Trang mới   https://gpquinhon.org

Hy sinh

Đăng lúc: Chủ nhật - 13/09/2015 18:09
HY SINH
 
Hai khía cạnh không thể thiếu trong cuộc đời các tu sĩ, những người chẳng những được gọi để bước theo Chúa mà còn là dấu chứng sự hiện diện của Chúa ở trần gian: đó là cầu nguyện và hy sinh. Gần đến lễ Suy Tôn Thánh Giá Chúa chúng ta dành những trang sau đây để suy niệm về sự hy sinh. Chúa Giêsu đã báo trước: “Ai muốn theo ta thì hãy vác thập giá mình mọi ngày mà theo Ta”. Ai cũng thuộc lòng câu nói bất hủ của thánh Phaolô: “kẻ nào muốn sống đạo đức theo gương Chúa Kitô, ắt phải bị bách hại”. 

Ngày nay người ta thường nại đến khoa học, kỹ thuật trong bất cứ lãnh vực nào, cho nên cũng có người đặt vấn đề: vác thập giá là điều dĩ nhiên trong đời sống tu sĩ, nhưng phải vác thập giá thế nào ? Có một kỹ thuật vác thập giá hay không? Làm sao vác thập giá cho đỡ nặng? Cho đỡ chảy máu, đỡ sưng vai? Làm sao vác nổi suốt quãng đường dài của cuộc sống mà không ngã qụy? Hay có người đạo đức hơn thì hỏi làm sao vác thập giá cho đẹp lòng Chúa ?
Để riêng cho chúng ta tự xoay xở thì vấn đề thật là khó, bởi lẽ tính loài người yếu đuối, cộng thêm hoàn cảnh đổi thay, khiến chúng ta e ngại hy sinh. Nhưng nếu có ai đó đồng hành với chúng ta trên con đường khổ giá, thì lúc đó chúng ta sẽ cảm thấy bớt cô đơn hơn, sẽ cảm thấy mạnh dạn hơn để vác và vác một cách hăm hở.
Những người đồng hành với chúng ta không thiếu, nếu chúng ta lần giở Kinh Thánh:

Trước hết, chúng ta hãy bắt đầu với tổ phụ Abraham: Abraham được mệnh danh là cha của những kẻ tin. Tin yêu là yếu tố không thể thiếu được trong đời sống hy sinh. Khi Chúa gọi Abraham, tổ phụ phải sống đời từ bỏ liên tục, từ bỏ quê hương xứ sở, đất đai phì nhiêu ở miền Lưỡng hà, để dấn thân vào nơi vô định, rồi phải tuần tự từ bỏ những người thân trên con đường theo tiếng gọi của Chúa, từ bỏ Lót người cháu yêu quý của ông, từ bỏ Agar, người đã từng là vợ ông và cho ông một mụn con là Ismael và sau cùng đã nhận lấy thập giá rất nặng, một thử thách ghê gớm đó là được lệnh Thiên Chúa phải sát tế người con duy nhất, người con thừa tự của ông, là Isaac.

 Lệnh truyền của Chúa xem ra thật là gay gắt : “Hãy sát tế đứa con duy nhất, đứa con mà ngươi yêu quý”. Ta thử phân tích tâm tình của Abraham lúc bấy giờ : trí ông trải qua cơn khủng hoảng, vì ông không hiểu gì cả. Thiên Chúa đã hứa với ông là cho ông làm tổ phụ một dân tộc đông như sao trên trời, như cát bãi biển, thế mà giờ đây phải giết đứa con thừa tự. Thật là cả một màn đen bao trùm lên trí óc của ông. Con tim của ông bị xé rách vì động đến người con yêu quý nhất đời ông, thà giết ông còn hơn là thọc dao vào cổ con để sát tế. Bây giờ ta biết Chúa thử thách ông, nhưng hồi đó ông đâu có biết, ông vẫn tưởng thật mà không dám năn nỉ kêu ca, vì đó là lệnh truyền của Chúa. Cái đau đớn cùng khổ nữa là ông phải giữ riêng cho mình, cho một mình mình cái bí mật nặng nề, đau đớn mà không thể thổ lộ cùng ai, ngay cả với Isaac. Nhưng Abraham đã cam lòng vác thập giá chấp nhận thử thách trong tin yêu phó thác, ông gạt nước mắt trả lời câu hỏi hoàn toàn ngây thơ của Isaac : “Thưa cha, củi cùng lửa đã sẵn, còn của tế lễ ở đâu cha ?”. Ông trả lời : “Chúa sẽ lo liệu con ơi”. Xâu xé giữa Lời Chúa và tình phụ tử, Abraham không đi nước đôi không chạy chính sách, không hoãn binh chi kế, mà đi vào con đường độc đạo : Sống hoàn toàn tin yêu phó thác và kề vai vác thập giá trong niềm tin yêu đáng khâm phục.

Chúng ta cũng được gọi như Abraham, không phải là để làm cha già dân tộc, mà là để đồ lại đậm nét đời sống Chúa Kitô , kế tục sự nghiệp chịu đóng đinh của Người. Chúng ta có noi gương tổ phụ Abraham theo Chúa vô điều kiện không ? Như vậy tin không phải là một thái độ tín thác lạnh lùng, nhưng là cái dấn thân tuyệt đẹp đầy tình mến vào lòng Thiên Chúa. Đức tin ấy đòi ta từ bỏ liên tục, phát triển không ngừng trong ta, lôi kéo chúng ta lên đỉnh trọn lành để được hiến tế, không thụ động, nhưng chiến đấu không ngừng, khám phá bất tận. Thiên Chúa không muốn chúng ta đâm quen với ơn Ngài, Ngài muốn chúng ta luôn ở trong tư thế ý thức không ngừng tình Ngài. Chúng ta phải tôi luyện để trao lại cho Chúa từng giây từng phút những ân huệ Ngài đã ban cho và nhận lại. Chúng ta không được cư xử như người con trai hoang đàng trong Phúc Âm, không thấy ân huệ được ở trong Nhà Cha. Vậy muốn vác thập giá cách hữu hiệu, cần phải có đức tin vững mạnh, phải tin là Chúa, Người Cha nhân lành, luôn muốn điều thiện cho ta và ta mạnh dạn bước theo Ngài, dẫu theo quan điểm chúng ta, đó là sự đau khổ tột cùng hay thánh giá quá nặng đè trên đôi vai gầy yếu của chúng ta. Hiểu như thế rồi, chúng ta mới không lấy làm ngạc nhiên bao nhiêu vị thánh đã vác nổi thập giá của đời họ một cách phi thường và hiểu như thế, ta mới biết, khi nhìn lại quãng đời quá khứ của ta, có lúc ta cũng đã vác được những thập giá quá sức tưởng tượng như vậy.
Gương thứ hai đáng cho chúng ta suy gẫm, đó là gương Giuse con ông Giacóp. Ai trong chúng ta là không thích thú khi đọc chuyện ông Giuse, câu chuyện được kể lại với nhiều tình tiết lâm ly và kỳ thú như những chuyện trong tiểu thuyết. Thế mà đó là câu chuỵện có thật trong Kinh Thánh. Giuse, con người của niềm tin không lay chuyển, vào Thiên Chúa quan phòng. Từ vực sâu của đau khổ và bị khinh khi, Giuse vẫn giữ vững niềm tin vô biên vào Thiên Chúa quan phòng. Ông biết bảo toàn danh dự trước mặt Thiên Chúa, biết bàn tay Thiên Chúa bảo vệ ông và tin tưởng Chúa sẽ dẫn đưa mọi sự đến thiện hảo, nên ông hoàn toàn để mặc Thiên Chúa an bài định liệu. Là người biết sống theo Thánh linh, ông luôn an bình trước mọi bất trắc của cuộc đời. Ông bị các anh ông ghét bỏ bán cho lái buôn sang Aicập, xa quê hương, bị vu oan, bị hạ ngục, nhưng đã vui vẻ chấp nhận, không trả thù các anh, mà còn cho việc mình bị bán là việc của Chúa quan phòng. Qua cuộc đời Giuse ta thấy Kinh Thánh dạy ta ý nghĩa của sự dữ và sự thử thách đối với người công chính, sự đau khổ là phương cách thanh luyện, giúp ta vâng phục ý Chúa, phương cách đền tội và giúp ta chứng tỏ lòng mến Chúa, đồng thời cũng giúp ta trưởng thành và nên người hơn. Con người dù có ác đến đâu cũng không chống cưỡng được chương trình của Thiên Chúa. Quyền năng và lòng nhân ái của Thiên Chúa sẽ quy tụ mọi sự, cả sự ác về với thiện hảo. Khi đã hiểu rõ quyền năng và tình yêu bao la của Thiên Chúa, chúng ta sẵn sàng vác và vác cách hăm hở thập giá Chúa trao, vì chúng ta biết rõ đó là những dấu chỉ Chúa thương ta. Chuyện tổ phụ Giuse cũng là chuyện đời của mỗi người chúng ta.

Được chọn để làm muối đất, đèn đời, làm người lãnh đạo một số thành phần anh chị em, không nhiều thì ít chúng ta có trách nhiệm phải đảm đương. Trong khi thi hành trách nhiệm trên những người khác, thế tất có rất nhiều thập giá, loại thập giá này rất nặng, nên chúng ta cũng rất cần người tiếp sức, cần gương lành lôi kéo. Gương Môisen trong Cựu ước rất hợp cho chúng ta. Môisen, là một em bé bị bỏ trôi sông, thân phận đáng chết nghìn lần nhưng được Thiên Chúa xui khiến công Chúa Aicập đến tắm ở sông Nilô gặp phải, vớt lên đem về nuôi coi như con ruột. Nhưng lớn lên Môisen nhận ra dòng giống mình, đã muốn dùng sức riêng để giải phóng dân tộc, ông muốn đốt giai đoạn bằng cách dùng vũ lực, nhưng đã thất bại, ông bị hiểu lầm và đã phải trốn vào sa mạc Mađian. Ở đó, ông nghiền gẫm trong 40 năm trời phương cách giải cứu dân Chúa và cuối cùng đã được Chúa sai gặp Pharaon, lãnh đạo dân Chúa ra khỏi Aicập. Nhưng ông lại cùng dân lang thang trong rừng vắng 40 năm nữa, chịu bao cảnh gian truân, lúc thì bị Chúa quở phạt, khi thì bị dân chúng nhiều lần đả kích, ngay cả những người thân trong nhà cũng ganh tị với ông. Dầu vậy, ông vẫn liên kết với dân và khi nghe Chúa định tru diệt dân, ông đã đứng ra biện hộ và xin Chúa thà xóa tên mình khỏi sổ đời đời còn hơn là phạt dân. Lời cầu vô vị lợi đến mức độ anh hùng đã làm cho Chúa nguôi giận, thôi phạt Israel. Nhưng thập giá nặng nề nhất đã xảy ra cho Môisen là phải chết ngoài hứa địa. Môisen chỉ được đứng xa nhìn về hứa địa : một an ủi, nhưng ông không được vào : một hy sinh to lớn. Cả một đời hiến thân cho sứ mệnh, nhưng đến khi sứ mệnh sắp hoàn thành, mục tiêu sắp đạt được thì ông lại phải bị bó buộc nhường chỗ cho người khác “không gieo mà gặt” (Yn 4,38). Người tông đồ nào, dẫu siêu nhiên đến đâu, lại không muốn thấy kết quả của công việc mình. Môisen cũng trải qua cơn cám dỗ thường tình này và ông đã năn nỉ với Chúa nhưng Chúa đã trả lời : “Thôi, đừng nói chuyện đó với Ta nữa” (Đnl 3,23-27) Môisen đã chấp nhận với lòng khiêm hạ vô biên (Ds 12,3) chính lúc sinh lực ông còn dồi dào, giữa lúc tương lai đầy hứa hẹn, Môisen đã rút lui vào bóng tối, nhường chỗ cho Yosua. Người ta hỏi tại sao Chúa gọi Môisen về trong lúc đó ? Thiên Chúa muốn tỏ Ngài không lệ thuộc vào một cá nhân nào, trong khi thực hiện chương trình của Ngài. Người được phục vụ chương trình của Chúa phải luôn nhớ mình là tôi tớ vô dụng, và công việc có thành tựu hay không không phải vì khả năng ta, mà vì chính Thiên Chúa hành động. Đàng khác cái chết của Môisen minh chứng lời Chúa Giêsu nói : “Nếu hạt lúa mì không biến thể đi”. Câu nói đó hoàn toàn phù hợp cho những ai hy sinh trong phục vụ. Môisen không hoàn toàn biến mất khỏi lịch sử Israel, trái lại ảnh hưởng của ông càng ngày càng lan rộng.

Điều chúng ta học nơi Môisen là nếu phải đóng vai trò trả lẽ trước mặt Chúa về người khác, ta phải luôn có tinh thần trách nhiệm nhân từ, cảm thông, hiểu biết, nhưng cứng rắn, cương quyết, luôn bảo vệ niềm tin vững chắc vào Giavê, không nhượng bộ những gì không thuộc thẩm quyền mình, không nhu nhược, không trốn tránh trách nhiệm, quên mình hoàn toàn, lẽ sống chính là những người dưới quyền mà Chúa giao phó. Đó là những đức tính Môisen khi vác thập giá trách nhiệm trên dân Chúa.

Cũng như Môisen nhiều khi chúng ta muốn đốt giai đoạn để đạt thành công, nhưng Chúa lại bắt chúng ta chờ. Môisen chờ 40 năm trong rừng vắng Mađian hoàn toàn cô đơn. Nhiều khi Thiên Chúa cũng bắt ta chờ, chờ đợi là một thử thách cam go, một thánh giá nặng nề. Nhưng chờ đợi cũng là trắc nghiệm lòng trung thành của chúng ta. Trong những giờ phút gay cấn nhất, chúng ta cũng phải biết cầu nguyện như Môisen, lời cầu vô vị lợi, lời cầu đón nhận hy sinh. Ngoài ra cuộc đời người theo Chúa vẫn còn giá trị vĩnh cửu nếu biết chết đúng lúc, biết ra đi, biết nhường chỗ cho kẻ khác, biết giới hạn vai trò của mình theo chương trình Chúa hoạch định. Muốn vác nổi loại thập giá này, cần phải có lòng khiêm nhường thẳm sâu như Môisen.

Một tấm gương cuối cùng trong Cựu Ước mà chúng ta cần phải chiêm ngưỡng hôm nay, tấm gương cho đại chúng, cho hết mọi người chịu đau khổ trên đời này, nhất là những người lành, những người có tình nghĩa với Chúa đó là Giob. Giob tượng trưng cho nỗi khốn cùng của con người hay đúng hơn thập giá của con người được nhân cách hóa. Giob thấy mình lần hồi bị tước lột hết nhưng những gì mang lại niềm vui cho con người. Đúng vậy, trước đây Giob có tất cả : sức khỏe, con cái, bạn hữu, sản nghiệp, danh vọng. Những cái này được xem như là những phúc lành của Thiên Chúa. Và như vậy Giob tin rằng mình đang có tình nghĩa với Chúa, Chúa đang thương mình. Nhưng Thiên Chúa vì quá yêu mến Giob nên đã không để cho Giob tìm hạnh phúc nơi những cái tầm phào bá láp đó. Chúa cất hết, bây giờ Giob bắt đầu nguyền rủa cuộc đời và tuyên bố rất ngạc nhiên trước những biện pháp ấy của Thiên Chúa.

Khi lột xác Giob như thế, Thiên Chúa đã muốn đưa Giob tới đâu ? Đó là điều chúng ta phải tìm kiếm bằng cách thám hiểm sự vô sản hóa cứu rỗi mà vị Chúa tể càn khôn đối với Giob. Thoạt tiên Giob có cảm tưởng đây là một sự hủy hoại hoàn toàn : “Ngài đã phá đổ tôi hoàn toàn và tôi đã quỵ ngã”(19,10). Thật ra Thiên Chúa đâu có muốn cho người bạn của Ngài chết, Ngài chỉ muốn làm cho ông cảm thấy không còn gì để bám víu ngoại trừ Chúa. Mất hết gia sản, ông tâm sự : “Tôi đã trần truồng khi lọt lòng mẹ, tôi sẽ về lại đó trần truồng. Chúa cho, Chúa cất đáng chúc tụng thay danh Ngài”. Mất hết con cái ông đưa mắt thâm quầng, hướng nhìn về lòng từ nhân của Chúa, nhưng ông nào có thấy, sức khỏe ông ngày càng tàn phai, yếu dần như ông đã tỏ bày : “Tôi bước đi ủ rũ không ánh sáng mặt trời”. Bạn bè xa ông, không thông cảm nổi khổ của ông, ngay cả người vợ thân yêu cũng mắng ông : “Ông cứ tin Chúa nào có ích gì, hãy nguyền rủa Chúa đi rồi chết quách cho xong”.

Nhưng Giob vẫn đứng vững, kiên nhẫn đợi chờ Chúa trả lời cho ông. Mất hết mọi sự nhưng Giob vẫn chưa chịu buông tay danh dự, quyền lợi chính đáng của ông, ông xin Chúa nói cho ra lẽ, tại sao ông phải đau khổ. Chúa muốn ông buông tay danh dự, từ bỏ tất cả, Thiên Chúa giải phóng Giob cách dữ dội bằng cách tạo nên sự sụp đổ tất cả những yếu tố phước hạnh mà Giob có thể gán vào Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa đâu phải là sản nghiệp, sức khỏe, con cái, bạn hữu... Sau khi rửa sạch Giob, bây giờ Chúa ban cho Giob một liều thuốc sửng sờ, thờ lạy, xuất thần trong khâm phục, vì Chúa ban cho ông khám phá ra những tầm vóc siêu nhiên, vô biên của ý Chúa : Giob đứng trước mặt Chúa như một kẻ không tham vọng, bị nhục nhã và không ảo tưởng nhưng sẵn sàng tin vào Đấng Tạo hóa mình và bước vào quan điểm của Ngài.

Ôn lại đời Giob, ta thấy Chúa để cho Giob vác thập giá nặng nề trong đời ông, cũng vì quá yêu thương ông. Nếu đời chúng ta có điểm nào giống Giob trong đau khổ, hãy tự an ủi mình rằng Chúa đang ôm ấp chúng ta trong cánh tay lân ái của Ngài. Trong vấn đề tình yêu kỳ lạ của Chúa này, chúng ta học biết Thiên Chúa không thể phản bội. Đêm sâu thẳm trong đó Thiên Chúa vẫn là sự cần tối hậu, sự xác tín cuối cùng và là ý nghĩa duy nhất cho cuộc đời của ta. Khi tất cả là đêm đen, thì hy vọng duy nhất tìm một tia sáng leo lét là nhờ ở sự trung thành kinh khủng với những xác tín mong manh đã có lần vất vả nhen nhúm.

 Tình yêu không phải là sự rõ ràng và trong suốt. Tình yêu có hoài bão hiểu người mình yêu nhưng người ấy sẽ hết là người ấy, nếu giả sử ta hiểu được họ. Họ là vực thẳm, là tường cao, là đêm đen. Đó là huyền nhiệm khoảng cách giữa hai người muốn gặp nhau. Nếu sự nghi ngờ chợt xảy đến, nếu vẻ bên ngoài là trái ngược, thì sự không hiểu sẽ mau chóng khiến ta tưởng đó là một sự phản bội. Thảm kịch của Giob là một thảm kịch của tình yêu cảm thấy bị phản bội, nhưng vẫn đủ mãnh liệt để từ chối rằng đó là phản bội. Bởi vì Giob yêu mến Thiên Chúa làm ta bực mình và tự hỏi không có con đường nào khác ngoài sự đau khổ để khám phá được khuôn mặt đích thực của Thiên Chúa sao ? Không có lò nào khác để luyện đức tin ngoài lò thử thách và đêm tối sao ? Phải chăng Đấng đi tìm tình yêu của chúng ta đang chơi một trò chơi độc ác ? Thảm kịch của Giob vẫn còn là thảm kịch của chúng ta, bởi vì trước sự đau khổ tại sao Thiên Chúa lại cho phép xảy ra và tại sao con người, người Chúa yêu lại phải gánh chịu? Đó là một điều không hiểu nổi. Khi dẫn ta đi trên con đường của cái không thể hiểu, khi mở trước cho ta lối vào đức tin, Giob đã đưa ta đến dưới chân Đấng đã bị đóng đinh, ở đó lần đầu tiên trong lịch sử con người, ta cảm nghiệm rằng Thiên Chúa không phản bội, khi Ngài đến với ta để làm phát sinh sự sống từ cái chết mà Ngài đón nhận. Nếu sự đau khổ đã được ghi khắc vào số phận con người thì từ nay chúng ta biết rằng nó không xa lạ với khuôn mặt của Thiên Chúa. Chúa đã chết vì ta, để ta cùng chết với Người. Chúa đã vác thập giá, có lẽ nào ta lại đi tay không ? Như vậy kỹ thuật vác Thánh giá đã được phác họa theo gương tin yêu phó thác của Abraham, tín nhiệm tuyệt đối vào Chúa quan phòng của Giuse tổ phụ, hoàn toàn khiêm hạ trước mặt Chúa của Môisen và đầy tình người cũng như tình Chúa của Giob, quy tụ lại ở cuộc đời Chúa Cứu thế. Muốn vác thập giá, chúng ta phải sống đức tin, khiêm hạ và yêu thương.

Hay có ai trong chúng ta khó tính muốn đòi hỏi một nhân chứng của thời đại mới trong hy sinh thay vì các nhân vật cổ điển trong Cựu Ước. Xin kết thúc bài suy niệm về hy sinh bằng tấm gương của một linh mục thời đại gần đây:

Hsia, một linh mục sống ở trại tập trung miền Nam Bắc Kinh Trung Quốc, lúc tu viện của ngài bị tàn sát, ngài bận công tác vắng nhà. Những anh em trong tu viện đã bị giết sạch, khi ngài về đến nhà, ngài bị bắt và sau hai năm điều tra lại bị thêm 18 năm tù. Đây là câu chuyện do chính Gioan Paschalini, người sống cạnh ngài kể lại. Tôi quen Hsia trong một lần di chuyển tập thể. Phòng chúng tôi có 18 người, có nhiệm vụ lau rửa chuồng heo, di chuyển phân chuồng và chôn người chết. Hsia ngủ trên ổ rơm cạnh tôi. Tôi được giao chỉ huy nhóm. Tôi không có thiện cảm với Hsia vì ông luôn nhắc nhở : “Nếu chúng ta không mất đức tin thì Thiên Chúa sẽ không bỏ rơi chúng ta”. Nhưng Đức Tin thì tổ chức đã giúp chúng tôi đánh mất từ lâu, dần dà rồi ông khám phá ra tôi là người công giáo. Một hôm trong lúc nghỉ, ông đến gần tôi và nói:
- Gioan, có phải từ thâm sâu ông vẫn là một người công giáo tốt ?
 Tôi trả lời giọng mệt mỏi:
- Ông ơi, tôi đang học tập, hãy để cho tôi yên. Nhưng ông có vẻ như không nghe lời tôi nói.
- Chúng ta có thể cầu nguyện chung, anh có thể xưng tội với tôi.
- Ông nghe đây này, nếu ông muốn ra trước đội hành quyết đó là quyền của ông, còn tôi, tôi đang cố gắng ra khỏi đây … Xin ông câm miệng lại.
- Được rồi, tôi hiểu anh, tôi luôn cầu nguyện cho anh, và hãy nhớ rằng tôi là bạn anh.
Có một lần Hsia bị báo cáo là đọc kinh ban đêm. Tôi đến gặp Hsia:
- Ông coi chừng mạng sống của ông.
- Ông điềm tĩnh : Mạng sống của tôi ư ? Đâu có gì quan trọng. Tôi còn sống là vì Chúa muốn thế. Tôi tin rằng Ngài dành cho tôi một nhiệm vụ nào đó. Nếu không, tôi thích chia xẻ số phận  với anh em của tôi hơn.
Vào tháng 12, cái lạnh trở nên giá băng.
Một hôm, Hsia đến gặp tôi xin nghỉ vài phút.
- Sắp đến giờ nghỉ rồi ông không chờ được sao ?
- Không, lúc đó những người lính gác sẽ đến, ông không biết hôm nay là ngày thứ mấy sao ?
Tôi trả lời giọng bực tức : Thứ hai, ngày 25 tháng 12 và tôi bổng im ngay. Tôi chợt nhớ ra cùng một lúc, hôm nay là ngày Noel.
- Ông Hsia, ông điên rồi sao ? Ông biết nguy hiểm chứ ?
- Tôi phải cầu nguyện và tôi muốn anh phải cầu nguyện với tôi ở đây. Hôm nay là ngày thánh dành riêng cho anh và tôi.
Tôi nhìn quanh không thấy người lính nào và nói với Hsia :
- Hãy xuống hố kia, tôi cho ông 15 phút thôi.
- Còn anh ?
- Tôi không rời khỏi đây.

Trong khoảnh khắc tôi sợ tưởng chết được. Mỗi tiếng hú của gió lốc tưởng chừng như tiếng kêu của người lính gác. Cuối cùng, một cái gì đó chiến thắng sự sợ hãi của tôi và luôi cuốn tôi về phía hố, tôi quên vị chỉ huy, quên trại cải tạo và tôi nhớ cảm giác của một người sống vì một mục đích hơn là cố gắng tồn tại. Dưới đáy hố giao thông khô cằn, Hsia đang cử hành thánh lễ, nhà thờ của ông là cảnh hoang vu, bàn thờ là mỏm đá tuyết băng, áo lễ là bộ quần áo rách nát, chén thánh là một cái ca tróc sơn. Trên bàn thờ không một ngọn nến …

Bỗng dưng tôi cảm thấy cần chia xẻ đức tin của Hsia. Tôi có cảm giác rằng trong ngày lễ Noel này, không nơi nào trên thế giới, ngay cả những đền thờ tôn nghiêm nhất của giáo hội, không nơi nào có thánh lễ đầy ý nghĩa như thánh lễ này.
Thánh lễ hoàn tất, ông nói :
- Tôi xin Chúa hiểu cho rằng chúng ta không có ý xúc phạm Người, thật là bất xứng.
Tôi nghẹn lời :
- Cha không sợ bị xử bắn mà sợ xúc phạm đến Chúa. Tôi quả quyết : Con tin là Chúa hiểu chứ, thưa cha.
- Cảm ơn Gioan, xin Chúa giữ con mãi mãi.
Vài ngày sau đó có sự đổi phòng, Hsia và tôi bị tách rời. Tôi không còn gặp lại ông, nhưng ông đã cảm hóa được tôi, đã để lại trong tôi một niềm tin không ai lung lạc và cướp mất được, cho dù đó là một vị chỉ huy, là trại cải tạo, lính canh gác, hay những họng súng đen ngòm …
Cha Hsia đã dùng 20 năm chịu khổ nạn để cứu vớt một linh hồn. Tất cả chúng ta đều được mời gọi để cùng cứu rỗi thế gian. – Chúa Giêsu đã cứu rỗi thế gian bằng thập giá chứ không chỉ bằng lời rao giảng. Chúng ta cũng thế. Chúng ta không thể cứu ai nếu chúng ta không thể chết đi từng ngày cho Thiên Chúa.
 
 
                                          
                                                 
Tác giả bài viết: Gm Phêrô Nguyễn Soạn
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 17
  • Khách viếng thăm: 14
  • Máy chủ tìm kiếm: 3
  • Hôm nay: 3600
  • Tháng hiện tại: 130870
  • Tổng lượt truy cập: 12275130