Trang mới   https://gpquinhon.org

Chúa Nhật II Phục Sinh

Đăng lúc: Thứ năm - 31/03/2016 18:36
CHÚA NHẬT II PHỤC SINH
LÒNG THƯƠNG XÓT
 
Kính thưa…..
 

Ngày Chúa nhật II Phục sinh hôm nay, các bài đọc nói chung, đặc biệt sách Công vụ Tông đồ, ghi lại những “dấu lạ điềm thiêng” được thực hiện trong dân như những bằng chứng cho chúng ta thấy Chúa Giê-su đã thực sự sống lại; đồng thời trong năm thánh Lòng Thương Xót, chúng ta hãy nhìn thấy nơi đây Thiên Chúa tỏ bày lòng thương xót đối với những người ‘cứng lòng’ và‘cố chấp’ trong đời sống đức tin!

I- Bằng dấu hiệu nào ta nhận ra Đức Giê-su?

Trong tuần tĩnh tâm Linh Mục Giáo phận Qui nhơn năm 2016, Đức Cha Matthêu có kể câu chuyện như sau: Trong giờ giáo lý, cô giáo lý viên hỏi các học sinh:
  • Chị đố các em: Nếu 12 người đàn ông đều ăn mặc như nhau, hóa trang như nhau - trong đó có Chúa Giê-su -  thì làm sao nhận ra Chúa Giê-su trong số 12 vị ấy? Cuối cùng có em giơ tay trả lời: “Tìm xem người nào có mang thương tích”!
Câu trả lời chính xác… Chúng ta nhớ lại điều kiện mà thánh Tông đồ Tô-ma đã nói trong đoạn Tin mừng mà chúng ta vừa nghe. Trước lời nói của anh em mình: “Chúng tôi đã được thấy Chúa” ( Ga 20,25), Tô-ma vẫn cứng cỏi đáp lại: “ Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người” ( Ga 20,25); và còn hơn thế nữa: “ Nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cành sườn Người, tôi chẳng có tin” (Ga 20,25). Theo đòi hỏi của Tô-ma: “có thấy thì mới tin” ! Có nhất thiết như vậy không? Thử hỏi trong cuộc sống có biết bao điều chúng ta không thấy mà vẫn phải tin như là: có dòng điện trong dây điện, con người có trí khôn, hay là có nhân vật nọ, nhân vật kia trong lịch sử dù không thấy…

Trong lịch sử Giáo Hội đã có hàng vạn, hàng triệu người dám chết vì Đức Tin. Chỉ nội lịch sử Giáo Hội Việt Nam trải qua sáu triều Vua: Trịnh, Nguyễn, Tây Sơn, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, đã có hơn 100 ngàn Đấng Tử Đạo được ghi nhận trong sổ sách, trong số này, có 58 Giám mục và Linh mục ngoại quốc thuộc nhiều nước như Pháp, Tây Ban Nha, Bồ đào Nha, Hà Lan, Italia, 15 Linh mục Việt Nam, 340 Thầy Giảng, 270 Nữ tu Mến Thánh Giá, 99.182 Giáo dân. ( baoconggiao.com/vi/news/…). Chúng ta nhớ lại điều được ghi trong Sứ vụ Tông đồ: “Sa-un, Sa-un tại sao ngươi bắt bớ Ta” (Cv 9,4). Điều đó có nghĩa: kẻ nào bắt bớ các ki-tô hữu là bắt bớ chính Chúa. Và như thế, chúng ta có thể nói : Đó chính là những thương tích trên thân thể Chúa Ki-tô mà Chúa đã cho những người cứng lòng tin như Tô-ma thấy để mà tin!.

Thoả mãn đòi hỏi của Tô-ma như điều kiện tiên quyết để tin, chứng tỏ Chúa Giê-su đã vì lòng thương xót mà ‘chiều’ Tô-ma! Qua sự kiện này, chúng ta có thể nói: Chúa xót thương Tô-ma vì muốn cứu rỗi Tô-ma cùng những kẻ cứng lòng tin như Tô-ma! Để in dấu ấn sâu đậm Lòng Thương Xót Chúa, chúng ta hãy suy niệm lòng thương xót Chúa qua Đại lễ kính lòng thương xót Chúa trong Năm Thánh Lòng Thương Xót.
 
II- Đại lễ kính lòng thương xót Chúa trong Năm Thánh Lòng Thương Xót:

a/ Đại lễ Lòng Thương Xót: Bản tin Vietcatholic ngày 04.7.2015 viết: “Để vinh danh và phổ biến cho mọi người qua mọi thế hệ, lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa, Đức Gioan Phaolô II đã nâng nữ tu Faustina Helena Kowalska (Maria Faustina Thánh Thể, người đã được Chúa Giêsu mạc khải lòng thương xót của Thiên Chúa suốt từ năm 1931 đến khi chị qua đời năm 1938) lên hàng chân phước vào Chúa Nhật thứ II Phục Sinh, 18.4.1993.

Bảy năm sau, cũng chính Đức Gioan Phaolô II tôn phong người nữ tu thánh thiện, người được Chúa chọn làm tông đồ của lòng Chúa thương xót, lên bậc hiển thánh ngày 30.4.2000, cũng là Chúa Nhật thứ II Phục Sinh. Cùng lúc, thánh nhân chính thức thiết lập lễ kính lòng Chúa thương xót trong khắp Hội Thánh Công Giáo vào Chúa Nhật II sau lễ Phục Sinh theo đúng yêu cầu của Chúa Giêsu mà Chị Faustina đã ghi trong nhật ký (NK) của mình: “Cha mong ước Chúa Nhật sau lễ Phục Sinh sẽ là ngày đại lễ kính lòng thương xót Cha” (NK số 299).

Về phần Đức đương kim Giáo Hoàng Phanxicô, chẳng những ngài vẫn thường nói đến lòng thương xót mà còn cho rằng mình cần phải làm một cái gì để tiếp tục truyền thống của các vị tiền nhiệm. Trả lời cho phóng viên tuần báo Croire, ngài nói: Đề tài Lòng Thương Xót ngày càng được nhấn mạnh trong đời sống xã hội kể từ Đức Phaolo VI. Và Dức Gioan Phaolo II đã nhấn mạnh điều này với Thông Điệp Dives In Misericordia (Thiên Chúa giàu lòng xót thương); rồi ngài phong hiển thánh cho nữ tu Faustina và thiết lập lễ kính Lòng Thương Xót Chúa vào cuối tuần bát nhật Phục sinh. …. Vì thế, việc nhấn mạnh Lòng Thương Xót không đến từ tôi, nhưng là lấy lại một truyền thống tương đối gần đây”. ( x. CGvDT số 252 tr 67-68)

b/ Năm Thánh Lòng Thương Xót mời gọi chúng ta “ hãy thương xót như Chúa Cha”. Lòng thương xót Chúa thể hiện qua lời Chúa đã phán: “Ta lấy mạng sống Ta mà thề: Ta đâu có muốn cho kẻ dữ phải diệt vong nhưng là muốn nó bỏ đường tà để được sống”! (x. Giờ kinh Phụng vụ mùa chay). Vì thế, đối tượng của lòng thương xót Chúa có thể được liệt kê từ bản kinh Năm Thánh như sau:  “….Ánh mắt đầy yêu thương của Chúa đã giải thoát ông Zakêu và thánh Matthêu khỏi ách nô lệ bạc tiền; làm cho người đàn bà ngoại tình và thánh Mađalêna không còn tìm hạnh phúc nơi loài thụ tạo; cho thánh Phêrô khóc lóc ăn năn sau khi chối Chúa, và hứa ban thiên đàng cho kẻ trộm có lòng hối cải.” Một cách vắn tắt, đối tượng của lòng thương xót Chúa là tất cả những người tội lỗi, mà tượng trưng là Zakêu và Matthêu, người đàn bà ngoại tình và Mađalêna, Phêrô và người kẻ trộm…cả tôi nữa vì tôi cũng là kẻ có tội như lời Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời phỏng vấn dành cho tuần báo Croire: “ Tôi là người tội lỗi mà Chúa đã nhìn với lòng xót thương, …tôi là người được tha thứ, Thiên Chúa đã nhìn tôi với lòng thương xót và đã tha thứ cho tôi”! ( x. CGvDT số 252 tr 69).
 
Kính thưa….
 

Trong bối cảnh Năm Thánh Lòng Thương Xót, các bài đọc của thánh lễ hôm nay mời gọi chúng ta hãy thương xót như Chúa Cha, “Đấng đầy lòng nhân hậu” (Eph 2,4), Người là “Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín” (Xh 34,6) và thúc giục chúng ta hãy thể hiện lòng nhân hậu Chúa theo gương Đức Giê-su - Dung nhan hữu hình của Thiên Chúa vô hình - để những ai nhờ vào lời nói và công việc của Ngài, nhờ vào toàn bộ cuộc hiện sinh của Ngài mà được cứu rỗi.  Khi thực hành điều ấy, chúng ta trở nên chứng nhân của Thiên Chúa giàu lòng thương xót và làm cho mọi người nhìn thấy sự dịu dàng của Thiên Chúa đối với mỗi người chúng ta.  Cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô, chúng ta cũng hãy nói lên lời này: “Tôi là người kém may mắn, nhưng Chúa vẫn thương tôi, và như vậy cả tôi cũng phải yêu thương người khác như thế!” ( x. CGvDT số 252 tr 71).
 
 
 
                                                                                                                             
Tác giả bài viết: Lm. Giacôbê Đặng Công Anh
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 90
  • Khách viếng thăm: 49
  • Máy chủ tìm kiếm: 41
  • Hôm nay: 9758
  • Tháng hiện tại: 17389
  • Tổng lượt truy cập: 12307101