Trang mới   https://gpquinhon.org

Đề tài học hỏi tháng 5: Đức ái không làm điều bất chính

Đăng lúc: Thứ sáu - 02/05/2014 18:42
 
 
Lời Chúa trong thư thứ nhất của thánh Phêrô tông đồ (1Pr 2,21-24)

“Đức Kitô đã chịu đau khổ vì anh em, để lại một gương mẫu cho anh em dõi bước theo Người. Người không hề phạm tội; chẳng ai thấy miệng Người nói một lời gian dối. Bị nguyền rủa, Người không nguyền rủa lại; chịu đau khổ mà chẳng ngăm đe, nhưng một bề phó thác cho Đấng xét xử công bình. Tội lỗi của chúng ta, chính Người đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá, để một khi đã chết đối với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính”.
(Bài đọc II, Chúa nhật IV Phục sinh, ngày 11 tháng 5)
 

ĐỨC ÁI KHÔNG LÀM ĐIỀU BẤT CHÍNH
 
Nhiều thư của thánh Phaolô chứa đầy những lời nhắc nhở khuyên răn sống bác ái yêu thương, nhất là ở phần đầu và cuối thư. Điều này cho chúng ta thấy đối với ngài đức mến rất quan trọng. Một cộng đoàn sống đức mến sẽ luôn nâng đỡ nhau thực thi đức mến và sẽ phát triển vững vàng trong tình yêu mến và phục vụ. Để đào sâu về đức mến trong thư Phaolô, chúng ta dựa vào thư của thánh Phaolô gởi cho giáo đoàn Côrintô chương 13,4-7 :
 “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả.” Trong bài này chúng ta tìm hiểu về đức mến : “ Không Làm Điều Bất Chính
 
I. KHÔNG NÓI NHỮNG LỜI BẤT CHÍNH
 
Không nên nói lời nói thù hận hay bực tức ai, thù hận hay bực tức cái gì. Dù chuyện gì xấu xảy ra, luôn nghĩ tốt, nói tốt. Nhìn mọi vật xảy ra dưới con mắt yêu thương và cảm thông, luôn thấy lòng tốt, lòng thương yêu của người khác.
Không nên nói xấu, chê bai chỉ trích, nói cái sai, cái lỗi của bất kỳ ai. Hãy luôn nói tốt về mọi người, nhưng phải đúng sự thật kể cả với lời nói khen ngợi.
Không nên nói những lời nói hạ nhục, lăng mạ, chửi mắng, ác độc, hung dữ…Hãy luôn nói những lời nói ôn tồn, dễ nghe, hiền lành, dịu dàng, nhẹ nhàng…
Không nên gọi người khác là mày, tao, nó, mẹ nó, con đó,…mà hãy xưng tên hoặc gọi người khác bằng anh, chị, chú, bác, em, cháu, con…
Đừng vô ơn khi ai giúp mình, ai cho mình vật gì và phải biết nói lời cám ơn, và xin lỗi khi mình phạm sai lầm.
Không nên chửi thề, thề thốt.
Không nói lời nói chia rẽ, mất đoàn kết, ly gián nhau. Hãy nói những lời nói đoàn kết, hòa hợp, tạo sự hòa hợp trong tập thề, gia đình, chỉ nói tốt cho nhau, không nói xấu ai sau lưng...
Không nên nói dối, kể cả nói dối để chơi, vui đùa. Khi biết ai thường hay nói dối thì mình có còn tin họ nữa không? Nếu chúng ta biết đặt câu hỏi này thì mình đừng nói dối với ai. Đến khi mình bị mất lòng tin thì đã quá trễ. Mình đau khổ như thế nào khi bị nói dối. Vậy hãy thương yêu mọi người và đừng nói dối lừa gạt ai. Đối với trẻ em cũng vậy chúng ta cũng phải cẩn thận khi nói chuyện với chúng, đừng nghĩ các em không biết gì. Thường cha mẹ hay nối dối để gạt con ăn cơm, uống thuốc, đi học rằng “Con ăn cơm, uống thuốc hay đi học đi, cha mẹ sẽ mua đồ chơi cho”, đến khi con ăn cơm, uống thuốc xong hay đi học về hỏi đồ chơi thì cha mẹ cứ lảng qua chuyện khác rồi quên luôn. Được vài lần như vậy con cái sẽ không còn tin cha mẹ nữa. Cha mẹ sống không làm gương cho con cái nói lời nói không thành thật thì con cái ngay từ nhỏ đã bắt đầu biết nói dối cha mẹ và tất cả mọi người.
Không nên chuyện có nói không, chuyện không nói có. Có thì nói có, không thì nói không, thêm thắt điều gì là do ác quỷ (x Mt 5,37). Đừng đánh giá sự việc hay người khác qua sự suy tưởng của mình, vì con người hay suy bụng mình ra bụng người.
Không nói lời nói hai lời, lúc thế này lúc thế khác. Do vậy chớ có hứa bất kỳ điều gì. Hứa mà không thực hiện được là chúng ta đánh mất lòng thương yêu. Hôm nay sống ngày mai chết thì sao thực hiện được lời hứa. Hôm nay như vầy ngày mai nhiều chuyện khác xảy ra thay đổi mọi thứ thì làm sao giữ được lời hứa. Do vậy chớ nên hứa một điều gì.
Còn đối với ai thấy người khác thất hứa thì cũng tha thứ bỏ qua cho, vì đã hiểu rằng cuộc sống này là tạm bợ, mọi chuyện đều thay đổi, cho nên vui vẻ chấp nhận. Chính sự vui vẻ này đem lại niềm vui cho mình và người thất hứa, thật là tuyệt vời làm sao khi biết sống thương yêu. Nhưng khi đã hứa thì cố gắng thực hiện cho được với lòng thương yêu, nhất là khi buôn bán chỉ nói một giá, đôi khi do lòng tham thấy người ta chịu mua đồ của mình thì lại cứ tưởng mình bán rẻ cho nên tăng giá, vì khi bán một món hàng có giá trị lớn như đất đai nhà cửa thì ai cũng sợ nói hớ giá rẻ, thấy người ta chịu mua ngay thì suy nghĩ lại rồi tăng giá.
 
II. KHÔNG LÀM NHỮNG ĐIỀU BẤT CHÍNH
 
Thánh Phaolô đã liệt kê những kẻ hành động bất chính khi ngài nói đến trong thư gởi giáo đoàn Côrintô: “Nào anh em chẳng biết rằng những kẻ bất chính sẽ không được vào Nước Thiên Chúa làm cơ nghiệp sao? Anh em đừng lầm. Những kẻ dâm đảng, thờ ngẫu tượng, ngoại tình, trụy lạc, kê gian, những kẻ trộm cướp, tham lam, say sưa rượu chè, quen chửi bới, sẽ không được vào Nước Thiên Chúa làm cơ nghiệp”. (1Cr 6,9-10)

1. Dâm đãng:

Trong thư gởi giáo đoàn Côrintô thánh Phaolô viết: “Anh em hãy tránh xa tội gian dâm. Mọi tội người ta phạm đều là ngoài thân xác mình, còn kẻ gian dâm thì phạm đến chính thân xác mình. Hay anh em lại chẳng biết rằng thân xác mình là Đền Thờ của Thánh Thần sao? Mà Thánh Thần đang ngự trong anh em là Thánh Thần chính Thiên Chúa đã ban cho  anh em. Như thế, anh em đâu thuộc về mình nữa, vì Thiên Chúa đã trả giá đắt mà chuộc lấy anh em. Vậy anh em hãy tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác anh em”. (1Cr 6, 18-20)
Đoạn Kinh Thánh này chỉ ra rằng tội tà dâm là nghiêm trọng hơn những tội lỗi khác, tại vì những tội lỗi khác người ta phạm đều là ngoài thân thể, nhưng tội tà dâm là phạm đến chính thân thể mình. Mà thân thể của của chúng ta là đền thờ của Chúa Thánh Thần. Khi chúng ta đặt niềm tin vào Chúa, ta phó thác cuộc đời của mình hoàn toàn cho Chúa, ta ăn năn hối cải, rồi chịu phép rửa, thì Chúa sẽ ban Thánh Thần ngự trong lòng ta. Nếu ta phạm tội tà dâm thì ta đã phạm đến chính Đền Thờ của Chúa Thánh Thần rồi. Hơn nữa Chúa Giê-su đã cứu chuộc chúng ta khỏi vòng nô lệ của tội lỗi bằng máu châu báu của Ngài, ấy là giá chuộc cao quý nhất. Cho nên chúng ta trở thành con cái Chúa , cuộc đời của ta thuộc về Chúa, ta không phải thuộc về chính mình nữa. Bởi vậy ta không được làm ô uế thân thể này, ta phải dâng lên cả cuộc đời của mình để tôn vinh Chúa.

2. Thờ Ngẫu Tượng:

Thờ ngẫu tượng là thần tượng, là sùng bái ai đó hoặc cái gì đó ngoài Thiên Chúa. Chúng ta cần phân biệt những kiểu thờ ngẫu tượng :

a. Ngẫu tượng vô hình. “Vậy anh em hãy giết chết những gì thuộc về hạ giới trong con người anh em: ấy là gian dâm, ô uế, đam mê, ước muốn xấu và tham lam; mà tham lam cũng là thờ ngẫu tượng” (Cl 3:5). Thờ ngẫu tượng là vậy, nghĩa là các vật mà con người ham muốn đã chiếm vị trí sùng kính trong tâm hồn thay vì Thiên Chúa. Chúng ta không nghĩ điều này chỉ xảy ra nếu con người tham lam bắt đầu sùng bái vật chất là tiền bạc, của cải,… Sự thật là việc sùng bái như vậy là thờ phượng ngẫu tượng. Bản chất tham lam của con người có thể sùng bái bất cứ thứ gì: “Ngươi không được ham muốn nhà người ta, ngươi không được ham muốn vợ người ta, tôi tớ nam nữ, con bò con lừa, hay bất cứ vật gì của người ta” (Xh 20:17). Khi bạn làm vậy là bạn tôn thờ ngẫu tượng.

b. Thờ ngẫu tượng khi giao tiếp với tà thần. Rõ ràng Kinh thánh dạy chúng ta rằng thờ các tà thần là thờ ngẫu tượng:“Các ngươi không được hướng về các tà thần, không được đúc tượng thần mà thờ. Ta là ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của các ngươi” (Lv 19:4). Trong ví dụ này, vấn đề không là các ảnh tượng, mà vấn đề là những gì các ảnh tượng đó miêu tả. Chính các thần không quan tâm ảnh tượng, nhưng họ khuyến khích dùng ảnh tượng. Các ảnh tượng đó miêu tả những cái sai.

c. Thờ ngẫu tượng khi tin dị đoan. Việc mê tín dị đoan cũng là một hình thức của sự thờ ngẫu tượng.

d. Thờ ngẫu tượng là thờ Thiên Chúa thật qua hình ảnh. 

Chúng ta có thể phân biệt sự tôn thờ tà thần với các ảnh tượng thật (mục b ở trên), Thiên Chúa thật với các ảnh tượng sai (mục d ở trên). Nhưng điều này không phân biệt giữa sự thờ ngẫu tượng và sự phi thờ ngẫu tượng (idolatry and non-idolatry). Kinh thánh kết án cả hai, với cùng một cách nói. Khi dân Israel bị cấm làm các ảnh tượng, họ bị cấm làm các ảnh tượng Thiên Chúa thật cũng như những thứ khác mà họ tạo ra rồi bái lạy với danh nghĩa tà thần: “Đức Chúa phán với anh em từ trong đám lửa: anh em nghe thấy tiếng nói nhưng không thấy hình bóng nào, chỉ có tiếng thôi” (Đnl 4:12).

3. Ngoại tình :

Khi một người đã có gia đình mà có một quan hệ tình cảm nam nữ riêng tư với một người khác là phạm tội ngoại tình. Có những người đi đến chỗ có quan hệ tình dục với nhau, có những người chỉ yêu thương nhớ nhung trong tư tưởng, nhưng dù dưới hình thức nào, tất cả những tình cảm đó là ngoại tình, vì khiến ta không giữ vẹn tình yêu và sự chung thủy đối với người phối ngẫu.

Ngoại tình là một trọng tội. Nó không chỉ phương hại đến đời sống tâm linh, mà còn ảnh hưởng đến cả đời sống xã hội nữa. Trong 10 giới luật của Thiên Chúa, 3 trong những giới luật này trực tiếp hay gián tiếp liên quan đến ngoại tình mà mọi người Kitô hữu vẫn thường được nghe và biết tới, đó là giới răn thứ Sáu “cấm dâm dục”; thứ Bẩy “cấm ăn cắp của người”, và thứ Chín: “cấm chiếm đoạt, ham muốn vợ chồng người khác”. Mặc dù có gia đình hay không có gia đình mà vướng phải 1 trong ba giới luật ấy là mang trọng tội. Do đó, hành động ngoại tình không những xúc phạm đến Thiên Chúa, đến bản thân, và đến người khác.
Với Thiên Chúa, hành động ngoại tình phủ nhận quyền sáng tạo, và luật lệ mà Ngài đã ghi khắc trong lòng mỗi người bằng tiếng nói lương tâm.
Với chính bản thân, người ngoại tình đã xúc phạm đến thân xác và linh hồn của mình và người khác bằng việc say đắm dục vọng: “Chớ làm sự dâm dục”.
Với anh chị em mình, người ngoại tình đã phạm tội ăn cắp, ăn cắp tình yêu và ăn cắp thân xác của vợ hay chồng người khác: “Chớ lấy của người”. Hành động này cũng dẫn đến tội tham lam điều mà không thuộc về của mình là vợ, chồng người khác: “Chớ muốn vợ, chồng người.”
Tóm lại, đối với người Công Giáo, thì ngoại tình không chỉ lỗi phạm đến đạo đức, mà còn lỗi phạm đến đức bác ái, và vì thế hành động này không thể chấp nhận được. Ðó là một hành động vô đạo đức và thiếu trưởng thành về mặt tâm lý.

4. Kê gian (đồng tính luyến ái):

Đồng tính luyến ái, hay đồng tính chỉ việc bị hấp dẫn trên phương diện tình yêu hay tình dục hoặc việc yêu đương hay quan hệ tình dục giữa những người cùng giới tính với nhau trong hoàn cảnh nào đó hoặc một cách lâu dài. Gay (từ tiếng Anh ) chỉ người đồng tính nam, lesbian hay đọc ngắn là les là chỉ người đồng tính nữ.

Kinh Thánh trước sau như một nói với chúng ta hành động đồng tính luyến ái là tội. (x St 19:1-13; Lv 18:22; Rm 1:26-27; I Cr 6:9).

5. Trụy lạc, tham lam, say sưa rượu chè, quen chửi bới :

Kinh Thánh Cựu Ước đã sử dụng rất nhiều từ như đừng, hay chớ để khuyên nhủ con người tránh lối sống vô độ, như đừng “chè chén say sưa”; chớ “ăn uống quá độ, “đừng ăn quá nhiều”. 
Bởi vì sự vô độ trong ăn uống sẽ dẫn đến những hậu quả tai hại: vô độ trong ăn uống sẽ dẫn đến sinh ra bệnh tật và ảnh hưởng đến sức khoẻ, hay chỉ ra đó còn là nguyên nhân của sự nghèo đói: “Bởi vì kẻ say sưa ăn nhậu ắt sẽ phải túng nghèo; kẻ mơ màng buồn ngủ sẽ khố rách áo ôm” (Cn 23,21), “Một người thợ say sưa sẽ không giàu có được,…”(Hc 19, 1). 
Chè chén say sưa sẽ dẫn tới trụy lạc: “Chớ say sưa rượu chè, vì rượu chè đưa tới trụy lạc, nhưng hãy thấm nhuần Thần Khí” (Ep 5,18). Hơn nữa, sự chè chén say sưa sẽ làm cho con người đánh mất hạnh phúc Nước Trời: “Những kẻ trộm cướp, tham lam, say sưa rượu chè, quen chửi bới, sẽ không được Nước Thiên Chúa làm cơ nghiệp” (1Cr 6,10).
Để tránh lối sống vô độ này, sách Thánh khuyên con người, trước hết, đừng lấy việc say sưa để giải vui, hay để giải sầu, hay cho đó là lối sống của mình: “Điều gì con không thích, thì cũng đừng làm cho ai cả. Đừng uống rượu đến say sưa, cũng đừng lấy việc say sưa làm bạn đường của con” (Tb 4,15). Vẫn biết rằng, rượu ngon làm phấn khởi lòng người, nhưng sự phấn khởi đó chỉ có ý nghĩa khi dùng nó có chừng mực. Vì thế, nhiều người đã tu tập để rồi chè chén say sưa, với lý do rượu ngon phải có bạn hiền. 
 
Kết Luận :
 
Để kết luận bài này thiết tưởng không gì tốt hơn là chúng ta dành vài phút suy niệm lời của Thánh Tông Đồ nói về Đức Mến Kitô giáo:
“ Giả như tôi nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa mà không có Đức Mến, thì tôi chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm chọe xoang xoảng.
Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có cả Đức Tin đến chuyển núi dời non, mà không có Đức Mến, thì tôi chẳng là gì.
Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có Đức Mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi.” (1 Cr 13,1-3).
Lạy Thiên Chúa là Tình Yêu, chúng con xin Chúa ban cho chúng con Ơn Đức Tin, Ơn Đức Cậy và nhất là Ơn Đức Mến để chúng con biết yêu mến Chúa và yêu thương người lân cận như Ý Chúa muốn!


Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 52
  • Khách viếng thăm: 41
  • Máy chủ tìm kiếm: 11
  • Hôm nay: 21111
  • Tháng hiện tại: 107941
  • Tổng lượt truy cập: 12397653