Trang mới   https://gpquinhon.org

Tâm hồn của Bergoglio

Đăng lúc: Thứ năm - 03/10/2013 23:06
TÂM HỒN CỦA BERGOGLIO 
Robert Royal
Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính lược dịch





 
Tờ báo vô thần Ý La Repubblica cho đăng cuộc phỏng vấn của Eugenio Scalfari với Đức Giáo Hoàng Phanxicô, có lẽ được canh đúng vào dịp Đức Giáo Hoàng có cuộc gặp gỡ trong tuần này với tám vị hồng y  (“G-8”) mà ngài đã chọn để làm cố vấn cải tổ giáo triều và điều hành Giáo Hội. Như trước đây, ngài dùng những câu làm bạn lo lắng – cũng như làm bạn phải suy nghĩ. Và rủi thay, dường như ngài vẫn làm thế bao lâu còn làm giáo hoàng. Nhưng điều đáng lưu ý nhất trong cuộc phỏng vấn lần này là sự thông thái của tâm hồn ngài, sapientia cordis, có thể chạm đến người hoài nghi kiên định nhất.

Chúng ta hãy bắt đầu hai câu trong số đó. Câu thứ nhất có lẽ chỉ là câu nói lẫn tránh. Trong cuộc nói chuyện với Eugenio Scalfari, một nhà báo Ý nổi tiếng và cũng là người không tin (nhưng cũng đã đặt vài câu hỏi cho Đức giáo hoàng trong một bài báo), Đức Phanxicô đã nói ngay từ đầu rằng ngài không muốn cải đạo ông, bởi vì “cải đạo là một điều cực kỳ vô lý.”

Người bình thường sẽ không thể nào phân biệt được giữa điều mà Đức Phanxicô nói về - một sự cải đạo độc đoán – và một nỗ lực riêng để cải đạo. Các ngôn sứ, Gioan Tẩy Giả, Chúa Giêsu, các tông đồ, và vô số những nhân vật có đời sống thiêng liêng vĩ đại khác đều chọn cái thứ hai – “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.” Hầu hết mọi người sẽ hiểu đức giáo hoàng muốn nói rằng thật tốt khi tin điều mình thích.

Thật sự ngài đã nói như thế này: “Mọi người đều có ý niệm tốt xấu của riêng mình và phải chọn lựa làm theo điều tốt và chiến đấu chống lại điều xấu theo quan niệm của mình. Điều đó đủ làm cho thế giới thành nơi tốt đẹp hơn.”

Hẳn nhiên, điều này chẳng đúng chút nào. Đức quốc xã, bọn phân biệt chủng tộc, những kẻ phá thai, những người theo thuyết ưu sinh, những người chủ trương an tử, những người chủ trương thánh chiến (jihadists) và bọn khủng bố, và còn nhiều thể loại đáng tiếc khác, tất cả đều tin rằng mình đúng. Không ai có suy nghĩ đúng đắn muốn những người ấy cứ theo quan niệm riêng của mình về tốt xấu. Nó không thể nào làm cho thế giới nên tốt đẹp hơn.

Những câu nói như vậy của đức giáo hoàng đã được trình bày sai. Ở câu thứ nhất, Đức Phanxicô có ý muốn nói rằng ít ra trong vài trường hợp nào đó – nhất là khi phỏng vấn - thì không nên bắt đầu bằng cách lý luận với người khác. Cần phải tạo sự gần gũi, hiểu người khác, phải làm sao cho có sự tin cẩn nào đó, nhất là đối với những ai nghĩ mình đã biết rõ những điều cần thiết về Kitô giáo.

Và câu thứ hai chính xác muốn nói rằng cần phải khuyến khích con người nhìn sâu hơn và hành động đầy đủ hơn đối với những gì mà mình tin là Chân Lý. Tóm lại, Đức Phanxicô nghĩ về những con người thiện chí cũng như những người có cái nhìn khiếm khuyết nhưng không phải là vô phương cứu chữa, họ sẽ ý thức sâu xa hơn những gì là đúng và chân thật.

Trong cuộc nói chuyện vui vẻ thì ngài nói khá thoải mái, thường là khi ngài phải suy nghĩ  nhanh. Song những điều ngài đã nói thì còn quan trọng hơn.

Hầu hết những gì ngài đã nói trước đây về Giáo Hội, sự nghèo khó, sứ mệnh, phụ nữ … etc., chắc hẳn sẽ còn chiếm nhiều bài bình luận. Câu chuyện bổng trở nên thú vị hơn khi ngài   hỏi Scalfari, một người trước đây là một tín hữu:

Một người không tin vào Thiên Chúa như ông, vậy thì ông tin vào điều gì? Ông là nhà văn và là nhà tư tưởng. Ông phải tin điều gì đó, ông phải tin vào điều gì đó có giá trị vượt trội. Đừng trả lời tôi rằng đó là tính chân thành, sự tìm kiếm, cái nhìn công ích,  đó là những nguyên tắc và giá trị quan trọng nhưng không phải là điều tôi muốn hỏi. Tôi muốn hỏi ông yếu tính của thế giới, của vũ trụ là gì. Hẳn nhiên, có lúc ông phải tự hỏi mình như bao người khác rằng mình là ai, từ đâu đến và đang đi về đâu. Ngay cả trẻ con cũng tự hỏi những câu như thế. Còn ông thì sao?

Dường như ngọn lửa nơi tâm hồn của Jorge Bergoglio đã thật sự phun trào, ngọn lửa làm cho sự lỡ lời lúc nãy tan như sương sớm. Ngài đã chạm đến tâm hồn của Scalfari, người đã nói rằng khi mình đọc câu: “Tôi suy nghĩ vậy thì tôi hiện hữu” của Descartes, đức tin của ông dần bốc hơi.

 Câu trả lời của  Đức Phanxicô là Descartes không bao giờ từ chối “niềm tin vào Thiên Chúa siêu việt”. Đấy là sự thật. Ngài cũng nói với Scalfari rằng ông ta có một linh hồn – dù tin hay không tin. Nói như thế thì còn hơn là tìm cách cải đạo nữa.

Nhưng điều đáng lưu ý hơn là sau hàng loạt câu hỏi được trích dẫn ở trên, Đức giáo hoàng buộc Scalfari phải nói ra điều mà ông ấy tin: Hữu thể. Và Hữu Thể là gì? Scalfari huênh hoang giải thích:

“Hữu thể là kết cấu của năng lượng. Một năng lượng hỗn mang nhưng bền chặt và là một hỗn mang vĩnh cửu. Khi đến điểm nổ tung thì các hình thể từ năng lượng này xuất hiện. Các hình thể này có định luật riêng, từ trường và các nguyên tố riêng của chúng, các yếu tố này phối hợp với nhau một cách ngẫu nhiên, rồi tiến hóa, và cuối cùng lụi dần nhưng năng lượng của chúng thì không bị tiêu tan. Con người có lẽ là sinh vật duy nhất được phú bẩm tư tưởng, ít nhất là trong hành tinh và thái dương hệ của chúng ta. Tôi đã nói rằng con người bị các bản năng và ước muốn điều khiển nhưng xin nói thêm là con người cũng mang trong mình một âm vang, một tiếng vọng, một lời kêu gọi của hỗn mang”.
 
Thế đấy, rất cởi mở. Một lối diễn tả xương xẩu của thời hiện đại giải thích về con người và vũ trụ. Sánh với nó, các cuộc tranh luận thần học Baroque có vẻ nồng hậu, vui vẻ và mời gọi hơn.

Hãy đọc toàn bộ bài phỏng vấn. Sự tương tác giữa người với người vẫn còn rất tuyệt vời và mang lại kết quả khả quan. Tôi đánh cuộc với Eugenio Scalfari rằng từ nay cho đến hết đời ông sẽ chẳng có cuộc trao đổi nào giống như thế này nữa đâu, nó sẽ ở lại với ông mãi mãi – và cả với chúng ta nữa.


Mời đọc toàn văn bản dịch bài phỏng vấn:

 


Toàn văn bài phỏng vấn
Báo vô thần La Repubblica phỏng vấn Đức Phanxicô


Bản dịch của Vũ Văn An (theo bản tiếng Anh của Kathryn Wallace)
Nguồn: Vietcatholic.org
 
Sau lá thư gửi cho người đồng sáng lập tờ báo vô thần La Repubblica, Eugenio Scalfari, Đức Phanxicô đã dành cho ông này một cuộc phỏng vấn “khởi đi từ Công Đồng Vatican II, mở ra nền văn hóa hiện đại”. Sau đây là nguyên văn bài viết của Eugenio Scalfari, dựa vào bản tiếng Anh đăng trên tờ La Republica. Cũng xin thưa: Scalari không cho thấy nội dung bài của ông có được Đức Phanxicô đọc lại hay không. Scalfari lại là một người vô thần. Thiển nghĩ bạn đọc nên lưu tâm tới hai khía cạnh vừa kể trước khi đọc tiếp bài viết của Scalfari.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô bảo tôi: “Những cái ác trầm trọng nhất đang tác động trên thế giới ngày nay là nạn thất nghiệp của người trẻ và nỗi cô đơn của người già. Người già cần được chăm sóc và có người ở bên cạnh; người trẻ cần việc làm và hy vọng nhưng họ không có điều này cũng không có điều nọ, và vấn đề là họ không còn tìm kiếm chúng nữa. Họ đã bị hiện tại đè bẹp. Ông hãy nói cho tôi hay: liệu ông có thể sống dưới sự đè bẹp nặng nề của hiện tại hay không? Không có ký ức dĩ vãng và không muốn nhìn về tương lai bằng cách xây dựng một điều gì đó, một tương lai, một gia đình? Liệu ông có thể tiếp tục sống như thế hay không? Đối với tôi, đây là vấn đề cấp thiết nhất mà Giáo Hội đang phải đương đầu”.

Tôi nói với ngài: thưa Đức Thánh Cha, phần lớn đây là vấn đề chính trị và kinh tế của nhà nước, của chính phủ, của các đảng chính trị, của nghiệp đoàn.

“Đúng, ông nói đúng, nhưng thực sự nó cũng có liên quan tới Giáo Hội, nhất là tới Giáo Hội, vì tình huống này làm tổn thương không những các thân xác mà cả các linh hồn nữa. Giáo Hội phải cảm thấy mình có trách nhiệm đối với cả linh hồn lẫn thân xác”.

Thưa Đức Thánh Cha, ngài nói rằng Giáo Hội phải cảm thấy mình có trách nhiệm. Tôi có nên kết luận rằng Giáo Hội không ý thức được vấn đề đó và ngài sẽ lái Giáo Hội theo hướng này không?

“Ý thức phần lớn đã có đó rồi, nhưng không đầy đủ. Tôi muốn nhiều ý thức hơn nữa. Đó không phải chỉ là vấn đề duy nhất chúng tôi đang phải đối phó, nhưng là vấn đề cấp thiết nhất và cảm kích nhất”.

Cuộc gặp gỡ với Đức Giáo Hoàng Phanxicô diễn ra vào Thứ Ba tuần rồi tại nơi cư ngụ của ngài ở Santa Marta, trong một căn phòng nhỏ trơ trụi, với một chiếc bàn, 5 hoặc 6 chiếc ghế và một bức tranh trên tường. Trước cuộc gặp gỡ này là một cú điện thoại mà suốt đời tôi, tôi sẽ không bao giờ quên được.

Lúc đó là 2 giờ 30 chiều. Điện thoại của tôi reo và bằng một giọng nói hơi run run, người thư ký bảo tôi: “Tôi có Đức Giáo Hoàng ở đầu dây. Tôi sẽ để ngài nói với ông ngay lập tức”.

Tôi vẫn còn bàng hoàng tận lúc nghe được giọng nói của Đức Thánh Cha ở đầu dây bên kia “Kính chào, Giáo Hoàng Phanxicô đây”. Tôi thưa lại “Kính chào Đức Thánh Cha, tôi rất bàng hoàng vì đâu có ngờ ngài lại gọi tôi”. “Tại sao phải bàng hoàng? Ông viết thư cho tôi yêu cầu được gặp tôi đích thân mà. Tôi cũng có cùng một ước muốn như thế, nên gọi để xác định cuộc hẹn. Để tôi xem nhật ký của tôi cái đã: thứ Tư thì không được, thứ Hai cũng không, thứ Ba có thích hợp với ông không?” Tôi thưa ngay: “dạ được”.

“Thời gian có hơi lúng túng một chút, ba giờ chiều, có được không? Nếu không thì phải một ngày khác vậy”. “Thưa Đức Thánh Cha, thời giờ ấy được lắm”. “Thế là chúng ta đã thỏa thuận với nhau rồi nhé: thứ Ba, ngày 24, lúc 3 giờ chiều. Tại Santa Marta. Ông phải vào theo cửa tại đường Sant'Uffizio."

Tôi không biết phải kết thúc cuộc điện đàm này ra sao, đành buông xuôi, và chỉ biết nói “Tôi có thể ôm ngài bằng điện thoại hay không?” “Dĩ nhiên, tôi cũng xin ôm ông. Sau này bọn mình sẽ đích thân làm thế, tạm biệt”.

Và thế là tôi có mặt ở đây. Đức Giáo Hoàng bước vào, bắt tay tôi, và chúng tôi ngồi xuống. Ngài mỉm cười nói với tôi: “Một số các đồng nghiệp của tôi biết ông đã nói với tôi rằng ông đang ráng cải tà qui chính tôi”

Tôi thưa lại “họ chỉ nói dỡn. Còn bạn bè của tôi lại nghĩ rằng ngài muốn cải đạo tôi”. Ngài lại mỉm cười và đáp: “Cải đạo là điều phi lý nghiêm trọng. Nó chẳng có nghĩa gì cả. Ta cần tiến tới chỗ biết nhau, lắng nghe nhau và tăng tiến sự hiểu biết của ta về thế giới quanh ta. Sau một cuộc gặp gỡ, đôi khi tôi muốn sắp xếp một cuộc gặp gỡ khác vì các ý niệm mới mẻ đã phát sinh và tôi nhận ra nhiều nhu cầu mới. Điều quan trọng là: phải biết người, lắng nghe, mở rộng vòng ý niệm. Thế giới đang chằng chịt bởi nhiều con đường gặp nhau gần gũi rồi lại xa nhau, nhưng điều quan trọng là tất cả đều dẫn tới Sự Thiện”.

Thưa Đức Thánh Cha, có chăng một viễn kiến duy nhất về Thiên Chúa? Và ai quyết định được bản chất của viễn kiến này?

“Mỗi người chúng ta đều có một viễn kiến về thiện và ác. Ta phải khuyến khích người ta tiến về phía điều họ nghĩ là Thiện”.

Thưa Đức Thánh Cha, ngài đã viết điều đó trong lá thư gửi cho tôi. Ngài bảo: lương tâm tự lập, và mọi người phải vâng theo lương tâm của mình. Tôi nghĩ đó là một trong những bước can đảm nhất của một vị giáo hoàng”.

“Và tôi xin lặp lại điều đó ở đây. Mọi người đều có ý niệm riêng về thiện và ác và phải chọn theo điều thiện và đánh phá điều ác theo quan niệm của mình. Như thế đã đủ biến thế giới thành nơi tốt hơn”

Giáo Hội có đang làm thế hay không?

“Có, đó là mục đích sứ mệnh của chúng tôi: nhận diện các nhu cầu vật chất và không vật chất của người ta và cố gắng thỏa mãn các nhu cầu ấy bao nhiêu có thể. Ông có biết agape là gì không? “

Có, tôi biết.

"Nó là tình yêu người khác, như Chúa chúng tôi truyền dạy. Nó không phải là cải đạo, nó nguyên tuyền là tình yêu. Tình yêu đối với người lân cận mình, nó là việc lên men nhằm phục vụ thiện ích chung”

Yêu người lân cận như yêu chính ngươi.

"Chính xác như thế".

Trong lời giảng của Người, Chúa Giêsu nói rằng agape, tình yêu người khác, là cách duy nhất để yêu Thiên Chúa. Xin ngài sửa lại nếu tôi nói sai.

"Ông không nói sai. Con Thiên Chúa nhập thể trong linh hồn con người để thấm nhuần trong đó cảm thức huynh đệ. Tất cả đều là anh em và tất cả đều là con cái Thiên Chúa. Abba, như Người vốn gọi Chúa Cha. Người bảo: Tôi chỉ cho các ông đường đi. Hãy theo tôi và các ông sẽ tìm thấy Chúa Cha và tất cả các ông sẽ là con cái của Người và Người sẽ hân hoan ở trong các ông. Agape, tình yêu của mỗi người chúng ta dành cho người khác, từ người gần gũi nhất tới người xa cách nhất, thực sự là con đường duy nhất mà Chúa Giêsu đã ban cho ta để ta tìm ra đường dẫn tới cứu rỗi và hạnh phúc”.

Tuy nhiên, như đã nói, Chúa Giêsu bảo ta rằng tình yêu đối với người lân cận phải tương đương như tình yêu đối với chính mình. Như thế, điều nhiều người gọi là lòng tự yêu mình (narcissism) đã được thừa nhận là có giá trị, là tích cực y như những điều khác. Chúng ta từng nói về khía cạnh này khá nhiều.

“Tôi không thích chữ tự yêu mình (narcissism), nó chỉ lòng yêu mình thái quá và điều này không tốt, nó có thể gây thiệt hại nặng nề không những cho linh hồn những người vướng phải mà còn cho mối liên hệ với người khác, với xã hội ta đang sống nữa. Bất ổn thực sự là: những người mắc chứng này, một chứng tâm thần đúng nghĩa, lại là những người có nhiều quyền thế. Các ông xếp thường yêu mình thái quá”.

Nhiều nhà lãnh đạo trong Giáo Hội cũng mắc phải.

“Ông có biết tôi đang nghĩ gì về vấn đề này không? Các người cầm đầu Giáo Hội thường hay tự yêu mình thái quá, được các quần thần nịnh hót và tâng bốc. Triều đình là phong cùi của ngôi vị giáo hoàng”.

Phong cùi của ngôi vị giáo hoàng, đó là lời chính xác của ngài. Nhưng triều đình đây có nghĩa gì? Có lẽ ngài muốn ám chỉ giáo triều chăng?

“Không, đôi khi có những quần thần trong giáo triều, nhưng như một toàn bộ, giáo triều là một điều khác. Nó là điều mà trong giới quân sự hay gọi là văn phòng sĩ quan hậu cần (quartermaster’s office). Nó quản trị các phòng sở phục vụ Tòa Thánh. Nhưng nó có thiếu sót này: lấy Vatican làm trung tâm. Nó chỉ thấy và lo toan quyền lợi của Vatican, vốn phần lớn là những quyền lợi mau qua. Quan điểm lấy Vatican làm trung tâm này đã quên khuấy thế giới bao quanh ta. Tôi không có cùng quan điểm này và tôi sẽ làm mọi sự trong khả năng để thay đổi nó. Giáo Hội vẫn là và nên trở lại với việc là cộng đồng dân Chúa, và các linh mục, các mục tử và các giám mục, những người đang chăm sóc linh hồn người ta, phải phục vụ dân Chúa. Giáo Hội là thế, một từ ngữ, lạ thay, không khác gì Tòa Thánh, vốn có chức năng riêng, quan trọng đấy nhưng là để phục vụ Giáo Hội. Tôi đã không có khả năng hoàn toàn tin tưởng vào Thiên Chúa và vào Con của Người nếu không được huấn luyện trong Giáo Hội, và nếu không được may mắn hiện diện ở Á Căn Đình, ở một cộng đồng mà không có nó tôi đã không ý thức được chính mình và đức tin của mình”.

Ngài nghe thấy ơn gọi lúc còn rất trẻ?

"Không, không rất trẻ đâu. Gia đình tôi muốn tôi theo nghề khác, đi làm, kiếm tiền. Tôi lên đại học. Tôi cũng có một cô giáo mà tôi rất tôn kính và kết tình thân hữu nhưng cô là một người cộng sản nhiệt thành. Cô thường đọc cho tôi nghe các bản văn của Đảng Cộng Sản và đưa cho tôi đọc chúng nữa. Thành thử, tôi cũng biết rõ quan niệm hết sức duy vật đó. Tôi còn nhớ cô ấy cho tôi xem tuyên bố của người Cộng Sản Mỹ trong việc bênh vực vợ chồng Rosenbergs, từng bị kết án tử hình. Người phụ nữ tôi đang nói về sau đó đã bị bắt, bị tra tấn và bị chế độ độc tài đang cai trị Á Căn Đình hồi đó giết chết”.

Ngài có bị chủ nghĩa cộng sản quyến rũ không?

"Chủ nghĩa duy vật của nó không quyến rũ tôi. Nhưng học về nó qua một người can đảm và trung thực là điều có ích. Tôi hiểu thấu một vài điều, về khía cạnh xã hội, những điều sau đó tôi tìm thấy trong học thuyết xã hội của Giáo Hội”.

Thần học giải phóng, bị Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tuyệt thông, khá phổ biến tại Châu Mỹ La Tinh.

“Đúng, nhiều thành viên của nó là người Á Căn Đình”.

Ngài có nghĩ chống lại họ là điều thích đáng đối với vị giáo hoàng hay không?

“Việc này chắc chắn đem đến cho thần học giải phóng một khía cạnh chính trị, nhưng nhiều thành viên của nó là tín hữu và có quan niệm cao về nhân loại”.

Thưa Đức Thánh Cha, tôi có thể cho ngài hay ít điều về hậu cảnh văn hóa của riêng tôi hay không? Tôi được dưỡng dục bởi một người mẹ hết sức Công Giáo. Lúc 12 tuổi, tôi thắng cuộc thi giáo lý do tất cả các giáo xứ của Rôma tổ chức và tôi được phần thưởng của Tòa Đại Diện Rôma (Vicariate). Tôi vốn rước lễ mỗi thứ Sáu đầu tháng, nói cách khác, tôi từng là một người Công Giáo sống đạo và là một tín hữu thực sự. Nhưng tất cả đã thay đổi khi tôi lên trung học. Trong số các bản văn triết lý khác, tôi đọc cuốn “Bàn Về Phương Pháp” của Descartes và tôi chú ý tới câu nay đã thành phương châm “Tôi suy nghĩ, vậy thì có tôi”. Như thế, cá nhân trở thành căn bản của nhân sinh, cơ sở của tư tưởng tự do.

“Tuy nhiên, Descartes chưa bao giờ bác bỏ niềm tin vào một Thiên Chúa siêu việt”.

Đúng thế, nhưng ông đặt nền tảng cho một viễn kiến rất khác và tôi đã đi theo con đường này, một con đường mà sau này nhờ một số điều khác tôi đọc được đã dẫn tôi tới một nơi rất khác.

"Tuy nhiên, theo điều tôi hiểu được, ông là người không tin nhưng không phản giáo sĩ. Chúng là hai điều rất khác nhau”.

Đúng, tôi không là người phản giáo sĩ, nhưng tôi trở nên như thế khi gặp một người duy phản giáo sĩ.

Ngài mỉm cười và nói “tôi cũng vậy, khi gặp một người duy phản giáo sĩ, tôi cũng bỗng trở thành người phản giáo sĩ. Chủ nghĩa giáo sĩ trị đáng lẽ không nên có bất cứ điều gì liên quan với Kitô Giáo. Thánh Phaolô, người đầu tiên nói chuyện với Dân Ngoại, nghĩa là với các tín hữu của các tôn giáo khác, cũng là người đầu tiên dạy ta điều đó”.

Thưa Đức Thánh Cha, tôi có thể hỏi ngài những vị thánh nào được ngài cảm nhận như là gần gũi nhất với linh hồn ngài, những vị thánh nào đã lên khuôn cho kinh nghiệm tôn giáo của ngài?

"Thánh Phaolô là người đã đặt các viên đá nền tảng cho tôn giáo và tín điều của chúng tôi. Ông không thể là một Kitô hữu có ý thức nếu không có Thánh Phaolô. Ngài diễn dịch các giáo huấn của Chúa Kitô thành một cơ cấu tín lý, một cơ cấu, với sự tham dự của số rất đông các tư tưởng gia, thần học gia và mục tử, đã đề kháng và vẫn sống còn sau hai ngàn năm. Rồi còn các thánh Augustinô, Bênêđíctô, Tôma và Inhã. Dĩ nhiên cả thánh Phanxicô nữa. Tôi có cần phải giải thích lý do tại sao không?”

Đức Phanxicô, (tôi tự cho phép gọi ngài như thế vì chính Đức Giáo Hoàng gợi ý điều này qua cung cách nói năng của ngài, qua cung cách mỉm cười của ngài, với đủ những tiếng biểu lộ ngạc nhiên và hiểu rõ), nhìn tôi như thể khuyến khích tôi đặt các câu hỏi có thể còn gây tai tiếng và bối rối hơn nữa đối với những người đang hướng dẫn Giáo Hội. Bởi thế tôi hỏi ngài: Ngài đã giải thích sự quan trọng của Thánh Phaolô và vai trò thánh nhân đóng, nhưng tôi muốn biết vị nào trong số các vị ngài vừa nêu tên được ngài cảm thấy gần gũi hơn với linh hồn ngài?

“Ông yêu cầu tôi xếp hạng, nhưng xếp hạng là chuyện của thể thao hay những điều tương tự. Tôi sẵn sàng kể cho ông tên các cầu thủ túc cầu nổi iếng nhất của Á Căn Đình. Nhưng các thánh...”

Các vị ấy đùa cợt với phường xỏ lá ba que, ngài hẳn biết câu phương ngôn?

“Đúng như thế. Nhưng tôi không tìm cách lẩn tránh câu ông hỏi đâu, vì ông đâu có yêu cầu tôi xếp hạng tầm quan trọng về văn hóa và tôn giáo của các ngài mà vị nào gần gũi nhất với linh hồn tôi. Nên tôi xin nói: Thánh Augustinô và Thánh Phanxicô”.

Không phải Thánh Inhã, từ Dòng của ngài?

“Thánh Inhã, vì các lý do dễ hiểu, là vị thánh tôi biết rõ hơn bất cứ vị thánh nào khác. Ngài lập một dòng tu. Tôi muốn nhắc ông nhớ (Đức HY) Carlo Maria Martini cũng xuất thân từ dòng tu này, một người rất thân thiết đối với tôi và cả đối với ông nữa. Các tu sĩ Dòng Tên đã là và vẫn là chất men, không phải chất men thường mà là chất men hữu hiệu nhất, của Đạo Công Giáo cả về văn hóa, giảng dạy, truyền giáo, và trung thành với giáo hoàng nữa. Nhưng Thánh Inhã, người sáng lập ra Dòng Tên, cũng là một nhà cải cách và huyền nhiệm nữa. Nhất là huyền nhiệm”.

Và ngài cho rằng các nhà huyền nhiệm cũng quan trọng đối với Giáo Hội?

"Họ là nền tảng. Một tôn giáo mà không có các nhà huyền nhiệm chỉ là một triết lý”.

Ngài có ơn gọi làm nhà huyền nhiệm không?

"Ông nghĩ sao?"

Tôi dám nghĩ vậy.

"Ông dám đúng lắm. Tôi yêu các nhà huyền nhiệm; Thánh Phanxicô cũng huyền nhiệm trong nhiều khía cạnh của cuộc sống, nhưng tôi không nghĩ mình có ơn gọi; vả lại, ta cần hiểu rõ ý nghĩa sâu xa của từ ngữ này. Nhà huyền nhiệm cố gắng lột bỏ mình khỏi hoạt động, sự kiện, mục tiêu và cả sứ mệnh mục vụ nữa và vươn lên cho tới khi vươn tới việc hiệp thông với Cõi Phúc. Những giây phút rất ngắn nhưng tràn ngập cả cuộc sống họ”

Điều đó có bao giờ xẩy ra với ngài không?

“Rất hiếm. Thí dụ, lúc ở cơ mật viện bầu tôi làm giáo hoàng. Trước khi chấp nhận, tôi hỏi xem mình có được dành ít phút ở phòng kế cận với căn phòng có bancông nhìn ra quảng trường hay không. Đầu óc tôi lúc đó hoàn toàn trống vắng và tôi bị một cơn xao xuyến dữ dội tràn ngập mình. Để xua đuổi cơn xao xuyến ấy và để thư giãn, tôi nhắm mắt lại và ráng xua đuổi mọi suy nghĩ đi, cả suy nghĩ từ chối không chấp nhận chức vụ, như thủ tục phụng vụ vốn cho phép. Tôi nhắm mắt thật kỹ và bỗng chẳng còn xao xuyến hay xúc cảm gì nữa. Có lúc, tôi còn được tràn ngập một thứ ánh sáng vĩ đại. Nó chỉ kéo dài một lúc, nhưng với tôi, nó như rất lâu. Rồi ánh sáng này mờ dần, tôi bỗng đứng lên và bước trở lại căn phòng nơi các Hồng Y đang ngồi đợi và chiếc bàn trên đó có bản kinh chấp nhận. Tôi ký vào bản kinh đó, Đức Hồng Y Nhiếp Chính phó thự và rồi ngoài bancông có lời (tuyên bố) ‘Habemus Papam’ (Chúng ta đã có giáo hoàng)”.

Chúng tôi im lặng một lúc, rồi tôi lên tiếng: chúng ta đã nói tới các vị thánh mà ngài cảm thấy gần gũi hơn cả với linh hồn ngài và ngừng lại ở Thánh Augustinô. Ngài có thể cho tôi hay tại sao ngài cảm thấy rất gần gũi với vị thánh này?

"Ngay với vị tiền nhiệm của tôi, Thánh Augustinô cũng là một điểm để qui chiếu rồi. Vị thánh này đã trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống và nhiều lần thay đổi chủ trương của ngài về học thuyết. Ngài cũng có những lời lẽ gay gắt đối với người Do Thái, điều mà tôi không bao giờ chia sẻ. Ngài viết nhiều cuốn sách nhưng cuốn mà tôi nghĩ nói lên sự thâm hậu về trí thức và linh đạo nhất của ngài là cuốn “Tự Thú”, cuốn này cũng chứa đựng khá nhiều biểu hiện của huyền nhiệm học, nhưng không như nhiều người nghĩ, ngài không phải là người tiếp nối Thánh Phaolô. Thực vậy, ngài nhìn Giáo Hội và đức tin một cách khác hẳn Thánh Phaolô, có lẽ chỉ trong vòng cách biệt bốn thế kỷ”.

Thưa Đức Thánh Cha, đâu là sự khác biệt?

“Theo tôi, nó hệ ở hai khía cạnh chủ yếu. Thánh Augustinô cảm thấy bất lực trước tính vô biên của Thiên Chúa và các trách vụ mà một Kitô hữu và một giám mục phải chu toàn. Thực ra, ngài không hề bất lực, nhưng ngài cảm thấy linh hồn ngài luôn kém hơn điều ngài mong muốn và cần nó phải là. Và rồi ơn Thánh do Chúa ban làm yếu tố căn bản của đức tin. Của sự sống. Của ý nghĩa đời người. Người không được ơn thánh đụng tới có thể là người không tì vết và không sợ hãi, như người ta vốn nói, nhưng họ sẽ không bao giờ giống như người được ơn thánh tác động. Đó là cái nhìn thấu suốt của Thánh Augustinô”.

Ngài có cảm thấy ngài được ơn thánh tác động không?

"Không ai biết được điều đó. Ơn thánh không phải là thành phần của ý thức, nó là lượng ánh sáng trong linh hồn ta, chứ không phải là nhận thức hay lý lẽ. Ngay cả ông, dù không biết, vẫn có thể được ơn thánh tác động”.

Cả người không có đức tin? Người không tin?

"Ơn thánh liên quan tới linh hồn”

Tôi không tin có linh hồn.

"Ông không tin nhưng ông vẫn có một linh hồn”.

Thưa Đức Thánh Cha, ngài nói rằng ngài không có ý định cải đạo tôi và tôi không nghĩ ngài sẽ thành công.

"Ta không biết được điều đó, nhưng tôi không có ý định như thế”.

Còn Thánh Phanxicô?

"Ngài vĩ đại vì ngài là mọi sự. Ngài là người muốn thực hiện nhiều việc, ngài muốn xây dựng, ngài đã lập một dòng tu và luật lệ của dòng này, ngài là người du hành và là nhà truyền giáo, một thi sĩ và là một tiên tri, ngài là nhà huyền nhiệm. Ngài tìm thấy sự ác trong chính ngài và bứng hết rễ của nó. Ngài yêu thiên nhiên, thú vật, lá cỏ trên thảm cỏ và chim bay trên trời. Nhưng trên hết, ngài yêu người ta, yêu trẻ nhỏ, yêu người già, phụ nữ. Ngài là điển hình chói sáng nhất của agape mà ta đã nói ở trên”.

Đức Thánh Cha nói đúng, mô tả của ngài tuyệt hảo. Nhưng tại sao không vị tiền nhiệm nào của ngài đã chọn tên đó? Và tôi tin rằng sau ngài, không vị nào sẽ chọn nó.

"Ta không biết được, ta không nên dự đoán tương lai. Quả thực, trước tôi chưa ai chọn tên ấy. Ở đây ta đương đầu với vấn nạn lớn nhất. Ông muốn uống gì không?

Cám ơn ngài, có lẽ một ly nước.

Ngài đứng lên, mở cửa và yêu cầu ai đó ở lối ra vào đem vào 2 ly nước. Ngài hỏi xem tôi có muốn uống càphê hay không, tôi thưa không. Rồi nước được mang tới. Cuối buổi đàm thoại của chúng tôi, chiếc ly của tôi chắc chắn sẽ cạn, nhưng ý chí của ngài thì sẽ luôn luôn đầy. Ngài hắng giọng và bắt đầu nói.

"Thánh Phanxicô muốn có một dòng khất sĩ và một dòng di thuyết (itinerant). Họ là những nhà truyền giáo chịu gặp nhau, lắng nghe, thảo luận, giúp đỡ, truyền bá đức tin và tình yêu. Nhất là tình yêu. Và ngài mơ một Giáo Hội nghèo, biết chăm sóc người khác, tiếp nhận các trợ giúp vật chất và dùng chúng để nâng đỡ người khác, mà không hề quan tâm tới chính mình. 800 năm đã qua kể từ ngày đó, và thời gian có biến đổi, nhưng lý tưởng truyền giáo, Giáo Hội nghèo thì vẫn còn giá trị. Đây vẫn là Giáo Hội mà Chúa Giêsu và các môn đệ của Người rao giảng về”.

Các Kitô hữu của ngài hiện đang là thiểu số. Ngay tại Ý, vốn được coi là sân sau của giáo hoàng. Theo một số thăm dò, các người Công Giáo ngoan đạo chỉ vào khoảng giữa 8 và 15 phần trăm. Những người nói mình là Công Giáo nhưng thực tế không được Công Giáo bao nhiêu vào khoảng 20 phần trăm. Trên thế giới, hiện có 1 tỷ người Công Giáo, hay hơn, và cộng với các Giáo Hội Kitô Giáo khác, thì có hơn 1 tỷ rưỡi, nhưng dân số thế giới hiện là 6 hay 7 tỷ người. Chắc chắn qúy vị đông, nhất là ở Châu Phi và Châu Mỹ La Tinh, nhưng vẫn là một thiểu số.

"Chúng tôi vốn luôn luôn đông, nhưng vấn đề ngày nay không phải thế. Bản thân tôi nghĩ rằng thiểu số thực sự là sức mạnh. Chúng tôi phải là men cho đời và cho tình yêu và việc lên men này cực kỳ nhỏ hơn so với khối hoa trái và cây cối từ nó phát sinh ra. Tôi tin tôi đã nói rằng mục tiêu của chúng tôi không phải là cải đạo mà là lắng nghe các nhu cầu, ước mong, các thất vọng, ê chề và hy vọng. Chúng tôi phải tái tạo hy vọng cho người trẻ, giúp đỡ người già, chào đón tương lai, truyền bá tình yêu. Làm người nghèo giữa người nghèo. Chúng tôi cần bao gồm những người bị loại bỏ và truyền giảng hòa bình. Vatican II, một công đồng vốn được Đức Gioan và Phaolô VI gợi hứng, đã quyết định nhìn về tương lai với một tinh thần hiện đại và cởi mở đối với nền văn hóa hiện đại. Các nghị phụ biết rằng cởi mở đối với nền văn hóa hiện đại có nghĩa đại kết về tôn giáo và đối thoại với người không tin. Nhưng sau đó, rất ít điều đã được thực thi theo hướng đó. Tôi có lòng khiêm nhường và tham vọng muốn làm một điều gì đó”.

Tôi xin phép được thêm điều này, cũng vì xã hội hiện đại trên khắp thế giới đang trải qua thời kỳ khủng hoảng sâu đậm, không những về kinh tế mà cả về xã hội và tâm linh nữa. Lúc đầu buổi gặp gỡ của chúng ta, ngài từng mô tả một thế hệ bị sức nặng hiện tại đè bẹp. Ngay những người không tin như chúng tôi cũng cảm nhận sức nặng gần như nhân học này. Đó là lý do tại sao chúng tôi muốn có cuộc đối thoại với những người tin và những người đại diện cho họ hơn cả.

"Tôi không biết liệu tôi có phải là người đại diện họ hơn cả hay không, nhưng ơn quan phòng đã đặt tôi đứng đầu Giáo Hội và Giáo Phận của Thánh Phêrô. Tôi sẽ làm những gì tôi có thể làm được để chu toàn sứ mệnh đã được ủy thách cho tôi”.

Như ngài đã chỉ rõ, Chúa Giêsu từng nói: Con phải yêu người lân cận như chính con. Ngài có nghĩ điều đó đã xẩy ra chưa?

"Bất hạnh thay, chưa xẩy ra. Tính vị kỷ mỗi ngày mỗi tăng và tình yêu người mỗi ngày mỗi giảm”.

Như thế, mục tiêu chung của chúng ta là: ít nhất phải cân bằng nồng độ của hai loại tình yêu này. Liệu Giáo Hội ngài đã sẵn sàng và được trang bị để thi hành nhiệm vụ này chưa?

“Ông nghĩ gì?”

Tôi nghĩ lòng yêu quyền lực tạm bợ vẫn còn rất mạnh bên trong tường thành Vatican và trong cơ cấu định chế của toàn bộ Giáo Hội. Tôi nghĩ định chế đang thống trị người nghèo, Giáo Hội truyền giáo mà ngài ưa thích.

“Thực thế, đó là cách thế hiện nay, và ở lãnh vực này, ông khó có thể làm phép lạ. Để tôi nhắc ông nhớ: ngay Thánh Phanxicô, vào thời ngài, cũng đã phải thương thảo rất lâu với phẩm trật Rôma và Giáo Hoàng mới được họ nhìn nhận luật dòng của ngài. Cuối cùng, ngài cũng nhận được sự nhìn nhận nhưng phải sửa đổi và nhượng bộ rất nhiều”.

Liệu ngài có theo đường lối đó không?

"Tôi không phải là Thánh Phanxicô thành Assidi và tôi không có được sức mạnh và sự thánh thiện của ngài. Nhưng tôi là giám mục Rôma và giáo hoàng của thế giới Công Giáo. Điều tôi quyết định đầu tiên là cử nhiệm một nhóm 8 vị Hồng Y làm cố vấn cho tôi. Không phải là quần thần mà là những người khôn ngoan cùng chia sẻ tâm tư với tôi. Đây là khởi điểm của một Giáo Hội với một tổ chức không chỉ từ trên đi xuống mà còn hàng ngang nữa. Khi Đức Hồng Y Martini nói tới việc phải tập chú vào các công đồng và các thượng hội đồng, ngài biết rõ đi theo hướng này đòi hỏi thời gian và khó khăn xiết bao. Nhẹ nhàng, nhưng cương quyết và kiên trì”.

Còn chính trị?

"Tại sao ông hỏi thế? Tôi đã nói rằng Giáo Hội không đương đầu với chính trị”.

Nhưng cách đây mấy ngày, ngài từng kêu gọi người Công Giáo hãy dấn thân về phương diện dân chính và chính trị?

"Tôi không chỉ nói với người Công Giáo mà là với mọi người có thiện chí. Tôi nói rằng chính trị là hoạt động quan trọng nhất trong các hoạt động dân chính và có riêng lãnh vực hành động của nó, lãnh vực này không phải là lãnh vực của tôn giáo. Theo định nghĩa, các định chế chính trị có tính thế tục và hành xử trong các phạm vi độc lập. Mọi vị tiền nhiệm của tôi đều cùng nói như thế, ít nhất trong nhiều năm qua, dù với các giọng điệu khác nhau. Tôi tin rằng người Công Giáo can dự vào chính trị mang theo họ các giá trị của tôn giáo họ, nhưng họ có ý thức trưởng thành và tài chuyên môn để thực thi chúng. Giáo Hội sẽ không bao giờ đi quá trách nhiệm của mình là phát biểu và phổ biến các giá trị của mình, ít nhất bao lâu tôi còn ở đây”.

Nhưng điều đó đâu có luôn luôn đúng với Giáo Hội.

"Gần như chưa bao giờ đúng thế. Như một định chế, Giáo Hội thường bị trấn áp bởi đầu óc trần đời và nhiều chi thể cũng như nhiều nhà lãnh đạo cao cấp của Giáo Hội vẫn cảm nhận cách này. Nhưng bây giờ để tôi hỏi ông một câu: ông, một người thế tục không tin vào Thiên Chúa, vậy ông tin điều gì? Ông là một nhà văn và một nhà tư tưởng. Ông hẳn tin điều gì đó, ông hẳn có một giá trị trổi vượt. Ông đừng trả lời tôi bằng những chữ như trung thực, tìm kiếm, viễn kiến ích chung, thẩy đều là các nguyên tắc và giá trị quan trọng, nhưng đó không phải là điều tôi muốn hỏi. Tôi hỏi: điều gì ông nghĩ là yếu tính của thế giới, đúng hơn, của vũ trụ. Ông hẳn tự hỏi mình, dĩ nhiên, giống mọi người khác, chúng ta là ai, chúng ta từ đâu tới, chúng ta đi đâu. Ngay trẻ em cũng tự hỏi chúng các câu hỏi này. Còn Ông?”

Tôi cám ơn ngài đã hỏi câu này. Câu trả lời là: tôi tin Hữu Thể, điều ở trong tế bào từ đó phát sinh ra hình thể (forms), cơ thể.

"Còn tôi thì tin Thiên Chúa, không phải Thiên Chúa Công Giáo, không hề có Thiên Chúa Công Giáo, chỉ có một Thiên Chúa và tôi tin Chúa Giêsu Kitô, việc nhập thể của Người. Chúa Giêsu là thầy dạy tôi và là mục tử của tôi, nhưng Thiên Chúa, Chúa Cha, Abba, là ánh sáng và là Tạo Hóa. Đó là Hữu Thể của tôi. Ông có nghĩ chúng ta quá cách xa nhau không?”

Ta xa nhau trong tư duy, nhưng giống nhau như những con người nhân bản, được sinh động hóa một cách vô thức nhờ các bản năng trở thành các xung động, cảm xúc và ý chí, tư tưởng và lý trí. Về phương diện này, ta giống nhau.

"Nhưng ông có thể định nghĩa điều ông gọi là Hữu Thể hay không?”

Hữu thể là cấu trúc của năng lượng. Một năng lượng hỗn mang (chaotic) nhưng không thể tiêu diệt được và là một hỗn mang trường cửu. Các hình thể xuất phát từ năng lượng này khi nó đạt tới điểm nổ tung. Các hình thể có định luật riêng của chúng, từ trường riêng của chúng, các yếu tố hóa học của chúng, các yếu tố này phối hợp với nhau một cách tình cờ, biến hóa, và cuối cùng tàn lụi nhưng năng lượng của chúng thì không bị hủy diệt. Con người có lẽ là con vật duy nhất được phú bẩm tư tưởng, ít nhất trong hành tinh và thái dương hệ của ta. Tôi đã nói rằng con người được thúc đẩy bởi các bản năng và ước muốn nhưng tôi xin thêm: họ cũng chứa trong mình một vang dội, một tiếng vang, một lời kêu gọi của hỗn mang”.

"Được. Tôi không muốn ông cho tôi một bản tóm lược về triết lý của ông và điều ông vừa nói đã đủ cho tôi. Theo quan điểm của tôi, Thiên Chúa là ánh sáng soi chiếu bóng tối, dù không làm bóng tối tiêu tan, và một đốm sáng thần linh có trong mỗi con người chúng ta. Trong thư tôi viết cho ông, ông nhớ tôi đã nói rằng chủng loại chúng ta sẽ chấm dứt nhưng ánh sáng của Thiên Chúa sẽ không chấm dứt và ở điểm đó, nó sẽ tràn ngập mọi linh hồn và sẽ hiện diện trong mọi người”.

Có, tôi nhớ rất rõ. Ngài nói: “Mọi ánh sáng sẽ hiện diện trong mọi linh hồn” nếu tôi được phép nói, điều này nói lên hình ảnh nội tại tính hơn là hình ảnh siêu việt tính.

"Siêu việt tính vẫn còn vì ánh sáng kia, tất cả trong mọi sự, vượt trên vũ trụ và mọi chủng loại cư ngụ trong đó. Nhưng xin trở lại với hiện tại. Ta đã thực hiện được một bước tiến trong cuộc đối thoại của ta. Ta đã nhận xét rằng trong xã hội và trên thế giới ta đang sống, tính vị kỷ gia tăng nhiều hơn là tình yêu người khác, và những người có thiện chí phải cố gắng dùng sức mạnh và tài chuyên môn riêng để bảo đảm rằng tình yêu người khác phải gia tăng cho tới lúc cân bằng và có thể vượt quá tình yêu chính mình”.

Một lần nữa, chính trị lại xuất hiện rồi.

"Chắc chắn. Bản thân tôi vẫn nghĩ: chủ nghĩa gọi là tự do không hạn chế chỉ làm người mạnh mạnh hơn và người yếu yếu hơn và loại bỏ những người bị loại bỏ hơn cả. Ta cần tự do lớn lao, không kỳ thị, không mị dân và thật nhiều yêu thương. Ta cần các qui luật hành xử và nếu cần, sự can thiệp trực tiếp của nhà nước để sửa sai các bất bình đẳng không thể nào chịu được nữa”.

Thưa Đức Thánh Cha, chắc chắn ngài là người có đức tin lớn lao, được ơn thánh tác động, được sinh động hóa bởi ước mong muốn phục hồi một Giáo Hội mục vụ, truyền giáo được đổi mới chứ không trần đời nữa. Nhưng do cách ngài nói năng và do điều tôi hiểu được, ngài là và sẽ là một vị giáo hoàng cách mạng. Nửa là Dòng Tên, nửa là người của Thánh Phanxicô, một phối hợp có lẽ chưa từng có trước đây. Và rồi, ngài còn thích “The Betrothed” của Manzoni, Holderlin, Leopardi và nhất là Dostoevsky, phim "La Strada" và "Prova d'orchestra" của Fellini, "Open City" của Rossellini và cả cuốn phim của Aldo Fabrizi nữa .

"Tôi thích các nghệ phẩm đó vì tôi từng xem chúng với cha mẹ tôi khi còn nhỏ”.

Vâng ra thế đó. Tôi có được phép đề nghị hai cuốn phim mới phát hành gần đây không? Cuốn “Viva la libertà" và cuốn về Fellini của Ettore Scola. Tôi tin chắc ngài thích chúng. Về quyền lực, tôi xin thưa, ngài có biết khi 20 tuổi tôi đã trải qua một tháng rưỡi trong một cuộc tĩnh tâm với các cha Dòng Tên không? Lúc ấy, quân Quốc Xã đang hiện diện tại Rôma còn tôi thì trốn quân dịch. Tội ấy đáng tử hình. Các cha dòng Tên dấu chúng tôi với điều kiện phải linh thao suốt thời gian các ngài dấu chúng tôi.

"Nhưng đâu có thể đứng linh thao cả tháng rưỡi phải không?” Ngài hỏi thế, ngạc nhiên và thích thú. Tôi sẽ kể cho ngài nghe thêm vào lần sau.

Chúng tôi ôm nhau. Cùng leo một cầu thang ngắn để ra cửa. Tôi thưa với Đức Giáo Hoàng: ngài không cần tháp tùng tôi nhưng ngài tỏ dấu gạt đi. “Chúng ta cũng sẽ thảo luận vai trò phụ nữ trong Giáo Hội. Ông hãy nhớ rằng Giáo Hội (la chiesa) vốn là phái nữ.

“Và nếu ông muốn, ta cũng có thể nói về Pascal. Tôi muốn biết ông nghĩ gì về linh hồn cao cả này.

“Xin chuyển phép lành của tôi tới mọi người trong gia đình ông và xin họ cầu nguyện cho tôi. Hãy nghĩ tới tôi, nghĩ tới tôi luôn.”

Chúng tôi bắt tay nhau và ngài đứng đó với hai ngón tay nâng lên để chúc lành. Tôi vẫy tay với ngài từ cửa sổ. Đó là Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Nếu Giáo Hội trở nên giống ngài và trở nên như lòng ngài mong ước, ta sẽ có một thay đổi có tính thời đại.
 

 

Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 59
  • Khách viếng thăm: 39
  • Máy chủ tìm kiếm: 20
  • Hôm nay: 11201
  • Tháng hiện tại: 33387
  • Tổng lượt truy cập: 12323099