Trang mới   https://gpquinhon.org

Giáo xứ Đồng Quả

Đăng lúc: Thứ ba - 22/01/2013 18:03
GIÁO XỨ ĐỒNG QUẢ
 
 

I. VỊ TRÍ ĐỊA LÝ :

                 Đồng Quả là một Giáo xứ ở miền núi vùng Tây Bắc Bình Định. Mẹ Maria với tước hiệu Hồn Xác Lên Trời là Bổn mạng Giáo xứ Đồng Quả. Trung tâm sinh hoạt tôn giáo của Giáo xứ thuộc thôn Kim Sơn, xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định. Từ  Cầu Dợi trên quốc lộ IA, cách nhà thờ Đại Bình về hướng Bắc khoảng 02 km, theo tỉnh lộ 630 đi đến Kim Sơn khoảng 27 km.

II. ĐÔI DÒNG LỊCH SỬ :

               Thung lũng Kim Sơn vừa có núi rừng hùng vĩ, vừa có dòng sông Kim Sơn ẻo lả chuyển mình khi vào Nam, khi ra Bắc, khi xuôi Đông, quanh co uốn lượn đem nguồn nước cung cấp cho vùng đất. Hai dòng sông nhỏ là Nước Lương và Nước Roong phát nguyên từ  huyện An Lão hợp với sông Nước Mang và những khe suối hai bên bờ tạo thành sông Kim Sơn. Sông Kim Sơn chảy đến  Phú Văn, xã Ân Thạnh gặp nguồn sông An Lão hợp thành dòng sông Lại Giang. Nước sông Lại Giang chảy qua Bồng Sơn, xuống cửa An Giũ  hoà mình với đại dương. Lúc bấy giờ, dòng chảy của các sông là đường giao thông thuận lợi của cư dân trong vùng.

             Thung lũng vùng núi Kim Sơn như cái quạt nan xoè ra với nhiều nan quạt : Đồng Hâu, Phú Hữu, Phú Ninh, Bình Sơn, Nghĩa Điền, Đồng Bé, Đồng Gáo, Đồng Gí, thì Đồng Quả là điểm hội tụ của những nan quạt ấy. Tại thung lũng hẻo lánh nầy, ai đem Tin Mừng đến đây ? bằng cách nào ? thế nào ? khi nào ? hiện giờ vẫn chưa tìm được tài liệu nào cho biết đích xác.

            Theo sử liệu của Tỉnh Dòng Phanxicô Tây Ban Nha, năm 1726, Đức Cha Francisco Pérez, vị chủ chăn của Giáo phận đã trao ngôi nhà thờ dâng kính thánh Micae ở Đồng Hâu cho Cha Filipe de la Concepción, vị thừa sai Phanxicô vừa mới đến Giáo phận. Năm sau, Cha Filipe de la Concepción trùng tu lại ngôi nhà thờ nầy [1].

            Tại sao ngôi nhà thờ nầy được trùng tu ? Có thể ngôi nhà thờ nầy được xây dựng đã lâu. Thời điểm năm 1726, ngôi nhà thờ nầy đã cũ kỹ, cần phải trùng tu. Như thế ánh sáng Tin Mừng đã đến vùng thung lũng Kim Sơn nầy từ trước thời điểm năm 1726. Có thể những tín hữu đầu tiên ở thung lũng Kim Sơn là các tín hữu từ các vùng lân cận như Gia Hựu, Bồng Sơn, Thác Đá..., xa hơn như Quảng Nam, Quảng Ngãi, đã theo đường sông Lại Giang đến đây lập nghiệp. Tục truyền rằng vào thời Hậu Lê, vùng vúi nầy có vàng như tên gọi của nó là Kim Sơn, vàng ở Kim Sơn được khai thác để góp phần vào việc triều cống Trung Hoa. Thời Trịnh Nguyễn phân tranh, vàng đã cạn, dân trong vùng lân cận tìm đến đây mót vàng, lại có đất bằng, có nước sông, có cá, có đủ điều kiện sinh sống nên họ đã định cư. Ngược dòng sông Lại Giang, các thừa sai đã đến đây thăm viếng, ban các Bí tích cho giáo dân.

             Lần theo tiểu sử các thừa sai của Hội Truyền Giáo Nước Ngoài Paris (MEP), Đức Cha Cuénot đã ẩn trú tại nhà ông Nhơn ở Đồng Hâu gần một năm trước khi đến và đặt Toà Giám Mục tại Gò Thị [2]. Sự kiện đó cho thấy hạt giống đức tin đã lớn, đã sống mạnh tại thung lũng Kim Sơn hẻo lánh nầy.

            Theo thống kê năm 1850 của Đức Cha Cuénot Thể, vùng Bồng Sơn Miền Núi gồm có [3]:
 

 
STT GIÁO ĐIỂM SỐ GIÁO DÂN
01 Đồng Hâu Đông 354
02 Đồng Hâu Tây 246
03 Đồng Đỗ 213
04 Ngãi Điền 139
05 Đồng Quả Nam 103
06 Đồng Quả Tây   81
07 Đồng Quả Bắc   64
08 Đồng Quả Đông   60
09 Đồng Quả Hạ   50
10 Truông Ổi   69
11 Đồng Dài 233
12 Đại Bình   84
13 Thác Đá 331
14 Bình Phú 212
15 Tây Phú 134
 
Năm 1872, Cha Jules Vialleton đã được bổ nhiệm đến Đồng Quả . Cha làm việc tại đây một thời gian ngắn.

 Vùng truyền giáo Bồng Sơn Miền Núi đang trên đà phát triển thì đành chung số phận với vùng truyền giáo Bồng Sơn Miền Biển anh em, gánh chịu những cuộc bách hại của phong trào Văn Thân .

Các lãnh tụ Văn Thân đã đồng loạt bách hại từ Hội Đức, Thác Đá cho đến Đồng Quả trong cùng một ngày, cùng một cách : Bao vây, đốt phá nhà thờ, tàn sát các tín hữu.

Tại Đồng Quả Thượng, Cha Trang, các Dì Phước và hầu hết tín hữu đã bị thiêu trong nhà thờ.

Tổng kết cuộc bách hại nầy :

- Đồng Quả Thượng có 600 tín hữu thì 580 tín hữu bị sát hại, trong đó có 45 Dì Phước và khoảng 100 trẻ mồ côi.
- Đồng Quả Hạ có 300 tín hữu, bị sát hại 272 người.
- Đồng Bé có 30 tín hữu, bị sát hại 22 người.
- Nghĩa Điền Thượng có 80 tín hữu, bị sát hại 66 người.
- Nghĩa Điền Hạ có 150 tín hữu, bị sát hại 138 người.
- Đồng Gí có 103 tín hữu, bị sát hại 86 người.
- Đồng Gáo có 120 tín hữu, bị sát hại 116 người.
- Đồng Đỗ có 80 tín hữu, không ai sống sót.
 
Ông Trùm Cường[4] ở Nghĩa Điền, một trong những người còn sống sót sau cuộc bách hại của Văn Thân đã cho biết lý do tại sao các tín hữu không vào núi để trốn :“ Trốn trong núi thì dễ, nhưng một số đông mà ở lâu cho kín đáo trong làng Thượng tiếp giáp với Annam thì không thể được. Sớm muộn sẽ bị lộ, sẽ bị chết một cách nào đó, ít ra là bị làm nô lệ. Chúng tôi không muốn gì hơn là được chết với nhau trong nhà thờ, chúng tôi đã đồng lòng như thế và đã chuẩn bị sẳn sàng”. [5]

Quyết tâm sống chết với nhau, nhưng sự quan phòng khôn dò của Thiên Chúa không để tất cả phải chết. Một số ít ỏi tín hữu còn sống sót phải lang thang ẩn trú trong rừng. Ngày xưa, tiên tri Êlia vì trung thành với đức tin mà hoàng hậu Izabel đã tìm cách cướp mạng ông, ông phải chạy trốn, lang thang trong hoang địa. Thiên Chúa cho Thần sứ mang bánh và nước nuôi sống ông [6]. Bấy giờ các tín hữu Chúa đang lang thang trong rừng vì đức tin, Thiên Chúa cũng nuôi sống họ bằng trái cây, rau củ hoang dại, và bằng lòng tốt của người Thượng đã nuôi cơm một ít tín hữu để trông coi nương rẫy cho họ.

Với sự  bách hại tàn khốc của Văn Thân, tưởng chừng các giáo điểm trong vùng thung lũng Kim Sơn đã lụi tàn. Tuy nhiên, dòng máu đào của các tín hữu đã thấm vào lòng đất như hạt giống đã được gieo, chờ ngày nảy mầm.

Sau hơn một năm ẩn trú, đầu năm 1887, số ít tín hữu còn sống đã lần hồi trở về ổn định cuộc sống với bà con trong xóm làng. Thay vì trông coi nương rẫy cho người Thượng, giờ đây họ là những người chăm lo cho cánh đồng lúa mới của Thiên Chúa. Từ năm 1889 cho đến sau năm 1900, hầu hết tất cả các giáo điểm đã bị Văn Thân tàn phá được hồi sinh với hàng loạt người xin gia nhập Đạo. Những giáo điểm mới được thành lập như Hội Tĩnh, Phú Ninh, Phú Thạnh ...
 
CÁC LINH MỤC CHĂM SÓC MỤC VỤ TẠI ĐỒNG QUẢ  SAU PHONG TRÀO VĂN THÂN
           
            1. Cha Phêrô Niên (1887 – 1890)
           
            Cha Phêrô Niên đã có nhiều cảm nghiệm sống đức tin. Cha chào đời năm 1841 tại Kim Châu, Bình Định.  Khi chiếu chỉ phân sáp của Vua Tự Đức được ban hành, lúc bấy giờ Cha là Chủng sinh trường Làng Sông bị giải thể về nhà, Cha hãnh diện đón nhận hai bên má dòng chữ ‘ Bình Định tả đạo ’ . Cha thụ phong Linh mục năm 1884. Cha được bổ nhiệm về Phú Thượng. Cha đã kinh qua những khó khổ trong lúc chống trả Văn Thân tại Phú Thượng.

            Năm 1887, Cha được bổ nhiệm về Đồng Quả. Với tấm lòng mục tử đã từng kinh qua những cuộc bách hại đức tin, Cha đồng cảm, đồng hành với nhóm tín hữu vùng thung lũng Kim Sơn còn sống sót sau cuộc bách hại của Văn Thân. Cha với con đồng cảnh ngộ, đồng tình, đồng lòng xây dựng cộng đoàn tín hữu trong huynh đệ và hiệp nhất, làm hạt nhân cho các nhóm tân tòng trong các giáo điểm.

Năm 1890, Cha được bổ nhiệm về Đồng Dài.
 
           2. Cha Louis  Nézeys (1890 – 1894)

            Cha Louis  Nézeys thụ phong Linh mục ngày 24 tháng 9 năm 1887 tại Pháp. Cuối năm 1887, Cha đã đến Phan Rang. Tháng 6/1890, Cha được gọi về Làng Sông. Tháng 9/1890, Cha được bổ nhiệm về Đồng Quả. Cha Louis  Nézeys được bổ nhiệm đến Đồng Quả với tư cách là Cha sở [7] . Trước thời điểm nầy, Đồng Quả là một giáo điểm thuộc quyền chăm sóc mục vụ của Cha sở Gia Hựu.

            Với sức trẻ, nhiệt tình và năng nổ, Cha Louis  Nézeys  đã tái lập các nhà nguyện tạm thời tại các giáo điểm, đón nhận và chăm sóc các dự tòng. Cha tổ chức khai khẩn đất nhằm tạo kế sinh sống cho giáo dân, đặc biệt cho những người đã mất ruộng vườn, nhà cửa trong biến cố Văn Thân. Năm 1891, Cha xây dựng nhà thờ Đồng Quả xinh đẹp, tạo niềm phấn khởi cho giáo dân và sự thán phục của đồng bào trong vùng. Số tín hữu gia tăng nhanh chóng. Năm 1890, có 320 tín hữu; năm 1894, có 1200 tín hữu [8]. Năm 1894, Cha Louis  Nézeys  được bổ nhiệm làm quản lý nhà chung.
 
            3. Cha Eugène Durand  (1894-1899) [9]

            Cha Eugène Durand sinh ngày 20-01-1864, thụ phng Linh mục ngày 26-09-1886. Cha đến làm việc tại Giáo phận vào năm 1887. Năm 1894, Cha được bổ nhiệm làm việc tại Đồng Quả .

            Cha Eugène Durand tiếp tục công việc của vị tiền nhiệm. Cha chăm sóc mục vụ các tân tòng một cách đặc biệt, tạo kế sinh sống, cho ở gần nhau để có thể giúp nhau trong nhiều công việc. Cha còn đào tạo giảng viên giáo lý và đưa vào ở với các tân tòng để củng cố thêm giáo lý cho họ.

Cha Durand đã truy tập hài cốt các tín hữu bị Văn Thân bách hại, đưa hài cốt về chôn cất tại một nơi gọi là nhà mồ, kề bên nhà thờ Đồng Quả. Hằng năm, tại nhà mồ nầy, thánh lễ được cử hành vào ngày lễ kính Bảy sự thương khó Đức Mẹ ( lễ Mẹ Sầu Bi ) để kính nhớ các tín hữu đã bị sát hại vì đức tin.

Sau thời gian làm việc cật lực nơi rừng thiêng nước độc, Cha bị suy nhược. Cha phải đi an dưỡng và sau đó Cha được bổ nhiệm làm việc ở Phan Rí.

Trong thời gian Cha Durand làm Cha sở Đồng Quả, Cha Phanxicô Xaviê Hương được bổ nhiệm làm phụ tá cho Cha Durand (1895-1897).

              4. Cha Alexis Boivin  ( 1899-1904 ; 11/1907- 01/1912)

            Cha Alexis Boivin sinh ngày 13-02-1870, thụ phong Linh mục ngày 02-7-1893. Năm 1899, Cha được bổ nhiệm làm việc tại Đồng Quả.

            Cha Alexis Boivin có tiếng hiền hậu và rộng lượng. Giáo dân cũng như lương dân dành cho Cha nhiều cảm tình đặc biệt. Năm 1903, số giáo dân đã lên đến 4.231 người trong 31 giáo điểm. Đầu năm 1904, Cha Alexis Boivin được bổ nhiệm về Phan Rang. Tháng 11-1907, Cha được bổ nhiệm về lại Đồng Quả.

            Các Cha phụ tá :
- Cha Giuse Trần Nhi (1900-1907)
- Cha Phêrô Yến ( 1901-1904)
                       
               5. Cha Joseph Lalanne  ( 1904-1907)

            Cha Joseph Lalanne thụ phong Linh mục ngày 22-6-1902. Sau khi học tiếng Việt tại Sông Cát (ngày nay thuộc Giáo xứ Ngọc Thạnh), Cha Lalanne được bổ nhiệm đến làm việc tại Kỳ Bương. Tháng 10 năm 1904, Cha được bổ nhiệm làm việc tại Đồng Quả. Năm 1905, Cha Charles Dorgeville được bổ nhiệm làm phụ tá cho Cha Lalanne. Cha Dorgeville làm việc tại đây cho đến năm 1908, Cha được bổ nhiệm về Chủng viện Làng Sông.

            Năm 1907, Cha Lalanne được bổ nhiệm làm Giám đốc trường Thầy Giảng. Cha Boivin về lại Đồng Quả. Trong thời điểm nầy Cha rất khổ tâm vì hàng loạt tân tòng xin bỏ đạo [10] . Theo báo cáo thường niên năm 1905, Đồng Quả có 4.264 tín hữu, chiếm vị trí đầu tiên của 43 xứ trong Giáo phận về con số tân tòng. Năm 1909 chỉ còn 1.558 tín hữu.

Sau thời gian làm việc mệt nhọc, tháng 01-1912, Cha Boivin về Pháp để an dưỡng .
 
              6. Cha Eugène Poyet  (1912-1919)

Cha Eugène Poyet  chào đời ngày 09 tháng 01 năm 1863, thụ phong Linh mục ngày 24 tháng 09 năm 1887. Tháng 01-1912, Cha Eugène Poyet được bổ nhiệm đến Đồng Hâu [11]. Sau hơn 05 năm  hăng say làm việc tại đây, Cha Poyet đã bắt đầu kiệt sức. Ngày 09-05-1919, Cha lên đường vào Sài Gòn để chuẩn bị về Pháp an dưỡng.

Năm 1914, Gia Chiểu được tách khỏi Thác Đá, nhập về Đồng Quả.

Trong thời gian Cha Poyet làm việc tại Đồng Hâu, Cha được sự cộng tác của các Cha phụ tá :

- Cha Simon Võ Thọ (1908 – 1914)
- Cha Marcel Piquet (tháng 4/1914-16)  [12]
- Cha Gioakim Nguyễn Lịch (tháng 6/1914-16)
   làm việc tại Gia Chiểu.
- Cha Tánh ( 1915 - 1919 )
- Cha Phêrô Chánh ( 8/1916 - .... )
- Cha Phêrô Lê Đức Kính (1919-1929). Cha làm phụ tá biệt lập tại Đồng Hâu cho tới năm 1929, Cha được bổ nhiệm làm Cha sở Ninh Hoà.
 
                7. Cha Bertrand Etcheberry  ( 1919 – 1922 )

Cha Bertrand Etcheberry sinh ngày 25-06-1883, thụ phong Linh mục ngày 07-07-1907. Sau lễ Phục sinh năm 1919, Cha Etcheberry được bổ nhiệm làm Cha sở Đồng Quả. Nhà thờ Đồng Quả với tranh tre nứa lá sau hơn 30 năm sử dụng, nay đã dột nát. Cha Etcheberry khởi công tái thiết nhà thờ Đồng Quả bằng vật liệu rắn chắc : Gạch, ngói. Cha cũng xây dựng lại nhà xứ  tạm đủ cho Cha sở và Cha phụ tá.

Tháng 8 năm 1922, Cha Etcheberry được bổ nhiệm làm việc ở Phú Thượng. Thời điểm nầy Đồng Quả có 1.519 tín hữu.
 
                8. Cha F.X. Vĩ  (1922-1934)

Cha Vĩ sinh năm 1884 tại Diêm Điền, Tân Dinh; thụ phong Linh mục năm 1912. Cha Vĩ là Linh mục Việt Nam đầu tiên được bổ nhiệm làm Cha sở Đồng Quả. Cha Vĩ tiếp tục hoàn thành nhà thờ Đồng Quả mà vị tiền nhiệm của ngài đang làm dở dang.
Năm 1929, Cha tái thiết nhà thờ Đồng Hâu. Nhà thờ Đồng Quả Hạ được tái thiết và khánh thành ngày 18-7-1929. Thời điểm nầy, Đồng Quả có 1.669 tín hữu trong 11 giáo họ.[13]

 Năm 1934 Cha được bổ nhiệm về Gò Thị.

Trong 12 năm làm việc xóc vác tại Đồng Quả, sức lực phương phi của Cha cũng phải hao mòn theo năm tháng. Khí hậu miền sơn cước đã cấy nơi thân xác của Cha mầm bệnh sốt rét rừng. Chính căn bệnh nầy đã cắt đứt hơi thở của Cha vào ngày 20 tháng 03 năm 1941 tại Làng Sông.

Năm 1929, Cha Kính đi Ninh Hoà, Cha Gioan Suất được bổ nhiệm làm phụ tá Đồng Quả.
 
                9. Cha Phêrô Nguyễn Đức Tín (1934-1938)

Cha Phêrô Nguyễn Đức Tín chào đời năm 1898 tại Trà Kiệu, Quảng Nam. Năm 1919, Cha được du học tại Roma, thụ phong Linh mục tại Roma năm 1925. Năm 1934, Cha được bổ nhiệm làm Cha sở Đồng Quả. Năm 1938, Cha được bổ nhiệm làm giáo sư Đại Chủng Viện Quy Nhơn.
 
                 10. Cha Gioan Baotixita Nguyễn Đức Quảng (1938-1942).

Năm 1939, Đồng Hâu, Gò Dê, Gia Chiểu được tách khỏi Đồng Quả lập thành Giáo xứ Gia Chiểu. Cùng năm nầy, Cha Phaolô Nguyễn Minh Đoan được bổ nhiệm làm phụ tá Cha sở Đồng Quả, năm 1940 Cha Đoan được bổ nhiệm làm phụ tá Cha sở Tuy Hoà.

                  12. Cha Giuse Lê Văn Ly (1942-1950)

                  13. Cha Alexis Lê Trung Hậu (1951-1954)

                  14. Cha Gioan Baotixita Nguyễn Đức Quảng, Cha sở Gia Chiểu kiêm nhiệm Đồng Quả (1955-1956)

                  15. Cha Antôn Hoàng Liên Mầu ( 1956 –1957)

                  16. Cha Anrê Nguyễn Hoàng Nhu ( 1957-1964 )

            Khi Cha Anrê Nguyễn Hoàng Nhu được bổ nhiệm đến Đồng Quả, nhà thờ Đồng Quả đã hư hao sau hơn 30 năm sử dụng. Cha Nhu làm lại nhà thờ mới rộng thoáng hơn.

            Năm 1964, tình hình an ninh trong vùng không ổn định. Tháng 10 năm 1964, Cha Nhu và một số đông giáo dân di cư vào Quy Nhơn. Trong thời điểm chiến tranh xảy ra ác liệt trong vùng, toàn bộ giáo dân đã di cư đi nơi khác, nhà thờ bị bom đánh sập.           

 

TÌNH HÌNH GIÁO XỨ TỪ NĂM 1975 ĐẾN NAY

 
Năm 1975, chiến tranh chấm dứt, một số ít giáo dân đã hồi cư. Bom đạn cùng với thời gian hoang phế đã tàn phá toàn bộ cơ sở vật chất của Giáo xứ . Tình hình xã hội sau năm 1975 không cho phép các Linh mục hiện diện tại Đồng Quả. Số giáo dân đã hồi cư phải đến nhà thờ Đại Bình để cử hành và lãnh nhận các bí tích. Hiện nay[14] Đồng Quả có 924 giáo dân trong 06 giáo họ do Cha sở Đại Bình chăm sóc mục vụ :
 

 

STT

GIÁO HỌ ĐỊA CHỈ GIÁO DÂN NHÀ THỜ BỔN MẠNG
01 Ngãi Điền Ngãi Điền, Ân Nghĩa, Hoài Ân 333 Không còn Thánh Giuse
02 Phú Trị Phú Trị, Ân Nghĩa, Hoài Ân 100 Không có  
03 Đồng Quả Kim Sơn, Ân Nghĩa, Hoài Ân 102 Còn nền Mẹ Lên Trời
04 Đồng Quả Hạ Phú Hữu, Ân Tường Tây,
Hoài Ân
285 Còn nền Mẹ Vô Nhiễm
05 Hội Tĩnh Liên Hội, Ân Hữu, Hoài Ân 70 Còn nền Thánh F.X.
06 Đồng Gí Hội Văn, Ân Hữu, Hoài Ân 34 Không có  
 
 
III. LINH MỤC-TU SĨ XUẤT THÂN TỪ GIÁO XỨ
 
1. Cha Simon Nguyễn Kim Ngọc
 Sinh năm 1911 tại Đồng Quả Hạ ( Phú Hữu); Thụ phong Linh mục năm 1941; Chết năm 1979 tại Hoa Kỳ.
2. Cha Phêrô Nguyễn Kỳ Hội
Sinh ngày 15-08-1916 tại Kim Sơn; Thụ phong Linh mục ngày 15-04-1945; Chết năm 1984 tại Bồng Sơn.
3. Cha Simon Huỳnh Tấn Công
Sinh  ngày 19-09-1919 tại Ngãi Điền; Thụ phong Linh mục ngày 17-05-1955; Chết ngày 17-08-2003 tại Quy Nhơn.
4. Cha Phaolô Nguyễn Thanh Bình
Sinh ngày 07-10-1920 tại Kim Sơn; Thụ phong Linh mục ngày 03-08-1953; Chết ngày 07-03-2007 tại Quy Nhơn.
5. Cha Giuse Nguyễn Đình Bút
Sinh ngày 18-04-1970, tại Đồng Tre, Phú Yên. Nguyên quán Kim Sơn; thụ phong Linh mục ngày 04-03-2005.
6. Nữ tu Brigitte Nguyễn Thị Trọn
Sinh năm 1932 tại Kim Sơn; khấn trọn đời trong Dòng Mến Thánh Giá Quy Nhơn năm 1962. 

 

IV. Kết

Ngày nay tại giáo xứ Đồng Quả không có nhà thờ bằng gỗ đá, mỗi tâm hồn tín hữu là một ngôi đền thờ phượng. Sự hiện diện thường xuyên của Linh mục trên vùng đất nầy đang là một nhu cầu bức thiết. Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến.
 

 

 

[1] Marie-Antoine Trần Phổ Ofm. Tỉnh Dòng Anh Em Hèn Mọn Việt   Nam,lược khảo lịch sử, trang 92.
[2] A. Tardieu, Hạnh Đức Cha Thể, Imp. Làng Sông 1907, p. 28.
[3] Mm. No.57, 9/1909, p. 151-152.
[4] Ông cố ngoại của Cha Simon Huỳnh Tấn Công.
[5] Compte – Rendu 1941,
[6] 1Reg.  9,1-8.
[7] Mgr. Van Camelbecke, Rapport de 1890.
[8] Mgr.Van Camelbeke, Rapport de 1891.
[9] Trong tiểu sử của Cha Durand không thấy nhắc đến thời gian  ngài làm việc tại Đồng Quả. Tuy nhiên căn cứ vào các Rapport hằng năm của Đức Cha Van Camelbeke , chúng ta biết được ngài đã làm việc tại Đồng Quả trong thời điểm 1894-1899.
[10] Trong tháng 3 và tháng 4 năm 1908, một số sĩ phu khơi dậy một phong trào quần chúng. Phong trào nầy kêu gọi đồng bào biểu tình ôn hoà xin chính quyền bảo hộ giảm thuế. Tại Bình Định, tiến sĩ Hồ Sĩ Tạo, người làng Hoà Cư, An Nhơn, đã lãnh đạo phong trào nầy. Các tân tòng sợ phong trào nầy sẽ thành ‘Văn thân’ thứ hai tàn sát tín hữu nên xin bỏ đạo hàng loạt.
[11] Đồng Hâu và Đồng Quả là hai giáo điểm thuộc vùng thung lũng Kim Sơn được các Cha chọn làm cư sở tuỳ theo thời điểm. Trong các thống kê hằng năm, từ năm 1907 đến năm 1919 thì Đồng Hâu là giáo điểm được các Cha chọn làm cư sở. Từ năm 1920 cho đến lúc di cư thì Đồng Quả là cư sở.
[12] Ngày 11-11-1943, được Toà Thánh bổ nhiệm làm Giám mục Quy Nhơn.
[13] Mm. 7/1929, p. 46.
[14]  Cuối năm 2005.

Tác giả bài viết: Lm. Gioan Võ Đình Đệ
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 75
  • Khách viếng thăm: 45
  • Máy chủ tìm kiếm: 30
  • Hôm nay: 29823
  • Tháng hiện tại: 80083
  • Tổng lượt truy cập: 12369795