Trang mới   https://gpquinhon.org

Giới thiệu Tổng Quát Nhạc Bình Ca (2)

Đăng lúc: Thứ hai - 21/10/2013 09:14
GIỚI THIỆU TỔNG QUÁT NHẠC BÌNH CA

PHẦN II
 
I. KÝ HIỆU NỐT NHẠC VÀ CÁC DÒNG KẺ
 
Trước thế kỷ thứ IX không có các ký hiệu chỉ dẫn cho âm nhạc. Tất nhiên ca sĩ cần phải nhớ thuộc lòng các giai điệu để hát trong các buổi cử hành phụng vụ. Từ cuối thế kỷ thứ IX đến đầu thế kỷ thứ X xuất hiện những mã ký hiệu đầu tiên, được đặt trên lời ca, giúp cho ca sĩ biết được con số các nốt nhạc được hát trên mỗi âm tiết.
 
Vì các ký hiệu âm nhạc được thực hiện không có dòng nhạc làm quy chuẩn, cho nên không thể biết được chắc chắn các quãng giữa các nốt nhạc. Như vậy các ký hiệu này được gọi là adiastematico : Khi thể hiện một bài hát người ta vẫn phải phó thác cho ca sĩ cao độ và trường độ của một vài nốt nhạc.
 
 
Để giữ sự chính xác hơn cho giai điệu chuyển hành và các phương thức thực hiện bài nhạc, vào cuối thế kỷ X, người ta đã thêm vào một dòng kẻ nhạc, đây sẽ là điểm quy chiếu cho tất cả các ký hiệu âm nhạc ở từng cao độ khác nhau. Với việc làm này ta thấy được một kết quả tương đối về quãng : các ký hiệu này được gọi là diastematico.
 

 
Về sau người ta đã thêm vào các dòng kẻ khác cho đến khi có dòng kẻ nhạc của Guido d’Arezzo (997-1050), và nhờ đó các ký hiệu được đặt chính xác trên các dòng kẻ, cụ thể nốt Fa đặt ở dòng màu đỏ và dòng màu vàng là nốt Đô. Để diễn tả đúng các đặc tính và nhịp điệu của bài hát, đôi khi người ta thêm vào các ký tự a=altius, c=celeriter, e=aequaliter.
 
 
Dù vậy vẫn không giải quyết được vấn đề về trường độ chính xác của các nốt nhạc và phải đợi đến thế kỷ XVII, khi phát minh ra nốt nhạc hiện đại. Các ký hiệu âm nhạc trải qua các biến đổi hình dạng cho đến cuối thế kỷ XVIII, và được phổ biến bằng cách dùng chính những ký hiệu của một vài trung tâm sản xuất, chủ yếu là ở các trung tâm các đan viện lớn, chẳng hạn như S. Gallo hoặc Nonantola. Như thế, có thể nói ký hiệu Sangallese và ký hiệu cổ nhất và sau là của Nonantolana.
 
Tu viện Nonantola, do thánh Anselmo sáng lập năm 753, đã trở thành tiểu trung tâm văn hóa thuộc dòng Bênêđictô, nó được phân biệt với trung tâm nghiên cứu nhạc bình ca khác. Ở đây vẫn còn lưu trữ mã ký hiệu thuộc thế kỷ XI bao gồm các Graduale và những đoạn dành cho các lĩnh xướng được dùng trong các thánh lễ trọng thể.
 
Các tu sĩ của Solesmes khi khảo cứu mã ký hiệu Nonantolano và nhận ra rằng âm nhạc Nonantolano là một biến tấu khéo léo, hầu hết cải tiến lại những gì là của Solesmes : gỡ bỏ đi những cái thô ráp và giai điệu được chau chuốt, ngọt ngào hơn. 


 
Một bản viết tay bằng những neuma cổ (Rorate Caeli desuper)
 
 
 Bản dịch sang nốt nhạc vuông (Rorate Caeli desuper)


II. KHÓA VÀ NỐT NHẠC BÌNH CA
 
Khác với hệ thống của âm nhạc hiện đại, nhạc bình ca được viết trên 4 dòng kẻ nhạc và đôi khi có thêm một dòng kẻ phụ ở trên hoặc dưới dòng kẻ chính. Vì tính chất đơn giản, dựa trên hệ thống của điệu thức (modo) nên nhạc bình ca không có nhiều dấu hóa ngoài Sib và Si thường. Để xác định cung giọng cho một bài hát người ta dùng khóa Fa và Đô đặt trên các dòng kẻ, tuy vậy nó cũng được dịch chuyển lên xuống tùy theo từng cung điệu riêng. Cụ thể khóa Đô được đặt trên các dòng 4,3,2 và khóa Fa đặt trên các dòng 3,2 từ dưới lên.

 
 
 
 
Tên và hình dạng của các neuma cổ tương ứng với các nốt nhạc vuông và hiện đại


III. DANH MỤC BÌNH CA
 
Nhạc bình ca được dùng để hát trong phụng vụ, hay đúng hơn, nó chính là một phần của phụng vụ. Xưa cũng như nay, phụng vụ của các Giáo hội Kitô giáo Tây phương đã phân chia xung quanh hai điểm căn bản : Thánh lễ, tưởng nhớ bữa tiệc ly của Chúa, và Giờ Kinh Thần Vụ.
 
1. Bình ca trong thánh lễ
 
Các bài hát trong thánh lễ được phân loại như sau :

 
a) Những bài hát thông thường (ordinarium missæ).
 
-          Kinh thương xót
-          Thánh Thánh Thánh
-          Kinh Vinh Danh
-          Lạy Chiên Thiên Chúa
-          Kinh Tin Kính
 
b). Những bài hát dành riêng (proprium missæ) :
 
-          Ca nhập lễ
-          Ca dâng lễ
-          Đáp ca
-          Ca hiệp lễ.
 
Các giai điệu của bình ca luôn gắn kết chặt chẽ với bản văn, theo nghĩa nó được xây dựng bằng việc tôn trọng các dấu nhấn giọng và cú pháp. Đại khái người ta sẽ nhấn giọng trên những âm tiết có âm vực cao và sẽ ngâm thêm nhiều nốt trên những từ quan trọng của bản văn. Có nhiều loại giai điệu được áp dụng cho các danh mục này.

 
- Giai điệu gốc : được dùng cho một bài hát duy nhất, chẳng hạn như trong những bài hát thánh lễ thường niên, đối ca của ca nhập lễ, hiệp lễ, trong các bài ca dâng lễ và đối ca của giờ kinh.

- Giai điệu chu kỳ : một câu nhạc duy nhất được lặp đi lặp lại nhiều lần. Giai điệu này có trong các bài thánh thi của giờ kinh sách và thánh thi của rước kiệu.

- Giai điệu mẫu : những đoạn nhạc thực hiện từ một giai điệu mẫu phù hợp với nhiều bản văn khác nhau, loại này có trong một vài đối ca của Giờ kinh sách, Alleluia và Graduale cung thứ hai.

- Giai điệu tổng hợp : được hình thành từ nhiều dạng giai điệu, được phối hợp theo nhiều cách khác nhau, nhiều đoạn nhạc khác nhau trong cùng một loại hay cùng cung điệu. Loại giai điệu này chúng ta gặp thấy trong một vài đối ca của giờ kinh phụng vụ, đáp ca giờ kinh sáng, đáp ca Graduale và các tratto
 


Kyrie của bộ lễ de Angelis có từ thế kỷ thứ XV
.
2. Bình ca trong Giờ Kinh Phụng vụ

 
Phụng Vụ Các Giờ Kinh được thực hiện trong những giờ đã được quy định, mang tính cá nhân hoặc cộng đoàn. Cấu trúc của các bài hát bao gồm : các thánh thi, đối ca, thánh vịnh, đáp ca, các cung hát-ngâm dành cho các bài đọc và lời cầu.
 
Các bài thánh thi được soạn trên các bản văn theo thể thơ ca thông thường. Giai điệu chu kỳ được áp dụng cho các thánh thi; tức là một giai điệu giống nhau được lặp lại nhiều lần, tương ứng với con số của mỗi đoạn thánh thi.
 
Đối ca là những đoạn ngắn, nhiều âm tiết, được hát trước và sau thánh vịnh. Nó tùy thuộc vào cung điệu mà mỗi thánh vịnh được hát. Nốt kết thúc của mỗi câu thánh vịnh luôn nằm trong hệ thống điệu thức, cho phép người hát dễ dàng trở về với cung giọng khởi đầu của đối ca.
 
Các thánh vịnh không có công thức lấy giọng lại, hay khởi điệu lại ở câu thứ hai, nhưng bắt đầu với cung ngâm chính, hay cung kể. Các cung thánh vịnh tương ứng với 8 cung trong hệ thống điệu thức. Đôi khi người ta thêm vào cung peregrino khi có hai cung kể khác nhau của hai nửa câu trong một câu thánh vịnh đầy đủ.
 
Đáp ca là những bài hát có cấu trúc phân đôi, bắt đầu với một câu xướng do ca đoàn hát và tiếp tục với một câu thánh vịnh, thông thường được người lĩnh xướng hay từ một nhóm nhỏ các ca viên bắt giọng. Sau một câu, ca đoàn lặp lại một phần của đáp ca hay tất cả với chính câu thánh vịnh.


(xem phần tiếp theo các cung điệu bình ca)
Tác giả bài viết: Lm. Giuse Võ Tá Hoàng
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 17
  • Khách viếng thăm: 7
  • Máy chủ tìm kiếm: 10
  • Hôm nay: 2275
  • Tháng hiện tại: 132397
  • Tổng lượt truy cập: 12276657