Trang mới   https://gpquinhon.org

Giới thiệu Tổng Quát Nhạc Bình Ca (1)

Đăng lúc: Thứ tư - 16/10/2013 21:05
GIỚI THIỆU
 
TỔNG QUÁT NHẠC BÌNH CA

 
Lm. Giuse Võ Tá Hoàng
 

PHẦN I

DẪN NHẬP


I. TẦM QUAN TRỌNG CỦA NHẠC BÌNH CA

Không có loại âm nhạc nào được phát triển với mối liên hệ chặt chẽ và tôn trọng bản văn đi kèm cho bằng nhạc bình ca : Vì tính ưu tiên tuyệt đối với Lời Chúa, với các bản văn Kinh thánh mà nó phải chuyển tải cách trực tiếp, rõ ràng và thích hợp.

Thánh Bênêđictô đã nói : “Khi hát các thánh vịnh, chúng ta cố gắng đặt nó hòa với tâm hồn và tiếng hát của chúng ta”. Vì thế bài hát là để phục vụ cho sứ điệp của đức tin, trợ giúp cho các bản văn Kinh thánh, thần học và tu đức trong từng thời điểm cụ thể của phụng vụ, và do đó nó trở nên một phương tiện hữu ích giúp chúng ta hiểu đúng ý nghĩa của phụng vụ. Giai điệu và nhịp điệu nhạc bình ca thường có cấu trúc đơn giản, tạo thuận lợi cho cho việc tiếp cận và hiểu được Lời Chúa dễ dàng.

ĐTC Piô X trong tự sắc “Tra le Sollecitudini” (1903) đã nói : “những phẩm chất phải có của thánh nhạc được tìm thấy ở mức độ cao nhất nơi nhạc bình ca, và vì thế, bình ca chính là bài hát riêng của Giáo hội Công giáo Roma. […] Nhạc bình ca luôn được xem là mẫu mực hàng đầu của thánh nhạc”.

Thông điệp “Musicæ sacræ disciplina” của Đức Piô XII (1955): “nếu trong tất cả các nhà thờ công giáo trên thế giới vang lại sự thanh khiết và toàn vẹn bài hát bình ca, giống như phụng vụ Roma, nốt nhạc có tính phổ quát, để sao cho các tín hữu ở khắp nơi trên thế giới cảm thấy như là tòa nhà hòa hợp của gia đình mình, như vậy làm cho họ cảm nghiệm trong tinh thần sự khích lệ hiệp nhất tuyệt vời của Giáo hội. Đây là một trong những hoạt động chính yếu mà qua đó Giáo hội bày tỏ ước muốn sống động là nhạc bình ca được liên kết cách mật thiết với tiếng la-tinh của phụng vụ thánh”.

Tông huấn “veterum sapientia” của Chân phước Gioan XXIII (1962) viết: Nhạc bình ca nhất thiết phải là tiếng la-tinh, bởi vì nó xuất phát từ tính âm nhạc và từ sự cao quý của lời. “Thật cần thiết để Giáo hội sử dụng một ngôn ngữ không phải chỉ mang tính hoàn vũ mà nó còn là thứ ngôn ngữ bất biến…” “và thích hợp hết sức để Giáo hội Công giáo sử dụng một ngôn ngữ không phải bình dân, nhưng là thứ ngôn ngữ đầy uy nghi và cao quý.

Hiến chế phụng vụ thánh “Sacrosanctum Concilium”, chương VI, của công đồng Vatican II : “Giáo Hội nhìn nhận bình ca là lối hát riêng của phụng vụ Roma; vì thế, trong các hoạt động phụng vụ, bình ca phải chiếm một địa vị chính yếu giữa những loại ca khác”. 

II. NHẠC BÌNH CA TỪ HỘI ĐƯỜNG ĐẾN NĂM 1000
 
1. Nguồn gốc âm nhạc của Giáo hội trong 3 thế kỷ đầu tiên.
 
“Anh em hãy đem cả tâm hồn mà hát dâng Thiên Chúa những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca do Thần khí linh hứng” (Col. 3,16). Câu này và những dẫn chứng khác của thánh Phaolô cho thấy rằng cộng đoàn tín hữu sơ khai đã cầu nguyện qua việc hát thánh thi và thánh vịnh. Rất có thể nền tảng của những bài hát này là một dạng thánh vịnh, vì ngôn ngữ và giai điệu biến đổi, từ nơi này đến nơi kia, với nhiều hình thức được thừa hưởng từ những bài hát của hội đường. Người ta đưa ra giả thuyết về các hình thức thánh vịnh Do thái, Hy lạp và La-tinh liên tiếp nhau, và sau cùng tính vượt trội của Roma thắng thế.
 
 
2. Bình ca từ thế kỷ thứ IV đến Gregorio Magno
 
Chúng ta biết rằng trước khi có nốt nhạc, những bài hát luôn được hát thuộc lòng. Ông thầy giúp các ca viên học thuộc bằng thị giác, bằng cách phát họa tiết tấu các nốt nhạc trong không khí bằng tay; hoặc thu thập qua quá trình học hỏi về các hình thể âm nhạc từ các nhà soạn nhạc rồi tập hợp lại theo những quy luật chính xác để thích ứng với những bản văn khác nhau, đây là cách đơn giản nhất để học.
 
Từ thế kỷ thứ IV và những thế kỷ sau đó ở Tây phương, phụng vụ phát triển rất đa dạng, đi kèm theo đó là những bài hát riêng cho mỗi vùng. Và như thế đã hình thành nên các danh mục (repertorio) âm nhạc bằng tiếng la-tinh, được những nhà nghiên cứu phân loại như sau :
 
  • Danh mục các bài hát beneventano (phụng vụ miền nam nước Ý, được bảo tồn trong những cuốn sách từ thế kỷ XI và XII)
  • Danh mục các bài hát Ispanico (phụng vụ Tây Ban Nha, được bảo tồn trong những cuốn sách từ thế kỷ X và XI)
  • Danh mục các bài hát Roma (phụng vụ Roma cổ vẫn sử dụng ở Roma trong những thế kỷ XI, XII, XIII)
  • Danh mục những bài hát Milanese (là những bài hát còn sót lại cho đến ngày nay, còn gọi là phụng vụ Ambrosio, bắt đầu từ thế kỷ XII được bảo tồn trong những cuốn sách ở miền Bắc nước Ý)
  • Danh mục các bài hát Gallicano (phụng vụ của người Gallo, thế kỷ VIII và IX)
  • Danh mục các bài hát Roma-France

3. Bình ca từ Gregorio Magno đến cuối thiên niên kỷ đầu tiên
 
Từ cuộc gặp gỡ giữa các bài hát phụng vụ Roma cổ và danh mục địa phương (Gallica cổ) có lẽ đã làm phát sinh ra bài hát bình ca như hiện thời, và qua việc thích nghi danh mục do các nhạc sĩ người Pháp đem lại, nhờ đó các ký hiệu bình ca đã được hình thành. Quan điểm này xem ra thực tế nhất.

Khi nói đặc ngữ “bình ca” [Gregoriano], người ta nghĩ đến ĐGH Gregorio Cả (GH từ 590 - 604), ngài cũng là tác giả của cuốn Đối ca và là người sáng lập nên Schola Cantorum.
 
Vào thời trung cổ hình ảnh về ĐGH Gregorio Cả trở nên rất uy tín. Tương truyền rằng Chúa Thánh Thần dưới hình chim bồ câu đã gợi ra cho ngài các bài hát, như ta gặp thấy trong ký hiệu San Gallo, 390-391. Các bài hát phụng vụ chính thức của Giáo hội Công giáo đã đón nhận tên của Ngài như là tác giả. Tuy nhiên, trong thực tế có lẽ ngài không có vai trò trong sự ra đời của các danh mục bình ca, được hình thành trong triều đại của Carolingio.
 
Sự thống nhất nhiều phần đất của Châu âu dưới triều Carolingio đem lại thuận lợi cho việc phổ biến không chỉ về thể chế chính trị và xã hội nhưng còn mang tính thống nhất phụng vụ Giáo hội, mà Carlo Magno đã muốn thực hiện. Theo cách này nhạc phụng vụ cũng đã tìm thấy những điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng các trung tâm tôn giáo khác của hoàng đế.
 
Danh mục bình ca, bắt đầu được hình thành thừ thế kỷ VIII, và được trình bày qua các đặc điểm sau:
  • Đơn âm
  • Không có nhạc cụ đệm theo.
  • Nét đặc trưng của các bài hát là : (thánh vịnh, đối ca, đáp ca) dành riêng cho từng giờ phụng vụ như : thánh lễ, giờ kinh.
  • Sử dụng tonus rectus hay cantus fermus, vì sự tôn trọng bản văn, tránh những hình thức làm lu mờ Lời Chúa.
 
III. NHẠC BÌNH CA TỪ 1000 ĐẾN PHỤC HƯNG CỦA THẾ KỶ XX
 
Từ thế kỷ thế XI và XIII đã đạt tới đỉnh cao về sự trình bày giai điệu bình ca, nó được ưa chuộng do những thúc đẩy tâm linh và nghệ thuật mới. Các ký hiệu được trang điểm cách tao nhã, những hình ảnh trên trang giấy được trang trí và chạm trổ tinh vi. Về sau các danh mục được bổ sung bằng các hình thức phân số, hệ thống này không chỉ có nơi Kinh thánh mà còn trong lãnh vực thơ ca nữa.
 
Suốt thời kỳ phục hưng nhạc đa âm trở nên thịnh hành, và việc sử dụng các nhạc cụ làm phát sinh thay đổi về sở thích kéo theo sự thay đổi văn hóa nhạc bình ca.
 
Vào thế kỷ thứ XVIII, hướng tới việc sưu tập bộ bách khoa tri thức, cũng như tạo điều kiện cho các nhà âm nhạc học dòng Bênêđictô, người ta xuất bản những khảo luận căn bản về lý thuyết âm nhạc đan viện thời trung cổ.
 
Từ đây bắt đầu có những nghiên cứu về bình ca trên thế giới trong những thế kỷ XIX-XX. Có thể nói cuộc phục hưng nhạc bình ca, bên cạnh việc tái khám phá ra những bản viết tay, tạo thuận lợi thêm cho việc xuất bản cuốn Liber usualis Missae et officii[1] (1896 và những ấn bản tiếp theo), bằng nốt nhạc vuông, kèm theo những dấu hiệu về nhịp điệu , theo phương pháp của Solesmes. Năm 1913 Tòa thánh đã ủy thác cho Solesmes nhiệm vụ tiếp tục các công việc này. Sự uy tín và mức độ tin cậy của đan viện này càng được tín nhiệm hơn khi hai tu sĩ của Solesmes là Dom Renè-Jean Hesbert và Eugene Cardine, vào năm 1935, đã cho xuất bản cuốn Missarum Sextuplex[2], đây là công trình quan trọng làm nền tảng cho những nghiên cứu sau này.
 
Thế nhưng, những công việc được Tòa thánh ủy thác bị chiến tranh thế giới thứ hai làm gián đoạn, và người ta bắt đầu lại sau 1950, có thể nói đây là thời kỳ phục hưng lần thứ hai. Ngoài cuốn Graduale triplex ra, ta còn thấy cuốn Kyrie simplex (1965), và trong khoảng thời gian từ 1967-1975 một ấn bản khác ra đời là Graduale simplex, dưới sự chỉ dẫn rõ ràng của Công đồng Vatican II.

IV. NHẠC BÌNH CA TRÊN THẾ GIỚI HÔM NAY
 
Việc tái khám phá nhạc bình ca, trong những thập niên gần đây, đã có một sự phát triển đáng kể nhờ vào các nghiên cứu khoa học, được phổ biến bằng giáo dục, truyền thông, sách vở, báo chí. Có rất nhiều buổi hội thảo và các khóa học về bình ca cùng với vô số các tác phẩm được thu thanh, xem như là những hỗ trợ tích cực cho những ai muốn tìm hiểu thể loại này.
 
Chúng ta đang chứng kiến một hiện tượng đầy nghịch lý : Nếu như những thế kỷ trước, bình ca chỉ dành riêng cho các đan sĩ Bênêđictô học hỏi, nghiên cứu và xuất bản thì giờ đây những điều đó xem ra là chuyện của quá khứ. Thế giới hôm nay với đầy đủ phương tiện và kỹ thuật, tất cả mọi người có thể đặt niềm say mê của mình trên những dòng nhạc xưa cổ, đã và đang là nền tảng cho mọi cảm hứng âm nhạc.
 
Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã cổ vũ mạnh mẽ cho việc tái khám phá nét đẹp của nhạc bình ca. Ngài khẳng định rằng bình ca và nhạc đa âm, không phải là cái gì đó thuộc về quá khứ, nhưng nó “đem lại sức sống cho phụng vụ và đức tin của chúng ta”.
 
Tự sắc “Summorum Pontificum” (2007) làm nên một biến cố có tầm quan trọng lịch sử : Phục hồi việc cử hành thánh lễ bằng sách lễ cũ, dùng tiếng la-tinh cũng như hát bình ca trong các nghi thức trang trọng này.

 
(Còn nữa...)
---------

[1] Liber Usualis Missae et officii bao gồm các bài hát bình ca bằng tiếng la-tinh dành cho thánh lễ trong năm (Lễ Chúa nhật, Lễ trọng, Lễ thường và Lễ kính); cũng như cho các thánh Lễ cầu hồn, Lễ cưới, Tuần thánh, Phong chức. Ngoài ra sách này còn cung cấp rất nhiều những bài hát bình ca bằng tiếng la-tinh dùng trong các Giờ Kinh Phụng Vụ (Kinh chiều, Kinh tối…), trong đó ta cũng tìm thấy những bài thánh ca truyền thống khác (Kinh cầu, Lời nguyện chúc lành…)
[2] Missarum Sextuplex : Là bộ sưu tập sáu bản viết tay cổ chứa những bài hát về Thánh lễ, được Dom Renè-Jean Hesbert phát hành năm 1935. Thứ tự như sau : M (Modoetiensis), Cantatorium của Monza, giữa thế kỷ IX; R (Rhenaugensis), Graduale của Rheinau, khoảng năm 800; B (Blandiniensis), Graduale của Mont-Blandin, khoảng thế kỷ VIII - IX; C (Compendiensis), Graduale của Compiègne, gần cuối thế kỷ IX; K (Corbiensis), Graduale của Corbie, sau năm 853; S (Silvanectensis), Graduale của Senlis, cuối thế kỷ thứ IX.

Tác giả bài viết: Lm. Giuse Võ Tá Hoàng
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin cũ hơn

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 21
  • Khách viếng thăm: 14
  • Máy chủ tìm kiếm: 7
  • Hôm nay: 3600
  • Tháng hiện tại: 131530
  • Tổng lượt truy cập: 12275790