hương. Nghe xong, Cha cười và nói: "Việc con không bỏ đi sinh linh nhỏ bé này chắc hẳn là ý định của Thiên Chúa. Con hãy cứ mặc kệ thiên hạ nói gì. Hãy luôn ký thác mọi sự trong tay Chúa. Còn nữa, gia đình sẽ luôn bên con mà". Hương chào Cha ra về mà lòng thanh thản hẳn. Gia đình cô cũng đã quyết định sẽ giúp cô nuôi đứa nhỏ để cô hoàn thành nốt việc học.
***
Một buổi chiều nọ, một đứa trẻ ngộ nghĩnh chạy đến bên cạnh một người phụ nữ và hỏi: "Mẹ ơi! Thiên đường ở đâu vậy ạ? Nó xa không hả mẹ?". Người ấy ôm lấy cậu bé và nói: "Không xa đâu con à! Gia đình, nơi đó chính là thiên đường". Sau đó, hai mẹ con tay trong tay bước ra từ ngôi nhà thờ cũ, trở về thiên đường của họ. Trên bầu trời trong xanh, những đàn chim đang thi nhau bay về tổ sau một ngày dài kiếm ăn...
 
 
CHÍNH NGƯỜI ĐÃ CHỌN
* Maria Thân Thị Hồng Kiều (Gx.Cây Rỏi)
 
- Kieu, I’m a Catholic.(1)
Kirill dường như vừa hét vừa vẫy tôi.
Đó là câu nói đầu tiên sau một năm tôi gặp lại Kirill. Email bất ngờ tôi nhận được từ Kirill, sau gần cả năm anh ấy trở về nước và chúng tôi bị mất liên lạc, cũng không làm tôi ngỡ ngàng bằng việc anh ấy thông báo sẽ quay lại thăm Việt Nam sớm hơn dự định, và đề nghị tôi đón anh ấy. Tôi hồi âm thư với tất cả sự nhiệt tình. Suốt cả quãng thời gian trên đường đi tới sân bay và ngồi đợi tôi đều tưởng tượng giây phút tôi và Kirill gặp lại. Nhưng có mơ tôi cũng không dám nghĩ câu nói đầu tiên Kirill nói không phải là “hello”, “ good morning!”… hay bất kỳ một câu xã giao nào khác mà là một khẳng định, một thông báo như một tin mừng.
***
Ba ngày không là gì cho sự gắn kết giữa những con người xa lạ, khoảng cách nửả vòng trái đất được rút ngắn dần giữa các thành viên trong đoàn khách và tôi. Những gì chúng tôi cùng nhau trải qua đã giúp loại bỏ sự e dè, mọi người trao đổi với nhau thoải mái hơn. Ngôn ngữ không còn là rào cản cho sự cảm thông chia sẻ, mọi người hào hứng kể về gia đình của mình cho tôi nghe, họ cũng kể cả những công việc thường ngày nơi họ sống, rồi những suy nghĩ về cuộc sống, những lí tưởng của họ, cả những cảm xúc về Việt Nam trong lần đầu đặt chân đến.
Nhưng hôm nay, từ lúc lên xe, tôi nhận thấy sự ngập ngừng trong lời nói và biểu cảm của Kirill, người thân thiết nhất với tôi trong đoàn. Bản thân tôi cũng tò mò về vấn đề cứ mãi được bàn trong đoàn, phải có vấn đề gì đó mà mọi người không muốn tôi nghe nên mới né tránh nói bằng tiếng Anh. Dù không thể hiểu được tiếng Nga nhưng quan sát họ trao đổi tôi biết rằng mọi người muốn hỏi một điều gì đó, có lẽ là rất quan trọng về tôi, hoặc cũng có thể là tế nhị, vẫn như mọi lần Kirill luôn đại diện để hỏi. Nhìn vẻ ngập ngừng miễn cưỡng của anh, tôi đáp trả bằng một nụ cười thân thiện, tỏ vẻ không vấn đề gì nghiêm trọng.
- Kiều, em theo tôn giáo nào?- Anh hỏi hơi ngập ngừng.
Tôi cười tươi vì trút bỏ gánh nặng trong lòng, cứ tưởng tôi đã phạm sai lầm gi đó. Có lẽ mọi người nghĩ hỏi về chuyện riêng tư khi tôi không nói là không lịch sự nên ngại ngùng chăng.
- Em là người Công giáo.
Tôi trả lời giọng đầy vui vẻ tự hào, bởi lẽ ở Việt Nam hiếm khi có người hỏi tôi như vậy. Kirill mỉm cười, anh ra hiệu cho tôi tới gần hơn.
- Em theo Đạo từ khi nào?- Anh hỏi.
- Từ lúc em mới sinh ra, ba mẹ em đã đưa em đến nhà thờ.- Tôi trả lời đầy hồ nghi vì thắc mắc tại sao mọi người lại quan tâm về vấn đề đó.
- Như vậy, em không được chọn tôn giáo mình muốn đúng không?
Kirill nói với giọng điệu khẳng định hơn là một câu hỏi.
Tôi “à” lên một tiếng vì đã hiểu ra vấn đề. Tôi cười với Kirill và nhìn cả đoàn một lượt rồi đáp:
- Em không chọn Chúa, mà chính Ngài đã chọn em, em tin ở Người.
Kirill gật đầu tỏ vẻ hài lòng về câu nói của tôi, anh cũng khẽ nói: “Anh cũng tin ở Chúa”. Mọi người im lặng nhìn qua khung cửa sổ trên xe, có lẽ tôi nghĩ họ cũng đang nghĩ giống tôi, liệu con người có quyền chọn Thiên Chúa, hay chính Người là người chọn chúng ta?
Chỉ một kỉ niệm nhỏ trên hành trình dài chúng tôi cùng nhau trải qua, những cái ôm thắm thiết, những cái siết tay thật chặt, có quyến luyến đến đâu thì chúng tôi cũng phải tạm chia tay. Khi đã đi vào bên trong, mọi người vẫn ngoái đầu ra dấu hai ngón tay với tôi, cái hẹn hai năm gặp lại làm giảm đi phần nào sự buồn bã, vì một tia hy vọng mới đã được ươm mầm.
***
- Kirill, tại sao anh lại chọn lại vậy?
Tôi ngập ngừng hỏi Kirill câu hỏi đã ấp ủ mấy ngày qua, cứ mấp máy môi hỏi rồi lại thôi.
- Oh, cuối cùng em cũng hỏi anh rồi.
Kirill không trả lời trực tiếp vấn đề tôi hỏi, anh bật cười thành tiếng, rồi thản nhiên lấy những quả xoài vào xe đẩy.
-  Em nghĩ mình không nên hỏi nên dù tò mò em vẫn không dám hỏi. Nếu anh thấy không thoải mái có thể không cần trả lời đâu.
Tôi ngại ngùng lí nhí từng lời với Kirill như một đứa trẻ vừa phạm lỗi.
-  Không sao! Mình chọn chỗ nào uống nước rồi anh sẽ kể em nghe.
Kirill nói nhẹ nhàng, nhưng anh tránh ánh nhìn của tôi. Chỉ phớt qua, tôi thấy nụ cười tắt hẳn trên môi anh, đôi mắt chợt cũng u buồn theo ánh nhìn xa xăm.
- Moskva đón anh bằng những cơn mưa phùn nhẹ, gió se lạnh. Mẹ vẫy anh như đứa con xa nhà đã lâu, dù anh chỉ mới sang Việt Nam hơn mười ngày, lúc còn là sinh viên, có khi nửa năm anh mới về thăm nhà một lần. Có lẽ cảm giác con mình ở một đất nước xa lạ làm bà lo lắng, dù anh nhiều lần gọi về kể cho bà nghe về em, về những nơi xinh đẹp trên đất nước này.
Anh vừa ngồi xuống đã huyên thuyên kể, nhưng đôi mắt vẫn chất chứa nỗi buồn như vậy.
Tôi cứ nghĩ mãi, tại sao anh nói những điều hạnh phúc kia với một giọng trầm và buồn như vậy. Tôi nhấp ngụm cà phê, cố gắng giấu đi sự tò mò của mình, kiên nhẫn đợi cơn sóng cảm xúc trong anh lắng dịu.
-  Em biết không, anh cũng rất mừng khi về nhà, không phải vì Việt Nam không tốt, mà ngược lại em và mọi người đã tạo cho anh cảm giác thân thiện như ở thị trấn của anh, chỉ là có chút gì đó thiếu sót. Trong suốt chuyến bay anh đã nghĩ, nếu có lần quay lại Việt Nam sẽ mời mẹ anh đi cùng, cho nên đã  tưởng tượng rất nhiều đến lúc cùng mẹ đến Việt Nam. Ngay lúc gặp lại bà, anh đã nói: “Mẹ, chúng ta sẽ cùng đi đến Việt Nam nhé, nhất định mẹ sẽ không thất vọng đâu”.
Tôi rất vui khi nghe Kirill có những cảm xúc tốt đẹp như vậy về Việt Nam. Tôi chen ngang hỏi ngay.
- Thế bác không đồng ý sao? Sao anh lại không thuyết phục để bác cùng đến trong lần này?
Tôi vô tư hỏi câu hỏi với sự nuối tiếc, nào biết rằng tôi vừa dứt lời, vẻ mặt Kirill bối rối, sau đó thì tối sầm, mắt anh ngấn nước, nghẹn ngào trả lời tôi:
- Mẹ anh, bà ấy mất rồi!
Tôi giật mình, sự bất ngờ làm tôi trong phút chốc không nói nên lời. Kirill chầm chậm xoay cốc cà phê, một hành động vô thức như đang khuấy cái khối đông không khí giữa chúng tôi. Anh cất lời để thổi bay khoảng trống vô hình câm lặng đó.
- Trên đường về, xe anh và mẹ mất phanh, mẹ anh đã nhào lên chắn cho anh khỏi bị thương, dù có túi khí nhưng mảnh vỡ kính cắm vào đầu, bà đã không qua khỏi.
- Kirill, xin lỗi, em đã nhắc kí ức làm anh buồn rồi. Chắc thời gian qua anh đau buồn lắm?
- Không phải lỗi của em. Là anh muốn kể cho em nghe mà. Có lẽ anh vẫn chưa nói với em, mẹ anh là người có chung niềm tin với em đó. Bà ấy là người Công giáo. Lúc anh sinh ra cũng được thực hiện nghi thức gia nhập đạo, nhưng sau này anh nghĩ lúc đó mình đã không được chọn niềm tin cho mình, nên sau khi bạn bè rủ rê, anh đã cải đạo để chọn một tôn giáo khác. Lúc đó mẹ anh buồn lắm, nhưng bà không cản trở, cũng không la rầy anh. Anh nhiều lần nghe bà thì thầm khi cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin luôn bên con trai con, vì nó không biết việc nó đang làm”. Thật sự lúc đó anh rất bực bội, anh nghĩ mình trường thành, mình có chính kiến riêng, cho nên việc anh đủ lý trí để chọn một con đường cho niềm tin của bản thân cũng là chuyện rất rõ ràng và khôn ngoan. Anh có nhận thức rất rõ ràng chứ không hề mơ hồ, thì lí do gì bà ấy lại cầu nguyện như vậy chứ.
- Mẹ anh, có lẽ rất yêu thương anh, bà ấy thật khoan dung.- Tôi mờ nhạt hình dung về người phụ nữ chưa từng gặp qua lời Kirill.
- Đúng, bà ấy phải rất yêu thương anh mới có thể chắn cho anh, mới có thể luôn cầu nguyện cho anh quay lại. Sau ngày mẹ mất, lúc dọn dẹp đồ đạc của bà, anh đã tìm được những thứ bà đã cất đi thật kĩ càng trong một chiếc hộp. Chính vật đó đã làm anh suy nghĩ rất nhiều về ý nghĩ quay về. Em có biết đó là gì không?
- Có lẽ là một vật rất quý giá và ý nghĩa.- Tôi mơ hồ đoán thử.
- Rất quý giá dù vô giá trị về vật chất. Đó là bức ảnh chụp một người phụ nữ đang bế đứa trẻ sơ sinh trên tay, hạnh phúc mỉm cười nâng nó lên cho linh mục ban phép lành. Đứa trẻ đó không ai khác chính là anh và người phụ nữ trong bức ảnh là mẹ anh. Nhìn bà cười thật hiền hậu và mãn nguyện, có gì đó thật trọn vẹn trên khuôn mặt bà, anh đã thấy chính trên khuôn mặt trẻ thơ của mình nụ cười. Đằng sau bức ảnh là dòng chữ nắn nót của mẹ: “Cảm ơn Chúa, vì Ngài đã chọn con”. Câu nói đó, rất giống với câu trả lời của em, nó làm anh thấy hổ thẹn, anh chẳng là gì, sao có thể chọn đi chọn lại Người.
- Kirill, anh đừng tự trách bản thân như vậy. Ai cũng có sai lầm mà. Quan trọng là anh đã nhìn lại và quay lại rồi đó sao.
Tôi xoa dịu sự dằn vặt của anh bằng những lời an ủi có chút hơi sáo rỗng.
- Lúc mẹ mất, anh vẫn chưa nhận thức điều đó đâu, có chút suy nghĩ, chỉ một chút. Rồi anh quyết định đến nhà thờ đề cầu nguyện cho mẹ. Anh cứ nghĩ bà sẽ an lòng khi nhận được lời cầu nguyện của anh. Những ngày đầu anh nặng nề bước từng bước đến nhà thờ, anh chẳng biết phải cầu nguyện thế nào, chẳng biết phải bắt đầu từ đâu, cũng chẳng biết lời cầu nguyện của anh có ích gì không. Nhưng anh vẫn cố gắng, vì đó là điều duy nhất, anh có thể làm cho bà ấy. Nhưng thật bất ngờ biết bao, những buổi cầu nguyện như vậy giúp anh vơi hẳn những gánh nặng trong lòng. Rồi anh kể cho Người cả những khó khăn của chính mình, có hôm anh kể cho người về một người bạn mới gặp, cũng có khi chỉ là giây phút thinh lặng, nhưng trong anh cảm thấy vơi đi rất nhiều. Dường như có ai đó đã gỡ những nút thắt trong lòng, đã giúp anh bỏ đi những lo âu trong lòng. Tự bao giờ điều đó trở thành thói quen. Điều đó thật sự rất tuyệt với!
Tôi cười hòa theo tiếng reo khe khẽ của Kirill. Khuôn mặt anh sáng bừng khi nhắc đến Chúa. Nhìn anh tôi như thấy một con người khác, người ngồi trước mặt tôi lúc này đầy hào hứng, nhiệt huyết và cả sức sống, chứ không hề giống một người đang đau khổ.
- Kirill, vậy là anh đã quyết đinh “mua vé” và đi “chuyến tàu trở về” như vậy à?- Tôi đặt câu hỏi pha một chút hài hước với anh.
Kirill gật đầu liên tục.
- Đúng rồi. Dù có những điều không mong muốn xảy ra, anh vẫn cảm thấy trong anh có một sức sống rất mới mẽ. Anh hy vọng Thiên Chúa sẽ đón nhận mẹ anh trên thiên đường, hy vọng mẹ anh sẽ vui vì anh đang đi theo con đường của bà, con đường Đức Tin.
Anh giục tôi nhanh chân.
- Kiều, nhanh lên, nếu không chúng ta sẽ về trễ giờ thánh lễ chiều mất thôi.
- Xem anh kìa, có cần gấp rút vậy không, anh làm em thấy mình thật tội lỗi quá.- Tôi cố ý trêu chọc Kirill.
- Nếu em nhanh chân hơn, tối nay anh sẽ chiêu đãi em món sinh tố xoài, nhất định sẽ ngon hơn cả lần năm ngoái em làm cho anh và cả đoàn thưởng thức. Anh đã học và tham khảo rất nhiều đó, chỉ đợi đến Việt Nam để thực hiện thôi.
Tôi gật gù cố gắng đi thật nhanh để kịp những sải chân thật dài kia. Những bước đi của anh chắc nịch, như một người mang niềm tin vững chắc hướng thẳng về phía trước. Nhìn khuôn mặt với nụ cười ẩn ý của Kirill, tôi biết rằng anh đã đặt lại nỗi buồn phía sau. Có lẽ tôi đã vô tình gieo vào lòng anh hạt giống của Đức Tin, còn sự hy sinh của mẹ anh chính là cơn mưa tưới mát cho hạt giống đó nảy mầm. Khi tôi còn đang chăm chăm cố gắng chỉnh nhịp chân của mình thì nghe tiếng Kirill, anh nói như hét vào gió.
- Khác nhau về cái tên, khác nhau về những quy tắc, nhưng suy cho cùng tất cả chẳng phải cùng một lý tưởng sao. Có là 5, 10, 100, hay 1000 cái tên đi nữa cũng chỉ cùng một Người. Đường ngang, đường dọc, đường tắt hay ngõ vòng đến cuối cùng người ta cũng đi đến đích. Đó không phải là điều tự nhiên, đó là sự sắp xếp trong lòng bàn tay Thiên Chúa khi Người đã chọn chúng ta.
--------------------------------------------------------------------
Chú Thích: (1) I’m a Catholic: Anh là người Công giáo.
(Vì muốn nhấn mạnh nên xin giữ nguyên câu nói đó bằng tiếng Anh).
 
 
BÁT VỠ TÌNH LÀNH
* Anna Trần Phương Sanh (Gx.Vườn Vông)
 
- Dạ thưa giám đốc, khoảng nửa tiếng nữa sẽ có cuộc họp với đối tác ở tầng hai, tài liệu về cuộc họp đây ạ!
- Được rồi, cô để trên bàn cho tôi.
Cửa khép lại và anh ta trong vẻ mặt mệt mỏi, cau mày xoa xoa hai bên thái dương, lắc đầu vài cái, định là sẽ chợp mắt trước cuộc họp để tinh thần tỉnh táo hơn.
*  *  *
Đang loay hoay trong bếp,Thương nghe tiếng cửa mở và có tiếng dép đi vào nhà. Trong lòng cô thật sự là rất vui, niềm vui của một người phụ nữ lo nội trợ và chờ chồng về với bữa cơm gia đình.
- Anh về rồi sao, hôm nay em nấu nhiều món anh thích, anh đi tắm rồi ra vợ chồng mình cùng ăn cơm đi anh.
Trung chẳng nói chẳng rằng, ngồi thịch xuống ghế và nhìn vợ mình với ánh mắt nặng nề, mệt mỏi.
- Hôm nay em làm chả bông, có canh bông bí thịt bò, tôm rán nữa… Vợ chồng mình lâu lâu mới ăn chung một bữa. Anh làm về chắc đói bụng lắm đúng không?
Anh ta cứ nhìn vợ mình rồi cau mày, nhăn nhó nhưng cũng chẳng buồn lên tiếng. Thương bắt đầu thấy hoang mang.
- Hay là em nấu không ngon hả anh? Anh hôm nay sao thế?
Anh ta lơ mắt nhìn ra cửa, trông ánh mắt xa xăm nhưng đầy chất lạnh nhạt.
Thương đã hiểu, cô cúi mặt xuống, khuôn mặt cô lúc này khác hẳn khi thấy chồng làm về. Như ôm hết mọi lỗi lầm về mình, cô bắt đầu nhìn Trung với ánh mắt thành khẩn xin một lời tha thứ. Nhưng rồi ánh mắt đáng thương của cô bị cắt xén đi bởi một lời cáu bẳn.
- Định khóc nữa sao? Khóc cái gì? Đừng làm tôi mệt mỏi thêm nữa!
Cô quỳ sụp xuống.
- Em không khóc đâu, anh đừng giận mà…
Khuôn mặt lạnh như tờ, anh mắng xối xả luôn một hồi.
- Em lấy tôi về em được cái gì, tôi được cái gì? Tất cả mọi thứ tôi lo hết, đừng để tôi nói nhiều, đừng làm tôi thêm mệt mỏi. Ăn sung mặt sướng tôi lo, tiền tài khoản có, nợ nần gia đình em tôi cũng lo hết… Em đừng làm tôi rối nữa được không?
Nước mắt cô dàn dụa , cố kìm nén, cố chịu đựng như một người làm công có lỗi đang phải chịu sự quát nạt quở mắng của ông chủ.
-  Thật sự nếu không phải vì tôi là người có đạo không được li hôn theo luật Hội thánh thì tôi đã thôi em từ lâu rồi. Cũng vì tôi là giám đốc, phải có bộ mặt xã hội, nếu tôi bỏ vợ thì hóa ra người ta sẽ có cớ mà cười nhạo tôi ''giám đốc mà lại bỏ vợ''!
Thương quỳ đó, cô nghe những lời chồng nói chẳng khác gì đang chịu muôn vàn nhát dao cắt từng thớ thịt. Cô đau khổ quá chẳng khóc nên tiếng.
- Tôi muốn đi lắm, muốn đi từ lâu rồi em hiểu không? Quả thật là tôi đã yêu em nhất thời, để rồi bây giờ mỗi ngày tôi phải đối mặt với sai lầm của mình mà chẳng thể sửa lại được. Có ai hiểu cho tôi đây? Nếu hôn nhân như hợp đồng với một đối tác nào đó thì có lẽ tôi đã thà chịu tổn thất bồi thường và hủy hợp đồng từ lâu rồi.
Trung vừa dứt lời thì tim như chững lại, chậm lại từng nhịp, anh giật mình vì những lời mình vừa thốt lên trước Thương.
Dù rất đau nhưng cô vẫn cố kìm nén, bấm bụng mà gượng cười vì một điều gì đó mà chính cô cũng không thể hiểu. Cô cười và nhìn Trung như để đợi anh ta nói hết những gì anh ta đang định nói, nhưng cũng vừa lúc Trung im lặng quay bước vào phòng.
- Mình đến với nhau chỉ như đối tác trên hợp đồng sao anh?
- Ừ, thôi em ăn rồi dọn đi, tôi không muốn nói nữa…
“CHOANG!”… Xáng ngay cái chén xuống nền cô chẳng thể kìm nén nổi nữa.
- Anh không nói nữa thì để tôi nói cho anh nghe.
Nói đến đây cô chững lại, cả căn nhà lặng yên chỉ còn tiếng chén vụn vỡ rơi. Trung lặng người nhìn vợ.
- Anh nói anh hối hận sao, anh cưới tôi về là sai lầm sao? Anh cưới tôi về đặt tôi ở nhà cao cửa rộng, khoác lên người tôi bao nhiêu là nhung gấm lụa là, và tôi làm như một con ở, như một người ăn nhờ ở đậu… Một tuần anh về nhà ăn cơm được bao nhiêu lần, về nhà ngủ được mấy bữa? Trước khi anh cưới tôi, tôi cũng có công ăn việc làm, tuy là nhà tôi nghèo nhưng tôi đâu muốn ăn bám anh đâu, anh bảo anh muốn lo cho tôi, không muốn tôi khổ mà. Tiền ngân hàng anh có cho tôi, ừ thì có, nhưng cái tôi muốn là tự do và tình yêu của một người chồng. Tôi đi đâu anh cũng cho người theo dõi, cả khi tôi đi nhà thờ. Mỗi ngày tôi chỉ việc nấu cơm, chờ đợi anh về, nhưng rồi tôi tự nấu tự ăn. Thử hỏi nếu anh là tôi, anh cảm thấy cuộc sống ấy thế nào?
Trung như chết lặng, hình như có thứ gì đó màu trong như ngọc vừa rơi ra từ khóe mắt anh.
*  *  *
Kết thúc cuộc họp. Tan tầm, 5h30… Trung phóng xe về nhà, anh nghĩ rằng chắc giờ này vợ đang lúi húi trong bếp chuẩn bị bữa tối chờ anh về ăn. Nhưng về tới nhà, chẳng có ai hết, cơm đã nấu, nhà cửa sạch sẽ nhưng anh tìm từ nhà trước ra nhà sau cũng không thấy Thương đâu hết. Trời đổ mưa và Trung bắt đầu thấy lo.
Chẳng để ý mưa hay sấm, anh cứ thế mà đi tìm Thương như thể cố giữ lấy cái gì đó sắp xa tầm với của mình. Đã tìm hết những nơi cần tìm nhưng chẳng thấy cô đâu hết, hóa ra là sự thật sao? Anh tự hỏi, chẳng lẽ sau cuộc cãi vã mà anh mơ thấy bây giờ cô đã trả lại cho anh tự do sao? Quả thật anh đã hối hận, nhưng chính lúc này điều anh hối hận là đã để gia đình mình rơi vào cảnh sắp đỗ vỡ.
Anh chợt nghĩ… Nhà Thờ...
''Sự gì Thiên Chúa sắp đặt loài người không được phân li''… Tiếng vị linh mục nói vừa lúc Trung bước vào làm anh chợt bừng tỉnh. Từ lâu rồi anh đã lãng quên điều này, và cũng vì đam mê công việc, danh vọng mà anh bỏ bê chẳng màng đến điều thiêng liêng nhất là giữ tròn bổn phận con cái với Thiên Chúa.
Thương đang dự thánh lễ hôn phối của Nga bạn mình, và trong lúc vô tình đã nhìn thấy Trung. Cô thật không tin vào mắt mình, vì rất lâu rồi cô không hề thấy chồng mình đi nhà thờ. Cùng lúc đó, không biết vô tình hay hữu ý mà ánh mắt hai người chạm nhau. Xa tầm với nhưng thật gần và ấm áp.
Cuối thánh lễ, Trung đứng dưới gốc cây sứ trước cổng nhà thờ chờ vợ ra về. Nhìn thấy Thương đang đứng trước mắt mình, anh mừng vui hạnh phúc như thể ngày anh cưới cô cũng nơi ngôi thánh đường này.
- Mình về thôi em!
Thương không hiểu chuyện gì đang xảy ra, sự thay đổi này khiến cô ngạc nhiên đến ngỡ ngàng. Thương không nói, chỉ mỉm cười và thầm cảm ơn hồng ân mà Thiên Chúa đã ban, rằng mong ước bao lâu nay cô khấn nguyện, Chúa đã nhậm lời.
Trên đường về, Trung ngập ngừng nói:
- Anh xin lỗi, anh biết anh sai rồi, anh sẽ sống khác vợ à! Dù anh không thể nói được, nhưng anh sẽ không bao giờ hối hận, vì anh tin vào sự an bài của Thiên Chúa...
 
 
RUỘNG KHÔ
* Phaolô Lê Trần Như (Gx.Châu Ổ)
 
Chiều nay những áng mây buồn che khuất những ánh nắng chói lói cuối cùng của mặt trời trước khi nó chịu lặn xuống sau những dãy núi. Chiều có vẻ chiều hơn, tôi thả bộ trên cánh đồng khô cằn của quê hương miền cát trắng quê tôi. Bao ngày tháng đi học xa quê nay tôi mới có dịp tìm lại hương vị quê hương, bỏ lại sau lưng những bộn bề, xô bồ của thành thị.
Lang thang trên những mảnh ruộng khô đầy dấu vết nứt nẻ đang mong chờ những cơn mưa rào trút xuống, để những mầm sống được trỗi dậy vươn mình. Nhìn những rãnh nứt trên thửa ruộng khô cằn, bất giác tôi nghĩ suy về đời sống Đức Tin của mỗi người trong bối cảnh xã hội ngày nay. Biết đâu đời sống Đức Tin của chúng ta lại chẳng đang như mảnh ruộng cằn khô ấy? Thật thế, ngày nay chúng ta đang bị đốt thiêu bởi những “ánh nắng” gắt gao của cuộc đời lên “mảnh đất” Đức Tin, làm cho mảnh ruộng ấy ra khô cằn và sức sống Đức Tin tàn lụi. Những thứ ánh nắng ấy là sự ghen tương, ganh ghét, giận hờn, là công ăn việc việc làm, là những giờ đi học thêm, là những ham mê lạc thú, là những hối hả của cuộc đời, là… và hằng hà sa số những điều khác nữa.
Ruộng khô thì chờ mưa để có dịp trở mình nuôi những mầm sống. Tâm hồn cằn khô thì cần gì để trỗ sinh lòng tin, lòng cậy, lòng mến? Chỉ có thể là một cơn mưa hồng ân từ  Chúa, để từ đó tâm hồn ta trở nên mảnh ruộng màu mỡ cho hạt giống Đức Tin có dịp trổ sinh hoa trái, và có hạt sinh ba chục có hạt sinh sáu chục và có hạt trỗ sinh một trăm. Đặt niềm tin nơi Thiên Chúa chưa bao giờ làm tôi thất vọng. Sức người có giới hạn nhưng ơn Chúa thì vô hạn, ruộng có thể giữ nước nhưng trời không mưa thì nước đâu cho ruộng giữ? Hãy để những cơn mưa hồng ân của Chúa làm cho tâm hồn bạn nên mầu mỡ hơn. Khi những tiếng gọi mời sống theo ý Chúa không rơi trên những “mảnh ruộng” màu mỡ thì làm sao nó có sức mà mọc lên, và nếu có mọc lên liệu có sống nỗi với bao khắc nghiệt của cuộc đời? Niềm tin vào Chúa thực chất nó đã có sẵn trong tâm mỗi con người, nhưng việc ta có phát triển niềm tin vào Thiên Chúa không thì đó lại phụ thuộc vào chúng ta. Đôi khi vì những yếu đuối trong cuộc đời làm ta không thắng vượt được những cơn cám dỗ. Những cái “chậc lưỡi” cho qua dần dần trở nên quen thuộc cho những thói xấu của mình. Và rồi không biết tự bao giờ, con người ta đánh mất Đức Tin của mình và xa rời Thiên Chúa.
Đừng để tâm hồn ta nên khô cằn vì lối sống của xã hội. Đừng che kín tâm hồn khi Thiên Chúa không ngừng mưa những cơn mưa hồng ân, để rồi tâm hồn ta chết trong sự khô cằn vì thiếu vắng tình yêu của Giêsu.
 
 
“LY NƯỚC” CHO NẮNG HÈ
* Anê Lê Thị Thanh Hà (Gx.Vườn Vông)
"Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ" (Lc 6,36).
 
Mùa xuân trăm hoa khoe sắc, mùa của ấm áp và ngập tràn hạnh phúc. Giờ thì những cánh én, sắc hoa đã đi đến phương nào nhường lại cho mùa hè trú ngụ. Những chú ve đang tưng bừng mở hội hoan ca, những cánh phượng hồng làm cháy đỏ cả vòm trời xanh. Cái mùa nắng nóng với những cơn mưa bất chợt, tiết trời oi nồng. Lòng tôi cảm thấy bức bối, khó chịu, muốn tìm một nơi nào đó để trốn và cố chạy thật xa để đi tìm nơi mát mẽ đó. Đạp xe một vòng lên thị xã, tôi mệt mỏi dừng xe ở một gốc cây bàng. Càng lúc tôi càng thấy mệt và chán ghét cái nắng hè. Và trong tâm trí tôi cứ vẩn vơ mấy câu hỏi : "Tại sao Chúa cho nắng làm gì? Sao Chúa không cho trời cứ mát mẻ mãi chứ?...". Sao lại có một thứ nắng hung tàn làm cho không khí trở nên nóng bức, khiến đôi vai gầy của cụ già ăn xin chai sạm, khiến đôi bàn tay bỏng rát của lũ trẻ lượm ve chai, khiến một cơn khát khô họng cho mấy nhỏ bán vé số...  Và một cơn khát cho chính lòng tôi. Giật mình trước hình ảnh đó, và như có thứ gì đó làm cho cổ họng tôi thèm một ly nước. Một người như tôi không phải đã quá sung sướng, nhưng tôi còn hơn nhiều lắm những mảnh đời kia. Tôi không cần lang thang dưới nắng kiếm từng đồng bạc lẻ gom góp lại để kiếm kế sinh nhai cho cuộc đời trần gian, vậy mà còn khát nước huống chi là họ! Họ chắc là còn khát nước hơn tôi gấp nhiều nhiều lần nữa.
Họ khát, thực sự rất khát "ly nước" cả về vật chất lẫn tinh thần. Còn nhiều lắm sự thờ ơ, lạnh nhạt của những con người xung quanh với mảnh đời cơ nhỡ như thế. "Ly nước" ở đây, dù chỉ cần một ly nước lã bình thường giúp họ vơi đi cơn khát thực tại. Hay chỉ là sự bố thí một ngàn, hai ngàn lẻ; mua giúp họ cây kẹo singum, tờ vé số… Chỉ cần một chút thông cảm, ta không la lối, hất hủi khi họ cần ngồi nghỉ bên chái hiên quán ăn của mình. Dường như đó chỉ là những việc làm nhỏ nhặt trong cuộc sống, nhưng với họ đã là những "ly nước" rất mát mẽ trong tinh thần.
Nguyện xin Thiên Chúa thánh hóa mỗi người con của Giáo hội, biết sống tiết độ, thương người và sẻ chia, để làm cho nắng kia ấm áp như nắng ban mai. Mỗi người một “ly nước” nhỏ góp lại thành hàng ngàn “ly nước”, sẽ làm cho cuộc đời thêm mát dịu và dễ chịu cho dù có nắng cháy trưa hè.

 
CHUYỆN Ở NHÀ SÁCH
* Anê Nguyễn Thị Son (Gx.Phú Hòa)
 
Nó trở về nhà sau một buổi chiều loanh quanh ngoài phố. Hoàng hôn bắt đầu buông xuống. Nó vội vào nhà chuẩn bị bữa tối cho gia đình. Khuôn mặt nó thoáng chút gì đó trông có vẻ không vui. Có lẽ nó buồn vì chuyện lúc chiều...
Hằng năm, cứ độ đầu tháng 8, khi những chiếc lá nhuộm màu vàng úa bắt đầu rơi nhiều, mẹ nó lại trở nên bận rộn. Bà chuẩn bị cặp sách, bút thước cho nó đến trường. Tuy nó đã lớn, đã có thể tự lo cho mình nhưng nhà chỉ có hai anh em, mà anh nó thì đã đi làm được hai năm nên mẹ vẫn muốn tự mình làm. Năm nay nó đã bước sang lớp 12, ở cái tuổi quan trọng mà thơ mộng của đời học sinh. Nó muốn tự sắm đồ dùng học tập cho mình. Nó hi vọng sẽ giữ lại được nhiều kỉ niệm về năm học cuối cấp này. Lúc chiều, nó cầm tiền mẹ cho và ra nhà sách. Nó mãi mê lựa chọn nào là hộp bút, nón… đủ các loại, đủ sắc, đủ kiểu mà không để ý đến đứa bé bên cạnh. Cô bé khoảng 6-7 tuổi, đôi mắt to và khá dễ thương. Lát sau, đứa bé ấy chạy lại chỗ một cậu bé khác chừng 12 tuổi. Cậu ấy đang tìm mua những quyển vở tập viết. Đứa bé gái thì thầm:
- Anh à, anh đang mua sách cho em hả?
- Ừ, em thích không?- Cậu bé nhẹ nhàng trả lời.
- Vậy anh đã mua sách cho anh chưa?
- Anh mua cho em trước rồi sẽ mua cho mình sau.
- Nhưng mẹ dặn mua sách cho em sau, mua cho anh trước mà, của anh quan trọng hơn nhiều.
- Mua cho anh hay cho em trước thì cũng vậy thôi.- Cậu anh trai cười thật tươi.
- Vậy bao giờ mua sách xong, anh hãy qua mua cặp luôn nhé!- Cô bé đáp chuyện với anh trai.
- Mua cặp? Em còn phải mua cặp nữa hả?- Người anh giật mình khiến cô em gái lo sợ chỉ biết nhìn anh.
- Không, mua cho anh đấy! Em thấy anh Kiên nhà bác Năm đã mua cặp mới rồi trong khi cái của anh thì cũ quá. Mẹ bảo em nhắc anh mua đó.- Cô bé lí nhí trong miệng.
- Anh không mua đâu. Gia đình mình kinh tế khó khăn, bố mẹ nuôi mình ăn học vất vả lắm rồi. Cái gì cần thiết lắm hãy mua, không thì thôi, đừng phí tiền. Đó là tiền mồ hôi nước mắt của bố mẹ mình chứ có phải của ai cho đâu!- Đứa anh trai vỗ về cô em gái với đôi mắt đã đỏ hoe, long lanh nước mắt.
Nó vờ đang đọc sách như thể không bận tâm đến chuyện của hai đứa nhỏ. Nó chợt giật mình, trước giờ nó vốn dĩ là một đứa tiêu tiền rất nhiều vào những thứ vô bổ mà không hề nghĩ đến công sức mà bố mẹ nó đã bỏ ra. Nó vẫn nghĩ việc nuôi dưỡng nó là trách nhiệm và nghĩa vụ của bố mẹ, và việc cho nó tiền để tiêu cũng không ngoại lệ. Giờ nghĩ lại nó mới thấy nó lớn mà còn thiếu suy nghĩ, sống vô tâm, không biết thương bố mẹ. Và nó càng thấy buồn hơn khi thấy mình đã sống như vậy suốt bao năm qua. Trong lòng nó thoáng chút buồn, chút ân hận mà không thể nói ra...
Nó đã cố gắng thay đổi, tập sống đơn giản, trở về với cuộc sống yên bình bên gia đình. Nó năng cầu nguyện cùng Chúa thay vì lao vào chiếc điện thoại. Nó biết giúp đỡ bố mẹ và mọi người. Cuộc sống đã thay đổi từ ngày ấy, ngày nó gặp hai thiên thần nhỏ.
 
 
GIẤC MƠ MUỘN
* Anna Nguyễn Thị Lan Phương (Gx.Trường Cửu)
 
Ba ngày tĩnh tâm ở Gò Thị cũng đã khép lại. Trên con đường về nhà, Minh Nhi vừa đạp xe vừa suy nghĩ, nó đạp rất chậm, ngắm nhìn cảnh vật chung quanh. Mặt trời hoàng hôn huyền ảo đang lặn xuống, cây cối bên đường sum suê xanh tươi đua nhau lớn lên. Tất cả thật đẹp, thật nên thơ, tất cả là do bàn tay kì diệu của Thiên Chúa đã tạo dựng nên. Nó chợt nghĩ đến chuyện sẽ dấn thân theo Chúa, chọn con đường Thập giá mà bước đi.
Trước kia, nó chẳng thiết tha gì chuyện đi lễ hay đọc kinh hằng ngày, nó luôn né tránh tất cả, không muốn tiếp xúc nhiều đến Chúa. Có những lúc mẹ gọi:
- Nhi ơi, xuống đọc kinh với cả nhà đi con!
- Con đang bận học, mẹ đọc trước đi.- Nó cằn nhằn.
Mẹ nó buồn và lo lắng cho nó lắm nhưng không biết phải làm sao cả, vì nó là đứa con gái duy nhất trong nhà nên bà không nỡ mắng hay đánh nó, bà chỉ biết thầm lặng hằng ngày cầu xin Chúa thương đứa con gái bé bỏng của bà.
Hai tuần trước khi đi tĩnh tâm…
- Đi lễ không mầy?- Tiếng nhỏ Anh gọi nó.
- Mầy đi đi, tao không có rảnh!
- Lại nữa nha! Thôi, lâu rồi mầy không đi chung với tao đó. Buồn mầy ghê gớm luôn nè!
- Ôi trời! Nay còn bày đặt nói ngọt với tao nữa à! Đi thì đi. Có gì vui đâu mà tụi bay xiền thế không biết nữa…
- Mầy nói nhiều quá đó, có đi nhanh lên không thì bảo?
- Ờ… Từ từ đã. Cái con này, lúc nào cũng vậy…
Lan Anh nhanh nhảu dẫn nó đi đến ngôi nhà thờ nhỏ bé mà bấy lâu nay nó đã không hề bước chân đến để thăm viếng Chúa. Hôm đó là ngày lễ Chúa nhật, nó ngồi cạnh nhỏ Anh, có tí bối rối vì lâu nay nó đã không đi lễ. Nhưng cũng đã khá hơn rồi, yên tâm tí xíu… Nó thở phào, cuối cùng Thánh lễ cũng gần xong, như được trút hết nỗi chờ đợi, nó hớn hở chờ đến lúc đứng dậy ra về. Nhưng ông cố còn dặn dò cộng đồng thêm một ít việc. Nó nghĩ thầm trong bụng: “Sao mà lắm việc thế!”. Ông cố nói về một chuyện mà làm nhỏ Anh hào hứng hẳn, đó là ông cố kêu gọi những người trẻ muốn tìm hiểu ơn gọi đi tu thì xin đăng kí nơi Sơ để ngày 21 đi tĩnh tâm tại Gò Thị. Nó nghĩ thầm: “Cái gì thế này? Ở nhà ngủ không sướng hơn sao mà hành xác thế không biết, ai khùng mới đi ấy!”.
Tan lễ xong…
- Nhi, mầy đi không? Đăng kí đi đi mầy!
- Cái gì? Mầy bảo tao đăng kí cái gì?- Nó ngạc nhiên hỏi lại.
- Thì… thì… chuyện đi tĩnh tâm đó. Đăng kí đi với tao cho vui nha?
- Mầy có nhầm không vậy? Mầy nghĩ tao hứng thú gì với mấy cái đó. Chả có gì thú vị, mầy đi đi, tao không thích.
- Sao thế? Mầy nói vậy là không được đó. Đi là để tìm ơn Chúa gọi, tao đăng kí cho mầy rồi đó. Đi nghen!
Anh chạy vụt đi mà không kịp chào. Nó bực mình:
- Cái con này!
Nó về nhà mà cứ lẩm bẩm: “Không biết con Anh bị gì mà đăng kí cho mình đi nữa, mình có nên đi không ta, đau đầu với con này thật!”.
Cuối cùng, sau ba ngày suy nghĩ và nhờ ơn Chúa nó đã quyết định đi. Nó xin mẹ cho nó đi chơi với nhỏ Anh ba ngày, nó không nói là đi tĩnh tâm, bởi vì sợ mẹ nó “choáng”, bởi trước giờ nó có hứng thú gì với việc đạo hạnh đâu chứ.
Ba ngày bắt đầu đối với nó thật dài. Anh cứ hối thúc rồi luôn bên cạnh tiếp thêm cho nó sức mạnh. Và với những gì mà các cha, các dì giảng truyền lại cho nó, nó bắt đầu thấy tò mò về công việc nhà Chúa. Nó tập tính lắng nghe và hình như có ai đó đang thúc đẩy nó đi tìm hiểu ơn gọi của Chúa.
Bắt đầu bằng sự tò mò rồi đến hứng thú, và cuối cùng nó đã quyết dịnh mình sẽ chọn con đường theo Chúa. Dẫu biết quá khứ nó đã có nhiều sai lầm, làm nhiều việc không phải với Chúa, nhưng ai cũng có lúc lầm lỗi mà phải không Chúa? Chúa sẽ tha thứ và đón nhận nó thôi.
- Ba! Con đi tu nhé?
Minh Nhi đã suy nghĩ rất kĩ và hôm nay nó quyết định sẽ nói cái điều mà nó rất tâm đắc, suy nghĩ bấy lâu. Đó là: đi tu.
- Con nói sao? Con muốn đi tu à?- Ba nó rất ngạc nhiên và chỉ biết nói như vậy.  
Ông bắt đầu suy nghĩ. Nhà chỉ có một đứa con gái duy nhất, với lại trước giờ tính cách của nó rất cứng đầu, không thích tham gia vào chuyện đạo hạnh. Còn tương lai phía trước của nó nữa thì sao?
Tối hôm đó trong bữa cơm, nó nói cho cả nhà nghe về ý định bất ngờ của mình. Nó nghiêm túc:
- Con sẽ đi tu nhé ba mẹ? Con đã suy nghĩ rất kĩ và hôm nay con đưa ra quyết định này, ba mẹ đồng ý nha!
Mẹ nó ngỡ ngàng không nói nên lời, ba nó lên tiếng:
- Gia đình chỉ có đứa con gái mà giờ con đòi đi tu, bà thấy sao?
Mẹ quay lại hỏi nó:
- Con nói thật hay giỡn vậy? Đừng làm gia đình phải đau đầu vì con đấy.
- Con suy nghĩ kĩ lắm rồi mẹ ạ!
- Nhưng còn tương lai của con thì sao?- Ba nó bắt đầu lớn tiếng.
- Ba à, đâu phải cứ sống chạy theo đồng tiền, theo thời đại hôm nay là được đâu ba. Biết đâu khi con bên Chúa, Ngài sẽ ban cho con gấp nhiều lần những gì con từ bỏ hôm nay thì sao?
- Ờ thì… Nhưng con không nghĩ đến hạnh phúc gia đình của con sao?
-Không ba mẹ à, hạnh phúc của con là theo Chúa. Con quyết định rồi xin ba mẹ hãy ủng hộ con.
Ba nó im lặng có vẻ đồng ý, mẹ nó vuốt tóc nó và nói:
- Ừ, vậy thì được. Thiên Chúa đã chọn con thì ba mẹ cũng không thể nào giữ con lại được. Nhưng con phải biết sống sao cho đúng một người mà Chúa đã gọi bước đi theo Ngài. Đừng lo lắng cho nhà mình, thấy con nay đã khôn lớn và nhận biết được ơn Chúa, mẹ rất vui con gái ạ!
Vậy là cuối cùng giấc mơ muộn đã đến với nó…
 
 
DẤU CHÂN
* Maria Nguyễn Th Tho Giang (Gx.Phú Hữu)
 
“Ve chai đi… Ai ve chai không?... Ve chai nào…”.
Đó là tiếng kêu gọi thân thương của những người trẻ trong xóm đạo chúng tôi. Những đứa nhóc mới học lớp 3, lớp 4; những anh chị 18, 19 tuổi… vẫn hằng ngày đi gom góp ve chai vì tình yêu và sự cảm thông.
Ở xóm đạo nhỏ này vẫn còn nhiều người có hoàn cảnh khó khăn, có những người cha, người mẹ đơn thân đang cần sự giúp đỡ của mọi người. Trong khi đó, cha xứ lại vắng nhà, họ không còn sự chia sẻ nào cả. Thương cho hoàn cảnh của họ, chúng tôi đã bàn với hai thầy xứ và đi đến quyết định thành lập hội đoàn: “Ve chai-vì mọi người”.
Hai tuần sau đó, hội bắt đầu đi vào hoạt động. Lúc đầu, hội chỉ vỏn vẹn 12 thành viên. Chúng tôi vừa đi gom ve chai, vừa tuyên truyền để các bạn khác cùng tham gia. Hội cũng gặp không ít khó khăn khi mới thành lập, nhưng nhờ các thành viên luôn cầu nguyện cùng Chúa nên Ngài đã không bỏ chúng tôi giữa khó khăn. Đến nay, hội đã có 42 thành viên chính thức. Mỗi ngày, các anh chị lớn đi đến những nơi hơi xa để thu lượm ve chai ngoài đường, việc làm này vừa có thể gây quỹ giúp người khó khăn, vừa tạo vẻ đẹp thân thiện cho những con đường mà anh chị đã đi qua. Các em nhỏ hơn đến những gia đình trong giáo xứ để xin ve chai, giấy đã qua sử dụng. Mỗi người một việc nhỏ đều góp vào công trình yêu thương đầy ý nghĩa này.
Vào ngày cuối của mỗi tháng, chúng tôi gom góp lại tất cả ve chai kiếm được để bán cho cơ sở phế liệu gần giáo xứ. Tuy đó không phải là số tiền lớn, nhưng nó đã mang đến niềm vui cho những người từng được hội giúp đỡ, và hơn cả, nó là động lực để chúng tôi có thể tiếp tục công việc này. Sau hơn hai tháng, chúng tôi đã gửi tặng những chiếc quạt máy, cái chiếu, hay đơn giản chỉ là từng bữa cơm đạm bạc qua ngày. Món quà trao tay, chúng tôi có thể cảm nhận rõ sự vui mừng, hạnh phúc trên khuôn mặt những cụ ông, cụ bà, những đứa trẻ ngây thơ…
Hai tháng hè trôi qua, chúng tôi lại phải đến trường, hai thầy xứ cũng phải tiếp tục con đường của họ. Hội không thể hoạt động thường xuyên như trước, nhưng chúng tôi quyết tâm giữ vững vị thế trong lòng người dân nơi xóm nhỏ này. Dù biết con đường phía trước sẽ khó khăn hơn, nhưng có Chúa ở bên, chúng tôi vẫn tiếp tục cố gắng. Chúng tôi sẽ mang nhiều hơn nữa những niềm vui cho những con người đang từng ngày lo lắng đến bữa ăn, giấc ngủ. Chúng tôi sẽ giúp họ vững niềm tin nơi Chúa hơn sau những việc làm ý nghĩa này. Tất cả là vì lòng mến Chúa, yêu người.
“Xin Chúa hãy lấy đi những nỗi buồn của họ, ban đến cho họ niềm vui và lòng cậy trông nơi Chúa. Và Ngài hằng ở bên giúp đỡ “hội ve chai”, Ngài nhé!”.
 
 
LỜI XIN LỖI KHÓ KHĂN
* Têrêxa Thái Thị Mỹ Trà (Gx.Cây Rỏi)
 
Thánh lễ kết thúc. Mọi hôm, sau khi đi lễ tôi rất vui nhưng hôm nay thì khác, tôi mệt mỏi và buồn ngủ nữa. Lúc này tôi lại nghe tiếng sơ nói:
- Ca đoàn ở lại tập hát nha con!
Tôi bắt đầu khó chịu khi sơ cho thêm thằng Huy vào ca đoàn. Huy năm nay lên lớp năm, khuôn mặt bầu bầu dễ thương ai nhìn thấy cũng mến. Tôi thì khác, thấy Huy vào là tôi ghét liền. Không hiểu sao cứ có người mới vào ca đoàn là tôi ghét, dù người đó chẳng làm gì tôi. Tiếng sơ lại vang lên:
- Các con lật sách ra, hôm nay chúng ta tập bài mới.
Bài mới, tôi khó chịu thêm, đã muộn rồi mà sơ còn bắt tập bài mới. Tôi nhủ thầm trong bụng. Hát đi, hát lại đã quá năm lần, sự khó chịu hiện rõ trên mặt tôi. Mọi người thì nhao nhao lên:
- Sơ ơi, bài này khó quá đổi bài khác đi sơ, đi mà sơ!
- Tại các con không cố gắng thôi. Các con mở miệng to ra, như vậy có hát sai sơ mới sửa được và tập mau hơn.
Lần này thằng Huy hát to nhất mà sai tùm lum nữa chứ. Tôi không kìm được nữa, nói như hét vào mặt Huy:
- Hát sai mà còn hát cố to nữa chứ!
Cả chục con mắt nhìn về phía tôi, tôi “dị” đến đỏ mặt, còn Huy thì cúi gằm mặt xuống lặng im. Bỗng nhiên tôi thấy mình có lỗi quá mà không dám xin lỗi Huy. Vì sao ư? Tôi cũng không biết nữa...
Một tuần trôi qua, tôi không thấy Huy lên ca đoàn, cũng chẳng đi lễ. Có phải vì tôi không?- Tôi tự hỏi. Và tôi quyết định đến nhà Huy để xin lỗi.
Nhà Huy là một căn nhà nhỏ dễ thương, được sơn màu xanh da trời. Trước sân trồng nhiều loại hoa khác nhau làm cho khoảng sân thêm rực rỡ. Tôi đứng trước nhà gọi:
- Huy ơi, có nhà không?
- A, chị Ngọc! Có chuyện gì không chị? Mời chị vào nhà.- Huy vừa đi từ nhà sau lên vừa nói.
Tôi ngồi vào chiếc ghế Huy chỉ, lắp bắp:
- Chị… chị đến để… để xin lỗi em chuyện hôm bữa.
Huy chau mày suy nghĩ, rồi mỉm cười:
- Không sao đâu chị, em quên rồi.
- Thật không? Vậy sao cả tuần nay em không đi lễ? Chắc là do chị rồi.
- Em ở nhà chăm sóc cho bà, bà em bị đau chân, không phải do chị đâu.
- Vậy bố mẹ em đâu?
- Bố mẹ em đi làm xa Tết mới về… Chết rồi! Mãi nói chuyện với chị em quên lấy nước cho bà. Chị đợi em chút nha!
- Ừ, em đi đi, rồi dẫn chị vào thăm bà em nha.
- Dạ.
Tôi và Huy ngồi nói chuyện rất lâu. Huy kể cho tôi nghe rất nhiều về bản thân Huy, gia đình, bạn bè, trường học. Tôi rất vui vì trút được gánh nặng.
Bên ngoài, “bé nắng” đang chơi đùa trước sân, lung linh một niềm vui…
 
 
MÙA HÈ ĐÁNG NHỚ
* Maria Nguyễn Như Quỳnh (Gx.Châu Ổ)
             
Cứ nghĩ mùa hè này của tôi sẽ trôi qua một cách nhàm chán. Từ đầu năm học cho đến đầu tháng Bảy, tôi chỉ tập trung học để thi lại đại học. Sau khi thi xong, thời gian rảnh với tôi rất nhiều và nó lần lượt trôi qua trong vô vị. Một hôm, vô tình lướt trên mạng thì tôi thấy thông báo đăng kí tham dự Linh thao do các cha dòng Tên tổ chức. Tôi đăng kí, và chính khóa Linh thao này đã làm tôi thấy mùa hè này thật ý nghĩa: Nó giúp tôi kết hợp mật thiết với Chúa hơn và nhận ra nhiều điều.
Đợt Linh thao của tôi kéo dài trong sáu ngày. Thực sự là mới ngày đầu tiên của Linh thao, tôi chán lắm, chỉ mong thời gian trôi nhanh để được đi về. Mọi người trong chúng tôi không ai được nói gì cả mà phải giữ im lặng tuyệt đối, ngay cả ăn cơm chúng tôi cũng không nói gì. Tất cả các phương tiện liên lạc, tiền bạc chúng tôi đều được người đồng hành giữ hộ.
Từ sáng tới tối chúng tôi được cho điểm cầu nguyện và cứ theo đó mà cầu nguyện. Chúng tôi được người đồng hành hướng dẫn phương pháp cầu nguyện của thánh I-nha-xi-ô. Qua các bài học, tôi và các bạn đã  nhận ra rất nhiều điều: Mối tương quan giữa Thiên Chúa và chúng tôi, giữa chúng tôi và những người xung quanh. Đặc biệt, chúng tôi được đi Đàng Thánh Giá để tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa Giêsu. Đó là ngày mà ai trong chúng tôi cũng đều mang trong mình một nỗi buồn. Chúng tôi nhìn nhận những tội lỗi của mình và tình yêu mà Ba Ngôi Thiên Chúa đã dành cho loài người chúng ta…
Sau đợt Linh thao này, tôi nhận ra được điều quan trọng trong cầu nguyện là: Không gian thinh lặng, thời gian thinh lặng và tâm hồn thinh lặng. Qua đó, chúng tôi thấy thinh lặng là điều rất quan trọng trong cầu nguyện. Thế giới mà chúng ta đang sống, để sống được trong thinh lặng dù chỉ nửa ngày thôi cũng rất khó. Con người chúng ta luôn bị những ồn ào của xã hội và các thiết bị điện tử lôi cuốn. Điều đó làm chúng ta ngày càng xa cách Chúa hơn và thờ ơ với những người xung quanh. Đi Linh thao, chúng tôi được sống trong thinh lặng là chủ yếu, nhưng có nhiều bạn không thể sống trong thinh lặng được nên đây là lí do khiến tôi cũng như các bạn chán nản. Nhưng về sau nhờ cầu nguyện cùng Chúa nên chúng tôi cũng đã loại bỏ được những ồn ào của xã hội, cũng như những suy nghĩ về cuộc sống bên ngoài để tập trung suy niệm Lời Chúa.
Sau những ngày thinh lặng sống kết hợp với Chúa, cảm nghiệm về Chúa thì chúng tôi cũng có một ngày picnic kết thúc khóa Linh thao. Trong tình huynh đệ cùng là con cái Chúa, chúng tôi nói cười với nhau như những người quen biết trước, mặc dù chúng tôi chẳng ai quen biết nhau cả, mỗi người đến từ mỗi vùng khác nhau. Chúng tôi được dẫn đi thăm một vài giáo xứ trong giáo phận Kontum và được tham dự thánh lễ với âm nhạc là nhạc cụ truyền thống của họ. Sau thánh lễ, chúng tôi được vui nhảy trong điệu múa cồng chiêng, nhảy sạp, các bài dân vũ do mọi người trong đợt Linh thao này cũng như giáo dân ở giáo xứ Tiên Sơn biểu diễn.
Lạy Chúa, con tạ ơn Chúa vì Ngài đã ban cho con một mùa hè thật tuyệt vời. Mỗi người chúng con sau đợt Linh thao đều mang theo những quyết tâm sống theo Lời Chúa dạy, xin Chúa hãy hướng dẫn chúng con. Xin cho con biết tránh những ồn ào của xã hội để được sống thinh lặng với Chúa. Amen!
 
 
NHẬT KÝ TRÊN TÀU
* Maria Madalena Nguyễn Th Thanh Linh (Gx.Gò Thị)   
 
Thoáng đó mùa hè đã trôi qua… Nó lại mang balô lên vai, miệng nghẹn ngào không nói nên lời, đôi mắt thì đỏ hoe, còn đôi chân thì nặng trĩu như không muốn bước đi. Nó ôm lấy ba mẹ và òa lên khóc như một đứa con nít, giọng nó run rẩy: “Con đi, Tết con lại về...” . Rồi nó quay đi, anh trai chở nó ra ga tàu. Lúc đó nó chẳng dám ngoảnh mặt lại, vì nó sợ... Nó sợ nhìn thấy những giọt nước mắt lăn dài trên đôi gò má đã rám nắng của ba mẹ nó.
“Tạm biệt gia đình, tạm biệt giáo xứ Gò Thị, tạm biệt quê hương của tôi!”.
Trải qua một năm đi học xa quê, nó dường như đã thay đổi rất nhiều. Nó không còn là một đứa con út luôn làm nũng, lười biếng và ít vâng lời. Một năm nơi thành phố tấp nập, ồn ào đã giúp nó trưởng thành đúng với lứa tuổi của nó. Hai mươi tuổi, nó đã một mình trải qua bao nhiêu khó khăn. Nó luôn sợ hãi và sống khép mình, nhưng nhờ Chúa, chính Ngài đã tiếp cho nó thêm sức mạnh. Nó luôn cầu nguyện và chỉ biết cầu nguyện: “Xin Ngài hãy dẫn bước trên đường con đi”.
Nửa tháng hè được về với gia đình, thời gian tuy ngắn nhưng nó đã rất hạnh phúc. Giống như những gì nó từng mơ ước, gia đình lúc nào cũng có tiếng cười rộn rã. Nó chăm chỉ làm việc phụ giúp gia đình, vì nó đã hiểu rất rõ sự khó nhọc của ba mẹ. Nó làm tất cả mọi việc mẹ nó bảo. Anh trai nó, người mà nó rất ít nói chuyện từ bé. Nó sợ anh, chưa bao giờ nó dám tươi cười, đùa giỡn với anh nó. Nhưng lần này lại khác, anh trai nó không còn lạnh lùng nữa mà tươi cười với nó một cách tự nhiên. Hai anh em cứ đùa giỡn với nhau cả ngày. Có lúc nó nghĩ nó đang mơ, nhưng không, đó là sự thật. Nó thầm cảm ơn Chúa, chính Chúa đã lắng nghe và đáp lại lời cầu nguyện của nó. Thật kì diệu!
Tàu đang chạy và nó cứ ngồi nhớ, nước mắt cứ chảy dài. Một người bạn đã an ủi nó rằng: “Tao biết mầy thương gia đình, nhưng nước mắt chẳng là gì cả. Quan trọng là mầy phải học thật giỏi, lúc đó ba mẹ mầy sẽ rất hạnh phúc và mầy cũng sẽ giúp đỡ được gia đình rất nhiều. Tình yêu phải đi kèm với hành động mầy à!”.
“Cố gắng lên! Mạnh mẽ lên! Không được khóc nữa.”- Nó cứ luôn miệng nói thầm như thế.
Nó cầm dây chuỗi và tâm sự cùng Chúa: “Con biết Ngài không bao giờ bỏ rơi con. Chính Ngài đã giúp con đứng dậy trong những lúc con vấp ngã. Xin Ngài hãy luôn gìn giữ gia đình của con, giáo xứ của con. Xin hãy chỉ bảo và dẫn đường con đi. Con tin ở Ngài. Amen”.
 
 
CƠN MƯA HÈ KỈ NIM
* Têrêxa Võ Thành Hoàng Thư (Gx.Bàu Gc)
 
Mưa rơi! Những cơn mưa mùa hạ là điều tuyệt vời nhất của lũ trẻ nông thông chúng tôi. Bọn nhỏ chạy khắp xóm rủ nhau tắm mưa, tôi cũng vội nhập cuộc. Hôm nay mưa to, cái cảm giác mưa nặng hạt rơi liên tục xuống vai làm tôi thích thú.
Những ngày mưa như thế này thì chẳng thiếu lũ trẻ xóm tôi chạy khắp nơi, tung tăng nhảy nhót dưới mưa, tìm các vũng nước mà quậy phá, vui phết! Đã 16 tuổi rồi, nhưng tôi vẫn thường chơi với lũ nhóc này như hồi nhỏ vậy. Dĩ nhiên đôi là đầu đàn, đứa nào không nghe tôi thì cả nhóm nghỉ chơi với nó luôn. Mọi người nói tôi có cá tính như con trai, nhưng tôi biết rõ là không phải vậy, tôi vẫn rất thùy mị với mái tóc ngang lưng trong bộ áo dài đến trường đấy thôi. Chỉ đơn giản là tôi thích chơi với trẻ con. Lũ trẻ thì thích lội nước vào những mùa lũ lụt, thích mò cua bắt ốc, tắm ao tắm sông. Tôi thích lũ nhỏ nên cũng thích nốt mấy trò chơi đó, và cả tắm mưa nữa. Những cơn mưa mùa hạ này, ai cũng thích chứ không riêng gì lũ trẻ chúng tôi. Mưa đến tưới tiêu cho đồng ruộng khô cằn làm nhẹ gánh lo của bác nông dân. Mưa đến tắm rửa cho hàng cây bụi phủ bên đường, tạo màu mới cho làng quê. Mưa đến làm dịu đi cái sân thượng nhà bê-tông rán cháy của tia nắng hè. Mùi hơi đất bốc lên sao mà dễ chịu. Mưa đem đến khí trời mát mẻ cho những cụ già ngồi trước hiên nhà ngắm nhìn lũ trẻ chúng tôi vui đùa dưới mưa... Tinh thần lũ trẻ phải đạt 200% so với ngày thường, chúng bày ra đủ trò chơi, nào là kéo co, chơi bịt mắt bắt dê, trốn tìm, u mọi... Áo quần đứa nào đứa nấy cũng dính đầy bùn đất, thằng Mẹo té xuống bùn mặt bê bết bùn vẫn teo toét cười... Tôi chợt nhìn thấy cái móc khóa rất đẹp ở giữa đường, chắc ai làm rơi lời đây. Tôi chạy nhanh đến chộp lấy cái móc khóa để đảm bảo chẳng có đứa nhỏ nào phát hiện ra.
“Bíp! Bíp!”… “Á!”… Mình đang ở đâu đây?... Bệnh viện? Lúc nãy... Tôi hơi choáng…
- Con tỉnh rồi à? - Mẹ tôi hỏi.- Hôm qua con lao vào xe người ta. Cậu ấy né con tông vào tường nên bị gãy chân rồi kìa. Đi đứng không nhìn gì cả! Cũng may con không sao hết. Gia đình họ tốt thật, chẳng truy cứu chuyện này và cũng không đòi tiền viện phí... - Mẹ nói tiếp một thôi…
- Con ngủ đây!- Tôi mệt mỏi đáp.
Đầu tôi lâng lâng và chẳng rõ sự việc là thế nào, chỉ biết tôi tông một người bị gãy chân... Tôi xoay người và giả vờ ngủ. Tiếng kéo cửa làm tôi lạnh tóc gáy, một đứa con trai trạc tuổi tôi được kéo vào, chân trái bị bó bột. Hắn là người hôm qua tránh tôi, phải rồi .Tôi vẫn giả vờ ngủ. Khi trong phòng chỉ còn hai chúng tôi, tôi ngoảnh đầu lên nhìn mặt hắn, có vài vết trầy xước trên mặt. Hắn chợt mở mắt nhìn thẳng vào tôi, tôi vội thụt đầu xuống. “Bị phát hiện rồi, cần gì phải giả vờ chứ!”- Tôi nghĩ thầm.
- Xin lỗi nhé!- Tôi cố nói từng từ trôi chảy để thấy rằng tôi vẫn ổn.
Nó nhìn tôi nhưng không nói gì cả.
- Tôi xin lỗi...!- Tôi nói tiếp.
- Ừ!- Nó đáp.
- Chân ông... chừng nào mới hồi phục vậy?
- Khoảng 3 tháng…
Tôi cúi mặt vì xấu hổ. Căn phòng rất im ắng, cái im lặng này khiến tôi khó chịu, tôi tìm xem nên nói gì tiếp theo.
- Thế ông không đi học hả?- Tôi hỏi.
- Thế cứ gãy chân là không được đi học à!- Nó cười.
Tôi biết rõ là vẫn đi được, nhưng chẳng hiểu sao lại hỏi cái câu vô lí đó. Tôi nhìn xung quanh để lơ đi chuyện đó. Tôi cười mỉm khi chợt nhìn thấy cái vòng cổ của nó. “Há! Con trai mà đeo vòng cổ! Mà đeo cái vòng gì mà hạt không, có đẹp gì đâu mà đeo chứ!- Tôi nghĩ thầm. Nó biết tôi đang nhìn cái vòng cổ nên giải thích.
- Cái này là tràng hạt Mân Côi chứ không phải vòng cổ đâu.
- Hả?!
- Tôi là người Công giáo. Tôi đeo tràng hạt Mân Côi này là để Mẹ luôn che chở tôi. - Nó tiếp.
- À! Đạo Thiên Chúa á! Tôi cũng biết chút ít về đạo đó, đạo Thiên Chúa ăn thịt chó nhiều lắm phải không?- Tôi nói.
- Thế mà bảo biết à! Để tôi kể cho mà nghe… Mà bà tên gì vậy? Tôi tên Minh.
- Tui tên Trang.
Minh kể cho tôi nghe rất nhiều về đạo Công giáo, và tôi rất hứng thú.  Cậu ấy bảo đạo Công giáo là đạo yêu thương, luôn biết quan tâm, giúp đỡ người khác. Cậu ấy còn bảo tôi phải luôn biết tha thứ , thông cảm cho những người có lỗi với mình, như thế thỉ khi mình mắc lỗi sẽ được tha thứ. Cậu ấy giới thiệu tôi với Chúa, dạy tôi cùng cầu nguyện với Ngài. Thi thoảng ba mẹ tôi vẫn thường nghe cậu ấy kể về đạo.
Sau khi ra viện, tôi và cậu ấy trở thành bạn thân. Hằng ngày tôi vẫn thường xin ba mẹ đi lễ nhà thờ cùng cậu ấy, và 4 tháng sau tôi đã chính thức làm con cái Thiên Chúa. Ba mẹ tôi rất thích Minh, cậu ấy thường qua nhà tôi chơi và đã thuyết phục ba mẹ tôi trở lại đạo. Tôi luôn lấy Minh làm mục tiêu phấn đấu, tôi muốn được như Minh, biết đem Thiên Chúa vào đời sống và dẫn đưa nhiều người về với Chúa.
Nhìn lại thời gian qua, tôi thầm cảm ơn Chúa vì đã cho tôi được nhận biết Ngài, đã để tôi được gặp Minh để trở về với Ngài. Cơn mưa mùa hè ấy, tôi sẽ không bao giờ quên.
 
 
SAI ĐI
* Lucia Nguyễn Thị Hồng Nhi (Gx.Tân Dinh)
 
Mười Tám tuổi, tuổi kết thúc của một thời học sinh!
Ai trong chúng ta cũng từng ít nhất được một lần cắp sách đến trường, được vui chơi với bạn bè. Không ai- dù là bác sĩ, kĩ sư, giáo viên, công nhân hay một người làm bất cứ ngành nghề gì- có thể nói mình không biết trò bắn bi, nhảy dây, trốn tìm là gì. Thời học sinh để lại trong chúng ta nhiều dấu ấn đặc biệt. Những lần bị thầy cô gọi lên dò bài ấp a ấp úng, mắt nhìn xuống dưới để lần tìm "phao cứu sinh" từ các bạn. Những lần làm bài kiểm tra, do không chịu học bài đã rèn cho chúng ta "nghề tay trái" lật tài liệu. Những hôm cúp tiết đi ăn hàng, chơi net. Và cũng không ít lần đạt điểm tốt được tuyên dương trước lớp, làm vui lòng ba mẹ. Lên cấp ba, không còn những trò chơi bắn bi, đồ hàng nữa, thay vào đó là đá banh, đua xe, bóng chuyền... Nhớ nhất là những hôm đi chơi với lớp, nấu nướng, sinh hoạt nhộn nhịp. Nhưng chẳng sao quên được những buối tối trốn học đi dạo "đường mới". Khi nhắc đến hai từ đó, không chỉ liên tưởng tới một con đường khang trang, sạch đẹp, rộng thênh thang vì mới làm, mà học sinh chúng tôi còn nhớ đến những bụi cây ven đường là nơi "cư trú" của các cặp tình nhân vào buổi tối. Chúng tôi hay đi đường này để "rình", đi được một đoạn rồi lại chạy thật nhanh vì... bị ném đá từ bụi cây!
Thế là kết thúc 12 năm áo trắng đến trường.
18 tuổi- tuổi bắt đầu của chặng đường ra đi!
Tôi vừa tham dự nghi thức "Sai đi" của giáo xứ và Câu lạc bộ văn thơ Linh mục Đặng Đức Tuấn. Nhiệm vụ của tôi là đi đến với mọi người để họ được biết Chúa qua cách sống của bản thân tôi. Và Chúa đã sai tôi đi...
Hôm qua, ngày 30 tháng 8, tôi đi thăm chị tôi ở Bình Thuận rồi chuẩn bị vào Sài Gòn học tiếp 4 năm đại học. Chồng chị làm cho công ty của người anh. Công ty này kí hợp đồng với một trại giam ở Bình Thuận, gọi là trại giam Thủ Đức. Khi tôi bước chân vào nơi ấy, ngỡ ngàng thay khi thấy những con người mặc trên mình bộ áo phạm nhân đang làm việc. Trong này có hai xưởng, một xưởng sắt và một xưởng may. Xưởng sắt dành cho nam và xưởng may dành cho nữ. Tôi đi dạo một vòng, bên này là một anh phạm nhân đang cho heo ăn, bên kia là một chị đang cắt rau. Có hai cái chòi cho hai chú công an ở để quan sát tình hình xung quanh. Đi xuống nhà bếp tôi lại ngạc nhiên thấy đầu bếp là một nữ phạm nhân tuổi gần 50, miệng luôn cười nói nhưng tay không ngơi làm. Nhưng điều đặc biệt nhất mà tôi không thôi thắc mắc đó chính là bác gác cổng, cũng là... phạm nhân. Phạm nhân canh giữ phạm nhân?!
Những người này từ nhiều nơi đến, mang trên mình nhiều sự khác biệt và cũng phạm nhiều tội khác nhau. Có người đã vào đây lâu rồi và xem đây như là nhà của mình. Dù có cánh cổng hay không thì không ai có ý định trốn đi, bởi lẽ họ đã biết được tội mình đáng bị phạt và họ đã ăn năn. Bây giờ họ chỉ mong sớm cải tạo tốt để quay về với gia đình, làm lại cuộc đời. Tôi nói chuyện nhiều nhất với cô đầu bếp vì cô rất hoạt bát và vì cô cũng theo đạo Thiên Chúa. Cô kể về đới sống trước kia của mình, ngày đứng trước vành móng ngựa, cô không cầu xin quan tòa giảm tội nhưng cô chỉ cầu xin “Giêsu, Maria, Giuse xin tha tội cho con". Sáng nào khi thức dậy cô cũng đọc kinh Lòng thương xót Chúa. Rất nhiều những trường hợp cần được chia sẻ nữa. Hôm nay người nhà vào thăm rất đông, đem theo rất nhiều quà. Nhìn những khuôn mặt lấm lem mồ hôi nhưng không ngớt tiếng cười, tôi thấy chạnh lòng!
Đời người không ai là hoàn hảo, có thể cũng có một lần phạm tội, nhưng quan trọng là biết sửa đổi. Chúa đã cho tôi vào đây, gặp những hoàn cảnh này để nhắc nhở tôi phải sống tốt, là một người con của Ngài và ra đi làm theo ý Ngài chỉ định. Tôi không giúp gì được cho họ nhưng tôi đã làm họ vui trong những ngày tôi ở đây. Còn bạn thi sao? Vậy chúng ta hãy đi và cho mọi người thấy cách sống của một người tín hữu chân chính!
Tác giả bài viết: Hoa Biển 18
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Từ khóa:

Hoa Biển 18

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 27
  • Khách viếng thăm: 25
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 4415
  • Tháng hiện tại: 138876
  • Tổng lượt truy cập: 12283136