Trang mới   https://gpquinhon.org

Đề tài học hỏi tháng 4: Đức ái: không vênh vang, tự đắc

Đăng lúc: Thứ hai - 31/03/2014 04:47
LỜI CHÚA
 
 
Lời Chúa trong sách ngôn sứ Isaia (Is 42,1-2)
“Đây là người tôi trung Ta nâng đỡ,
Là người Ta tuyển chọn và hết lòng quí mến,
Ta cho thần khí Ta ngự trên người;
Người sẽ làm sáng tỏ công lý trước muôn dân.
Người sẽ không kêu to, không nói lớn,
Không để ai nghe tiếng giữa phố phường”.
(Bài đọc I, thứ hai tuần thánh, ngày 14 tháng 4)


ĐỨC ÁI : KHÔNG VÊNH VANG, TỰ ĐẮC
 
 
Chúng ta đang sống chủ đề “Gia tăng đức ái” của giáo phận. Hai tháng qua chúng ta đã bắt đầu tìm hiểu và sống đức ái dựa theo chương 13 thư thứ nhất Corintô, tháng này chúng ta tiếp tục tìm hiểu và áp dụng cho cuộc sống về đặc tính tiếp theo của đức ái: không vênh vang, tự đắc.
Trong chương 12 trước đó của thư thứ nhất gởi tín hữu Corintô, thánh Phaolô đã đề cập đến thái độ vênh vang, tự đắc của các bộ phận trong thân thể khi nói với nhau: “tôi không cần đến anh”, “tôi không cần các anh”. Đúng là vênh vang, tự đắc. Vênh vang, tự đắc tức là kiêu ngạo.
Kiêu ngạo là lòng yêu quá mức đối với sự ưu tú của mình – về ngoại hình, trí tuệ hoặc sự vui thú phi pháp do chúng ta suy nghĩ không có ai hơn mình” (trích từ cuốn Bảy Tội Chính của ĐGM Fulton J. Sheen, trang 37).
Kiêu ngạo là một khuynh hướng dường như có sẵn trong con người, chỉ chờ cơ hội để bộc phát.

1. Một vài hậu quả của tội kiêu ngạo mà chúng ta đã biết:

- Quỷ Luxiphe :
Vì kiêu ngạo mà Luxiphe đã bị án phạt của Thiên Chúa: Từ thiên thần ánh sáng thành ma quỷ.
- Tội của Adong, Evà :
Tội nguyên tổ là một ví dụ điển hình, vì muốn ngang bằng Thiên Chúa, nên Adong và Evà đã bất tuân lệnh Chúa ăn trái cấm. Hậu quả của tội kiêu ngạo là bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng, xa cách Thiên Chúa, chịu biết bao đau khổ, và sau cùng phải chết. Từ đó đến nay, tội này càng ngày càng tác hại khốc liệt trong thế giới con người, làm cho con người xa cách Thiên Chúa, gây hận thù chồng chất, làm gia đình ly tán, và ngăn cản con người đạt tới những điều thiện hảo trong cuộc sống.
- Tháp Babel :
Thuở ấy, mọi người đều nói một thứ tiếng và dùng những từ như nhau. Trong khi di chuyển ở phía đông, họ tìm thấy một đồng bằng ở đất Sin-a và định cư tại đó. Họ bảo nhau: "Nào ! Ta đúc gạch và lấy lửa mà nung !" Họ dùng gạch thay vì đá và lấy nhựa đen làm hồ. Họ nói : "Nào ! Ta hãy xây cho mình một thành phố và một tháp có đỉnh cao chọc trời. Ta phải làm cho danh ta lẫy lừng, để khỏi bị phân tán trên khắp mặt đất".
Hậu quả là họ phải bị phân tán khắp mặt đất. (Stk.11,1-9)
- Con tàu Titanic :
Kỷ niệm đáng ghi nhớ nhất cho con người thời nay là câu chuyện chiếc tàu Titanic. Người ta nghĩ rằng bàn tay con người có thể làm nên một con tàu không thể chìm là một sự vô cùng kiêu ngạo. Mọi con tàu do con người chế tạo đều có thể chìm. Bằng việc tuyên bố chúng ta có thể làm ra một con tàu không có thể chìm được với kỹ thuật tân tiến hiện đại đã thách thức quyền năng của Thiên Chúa. Đúng như lời thánh Phaolô nói về tinh thần của thời đại này là kiêu căng (Rm.12,3; 1Cr.4,7). Tinh thần kiêu căng đó đã thúc đẩy người ta viết vào mạn tàu mấy chữ : “No Pope, no God” : không có Giáo hoàng, không có Thiên Chúa ! Và trong chuyến hải hành đầu tiên từ Anh sang Mỹ, sự gì đã xảy ra như chúng ta đã biết. Một tai họa đã giáng xuống như câu chuyện xây tháp Babel trong Cựu ước.
- Thỏ và rùa chạy đua :
Ai trong chúng ta cũng biết câu truyện ngụ ngôn “Thỏ và rùa”. Thỏ kiêu ngạo đã thua rùa.
- Người biệt phái và thu thuế lên đền thờ cầu nguyện :
Người thu thuế được tha tội còn người biệt phái thì không. (Lc.18,9-14)

2. Hãy xét mình về tính kiêu ngạo :

Lòng ham danh vọng, ích kỷ và kiêu ngạo, đó là những tật xấu ăn rễ sâu trong bản tính tự nhiên của con người, rất khó chừa bỏ, đến độ thánh Phanxicô De Sales đã nói như sau:
"Tính tự phụ kiêu căng nơi mỗi người chúng ta chỉ chết đi mười lăm phút sau khi ta đã chết. Hơn nữa, môi trường xã hội chung quanh xem ra không đề cao lòng quảng đại, vị tha, sự phục vụ khiêm tốn của anh chị em. Mà ngược lại có chứa những yếu tố có tính kích thích lòng ham danh lợi, tính tự phụ của mỗi người chúng ta. Nhiều lúc chúng ta bị cám dỗ muốn làm việc này việc nọ, muốn nói điều này điều khác, cốt chỉ để khoe khoang và mưu tìm danh vọng cho bản thân mà thôi".
Sở dĩ chúng ta thường mắc chứng kiêu ngạo là vì chúng ta chưa biết mình, chưa nhận ra chân dung thật của con người mình. Nếu nhìn thẳng vào mình, chúng ta sẽ thấy mình quá yếu đuối, bất toàn, đầy những tính hư nết xấu. Một khi đã nhìn ra con người thật của mình thì chúng ta phải thật lòng sửa mình, đổi mới con người mình cho nên hoàn hảo. Với cái nhìn thẳng thắn và thành thật đó, tự nhiên chúng ta sẽ có thái độ khiêm nhường trước mặt Thiên Chúa và trước mặt người ta.
Chúng ta cũng thường theo con đường của Adong tưởng rằng khẳng định được mình khi nâng mình lên trước mặt những người khác. Những cái “mình” mà ta khẳng định ấy chỉ là những dáng vẻ bề ngoài chứ không phải là bản thân đích thực của ta.

3. Phải luyện tập nhân đức khiêm nhường:

Chúng ta thường hiểu sai về khiêm nhường. Khiêm nhường không phải là tự coi mình không có giá trị. Trái lại, khiêm nhường là biết nhìn nhận những gì mình có được là do ân sủng Chúa ban, rồi biết dùng những ân huệ này để phục vụ tha nhân.
Khiêm nhường không phải là coi thường bản thân, cũng không phải dám nhận trách nhiệm làm người và làm con Chúa. Khiêm nhường lại càng không phải là làm sao cho người khác chú ý và biết ta đây là kẻ hạ mình xuống như tôi tớ.
Nhân đức khiêm nhường là nhân đức cần thiết để giúp mỗi người tự thăng tiến bản thân và xây dựng mối hiệp thông trong cuộc sống của mỗi người. Chính Chúa Giêsu khi xuống thế làm người đã sống trọn vẹn nhân đức này: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa ấy thế mà Người đã khiêm nhường không nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế”. (Pl.2,6-7). Sau khi đã làm gương khiêm nhường, Chúa Giêsu mời gọi mọi người: “Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường.” (Mt.11,29).
Thiên Chúa nói với con cái loài người như cha răn dạy con trong sách Huấn ca rằng: “Càng làm lớn, con càng phải tự hạ” (Hc.3,18). Ai sống tự hạ là đang sống đẹp lòng Thiên Chúa (Hc.3,18). Chính Thiên Chúa được tôn vinh nơi những người sống khiêm nhường (Hc.3,20). Ngược lại, kẻ sống kiêu ngạo thì không đẹp lòng Thiên Chúa mà nguy hại hơn nữa là khi họ gặp khốn cùng thì vô phương cứu chữa. Sự vô phương ở đây là tính kiêu căng đã ăn rễ sâu trong lòng họ (Hc.3,27), khiến họ không hối lỗi ăn năn ngay cả khi đến giờ lâm tử.
Thánh Phaolô tự cho mình :"Tôi là kẻ rốt hèn trong các tông đồ và tôi không đáng được gọi là tông đồ... Nhờ ơn Chúa mà tôi được như ngày nay". (1Cr.15,9-10)
Có câu mà người đời thường nói: "Chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng" để răn dạy những kẻ hách dịch. Ngày nay, có rất nhiều người mắc phải căn bệnh tai hại này. Họ mới thành công chút đỉnh thôi thì đã vênh vang tự đắc. Vừa có chút quyền hành đã kênh kiệu ta đây.

4. Những ích lợi của người khiêm nhường:

Ai ai cũng yêu thích kẻ khiêm nhường: Người sống khiêm nhường càng ngày càng có thêm nhiều bạn hữu; trong khi người kiêu ngạo càng ngày càng thêm kẻ thù.
Tính khiêm nhường giúp một người nhìn thấy những cái hay, cái tốt của người khác để học hỏi và thăng tiến bản thân; trong khi người kiêu ngạo lấy mình như thước đo để đánh giá người khác, khi cho mình là quá đủ, không cần phải học nơi người khác.
Người khiêm nhường biết nhìn nhận các tật xấu của mình để sửa đổi, vì thế càng ngày càng tiến trên đường nhân đức; trong khi người kiêu ngạo không tự nhìn thấy mình có gì cần sửa, nên càng lún sâu thêm trong tội.
Người khiêm nhường luôn ưa thích lắng nghe, vì vậy càng ngày họ càng có thêm nhiều kiến thức; trong khi kẻ kiêu ngạo luôn muốn phô trương.
Một người khiêm nhường thật sự không cần tự hạ mình xuống trước mặt mọi người, không cần đánh giá thấp bản thân, mà là biết nhận định trung thực về giá trị của bản thân về cả ưu điểm và khuyết điểm của mình. Hơn thế nữa là người khiêm nhường thật sự biết nhìn nhận giá trị của người khác. Qua đó, người khiêm nhường thật sự biết bày tỏ sự tôn trọng và lòng quan tâm đến mọi người chung quanh, biết đặt những nhu cầu, quyền lợi và hạnh phúc của người chung quanh lên trên nhu cầu, quyền lợi và hạnh phúc riêng của mình với cách sống: “Mình vì mọi người ”.
Khiêm nhường là biết “tự hạ mình một cách thực sự trong lòng”. Mình có mà xem như mình không có; mình đầy đủ mà xem như mình thiếu kém; mình học thức nhiều nhưng vẫn học hỏi ở người ít học; mình tài năng nhưng vẫn học hỏi ở người ít tài năng. Ngạn ngữ Anh có câu : “Tri thức làm cho người ta khiêm tốn, ngu si làm cho người ta kiêu ngạo”. Nói tóm lại dẫu chúng ta có chút ít tài năng cũng không nên kiêu ngạo. Kiêu ngạo là một thói xấu đến nỗi người ta có câu :“Ai mà kiêu ngạo thì họ sắp đến bước đường cùng”. Do đó người kiêu ngạo thì không học hỏi thêm được bất cứ điều gì và tai họa đang đến với họ là điều hiển nhiên. Người giỏi còn có người khác giỏi hơn :“Cao nhân tắc hữu cao nhân trị”.
“Khiêm nhường là phương thế quan trọng để yêu mến Thiên Chúa. Chính sự kiêu căng của chúng ta ngăn trở chúng ta nên thánh. Kiêu căng là xâu chuỗi của mọi nết xấu, khiêm nhường là xâu chuỗi của mọi nhân đức”.
“Đức khiêm nhường cũng giống như một chiếc cân: ta càng hạ mình phía bên này thì càng được nâng lên phía bên kia”. (“Những tư tưởng chọn lọc của Cha Thánh xứ Ars”- Janine Frossard; ĐGM Mt. Nguyễn Văn Khôi chuyển ngữ, 2008, tr.36, số 12)
Người ta hỏi một vị thánh : nhân đức đầu tiên là gì, ngài trả lời: “Đó là đức khiêm nhường”- “Và nhân đức thứ hai ?”-“Đức khiêm nhường”-“Còn nhân đức thứ ba ?”-“Đức khiêm nhường”. (SĐD, tr.108)
Chớ gì mỗi người trong chúng ta đừng bao giờ vênh vang, tự đắc mà hãy giữ đức khiêm nhường làm kim chỉ nam cho cuộc sống.

Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 18
  • Khách viếng thăm: 16
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 5942
  • Tháng hiện tại: 123234
  • Tổng lượt truy cập: 12267494