Trang mới   https://gpquinhon.org

Chúa Nhật XVI Thường Niên

Đăng lúc: Thứ tư - 16/07/2014 18:37
CHÚA NHẬT XVI THƯỜNG NIÊN
( Kn 12,13.16-19 ; Rm 8,26-27 ; Mt 13,24-43 )



Thiên Chúa là Đấng quyền năng, đầy uy quyền, nhưng Ngài luôn đối xử rất khoan dung với những kẻ tội lỗi và chờ đợi những kẻ tội lỗi ăn năn sám hối. Điều này được thể hiện rõ nét trong các bài đọc trong thánh lễ hôm nay.

Ngay ở đầu bài trích sách khôn ngoan hôm nay, tác giả Sách thánh đã cho chúng ta một cái nhìn đức tin. Người có đức tin không coi mình là chúa tể vạn vật. Họ không được đứng ra vặn hỏi trời đất, dường như mọi sự phải xảy ra như họ suy nghĩ. Không, con người phải nhận biết thân phận của mình. Các nhà khoa học lớn nhất chỉ là những người khám phá ra các định luật sâu xa trong trời đất để tuân theo. Vì cả khi dùng khoa học làm chủ thiên nhiên, họ vẫn phải chấp nhận các đặc tính của tạo vật. Thế nên các nhà khoa học là những người rất khiêm tốn, ít nhất đối với thực tại thiên nhiên. Thế thì tại sao con người lại tự phụ cư xử như chúa tể đối với các vấn đề con người ?

Cũng may con người không phải là chúa tể vạn vật. Họ không phải là thước đo mọi sự. Họ không phải là thẩm phán tối cao. Nếu vậy cả trong vấn đề lành dữ này, họ phải lãnh ý Thiên Chúa ; họ phải tìm hiểu, khám phá quan điểm của Ngài. Và đó là điều mà câu đầu bài sách Khôn ngoan hôm nay muốn dạy chúng ta.

Còn trong tin mừng hôm nay nói đến dụ ngôn lúa và cỏ lùng để mở ra cho chúng ta một cái nhìn đức tin : Thiên Chúa là Đấng giàu lòng khoan dung với tội nhân. Ngài dùng hình ảnh lúa và cỏ lùng là một trong những hình ảnh quen thuộc với người Palestine để nói đến việc người lành kẻ dữ, cái xấu và cái tốt luôn hiện hữu trong thế gian. Ngài không tiêu diệt cái ác, cái xấu ngay tức khắc nhưng Ngài vẫn kiên nhẫn đợi chờ. Cỏ lùng là một thứ cỏ dại mà nhà nông phải diệt trừ. Lúc còn nhỏ, cây cỏ lùng giống hệt như cây lúa mì nên người ta rất khó phân biệt hai thứ đó. Người ta chỉ phân biệt được đâu là cỏ lùng và đâu là lúa mì khi chúng đơm bông. Một cái khó là khi đó rễ cỏ lùng và lúa đã quyện vào nhau đến nỗi nếu nhổ cỏ lùng thì rễ lúa cũng trốc theo. Vì vậy mà ông chủ chờ đợi cho đến mùa gặt mới tách biệt hai thư đó ra. Lúa và cỏ lùng tượng trưng cho lành và dữ đang lẫn lộn trong thế gian. Trong dụ ngôn này người ta thấy thái độ nông nổi của người tôi tớ, còn ông chủ thì chín chắn và thực tình muốn xây dựng chứ không muốn phá đổ. Ông chỉ đích danh tác giả gây ra cỏ lùng nhưng đồng thời ông cũng muốn tôi tớ phải khiêm cung. Như vậy, qua bài Tin Mừng, Chúa Giêsu cho chúng ta thấy thêm nhiều yếu tố của vấn đề lành dữ lẫn lộn trong thế gian. Nguyên nhân gây nên sự dữ là Satan, kẻ thù của Thiên Chúa. Con người chúng ta không nên phán xét lẫn nhau.

Những bài học được rút ra từ dụ ngôn hôm nay, dạy cho chúng ta :
  • Trong thế gian luôn luôn có những thế lực thù địch để phá hủy những hạt giống tốt. Kinh nghiệm đời sống chúng ta có hai loại ảnh hưởng và cùng tác động trên đời sống chúng ta : ảnh hưởng giúp cho hạt giống Lời Chúa được nảy nở tăng trưởng và ảnh hưởng tìm hủy hoại hạt giốn tốt trước khi nó có thể đơm bông kết trái. Đây chính là bài học nhắc nhở chúng ta luôn biết đề cao cảnh giác trong cuộc sống.
  • Rất khó có thể phân biệt đâu là người lành và đâu là kẻ ác. Có người bề ngoài có vẻ là người tốt nhưng thực sự là một người xấu. Có người mới nhìn tưởng là người xấu nhưng kỳ thực lại là một người tốt. Nhiều khi chúng ta quá vội vã và đánh giá người khác, gán ngay cho họ cái nhãn hiệu tốt hay xấu trong khi chưa biết tường tận về họ.
  • Nếu người gặt cứ làm theo cách của họ, cứ thử nhổ cỏ lùng thì kết quả chắc chắn nhổ luôn cả lúa nữa. Muốn phán xét phải chờ đến mùa gặt. Đến cuối cùng, người ta sẽ chịu phán xét không phải chỉ căn cứ trên một hành động đơn lẻ nào, hay một giai đoạn nào trên đời sống nhưng trên toàn thể cuộc đời của họ. Sự phán xét không thể đến trước ngày chung cuộc. Một người có thể phạm một lỗi lầm lớn và được cứu chuộc bởi ân điển của Chúa. Người ấy chuộc lại lỗi lầm bằng cách sống cuộc đời còn lại một cách tốt đẹp. Một người khác có thể sống khả kính nhưng cuối cuộc đời bất ngờ sa vào tội lỗi và làm đổ vỡ tất cả. Không ai chỉ nhìn xem một phần sự việc mà có thể phê phán toàn thể sự việc, không ai chỉ biết một phần đời người mà có thể phê phán toàn thể con người.
  • Sự phán xét sẽ đến lúc chung cuộc, sự phán xét đến nhưng không vội vã, sự phán xét giữa tốt và xấu phải đến lúc chung cuộc. Nói theo cách loài người, có thể trong đời này dường như kẻ ác có thể trốn được những hậu quả, dù vậy vẫn còn có đời sau nữa. Dường như làm điều thiện không lợi lộc gì cả, dù vậy vẫn có một thế giới mới để quân bình lại những điều đó.
  • Đấng duy nhất có quyền phán xét là Thiên Chúa. Chỉ có Chúa mới phân biệt tốt xấu, chỉ có Chúa mới có thể nhìn thấy toàn diện con người và mọi điều trong đời sống con người
Kết luận :

Dụ ngôn này nhắc nhở ta 2 điều :
Không được phán xét, không được kết án người khác vì đây là quyền của Thiên Chúa chứ không phải quyền của con người.
Số phận người lành kẻ dữ sẽ được định đoạt trong ngày phán xét.


 
Tác giả bài viết: Lm. Phaolô Nguyễn Văn Khiêm
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 11
  • Khách viếng thăm: 8
  • Máy chủ tìm kiếm: 3
  • Hôm nay: 8424
  • Tháng hiện tại: 126642
  • Tổng lượt truy cập: 12270902