Trang mới   https://gpquinhon.org

Đề tài học hỏi tháng 8 (tuần III)

Đăng lúc: Thứ năm - 15/08/2013 18:48

NHỮNG TRỢ GIÚP CHO VIỆC GIÁO DỤC ĐỨC TIN
Lời Chúa - Bí tích - Phụng vụ


TUẦN III (18/08/2013)
PHỤNG VỤ VÀ GIÁO DỤC ĐỨC TIN (1)


Trong Hiến chế về Phụng vụ Thánh số 7, Công đồng Vaticanô II định nghĩa Phụng vụ là «việc thực thi chức vụ tư tế của chính Chúa Giêsu Kitô, trong đó công cuộc thánh hóa con người được biểu tượng nhờ những dấu chỉ khả giác và được thể hiện hữu hiệu cách khác nhau theo từng dấu chỉ, và trong đó việc phụng tự công cộng vẹn toàn cũng được thực thi nhờ Nhiệm Thể Chúa Kitô, nghĩa là gồm cả Ðầu cùng các chi thể của Người». Theo đó, rõ ràng phụng vụ không phải như nhiều người hiểu đó là những nghi thức, lời nguyện được xếp đặt theo một trật tự nhất định và được bề trên có thẩm quyền ấn định để thi hành.

Trong Hiến chế về Phụng vụ Thánh số 10 Công đồng khẳng định:«Phụng vụ là tột đỉnh mà mọi hoạt động của Giáo Hội qui hướng về, đồng thời là nguồn mạch tuôn trào mọi năng lực của Giáo hội». Vì thế phải xác quyết ngay rằng phụng vụ cũng chính là nguồn mạch và tột đỉnh cho việc giáo dục và nuôi dưỡng đức tin.

Ở đây xin đề cập một vài khía cạnh liên quan giúp ta thấy rõ vai trò giáo dục và nuôi dưỡng đức tin qua phụng vụ

1. Phụng vụ là nguồn mạch nuôi dưỡng và giáo dục đức tin

Lời Chúa không chỉ được ghi chép trong Thánh kinh, một phần còn được lưu lại dưới hình thức truyền khẩu. Lời Chúa còn được Giáo hội đón nhận và diễn tả trong đời sống phụng vụ của mình. Mà điều gì Giáo hội đã sống thật trong lời cầu khẩn của mình thì điều đó cũng thuộc về lãnh vực đức tin. Các bản văn và kinh nguyện phụng vụ rất phong phú về mặt giáo huấn. Cuộc canh tân phụng vụ sau Công đồng Vatican II khiến cho phụng vụ trở nên linh động, hấp dẫn và có giá trị sư phạm rất cao. Đặc biệt các chu kỳ phụng vụ thay đổi sẽ là nguồn mạch cung cấp đề tài và cơ hội để nuôi dưỡng và giáo dục đức tin xuyên suốt cuộc sống Kitô hữu

2. Phụng vụ là tột đỉnh của huấn giáo

Các mầu nhiệm Kitô giáo được giáo huấn và cử hành trong phụng vụ. Do đó việc giáo dục đức tin và phụng vụ liên quan mật thiết với nhau. Nếu không thì việc tham dự phụng vụ sẽ nghèo nàn, máy móc với một mớ những nghi thức vô hồn trống rỗng. Muốn cừ hành mầu nhiệm cách trọn vẹn, linh động và ý thức, cần tìm hiểu ý nghĩa của mầu nhiệm. Ví dụ: Dạy về ý nghĩa của ngày lễ, các nghi thức, các lời đọc và cử chỉ….rồi biến những hiểu biết này thành hiện thực trong cử hành phụng vụ nhờ đó khơi lên lòng tin cậy mến. Và cũng nhờ đó, khi cử hành các mầu nhiệm  trong phụng vụ thì lòng tin cậy mến lại được nuôi dưỡng. Có thể nói được rằng sự tham dự phụng vụ trọn vẹn, linh động và ý thức là thước đo của việc giáo dục đức tin.

3. Tham dự trọn vẹn, linh động và ý thức

Theo Công đồng Vaticanô II, «cần phải hết sức để tâm lo cho toàn dân được tham dự trọn vẹn và linh động. Sự tham dự như thế là nguồn mạch đầu tiên trong việc canh tân và khôi phục giá trị cho phụng vụ thánh, và thiết yếu mà tín hữu phải đến để múc lấy tinh thần Kitô giáo đích thật; và vì thế, trong mọi hoạt động mục vụ, các chủ chăn phải nồng nhiệt dùng các phương thế sư phạm cần thiết để theo đuổi cho được sự tham dự tích cực ấy» (PV số14).

Khi dùng hai tiếng “tham dự” thì công đồng đã ngầm hiểu tính cộng đoàn trong cử hành phụng vụ. Nhờ bí tích rửa tội, người tín hữu thông phần vào ba chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương đế của Đức Kitô, đồng thời việc tham dự phụng vụ trở thành quyền lợi và bổn phận của người tín hữu.

Tham dự trọn vẹn, linh động và ý thức: người tín hữu không phải là người khán giả đến “xem lễ” nhưng phải phải tham dự cách chủ động như cùng đối đáp, cùng hát, cầu nguyện, đứng ngồi quỳ cho thích hợp, không tự cô lập mình, đặt mình ra khỏi cộng đoàn dù đang hiện diện giữa cộng đoàn. Dù cho các bí tích thông truyền ân sủng nhưng không có tính cách tự động đối với người tham dự và đòi hỏi họ cần có đức tin để việc lãnh nhận sinh hiệu quả. Đức tin nầy lại được nâng đỡ và sinh động nhờ những dấu chỉ liên hệ trong cử hành như lời nói, cử chỉ, nghi thức trong phụng vụ.

4. Thích nghi phụng vụ

Chúng ta thấy rằng theo công đồng Vaticanô II, Giáo Hội tôn trọng cũng như phát huy những vẻ đẹp tinh thần, những đặc tính của những dân tộc khác nhau. Theo đó, những tập tục của các dân tộc, không liên quan chặt chẽ đến những điều dị đoan và lầm lạc có thể được Giáo Hội nhận vào trong phụng vụ, miễn sao cho chúng hòa hợp với những nguyên tắc của tinh thần phụng vụ đích thực và chân chính.

Thư chung HĐGMVN năm 1980 số 11 có nêu lên ước vọng và nhiệm vụ của Giáo Hội Việt Nam «xây dựng trong Hội Thánh một lối sống và một lối diễn tả đức tin phù hợp với truyền thống dân tộc»

Do vậy trong các cử hành phụng vụ, đặc biệt liên quan hôn nhân, tang chế, lễ giỗ, nếu chúng ta thích nghi với những tập tục địa phương (dĩ nhiên phải được phép) thì sẽ vừa có sức nâng đỡ đức tin vừa có tác dụng truyền giáo rất tốt.
Tác giả bài viết: Lm. P.M. Hà Đức Ngọc
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 47
  • Khách viếng thăm: 44
  • Máy chủ tìm kiếm: 3
  • Hôm nay: 9679
  • Tháng hiện tại: 177226
  • Tổng lượt truy cập: 12466938