Trang mới   https://gpquinhon.org

Chúa Nhật XIV Thường Niên

Đăng lúc: Thứ năm - 03/07/2014 20:24
CHÚA NHẬT XIV THƯỜNG NIÊN NĂM A
Mt 11, 25 – 30
Hiền lành và Khiêm nhường ( Mt 11, 29 )



Một buổi chiều nọ, thánh Macariô, một con người luôn được sống thân tình với Chúa, trở về căn phòng chật hẹp của mình, tay ôm nặng những ngành lá vạn tuế. Satan hiện đến trước mặt ngài và nói.
+ Hết mọi việc ông làm tôi cũng làm cả: ông ăn chay, tôi đây có ăn gì đâu, ông thức khuya, tôi chẳng hề ngủ. Ông đã bỏ của cải, tôi thì vẫn sống nghèo. Chỉ có cái này tôi không có, và chính vì thế ông vẫn làm tôi khó chịu.
+ Cái chi thế? Thánh nhân hỏi.
+ Sự khiêm nhường.
Nói đoạn quỉ biến mất. ( Lời Chúa cuộc sống – Lm Giuse Đinh Tất Quí )

Khiêm nhường là gì?

Khiêm nhường là đức tính của người hiền lành, luôn biết nhẫn nhịn, không gây gỗ, cãi vã hoặc nói những lời gay gắt sinh ra mâu thuẫn, bất hòa. Người khiêm nhường dễ tha thứ cho người khác, cả khi người ấy gây phiền muộn cho mình.
Khiêm nhường còn là đức tính của người tự coi mình là người dưới, là người phục vụ. họ theo sát lời dạy của Chúa Giêsu: “ Nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau” ( Ga 13,14)
Khiêm nhường đem lại cho người có nó sự tự do, thong dong, tránh được cảm xúc bồn chồn, lo lắng khi nghĩ đến những dèm pha đố kỵ của tha nhân. Họ không phải bận tâm vì sợ kẻ khác đánh giá mình ra sao, họ dễ cảm hóa được thái độ kiêu căng, thù địch, nóng nảy của người khác bằng chính tấm lòng khiêm nhu, đại lượng của họ.

Khiêm nhường cũng là đức tính của người tế nhị, không tự cao tự đại, chẳng mặc cảm tự ti, nên họ không tự làm khổ mình khi có điều lầm lỗi, dễ bỏ qua những chuyện kèn cựa, tị hiềm của anh em, tự tin vững bước trên hành trình hướng tới chân lý. ( Thiên Phúc- Nhân bản Kitô giáo trang 145)
Chính vì khiêm nhường có một giá trị to lớn như thế nên các nhà tu đức mới gọi khiêm nhường là nhân đức nền tảng của đời sống đạo đức. Nhờ khiêm nhường, người môn đệ có thể dễ dàng nhận ra được tiếng nói của Chúa và gặp được Ngài. Kẻ kiêu ngạo sẽ không bao giờ gặp được Chúa.
Quả thật là như vậy, người ta đang sống trong thời buổi phát triển khoa học kỷ thuật bậc cao: người ta thành công trong ca ghép tim nhân tạo cho bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối; cấy ghép những con “chíp” hổ trợ các hoạt động của các bộ phận của cơ thể; nhân bản vô tính, thụ tinh nhân tạo…biến đổi gien… và nhiều lợi ích khác mà khoa học kỷ thuật mang lại cho con người…con người có thể làm được mọi sự nhờ khoa học, kỷ thuật….con người có cần Thiên Chúa nữa không? Chắc là không?! Vì khi đau họ uống thuốc, hết bệnh, cần gì đến Thiên Chúa; khi họ buồn, đã có những phương tiện xả stress, cần gì đến Thiên Chúa…con người tự tin nói rằng họ có thể để sáng tạọ… mà không cần đến Thiên Chúa?!

Những người tin vào Thiên Chúa ngày nay được cho là yếm thế, là nhu nhược, là yếu đuối, là ngu dốt…vì thế, một số người đã bỏ đức tin hoặc không sống đức tin để chạy theo kỷ thuật khoa học mà họ tin tưởng…đặc biệt là các bạn trẻ…đó mới là sành điệu…
Hôm nay Chúa Giêsu kêu gọi: “ Hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng” ( Mt 11, 29) Lời mời gọi đó có đi ngược lại với thời đại hôm nay không? Khi mọi người đều thích tự tôn mình lên, tự đánh bóng mình bằng nhiều hình thức khác nhau: thành tích, bằng cấp, những thủ đoạn…

 Trong bài Tin Mừng theo Thánh Mattheo tường thuật lại việc Chúa Giêsu rao giảng Tin Mừng ơn cứu độ đến cho hết thảy mọi người…Ngài thấy các thầy giáo luật, những người khôn ngoan, đã từ chối Ngài, còn những người đơn sơ chấp nhận Ngài. Những người tri thức không cần đến Chúa Giêsu nhưng những kẻ khiêm nhường chào đón Ngài. Chúng ta phải thận trọng xem Chúa muốn nói gì ở đây, Ngài không lên án năng lực trí thức nhưng điều Ngài lên án là sự kiêu căng tri thức.
Như Plummer phát biểu: “ Nơi cư trú của Phúc Âm là tấm lòng chứ không phải đầu óc.” Không phải sự khôn ngoan xua đuổi Phúc Âm, nhưng chính lòng kiêu ngạo, không phải sự ngu dốt đón nhận Phúc Âm mà chính lòng khiêm nhường. Chúa Giêsu không gắn liền đức tin với sự ngu dốt, Ngài gắn liền sự hạ mình với đức tin. Một người có thể khôn ngoan như Salomôn, nhưng nếu ông ta không có một tấm lòng đơn sơ, trông cậy, vô tư như tấm lòng của một đứa trẻ thì ông ta tự loại mình ra. ( William Barclay )

Thánh Phaolô ca ngợi sự khiêm nhường của Chúa Giêsu: “ Ngài vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ” ( Pl 2,6 -7)

Thánh Phanxicô Salêsiô quả quyết: “ Kẻ hiền lành sẽ làm chủ các tâm hồn và mọi ý chí sẽ ở trong lòng họ.”
Mẹ Têrêsa viết: “ Nếu biết sống khiêm nhường, thì không gì có thể làm ta thay đổi, dù lời khen, lời chê. Ai chỉ trích không làm ta nản lòng. Ai khen tặng, không làm ta tự mãn.”
Khiêm nhường là nẻo đường đi đúng. Chính con đường khiêm nhường sẽ làm ta hoàn thiện và hoàn thiện hơn. Giúp ta trở nên giống Chúa hơn. Mong là được như vậy! Amen
Tác giả bài viết: Lm. Vincentê Nguyễn Đình Tâm
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 23
  • Khách viếng thăm: 21
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 7121
  • Tháng hiện tại: 7121
  • Tổng lượt truy cập: 12296833